CHIỀU NAY
SƯƠNG KHÓI LÊN KHƠI
Truyện ngắn của Vũ Thiện Khái
Chiều nay trên bến muôn phương
Có thuyền viễn xứ nhổ neo lên đường
Phạm Duy - Hồ Huyền Chi
Trưa chủ nhật tuần trước bà Bình bị một cơn đau bụng quằn quại. Từ khoa cấp cứu, bà được chuyển vào khoa nội bệnh viện Chợ Rẫy, rồi lại chuyển sang bệnh viện K. Mới nếm mùi con bệnh mấy ngày, bà đã thấy từng giây, từng phút trôi đi thật nặng nề, chậm chạp. Chiều qua nghe thông báo sáng mai được về nhà, bà mừng như nhặt được vàng, suốt đêm cứ thấp thỏm mong trời mau sáng. Đêm nằm năm ở, các cụ nói không sai. Thôi, cứ về nghỉ ngơi ở nhà mình cái đã, còn sống chết phó mặc cho số phận. Ông Giời đã bắt thì chui xuống lỗ nẻ cũng chẳng thoát. Nghĩ vậy, tự dưng lòng bà nhẹ tênh tênh. Đứa con gái lớn công tác trên thành phố, năn nỉ bà ở lại nhà nó tĩnh dưỡng ít ngày, bà không chịu. Nó đành bảo chồng lái xe đưa bà về quê. Gọi là quê, thực ra chỗ ấy chỉ là nơi mấy chục năm trước ông Bảo, chồng bà, được điều động về bộ chỉ huy quân sự một tỉnh phía Nam, mến miền đất cây cối tốt tươi, dân tình hiền hòa, ông bàn với bà chuyển hộ khẩu cả nhà vào trong đấy. Nghe ông điện về, có một trường cấp hai gần doanh trại sẵn sàng nhận bà vào dạy học. Đắn đo mãi rồi bà cũng thuận theo ý chồng. Tới lúc hai người nghỉ hưu, ông bà không quay về quê ngoài Bắc nữa. Thấm thoắt đã sắp hết đời người.
Mặt đường cao tốc phẳng lỳ, xe chạy êm ru, máy điều hòa vặn nút lạnh vừa phải. Bà nhắm mắt thiu thiu chập chờn được vài tiếng đồng hồ, lúc dựa lưng vào thành ghế sau, lúc dựa vai chồng. Ông ấy nay đã ngoại bẩy mươi rồi, mái đầu trắng phớ cứ gật lên gật xuống thật tội nghiệp. Đến lúc cổ họng nôn nao muốn ói, bà định nhờ ông lấy cho cái túi nylon, thì xe đã từ từ vào giữa sân nhà, rồi dừng sát bậc thềm. Ông Bảo choàng dậy, ngồi chờ anh con rể nhanh nhảu từ buồng lái chui ra mở cửa xe, toét miệng cười, giơ tay chào kiểu quân sự: Hết tiền rồi. Mời hai thủ trưởng xuống xe. Ông ra trước, dìu bà bước lên mấy bậc thềm. Bà nhỏ nhẹ bên tai ông: Tôi khỏe nhiều rồi. Ông cứ để tôi tự đi được mà. Đứa con gái út nghe tiếng động, lật đật chạy ra, tay áo xắn cao quá khuỷu. Bà Bình thoáng nghĩ, nó đang bận đun nấu gì trong bếp đãi mẹ đây. Quên khuấy hai bàn tay vừa rửa vội còn ướt rượt, cô Lành thận trọng đỡ nách mẹ thay cha. Lòng bàn tay cô ấp vào lưng mẹ đụng phải mấy đốt xương sườn chồi lên sau tấm áo rộng thùng thình, cô suýt bật khóc. Nhớ lời cha dặn, cô gắng hé môi tạo ra nụ cười nửa miệng: Con đã bảo mà, đến bệnh viện, bác sĩ cho thuốc, mẹ sẽ khỏi ngay tắp lự, mẹ cứ không chịu đi. Bà se sẽ nắm tay con: Ừ, ừ, mẹ cám ơn con. Biết vậy đi sơm sớm cho đỡ khổ.
Bác sĩ hai nơi đều bảo bà bình thường. Nhìn vào mắt họ, bà biết họ đang cố tình giấu giếm điều gì. Bà dư biết, chả có ông thày thuốc nào lại nói với bệnh nhân: Ca này bó tay rồi. Chồng bà, hai đứa con gái bà, cả anh con rể nữa đều phụ họa theo lời bác sĩ, cười nói cứ như không: Ôi dà, bà chẳng mắc chứng nan y gì, chỉ là đau chút chút, mệt chút chút do tuổi già vậy thôi. Đã vài năm nay thường xuyên bấm bụng chịu đựng những cơn đau âm ỉ, bà ngờ khối ung thư trong buồng ngực mình đã tiến triển đến giai đoạn cuối rồi. Từng là giáo viên dạy sinh học mấy chục năm, lục phủ ngũ tạng con người ta bà hiểu rõ ngọn ngành. Nên bà biết thời gian được sống cùng chồng con và các cháu chẳng còn nhiều nhặn nữa. Thôi thì cứ giả vờ tin lời con cái cho chúng nó yên lòng. Đến lúc này bà mới thấy tiếc, giá thời trẻ cứ liều đẻ thêm vài đứa nữa, bây giờ chúng chia nhau gánh vác công việc săn sóc bà, phụng dưỡng bố già thì đỡ biết nhường nào. Đằng này, sau, trước cũng chỉ trần chi chi hai đứa, lại đều là phận gái, đã bận việc cơ quan, lại bấn bíu lo toan đủ việc cửa nhà. Thương con đứt ruột, bà cũng chỉ biết ém chặt trong lòng. Sinh hai con gái trong giai đoạn đất nước sắp bước vào cuộc chiến tranh sinh tử, bà đặt đứa đầu tên Yên, đứa sau tên Lành. Yên lành là mong ước thiết tha của bà, cũng như của bao nhiêu phụ nữ thế hệ bà thời ấy. Có lẽ ông trời đã thấu tấm lòng bà, nên sau cơn binh lửa, ông Bảo được yên lành trở về. Bây giờ con Yên công tác trên thành phố Hồ Chí Minh, năm nay đã gần năm chục tuổi rồi, tuổi ấy đâu còn khỏe nữa. Vậy mà tuần nào nó cũng se sái vượt đoạn đường hơn trăm cây số về Tây Ninh với mẹ hai ngày thứ bẩy và chủ nhật. Con Lành ở chung nhà với vợ chồng bà. Chồng nó còn tại ngũ đóng ngoài hải đảo, biền biệt năm được về nghỉ phép mươi ngày, năm không, coi như chẳng đỡ đần được gì cho vợ. Ngày hai buổi đến cơ quan, trưa về nó lại tất bật cơm nước, lau nhà, giặt giũ, tối đến ngồi xoa lưng đấm chân cho mẹ. Được bàn tay con xoa bóp, bà thấy đôi phần dễ chịu. Xót con mệt nhọc, muốn cho nó nghỉ ngơi sớm, bà hẩy tay nó: Mày làm tao đau thêm. Nó cười cười nhăn nhăn sống mũi, y như hồi đang tuổi mẫu giáo: Nhìn mặt mẹ, con biết mẹ đỡ đau. Mẹ nói dối. Không lừa được con đâu. Cha bố cô, chỉ được cái tinh ý như con cáo ấy. Cứ nghĩ đến một ngày sắp tới, mình phải bỏ nó mà đi mãi, không còn những buổi tối mẹ con âu yếm nhau như thế này nữa, bà Bình không ngăn nổi hai hàng nước mắt. Bà đã ý tứ quay mặt về phía tối, không nấc lên thành tiếng, nhưng hai vai cứ rung lên nhè nhẹ. Con gái bà cũng vờ như không biết, vờ làm bộ ngạc nhiên: Mẹ thấy lạnh hay sao mà run vậy? Bà Bình quơ tay ôm lưng con. Toàn thân con gái run rẩy trong vòng tay yếu ớt của bà. Biết nó khóc thầm nhưng bà vẫn vờ hỏi: Con cũng lạnh sao? Lúc sau nó kìm lòng hỏi nhỏ: Sáng mai mẹ muốn ăn bún bò Huế không? Cho mẹ cốc sữa được rồi. Mẹ ít vận động, ăn thứ nhẹ cho dễ tiêu. Bố con dạo này coi bộ gầy ốm quá. Nhớ lo bữa sáng chu đáo cho ông ấy. Canh riêu nhớ bỏ ít muối thôi, ăn mặn có hại cho tim mạch người già con ạ.
Ngồi một mình trong bóng tối ngoài phòng khách, hai bàn tay ông Bảo ôm gọn chén trà nghi ngút khói. Đến lúc nước trong lòng chén lạnh tanh ông cũng chả uống ngụm nào. Ông nghe thấy hết mọi lời vợ ông và con gái thút thít hằng đêm. Người lính gan góc một thời, từng vào sống ra chết, chẳng nhớ hết đã tham gia bao nhiêu trận đánh, bây giờ cam chịu chùng xuống, giấu vợ, giấu con, tối tối âm thầm ứa hai dòng lệ. Nhiều đêm dài, lúc thức cũng như lúc ngủ, bao chuyện xưa kia cứ vu vơ vô thức hiện về. Ngày ấy, sắp kết thúc khóa sĩ quan lục quân, nhà trường cho học viên nghỉ mấy ngày. Ông tranh thủ tạt qua nhà. Giữa trưa nắng như đổ lửa, ông khoác ba lô về tới cổng thì gặp con Yên chưa đầy bẩy tuổi, mặt mũi đỏ xầy đỏ xuộc, áo hở rốn, hai bàn tay bé bỏng giơ cao giữ rổ rau lang đội trên đầu, hai bàn chân trần lũn tũn những bước ngắn trên mặt đường cát bỏng. Ông vội chạy đến, ngồi thụp xuống, một tay nhấc rổ rau lồng phồng ngọn dài, ngọn ngắn nghều ngoào, một tay ôm con vào lòng. Ông muốn lấy bóng mình che nắng cho con, nhưng đang chính ngọ, thành thử cả hai bố con cùng chịu mặt trời dọi thẳng đỉnh đầu. Sống mũi cay cay, cổ họng nghèn nghẹn muốn kêu trời, may ông ghìm được: Nón mũ đâu mà con tôi dãi nắng thế này. Chả biết gì đến cảm xúc của ông, nó hồn nhiên quệt mồ hôi ròng ròng hai má, rồi dẩu đôi môi con trẻ thỏ thẻ vào tai bố: Đi lúc giữa trưa nắng mới không bị các ông bảo vệ nông đuổi về bố ạ. Ngọn rau lang luộc chấm mắm cáy ngon lắm. Mẹ bảo phải ăn nhiều rau xanh mới chóng lớn. Hai bố con nắm tay nhau vào đến giữa sân, lúc ấy ba gian nhà tranh im ắng như tờ. Vợ ông đang giữa buổi dạy học chưa về. Ra bến ao, ông đứng nín lặng nhìn mẹ ông đang sắn quần lội ven mép nước ngập qua đầu gối. Một bàn tay bà cầm cây sào tre khều khều hú họa, một bàn tay sờ sẫm vớt từng cụm bèo cái bỏ vào miệng rổ. Rổ đầy, bà quờ quạng chống cây sào, lẩy bẩy lần về phía cầu ao. Muốn chào hỏi mẹ, nhưng ông không cất được nên lời. Đứng sau ông, con bé nhanh nhẩu gọi bà: Bố con đã về bà ơi. Mẹ ông giật mình hướng đôi mắt đục lờ cùi nhãn về phía ông: Ối giời ơi, con ở nhà được lâu không? Vợ anh cứ ngăn không cho mẹ lội xuống ao, nhưng thương nó mỗi ngày hai tay trăm việc, mẹ ngồi một chỗ không đành.
Trưa ấy vợ ông về muộn. Vừa vội vã nấu cơm, vợ ông vừa kể buổi họp công đoàn nhà trường kéo dài cả tiếng đồng hồ vẫn chưa thống nhất được phương án chia nhau mấy mặt hàng phân phối. Nhu cầu thiết yếu ai cũng thiếu, số lượng ngọ ngằn không đủ cho mọi người. Chả ai chịu nhường ai. Đành làm phiếu rút thăm, trúng gì mua nấy, khỏi thắc mắc. Kết quả thật bi hài, thày giáo chưa vợ thì rút được hai mét vải màn vệ sinh phụ nữ. Cô giáo chưa chồng rút được chiếc áo may ô đàn ông… Tan cuộc ai nấy đỏ mặt cười xòa rồi xí xóa nhường nhau vô cùng thân ái. Dứt chuyện, vợ ông kết luận: Cái dân mình nó vậy anh ạ. Thấy thương ghê. Đến bữa cơm, ông hỏi sao không đến nhà trẻ đón con Lành? Mẹ ông bảo: Để nó ở đấy cả ngày kiếm bữa cháo dinh dưỡng hợp tác xã nuôi các cháu, chiều tối tan trường mẹ nó tạt vào đón con một thể. Chiều ấy ông mải dọi lại mái chuồng lợn nhiều chỗ rạ đã mòn cùn trơ cả đòn tay tre, quá cả giờ đón con. Vợ ông cũng về muộn vì còn đợi mua phân phối năm chiếc bát sứ Hải Dương. Cô giữ trẻ phải dẫn con Lành trao tận nhà. Chưa qua khỏi cổng nó đã mếu máo ngọng nghịu: Bơm eng đâu, Bơm eng đâu? (Cơm em đâu) nghe mà xót ruột. Vậy mà bây giờ nó đã bốn chục tuổi rồi, con trai nó được nhà nước chọn đi du học bên châu Âu. Mấy năm nữa thôi, nó sẽ lên chức mẹ chồng. Không chừng đầu năm cuối năm đã được bồng cháu nội. Nghĩ tới đó, tự dưng lòng ông chùng xuống. Mới xa rời quân ngũ mươi năm, đi đứng chậm lại đã đành, nhịp sống của ông coi bộ đang dần chậm lại. Ngẫm câu bóng ngựa chạy qua cửa sổ, ông Bảo se sẽ buông một tiếng thở dài.
Ông Bảo cưới vợ được dăm năm, đứa con gái đầu lòng của ông lên ba tuổi thì mẹ ông mù hẳn. Căn bệnh quái ác này ở quê ông không hiếm. Cứ mươi gái làng dễ chừng sáu, bẩy cô mắt toét ba vành. Đến lúc tuổi già thì lòa hẳn. Ngày xưa các cụ bảo toét mắt bởi tại hướng đình. Nhưng ông biết bởi tại chẫm sáng chẫm tối họ phải cúi mặt trên cánh đồng thuốc lào. Cái giống tương tư thảo rất bình dân, rất xuề xòa hào phóng cho thiên hạ những cơn say nghiêng ngả, bao con nghiện đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên ấy, lại tiết ra nhiều chất độc hại cho những người gieo trồng nó, từ gáo phân tươi chứa nhiều vi trùng, từ khâu thu hái, sấy lá và thái ra từng sợi thuốc nhỏ, công đoạn nào đôi mắt người ta cũng bị ô nhiễm từng ngày . Mẹ ông bị mù là do vậy. Nhưng bà phát bệnh sớm hơn người khác, có thể do bà khổ nhiều, khóc nhiều khiến đôi mắt sớm mất đi ánh sáng cũng nên. Thời kháng chiến chống Pháp, cha ông bí mật tham gia Việt Minh, được tổ chức cài vào chân lính dõng trong dinh quận trưởng. Bao nhiêu tin tức tình báo đều do bố ông cung cấp. Một lần ta tấn công dinh quận trưởng, cha ông cảm tử mở cổng đồn, vướng đạn hy sinh. Năm ấy ông lên mười tuổi. Sau hòa bình 1954, cha ông được chính quyền xác nhận công lao, được vinh danh liệt sĩ, được cấp bằng Tổ quốc Ghi Công.
Bây giờ, chiều thứ bẩy nào con Yên cũng lái xe về thăm mẹ. Cơm tối xong, hai đứa hỏi ông qua loa vài câu rồi vào buồng quấn quýt với mẹ già. Đang giữa mùa mưa, gió đưa hơi ẩm vào đầy nhà. Người khỏe còn cảm thấy khó chịu, huống hồ người bệnh. Con Yên đấm lưng, con Lành xoa bóp hai cánh tay mẹ. Còn bà thì nén đau rủ rỉ hỏi con, dặn con, cứ như là những lời trăn trối cuối cùng: Mẹ hỏi hai đứa, trong ngăn tủ đứng, bố mày quý nhất thứ gì, biết không? Con Lành láu táu nói đại: Chiếc ba toong và cái mũ phớt hai thằng cháu ngoại mới gửi về biếu ông phải không mẹ? Con chị chín chắn hơn: Con đoán cái bi đông bị thủng hai lỗ đạn bố mang từ chiến trường về. Nghe vậy, bà Bình thủ thỉ với con mà như nói với mình: Những thứ ấy bố con đều quý cả, nhưng bộ quân phục, chiếc mũ gắn sao, và cặp quân hàm đại tá thì không gì sánh được. Bố già rồi, lãng tính rồi, các con phải luôn để mắt đến mấy thứ ấy thay mẹ, nhà mình nhiều gián, chuột, nó ngứa răng cắn thủng thì ông ấy buồn lắm đấy. Mỗi lần được mời về đơn vị cũ dự những hội nghị quan trọng, bố con đều trịnh trọng khoác nó lên người. Đứng trước gương ông nghiêm nghị bảo mẹ: Đã mặc quân phục, đeo lon đại tá thì phải chỉn chu ra đại tá. Luộm thuộm một tí là vi phạm quân phong quân kỷ đó, bà hiểu chưa? Con em lanh chanh chất vấn: Vậy sao ngày thường bố cứ là xà bộ pi-ja-ma mấy ngày không giặt. Hôi xì. Ấy, mẹ muốn dặn các con thêm điều ấy đấy. Bố mày mồ hôi dầu, quần áo mặc một ngày đã bốc mùi hôi, người già lười tắm táp, giặt giũ, ở với bố hằng ngày, con Lành phải kheo khéo nhắc bố đấy. Hễ thấy thứ đồ nào hơi cũ là bí mật vứt đi, thay vào bộ mới. Bây giờ quần áo rẻ rề, nhưng cũng do chịu khổ sở thiếu thốn nhiều rồi, bỏ đi, bố con cho là phí của. Mẹ đem lau nhà chiếc áo may ô thủng lưng cũng cứ cẳn nhẳn hoài. À còn điều này nữa, bố mày tính nóng như lửa. Dạo này mười phần chỉ còn một vài thôi. Nhớ đừng bao giờ cãi lời bố đấy. Bố nói không đúng cũng cứ im lặng, kẻo bố con tức giận, huyết áp lên cao thì khổ lắm.
Lần khác, ông Bảo nghe bà vợ dạy con: Các chị là hư lắm đấy, không đứa nào có rổ đồ may. Cúc áo bị rớt, ống quần suột chỉ, chả lẽ vứt đi, hay tí chút cũng mang ra thợ. Rồi sau này có các cháu nhỏ nữa, chúng hiếu động, quần áo bị suột chỉ xẩy ra hằng ngày. Không nhớ ngày xưa tôi thức chả biết bao nhiêu đêm khâu vá quần áo rách toạc toài cho các chị sao? Con Lành cười nắc nẻ ngắt lời mẹ: Thời buổi toàn cầu hóa tới nơi mà mẹ còn khốt-ta-bít vậy. Cha bố cô, chúng tôi không khốt-ta-bít thì bây giờ thế hệ các cô có được như vầy. À, còn chuyện này mẹ muốn nhắc: Hai đứa còn nhớ thuở nhà mình còn ở ngoài quê, cái lần hai chị em lới quới ôm nhau sắp chết đuối dưới ao cạnh sân kho hợp tác ấy? Người nhảy xuống cứu các con là ông Quỳ đấy. Ông Quỳ đã mất gần chục năm rồi. Khi nào có dịp về quê, chị em con nhớ tìm đến thắp cho ông ba nén hương, Ơn cứu mạng trả mấy cho vừa. Hôm ấy con Lành uống đầy bụng nước, suýt chết. Cứ nghĩ đến, tim mẹ lại đau thon thót.
Mỗi chiều thứ bẩy con Yên bịn rịn chào bố mẹ rồi đánh xe về thành phố. Sáng thứ hai con Lành lo sữa cho mẹ, mua cho bố bữa sáng tô gì đó, rồi vội vã đến cơ quan. Ở nhà chỉ còn hai ông bà. Bà mệt thì ông vào buồng ngồi ké mép giường thù thì chuyện làng chuyện xóm. Bà đỡ đỡ thì hai người ngồi chung chiếc ghế đôi bên bàn nước phòng ngoài. Tuần trước bà làm bộ chợt nhớ ra, cầm tay ông hỏi: Ông nghe tin ông Hanh làng mình mới mất chưa? Ông cao giọng hỏi lại: Cái thằng Hanh chột ngày xưa theo đuổi bà chứ gì? Cái thằng chột thư ký ủy ban ấy, lúc tôi được đơn vị cử đi học sĩ quan, do ghen tức nó đã liều lĩnh giấu Đảng ủy phê vào lý lịch thẩm tra của tôi: Bố bị cách mạng xử trí vì tội làm tay sai chọ địch. Ngày ấy, bà và mẹ tôi không ra sức can ngăn thì tôi đã cho nó một trận chột nốt mắt kia rồi. Ông cứ nóng nảy sinh mất khôn, tính nào tật ấy. Sau vụ ấy, anh ta đã bị kỷ luật đuổi về làm dân cày rồi. Bây giờ đã chết rồi, ông còn để bụng làm gì. Tha thứ được thì cõi lòng thêm yên hàn, thanh thản ông ạ.
Trong cái hộp sơn mài bà Bình cất kỹ dưới đáy rương, có quyển nhật ký bà ghi tỉ mỉ từng ngày các con ngủ nghê, nhức đầu sổ mũi cùng bao chuyện ngô nghĩnh tuổi thơ, từ lúc chúng còn đỏ hoe hoe cho tới ngày chúng nhận được tháng lương đầu tiên, ngày chúng lấy chồng. Ở trong hộp ấy còn chiếc đồng hồ Poljot nữ của cô trung úy thông tin ông Bảo dẫn về thăm nhà năm xưa mà bà rất trân trọng giữ gìn, nước mạ vàng còn óng ánh. Ngày ấy, đời sống nhà nào cũng chật vật. Gặp khách, chẳng mấy ai có tiền đi chợ, đàn gà nhà bà chỉ có hai con, một gà mẹ đang nuôi mươi gà con mới nở, một con trống già sáng sáng gáy ó ò o báo thức. Bà đã giấu ông giết con trống đãi khách. Cái Yên năm ấy còn nhỏ quá, đã ngây thơ nói với cô trung úy trong bữa cơm chiều làm bà ngượng chín mặt: Vậy là sáng mai chú gà trống của cháu hết được ò ó o gọi cháu dậy sớm để chuẩn bị đi học rồi. Thương nó quá.
Bà chưa có cơ hội nói lời xin lỗi với cô bạn đồng ngũ của chồng, thì tờ mờ sáng hôm sau, ông Bình và cô trung úy đã vội vã từ biệt gia đình khoác ba lô lên đường cho kịp giờ tầu chạy. Dạy xong buổi sáng, về nhà bà Bình mới nhìn thấy lá thư và chiếc đồng hồ ấy để trên mặt bàn. Lá thư cô viết bóng gió, xin chị nhận của em chiếc đồng hồ này, coi như kỷ niệm của đứa em gái sắp đi xa. Ngày ấy bà chưa hiểu hết ý tứ, cứ cho là con Yên nói câu ấy làm cô phiền lòng. Mãi hơn chục năm sau, chồng bà lành lặn trở về, bà mới được ông kể rõ mọi chuyện. Hôm ấy, ban chỉ huy tiểu đoàn cử ông thay mặt đơn vị về cùng địa phương làm lễ truy điệu chồng chị trung úy ấy. Tiện đường, ông về từ biệt gia đình đi B. Hành quân vào Nam là bí mật quân sự, nên ông phải nén lòng làm như một cuộc thăm nhà bình thường. Hai năm sau cô Trung úy ấy đã anh dũng hy sinh. Từ đấy, trong thâm tâm bà đã coi cô là đứa em ruột thịt của mình, mỗi năm chưa bao giờ bà quên cúng giỗ.
Năm nay mưa muộn. Sang nửa tháng chín ta rồi mà còn vần vũ những đám mây đen trút mưa rả rích liên miên mấy ngày. Chiều nay trời tạnh ráo. Có chút nắng hanh phủ vàng ngọn cây bằng lăng ngoài cổng. Bà nhờ ông dìu ra trước nhà, hai người tựa vai nhau ngồi trên bậc thềm. Ngước mắt nhìn bầu trời quang mây, da trời đột nhiên xanh thắm đến lạ lùng, bà thì thầm: Bữa nay mới thứ năm, lòng dạ tôi cứ bồn chồn làm sao ấy. Ngày mai con Yên mới về, lâu quá. Ông bây giờ lãng tính nhiều rồi. Những ngày giỗ ông bà cha mẹ hai bên, tôi đã ghi hết vào cuốn sổ nhật ký cất trong cái hộp sơn mài ấy. Ông chép ra một tờ giấy lớn dán lên vách bàn thờ, để hằng ngày con cháu đọc thấy mà nhập tâm, kẻo quên giỗ thì mắc tội với Tổ Tiên. Cả ngày giỗ của cô trung úy em tôi nữa đấy. Ngừng một lát, giọng bà nhỏ dần: Tôi nhớ quê cha đất tổ vô cùng ông ạ. Muốn về thăm cố hương lần nữa, mà đau yếu thế này, sợ ngả bệnh nặng ở ngoài ấy thì khổ cả nhà. Ông vỗ lưng bà nhè nhẹ thay cho lời hứa hẹn. Chợt ông nghe tiếng bà đứt đoạn và nhẹ như gió thoảng: Tôi ra đi không cô đơn đâu ông ơi. Ai như vợ chồng em trung úy đang đợi tôi trên ngọn cây bằng lăng rực rỡ kia kìa.
Ông nhìn lên ngọn cây đầu ngõ, chỉ thấy đọng trên ấy loang loang nắng nhạt và những làn sương khói tim tím dâng đầy, nhè nhẹ bay lên, bay lên. Bên vai ông, mái đầu bà nặng dần, nặng dần. Trong vòng tay ông, thân thể bà lạnh dần, lạnh dần. Ông biết bà đã ra đi. Hồn bà đã nhẹ nhàng nhập vào sương khói. Chiều cuối thu hênh hểnh nắng vàng, vừa đẹp lạ lùng, vừa buồn ảo não. Cùng lúc ấy, từ khuôn cửa sổ nhà bên vọng đến tai ông giai điệu du dương vấn vít chuỗi ca từ buồn như sương như khói dâng ngập hồn ông nỗi niềm tiếc thương nhung nhớ mơ hồ: Chiều nay sương khói lên khơi. Thùy dương rũ bến tơi bời. Làn mây hồng pha ráng trời. Đà giang thuyền qua xứ người…
|
Người gửi / điện thoại