ĐÔI LỜI VỀ NHÀ THƠ RAXUN GAMZATỐP
Nhà thơ Raxun Gamzatốp sinh năm 1923, người dân tộc thiểu số Avar, nước Cộng hoà tự trị Đaghextan, thuộc Liên bang Nga. Ông được tặng danh hiệu nhà thơ nhân dân Liên Xô (1959), Nhà hoạt động xã hội, Anh hùng Lao động xã hội chủ nghĩa Liên Xô (1974). Năm 1963 Raxun Gamzatốp đoạt Giải thưởng Lênin về văn học, với tập thơ Những ngôi sao trên cao. Bạn đọc Nga say mê phong cách thơ độc đáo của Raxun Gamzatốp, phản ánh mảng hiện thực miền núi Đaghextan với một loạt tập thơ và trường ca đặc sắc: Mảnh đất của tôi, Tổ quốc của người sơn cước, Trái tim tôi trên núi, Bên bếp lửa, Và trò truyện cùng sao, Chuỗi hạt tháng năm, , Cô sơn nữ, Cái giá cuối cùng, Trò truyện với người cha, Hãy phán xét tôi theo đạo luật của tình yêu, Hãy bảo vệ các bà mẹ, Hòn đảo của phụ nữ… Đặc biệt là hai tập văn xuôi trữ tình Đaghextan của tôi (đã được dịch sang tiếng Việt) càng thể hiện rực rỡ phong cách sáng tác độc đáo của ông.
Nét nổi bật nhất trong phong cách thơ Raxun Gamzatốp là sự giản dị giàu chất dân gian, nhưng thấm đượm một trí tuệ thâm trầm, sâu sắc, đôi lúc có pha chút hóm hỉnh rất giàu chất dân dã của miền Đaghextan xứ núi. Nó thể hiện thành công tâm hồn mộc mạc, đôn hậu, giàu nghĩa khí của người miền núi quê ông, cùng những giá trị thăm thẳm của lịch sử và chiều sâu văn hoá của miền Đaghextan xa xôi mà gần gũi với chúng ta.
Thơ Raxun Gamzatốp là sự giao thoa đẹp đẽ giữa hai nền văn hoá Nga và Đaghextan.
Trước kia, thơ Raxun Gamzatốp là tiếng ca lạc quan, là sự suy ngẫm và trải nghiệm sâu xa về tình yêu, cuộc đời, về dân tộc, thời đại, về Tổ quốc, lịch sử, về tình đoàn kết các dân tộc xây dựng cuộc sống mới trong Liên bang Xô Viết.
Sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ năm 1991, một nhà thơ giàu ý thức công dân như Raxun Gamzatốp, hẳn ông cảm thấy đau đớn vô cùng. Chính vì vậy thơ của ông sáng tác thời kỳ sau này nhuốm một nỗi buồn thế sự rất sâu xa. Mỗi vần thơ của ông chính là máu thịt của ông giữa cuộc đời này.
Thơ Raxun Gamzatốp đã được dịch sang nhiều ngôn ngữ trên thế giới.
Đồng cảm với tâm hồn Raxun Gamzatốp, tôi chọn dịch những vần thơ tứ tuyệt của ông từ tiếng Nga ra tiếng Việt và tiếng Tày - Rồi tập hợp thành tập “Cây tiêu huyền nghe mưa”. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc gần xa…
Phú Yên 2008 – Cao Bằng 2012
Triệu Lam Châu