bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

Cám ơn nhà văn Nguyễn Đông Nhật!A DI ĐÀ PHẬT! AN LÀNH CHO CÁC BẠN ĐỌC TRANG NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ XỬ LÍ VIDEO CLIP NÀY!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 32
Trong ngày: 464
Trong tuần: 1384
Lượt truy cập: 638603

ĐIỀU KÌ DIỆU CỦA TÌNH YÊU

 Không có mô tả ảnh.

         NHÀ VĂN NGUYỄN THỊ BÌNH

ĐIỀU KỲ DIỆU CỦA TÌNH YÊU
(Cảm nhận về bài Thơ cho người mong gặp của Trần Mai Hường)
THƠ CHO NGƯỜI MONG GẶP
Có một ngày đá bỗng thấy nhớ nhung, nỗi nhớ vu vơ từ nơi nào xa lắm, mây như mướt hơn khoe trời ngọt nắng, ngọn gió mềm lay khẽ phím non tơ.
Ngỡ qua rồi những run rẩy xa xưa, thời phấn trắng bảng đen tươi nguyên màu áo, tình yêu ngàn đời vẫn trái tim mách bảo, thuở tinh khôi lại chập chững tìm về.
Em rưng rưng đón nhận đam mê, khẽ lùa tay chặn tim mình lỗi nhịp, có phải anh thực hư hư thực, dan díu nào mặc định đa đoan.
Đêm trống đêm em hờn giận thời gian mà thời gian thích đùa dai đến lạ, em như chấm buồm nhỏ nhoi giữa trùng trùng biển cả, nào biết dưới biếc xanh kia ẩn chứa những gì.
Chợt bàng hoàng khi khép nhẹ hàng mi, ẩn hiện bóng hình người em mong gặp, biết đâu... biết đâu... ở một nơi xa lắm, anh cũng như mình... lặng lẽ...
biết đâu...
Lời bình: Nguyễn Thị Bình
Thơ cho người mong gặp - bắt đầu từ cái tên bài thơ đã lôi cuốn và gợi trí tò mò trong tôi. Đọc dòng thơ đầu, rồi những dòng tiếp theo, câu chữ, ý thơ cứ gọi mời, đan cài, níu kéo nhau theo mạch cảm xúc tuôn trào của một tình yêu rất đỗi thơ ngây và vô cùng trong trẻo. Đó là cảm nhận đầu tiên của tôi khi đọc Thơ cho người mong gặp của Trần Mai Hường. Đi sâu vào thế giới nghệ thuật của bài thơ, tôi càng thấy thú vị bởi cách dùng câu chữ, cách diễn đạt vừa giản dị vừa duyên dáng của thi sĩ.
Câu thơ đầu tiên Trần Mai Hường đã làm cho người đọc chú ý bằng cách dùng từ rất lạ, có vẻ phi lý nhưng lại hoàn toàn có lý trong tình yêu: đá bỗng thấy nhớ nhung. Từ đá được dùng theo lối ẩn dụ chỉ trái tim con người đã đến độ trơ lỳ cảm xúc, hơn thế, từ đá còn được dùng theo lối nhân hoá chỉ trạng thái đột biến của tâm trạng. Có một tình yêu "sét đánh" chăng? Nếu không thì làm sao đá cũng thấy nhớ nhung được? Tôi tin là thế, hẳn là có một điều kì diệu đã và mới xảy ra, nên trái tim tưởng như hoá đá, ngủ quên đã bừng dậy, trở về với cảm giác tinh khôi của tình yêu đầu đời- tình yêu của một thời phấn trắng bảng đen tươi nguyên màu áo. Bắt đầu là nỗi nhớ, cho dù chỉ là nỗi nhớ vu vơ từ nơi nào xa lắm, nhưng đó mới chính là căn bệnh của tình yêu. Bởi tình yêu, nhiều khi cũng chỉ bắt nguồn từ những cái vu vơ và không sao lý giải nổi như vậy. Nhưng làm gì có ai đoán định trước được tình yêu? Thế nên, khi bắt gặp tín hiệu của tình yêu thì trong con mắt của kẻ đa tình, vạn vật xung quanh đều trở nên mới lạ: mây như mướt hơn khoe trời ngọt nắng, ngọn gió mềm lay khẽ phím non tơ. Một không gian trong trẻo, nên tho và tình tứ. Thiên nhiên, vũ trụ đều trở nên có hồn. Ai đó đã nói Tình yêu là nỗi đam mê không quy phục một điều gì, trái lại mọi thứ đều quy phục nó, có phải thế không mà tất cả như đồng thanh phụ hoạ cho điều kì diệu của tâm hồn khi tình yêu đột ngột đến?
Ở hai câu thơ trên và trong cả bài thơ, tác giả hay sử dụng những từ chỉ thời gian quá khứ "xa lắm" và "xa xưa". Thông thường, cách dùng từ như thế là để nói về những cái đã qua khó trở lại. Nhưng ở trong trường hợp này, nó lại có ý nghĩa chỉ sự so sánh giữa quá khứ và hiện tại, giữa cái đã qua và cái đã đến: tình yêu, để khẳng định một sự thật hiển nhiên: tình yêu ngàn đời vẫn trái tim mách bảo. Bởi thế cho nên, cảm giác "run rẩy" của tình yêu tinh khôi buổi đầu vẫn y nguyên. Chỉ có điều, cái cảm giác ấy đã được người thơ diễn tả rất khéo bằng từ chập chững kết hợp với tìm về cho nên tạo được cảm giác tự nhiên chân thực cho người đọc.
Hai câu thơ trên, mặc dù nhân vật trữ tình cố ẩn mình nhưng nỗi nhớ, sự đam mê thì không giấu nổi, tất cả đã phát lộ ra qua từng con chữ để rồi ngay câu thơ sau, sự đam mê đã đi đến tuyệt đích và đúng lúc này em xuất hiện để đối diện trực tiếp với tình yêu "sét đánh" như một lẽ tất nhiên: Em rưng rưng đón nhận đam mê, khẽ lùa tay chặn tim mình lỗi nhịp, có phải anh thực hư hư thực, dan díu nào mặc định những đa đoan.
Có phải tình yêu đến đột ngột quá và thiêng liêng quá nên người thơ không cần và không thể che giấu cảm xúc của mình? Từ rưng rưng diễn tả nỗi xúc động nghẹn ngào không thể kìm nén của em. Trước anh, dường như em không điều khiển nổi con tim của mình. Nhưng ở đây đã có sự can thiệp tỉnh táo của lý trí một cách thật khó khăn để ngăn chặn cảm xúc đang dâng trào. Với lời thú nhận dễ thương: khẽ lùa tay chặn tim mình lỗi nhịp, người thơ đã rất thật thà và táo bạo khi bộc bạch điều này. Cái hành động lùa tay qua làn áo mỏng hòng chế ngự cảm xúc ào ạt đang tuôn trào, mà lại chỉ khẽ thôi thì làm sao chặn được khi trái tim đã lỗi nhịp? Tôi bỗng nhớ đến câu nói của Tagor: "Hãy tin ở tình yêu dù nó mang đến sự thống khổ. Chớ khép kín con tim". Đúng vậy! Tình yêu và đau khổ luôn đồng hành, điều đó ai cũng biết nhưng sao ai cũng muốn dấn thân? Ở bài thơ này, người thơ cũng đã tiên lượng điều đó và chấp nhận dù biết: dan díu này mặc định những đa đoan. Từ mặc định có thể hiểu tình yêu của anh và em như một sự lập trình có sẵn không thể thay đổi. Cũng có thể hiểu tình yêu này cũng đồng nghĩa với những đa đoan em phải chấp nhận. Dù thế, không thể đi ngược lại quy luật của tình cảm, em đã chủ động đón nhận sự đam mê với tất cả tâm hồn và trái tim, bất chấp đa đoan mặc định, bất chấp đau khổ. Phải là một người mạnh mẽ, dám yêu và yêu hết mình mới có được sự đam mê cháy bỏng trong tình yêu như vậy. Nếu ai đã từng đọc thơ tình của Trần Mai Hường hẳn sẽ nhận thấy ở đây một sự đắm say chân thành- rất dịu dàng đáng yêu, nhưng cũng mạnh mẽ và không kém phần quyết liệt.
Nếu ở hai câu thơ đầu, nhà thơ đắm chìm trong thời gian cảm xúc thì ở những câu sau, người thơ đã trở về với thời gian hiện tại để nếm trải những cung bậc hạnh phúc và đau khổ của tình yêu. Và khi ấy, sự thật thà sẽ càng thật thà hơn, sự đáng yêu sẽ càng đáng yêu hơn: Đêm trống đêm em hờn giận thời gian mà thời gian thích đùa dai đến lạ. Với câu thơ thứ ba thật duyên dáng, trẻ trung này, nhân vật trữ tình đã đem đến cho người đọc cảm giác dễ chịu bởi cách dùng từ rất mới lạ: Đêm trống đêm và cũng rất "trẻ con" khi yêu: hờn giận thời gian: Tôi rất thích cách lặp từ đêm ở đây và còn thích hơn khi tác giả dùng từ trống (chứ không phải từ trắng). Từ trống vừa diễn tả được thời gian hiện tại chậm chạp, kéo dài, vừa thể hiện sự cô đơn trống vắng của tâm trạng, và như vậy thời gian hiện tại đã biến thành thời gian tâm trạng với những khắc khoải mong nhớ và âu lo. Cùng với cách dùng từ: hờn giận thời gian; thời gian thích đùa dai... ta thấy, thời gian dưới con mắt của kẻ si tình đã trở thành đối tượng để trút hờn, trút giận một cách vô lý mà… có lý. Đắm chìm vào cõi yêu, người thơ vẫn tỉnh táo để ý thức đúng về thân phận: em như chấm buồm nhỏ nhoi giữa trùng trùng biển cả, nào biết dưới biếc xanh kia ẩn chứa những gì.
Sự so sánh giữa em như chấm buồm giữa mênh mông biển cả đã là một sự tương phản rồi, tác giả còn cụ thể hơn cái mong manh bé nhỏ, cô đơn và bất lực của em bằng từ láy nhỏ nhoi thì xem ra sự cô đơn sẽ càng cô đơn hơn, nhưng sự khao khát sẽ càng mãnh liệt hơn. Không chỉ là sự đắm mê tuyệt đích, mà vẫn có gì lo lắng đâu đây trước tình yêu đột ngột đến? Điều này thật dễ hiểu bởi đó chính là sự chân thật của tình yêu.
Câu thơ kết khép lại tứ thơ và mở ra bao niềm hy vọng: Chợt bàng hoàng khi khép nhẹ hàng mi, ẩn hiện bóng hình người em mong gặp, biết đâu... biết đâu... ở một nơi xa lắm, anh cũng như mình...lặng lẽ...biết đâu...
Không phải ngẫu nhiên mà hai lần anh xuất hiện đều ở trạng huống không thật rõ ràng, vừa thực vừa hư, dường như có dường như không vậy (có phải anh thực hư hư thực và, ẩn hiện bóng hình người em mong gặp). Nhưng chính điều này đã cho ta hiểu rằng tình yêu mãnh liệt ấy đã đến với em. Vậy nên, anh luôn thường trực trong trái tim em, kể cả khi hàng mi khép lại, em chợt bàng hoàng nhận ra bóng hình anh luôn hiện hữu trong em cuộn cào da diết. Và em luôn tràn trề hy vọng ước thần giao cách cảm, anh cũng bắt được tín hiệu của em, như em: biết đâu... biết đâu... ở một nơi xa lắm, anh cũng như mình...lặng lẽ...biết đâu...
Câu thơ này, với cách lặp từ biết đâu kết hợp với cách sử dụng dấu chấm lặng (…) kéo dài vừa diễn tả được những điều khó nói, vừa như nối dài thêm hy vọng. Bài thơ khép lại trong niềm hy vọng trong trẻo. Mong sao hy vọng của em trở thành hiện thực và khi ấy, tình yêu sẽ được đáp đền tình yêu. Biết đâu…?
Có phải tình yêu đến đột ngột là tình yêu lâu nguôi ngoai nhất? Tôi tin như vậy, ít nhất là trong trường hợp này.
Bài Thơ cho người mong gặp của Trần Mai Hường là một bài thơ hay và có kết cấu lạ. Cách dùng từ ngữ hình ảnh rất trau chuốt và trong sáng. Lắng lại trong từng câu chữ là một tình yêu nồng nàn đắm say và thanh khíêt. Chọn lối thơ văn xuôi để diễn tả cảm xúc chân thật đến ngây thơ của một người phụ nữ đang yêu, người thơ đã trải lòng mình trên từng con chữ để nói thật với mình, với mọi người về Điều kì diệu của tình yêu. Đó là điều rất cần cho cuộc sống mà mấy ai đã có được?
(Nguyễn Nguyễn Thị Bình - Hội VHNT Ninh Bình)
vnp_hoi_hoa_xuan_ecopark_2019_1
 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)