CHUYẾN ĐI NGA CỦA ĐOÀN NHÀ VĂN VIỆT NAM ( TIẾP)
30.V.
Quãng 1 giờ, Oleg đánh thức tất cả dậy. Đánh răng, rửa mặt. Đã sắp đến Ga VanĐai. Trời tối, có mưa lất phất. Cả nhóm lịch kịch xuống tàu. Hai ta xi đã chờ sẵn. Hiền, Ban, Tường một xe. Nho , Thảo và Oleg xe kia. Xe đi được một đoạn. Qua điểm bán thực phẩm phục vụ 24/24 giờ. Oleg ra hiệu cho xe dừng lại để vào mua thực phẩm. Đủ các thứ bia, bánh, cá, giò, rau quả. Tường, cùng Hiền và Oleg vào mua. Vũ Nho với anh Thảo ngồi trong xe tán chuyện. Ta xi đi chừng nửa tiếng gì đó thì đến nhà nghỉ của Oleg. Cả nhóm lại lịch kịch khuân đồ xuống. Ông tài xế khoe bắt được con rái cá để ở sau xe. Cả nhóm xúm vào xem. Ông tài xế tỏ ý sẵn sàng cho nếu các cô gái đồng ý nhận. Cả nhóm cám ơn. Con rái cá bị buộc trong khoang xe phía sau có lẽ đến bảy tám cân. Nhưng nhận con rái cá thì nuôi thế nào, cho ăn ra sao? Cám ơn là thượng sách.
Khuân đồ vào nhà gỗ của Oleg. Đúng là nhà nghỉ của Bá tước. Qua phòng ngoài, phòng giữa vào phòng trong. Cơ man sách vở. Mọi người uống chè nóng, ăn bánh rồi dọn chỗ nghỉ. Hai cô tiểu thư mỗi cô một buồng riêng ở tầng hai. Anh Thảo chọn đivăng tầng hai ( Vũ Nho nhận xét rằng Trưởng đoàn chọn chỗ đắc địa để canh gác và bảo vệ hai cô nương). Vũ Nho cũng có một phòng riêng ở tầng hai. Căn buồng riêng ở tầng ba để không. Hoàng Minh Tường và Oleg ngủ ở tầng một.
Khoảng 9, 10 giờ sáng thì dậy. Ban và Hiền chuẩn bị bữa ăn. Tường đi múc nước. Nho theo Oleg chở củi xuống đốt lò nhà tắm hơi để chuẩn bị cho buổi chiều. Anh Thảo cùng với các cô lo bày biện bàn ăn.
Buổi chiều Oleg đưa cả đoàn đi tham dự lễ hội lần thứ bảy cạnh cây thánh giá trong rừng.
Đây là lễ hội được tổ chức mỗi năm một lần. Lần này là lần thứ Bảy. Theo một bài báo mà Oleg viết trên tờ Văn học, khi quân Mông cổ đến đây, chuẩn bị tiến đánh Nopgorot thì xảy ra một sự kiện khiến chúng đột ngột rút lui. Lí do là quân sĩ bị sa xuống đầm lầy rất nguy hiểm. Đứa cháu gái của Thành Cát Tư Hãn bị chết đuối trên sông. Mặt khác, nội bộ có sự chia rẽ, lục đục. Đội quân xâm lược bỗng gặp cây thánh giá chính giáo Nga trong rừng. Có lẽ tin rằng đây là điềm báo không thể đi tiếp. Chủ tướng hạ lệnh quân sĩ quay về. Nhờ đó mà thành Nopgorot không bị quân Tác ta Mông cổ xâm lược.
Buổi chiều hôm đó nắng rất đẹp. Muỗi rừng nhiều vô kể. Những người tham dự đều cầm một cành cây xanh xua muỗi. Đây là nơi giáp ranh của ba huyện ( rai-ôn). Các vị quan khách lần lượt phát biểu. Mỗi vị đứng đầu huyện sau khi phát biểu xong đều giới thiệu đội văn nghệ của huyện mình biểu diễn. Oleg cũng phát biểu. Sau đó anh ta giới thiệu Đoàn nhà văn Việt Nam (lần đầu tiên có khách quốc tế đến dự Lễ hội).Anh Lê Văn Thảo phát biểu. Nguyễn Thị Kim Hiền dịch ra tiếng Nga. Anh nói đại ý vui mừng được tham dự lễ hội. Cả người Nga và người Việt xưa kia đều có chung kẻ thù là giặc Tac-ta Mông cổ. Chúng ta là bạn bè. Giặc Tác ta đã phải rút lui ở đất này. Chúng cũng ba lần bị đánh bại ở Việt Nam. Đặc biệt là trận chiến thắng lần thứ ba trên sông Bạch Đằng. Người Việt Nam đã dùng những cọc gỗ cắm trên sông. Khi nước lên, chiến thuyền quân giặc không nhìn thấy nên đã sa vào trận địa. Quân đội Việt Nam phản công, thuyền giặc bị va vào cọc vỡ và bị đắm. Hiện những cọc gỗ này vẫn còn lưu giữ ở Bảo tàng Lịch sử, ở Tỉnh Quảng Ninh là tỉnh kết nghĩa với thành phố Nopgorot. Chúng tôi rất vui mời các bạn Nga đến Việt Nam, thăm vịnh Hạ Long, kì quan thiên nhiên của thế giới và xem cọc gỗ Bạch Đằng.
Bài phát biểu của Trưởng đoàn Lê Văn Thảo được nhiệt liệt hoan nghênh. Nhóm Ban, Tường, Nho hát dân ca và bài hát Nga. Rồi cả nhóm kể cả Trưởng đoàn tham gia các trò chơi dân gian.
Y Ban hôm đó ăn mặc phong phanh nên hơi bị lạnh. Vũ Nho xui đến chỗ bếp than nướng thịt cừu cho ấm. Không những được ấm, tránh muỗi, Y Ban còn được vị đầu bếp hướng dẫn nướng thịt. Có lẽ nhờ vía của Ban nên thịt nướng bán chạy. Sau đó đầu bếp còn tặng một xâu thịt ngon nhất để cám ơn. Cả nhóm ăn nhẹ, uống rượu sau khi lễ hội kết thúc. Có thứ rau thơm mà Va-xi-a ( bạn của Oleg trồng) rất độc đáo. Gọi là rau anh ăn chị sướng. Cả trưởng đoàn, Oleg, Vũ Nho và Hoàng Minh Tường đều gật gù thưởng thức. Không rõ Oleg và Hoàng Minh Tường thế nào, chứ Trưởng đoàn và Vũ Nho thì cầm chắc là chẳng làm ai sướng cả!
Về trang trại Oleg. Tắm trong nhà tắm hơi đốt bằng củi. Hai tiểu thư tắm trước. Lượt tắm nam 5 người kể cả Va-xi-a bạn của Oleg. Chuyện tắm hơi này Vũ Nho không còn lạ. Hồi ở LêNingrat, cứ 3 tuần lại rủ Nguyễn Văn Khải, Đinh Trung Quỳnh ( Thái Nguyên), Nguyễn Việt Hải ( Hà Nội), Cao Gia Nức( Thái Bình) đi tắm. Tất nhiên, với dân Nga, đi tắm có nghĩa là nghỉ ngơi, mang cả bánh mì, giò, cá xông khói, rượu, bia vào nhà tắm. Xông hơi xong ngồi thư giãn, nhậu rồi tắm tiếp.
Hai ông bạn Nga và Vũ Nho tuân đúng luật đi tắm. Không vị nào có mảnh vải che thân. Hoàng Minh Tường và Lê Văn Thảo hoặc ngượng, mà cũng có lẽ là không biết luật nên diện quần đùi. Kết quả là cũng phải lột tuốt ra khi xông hơi. Va-xi-a lấy cành lá thơm phơi khô, nhúng nước cho mềm rồi đập lưng cho Vũ Nho. Hơi nóng ngùn ngụt. Cành lá thơm quất vào người làm cho mạch máu như dãn ra, người tựa như tỏa thơm…Thật là sảng khoái. Xông hơi chán chê thì có tiết mục chạy ra ngoài dìm người xuống hồ nước lạnh. Chẳng khác nào người ta tôi thép! Lạnh buốt. Mọi thứ đang nở ra bỗng co hết cả lại. Có cảm giác lạ kì. Như đánh mất tiêu những viên ngọc quý trong người! Chỉ nhúng một lát rồi lại vào nhà tắm. Không may, khi xuống hồ, mảnh chai hay vỏ sò làm chân Vũ Nho chảy máu. Thế là đành cầm máu và không xuống hồ “tôi thép” lần hai. ( Lại may mà anh Lê Văn Thảo có mang sẵn băng cá nhân. Vũ Nho lấy một miếng, dán vào chỗ ngón chân cái bị xước. Thế là ổn).
Tắm táp xong về nhậu. Các cô Hiền, Ban đã chuẩn bị bữa tiệc thịnh soạn. Va-xi-a người gác rừng là bạn học của Oleg mang đến dưa chuột tự muối, rượu tự nấu ngâm lá thuốc ngon tuyệt. Có lẽ cần phải nói một chút về Va-xi-a. Khi ba Oleg làm Giám đốc nhà nghỉ dưỡng Van Đai ( Dành cho cán bộ cao cấp của Liên xô) thì ba của Va-xi-a làm Đầu bếp trưởng của nhà nghỉ. Hai anh bạn cùng học trường phổ thông với nhau, chơi thân với nhau. Bây giờ tình cảm ấy vẫn gắn bó. Rượu ngon, thức nhắm ngon, người ngồi cùng ăn ngon, giờ ăn, chỗ ngồi ăn ngon. Cứ theo việc bàn về sự ngon của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu thì bữa tiệc tối ấy đáp ứng đủ các tiêu chuẩn. Vì thế mà uống rất vào. Xong lại còn hẹn quay trở lại Van Đai vào mùa Đông để đục băng câu cá. Oleg đem ra cái quần lùng thùng như quần phi công vũ trụ. Vũ Nho mặc thử và Y Ban chụp một kiểu ảnh độc nhất vô nhị về anh chàng Ninh Bình trong trang phục thợ câu!
M ột ng ày ở Van Đai
31.V. Đi thăm trại cá giống. Bên cạnh trại cá là Bảo tàng lịch sử Trại nuôi cá giống Nhikônxki đầu tiên ở Nga mang tên V.P. Vraxki. Bảo tàng đặt trong căn phòng của văn phòng Trại cá giống Nhikônxki ( tên làng đem đặt cho tên Trại), được xây cất trên khu nhà của điền trang dòng họ Vraxki. Phòng trưng bày bảo tàng chia làm hai gian chính. Ngay lối vào bên trái là thư phòng của Vladimir Pavlovit Vraxki, nơi thu thập những tư liệu về cuộc đời của người sáng lập trại cá giống và hoạt động của nó như trại nuôi cá đầu tiên của Nga. Sau khi tốt nghiệp đại học, chàng trai Vladimir Vraxki đã về quê và đầu tư vào việc nuôi cá giống. Ông đã khảo sát và xây dựng hệ thống liên hoàn nước tự chảy giữa các ao, hồ nuôi trong vùng. Những giống cá quý đã được nuôi thành công. Người sáng lập trại mất năm 33 tuổi trong một tai nạn nghề nghiệp do cảm lạnh, khi ông chưa kịp xây dựng gia đình.
Trong gian thứ hai – lịch sử trại nuôi cá từ cuối thế kỉ XIX đến nay. Phần trưng bày đầu tiên dành cho Oxakar Andreevich Grim, nhà động vật học nổi tiếng, người đặt nền móng cho khoa ngư loại học, lãnh đạo Trại cá giống 33 năm. Dưới sự quản lí của ông, Trại Nhikônxki trở thành địa chỉ kinh nghiệm tầm cỡ thế giới.
Chiếm vai trò đáng kể là các giá trưng bày tư liệu về hoạt động của Trại cá từ năm 1920 đến năm 1940 và sự khôi phục hoạt động sau chiến tranh. Số phận đặc biệt của các nhà lãnh đạo Trại cá và sự lao động tận tụy của họ đã cho phép giữ được Trại trong những năm gian khó nhất của đất nước.
Hoạt động của Trại nuôi cá giống hơn ba chục năm gần đây là phần trưng bày cuối cùng, kết thúc của Bảo tàng.
Sau khi xem bảo tàng, Trưởng đoàn Lê Văn Thảo ghi vào sổ Lưu niệm. Mọi người uống cà phê, ăn bánh. Cả đoàn tiếp tục thăm nghĩa trang của dòng họ Vraxki, xem nhà cầu nguyện do dân chúng tự đóng góp xây dựng. Rồi sau đó về nhà người bạn thân của Oleg để thưởng thức tiệc cá.
Ăn xúp cá và nhậu với cá xông khói ở cạnh bờ hồ ( một người bạn của Oleg chiêu đãi). Bàn tiệc bày giữa nắng mát mẻ dưới gốc bạch dương. Những con cá hồi thơm ngon được nấu xúp khoai tây với rau thì là thật hấp dẫn. Chủ nhà mang ra một xê-ri cá măng ( suka) và cá hanh (lin) mới xông khói. Hóa ra cá hanh ngon hơn cá măng một bậc. Thấy mọi người khen, chủ nhà lại hào phóng mang ra tặng. Kim Hiền nhận mang mấy con về Matxcơva để làm quà.
Chiều thăm Vườn quốc gia sinh thái Vanđai.
Vườn quốc gia Van Đai thuộc lãnh thổ tỉnh Nopgorot. Trong tọa độ 57 độ 25 và 58 độ 25 vĩ độ Bắc, 32 độ 40 và 33 độ 40 kinh độ Đông. Diện tích 1585 km vuông. Trong số 35 vườn quốc gia của nước Nga, Van Đai là vườn quốc gia trù mật nhất. Trong phạm vi của vườn quốc gia có 151 điểm dân cư, bao gồm cả thành phố Van Đai là thành phố trung tâm cấp huyện của tỉnh Nopgorot. Van Đai cách thủ đô Matxcơva 365 km, cách Xanh Pê tecbua 290 km, cách thành phố Nopgorot Vĩ đại 140 km.
Trong lãnh thổ của vườn quốc gia có 76 hồ đẹp nhất. Có ba hồ lớn nhất là Velie 45 km vuông, Van Đai 20 km vuông, Xeli ghe ( một phần diện tích).
Rừng chiếm 80% diện tích vườn quốc gia. Phần lớn là rừng tùng bách lá kim, phần đáng kể là rừng lá nhỏ, trong những khu đất nhỏ cũng có những vạt rừng cây lá to như sồi và phong. Có khoảng gần 60 loài thân gỗ và 750 loài thân thảo, 6 trong số này được đưa vào sách Đỏ cần bảo vệ. Trong vườn quốc gia có 46 loài động vật có vú ( trong đó thú vị và có ý nghĩa hơn cả là nai, gấu, lợn rừng, hải li), 180 loài chim ( gà rừng, gà lôi, đa đa v.v.) Trong thành phần ngư loại học có 45 loài cá : cá măng, cá dầy, cá rô, cá lơ-xi-cút, cá mè, cá hồi trắng, cá tuyết sông, cá vược, cá hồi, cá thyman, v.v.
Trên lãnh thổ vườn quốc gia có gần 600 di tích lịch sử và văn hóa. Có thể đi lại bằng các phương tiện thủy, bộ, trượt tuyết và ô tô buýt. Trong phạm vi lãnh thổ của vườn quốc gia có những suối nước khoáng và bùn chữa bệnh dùng cho các cơ sở điều dưỡng- nghỉ ngơi.
Giám đốc vườn quốc gia là ông Victor Xokolov, cũng là người quen của Oleg. Có lần Oleg khoe rằng mình được công nhận là công dân danh dự của Van Đai. Đoàn đến thăm khi Giám đốc đi vắng, nhưng vẫn được đón tiếp thân mật và trọng thị.
Điều thú vị nhất là nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà họa sĩ, nhạc sĩ Nga gắn liền tên tuổi với Van Đai. Có thể ra một số tên tuổi quen biết với chúng ta như : G.P. Decgiavin, A.N. Radisev, A.X. Puskin, A.I. Ghéc-xen, A.N. Tôn xtôi, V.P. Oxtrovxki…
A.X.Puskin đã từng qua Van Đai và mua bánh mì vòng nổi tiếng thơm ngon của các cô gái xinh đẹp bán hàng. Giai thoại kể rằng người đẹp mang cả xâu bánh mì vòng, khách mua mỗi chiếc thì nhận được một nụ hôn. Nhà thơ đã mua bánh và hôn đến kiệt sức…
Van Đai và Iadenbisy được coi là những địa danh lịch sử của Liên bang Nga.
Người van Đai tự hào nói rằng: Trên bầu trời có Thiên Đường, còn trên mặt đất có Van Đai…
Chúng tôi vinh dự đã được có mặt ở thiên đường trên mặt đất!
Nghỉ ngơi, chèo thuyền trên hồ Vanđai. Trong câu chuyện tếu táo trước khi Kim Hiền đi, mọi người bàn tán về “tước hiệu” ( Chi-tun). Các tước hiệu xưa trong triều đình phương Tây và Nga từ cao xuống thấp : Công tước, Hầu tước, Bá tước, Tử tước, Nam tước. Căn cứ vào đặc điểm, công trạng của mỗi chàng, sau khi hiệp y với Kim Hiền, Y Ban Đệ Nhất công bố Chiếu chỉ phong tước hiệu như sau:
Oleg Pavykin : Hầu tước Da Ga KoViLo
Hoàng Minh Tường : chuẩn Nam tước Da Ga KoViLo
Lê Văn Thảo : Bá tước So Lo
Vũ Nho : Bá tước KoViLo Nha
Sở dĩ Hoàng Minh Tường kém điểm và nhận tước hiệu thấp nhất là vì có nhiều hành động mất điểm nghiêm trọng và vẫn còn để ngỏ khả năng lập công cuối cùng cho chàng.
11 giờ tiễn Nguyễn Thị Kim Hiền về Matxcơva. ( CÒN NỮA)
Người gửi / điện thoại