ĐƠN VỊ CỦA THƠ
Vũ Nho
Có một thời, người ta đưa ra khái niệm nhà thơ một bài , nhà thơ của tập và nhà thơ của nhiều tập. Sở dĩ có chuyện này vì có người làm thơ chỉ làm một, hai bài, nhưng là một, hai bài nổi tiếng. Trong khi đó có người làm và in được cả tập thơ (nhưng lại không có bài nổi trội), và có người in đến 2, 3 tập thơ song vẫn không có bài nào, thậm chí câu nào được người ta để ý. Thời ấy in được một tập thơ riêng thì đã ghê lắm rồi, nên có 1 tập riêng, 2 tập riêng thì danh hiệu nhà thơ gần như là chuyện hiển nhiên, không cần bàn cãi.
Thời bây giờ, một cây bút thường thường bậc trung của một hội văn nghệ địa phương cũng có xông xênh trong túi vài tập thơ là chuyện thường ngày ở huyện. Nếu cứ gọi nhà thơ theo kiểu tính đơn vị tập thơ ( chứ không phải bài thơ ), chắc số người đạt danh hiệu này phải “lấy xe mà chở, lấy đấu mà đong”.
Việc phong danh hiệu nhà thơ là chuyện của Hội Nhà văn, chuyện của các Hội văn nghệ. Nhưng có một điều là thơ được người ta tiếp nhận với đại lượng nào?
Nhiều tập thơ chăng? Con số không phải là không nói một cái gì đó. Tuy vậy, thơ cũng như văn, cũng như nhiều sản phẩm khác: “Quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Dù có bao nhiêu tập thì khi đọc, người ta vẫn đọc theo bài, đánh giá thơ vẫn là theo bài.
Một tập thơ chăng? Phải có nhiều bài đến mức nào đó mới thành tập được, dù là tập mỏng. Vẫn là theo số lượng. Nhưng dù là tập thơ mỏng, người ta cũng không thể tiếp nhận nó ngoài cách đọc từng bài.
Như vậy đơn vị để trao đổi giữa tác giả và bạn đọc là bài thơ? Quả vậy. Có thể có người chẳng có tập, nhưng một bài lẻ hay vài bài chẳng phải là đối tượng tiếp nhận hay sao. Với một tập thơ hay nhiều tập, chỉ có bài hay, bài nổi trội mới là đáng kể . Có nhà thơ đã ước ao được một đôi bài. Nghe có vẻ rụt rè, khiêm tốn quá. Nhưng thực tế là vậy đấy. Hãy xem : ông Bạch Cư Dị, nhà thơ nổi tiếng đời Đường với số lượng khoảng 2.800 bài thơ. Nhưng liệu bạn nhớ được mấy bài trọn vẹn của ông ngoài mấy câu bản dịch Tỳ bà hành? Ấy là thời đó, thơ đường luật tứ tuyệt hay bát cú chỉ vỏn vẹn 28 chữ hoặc 56 chữ thôi. Chẳng là bao nhiêu so với sức nhớ khổng lồ của bạn.
Có nhiều người coi việc tiếp nhận thơ chủ yếu là bằng câu thơ. Nó là cái đơn vị nhỏ nhưng khá trọn vẹn để làm nên bài. Phải chăng nói bài thơ, nhưng câu thơ mới là quan trọng? Cũng đúng. Người đọc, sau khi tiếp cận với bài thơ, chỉ có câu thơ hay là ở lại. Vì vậy câu thơ là đơn vị cực kì quan trọng. Nhưng chẳng lẽ người làm thơ chỉ viết những câu thơ hay và đem xuất bản?
Tôi cho rằng bài thơ là đơn vị sản phẩm cơ bản đối với người viết, nhưng câu thơ hay lại là đơn vị sản phẩm còn lại đối với người đọc. Bởi thế khi viết thơ, người sáng tác chú trọng đến bài, nhưng cũng không thể bỏ qua câu thơ xương cốt, linh hồn của bài thơ . Bài thơ, câu thơ hay là mục tiêu cho người viết.
Mặc dầu nhớ đến thơ, có thể nhớ đến tứ. Nhưng tứ chỉ có thể thành thơ khi triển khai thành các câu làm thành bài thơ hay. Nhưng ngay cả bài thơ hay, thì có được mấy bài toàn bích, hay từ chữ ( nhãn tự ), hay từ câu ( cảnh cú ), hay từ đoạn đến cả bài? Cho nên ngươì ta in bài thơ trên báo; đưa các bài thơ vào tập, vào tuyển tập ; đưa các bài thơ vào sách giáo khoa để dạy học sinh. Tuy vậy, cái hay đọng lại trong trí nhớ bạn đọc chủ yếu là hay của đơn vị câu thơ. Ngày xưa, tục ngữ cũng được tiếp nhận bằng đơn vị câu. Ca dao cũng chủ yếu bằng đơn vị câu ( một cặp lục bát sáu tám). Như vậy việc tiếp nhận này bắt nguồn vững chắc từ trong truyền thống.
Chả thế mà Bác Hồ khi trích thơ Đỗ Phủ để viết trong Di chúc là trích câu : Nhân sinh thất thập cổ lai hi.
Chả thế mà các nhà phê bình , nghiên cứu khi trích cũng thường trích câu. Người ta trích Nguyễn Du là trích:
- Sầu đong càng lắc càng đầy
- Mà trong lẽ phải có người có ta
Người ta trích Xuân Diệu là trích:
- Tháng giêng ngon như một cặp môi gần
- Mến yêu vô hạn em là nỗi đau
Dù ai muốn nói gì đi nữa, thơ đến với bạn đọc bằng đơn vị bài, thơ sống trong lòng bạn đọc chủ yếu là sống theo đơn vị câu. Vì vậy trong khi làm các bài thơ hay, thế nào cũng phải sáng tạo được những câu thơ hay làm nòng cốt.
Chúng ta không cực đoan phủ nhận một điều là có thể những câu thơ tách riêng không thật hay, nhưng khi làm thành một bài thơ, chúng vẫn có thể tạo thành bài thơ hay. Và lẽ cố nhiên, cũng có những câu thơ hay, thậm chí rất hay, nhưng nằm trong một bài thơ quá làng nhàng, chúng có thể bị khuất lấp, bị quên lãng. Chuyện ấy có nhưng không phải là phổ biến.
Nhà thơ Tô Hà, theo chúng tôi là rất có lí khi anh làm tập “ Những câu thơ trong trí nhớ”. Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm tiếp nối điều đó bằng “Nghìn câu thơ tài hoa đất Việt”. Điều này càng cho thấy xu hướng tiếp nhận thơ là theo đơn vị bài thơ, nhưng qua sàng lọc chỉ những câu thơ còn lại .
Bài thơ hay phải có câu thơ hay. Những câu thơ hay sẽ có khả năng làm cho bài thơ hay. Bài thơ và câu thơ có liên quan mật thiết. Mặc dù có thể tính thơ bằng bài, bằng chùm, bằng tập; mặc dù bài thơ là đơn vị sáng tạo và thưởng thức,tôi vẫn cho rằng câu thơ hay là cái còn lại cuối cùng. Anh bạn Lê Quốc Hán, tiến sĩ toán học làm thơ, trong trường hợp này ngẫu nhiên viết như tôi nghĩ: Câu thơ còn lại với người mai sau. Không đợi mai sau, câu thơ hay đang là đơn vị chủ yếu để người đọc tiếp nhận bây giờ. Và từ câu thơ hay, người ta nhớ đến bài, từ bài đến tập. Nhưng nếu không có sự tác động dây chuyền ấy cũng chẳng sao. Chỉ câu thơ hay trong trí nhớ, trong trái tim bạn đọc cũng là hơi bị đủ.
4/3/2003
Đã in trong Vũ Nho – Thơ và dạy học thơ, Nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên, năm 2012