bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÁC ĐỖ CHIÊU ĐỨC VỀ MỘT MỐI TÌNH THUỞ HỌC TRÒ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÁC SĨ HÀ HẢI ANH ĐÃ CỘNG TÁC!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÁC ĐỖ CHIÊU ĐỨC!BÀI THƠ TẶNG PHU NHÂN RẤT THÚ VỊ!CHÚC CÁC BÁC AN KHANG THỊNH VƯỢNG!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN VŨ THẢO NGỌC!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÁC ĐỖ  CHIÊU ĐỨC! LUÔN CÓ LIÊN HỆ ĐẾN TÁC PHẨM VĂN HỌC VIỆT NAM! CHÚC BÁC AN LÀNH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ KIỀU HỌC VƯƠNG TRỌNG! THÚ VỊ!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 37
Trong ngày: 178
Trong tuần: 1227
Lượt truy cập: 885435

CON MUỐN TRỞ THÀNH CÔNG AN

 Lời BBT:    Truyện ký "Con muốn trở thành người Công an tài giỏi" của Dương Thiên Lý được chọn đăng trong tập ký chọn lọc của Nhà xuất bản Công an Nhân dân chọn lựa từ nhiều tác phẩm gửi đến tham gia cuộc thi Truyện và Ký mang tên "Cây bút vàng" lần thứ tư kéo dài trong hai năm 2020 - 2021. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu truyện ký này!

Dương Thiên Lý

CON MUỐN TRỞ THÀNH NGƯỜI CÔNG AN TÀI GIỎI                   

     Tắc đường. Công an, dân phòng, học sinh, khách lộ hành… vây quanh khu biệt thự bốn tầng lầu khang trang lịch sự, tọa lạc đầu đường Trường Chinh. Mọi người chào xáo xung quanh cái chết của một người đàn ông vừa bị giết hôm qua. Công an hình sự đang phong tỏa ngôi nhà, để điều tra về cái chết của người đàn ông 45 tuổi.

          Thủ phạm giết người đã bị Công An bắt ngay buổi hôm đó. Buổi sáng mưa rất to, sấm sét chớp lóe rực trời, cây cối ngả nghiêng. Tuồng như chúng cũng vì cái chết quá đau đớn của ông chủ ở trong cái nhà đó, mà thủ phạm là cậu bé mới chỉ có 13 tuổi, học sinh lớp 8 trường trung học cơ sở. Khi Công An đến, cậu ta đang nằm trong phòng, bình thản như không có chuyện gì xảy ra. Thậm chí, khi các anh công an hỏi, cậu bé khai rất bình tĩnh. Cậu bé khai nhận mọi cái rõ ràng, nhẹ như không, nhận ngay rằng chính mình là thủ phạm đã giết chết cha của mình.

          Tại phòng điều tra của công an hình sự, cảnh sát Dương Quang Tâm chăm chú lắng nghe. Trước mặt anh, cậu bé khai báo sự việc xảy ra, rành rọt và trôi chảy, y như kể một chuyện cổ tích:

          - Ông ta là ba ruột của con. Nhưng ông ấy chỉ toàn nghe lời bà mẹ kế, suốt ngày la rầy, chửi mắng, đánh đập con một cách dã man. Ngoài giờ học, con còn phải vất vả phụ giúp ông buôn bán. Nhưng tiền học thì con cứ phải xin người dì ruột, rồi sau đó tranh thủ làm thêm. Dậy sớm, con sang nhà bên để vắt sữa bò. Mỗi sáng con phải vắt xong 20 lít sữa bò, mới được ba chục đồng để chi phí. Ông ta có một cửa hàng vật tư phụ tùng phục vụ cho ô tô rất lớn, cửa hàng ấy thu nhập rất cao, nhưng mẹ kế giữ tiền hết. Một bữa con đi học về, vô tình nghe bà ta tru tréo, chửi bới xỉa xói ba con rằng:

          - Tiền trong ví, vừa đi chợ về bỏ trên bàn, đã không cánh mà bay mất! Ăn trộm ở trong nhà thì có ngày không có quần cộc mặc!..

- Tại sao bà ta lại đặt điều, bày chuyện đổ vấy đổ vá một cách hàm hồ vậy, hử? Nói như thế không sợ trời trừng đất phạt à?

- Đó, ông thấy thằng con quý tử của ông chưa, nó đang trả ơn trả nghĩa cho tôi đấy, ông thấy chưa?

          Ông ta như lửa đổ thêm dầu, rút cái chòng của ô tô, quật con để trút giận. Ông không cần biết đúng hay sai, không cần biết có hay không con lấy tiền, cứ thế là ông đánh. Ông đánh một cách tàn nhẫn, không hề thương xót đứa con máu mủ độc nhất của mình.

 Ông không cần nghe con nói. Có nhiều lần, ông đánh con phải bò lê, bò lết ra đất để mà đi. Nhiều đêm con suy nghĩ, mẹ mất sớm quá chỉ còn ba, ba là chỗ dựa của con. Nhưng ba ơi! Ba không thương con nữa, thì ba cũng chừa cho con một con đường sống chứ. Ba không cho con một con đường nào cả, ắt đó là ba buộc con phải giết ba thôi.

Con phải lang thang mất mấy ngày liền, dưới những gầm cầu, xó chợ. Muốn đến nhà dì, nhưng sợ ông dượng mượn rượu để đánh đập dì. Đói quá không có cái ăn, con mò về nhà. Bị ông ta chửi như chửi chó, rủa không tiếc lời. Người ta đã dồn con vào con đường cùng. Bức xúc không chịu nổi, con xuống bếp lục tìm con dao phay, và chém ông ta ba nhát. Ngờ đâu ba con chết luôn...

          Như vậy là quá rõ ràng rồi. Sự việc quá đơn giản, không cần phải nhọc công điều tra gì thêm nữa. Vậy là đã có thể nhanh chóng kết luận vụ án.

          Nhưng không! Một thằng bé 13 tuổi, mồ côi mẹ khi mới 4 tuổi, lần đầu cầm dao tấn công người, sao đã giết chết cha ruột? Với lương tâm của một con người, với trách nhiệm và kỹ thuật hình sự hiểu biết, anh không thể khép lại điều tra như vậy. Nó 13 tuổi, có thể chưa hiểu chuyện đời là gì. Anh thấy đau lòng vô hạn, nỗi đau của một đứa trẻ mồ côi từ những ngày còn thơ dại. Trong thâm tâm, anh vẫn không tin một cậu bé khuôn mặt còn non tơ, hiền lành sáng sủa như thế, lại có thể giết người! Anh không tin! Vấn đề thực chất là ở đâu?

          Anh nhớ, khi cậu bé nhận tội, anh có đến trường gặp gỡ thầy cô giáo. Thầy chủ nhiệm khen em thông minh, biết nghĩ cho người khác. Một cậu bé như thế, sao trong mình có con thú giết người? Cậu bé có bị ai đó ép buộc chịu tội thay? Hay biết trẻ con, chưa thể áp dụng án tử, nên có người đã mua cậu?

Vậy, ai là thủ phạm giết ông ấy? Câu hỏi cứ soắn siết đầu óc người cán bộ cảnh sát điều tra hình sự.

          Một buổi chiều, Tâm đến phòng tạm giam, không phải để lấy lời khai, anh chỉ muốn tâm sự, trò chuyện để tìm hiểu thêm về chuyện đời của cậu bé. Theo con mắt nhà nghề, với thái độ kiên quyết nhận tội không một mảy may suy nghĩ của cậu bé Quang, ắt đằng sau vụ việc đang có khuất tất. Tâm luôn suy nghĩ về cậu bé, được nhà trường đánh giá là hay quan tâm người khác. Còn các cháu học sinh bạn Quang, nói, có con kiến cắn vào chân, mà bạn ấy còn phủi nhẹ, sợ kiến rụng mất chân...

Vừa trông thấy anh công an mấy lần gặp trước, Quang quay mặt đi ngay. Giọng cố nói ngang ngạnh như người lớn:

          - Chú vào đây làm gì nữa?

Anh giấu nụ cười trong bụng. Trẻ con cố làm ra vẻ người lớn, trông khá buồn cười. Quả thật, kẻ giết người thực sự, ở đường cùng, thường khóc van xin xỏ. Không ai cố nhơn nhơn làm bộ như nó. Vả chăng, nhìn vẻ mặt non dại, đang cố làm cho ra vẻ hiểu đời, sành sỏi, bất cần, cho anh hiểu rằng, cậu bé đã mất niềm tin vào cuộc sống. Không còn tin vào lòng nhân ái của người đời.

- Chú rảnh rỗi, vào đây chơi, xem cháu có cần chi không?

- Không cần!.. Thằng bé lấy vẻ cứng cỏi, vênh mặt lên - Ở đây có đầy đủ rồi! Nói xong, Quang quay mặt đi, như thể không có gì để nói với nhau nữa.

- Thì ta nói chuyện vui, cho đỡ buồn... Hỉ?

- Xì!.. Chú là công an, còn con là tội phạm! Có chi vui để nói với nhau cho đỡ buồn? Với lại... con cũng chẳng thấy buồn!..

- Cháu nói không thực lòng rồi!.. Tâm thỏ thẻ - Tuổi như cháu, giờ là học hành đông vui. Kiếm lấy cái chữ, mai sau kiếm cái nghề... Đó chưa kể là... bóng chuyền bóng đá, cờ vua cờ tướng, hát hò văn nghệ... Ôi, cái tuổi thần tiên...

Tâm dừng lại, quan sát gương mặt non tơ cố tỏ ra người lớn của Quang. Anh biết, trẻ con đến trường, ngoài chuyện nghĩa vụ học hành trên lớp, niềm vui kích thích không nhỏ, ấy là các hoạt động vui chơi văn nghệ thể thao ngoài giờ. Ngày xưa, anh vui đến lớp không chỉ học hành, biết thêm kiến thức mới, mà còn chờ giờ ra chơi, lao ra sân bóng đá, hay vào phòng bóng bàn... Nhưng mặt Quang vẫn lầm lì, cố châp một cách rạch ròi giữa công an và tội phạm. Tâm không nản, anh lại thỉ thổn, lần gỡ từng chút một trong đầu thằng bé 13 tuổi này.

- Hì hì!.. Công an cũng là người, cũng một thời trẻ con như cháu... Tâm cười hiền - Biết đâu, rồi lớn lên, cháu cũng thành công an..?

- Nhưng... Con đã thành tội phạm... Thằng bé nói, giọng hơi chùng.

- Chú... không nghĩ như vậy!..

- Tội phạm giết người!.. Quảng lại nói tỉnh bơ - Con đã khai cả rồi!..

          - Ừ, thì cứ cho là thế!.. Tâm lóe lên trong đầu, tiếp cận cậu bé một cách khác - Bây giờ, ta thử đổi chỗ cho nhau, cháu làm công an, chú là tội phạm. Ngày xưa, chú cũng có hoàn cảnh như cháu. Cũng mồ côi bố từ lúc lên mười, ở với dượng kế. Ông ta say mê rượu chè, đánh đập khắc nghiệt chẳng kém mẹ kế của cháu đâu...

          - Chú cũng khổ thế a? Thằng bé trố mắt, như vừa có bạn đồng hành - Rồi sau đó, chú cũng..?

- Phải, phải! Tâm thỏn thẻn nối lời thằng bé - Chú cũng ngang bướng, cũng sẵn sàng bất chấp, để bảo vệ...

- Sau thế nào? Thằng bé có vẻ đã chuyển biến tí chút - Thế nào mà chú được chọn đi học, về làm công an?

- Cái đó... đơn giản!.. Tâm rỉ rỏn tâm sự - Tại mình trẻ con cố chấp, chứ các chú công an rất tốt, nhất là với trẻ em... Nên sau một thời gian cứng cổ sai lầm, chú đã kể hết đầu đuôi sự việc...

- Để cháu... sắp xếp đầu đuôi... Thằng bé xuống giọng thầm thĩ - Mai chú vô chơi, cháu kể hết...

                                                    *img20220209154100

          - Chú à!.. Quang bắt đầu kể - Thật ra, người dì ruột của cháu hiện tại, mới là mẹ đẻ của cháu. Còn người mẹ cả đã qua đời, lại chính là chị ruột của dì này. Cuộc đời của dì ấy, à của mẹ cháu bây giờ, quả thật có nhiều đắng cay chua xót. Cháu thương mẹ lắm, sự khổ nhục mà mẹ chịu, phải nói là quá sức tưởng tượng của cháu. Lắm lúc nghĩ về mẹ, cháu muốn điên lên đấy, chú à...

          Ngày còn con gái, dì từ dưới quê vào sống với chị ruột của mình, tức là mẹ cả của con. Ngày ấy mẹ cả thường bệnh hoạn đau yếu luôn, và cũng vì mẹ cả không có con, nên dì phải vào ở, cũng để kiếm kế sinh nhai, vừa đỡ đần cho người chị luôn ốm đau bệnh tật.

          Một hôm, mẹ cả nằm viện, dì đã bị người anh rể cướp đi phần trinh tiết của mình. Sau đó, dì mang thai và sinh ra cháu. Sợ tai tiếng với xóm làng ở quê, nên con mình sinh ra phải gọi chị ruột bằng mẹ. Cháu được mẹ cả đứng tên trong khai sinh và là mẹ hợp pháp của mình.

          Dì đi lấy chồng, cố giấu diếm chuyện đau buồn quá khứ. Nhưng không biết làm sao người chồng sau của dì lại biết được chuyện này. Ông thường uống rượu rồi đánh đập, hành hạ dì thật tội nghiệp. Cháu thương dì lắm nhưng cháu còn bé quá chẳng giúp gì cho dì ấy được. Mẹ cháu thương em, thương con mà về sau đổ bệnh, rồi mất.

          Lúc còn mẹ cả, thì cuộc đời cháu không đến nỗi. Sau này khi mẹ mất, ba cháu rước mẹ kế, thì cháu thiếu ăn, thiếu mặc và thường chịu những trận đòn oan ức.

          Dì rất thương con trai mình, nhưng vì quá nghèo lại sợ ông dượng biết nên chẳng giúp được gì nhiều cho cháu. Cháu đi làm thêm kiếm tiền phụ giúp phần gánh nặng của dì đối với cháu. Nhưng quầy hàng phụ tùng ô tô của ba đã chiếm hết thời gian của cháu. Cửa hàng của ba kể ra thu nhập cũng rất cao, bán rất đông khách. Ba nhiều tiền nhưng cháu có muốn xin cũng vô cùng khó khăn. Mỗi lần xin tiền đóng học là y rằng sau đó cháu lại bị ăn đòn. Biết được điều này dì cháu uất ức lắm, có lần cháu bị đánh suýt gãy chân, dì ấy biết đã xách con dao thái chuối lợn định đi tìm ba cháu để chém. May sao hàng xóm ngăn được. Vừa rồi, ông ta đánh cháu muốn gãy cả xương lưng... Cậu bé vừa nói, vừa kéo vạt áo cho chú Tâm xem. Quả thật những vết roi tím bầm còn hằn dấu ngang trên lưng cậu bé chưa kịp lành. Trông những vết roi tím đỏ, nhằng nhịt hằn trên lưng thằng bé mà lòng anh lại thấy xót xa.

          Qua câu chuyện của cậu bé Quang, và theo giám định hồ sơ của pháp y về vết thương lúc ban đầu ở nhà của nạn nhân, vết thương gây nên cái chết của người đàn ông, là cùng một cây gậy sắt hoặc có thể là một cây búa đập vào đầu, chứ không phải do dao phay mà cậu bé đã khai nhận ở phòng hỏi cung. Điều này cũng khiến anh Tâm, người công an hình sự đã từng trải cả tuổi đời lẫn tuổi nghề, dường như đã hé mở một điều gì đó bất bình thường, không đúng đối tượng thằng bé nhận về mình đã giết ba nó. Khi nghe Quang kể, Tâm muốn điều tra lại từ đầu. Một đồng đội anh không ủng hộ, bảo:

          - Anh thật lắm hơi thừa sức! Nó đã nhận nó giết ba mình, thì nó chứ còn ai vào đây? Nhọc công làm gì nữa!

          Tâm không nản lòng, vì những lời nói không đâu vào đâu ấy! Trái lại anh càng quyết tâm hơn, và tin tưởng hơn vào việc của mình làm.

Sau bao lần dò la tin tức, tìm kiếm xung quanh khu vực nhà xảy ra án mạng, các anh đã tìm thấy trong kho vật liệu cũ ở nhà nạn nhân, có những vật dụng có dấu hiệu nghi vấn là hung khí giết người. Ngoài ra còn có thêm mấy sợi tóc vương vãi trên nền nhà nơi đã xảy ra án mạng. Qua sơ bộ điều tra thì các chứng cứ ấy có liên quan đến một phụ nữ.

          Vừa lúc ấy, có người hàng xóm ở cạnh nhà nạn nhân, đến gặp công an khai báo:

          - Đúng cái hôm ông đó chết, chúng tôi có nhìn thấy dì của cậu bé, chị ta từ trong nhà ông ấy hớt hải chạy ra đường.

          Từ lời khai của anh hàng xóm, các anh công an tìm đến nhà người dì của thằng Quang. Chị ấy khóc lóc thống thiết, và quỳ lạy dưới chân các anh:

- Tôi lạy các anh, xin các anh cứu giúp thằng bé. Con tôi tôi hiểu, nó không thể giết người...

          - Có người khai báo với chúng tôi, hôm xảy ra vụ án mạng, người ta nhìn thấy chị từ trong nhà nạn nhân hớt hải chạy ra đường. Mong chị hợp tác với chúng tôi!..

- Tôi lạy các anh, chúng tôi không giết người. Tôi đến nhà ông ta chỉ định nói đừng đánh thằng bé nữa. Nhưng không ngờ lại thấy ông nằm sóng soài ra giữa đất. Hoảng quá tôi chạy ù ra về, đến nhà tôi mới định thần lại. À hơ! Tại sao mình không gọi trong nhà xem có ai không? Nhưng sau đó tôi nghĩ lại, hình như lúc ấy tôi chạy ra đến ngõ thì thoáng thấy bóng thằng Quang từ ngoài về. Chẳng hiểu sao hôm sau lại nghe nó nhận tội giết người. Tôi van các anh, tôi xin các anh, các anh nên điều tra cho thật kĩ điều này. Có gì đó không bình thường. Thằng bé không thể giết người được...

          Tiếp tục lần dò tìm kiếm thêm ba ngày ba đêm nữa tại hiện trường, các anh đã tìm ra một chiếc búa đóng đinh, trên đó có dính máu của người bị hại. Pháp y lại một lần nữa giám định kĩ những sợi tóc và những dấu vân tay trên các vật gây án ở hiện trường. Những dấu vân tay trên hung khí và những sợi tóc vương vãi quanh khu vực gây án đều là của người vợ kế của nạn nhân.

          Sau khi giết chồng xong, bà ta vội vàng cuỗm một mớ tiền, vàng, cùng với người tình chuồn ra khỏi tỉnh. Bà ta dự định cùng nhân tình đi xứ khác làm ăn.

Trước tòa, thị khai nhận: “Vì muốn được thoải mái chung sống với người tình, nên đã giết chồng, đoạt tài sản...”. Thị nói ráo hoảnh.

Khi sự việc đã sáng tỏ, nhưng còn đấy vấn đề không nhỏ. Ấy là vì sao cậu bé cứ khăng khăng nhận là mình giết bố?

- Dạ thưa!.. Cậu bé Quang nói với tòa - Khi cháu về ngoài ngõ, thì thấy dì (tức mẹ đẻ cháu) hốt hoảng lao ra khỏi nhà. Mặt dì tái xanh tái xám, miệng cứng ngắt không nói nên lời. Còn cháu vào nhà, thì thấy ba nằm sóng soài trên vũng máu. Con nghĩ là dì đã vì con, mà giết ông ta... Con quyết đứng ra nhận tội thay cho dì, à cho mẹ con... Không ngờ, mẹ đẻ con cũng không phải là thủ phạm...

 Cậu bé Quang dừng lại, đưa mắt tìm kiếm quanh mọi người trong phiên tòa. Mắt cậu sáng lên, khi chợt thấy anh công an Dương Quang Tâm ngồi ở hàng ghế sau cùng, khẽ mỉm cười với cậu. Như được động viên, cậu nói liền một mạch - Chuyện tốt đẹp này, nhờ phần lớn chú Tâm đây giúp đỡ. Con cám ơn chú rất nhiều. Con không bao giờ quên công ơn to lớn này của chú. Con hứa sẽ trở lại trường, học hành chăm chỉ cùng bạn bè... Và con muốn... muốn phấn đấu, mai sau trở thành người công an tài giỏi như chú...

                                                                                                         D.T.L

 

 

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Nguyễn Thị Mai
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003.
Nhà văn, Phó Gs, Tiến sỹ VŨ NHO:  vunho121@gmail.com