bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ XỬ LÍ VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN NGHÊNH NHÀ VĂN, NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ TƯỜNG THUẬT BẰNG HÌNH ẢNH SINH ĐỘNG TRONG VIDEO CLIP NÀY!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 16
Trong ngày: 118
Trong tuần: 1151
Lượt truy cập: 631844

CUỘC ĐỜI KHÔNG ĐỊNH TRƯỚC

Vũ Thảo Ngọc

CUỘC ĐỜI KHÔNG ĐỊNH TRƯỚC

   Nhà đông con với bảy tám miệng ăn, học xong lớp bảy thì Nụ xin đi công nhân lâm trường. Lâm trường trồng thông xa tít mãi tận Quảng Ninh. Khóc nhiều vì nhớ nhà, nhớ chị Bằng, em Phẳng, thằng Phăng... ríu rít hàng ngày. Rồi cũng qua những quãng ngày nhớ nhung ấy để làm công nhân lâm trường trồng thông. Nhờ nhanh nhẹn tháo vát Nụ được lâm trường đưa về đội đời sống, tức là chăm lo ăn ở cho anh em lâm trường, Nụ được phụ trách nhà ăn tập thể quãng gần năm trăm suất ăn mỗi ngày. Những ngày ấy vui biết mấy. Nụ không xinh nhưng có duyên ngầm, tự Nụ nhận ra điều đó. Cộng với cái tính nhanh nhảu, nên được rất nhiều trai cùng lâm trường tán tỉnh. Trong đám trai ấy, Nụ chỉ ưa mỗi anh Lanh, người khá đứng đắn, anh có đặc tính hóm hỉnh khi nói chuyện, bất kể ở đâu anh cũng có thể làm cho người ta cười được, dù mệt nhọc thế nào. Cả hai vẫn chỉ là cảm mến nhau. Nhưng khổ nỗi, anh giám đốc lâm trường khi ấy tên là Tiến lại rất mê Nụ. Chính Nụ cũng không biết điều này, nhưng rồi thì một hôm vừa ăn xong xuất cơm tập thể giám đốc Tiến cứ nán lại hỏi Nụ những chuyện đâu đâu. Nụ vốn nhạy cảm nên biết, mình chả có vai trò gì trong cái câu chuyện mà anh ta đang nói. Đại loại anh cứ hỏi những câu rất vô hồn...

- Nụ ơi, em sinh năm nào nhỉ. Hôm nay đông công nhân ăn cơm không hay toàn bỏ bữa hả em. Công việc có khó khăn gì không…

- Nụ ơi, quê em ở gần sông Kinh Thày nhỉ

- Ờ mà Nụ ơi, cuối tuần này anh về quê thăm nhà, nếu muốn về thăm u có đi thì đi cùng anh nhé, anh sẽ đón em.

Trước những câu hỏi cấp tập thế Nụ chỉ biết im lặng. Nhà ăn đã vắng hoe. Chỉ còn Nụ và giám đốc, không còn cách nào Nụ đành nói:

- Giám đốc ơi, ta về thôi. Em cảm ơn anh đã hỏi thăm. Tuần này em phải trực nên không về được ạ.

- Về hả. Ừ, thì về, nhưng mà Nụ ơi...

  Nụ chưa kịp định hình thì giám đốc đã ôm choàng lấy Nụ. Nụ cố gỡ khỏi hai cánh tay như gọng kìm của giám đốc và bình tĩnh bảo hắn:

- Em xin lỗi. Em có người yêu là anh Lanh rồi.

- Hử. Sao em lại yêu nó. Sao em lại....

   Nụ nói câu gì đó và cứ thế chạy ra cửa nhà ăn tập thể. Tim đập loạn lên. Chết thôi, mình đã nói bừa để thoát khỏi Tiến, lỡ mà Lanh biết được thì xấu hổ chết. Ui trời, biết giấu mặt vào đâu bây giờ. Nụ về nhà nằm thõng thượt. Khóc và khóc. Tối đó mấy đứa cùng phòng hỏi gì cũng không nói. Nụ như kẻ mộng du. Sợ sệt và co rúm mỗi khi nghe tiếng đàn ông ngoài hè. Mấy hôm thấy Nụ không vui vẻ, tươi cười như mọi khi. Lanh đến ăn cơm muộn hơn, mục đích anh muốn xem Nụ có bị làm sao, vì dù sao, trong đám bạn bè, Nụ và anh cũng tỏ ra thân thiết có cảm tình với nhau hơn, Lanh biết điều đó. Nụ luống cuống đưa xuất cơm cho anh. Lanh hỏi nhỏ:

  • Mấy bữa nay em bị ốm à. Hay ở nhà có chuyện gì buồn không?

Nụ kìm nén giọt nước mắt chực trào ra. Lanh hỏi tiếp:

  • Nếu ốm, cần gì anh mua thuốc cho, đừng ngại, mình cùng quê, nếu nhớ nhà, hay nhà có chuyện gì, cuối tuần anh đưa em về.

Nụ vẫn miên man xúc cơm vào những cái bát tiếp theo, giọt nước mắt ứa ra, cô vội lấy gấu tạp dề lau. Nhưng môi bậm lại đến ứa máu.

  • Tối anh đến nhé.

  Giọng Lanh như gió thoảng. Nụ như được chia sẻ phần nào nỗi lo sợ vu vơ ấy. Thời đó, trai gái yêu nhau không dễ dàng như bây giờ. Cả tập thể lâm trường toàn trai gái thanh tân, nếu không có kỷ luật thép của lâm trường thì không thể quản lý một cách lành mạnh được. Chỉ là một câu nói, chỉ là đi bên nhau, chỉ là có lá thư gửi đến hò hẹn...tức là họ đã yêu nhau và chắc chắn...lấy nhau. Vì thế, nhất cử nhất động đôi nào ra mặt thương nhau đều “lộ” ngay lập tức. Ui chao, cứ nghĩ giáp mặt Lanh là Nụ muốn độn thổ.

  Tối thứ bảy, trai gái lâm trường thường tổ chức sinh hoạt ca hát ở nhà hội trường của lâm trường. Nụ cố giấu mặt đi, cố giấu sự ngượng ngùng và cố tránh mặt Lanh, nhưng dù có đông đến mấy thì Lanh vẫn đến trước mặt Nụ và gọi to:

  • Nụ ơi, Nụ ơi, mình đây mà.

  Nụ cố lùi vào đám đông thanh niên đang hò hét vì những điều gì đó. Lanh đến bên. Nụ đỏ lựng mặt, mặc dù trong ánh đèn nhấp nhánh, khó nhận ra được điều đó. Nhưng Nụ thấy như Lanh đã nhận được điều gì. Lanh vội kéo Nụ xa hẳn đám đông cuồng nhiệt kia. Đến bên bờ của luống hoa bên cây xà cừ cổ thụ gần khu hiệu bộ, Lanh vẫn cầm tay Nụ chặt và hỏi:

  • Nụ, em có làm sao không, em có ốm không, em có ...có bị ai bắt nạt không.

Nụ cố kìm nén. Cố giấu đi nỗi niềm chất chứa cả tuần nay. Giờ như được trút bỏ. Nụ òa khóc nấc lên, khóc lu loa, khóc như thể Lanh là người có lỗi.

- Nụ, Nụ ơi, em làm sao thế, em nói đi, em nói anh nghe, đứa nào bắt nạt em à. Anh sẽ cho nó biết tay.

- Khoong...ông, chẳng ai bắt nạt em. Chỉ là tại em yếu đuối...

- Thế là sao, nói rõ đi ra xem nào...cứ ấp úng thế, anh làm sao bảo vệ em được.

- Khô...ông...kệ em, anh không giúp em được. Hu hu hu...

  Không hiểu sao lúc đó Nụ lại tỉnh táo để trả lời Lanh rành rõ thế, dù rất muốn bật ra hai từ “giám đốc”. Nhưng Nụ đã chẹn nó ngang họng mình và chịu trong vòng tay Lanh vỗ về. Và cũng từ bữa đó, coi như Nụ và Lanh đã là của nhau. Lanh chăm chút Nụ hơn. Lanh hay sang khu nhà ở của nữ với Nụ, lúc thì làm hộ cái này, cái kia, những công việc mà cánh nữ không làm được. Mọi người xung quanh đều mừng cho hai người. Hợp hoàn cảnh, cùng quê, thuận lợi đôi ngả, chắc đến mùa xuân sau là họ cũng giống như một số gia đình trẻ khác được lâm trường cấp cho một ngôi nhà nhỏ trên một vuông đất xanh rì cây lá. Cũng sẽ có tiếng những đứa trẻ con, tiếng chí chóe của vợ chồng vừa ra ở riêng còn nhiều bỡ ngỡ...

                                     ****

   Giọng hắn hổn hển, hắn đè bẹp Nụ ngay trong cái lán lâm sinh vừa mới nhen lên được vài mầm cây thưa thớt. Vì ngàn vạn lí do, Nụ được điều lên đội lâm sinh để phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học nhân giống cây của lâm trường, cách xa lâm trường bộ quãng hơn chục kilomet gì đó. Không sao, tuổi trẻ hừng hực, được lãnh đạo tín nhiệm phân công đi là niêm vinh dự lắm. Chỉ thời gian ngắn ở đây là Nụ sẽ có cơ hội để về lâm trường bộ và Lanh đợi Nụ ở đó. Lời của giám đốc lâm trường động viên cả nhóm đi lên khu lâm sinh những lời ngon ngọt. Tuổi trẻ, vừa tự tin, đắc thắng, vừa quá cả tin với những lời đường mật ấy. Vốn dĩ luôn đứng đầu dây, dù ở bất cứ việc to, việc nhỏ nào của lâm trường, vì thế, được lựa chọn đi thế này tức là Nụ chắc mẩm là người được lãnh đạo chú ý, là có thể ghi thành tích vào lí lịch sau này. Nhiều hy vọng có cơ hội được đề bạt, thăng tiến…

   Đêm sâu. Hắn đè bẹp Nụ. Người hắn nặng mùi thuốc lào lưu cữu rất khó chịu. Nụ không hình dung tại sao hắn lại đè bẹp Nụ được nhanh thế. Nụ như con gián bẹp dí dưới sức nặng của con mèo ham vờn những kẻ yếu đuối như Nụ. Hắn cố thụi cái của nợ vào Nụ mặc dù Nụ đã van xin, đừng làm Nụ sợ, Nụ sẽ... Hắn luôn mồm hứa không kể với ai chuyện này. Giữa rừng xanh ngút ngát này, chỉ mình anh và em, không ai biết đâu. Nụ bật khóc vì kẻ lừa lọc hôi hám. Trong tích tắc cô cắn phập vào cánh tay hắn. Hắn buông ra gầm gừ.

  Sáng bảnh, cả khu lâm sinh nhốn nháo vì thấy Nụ ở tít ngọn cây không xuống, còn giám đốc Tiến thì đứng dưới van vỉ xin cô xuống ngay, đừng vì tiêu cực mà thiệt thân. Mặc hắn lải nhải ở dưới đất. Nụ như con chim non bị con mèo già truy đuổi, còn lâu mới xuống nhé. Nụ không trả lời và nằm ngủ thiếp trên cái chạc cây cổ thụ duy nhất của vườn lâm sinh ấy. Rồi lâu lắm thì phải, Nụ thấy ai đó hò hét xuống ngay, xuống ngay, con điên, con rồ, con thần kinh...Khi Nụ giật mình tỉnh dậy, nhìn xuống vườn lâm sinh đèn đuốc sáng trưng. Nụ nghĩ mãi mới hiểu ra chuyện gì. Lanh cũng có mặt ở đó. Anh là người leo lên cây đầu tiên đề đưa Nụ xuống. Khi chân Nụ chạm đất thì cả đám đông xô vào Nụ những câu nói ghê rợn, nói Nụ là con điên, bị con ma rừng ở núi Bạch ám vào và thành ra như thế. Thôi, nó bị ma ám thì để nó ở lại đây. Cánh ta về đi. Chứ ở với nó không khéo lại bị ma núi Bạch ám theo chết tắc ba đời. Âm thanh chói lói. Đêm đen kịt. Những bóng người như bóng ma chập chờn theo ánh đuốc, những cây lá rừng thì như có làn gió vô tình ở đâu đẩy đến cứ rũ rượi kêu những tiếng xào xạc. Nụ bất chợt hét to tao điên, con điên đây... Từ đó coi như chỉ Nụ ở lại với vườn lâm sinh. Nụ chui vào cái lán nơi mà con mèo già đã suýt đè bẹp không mảy may suy nghĩ, thiếp đi cho đến sáng hôm sau. Khi ánh mặt trời chiếu thẳng mặt Nụ mới bừng tỉnh. Nụ ngồi trước ánh mặt trời. Trước cánh rừng xanh ngắt. Chỉ có tiếng gió, tiếng lá va vào nhau. Nụ chợt hình dung lại câu chuyện hôm qua và thấy mọi điều dần sáng tỏ, gương mặt Lanh thảng thốt. Bàn tay Lanh nắm chặt ấm nồng bỗng lạnh ngắt buông tay ra. Nụ ở đó một ngày, một tuần, rồi một tháng hình như hơn thế, mấy vạt ngô, rau xanh đem lên trồng xen vườn cây thí nghiệm đã cao vọt cả sải tay. Nhưng không một bóng người. Không một bóng người thoáng qua chứ đừng nói dừng chân lại. Nụ vẫn thấy mặt trời mọc vào buổi sáng khi thức dậy. Vẫn thấy mặt trời lặn sau ngọn núi kia khi đã mệt nhoài với rất nhiều việc ở cái vườn lâm sinh này. Rồi một ngày nọ có một người đàn ông lạc rừng tới. Anh ta chỉ còn hơi thở. Thân hình ướt sũng không rõ vì mưa, vì mồ hôi của sốt rét rừng không biết. Nụ như cái lá nhận ánh mặt trời để xanh thêm màu diệp lục. Anh chàng lạc rừng đã hồi sinh từng giây từng phút. Nụ mừng như vớ được ngai vàng. Khuôn mặt sáng láng khôi ngô, đôi mắt to sáng thăm thẳm buồn. Mắt đã mở he hé. Tiếng thở đã rõ hơn. Rồi nuốt cháo loãng. Rồi ăn được tí cơm. Và “người rừng” bình phục hẳn. Câu đầu tiên anh ta nói với Nụ:

  • Đội ơn bà. Bà đã sinh ra tôi lần thứ hai.

Nói rồi hắn vái Nụ lia lịa. Nụ bật cười vì nghe rất buồn cười, mà buồn cười vì nhiều lẽ... lâu lắm mới nghe tiếng người nên Nụ cũng bật cười khanh khách.

5-ha8-2104-1-copy-1450064094

   Sau thì trong một đêm mưa rét rầm rề, hắn kể về quãng đời bầm dập khùng điên của một kẻ cuồng chữ. Hắn đã ngộ nhận nhiều thứ. Nhưng tất cả đều đổ sập vì người đời đều không thừa nhận và chỉ coi hắn là kẻ khùng. Tranh vẽ kiểu gì mà không hiểu. Chữ viết kiểu gì mà khó đọc. Hắn vẫn mơ sẽ là những danh họa lớn trên thế giới. Mơ là Đờ Vanh Xi, mơ là Pi Cát Sô, là Van Gốc... Hắn bảo từ lớp ba lớp bốn hắn đã ngốn cả đống sách trong thư viện ở làng mà ông anh họ là thủ thư. Hắn thuộc nhiều cuốn thơ, cuốn truyện đông tây kim cổ, có gì đọc tuốt không cần xem nó ở đâu. Những cuốn sách đã cho hắn đi miên man trong thế giới của người nổi tiếng khắp hành tinh. Những cuốn sách làm bụng hắn no nê vì chữ nghĩa, về những điều to tát trên thế giới mà ở ngôi làng bé nhỏ của hắn chả ai biết. Vì thế trong làng, một thằng cu lớp bốn mà đọc vanh vách các điển tích, điển cố của làng, giai thoại của làng ra làm sao, rồi đến hầm bà làng ông tây này, bà tây kia với những tác phẩm hội họa, văn học lừng danh thế giới... Nói tóm lại hễ mở miệng là hắn nói thiên la địa võng những mỹ từ của các cuốn tiểu thuyết phương tây thế kỷ mười chín. Dân làng có ai đọc những thứ đó đâu mà biết, nên chẳng ai nghe và cuối cùng hắn bị cho là thằng...khùng. Thằng khùng ngộ chữ là hắn đã thi đỗ đại học, những năm đó đỗ đại học là một kì tích lớn của một huyện chứ không phải của một làng. Chân trời mới mở ra, hắn sẽ thỏa thuê trong bầu trời tri thức mà hắn đã mơ từ lâu. Lại nữa, nguyện vọng được vào đúng trường Mỹ thuật mà hắn đã ấp ủ từ khi biết ông Van Gốc, biết ông Đờ Vanh Xi...qua những trang sách dày bịch ở thư viện làng. Hắn vào trường với những hăm hở của tuổi mười tám đầy khát vọng. Những bức vẽ đầu tiên đã được giới chuyên môn đánh giá khả năng hội họa của hắn vượt trội hơn hẳn các bạn cùng lớp. Các thầy yêu hắn ra mặt. Dù gì trong một lớp tài năng có một hai tài năng phát sáng hơn thì đương nhiên thầy nào chẳng mong muốn khích lệ thêm để có những học trò xuất chúng. Hắn đã được sống trong vòng hào quang đó gần hết năm thứ ba vì hắn không thể hoàn thành các môn học yêu cầu, và cũng là lúc hắn...trở thành điên thật. Mỗi ngày hắn điên một tí, chỉ mải vẽ những ý nghĩ kỳ quái trong đầu hắn nghĩ ra mà không đi theo trường phái nào. Lâu dần hắn bỗng như kẻ bên lề của giảng đường đầy tự hào ấy mà hắn từng được vinh danh trước đó không lâu. Hắn tự lùi dần ra hè phố. Mấy đứa cùng học thương bớt chút ít học bổng eo hẹp khi cho hắn cái bánh mì, khi cho hắn bữa cơm sinh viên. Hắn bị đuổi học vì không học xong các học phần quy định, đương nhiên chế độ kí túc xá cũng không có, hắn vạ vật phòng này, phòng kia nhưng cũng không còn chỗ chứa hắn. Không một lời giã biệt nơi hắn được từng ôm mộng lớn lao. Hắn lủi thủi đi như kẻ vô định. Hắn đi tới đâu tự kiếm ăn đến đó, sự kiếm ăn ngày đó cũng không dễ, may ngang qua con phố huyện nào đó, có thể vẽ cho ông chủ quán phở một biển hiệu ngay ngắn thì kiếm được bát phở, được ông chủ quán khen mày là thằng lang thang mà vẽ đẹp như họa sĩ. Hắn tự dằn lòng không để lộ thân phận để húp hết cả tí nước cuối cùng của bát phở phố huyện vừa mặn vừa chua. Bước chân hắn lang thang như không có điểm dừng rồi một ngày hắn ngã vào cánh rừng lâm sinh của Nụ. Sau bát cháo nóng ấm thơm mùi hành, tía tô, hắn tỉnh người giữa một vùng thiên nhiên thanh tịnh đến nao lòng. Hắn quên hắn là ai, hắn luyên thuyên dài dòng về màu sắc, về chim muông về...rất nhiều điều mà người như Nụ nghe chả hiểu gì. Rồi ánh nắng ban mai chiếu rọi đến đôi mắt to, thâm quầng vì thiếu ngủ của hắn, đôi mắt thẳm thẳm những dự liệu, toan tính, khát vọng. Hắn như được tia nắng đầu tiên chiếu dọi, bỗng bừng tỉnh và dừng lời trước sự lắng nghe và im lặng của Nụ. Hắn lặng lẽ nhận ngày ba bữa cơm thanh tịnh của cô trồng rừng và chợt nhận ra một điều, khát vọng lớn lao đến đâu có lẽ đều bắt đầu từ những điều bình thường nhất. Hắn bảo Nụ:

  • Tôi cảm ơn cô đã trả tôi về với cuộc sống bình thường. Có lẽ tôi có thể...đi được rồi nhờ những ngày qua cô cưu mang tôi. Nhưng, nhưng...Nụ ơi, em...em là mẹ anh nhé.

  Nói xong hắn khóc. Hắn ôm Nụ chặt vào lòng và cái ôm không phải là mẹ con mà là cái ôm định mệnh. Nước mắt hắn đã ướt đầm vai áo Nụ. Rừng chiều như sẫm hơn. Lũ chim chóc mọi ngày chưa về tổ, hôm đó như về sớm hơn. Khu rừng bỗng rộn ràng, Nụ nằm mơ với cơn mơ dịu nhẹ và bay bổng. Nụ chỉ còn biết phục tùng hắn như thể hắn đã lấy hết hồn vía của cô. Cuộc sống trôi đi như nếu như Nụ không trỗi dậy niềm đam mê hội họa từ sự truyền cảm hứng của hắn sang cô. Cái lâm trường trồng rừng như cũng quên đã từng đưa cô lên khu nghiên cứu giữa rừng này. Nụ bỗng nhận ra mình có báu vật trong tay. Nụ nhanh chóng thu xếp một vài thứ cần thiết và kéo hắn ra khỏi rừng. Nụ kéo hắn như mẹ kéo con chạy loạn. Cả hai dắt díu đến thành phố đông dân nhất nước. Cô vốn tính tháo vát nên nhanh chóng kiếm được cái nhà vừa ở vừa bán nước lặt vặt. Cũng là đến thời đến vận nên chỗ nhà thuê ấy lại mọc lên cả tá khu công nghiệp. Cô thuê thêm mặt bằng mở quán cơm, cô bán hàng rẻ, sạch sẽ nên thu nhập rất tốt. Còn hắn, hắn chỉ ngồi vẽ. Hắn biết Nụ dành tình yêu cho hắn không cần đền đáp và hắn đâm đầu vào vẽ, những bức vẽ quên ăn trưa, quên ăn tối, những bức vẽ đã bắt đầu đến tay các nhà sưu tập tranh nghiệp dư. Rồi dần dà tranh của hắn đã lọt vào mấy cuộc thi lớn của hội nghề nghiệp. Nụ vẫn bán cơm. Hắn vẫn vẽ. Hai đứa con gái của hắn cũng mê vẽ như hắn. Nụ ngày một đẹp lên. Hắn đã vẽ Nụ hai mươi năm nhưng bức chân dung Nụ vẫn không thành. Hai con gái hắn bảo, bố chỉ vẽ ăn tiền, chứ không ăn mẹ được. Hắn gật dù, đúng, bố mày do mẹ mày đẻ ra, còn cái thân chúng mày nữa đấy, ai đẻ ra chúng mày mà chúng mày dám trêu bố. Hai con gái chau mỏ lên mà cười rúc rích. Quả thật, sau cái bữa lạc vào ở cửa rừng lâm sinh ấy, có lẽ, không còn ai nhớ có một tên khùng suốt ngày bô lô ba la về Van Gốc, Đờ Vanh Xi gì gì đó nữa. Tên tuổi của họa sĩ tài ba Khúc Hoàng Minh đã len lỏi vào giới hội họa có nghề, tranh của Khúc Hoàng Minh bán đắt ngang ngửa những tác giả lớn của thế giới. Cuộc sống có sự cộng hưởng từ hai vợ chồng nên họ nhanh chóng có được cơ ngơi như mong muốn. Vợ Minh chuyển nghề hàng cơm cho mấy đứa cháu họ và hai vợ chồng về căn biệt thự họ vừa xây xong ở ngoại ô. Cuộc sống như chẳng có gì là phiền muộn. Họa sĩ chồng đã có gala tranh trên phố lớn, cuối tuần hai vợ chồng mới đáo qua. Hoặc có sự kiện gì đó thì mới qua, còn không thì cả hai đều cặm cụi với tranh của Minh ở căn biệt thự ngoại ô. Có một chuyện là cô cháu gái trông nom cửa hàng gọi cho Minh nói, cứ sáng thứ bảy có một ông khách lớn tuổi đến gala và chỉ đứng ngắm bức chân dung ông vẽ bà nhưng không nói câu gì. Ông ta chăm chú ngắm nghía gần như hết buổi sáng cuối tuần hôm đó. Khúc Hoàng Minh cũng không biết ông ta thích tranh, chỉ nghĩ đó là một người chắc tò mò mà thôi. Nhưng đến sáng thứ bảy tuần sau, người khách tuần trước vẫn đến. Ông ta cũng chỉ đứng trước bức tranh đó, lặng lẽ ngắm nghía. Không hỏi cô gái trông coi gala, cũng chẳng một lời bình phẩm. Rồi một tháng sau ông khách đó lại đến. Cô gái trông gala tò mò đến bên hỏi:

- Ông ơi, xin lỗi ông, cho cháu hỏi, ông thích bức chân dung này à, nhưng ông cháu không bán đâu ạ.

- Ờ ờ, à à... ông thích... à, ờ ông cũng đang xem, tranh của họa sĩ Khúc Hoàng Minh nổi tiếng, ông biết rồi mà.

 Đúng lúc đó thì vợ chồng Minh vừa tới gala. Ông già sững người kêu lớn:

  • Nụ. Cô Nụ phải không. Trời ơi, tôi ...tôi không thể hình dung nổi, cô...cô với ông họa sĩ là...là ...là...

  Mất một phút Nụ và Minh bất ngờ. Cả hai đều không hiểu ông khách nói gì. Khúc Hoàng Minh lịch thiệp chỉ tay về phía bộ bàn ghế phía trong gala và bảo:

- Mời ông ngồi. Mời ông cho biết quý danh, ông biết...vợ tôi, ông là ai thì cũng cứ ngồi lại cho vợ chồng tôi mời ông chén trà sáng.

- Ấy không...không...tôi nhầm, xin lỗi ông bà.

  Nói rồi, vị khách lập bập bước nhanh ra phía cửa. Rồi ông ta mất hút vào dòng người bắt đầu đông đặc sáng thứ bảy.

  Nụ vẫn còn bàng hoàng. Nỗi đau hằn sâu vào quên lãng nhưng khi nó tấy lên thì nhức nhối vô cùng. Khúc Hoàng Minh dìu Nụ vào bên trong. Khi Nụ bình tĩnh trở lại, Minh hỏi vợ:

- Em có biết ông ta không, cái ông khách kì quặc đó.

- Không anh ạ. Nhưng ông ấy hỏi bộp như thế nên em phát hoảng thôi!

- Ừ thế thì không sao, giờ lắm kẻ lừa đảo lắm, nên mình cũng nên cảnh giác, chiêu trò nhận người quen để lừa đảo ở thành phố này nhiều lắm. Cứ nên cảnh giác nếu lần sau ông đó lại giả vờ thế em nhé.

  Nụ khẽ gật đầu đáp vâng một tiếng như hơi thở nhẹ.

  Nhưng lòng Nụ thì đã biết. Vị khách kì quặc đóc là ai. Phần căm hận hắn, phần Nụ thấy lòng kiêu hãnh của mình đã được đáp đền. Nụ sẽ tha thứ nếu hắn biết xin lỗi Nụ một tiếng. Nhưng rồi cô lại tự vấn, thôi, mình già rồi, mọi việc đã đi vào dĩ vãng, nhận lời xin lỗi của hắn chắc gì mình đã tốt hơn.

  Một buổi sáng cuối tuần trong veo như mấy mươi năm trước trong khu rừng vắng. Nụ miên man với những đoạn đường đời cô đã trải qua. Không oán hận mà chỉ thấy thêm niềm trân trọng cuộc sống đã cho mình những năm tháng quá đẹp đẽ, đã cho mình vật báu “người rừng đi lạc” để bây giờ Nụ biết trân trọng hơn hết những điều mình mất mát và cả những viên bi hạnh phúc đang lăn trên hai bàn tay mình. Đang liên miên nghĩ ngợi, chồng Nụ vào, giọng anh reo lên vui sướng:

  • Em ơi, bức Người lạc rừng coi như đã xong. Anh đã tìm ra “mật mã” của nó để giải quyết rồi, bức này sẽ để bên bức Người con gái của rừng em ạ. Ôi, một buổi sáng tuyệt vời. Vợ tôi tuyệt vời. Cuộc đời tuyệt vời.

   Nói rồi Minh như lên đồng, thắm thiết ôm vợ và dìu Nụ theo bản nhạc dìu dặt phát ra từ phòng tranh bên ngoài. Nụ như ngất ngây bước những bước mộng du theo chồng. Buổi sáng ấy cũng trong trẻo như ở cái vườn lâm sinh bị bỏ hoang nào thì phải, khi Nụ chạm vào gã lạc rừng lúc anh chỉ còn là hơi thở yếu ớt...

                                                                                          Hạ Long, cuối thu 2015

                                                                                                         V.T.N

 

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)