bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÁC ĐỖ CHIÊU ĐỨC VỀ MỘT MỐI TÌNH THUỞ HỌC TRÒ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÁC SĨ HÀ HẢI ANH ĐÃ CỘNG TÁC!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÁC ĐỖ CHIÊU ĐỨC!BÀI THƠ TẶNG PHU NHÂN RẤT THÚ VỊ!CHÚC CÁC BÁC AN KHANG THỊNH VƯỢNG!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN VŨ THẢO NGỌC!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÁC ĐỖ  CHIÊU ĐỨC! LUÔN CÓ LIÊN HỆ ĐẾN TÁC PHẨM VĂN HỌC VIỆT NAM! CHÚC BÁC AN LÀNH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ KIỀU HỌC VƯƠNG TRỌNG! THÚ VỊ!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 11
Trong ngày: 11
Trong tuần: 11
Lượt truy cập: 885776

CÚC HỌA MI HÀ NỘI

CÚC HỌA MI HÀ NỘI

Tản văn của  Phạm Ngọc Tâm Dung

 tm_dung_1

Tháng Mười một, sáng ra, trên con phố nhỏ Nghi Tàm, Lạc Long Quân và các cửa ngõ Thủ Đô, cúc Họa Mi cứ bồng bềnh,  bồng bềnh nhẹ trôi vào phố. Sự có mặt của những bông hoa nhỏ nhắn và trắng muốt như tuyết, như sương ấy làm cho thời khắc chuyển mùa của Hà Nội có  thêm vẻ đẹp lãng mạn, thơ mộng,  cổ kính, dịu dàng.

Bên Hồ Tây, một em gái xinh xắn đang tạo dáng bên những đóa cúc Họa Mi đồng nội cùng mây nước. Dường như vẻ đẹp lạ lùng của những cánh hoa mỏng tang, trong suốt làm cho tuổi mười tám của em tôi cũng  đồng  vọng e ấp, bâng khuâng.

Cái tên cúc Họa Mi gắn với nhiều câu chuyện khá thú vị. Cúc Họa Mi còn có tên là daisy tiếng Anh, nghĩa là hoa cúc Tây. Kể cũng thú vị là các loại hoa quả, rau cỏ như Huệ Tây ( hoa loa kèn), tỏi Tây, hành Tây, táo Tây,… thứ gì cũng to hơn ta; riêng cúc Tây lại nhỏ hơn. Trong tiếng Pháp, hoa cúc này được gọi là Marguerite với nghĩa là viên ngọc trai. Nhà vua St.Louis đã khắc hình hoa cúc họa mi cùng với hoa diên vĩ và thánh giá trên chiếc nhẫn của ông. Theo lời nhà vua, chiếc nhẫn ấy tượng trưng cho những gì ông yêu quý nhất, đó là: Tôn giáo, nước Pháp và vợ ông – người phụ nữ mang tên Marguerite.

          Với tôi, tôi lại có mặc định riêng cho tên gọi cho loài hoa nhỏ nhắn, xinh tươi này. Đó là sự trùng trên một loài chim có giọng hót thật  du dương, hay nhất trong các loài chim mà hình dáng bề ngoài thật khiêm tốn! Họa Mi!

Những cây nấm màu sắc lòe loẹt, những con cá quá  sặc sỡ... thường hay chứa nhiều độc tố.

Phải chăng, những gì tinh túy nhất,  đặc biệt nhất đều được dấu kín trong cái vỏ bề ngoài hết sức khiêm nhường,  bình dị của nó chăng!

Những cành hoa gầy guộc, nhỏ nhắn,  mong manh khiêm nhường nở rộ như một tín hiệu  làm cho ta nhận ra  đã bắt đầu của một mùa đông. Nó đánh thức cánh đồng sau vụ gặt đang mê ngủ. Nó làm cho những người vốn không thích mùa đông, nhưng con tim cứ dại dột mà trao cho cúc hoạ mi, để loài hoa dễ thương ngọt ngào ấy dẫn dụ ta đi cùng hết mùa đông này sang mùa đông khác của cuộc đời.

          Nhà tôi may mắn ở gần xứ hoa Quảng Bá, Nghi Tàm. Mùa  cúc Họa Mi năm nào tôi cũng cùng bạn bè về với cánh đồng hoa cúc bát ngát ven Sông Hồng.

Khi ta có một vài  nhành Hoạ Mi, một bó lớn Hoạ Mi mà ôm trên tay, mà cắm trong bình, tưởng đã là  vô cùng hạnh phúc. Nhưng khi ta đứng trước cả một cánh đồng mênh mông Hoạ Mi,  bát ngát Họa Mi, đang dập dềnh  trước gió, hạnh phúc đó  dạt dào trào dâng lên đến nhường nào.

          Ta cúi xuống,  nhẹ nhàng nâng nâng nhành Hoạ Mi còn đẫm sương mai,  và ta  nhẩm đếm. Có loài 12 cánh, có loài 24 cánh. Những  cánh hoa  nhỏ bé, trắng muốt, trắng đến nao lòng,  ôm búp nhụy vàng  căng tròn. Cánh hoa bung kiêu hãnh,  khỏe khoắn nhưng vẫn còn dấu vết của  sự e ấp, dịu dàng.

            Có thể, nơi mặt đất vùi lấp,  cúc Họa Mi đang cố gắng  giấu một nỗi buồn kín đáo, chẳng hạn như một con sâu, một chiếc rễ bị  đứt, bị thui chột, một  chiếc lá không tươi, không được mượt xanh...Nhưng trước cơn gió lạnh mùa đông, nàng   vẫn bừng lên, bung nở trong niềm vui tỏa sáng.

Gió Sông Hồng vẫn cứ lồng lộng thổi. Những nhánh hoa theo gió mà đung đưa, nhún nhẩy vũ điệu riêng của loài mình.

Bông hoa nhỏ bé mà không mong manh, rung rinh cả những cành gầy guộc mà không cúi  rạp.

Hoạ Mi kiêu hãnh trước gió!

Cứ thế, cứ thế,   hàng trăm, hàng ngàn  bông trắng nhỏ làm thành thảm hoa trắng trên nền lá xanh  như níu bước chân ta.

          Tôi đã đọc ở đâu đó, có ai ví von rằng cúc Họa Mi là hiện thân của cô gái Hà Nội -  thanh lịch,  nhẹ nhàng, trắng muốt, mong manh, luôn e thẹn,  bẽn lẽn khi gió đông về.

          Mỗi mùa hoa chỉ nở trong vòng một tháng, từ giữa tháng mười một đến trung tuần tháng mười hai. Khi người ta còn đang mê, đang say, cũng là lúc mùa hoa kết thúc hết sức đột ngột.  Để lại bao ngẩn ngơ, tiếc nuối. Lại phải hẹn thôi. Lại phải chờ thôi! Sang năm,  vào đúng mùa này, tuần này, đúng ngày này!

          Ở Hà Nội,  những ngày này, từ các bà mẹ đến các cô gái, chàng trai, ai cũng mê mẩn với cúc họa mi. Bởi vẻ đẹp dịu dàng, trong trắng tinh khôi làm cho lòng ta dịu lại, mơ mộng, chờ  mong điều gì đẹp đẽ đang  đón đợi  ta ở phía trước con đường...

          Được biết, có những người đang sống ở phương Nam đầy gió và nắng, một buổi chiều bỗng nhớ nôn nao  những thảm lá vàng óng  đường Phan Đình Phùng; nhớ những chiếc xe, những gánh hàng rong bồng bềnh hoa cúc Họa Mi, nhớ màu trắng tuyết làm mềm không gian các chợ lớn, chợ nhỏ và cả ngóc ngách lối đi; nhớ hình ảnh người đàn ông trung niên dừng xe bên đường, chọn cho người vợ yêu một bó cúc đẹp nhất chỉ với giá năm mươi nghìn đồng mà mua được nụ cười rạng rỡ trong mắt người tri kỷ; nhớ dáng thanh tú  thướt tha của thiếu nữ Hà Nội làm duyên với bó cúc Họa Mi trắng muốt…, mà cấp tập  đặt mua ngay vé để trở về Hà Nội.

Hà Nội đẹp lung linh với những đêm hoa đăng.

Hà Nội nguy nga lộng lẫy với những ngôi nhà cao tầng, những công trình hiện đại thế kỷ.

Hà Nội với những đóa Họa Mi kiêu hãnh trước gió, chỉ nở một lần trong đời rồi vĩnh viễn cho phép mùa đông băng giá tràn về.

22_11_2020

TD

 

 

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Nguyễn Thị Mai
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003.
Nhà văn, Phó Gs, Tiến sỹ VŨ NHO:  vunho121@gmail.com