CÓ MỘT NGƯỜI THƠ “LẮNG LẠI” VỚI HÒA BÌNH
BÙI ĐỨC KHIÊM
NHÀ THƠ NGUYỄN HOÀNG SƠN
“Thị xã trong tôi lắng lại tự bao giờ…” là một câu trong bài thơ Đi trong đêm thị xã của bạn tôi - Nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn - Thị xã ở đây là thị xã Hòa Bình: Tôi đi trên đường phố Hòa Bình / Nghe dòng sông đâu đây, gần lắm / Tiếng gió qua lùm cây như tiếng sóng / Hơi nước bay đầy dịu mát trời đêm / Bỗng thấy dòng sông như nhịp đập quả tim / Quả tim khỏe không bao giờ mệt mỏi / Như dòng sông dù không hề nghĩ tới / Vẫn đến với ta trong giấc ngủ mỗi người.
Đó là đoạn mở đầu của bài thơ dài những 57 câu được Nguyễn Hoàng Sơn gửi dự cuộc thi thơ năm 1975 của tuần Báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) và rồi bài thơ được trao giải khuyến khích đầu năm 1976. Giải không cao, nhưng với một tác giả, chàng trai mới 26 tuổi, sáu năm sau tốt nghiệp đại học kinh tế Quốc dân rồi được phân công lên công tác ở tỉnh miền núi “cửa ngõ” của miền Tây bắc thì quả là“oách”so với nhiều người.
Sau đoạn mở đầu, tác giả giới thiệu về mình: Tôi đi từ một thành phố miền xuôi / Nơi không khí ồn ào sôi động / Điện nhấp nháy những ngã ba to rộng / Công viên đêm đêm sao rụng đầy hồ / Tôi đi từ cuộc sống Thủ đô / Đến nơi đây cửa ngõ vào Tây bắc / Núi và núi, nhiều hơn nhà gác / Thị xã chạy dài như không có bề ngang…
Thị xã chạy dài như không có bề ngang…đúng quá và chỉ có Hòa Bình với con đường số Sáu độc đạo chạy qua! VớiĐi trong đêm thị xã, Nguyễn Hoàng Sơn một bước được ngồi cùng “chiếu giải” sang trọng với 19 tên tuổi của văn đàn cả nước thời kỳ đó và cả sau này, những: Hữu Thỉnh, Văn Lê, Anh Ngọc (giải A); Lê Đình Cánh, Huyền Sâm, Đoàn Việt Bắc (giải B) rồi Ngô Văn Phú, Nguyễn Phan Hách, Hà Phương, Võ Thanh An, Trần Mạnh Hảo, Mai Văn Hai, Vĩnh Quang Lê…(giải C và giải khuyến khích).
Tôi đọc bài thơ dự thi Đi trong đêm thị xã trên Báo Văn nghệ khi đang học năm cuối Trường Cao đẳng mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội và cảm nhận đó là một thi phẩm hay, rất Hòa Bình.Tất nhiên cái hay trong bối cảnh đất nước vừa mới đi qua chiến tranh chuẩn bị bước sang giai đoạn tái thiết, xây dựng mới các thành phố, thị xã bị máy bay giặc Mỹ bắn phá. Tôi quê ở Kim Bôi, cách thị xã Hòa Bình hơn 30 ki - lô – mét, những năm học cấp I, II, III trường xã trường huyện tôi từng ba, bốn lần được “lên tỉnh”, khi thì dự đại hội thiếu niên, học sinh tiên tiến - cháu ngoan Bác Hồ, khi thì đi dựkỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Rồi nữa, năm đầu thập niên này Trường TNLĐXHCN Hòa Bình đóng đô ở xã Yên Mông bờ bên kia sông Đà có mở thêm phân hiệu đại học chuyên ngành về nông, lâm nghiệp và tôi có gần một năm “tầm sư học đạo” ở đây trước khi “sang ngang” thi vào một trường mỹ thuật ở Hà Nội. Năm ấy tôi có năm bảy lượt đạp xe đi qua thị xã để về Kim Bôi và ngược lại nên “thuộc” Hòa Bình như lòng bàn tay…
Có thể do tôi là dân học mỹ thuật nên đọc rồi nghĩ bài thơ Đi trong đêm thị xãnhư một bức tranh. Một bức tranh chặt chẽ về bố cục, hoàn hảo vềsắc mầukhắc hoạ, chấm phá đầy đủ nhữngnét độc đáo của một thị xã miền sơn cước với con sông Đà chảy qua, núi non nhấp nhô nhiều hơn nhà gác, mầu tươi rói của gạch ngói chưa nhiều. Người ta cũng thấy ẩn hiện thấp thoáng trong bức tranh những địa danh mộc mạc: phố Đúng, phốLau, Sú Bến, đê Đà Giang,quán chợ Phương Lâm dăm bảy cửa hàng…Nhưng, ẩn chứa phía sau những nét dân dã, hoang sơ ấy là những vỉa trầm tích, trầm mặc với bề dầy lịch sử: Thị xã này từng vườn trống nhà không / Lấy đổ nát hoang vu làm thành trì đánh giặc / Nền móng cũ, mảng tường xưa vẫn nhắc / Những đêm trăng lu “phá hoại” năm nào / Mười năm hòa bình chưa làm được là bao / Thị xã lại hai lần sơ tán / Ở lẫn với rừng đẵn bương làm lán / Ăn cơm ngô đánh giặc với miền Nam…
Vậy đấy thị xã Hòa Bình, cũng giống như bao thị xã, tỉnh lỵ ở miền Bắc những năm tháng chống Pháp, chống Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội!
Nhưng cùng với đó, bức tranh Đi trong đêm thị xã còn có một không gian rộng mở ở phía chân trời bởi những mảng màu tươi rói, phơi phới: Bạn tôi, một kiến trúc sư / Yêu tha thiết những gì anh đang vẽ / Tôi sung sướng lắng nghe anh kể / Về một tương lai có lẽ rất gần: / Thành phố xanh mầu áo công nhân / Có tiếng còi tàu đập vào vách đá / Những biệt thự xanh rờn cây lá / đứng trên sườn đồi mang dáng dấp châu Âu…
Nguyễn Hoàng Sơn và tôi cùng sinh năm 1949. Nhưng Sơn sinh vào tháng đầu năm, tính theo Âm lịch là tuổi Tý, còn tôi sinh tháng cuối năm, mang mệnh Sửu. Quê ở huyện Sóc Sơn, nhưng Nguyễn Hoàng Sơn lại được ra Thủ đô học phổ thông mà là học ở TrườngChu Văn An danh giá hẳn hoi đểrồi đậu vào Trường đại học Kinh tế quốc dân (1966-1970). Ra trường, Sơn nhận quyết định lên công tác ở Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình (hồi đó là Ty Xây dựng thì phải?). Thời đó học sinh, sinh viên tốt nghiệp đại học đa số do tổ chức nhà trường “đặt đâu ngồi đó” chứ mấy ai được chọn theo nguyện vọng nơi mình muốn đến?
Chính ngồi mài ghế ở Sở Xây dựng Hòa Bình mà Nguyễn Hoàng Sơn sớm nắm bắt được những thông tin, manh nha về một dự án đại công trường ngăn sông Đà hình thành lên môt nhà máy thủy điện trong tương lai. Nhưng nghe, biết là một chuyện còn chuyển tải đưa những thông điệp dự báo ấy vào thi ca thì Nguyễn Hoàng Sơn phải là người có con mắt nhìn sắc sảo vàtự tin lắm lắm: Tôi đi một mình trên đê Đà Giang / Dòng sông chảy trong đêm như đại lộ / Lửa chài sáng hay ánh đèn xe cộ / Một chiếc ca nô đột ngột kéo còi / Những ngôi nhà yên ngủ quanh tôi / Và hẳn trong giấc mơ những con người đôn hậu / Cái thị xã mà họ hằng yêu dấu / Sẽ hiện về với bộ cánh tương lai / Năm thánh cho ta tin ở ngày mai…
Tôinghe nói lại là nhà thơ Xuân Diệu - thành viên trong Ban chung khảo cuộc thi thơ Báo Văn nghệ năm đó - có khen bài thơ Đi trong đêm thị xã câu chữ giản dị, trong sáng vàcó tính dự báo, lạc quan phơi phới(?)…
Thì đấy, ngày 6 tháng 11 năm 1979 lễ khởi công xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình đã diễn ra để rồi lại tưng bừng với lễ khánh thành vào ngày 20 tháng 12 năm 1994 - Nhà máy thủy điện Hòa Bình trở thành công trình thủy điện lớn nhất Việt Nam và cả Đông Nam Á cho đến khi có Nhà máy thủy điện Sơn La (năm 2012). Mười lăm năm thi công, công trình Nhà máy thủy điện Hòa Bình trở thành một đại công trường xanh rợp mầu áo công nhân, rộn rã tiếng còi xe, ùng oàng tiếng mìn nổ dội vào vách đá. Trước đấy, ở lưng chừng núi bên mạn Thịnh Lang người ta đã cho mọc lên một khu nhà “mang dáng dấp châu Âu” chỗ ở cho hàng chục hàng trăm chuyên gia Liên xô sang giúp xây dựng nhà máy. Thì đấy, thị xã Hòa bình đã lên thành phố (2006), con đường Trần Hưng Đạo mới mở rộng như đại lộ chạy song song với quốc lộ Sáu, kế đó là khu chung cư, các tòa nhà cao tầng đêm đêm sáng lòa ánh điện. Thì đấy, từ chỗ muốn qua sông Đà người ta phải lụy đò, lần lượt có một rồi hai, gần đây thêm cây cầu thứ ba hiện đại nối liền bờ phải và bờ trái.Thành phố Hòa Bình mởrộng thêm hai bên với chằng chịt, dọc ngang những con đường mang tên các vị anh hùng dân tộc,có cả tên nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng qua các thời kỳ, trong đó có con đường mang tên nhà văn Nguyễn Tuân - Tác giả tập truyện Sông Đà vang bóng một thời…
Thế đấy thị xã Hòa Bình xưa và thành phố Hòa Bình nay! Những năm gần đây, mỗi khi có dịp trở lại, ngày cũng như đêm tản bộ trên con đê Đà Giang tôi hay nhớ đến bài thơ Đi trong đêm thị xãnăm nào của Nguyễn Hoàng Sơn! Nhưng với Hòa Bình, Nguyễn Hoàng Sơn không chỉ có Đi trong đêm thị xã đâu, tháng 10 năm 1976 cũng trên Báo Văn Nghệ, Nguyễn Hoàng Sơn còn in bài thơ Bưu điện ngã ba.
Bưu điện ngã ba ở đây là ngã ba Chăm: Nơi tấp nập người xe qua lại / Bạch đàn buông những nét rất mềm / Nơi đường Sáu mọc thêm nhành mới / Có ngôi nhà bưu điện của em…/ Những tờ báo vắt trên dây mảnh / Đầy rồi vơi nhưng không hết bao giờ / Ngôi nhà nhỏ tưởng chừng yên tĩnh / Mà rung vang nghìn tiếng từ xa / Khu phố nhỏ, dãy nhà tranh thân mật / Hoa gạo hoa xoan nở báo chuyển mùa / Ta làm lụng và trang thư chợt đến / Biết mấy ân tình những ngón tay đưa…(Tác giả ghi ở cuối bài: Ngã ba Chăm, Tx Hòa Bình, tháng 4 - 1976). Còn nữa, sau này Nguyễn Hoàng Sơn tập hợp 120 bài thơ của mình in thành tập dầy dặn gần 200 trang:Đợi mắt nhìn mới nở (Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam - 2010). Được Nguyễn Hoàng Sơn tặng, tôi đọc và không khỏi ngạc nhiên. Hai bài thơĐi trong đêm thị xã, Bưu điện ngã ba được tác giả xếp trang trọng là hai bàiđầu tập sách. Đến ngay cả tên tập thơ cũng chính là tên bài thơ viết về Đà Bắc, tặng Đà Bắc:
Tiếng Mường hay tiếng Nùng?
Nghe vui tai: Tu Lý!
Cái bản vắng lòng thung
Đã trở thành huyện lị
Trong veo làn không khí
Hương hồ hay hương rừng?
Những vui buồn đô thị
Thoắt xa vời sau lưng…
Ngỡ ngàng,bâng khuâng trước những đổi mới, đi lên của thành phố Hòa Bình là tâm trạng của Nguyễn Hoàng Sơn trong những lần trở lại nơi một thời tuổi trẻ mình từng gắn bó. Bức tranh ngày xưa giờ đã chuyển mầu, cả về qui mô và không gian, nhà cao tầngđã sánh ngang với núi, nhiều như núi:
Phố trổ thêm nhánh ngang, núi khuất sau nhà gác
Khách sạn Phương Lâm đã lắp máy điều hòa
Xanh đỏ quán karaoke ồn ào tiếng nhạc
Còn ai lắng trong khuya tiếng sóng sông Đà?
(Trở lại Hòa Bình)
Một hồn thơ, người thơ “lắng lại” với Hòa Bình với sông Đànhư thế kể cũng là đến độ! Liệucó mấy ai?
Vĩ thanh
Nhận giải cuộc thi thơ Báo Văn nghệ tháng đầu năm thì đến giữa năm 1976 Nguyễn Hoàng Sơnchuyển công tác từ Sở Xây dựng Hà Sơn Bình (lúc này Hòa Bình mới sáp nhập với Hà Tây thành Hà Sơn Bình) về Báo Tiền Phong - Cơ quan của Trung ương đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên, cũng năm 1976 tôi có quyết định nhận công tác ở một tờ báo ngành kinh tế trung ương.Thế rồi cái “duyên” Hòa Bình và “nghiệp” báo chí, thơ phú đã se chúng tôi gặp nhau, dần dầnthân tình, đồng cảm cả trong công việc và cuộc đời bên ngoài.
Tính ra cho đến nay chúng tôi “chơi được” với nhau đà 45 năm!
Hà Nội, tháng Mười - 2021.
Người gửi / điện thoại