bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 0855890003

CÁM ƠN ANH ĐỨC BÌNH CỘNG TÁC!CHÚC ANH VUI KHỎE!

 

ĐỨC BÌNH

Xin cám ơn BAN BT trang TÁC PHẨM VÀ BẠN ĐỌC !

 

VŨ NHO 085 589 0003

Tôi không xem chương trình VUA TIẾNG VIỆT. Cứ theo những gì bác Đinh Y Văn tường thuật thì đích thị là TRÒ CHƠI Đoán từ. Người nhìn từ trong Từ Điển, nói "chữ" đầu của từ, rồi nói "chữ" sau. Người kia...

 

Đinh Y Văn

Trân trọng cảm ơn Tổng biên tập đã dành sự quan tâm đến bố con cụ Đinh Y Văn!

 

Đinh Y Văn

Xin có lời thưa lại, hình như cụ ĐYV bị quy oan là “lơ mơ” ?! Tên chính thức vòng 2 chương trình Vua tiếng Việt là GIẢI NGHĨA, không phải là ĐOÁN TỪ bác ạ.

 

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ BÁO, NHÀ NGHIÊN CỨU NGHIÊM THỊ HẰNG!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 58
Trong ngày: 542
Trong tuần: 1298
Lượt truy cập: 774143

CHUYỆN GIỜ MỚI KỂ

Phạm Công Thắng
 
CHUYỆN GIỜ MỚI KỂ
 
   Tháng bảy, mưa sụt sùi, bầu trời trắng đục, bà Bình ngồi đơm khuy áo bên bậu cửa, thi thoảng lại dừng tay, mắt lơ đãng nhìn ra ngoài sân. Gió thổi nhẹ, đung đưa những khóm hoa hồng bạch trước hiên nhà. Mưa dầm dề làm ướt chiếc ghế đá, nơi mỗi lần cậu con trai đi học về thường ngồi ở đó chờ mẹ mang cho cặp bánh đa kê, món ăn mà cậu khoái khẩu.
 Bỗng ngoài sân, một phụ nữ đội mưa đi vào, hồ hởi chào hỏi:
- Con chào bác, bác có nhận ra con không ạ?
Bà Bình ngớ người ra một lúc rồi thốt lên:
- Cháu Xuân, có phải không?
- Vâng, vậy là bác vẫn còn nhớ con. Con học cùng lớp với anh Tuấn, đã nhiều lần đến thăm gia đình bác rồi ạ.
- Cháu ngồi chơi, có nước vối bác ủ trong ấm tích đó.
- Vâng, bác cho con vào thắp cho anh Tuấn một nén nhang đã. - Xuân nói rồi đi lại phía bàn thờ, một lát sau quay ra ngạc nhiên hỏi:
- Bác vá áo cho ai đấy ạ?
- À, áo thằng Tuấn bị đứt khuy bác đơm lại giữ làm kỷ vật cho nó.
- Ôi, bác luôn nghĩ đến anh ấy. Dưới suối vàng chắc anh Tuấn mãn nguyện lắm. Hồi còn học cùng anh Tuấn, con rất mến mộ tài năng của anh ấy, nhưng còn nhiều điều con chưa biết hết, vậy bác kể cho con nghe có được không?
    Trong khói trầm hương phảng phất, giọng bà trầm khàn: Cháu gợi nhắc câu chuyện cũ xảy ra cách đây hơn nửa thế kỷ, khiến bác có cảm giác như mới xảy ra hôm nào. Năm Tuấn lên 6 tuổi, ông Tham xin cho con trai vào trường sơ Tây, nơi dành cho con quan Tây, và con quan người An Nam theo học. Tuấn có dáng người nhỏ nhắn, thư sinh, lông mày rậm, mũi cao, mang dòng máu ông nội và người cha nên có tư chất thông minh, học giỏi, thông thạo cả ba ngoại ngữ: Việt, Anh, Pháp. Chẳng vậy mà mỗi lần có quan trên về thanh tra việc học của các lớp, bao giờ vị đốc học cũng cử Tuấn ra đọc ( Discourse) diễn văn chào mừng, bởi Tuấn có giọng đọc lưu loát, truyền cảm, gây được cảm tình với vị quan người Pháp.
   Ngày đó, trong lớp học của Tuấn, có Chatelier con một quan Tây, thường xuyên tỏ ý coi khinh học sinh người Việt (Annamite). Giờ ra chơi hắn hay gây gổ chửi tục:
- Mẹc xà lù cu xoong (Bọn an na mit)
   Thấy vậy, Tuấn rủ một số bạn cùng lớp chơi trò “ Bịt mắt bắt dê” để dụ Chatelier dính bẫy. Khi trò chơi đang diễn ra, Tuấn dùng chân gạt ngã bổ nhào thằng con Tây, hắn đứng dậy giận dữ chửi rủa thậm tệ đám học sinh người Việt. Thế là lấy cớ, cả bọn lao vào đấm đá tơi bời, dằn mặt thằng con Tây. Sau đó, bố mẹ hắn phát đơn kiện Tuấn và một số bạn đánh người lên nhà trường. Nhưng vị Đốc học không muốn làm to chuyện nên đã tổ chức giảng hòa, với lý do trong trường toàn con em quan Pháp, quan Việt có máu mặt, làm ầm ỹ lên chẳng ích gì. Từ đó, Chatelier phải ngậm đắng nuốt cay, không dám coi khinh học sinh người Việt nữa.
   Thông minh học giỏi, lại chơi các môn thể thao cừ, đặc biệt môn bóng đá Tuấn rất có duyên trong những pha đánh đầu “talatet” vào lưới đối phương. Chẳng vậy mà trận cầu nào có mặt Tuấn là phụ huynh, học sinh đến xem, ngồi chật kín khán đài sân vận động tỉnh. Người ta reo hò cỗ vũ cho cầu thủ Bùi Công Tuấn với những pha dẫn dắt bóng ngoắt ngoéo, điêu luyện:
- Bravo! Bravo!  (hoan hô! hoan hô!)
- Ôi, anh Tuấn đa tài quá, học giỏi mà chơi thể thao cũng cừ, con ngưỡng mộ anh ấy quá!
Bà Bình nghe Xuân nói, dừng lại hồi lâu, mắt ngấn lệ. Xuân rót đầy một cốc nước vối đưa cho bà Bình:
- Bác xơi nước đi đã. Cháu lại cắt ngang dòng suy nghĩ của bác rồi.
Bà Bình, đưa khăn lau khô những giọt nước mắt chảy dài trên má rồi tiếp tục câu chuyện:
   Tuấn sinh ra và lớn lên trong một gia đình có nền giáo dục nho giáo truyền thống. Ông nội là quan tứ phẩm triều Bảo Đại. Cha là ông tham Bằng, nổi tiếng thanh liêm, chính trực, nên Tuấn sớm có tư chất thông minh khác người. Hằng năm, cứ đến sáng mùng một tết là ông bà nội lại ngồi trên sập gụ, bên dưới là bố mẹ, con cháu quây quần, lắng nghe ông bà, giáo huấn đạo nghĩa, gia phong. Thường tại các buổi lễ trang trọng như thế này, ông Tham Bằng yêu cầu con trai tự tay khai bút, thay mặt ba mẹ đọc Discour (diễn văn) bằng tiếng Pháp, chúc tết ông bà, trước sự hoan hỉ của mọi người.
    Năm 1945, nhà nước Việt Nam non trẻ ra đời, nhưng miền Nam vẫn do người Pháp cai trị. Vua Bảo Đại lúc này đã thoái vị ra làm cố vấn cho Chính phủ lâm thời Việt Nam. Cùng lúc, quân Tàu Tưởng và Nhật hùng hổ kéo vào, khiến nước nhà “ngàn cân treo sợi tóc”. Biết gia đình bác trên phố có nhà mái hiên rộng, nên quân đội Nhật yêu cầu bác cho một số binh sĩ đóng quân tạm trú. Một hôm, Tuấn và em gái đang ngồi đánh cờ trong nhà, một viên thông ngôn Nhật, hông đeo súng lục, đứng ngoài hiên nhìn vào, thấy một cậu bé nhỏ tuổi đánh cờ thiện nghệ, nên nhã ý mời Tuấn chơi vài ván với vị quan ba người Nhật. Ban đầu, Tuấn ngại ngùng nhưng được viên thông ngôn khích lệ cậu liền đồng ý. Thế rồi, cả đám đông xúm quanh nín thở theo dõi cuộc đua tài giữa viên quan ba, được mệnh danh là vua cờ trong quân đội Hoàng Gia Nhật với cậu bé 13 tuổi người An Nam. Ván thứ nhất, sau mười lăm phút, cậu thắng viên quan ba, làm đám lính hết sức ngạc nhiên. Ván thứ hai, sau những nước cờ đi lắt léo, tranh chấp gay cấn, cậu lại thắng tiếp viên quan ba. Thấy vậy, Tuấn tỏ ý muốn dừng cuộc chơi nhưng viên thông ngôn ra hiệu cho Tuấn cứ tiếp tục. Ván thứ ba, diễn ra hồi hộp kịch tính, một lần nữa cậu bé  người An Nam lại hạ gục vị quan ba trước sự ngỡ ngàng của đám lính Nhật. Dù bị thua liên tiếp ba ván nhưng viên quan ba Nhật rất tâm phục, khẩu phục tài chơi cờ điêu luyện của cậu bé. Để tỏ lòng ngưỡng mộ, vị quan Nhật đưa tay cởi bỏ khẩu súng lục đeo bên hông tặng ngay cho Tuấn rồi nói:
- Goto. Goto! ( Rất tốt. Rất tốt).
- Mecssi... Mecssi... ( Cám ơn) –  Tuấn đáp từ rồi không ngần ngại nhận món quà đặc biệt từ tay viên quan ba Nhật.
  Buổi tối hôm đó, trong bữa cơm, cậu đem chuyện thắng cờ viên quan ba người Nhật và được ông ta tặng khẩu súng cho cha nghe. Vừa dứt lời, bố cậu hốt hoảng:
- Trời ơi... con ta ngờ nghệch quá. Bọn Nhật rất nham hiểm, nó cho sau lại vu cho con lấy trộm súng rồi bắn chết cả nhà ta đó. Sáng mai hắn đến con phải trả lại ngay nghe chưa?
    Sáng chủ nhật, viên quan ba Nhật lại đến kiểm tra binh lính. Vâng lời cha, cậu mang khẩu súng trả lại cho ông ta. Viên quan Nhật đưa tay nhận lại súng, nhưng bất ngờ ông ta rút thanh kiếm đeo bên hông, đưa tay rứt một sợi tóc trên đầu rồi đặt lên lưỡi gươm để ngửa, miệng thổi khẽ một cái, sợi tóc đứt làm đôi, khiến Tuấn sợ tái mặt. Thấy vậy, viên quan ba cười vỗ vai Tuấn rồi tra gươm vào vỏ, sau đó cởi bỏ kiếm và vỏ bao ra khỏi thắt lưng, trao tặng Tuấn. Tuấn ngơ ngác không biết xử lý thế nào thì viên thông ngôn giải thích:
- Cậu không nhận súng thì quan lớn tặng gươm.
- Nhờ thầy nói với quan lớn, nếu có nhã ý tặng gươm, phiền ông ấy viết cho mấy chữ lưu bút.
    Nghe Tuấn nói vậy, viên quan ba không ngần ngại ngồi viết giấy tặng Tuấn thanh gươm quý, ghi cả số hiệu, nhãn mác để tỏ lòng khâm phục cậu bé người Việt thông minh sáng dạ. Sau này, Tuấn nghe cha kể lại viên sĩ quan Nhật đã lấy vợ Việt rồi đăng ký quốc tịch Việt Nam không trở về nước nữa.  
   Một thời gian sau, chiến tranh bùng nổ, collefge Đào Duy Từ nơi Tuấn đang theo học bậc tú tài, sơ tán về vùng nông thôn. Theo quy định của nhà trường, tất cả học sinh phải tự túc nơi ăn ở sinh hoạt. Riêng Tuấn, may mắn thuê được một nhà dân tốt bụng. Ông chủ nhà có cô con gái Lưu Liên, rất xinh đẹp, học kém Tuấn hai lớp. Biết Tuấn học giỏi nên ông bà nhờ cậu kèm cặp việc học cho con gái. Đổi lại, ông bà sẽ lo ăn uống, không lấy tiền thuê nhà của Tuấn. Thậm chí, thấy quý cậu con trai thư sinh nho nhã mà nhiều lần ông chủ nhà nửa đùa, nửa thật: “Tôi cho cậu luôn cái Liên đấy!”.
   Một lần, cô em gái sang phòng anh trai, tình cờ thấy trên bàn một lá thư mang tên Lưu Liên gửi anh Tuấn có một đoạn viết rất lãng mạn: “Em không thể nào quên những đêm trăng thanh gió mát, dưới ngọn đèn dầu, anh ngồi bên ân cần chỉ bảo cho em học, khiến con tim em xao xuyến. Nhiều đêm trằn trọc không ngủ được, em luôn nhớ về anh với bao kỷ niệm dâng trào. Em lo rồi một ngày nào đó phải xa anh, không hiểu lúc đó em sẽ đau khổ đến mức nào”. Thời phong kiến, “nam nữ thụ thụ bất thân” mà có một người con gái ngỏ lời yêu trước một người con trai là vô cùng hiếm hoi, nhưng Tuấn lại để tuột rơi mối tình đầu. Để đến sau này ra đi giữa tuổi hai mươi, mà chưa một lần ngỏ lời yêu trước một người con gái.
  Ba tháng nay không thấy con trai về thăm nhà, ông bà Tham Bằng ruột gan nóng như lửa đốt, ông cho người vào nơi Tuấn thuê trọ dò la tin tức thì được ông chủ nhà cho hay:
- Cậu Tuấn đã gia nhập quân đội Việt Minh, sau đó được cử sang nước bạn học lớp thủy quân rồi. Trước khi lên đường cậu ấy có để lại một lá thư nhờ tôi chuyển cho gia đình.
  Được tin, ông bà Tham vô cùng lo lắng, bởi Tuấn vốn thư sinh yếu ớt sao chịu nổi môi trường khắc nghiệt trong quân đội. Mặc dù, ông bà biết con trai mình là một thanh niên có chí lớn, sẵn sàng hy sinh khì Tổ quốc cần. Việc con trai vào quân đội đã phá vỡ hoàn toàn dự định của ông Tham Bằng, sau này sẽ cho cậu sang Pháp du học để trở thành một nhà khoa học như ước muốn của nó. Còn bác, biết Tuấn bỏ học theo Việt Minh khiến bác buồn đau, nhiều đêm không ngủ khóc đỏ con mắt.
   Lại nói chuyện Tuấn, sau một năm học tập bên nước bạn láng giềng, một hôm được lệnh trên gấp rút về nước nhận nhiệm vụ mới. Ngày ấy, giao thông đi lại vô cùng khó khăn vì vậy Tuấn cùng một số chiến sĩ phải bí mật đi bộ băng rừng trèo đèo, lội suối nhiều đêm mưa rét, muỗi vắt cắn chân tụ máu, bụng đói cồn cào anh em vẫn phải cố gắng dò dẫm từng bước cho kịp về đơn vị. Có hôm đang đi, chân bị chuột rút, Tuấn bị trượt chân xuýt ngã xuống vực, tưởng cái chết đã cận kề. Nhiều lúc như vậy, Tuấn muốn bỏ về nhà vì quá sức chịu đựng, nhưng rồi phút yếu mềm đó cũng qua, cuối cùng Tuấn và anh em cũng kịp trở về đơn vị nhận nhiệm vụ mới.
   Vừa đặt chân lên mảnh đất Tổ quốc, sau bao ngày xa vắng, chưa kịp về thăm gia đình, Tuấn và anh em lại được lệnh quay sang nước bạn học cấp tốc lớp quan trắc pháo binh, trở về phục vụ chiến dịch Tây Bắc đang đến gần. Sau hơn một tháng đào tạo, trở về nước, Tuấn được phong hàm tiểu đội trưởng cùng anh em bắt tay vào công việc khảo sát, tìm vị trí đặt pháo trong rừng.
  Hôm âý, đang cùng tiểu đội trinh sát đặt những cột mốc cuối cùng  để bộ đội chuẩn bị kéo pháo vào vị trí, thì đột nhiên Tuấn thấy đau bụng. Đang dò dẫm từng bước tìm chỗ đi vệ sinh, bỗng Tuấn thấy bụi cây trước mặt hình như có người đang làm gì trong đó. Tiếp đến, có ba bốn họng súng đen ngòm chĩa về phía mình. Nhanh như chớp Tuấn giơ súng về phía có tiếng động và nghĩ rất có thể đây là một nhóm thám báo đi dò la tin tức đơn vị quan trắc của ta đang làm nhiệm vụ. Nếu để chúng phát hiện vị trí đặt pháo thì rất nguy hiểm cho chiến dịch, nên Tuấn tìm cách di chuyển ra hướng khác nhằm đánh lạc hướng bọn chúng. Đúng như nhận định của Tuấn, nhóm thám báo thấy bóng người đang chuyển động bèn lặng lẽ bám theo. Vừa đi, Tuấn vừa nghĩ cách để báo tin cho anh em trong tiểu đội biết quân địch đang theo dõi. Rồi một ý nghĩ táo bạo lóe lên trong đầu, Tuấn quyết định nhằm phía trước quả đồi chạy thật nhanh. Lũ thám báo bất ngờ thấy một chiến sĩ Việt Minh bỏ chạy, thục mạng, lập tức chúng chia nhau bám đuổi theo con mồi.
   Vừa chạy, Tuấn vừa quay đầu nhìn lại thì thấy ba bốn tên thám báo quần áo rằn ri mặt hung dữ đang cố gắng lao về phía mình. Mặc dù vậy, Tuấn vẫn chạy, chạy cho đến lúc kiệt sức thì một loạt đạn súng tiểu liên nổ rền vang, khiến Tuấn ngã đổ gục. Bọn giặc nhao nhao xông tới lục soát khắp người Tuấn như muốn tìm kiếm một thứ gì. Nghe tiếng súng nổ bất thường, hai tiểu đội quan trắc đang làm nhiệm vụ cách đó không xa đã lao tới bao vây nhóm quân báo. Cuộc đụng độ xảy ra chớp nhoáng, năm tên giặc bị tiêu diệt ngay tại chỗ. Sau đó, mọi người chia nhau đi tìm kiếm Tuấn. Rồi cuối cùng thì anh em cũng tìm thấy xác Tuấn nằm bất động bên một bãi cỏ cách đó không xa, phía sau lưng là mấy phát đạn băm bổ, máu chảy lênh láng. Cả tiểu đội bàng hoàng thương tiếc người chiến sĩ trẻ đã mưu trí dũng cảm hy sinh tính mạng để giữ an toàn cho trận địa pháo sắp vào một chiến dịch lớn.
  Được tin con trai hy sinh anh dũng tại trận địa pháo, cả gia đình Tuấn hết sức bàng hoàng đau đớn. Ông Tham Bằng ngồi rũ bất thần một góc vì nghe tin dữ. Bà Bình thì thương xót con trai mà ngày đêm than khóc, để lại di chứng sau này lòa nửa bên mắt.   
   Nghe đến đây, Xuân không cầm được nước mắt, giọng cô nghẹn ngào:
- Ngày đó, nghe tin anh Tuấn hy sinh, con đã hoàn toàn suy sụp. Nhiều đêm liền nằm khóc, thương tiếc cho người mình yêu thương đã sớm ra đi nên con quyết định để tang cho anh ấy ba năm sau đó mới đi lấy chồng.
- Ôi... con gái của mẹ.- Bà Bình xúc động dang tay ôm chặt Xuân vào lòng nói không thành tiếng.
  Nhìn người đàn bà xinh đẹp một thời, từng thầm yêu trộm nhớ con trai mình, hôm nay đội mưa đến thắp nén hương, tưởng nhớ người đã khuất, khiến lòng bà ấm lại. Ngoài sân, cơn mưa đã ngớt, gió nhẹ thổi đung đưa khóm lá trúc quân tử, nghe xào xạc buồn hiu hắt. Người mẹ liệt sĩ ngồi lặng câm dưới mái hiên nhà như thấy bóng hình con trai trở về bên bậu cửa gọi: Mẹ ơi! ./.
 
                                              Hà Nội, ngày lập xuân 2019
                                                             P.C.T

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)