bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

mike fun

bài rất hay tôi có thể lấy làm bài ktra ko

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN, NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ LÀM GỌN VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÙI PHƯƠNG THẢO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN LÃ THANH TÙNG!THƯƠNG NHỚ ĐĂNG BẤY, NGƯỜI BẠN VĂN CHƯƠNG VUI TÍNH , HÒA ĐỒNG, GIẢN DỊ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ NGHIÊN CỨU ĐỖ NGỌC YÊN!CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ LÀM VIDEO!

 

VU NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN, NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN!KÍNH MỜI CÁC ANH CHỊ DỰ BUỔI TỌA ĐÀM ĐÓ XEM HÌNH ẢNH CỦA MÌNH TRONG VIDEO CLIP NÀY!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 18
Trong ngày: 162
Trong tuần: 1105
Lượt truy cập: 720563

ĐẤT NƯỚC HÓA THÀNH VĂN

 ĐẤT NƯỚC HÓA THÀNH VĂN
 
Đỗ Lâm Hà
 
`        Hiền tài là nguyên khí quốc gia, góp phần làm nên Văn hiến nước nhà. Lạ thay! Những bậc hiền tài đất Việt lại có những sự kiện ngẫu nhiên gặp nhau sau hàng thế kỷ, thiên kỷ. Đại thi hào đân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du về cõi vĩnh hằng năm 1820 thì đúng 100 năm sau đất Việt lại sinh ra hai nhà thơ lớn của dân tộc. Nhà thơ Chế Lan Viên, kiện tướng của phong trào Thơ  mới và nhà thơ Cộng Sản Tố Hữu đều sinh năm 1920. Năm 2020 đất nước ta kỷ niệm 200 năm ngày mất của thiên tài Nguyễn Du thời trung đại và Hội Nhà văn Việt Nam kỷ niệm 100 năm ngày sinh của hai nhà thơ hiện đại Tố Hữu và Chế Lan Viên. Nền văn hiến nước nhà không bao giờ vơi cạn.
Hai nhà thơ hiện đại đã có những bài thơ hay vào bậc nhất trên thi đàn đất nước về đề tài ngợi ca, tôn vinh giá trị Truyện Kiều và sự nghiệp Đại thi hào dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du thời trung đại, cách nay hơn hai trăm năm.
Đề tài nghiên cứu phê bình văn học định giá trị Truyện Kiều (Đoạn trường tân thanh) và sự nghiệp Đại thi hào, thiên tài Nguyễn Du ở mỗi giai đoạn lịch sử của dân tộc cũng xuất lộ mức thưa dày, đậm nhạt khác nhau. Từ khi Truyện Kiều ra đời đến năm 1945, trải dài hơn 100 năm, các bậc túc nho từ vua Minh Mệnh, vua Tự Đức đến các học giả Phạm Quý Thích, chủ nhân in vụ Liễu Văn Đường, Đoàn Nguyễn Tuấn, Nguyễn Khuyến, Chu Mạnh Trinh, Đào Nguyên Phổ, Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Tản Đà, Huỳnh Thúc Kháng…đã để lại nhiều văn sách  nghiên cứu Truyện Kiều và Nguyễn Du. Từ năm 1945-1960, đất nước có chiến tranh, công trình nghiên cứu về đề tài này chưa nhiều. Nhưng từ năm 1960-1975 ở cả hai miền Nam, Bắc đã xuất bản nhiều tác phẩm nghiên cứu Truyện Kiều và Nguyễn Du. Từ 1975 -2020 Đất nước thống nhất, văn sĩ ở trong nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài và một số văn sĩ thế giới đã xuất bản hàng loạt tác phẩm nghiên cứu về Truyện Kiều và Nguyễn Du bằng nhiều thứ tiếng trên thế giới. Đặc biệt vào thời điểm Hội đồng UNESCO năm 2015 tôn vinh Đại thi hào Nguyễn Du là Danh nhân văn hóa nhân loại (lần thứ hai) để kỷ niệm 250 năm ngày sinh của ông thì triết lý nhân văn Truyện Kiều của thiên tài Nguyễn Du đã thấm vào tâm hồn nhân loại đương đại.
Sau Đại hội Đảng Lao động Việt Nam (Đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay) lần thứ III năm 1960, chân trời văn học được rộng mở cho văn sĩ vào ngôi đền Quốc bảo văn hiến Đoạn trường tân thanh – Truyện Kiều của Nguyễn Du. Năm năm sau, năm 1965 Hội đồng Hòa bình thế giới tôn vinh Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du là danh nhân văn hóa thế giới (lần thứ nhất) nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh của ông. Ở thời điểm văn học sử quan trọng này, trên văn đàn Việt Nam và thế giới đã vang  bóng Truyện Kiều và sự nghiệp thiên tài Nguyễn Du. Trong đó có thơ của Tố Hữu và Chế Lan Viên viết về bậc thiên tài tiền bối của mình.
Tử “Bài ca mùa xuân 61” của Tố Hữu có đoạn viết vế thiên tài Nguyễn Du:
… “Trải qua một cuộc bể dâu
Câu thơ còn đọng nỗi đau nhân tình
Nổi chìm kiếp sống lênh đênh
Tố Như ơi! Lệ chảy quanh thân Kiều”
Đến bài “Kính gửi cụ Nguyễn Du Tố Hữu viết năm 1965 về Truyện Kiều:
… “Tiếng thơ ai động đất trời
Nghe như non nước vọng lời ngàn thu
Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du
Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày
Sách giáo khoa phổ thông cũng như đại học và trên báo chí đã có rất nhiều trang của nhiều học giả có tên tuổi đất nước viết về thơ Tố Hữu, tôi không dám lạm bàn, nhưng thiển nghĩ chỉ với hai đoạn thơ trích dẫn trên, nhà thơ Tố Hữu đã minh triết về thiên tài Nguyễn Du và triết lý mỹ học nhân văn Truyện Kiều vào bậc đúng nhất hay nhất trên văn đàn.
Đồng thời với Tố Hữu, Chế Lan Viên là nhà thơ hàn lâm của Hội Nhà văn Việt Nam thế kỷ XX. Ông viết về Truyện Kiều và Nguyễn Du không nhiều, nhưng lại là cây bút số một viết hay về đề tài này trên văn đàn đất nước. Chỉ bằng một câu thơ “Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn” (Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?) đã thay cho hàng ngàn trang viết về một thiên tài Nguyễn Du và kiệt tác Truyện Kiều. Để tiếp cận được câu thơ hàn lâm này, tôi xin dẫn đoạn văn của giáo sư Phong Lê, nguyên Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam và đương nhiệm Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam: “ Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn – Đó là cách tìm đến những giá trị tinh thần cao nhất của một dân tộc, những giá trị tinh thần được chưng cất, được kết tinh ở độ cao nhất trong tiếng nói, ngôn từ, văn chương, nghệ thuật…” (tr114 – Tạp chí Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam số 1&2-2020). Chữ Văn của Chế Lan Viên trong câu thơ này bao hàm phạm trù: Văn hiến, văn minh, tầm vóc tri thức, dân trí… của một dân tộc, của một đất nước.
Bài thơ “Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng” Chế Lan Viên viết năm 1965 với 69 câu, nhằm khẳng định căn cốt nền văn hiến của dân tộc. Đoạn thơ nói về hiền tài dân tộc trong mấy nghìn năm lịch sử để đủ biết ông xếp đại thi hào Nguyễn Du vào bậc danh nhân văn võ nào của đất nước.
… “Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc
Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn
Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào Cửa Bắc
Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sóng Bạch Đằng
Như vậy, với cụ Nguyễn Du, nhà thơ Chế đã xếp ngang hàng với danh tướng, bậc thánh nhân Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, với văn thần Nguyễn Trãi, danh nhân văn hóa của nhân loại, với vị anh hùng áo vải dân tộc hoàng đế Quang Trung. Đây là sự rất mới, rất phát hiện, rất hùng bút của nhà thơ hàn lâm Chế Lan Viên trên văn đàn học sử Việt Nam và đồng hưởng với “Tiếng gươm khua tiếng thơ kêu xé lòng” của nhà thơ Tố Hữu.
Trước Đoạn trường tân thanh – Truyện Kiều của Nguyễn Du, Việt Nam ta có là một Đất nước văn không? Có! Nhưng không phổ cập, mà văn chủ yếu lại từ số ít các văn nhân Nho học, văn tự chữ vuông của đế quốc Trung Hoa, của Đường thi, Tống thi, của biền ngẫu tế văn, cáo văn, hịch văn… đều là lối thi pháp từ bên Tàu cả! Tuy nhiên nền văn hiến nước nhà đã có khởi sự ngay từ khi dựng nước Hùng vương, có kho tàng tục ngữ ca dao, truyện dân dan, phần lớn khuyết danh và truyền miệng… Bây giờ thời đương đại, tôi đến nhiều nơi danh lam, công trình văn hóa cổ xưa của đất nước, kể cả Văn miếu Hà Nội, nơi ngôi đền Văn miếu thiêng liêng số một của đất nước, rồi đến cung đình cố đô Huế…mà như đi nước ngoài vậy! Bao nhiêu bi kí, minh chuông minh khánh, hoành phi câu đối, mộc bản, gốm bản, ngọc phả, thần phả…đều bằng một thứ chữ vuông (Tàu), lại phải nhờ người phiên dịch mới biết đấy là đâu? Như thế! Tôi thiển nghĩ, ở một góc nhìn nào đó chưa phải là một Nền văn độc lập, thuần Việt. Đi trên đất nước mình mà lại phải nhờ người biết chữ Trung Quốc dẫn giải thì dị ứng và xấu hổ lắm!
Chao ơi! “Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn”. Nhân tiến đến ngày giỗ lần thứ 200 của Người, tôi xin được mượn nhà thơ Chế Lan Viên câu thơ bất hủ này, thay chúc văn dâng lên Linh hồn thiên tài Nguyễn Du. Đây cũng gợi ra một đề tài lớn cho những nhà Kiều học đương đại hội thảo, động bút dành cho tương lai.
Nguyễn Du viết Truyện Kiều bằng ngôn ngữ hàn lâm mà dân dan Việt Nam, bằng thể thơ lục bát của Việt Nam, bằng cảnh, bằng tình Việt Nam, bằng tâm huyết và hơi thở Việt Nam, bằng chữ nôm Việt Nam…dân Việt Nam ai cũng đọc được, hiểu được, vận dụng theo được. Từ đây mà dân trí được khai mở. Từ đây mà tầm nhìn, tầm nghĩ của người Việt Nam cao xa hơn. Từ đây mà tập tục, lễ giáo được cải thiện. Từ đây mà nhân loại, thế giới biết đến Việt Nam.
Truyện Kiều vừa là Kinh thi vừa là Dân thi Việt Nam, là ca từ hát rong hát sẩm Việt Nam. Vua  thích, quan ưa, dân chuộng, văn sĩ biết chữ thì đọc ngâm, dân mù chữ thì thuộc lòng cửa miệng. Mọi sinh hoạt đời thường dân dan soi từ thành ngữ rút ra từ Truyện Kiều mà minh tỏ. Mọi thân phận bói Kiều sẽ ứng nghiệm. Xin dẫn một đoạn thơ của hội viên CLB thơ ở Hà Nội để minh tường: “Vợ tôi ngồi bán dưa cà/ Những khi khách vắng giở ra đọc Kiều/ Tựa lưng vào chiếc cột xiêu/ Còi xe inh ỏi nắng chiều qua vai/ Lẫn trong những tiếng thở dài/ Bụi trần xưa với bụi ngoài thời nay/ Cầm trang huyết lệ trên tay/ Mà nghe con chữ chuyển thay nhân tình” (Việt Hồng). Có thể nói, đã là dân Việt Nam hôm nay, ít nhất mỗi người cũng biết đến một chữ, một câu Kiều. Truyện Kiều đã thấm vào tâm hồn nhân dan. Còn nơi thượng tầng kiến trúc lại càng thấu tỏ về giá trị nhân văn hơn. Khi vua Minh Mệnh cho văn thần biên soạn Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du lần đầu đã có chỉ dụ: “… Phải tìm lại sách xưa, tỏ lòng đồng chí, truyền thần tả ảnh, họa vẻ thêu hoa/ Thợ trời thợ người hợp ngòi bút búa rìu hoa gấm, ngàn đời ngàn thuở phân lời bàn bộc thượng tiêu thiều/ Trên là để vẹn tấm lòng kiểm điểm ở luân đài, dưới lại để góp thêm câu chuyện phẩm bình trong nghệ uyển…” (Thánh Tổ Nhân hoàng đế ngự chế tổng thuyết (1830)- Võ Khắc Triển và Lê Thước dịch). Vua Tự Đức có chỉ dụ cho văn thần biên tập Đoạn trường tân thanh để in chính thức lần đầu tiên ( bản Kinh): “…Truyện này Thánh Thán soạn ra/ Diễn thơ lục bát nước ta Tiên Điền/ Trải lắm độ triền miên mưa gió/ Tập Hoa đường còn có nữa đâu/ Gặp khi rỗi rãi trên lầu/ Truyện hay nhẽ để về sau tro tàn/ Xét tủ cũ nay còn trọn tập/ Họa đồ hình định rắp đem in/…/ Ngâm lên một khúc lệ tuôn nghẹn ngào/ Xưa nay những anh hào kẻ sĩ/ Gánh cương thường luân lý trên vai/ Cũng thông hơn thiệt chẳng nài/ Phòng khuê góp nhặt một vài khúc ngậm.” (Dực Anh Tông hoàng đế ngự chế tổng từ (1871) –Võ Khắc Triển và Lê Thước dịch).
Một tác phẩm văn học mà :
Vua đọc để “Vẹn tấm lòng kiểm điểm ở luân đài”,
Quan đọc để “Góp thêm câu chuyện phẩm bình trong nghệ uyển”,
Dân đọc để “Nghe con chữ chuyển thay nhân tình” –
Đấy là Đoạn trường tân thanh – Truyện Kiều của Nguyễn Du.
 Truyện Kiều là tập đại thành Bách khoa Việt Nam, là kế thừa tinh hoa văn hóa tam giáo đồng nguyên, là bình dân tâm nguyện. Bao hàm nội dung là những khát vọng, hòa bình, độc lập, tự do, là bình đẳng bác ái, là tự do hôn nhân, là dám nghĩ dám làm, là biết hy sinh vì chữ tình chữ hiếu, là chống lại áp bức cường quyền, là chữ mệnh toàn tâm định đoạt chu toàn ngọn lửa cho tương lai. Đó là truyền thống tâm hồn, văn hóa, ý chí Việt Nam.
Truyện Kiều như một biểu tượng anh hùng của cây bút lên án bất công dã man của thể chế phong kiến đương thời. Đất nước hóa thành văn ở điểm son hiện thực từ đáy lòng thi nhân mà viết thành văn. Truyện Kiều là cảo thơm của nhân loại. Truyện viết đến nay đã hơn 200 năm mà tâm sự thế nhân như còn nóng hổi thời đương đại. Truyện Kiều đã được dịch bằng hàng mấy chục ngôn ngữ của nhân loại trên hành tinh, đã được văn nhân nhân loại tụng ca và trích dẫn cơi đắp, được một số chính khách, nguyên thủ quốc gia thế giới viện dẫn ngoại giao thâm hậu. Nguyễn Du – Truyện Kiều biểu tượng cho tâm hồn Việt Nam, tiên tri và đi trước thời đại. Truyện Kiều còn là một thiên tiểu thuyết bằng thơ, sáng tạo ra một thi pháp mỹ học mẫu mực cho hậu thế thi nhân soi thức lòng mình. Truyện Kiều đã vượt qua thời gian, không gian, sắc tộc màu da, ngôn ngữ, thể chế, thời đại để tồn tại và được tụng ca. Đó không phải là Đất nước hóa thành văn sao.
 Nhân loại trên hành tinh đã biết đến hai chữ Việt Nam bằng cụm từ: Hồ Chí Minh – Việt Nam; Võ Nguyên Giáp – Việt Nam… Và thế kỷ XXI này trên văn đàn quốc tế lại thêm một cụm từ mới thức dậy văn minh nhân loại: Nguyễn Du – Việt Nam. Xin thắp nén hương trầm kính viếng anh hồn nhà thơ Chế Lan Viên đã kiến trúc lên câu thơ bất hủ cho dân tộc: “Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn”.
 
Thái Bình ngày 19/3/2020
                                                             Đ.L.H
 
Sn 58/01 tổ 50, p.Quang Trung, tp.Thái Bình, đt 0987 221 404                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                           
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)