bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 0855890003

CÁM ƠN ANH ĐỨC BÌNH CỘNG TÁC!CHÚC ANH VUI KHỎE!

 

ĐỨC BÌNH

Xin cám ơn BAN BT trang TÁC PHẨM VÀ BẠN ĐỌC !

 

VŨ NHO 085 589 0003

Tôi không xem chương trình VUA TIẾNG VIỆT. Cứ theo những gì bác Đinh Y Văn tường thuật thì đích thị là TRÒ CHƠI Đoán từ. Người nhìn từ trong Từ Điển, nói "chữ" đầu của từ, rồi nói "chữ" sau. Người kia...

 

Đinh Y Văn

Trân trọng cảm ơn Tổng biên tập đã dành sự quan tâm đến bố con cụ Đinh Y Văn!

 

Đinh Y Văn

Xin có lời thưa lại, hình như cụ ĐYV bị quy oan là “lơ mơ” ?! Tên chính thức vòng 2 chương trình Vua tiếng Việt là GIẢI NGHĨA, không phải là ĐOÁN TỪ bác ạ.

 

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ BÁO, NHÀ NGHIÊN CỨU NGHIÊM THỊ HẰNG!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 76
Trong ngày: 416
Trong tuần: 1198
Lượt truy cập: 773877

ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU

Phạm Trọng Thanh

Tản mạn về Nguyễn Du
trên đất cũ Sơn Nam

    Trong cuốn Truyện Kiều (NXB Đại học và Trung học Chuyên nghiệp - Hà Nội, 1976,  GS Hà Huy Giáp giới thiệu, PGS Nguyễn Thạch Giang khảo đính và chú thích) in bản “Niên phổ Nguyễn Du” do PGS Trương Chính biên soạn ở cuối sách,  ghi năm Nguyễn Du đi thi hương:

“- 1783. (Nguyễn Du)18 tuổi.

… Nguyễn Nễ, Nguyễn Nhưng (em khác mẹ), Nguyễn Thiện đỗ tứ trường (cử nhân) ở trường Phụng Thiên (Hà Nội). Nguyễn Du đỗ tam trường (tú tài) ở trường thi Sơn Nam (Nam Định)...”.

Cũng chép về việc thi cử của Nguyễn Du,  trong “Niên biểu Nguyễn Du” in ở cuối cuốn tiểu thuyết Ba trăm năm lẻ (NXB Văn hóa – Hà Nội, 1983), GS Vũ Ngọc Khánh viết:

“-1783. (Nguyễn Du) 18 tuổi. Về Sơn Nam. Thi đỗ tam trường, kết hôn với con gái Đoàn Nguyễn Thục…”.

Để trả lời câu hỏi Trường thi Sơn Nam mở khoa thi năm 1783 (năm Nguyễn Du đỗ tú tài) ở đâu…tôi đã tìm đọc các tư liệu lịch sử về Trường thi Sơn Nam và được biết, dưới triều nhà Lê, việc tổ chức thi Hương đã có những quy định rõ ràng, cụ thể. Trường thi Sơn Nam tổ chức thi cho thí sinh cả vùng Hải Dương và Quảng Yên. Trường này ban đầu đặt ở làng Hiến Nam, xã Hoa Dương, huyện Kim Động, cạnh phố Hiến, nên có tên là trường Hiến Nam. Sang triều Nguyễn, đến năm Gia Long thứ 18 (1819) trường thi hương Hiến Nam dời về đất làng Vị Hoàng (Nam Định). (Trích Thành Nam, Địa danh và Giai thoại, NXB Văn hoá Dân tộc, Hà Nội, 2012, tr. 173). Tư liệu lịch sử này được những người biên soạn rút từ bộ Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, NXB Thuận Hóa – Huế, 1993. Như vậy, khoa thi  năm Quý Mão (1783), niên hiệu Cảnh Hưng thứ 44, triều vua Lê Hiển Tông, Nguyễn Du thi đỗ tam trường tại trường thi Hiến Nam, Sơn Nam (Hưng Yên).

Những gắn bó của Nguyễn Du với miền đất Sơn Nam hiện hữu đậm nét trong các bài thơ chữ Hán của đại thi hào. Tại làng An Hải, huyện Quỳnh Côi, trấn Sơn Nam (nay thuộc tỉnh Thái Bình), Tố Như tử có một mái ấm  trong khuôn viên đại gia đình cụ hoàng giáp Đoàn Nguyễn Thục (bố vợ), cựu quan chức triều Lê, ông hương cống Đoàn Nguyễn Tuấn (anh vợ), người từng làm quan triều Lê, có cả một “ổ gió trăng” vườn Phong Nguyệt sào đàn sách văn chương trước khi ra làm quan triều Nguyễn Quang Trung. Bà Đoàn Thị, vợ nhà thơ là người đoan chính, tần tảo, yêu chồng thương con. Bà sinh hạ cho ông người con cả Nguyễn Tứ, sau này sẽ được ông cho đi  theo trong chuyến ông làm Chánh sứ sang nhà Thanh, Trung Quốc, năm 1813. Năm ấy, cậu ấm Nguyễn Tứ là người được cha giao cho việc ghi chép những bài thơ của cha sáng tác trên đường sứ trình từ Nam Quan sang Yên Kinh, sau đó hợp thành tập Bắc hành tạp lục trong Thơ chữ  Hán Nguyễn Du.

Đất Quỳnh Côi được Tố Như đưa vào thơ với những tên đẹp Quỳnh Hải, Quỳnh Châu trong các bài thơ mở đầu Thanh Hiên thi tập.  Đây là nơi dừng chân sau những tháng năm long đong của chàng “bạch diện thư sinh” Tố Như  “Áo xanh đi giữa bụi hồng”. Đây là chốn đi về của vị tú tài tài hoa Nguyễn Du làu thông kinh sử; là chốn ẩn thân của của viên quan “tập ấm” triều Lê với chức Chánh thủ hiệu đội quân hùng hậu hiệu tỉnh Thái nguyên, rời bỏ nhiệm sở khi Nguyễn Huệ ra bắc lần thứ nhất, vua Lê Chiêu Thống lên ngôi, lúc anh em đại gia đình Nguyễn tộc Tiên Điền lưu tán, mỗi người một ngả:daithihaonguyendu

…Nhất thiên xuân hứng thùy gia lạc,

    Vạn lý Quỳnh Châu thử dạ viên.

     Hồng Lĩnh vô gia huynh đệ tán,

     Bạch đầu đa hận tuế thì thiên…

                    (Quỳnh Hải nguyên tiêu -Thanh Hiên thi tập)

Cái hứng xuân cả một trời rơi xuống nhà nào? Đêm nay trăng tròn ở Quỳnh Châu xa muôn dặm. Nơi non Hồng không nhà, anh em tan tác. Đầu bạc hận mà năm tháng đổi dời…(Đêm Nguyên tiêu ở Quỳnh Hải - Bản phiên âm dịch nghĩa của Đào Duy Anh).

…Tha hương nhân dữ khứ niên biệt,

     Quỳnh Hải xuân tùy hà xứ lai.

     Nam phố thương tâm khan lục thảo,

     Đông hoàng sinh ý lậu hàn mai…

                              (Xuân nhật ngẫu hứng – Thanh Hiên thi tập)

Chốn tha hương, người cùng năm cũ ly biệt. Nơi Quỳnh Hải, khí xuân từ đâu lại? Bến Nam đau lòng xem cỏ biếc. Cái sinh ý [đối với muôn vật] của chúa xuân để lộ trên hoa mai lạnh…(Ngẫu hứng ngày xuân - Bản phiên âm dịch nghĩa của Đào Duy Anh).

Đất Vị Hoàng, Sơn Nam (Nam Định) trong “mười năm gió bụi”, Nguyễn Du mấy lần qua lại. Ông thường lưu lại nhà một người bạn cùng quê tên là Nguyễn Sĩ Hữu, chưa rõ tiểu sử, lưu trú trong dãy phố buôn bán gần kho quân lương và khu quân doanh Vị Hoàng. Nơi đây, cận kề Hành cung Thiên Trường, ghi danh triều Trần phát tích, ba lần đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông thế kỷ 13. Nơi trải qua nhiều trận giao chiến quyết liệt trong các cuộc kháng chiến vệ quốc,  bị quân Minh xâm lược tàn phá đến hoang phế, tiêu điều. Trong chuyến xuất chinh của đạo binh thuyền Tây Sơn vượt biển ra bắc, tướng tiên phong Nguyễn Hữu Chỉnh vượt cửa  Đại An nhanh chóng đánh chiếm Vị Hoàng rồi tiến về Thăng Long, mở đường cho đại quân Bắc Bình vương Nguyễn Huệ tiến vào Thăng Long lần thứ nhất, 1786.

Tố Như đã đưa Vị Hoàng vào thơ với nỗi niềm thế sự và tầm nhìn bao quát:    

Vị Hoàng Giang thượng Vị Hoàng doanh,

Lâu lỗ sâm si tiếp thái thanh.

Cổ độ tà dương khan ẩm mã,

Hoang giao tĩnh dạ loạn phi huỳnh.

Cổ kim vị kiến thiên niên quốc,

Hình thế không lưu bách chiến danh.

Mạc hướng Phù Hoa thôn khẩu vọng,

Điệp Sơn bất cải cựu thời thanh.

                    (Vị Hoàng doanhThanh Hiên thi tập)

Quân doanh Vị Hoàng trên sông Vị Hoàng. Chòi gác lô nhô cao thấp trời xanh. Bến đò xưa dưới bóng chiều tà xem ngựa uống nước. Cánh đồng hoang đêm vắng, đom đóm bay vung. Xưa nay chưa thấy triều đại nào được nghìn năm. Hình thế chỗ này luống để cái danh trăm trận. Chớ quay nhìn vào cửa thôn Phù Hoa nữa. Núi Tam Điệp vẫn không đổi sắc xanh xưa.

(Quân doanh Vị Hoàng – Theo bản phiên âm dịch nghĩa của Đào Duy Anh).

          Khi đã ra làm quan nhà Nguyễn, ông có dịp trở lại Sơn Nam làm tri huyện Phù Dung (Hưng Yên) rồi được thăng tri phủ Thường Tín (Hà Đông).

Chưa thấy ông có bài thơ nào về hai nơi trị nhậm này.

Về kinh đô Phú Xuân, trở thành vị triều quan được tin dùng. Bốn mươi tuổi được thăng Đông các đại học sĩ tước Du đức hầu; bốn mươi hai tuổi được cử làm giám khảo trường thi Hải Dương; bốn mươi tư tuổi được bổ làm Cai bạ Quảng Bình. Bốn mươi tám tuổi  thăng Cần chánh điện học sĩ rồi được chỉ đi sang Trung Quốc tuế cống nhà Thanh. Năm mươi tuổi trở lại kinh đô, đặc cách thăng Hữu tham tri bộ Lễ..…Đường quan chức như vậy là khá hanh thông, nhưng ông quan Nguyễn Du không vui vẻ gì, vẫn mang tâm trạng u hoài của một di thần giữa thời điểm lịch sử đầy biến động.

Tố Như - một nhân cách lớn bị thời đại làm tổn thương với bao nỗi ngổn ngang trước vô vàn cảnh ngộ “đứt ruột”, những thân phận lạc loài bị đọa đày trong mênh mang bể khổ “thập loại chúng sinh”. Là chứng nhân lịch sử của thời cuối Lê đầu Nguyễn, trái tim nhân ái của thiên tài Nguyễn Du thắp sáng lên chủ nghĩa nhân đạo cho những kiếp người bơ vơ, bạc phận khi soi vào Truyện Kiều, Văn chiêu hồn, Thơ chữ Hán Nguyễn Du nhận được ánh lửa ấm lòng trong cõi người dằng dặc nỗi đau truyền kiếp “Trong trường dạ tối tăm trời đất” cách nay trên hai thế kỷ.

          Một trăm bốn mươi năm sinh Nguyễn Du, tại miền Sơn Nam, mùa xuân năm Ất Tỵ ( tháng 3-1905) đã diễn ra cuộc thi vịnh Truyện Kiều do Tổng đốc tỉnh Hưng Yên, Lê Hoan chủ xướng. Đầu đề cuộc thi là Thanh Tâm tài nhân lục hay là truyện Kim Vân Kiều. Các nhà thơ dự thi phải làm một bài tựa chữ Hán, thể văn tứ lục; một bài thơ đề từ (tổng vịnh); hai mươi bài thơ Đường luật chữ Hán hoặc chữ Nôm vịnh 20 hồi của truyện Kiều, ở đầu mỗi bài vịnh có hai câu tổng thi (thơ nêu đại ý bài vịnh).

          Ban chấm thi có cụ Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến và Giải nguyên Dương Lâm. Nhiều vị khoa cử, quan chức ở  các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nội, Nam Định, Hà Nam… dự thi, trong đó, có Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh, nguyên Án sát Hưng Yên cáo quan về nghỉ, đã “nộp quyển” dự thi.  

           Kết quả: Chu Mạnh Trinh giải Nhất thơ Nôm. Chu Thấp Hy (cử nhân, người làng Đào Xá, huyện Kim Động, Hưng Yên) giải Nhất thơ chữ Hán. Cuộc thi thơ đã thành công theo đúng nghĩa một cuộc đua tài chân chính, những bài trúng giải đã đóng góp vào văn đàn nước nhà những bài thơ tuyệt tác. (Trích dẫn theo soạn giả Lê Văn Ba, trong cuốn Chu Mạnh Trinh – Thơ và Giai thoại - NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội, in lần thứ 2, năm 1999, tr. 113, 114, 115).

          Cuộc thi còn để lại một giai thoại “nổi tiếng” về việc cụ Tam nguyên Yên Đổ chấm thơ Nôm dự thi của Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh. Ở bài Vịnh Sở Khanh, khi đọc đến hai câu thực Làng nho người cũng coi ra vẻ/ Bợm xỏ ai ngờ mắc phải tay”, cụ Tam Nguyên hạ bút phê: “Rằng hay thì thật là hay/ Đem nho đối xỏ lão này không ưa”. Giai thoại kể, sau khi nhận giải, Chu Mạnh Trinh đã “trả thù” cụ Tam Nguyên bằng cánh biếu nhà thơ cao niên mắt kém một chậu hoa trà, loài hoa có sắc mà không có hương vào dịp Tết, sau cuộc thi thơ năm ấy. Lập tức, cụ Tam Nguyên cũng có bài “Sơn trà” nguyên tác chữ Hán đáp lại với những câu thơ cụ tự dịch sang chữ Nôm thật cao tay:

Tết đến người cho một chậu trà/ Đương say ta chẳng biết rằng hoa/ Da mồi tóc bạc ta già nhỉ/ Áo tía đai vàng bác đấy a?/ Mưa nhỏ những kinh phường xỏ lá/ Gió to luống sợ lúc rơi già/ Xem hoa ta chỉ xem bằng mũi/ Đếch thấy mùi thơm, một tiếng khà!”(Tạ lại người cho hoa trà).

Giai thoại trên dẫn đến chuyện đàm tiếu nhiều năm sau rằng việc hành xử của ông Tiến sĩ họ Chu đối với cụ Tam nguyên Yên Đổ là sàm sỡ, tầm thường. Nhưng sự thật không phải như vậy.

Với những bằng cứ đáng tin cậy qua tìm hiểu, nghiên cứu, soạn giả Lê Văn Ba trong cuốn sách nêu ở trên đã có đủ cơ sở để giải tỏa “nghi án văn chương” tồn tại hàng trăm năm qua, giải “nỗi oan” cho nhà thơ vịnh Kiều tài hoa Chu Mạnh Trinh “Dưới hoa nép mặt gương lồng bóng/ Ngàn liễu rung cương sóng gợn tình”... - (Kiều du xuân).

Một là, sau khi nhận giải Nhất thơ vịnh Kiều tháng 3 năm 1905, đến ngày 28 tháng 7 năm 1905, Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh mất, làm sao ông còn có thể “tặng sơn trà” cụ Nguyễn Khuyễn vào dịp Tết năm Bính Ngọ (1906) “để trả thù” được nữa!

Hai là, bài thơ “Sơn trà” trong Quế Sơn thi tập có nhan đề đầy đủ là

Hà Nam Án sát tặng sơn trà”. Nhà thơ Xuân Diệu, trong bài “Đọc thơ Nguyễn Khuyến” in trong cuốn Thơ văn Nguyễn Khuyến, (NXB Văn học – Hà Nội, 1971) khi nghiêm khắc phê phán “Người cho hoa trà là một tuần phủ trẻ tuổi, xu thời và kém đạo đức”, Xuân Diệu chỉ đưa ra một “nhân vật văn học chung chung”. Ông không hề nhắc đến cuộc thi thơ vịnh Kiều, không hề nhắc đến Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh. Vả lại, trong “Niên biểu Chu Mạnh Trinh, 1862-1905” không ghi Chu Mạnh Trinh làm Án sát  hay Tuần phủ tỉnh Hà Nam năm nào. Như vậy, không thể quy cho ông “tội tặng hoa trà” xúc phạm cụ Nguyễn Khuyến được.

          Ba là, giai thoại “tặng hoa trà” sau cuộc thi thơ vịnh Kiều tháng 3 năm

1905 gây ra những “bức xúc” đối với gia đình Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh. Ông Chu Bồi Đức, cháu nội nhà thơ quá cố, sống ở thành phố Hồ Chí Minh, trước năm 1999, thuật lại từ chuyện bà nội kể cho cha: “Vào dịp Tết năm Ất Tỵ (1905), cụ huyện Bình Lục (Hà Nam), có việc đi Hà Nội. Trên đường về, cụ có ghé qua Phú Thị thăm ông nội tôi là nhà thơ Chu Mạnh Trinh. Năm ấy ông nội tôi mua được mấy chậu hoa trà, đó là loại trà Vân Nam, hoa đẹp đặc biệt. Vì thấy cụ Huyện thích quá, ông nội tôi biếu cụ một chậu chứ không phải biếu cụ Tam Nguyên. Tiếp đó là cuộc thi thơ vịnh Kiều, tháng 3 năm 1905, cụ Nguyễn chấm thơ của ông nội tôi, cho giải nhất và phê rằng “Rằng hay thì thật là hay, đem nho đối xỏ lão này không ưa”. Chuyện là vậy. Chẳng hiểu từ đâu lan ra chuyện ông nội tôi gửi tặng hoa trà nhằm mục đích trả thù (?) cụ Nguyễn. Đã có nhiều người hỏi tôi tại sao không viết một bài báo nói về câu chuyện tặng hoa sơn trà? Tôi trả lời “có viết cũng chẳng ai tin vì câu chuyện đã in sâu vào tâm trí mọi người rồi”. (Trích sách đã dẫn ở trên, tr. 109, 110, 111).           

          Năm 1965, kỷ niệm 200 sinh đại thi hào, tạp chí Văn học, tuần báo Văn nghệ đã ra số đặc biệt với nhiều bài hay. Trên báo Văn nghệ, báo Nhân Dân…bạn đọc còn nhớ những bài thơ tươi ròng bút lực không khí cả nước lên đường năm ấy: “Kính gửi cụ Nguyễn Du” (Tố Hữu), “Gửi Kiều cho em năm đánh Mỹ” (Chế Lan Viên), “Bài học nhỏ về nhà thơ lớn” (Tế Hanh)…

          Ở tỉnh cũ Nam Hà, nhà thơ Nguyễn Bính khi ấy đã theo cơ quan Ty Văn hóa sơ tán về thôn Đức Bản, xã Nhân Nghĩa, huyện Lý Nhân, Hà Nam. Trong dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh đại thi hào Nguyễn Du, cuối năm 1965, tập san Sáng tác Nam Hà do Ty Văn hóa chủ trương, ấn hành số đặc biệt đón Tết năm Bính Ngọ, 1966. Nhận sự phân công của Ban biên tập, nhà thơ Nguyễn Bính hào hứng lắm. Chỉ trong một tuần, ông đã nộp bản thảo “Bài thơ quê hương” tám mươi câu và đặc biệt là bài thơ tập Kiều viết trong một đêm  “Kính gửi cụ Nguyễn Du và Truyện Kiều” với lời giao hẹn “không được sửa một chữ”:

Cảo thơm lần giở trước đèn/ Là nhiều vàng đá, phải tìm trăng hoa/ Trăm năm trong cõi người ta/ Một thiên tuyệt bút gọi là để sau/ Khen tài nhả ngọc phun châu/ Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình/ Mấy lời ký chú đinh ninh/ Rằng tài nên trọng mà tình nên thương/ Khen rằng giá đáng Thịnh Đường/ Thì treo giải nhất chi nhường cho ai/ Gẫm âu người ấy, báu này/ Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào/ Nặng vì chút nghĩa xưa sau/ Mà cho thiên hạ trông vào cũng hay/ Thương vui bởi tại lòng này/ Tan sương đầu ngõ vén mây cuối trời/ Lòng thơ lai láng bồi hồi/ Tưởng người nên lại thấy người về đây”. Đây là một trong những bài thơ tập Kiều xuất sắc mà tôi được đọc.

          Trên hành trình bắc – nam, từ đất Quỳnh Côi (Thái Bình) qua Vị Hoàng (Nam Định), vượt đèo Tam Điệp (Ninh Bình) về Vĩnh Dinh (Vinh, Nghệ An), xuôi đò sông Lam cập bến Giang Đình, Tố Như tiên sinh đã bao lần rong ruổi. Ông đâu có ngờ hơn hai trăm sau, những người thợ đúc đồng ở “xóm bên đường” Vạn Điểm, thị trấn Lâm, huyện Ý Yên, Nam Định mùa xuân 2004, đã đúc thành công bức tượng đại thi hào Nguyễn Du (1765- 1820). Nguyên mẫu bằng thạch cao là tác phẩm của Họa sĩ - Điêu khắc Lê Đình Bảo, Công ty Mỹ thuật Việt Nam chuyển giao. Tượng cao 4,5 mét, nặng 2 tấn, được đúc bằng đồng đỏ nguyên chất. Nghệ nhân Vũ Duy Thuấn cùng những người thợ đúc đồng tài hoa của doanh nghiệp Thuấn Dung đã gửi vào đây niềm kính yêu vô hạn với thiên tài thi ca nhân loại. Họ chọn đất sạch, trấu sạch để tác nghiệp: than trấu đen ánh được trộn với đất nhuyễn làm khuôn; chọn giờ hoàng đạo ngày lành, nấu đồng, rót đồng nóng chảy đỏ tươi vào khuôn, hồi hộp chờ đợi. Đến khi tượng rời khuôn, việc chỉnh trang, trau chuốt, hoàn chỉnh tác phẩm rất công phu, tỉ mỉ đến từng chi tiết.

  Tượng đại thi hào Nguyễn Du bừng sáng trên đất đồng chiêm Ý Yên, Nam Định. Tác phẩm mỹ thuật xuất sắc này được Sở Văn hóa, UBND tỉnh Hà Tĩnh rước về đặt tại khuôn viên tượng đài trong Khu tưởng niệm đại thi hào trên quê hương Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh, trong niềm ngưỡng mộ của bạn bè quốc tế cùng nhân dân toàn quốc với bao nhiêu con mắt, tấm lòng thành kính dõi theo.                                                    

                                                                                                                  P.T.T

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)