ĐỌC “ CÒN MỘT CHÚT NÀY” CỦA NHÀ VĂN DỊCH GIẢ THÚY TOÀN
Vũ Nho
NHÀ VĂN VŨ NHO
Có những mối quan hệ văn chương thân thiết khá lạ lùng. Ban đầu, tôi chỉ biết Thúy Toàn là một dịch giả thơ Nga. Cũng không có cơ hội nào để tiếp xúc với anh, vì khoảng cách 2 người là vời vợi xa… Thế nhưng năm 1995, tôi in cuốn “ Thơ chọn và lời bình” ở nhà xuất bản Văn học, khi đó anh là Phó giám đốc, tôi có cơ hội gặp anh. Rồi tôi viết bài về anh “Thúy Toàn – cây thơ dịch” đăng báo rồi in vào sách. Cũng chỉ là quan hệ bình thường như mọi bạn văn. Anh em thi thoảng gặp nhau trong các hội nghị, hội thảo. Rồi anh có cuốn sách nào in ra hầu như cũng tặng tôi vời lời đề tặng rất tình cảm và trân trọng. Rồi anh giúp tôi in tập truyện dịch “Truyện cổ tích dành cho người lớn” của M.Xantycov-Sedrin. Tôi biết anh được tặng huân chương của Tổng thống Nga về công trạng quảng bá văn học Nga ở Viêt Nam. Rồi biết anh có bảo tàng Văn học Nga trên quê nhà, làng chợ Giầu, Phù Lưu, xã Tân Hồng, nay là phường Đông Ngàn, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Tôi đã thăm Bảo tàng và viết được bài “Dịch giả Thúy Toàn, cầu nối văn học Nga Việt” đăng trên báo Văn Nghệ Công An và in vào sách “Bạn Văn Láng Hạ”, nxb Dân Trí 2023. Tôi lại có dịp thăm anh, tặng tờ báo. Và được anh tặng cuốn “CÒN MỘT CHÚT NÀY”,…
Tôi đặc biệt ấn tượng với các làm việc khoa học, tỉ mỉ và chu đáo của anh. Anh có một cái cặp tập hợp tất cả các bài mà mọi người đã viết về anh. Rồi một cặp khác là những cuốn sách đã dịch, đã viết của anh. Một cặp cất giữ các bài viết về 1 tác phẩm dịch của anh. Đó là tác phẩm “ Khúc ca về cuộc hành binh IGOR”. Có tất cả các bản dịch và xuất bản ở Nga. Những bài nghiên cứu của các học giả Nga về tác phẩm này. Rồi tác giả R. Gam zatov cũng có một cặp riêng… Một loạt các cặp là tư liệu đủ loại,… Đúng như anh bộc bạch “ Đến tuổi gần đất xa trời tôi cũng có được một chút “của cải”, không nhiều bằng anh em cùng trang lứa, nhưng cũng ít nhiều được thừa nhận […]tôi còn nhiều tài liệu, các bản dịch thơ, văn và các bài nghiên cứu,…đăng rải rác trên báo chí và một số tuyển chung in cùng nhiều người khác” (tr.6-7).
Khi tôi đến, anh vẫn đang cặm cụi “dọn” lại những tư liệu đó, để có thể an tâm đi xa…
Và anh niềm nở tặng tôi cuốn sách mới nhất anh vừa hoàn thành : Còn một chút này, nhà xuất bản văn Học, 2023.
Hóa ra đây là một cuốn sách khiêm tốn nhưng độc đáo của anh. Như lời bộc bạch của tác giả :
“ Tôi chưa có điều kiện viết hồi kí như các bạn ấy. Nhưng cũng phải “thu xếp hành trang” dần để sau này rời bỏ cõi tạm này về với chốn vĩnh hằng theo tiên tổ, lưu lại cho con cháu, bạn bè chút kỉ niệm gọi là…” ( Đôi lời mở đầu).
Không phải là hồi kí với một chặng đường dài dằng dặc, phấn đấu từ một người được đào tạo làm phiên dịch, thành cán bộ dạy Trường Trung cấp ngoại ngữ, trở thành cán bộ biên tập của nhà xuất bản Văn Học, lên đến chức Phó Giám đốc, thành chuyên gia về văn học Nga, nhà sưu tầm, quảng bá Văn học Nga, được Tổng thống Nga tặng huân chương,… Chỉ là một tập chọn thơ dịch từ tiếng Nga nho nhỏ, xinh xinh.
Cuốn sách không là hồi kí, nhưng được sắp đặt theo 3 phần rất có ý nghĩa đối với một người chuyên tâm cả đời dịch thuật và sưu tầm.
Phần thứ nhất tuyển một số bài thơ dịch bắt đầu được đăng báo vào năm 1959, kéo dài đến năm 1964. Bắt đầu được chọn in trên cùng trang với các lớp đàn anh, từ đôi bài lẻ tẻ, sau mấy năm được giới thiệu cả trang.
Phần thứ 2. Trích dịch một số bài thơ trong Tuyển tập Miniachyura thơ Nga.
Phần thứ 3. Tuyển một số bản dịch thơ tâm đắc, có những kỉ niệm riêng.
Trong phần thứ nhất có bản dịch 2 bài thơ của 2 nhà thơ Nga nổi tiếng là A.Tơvadovski và M. Marsak. Đáng chú ý khi đó Thúy Toàn còn đang học ở Nga gửi về Tòa soạn và “ chúng tôi có tu chính lại”. Bản dịch đó đăng nhân kỉ niệm Cách mạng tháng Mười Nga lần thứ 42. Trong phần này, một số bài thơ được dịch, đăng nhân các dịp kỉ niệm: 90 năm ngày sinh V. Lê Nin, Chào mừng thắng lợi Đại hội đoàn kết nhân dân Á Phi lần thứ 3, Lễ quốc khánh lần thứ 41 của Cộng hòa nhân dân Mông Cổ, Đoàn kết với Cu Ba, Nhân dịp Đoàn đại biểu xô viết tối cao Liên xô sang thăm Việt Nam. Vì vậy mà dịch giả Thúy Toàn đã không chỉ dịch thơ Nga, thơ Nga xô viết, mà còn dịch thơ của các nhà thơ Mô dămbích, Gana, Xê nê gan, Mông Cổ, Cu Ba, Gauzia, Adecbaidan, Kiec ghi di, Latvia,…
Dịch giả đã bắc nhịp cầu từ nhiều quốc gia trên thế giới đến với bạn đọc Việt Nam.
Đối với phần thứ hai, điều thú vị nhất là chúng ta biết được thuật ngữ Miniachyura. Và cũng biết thêm dịch giả Thúy Toàn có nhiều tuyển tập : Ba thế kỉ thơ Nga, Thơ Nga thế kỉ bạc, Thơ Nga thế kỉ XIX,… nhiều khổ in khác nhau.
Thơ Miniachyura Nga là chỉ loại thơ Nga nhỏ với những phẩm chất “ tự do, nhẹ nhàng, không gò bó, mềm mại, số câu thơ linh hoạt” như nhà nghiên cứu văn học A.B.Esin đã khái quát.
Dịch giả đã chọn dịch một số bài của các nhà thơ Nga nổi tiếng trong tập này như G.R. Dergiavin, V.A. Giucovxki, A.X. Puskin, ( nhiều bài), I.Turghenhev,…Lí thú là vị “mặt trời thơ ca Nga” A.Puskin cũng thích hài hước. Trong bài thơ “Đề từ trên mộ chí của tôi” ông từng viết về bản thân:
Chẳng làm gì ra hồn, được cái có tâm
Ơn Thượng đế, thuộc hạng người tử tế
Phần thứ 3 là những bài thơ dịch tâm đắc. Những bài này gắn với những kỉ niệm.
Bản dịch Sức mạnh của một thanh niên Nga bại liệt, đã được nhà thơ Phạm Hổ, bút danh khác là Hồ Huy viết lời bình.
Bản dịch bài thơ “Tôi mơ ước” đã bị người ta sửa chữa 2 câu đầu. Dịch giả muốn bạn đọc tin vào bản dịch đầu tiên dựa vào nguyên bản .
Bản dịch bài thơ “ Những chiếc lá bay đi” gắn liền với tâm trạng vợ chồng dịch giả khi con gái xây dựng gia đình ra ở riêng; con trai cũng xây dựng gia đình, sang coi nhà hộ anh chị:
“ Chúng tôi có gì đó hẫng hụt. Vợ chồng cô chị đi nghỉ, nhờ vợ chồng cậu em đến trông nhà hộ. Thế là đôi vợ chồng trẻ hớn hở, lập tức “khăn gói” xin phép bố mẹ ríu rít kéo nhau đi… Thực sự do tâm trạng hẫng hụt mà tôi thấm thía dịch “ Những chiếc lá phong trắng bay đi rồi” ( tr.144).
Quả thực chỉ là một phần tuyển thơ dịch thôi, nhưng bạn đọc, trong đó có tôi vừa được tiếp xúc với những tâm hồn thơ ca của các nhà thơ danh tiếng trên thế giới, vừa phần nào hiểu được công phu và tâm huyết của một người dịch thơ, một nhà sưu tầm, một nhà văn hóa của Việt Nam – Dịch giả nhà văn Thúy Toàn.
Tôi nghĩ rằng “Còn một chút này” và những gì dịch giả nhà văn Thúy Toàn đã cống hiến suốt cuộc đời mình cho văn học nước nhà sẽ còn MÃI MÃI!
Hà Nội, 4 tháng 10 năm 2023
Người gửi / điện thoại