bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

Cám ơn nhà văn Nguyễn Đông Nhật!A DI ĐÀ PHẬT! AN LÀNH CHO CÁC BẠN ĐỌC TRANG NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ XỬ LÍ VIDEO CLIP NÀY!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 31
Trong ngày: 292
Trong tuần: 1373
Lượt truy cập: 638059

ĐỒNG VĂN CÕI ĐÁ CÕI NGƯỜI

ĐỒNG VĂN - CÕI ĐÁ CÕI NGƯỜI

(Bút ký)

NGUYỄN THỊ LAN

                            

Hà Giang, vùng đất đá địa đầu Tổ quốc, nơi có chấm son cột cờ Lũng Cú ngày đêm tung bay giữa gió ngàn cao nguyên đá. Hà Giang cũng là vùng đất đá cổ xưa vào bậc nhất của trái đất để cao nguyên đá Đồng Văn (nằm trải dài trên bốn huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc) được UNESCO công nhận là “Công viên địa chất toàn cầu” vào tháng 12 năm 2010. Hà Giang còn là một trong những vùng văn hóa sớm nhất Việt Nam. Hà Giang nguyên sơ hùng vĩ, đầy màu sắc văn hóa thật hấp dẫn du khách.

Một ngày cuối Đông, chúng tôi đã có 4 ngày đêm trên đất Hà Giang và có những trải nghiệm đáng nhớ.

 

Lần lữa mãi để chọn thời gian thích hợp cuối cùng chúng tôi cũng quyết định khởi hành. Bây giờ mùa tam giác mạch đã qua, hoa đào hoa lê hoa mận chưa nở, Hà Giang có gì để ngắm? Nhưng Hà Giang không chỉ có hoa tam giác mạch và những loài hoa nở khi mùa Xuân về, Hà Giang còn có nhiều hơn thế.

Từ thành phố Hải Dương đến thành phố Hà Giang dài 367km. Dọc đường thả hồn theo những vườn cam chín đỏ, những dãy núi sừng sững cùng với bạt ngàn cây xanh ven đường, buổi chiều đoàn có mặt ở Hà Giang. Đón chúng tôi là anh NQ, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Hà Giang và cũng là hội viên Hội Nhà văn, Hội Nhà báo, Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. NQ vốn là người Ninh Giang, Hải Dương nhưng đã lên công tác và sinh sống ở đây hơn ba chục năm. Anh là một nhà báo, một nhà văn “không một nơi nào của Hà Giang mà chưa đặt chân đến”. Được một “thổ dân” như anh tình nguyện làm “hướng dẫn viên” du lịch thật may mắn cho đoàn. Anh NQ bảo “mùa này mùa khô, ngắm đá có đá, ngắm hoa có hoa, ngắm sương có sương, ngắm tuyết có tuyết...” và “ngày đầu đoàn ta thâm nhập đất, ngày thứ hai thâm nhập đá..”. Từ đây, bao sự hùng vĩ lẫn nên thơ, bao sự hiểm trở lẫn gian nan đang chờ chúng tôi ở phía trước.

Rời thành phố Hà Giang, chúng tôi lên Cổng trời Quản Bạ nằm cách thành phố Hà Giang khoảng 46km về phía Bắc, đây là cửa ngõ đầu tiên vào công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn. Khi tấm biển “Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn” được viết bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt hiện ra sừng sững giữa đất trời, lòng tôi không khỏi hồi hộp. Bước qua cánh “cổng” ấy, một thế giới khác sẽ mở ra. Một thời, sau cánh “cổng” đó từng là “vùng đất tự trị của người Mèo”, tôi thấy núi, thấy mây, thấy sương mù, thấy gió... Chúng tôi tiến sâu vào cao nguyên đá, nơi nhiều nhà khoa học trên thế giới cho rằng  vẫn còn là ẩn số của thiên nhiên.

  1. Những cung đường

Ấn tượng đầu tiên với những ai từ thành phố Hà Giang lên cao nguyên đá Đồng Văn là những cung đường huyền thoại với Cổng trời, đèo Lò Xo và cua tay áo. Từng đi nhiều nơi thuộc Tây Bắc, Việt Bắc như Bắc Hà (Lào Cai), Xì Lở Lầu (Phong Thổ, Lai Châu), Sông Mã, Mộc Châu (Sơn La) Pha Đin (Điện Biên), Y Tý (Bát Xát, Lào Cai)... nhưng chúng tôi không khỏi thích thú đến .... rợn ngợp khi đi qua những cung đường nơi đây.

Khoảng cách từ thành phố Hà Giang đến Lũng Cú tính theo đường chim bay chưa đầy 60km. Nhưng men theo đường quốc lộ 4C, để đi đến đỉnh trời của Tổ quốc phải vượt qua gần 150km trong đó có 95% là đường vực. Tuyến đường quốc lộ 4C đã trở thành huyền thoại cho sự bền bỉ và chinh phục của con người và cũng là nỗi ám ảnh đối với những tay lái đường dài nhưng với dân phượt là “cung đường trong mơ”. Đường rất hẹp, trung bình chỉ vừa đủ hai chiếc xe hơi cỡ nhỏ phải nép mình mới có thể qua được. Muốn lên Mèo Vạc phải vượt qua những cung đường đèo khúc khuỷu vắt ngang những ngọn núi đá tai mèo cao vút, một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm. Những khúc cua tay áo liên tiếp, những đoạn dốc cheo leo đầy nguy hiểm, khiến những ai yếu bóng vía cũng phải giật mình. Tài xế phải trổ tài với những cú đánh lái diệu nghệ lắc lư (mà chúng tôi nói đùa “như đảo lạc liên tục”). Không ai bảo ai, cả xe không tếu táo nói chuyện nhiều để ông tài “tập trung chuyên môn”.

Tuy vậy, đường đi không phải lúc nào cũng chỉ toàn vực thẳm núi cao mà còn có những đoạn đường thẳng với hai bên là những nương lúa, những ruộng ngô, những cánh đồng tam giác mạch, rồi có khi là những con đường ôm lấy đồi thông hệt như Đà Lạt, cảnh đẹp đến nao lòng.

Lên đến đỉnh trời Lũng Cú là hành trình chinh phục vượt đèo núi. Sau mỗi ngọn núi được chinh phục, nhìn xuống chỉ thấy toàn mây trắng. Con đường vừa đi qua dưới chân núi uốn ngoằn ngoèo như một sợi dây thừng, len lỏi giữa trùng vây mây trời, núi non tầng tầng lớp lớp. Lên đây càng thấy đất nước mình thật hùng vĩ và tươi đẹp.

  1. Cõi đá, cõi người

Hành trình đi sâu vào cao nguyên đá Đồng Văn là đi vào cõi đá. Một miền đá xám nhấp nhô trập trùng, một nơi đá ngự trị, đá nhiều hơn mọi thứ trên đời, đá chồng lên đá, đá lô xô, đá bạt ngàn, đá mênh mông... Nơi đây là một thiên đường đá. Anh bạn nhà báo dí dỏm. “Nơi đây chỉ có trời và đá là có thể ngang sức ngang tài”, bởi “nơi đây chỉ có điệp trùng mây trời và đá”.

Đủ những “tư thế” đá: đá thấp, đá cao, đá đứng, đá ngồi, đá vươn cánh tay đỡ mây trời, đá sà xuống thấp tận vực sâu thăm thẳm. Những rừng đá nhô ra từ lòng đất rồi vút lên tận trời xanh. Trải qua hàng triệu năm nước chảy đá mòn, tạo hóa đã để lại những “tác phẩm” đá độc đáo cho đời.

Đá thả gam màu xanh xám trầm tư vào mỗi chiều Đông tê tái trên đường chúng tôi đi. Đá như một bức tranh thủy mặc, một kiệt tác khổng lồ mà thiên nhiên đã ban tặng. Đá nhấp nhô như sóng biển một ngày dông bão. Đá mờ ảo trong sương như trong thần thoại. Đá im lìm ngủ trong giấc ngủ triệu năm... “Công viên địa chất toàn cầu” cao nguyên đá Đồng Văn – vùng đá cổ thật xa xưa ấy chiếm hơn 2356km2 với những đợt sóng đá nhấp nhô thấp dần từ Bắc xuống Nam tạo thành một biển đá đầy kỳ ảo và quyến rũ.

Quá trình phát triển vỏ Trái đất cùng với quá trình phong hóa đã tạo ra các vườn đá, rừng đá có khung cảnh kỳ vĩ nguyên thủy.

Ở đây chúng tôi đã đến (và cả được nghe kể) về những ngọn núi đá đã trở thành kiệt tác của tạo hóa. Đó là rừng núi đá tại Lũng Táo với đủ hình thù to nhỏ xếp chồng chéo nhưng cùng chung một màu đen xám hoang hóa. Rồi bãi đá Hải Cẩu tại xã Vân Chải, những phiến đá tại đây có hình thù thuôn dài mềm mại như tấm lưng của sư tử biển nằm san sát với nhau như một đàn sư tử đang tắm nắng. Rồi Bãi đá Mặt trăng ở xã Sà Phìn với các dãy núi đá vôi bị phong hóa trên bề mặt hầu như không có lớp phủ thực vật, khung cảnh thiên nhiên thật hùng vĩ khốc liệt khiến nhiều người ngỡ mình lạc đến mặt trăng. Rồi Núi đá Tháp Kim tại xã Pải Lủng (đoạn trước khi lên đỉnh đèo Mã Pì Lèng) với những ngọn núi dạng tháp mũi nhọn hình kim trông như những kim tự tháp nối tiếp nhau. Rồi nhóm tượng đá Thạch Sơn Thần thuộc xã Quyết Tiến (huyện Quản Bạ) với một cụm bẩy cụm đá vôi đứng sừng sững với tư thế lạ. Rồi Rừng đá ở khu vực Ngam La - Lũng Hồ - Du Già. Rồi Hoang mạc đá tại xã Pải Lũng có thể nhìn thấy rõ từ điểm ngắm trên đỉnh đèo Mã Pì Lèng với nền núi đá tai mèo xám xịt.

Trong “cõi đá” ấy chúng tôi gặp “cõi người” với những con người vừa can trường vừa gian khổ. Con người ở đây nép mình bên đá. Người với đá bên nhau trọn đời, trọn kiếp, “Sống trong đá, chết nằm trong đá” (lời Chủ tịch tỉnh Hà Giang). Họ là “những con người đá”. Ở cao nguyên đá Đồng Văn đa số là người H’Mông “một dân tộc hình thành từ tận đỉnh nhà của thế giới”, “một dân tộc mang bản sắc của mây và đá ruột rà với gió và sương” (Thanh Thảo). Với họ, “không có ngọn núi nào cao quá đầu người H’Mông”. Bà con nơi đây đã kiến tạo nên những nương đá, ruộng vườn đá, bể nước đá, cối xay đá, bờ rào đá, bàn ghế đá... và mở đường đá mà đi. Ở chốn bạt ngàn đá này cây ngô tựa đá mà lên, cây cải cây đậu nảy mầm đơm hoa trong vách đá. Đá mọc thành rừng trên sườn đồi, đá xếp thành tầng tầng lớp lớp dưới mỗi lòng suối con sông, đá xếp thành giường trong nhà.... Nói chung, ở nơi đây tất cả đều trên đá, trong lòng đá và tiềm ẩn sâu dưới lòng đá. Núi cao đến đâu, cây ngô cây lúa trèo theo đến đấy. Những hốc đá khô khát thương con người, biết hấp thụ sương đêm, chắt chiu từng giọt nước cho cây ngô cây cải lên xanh. Ở thung lũng Sủng Là đá phải nở hoa. Người dân nơi đây đã gùi những gùi đất nặng nhọc để lấp vào những hốc đá tai mèo. Chỉ cần một vài nắm đất, đến mùa Xuân họ trồng tam  giác mạch vào đó, để rồi không lâu những hốc đá ấy lại rưng rưng những bông hoa.

Những con người nơi đây, từ đời này qua đời khác vững đôi chân trần đi qua cao nguyên đá mùa buốt giá. Lên đến Đồng Văn, qua Mã Pì Lèng, một lần nữa ta lại phát hiện ra một “đỉnh” mới đó là cái đỉnh cao chung sống với thiên nhiên khắc nghiệt. Trên dải đất hình chữ S, này sống hòa thuận với thiên nhiên khắc nghiệt có lẽ người H’Mông vẫn là đỉnh cao số 1.

Nhưng cao nguyên đá Đồng Văn, ngoài đồng bào dân  tộc H’Mông còn có các dân tộc Dao, Giáy, Lô Lô, Pu Péo... Những con người này đã quện đời mình với đá, tan biến vào đá, cùng với đá trở thành thành lũy trấn giữ một vùng biên viễn của Tổ quốc.

Ở đây, chúng tôi đã gặp và thương mến những em bé H’Mông má tròn, biết tiếng Kinh, thẹn thùng nhận gói quà chúng tôi trao tặng ở điểm trường Há Ía thuộc trường PTDTBT tiểu học Cán Chu Phìn (huyện Mèo Vạc). Những cô gái H’Mông trong ngày Tết, má đỏ hồng hồng với những chiếc váy lanh sắc màu cao nguyên đung đưa theo bước chân ngúng nguẩy. Rồi trên đường đi, những em bé lấm lem, oằn mình vì bó củi nặng trĩu trên lưng; những người mẹ H’Mông lầm lũi trên đường, nhịp đi cắm cúi mải miết với chiếc quẩy tấu thường ngày nặng trĩu trên vai nào dưa, rau rừng, ngô, măng trúc, măng mai bốn mùa trên đá. Rồi những người phụ nữ vừa địu con trên lưng vừa tỉ mỉ thêu những mũi kim lên những tấm thổ cẩm rực rỡ sắc màu. Họ lấy chồng rồi ôm lấy công việc nhà chồng quanh năm suốt tháng, thường ít nói, thay bằng những nụ cười hiền, những gương mặt mộc mạc, những ánh nhìn dịu êm, những đôi mắt không biết nói dối, rụt rè như những bông hoa xấu hổ và đôi tay hiếm khi nào ngưng nghỉ. Đó còn là những người đàn ông H’Mông, đi bộ leo dốc giỏi, dũng cảm hiên ngang đầy bản lĩnh. Cuộc sống nơi đây còn quá nhiều gian nan, khó nhọc nhưng người dân nơi đây cứ lầm lũi sống trên đá, vẫn bền bỉ như những cây ngô xanh tươi vươn lên từ kẽ đá. Cứ ngỡ trong cái nghèo, cái khổ ở nơi tận cùng của Tổ quốc bộn bề với bao khó khăn vất vả, lo toan con người sẽ trở lên cằn cỗi khắc khổ, ấy thế mà chúng tôi không khó để bắt gặp những nụ cười thân thiện, những ánh mắt trong veo, những tiếng cười giòn tan…

  1. Nắng, gió, sương mù và tuyết

Chính cái miền đá mênh mông này xuất hiện một vùng khí hậu mang đậm nét ôn đới. Nhiệt độ trung bình ở cao nguyên đá từ 250C - 280C nhưng cũng không ít năm khi mùa Đông về nhiệt độ ở đây xuống dưới -50C để có mùa hoa tuyết bay. Đợt rét cuối tháng 1 năm 2016, Đồng Văn nhiệt độ hạ thấp còn -0,20C, nhà cửa cây cối chìm trong băng giá. Anh bạn Hà Giang bảo: “Những ngày tuyết rơi, ở cao nguyên đẹp lắm. Tuyết thả nhẹ nhàng xuống những mái nhà âm dương, tuyết phủ trắng cây cối vạn vật, tuyết bừng lên trong nắng sớm. Hoa tuyết trải mình xuống đá, xuống hoa lê hoa mận hoa đào, trải lên đỉnh núi một dải khăn voan trắng mịn màng”.

Ngày chúng tôi lên đường, cả khu vực Đông Bắc của Tổ quốc trời nhiều mây, mưa nhỏ rải rác. Đến Hà Giang càng “ẩm trời”, cả bầu trời âm u, xám xịt, mây mù mịt, có những đoạn cả xe như “bơi” trong biển mây. Đường chúng tôi đi qua những thị trấn Tam Sơn, dốc Tráng Kìm, xã Bạch Đích, Na Khê, Lao Và Chải sương mù giăng lối. Sương mù giăng kín núi rừng, lấp đầy những hố đá, giăng kín những mái nhà bảng lảng khói chiều. Càng lên cao bầu trời càng u ám. Lên đến Cổng trời Quản Bạ sương mù càng dày đặc (cổng trời chính là chỗ khe hẹp giữa hai đỉnh núi được hạ thấp và mở rộng đủ để con đường chạy qua, cũng là nơi bắt đầu con đường Hạnh Phúc). Nơi đây bốn bề bồng bềnh trong mây (lúc trở về qua đây sương mù vẫn giăng kín, hóa ra Cổng trời Quản Bạ hầu như suốt bốn mùa chìm trong biển mây mù và sương núi). Lạnh cóng phủ trắng cao nguyên, tầm nhìn có lẽ chỉ vài mét, ô tô phải bật đèn vàng để xuyên thủng màn sương. Nhìn lại phía sau, con đường uốn quanh chẳng mấy chốc bị xóa nhòa bởi sương mù. Cảm giác như đang ở chốn bồng lai tiên cảnh. Trên đường thấp thoáng bóng người đi. Những chiếc ô bồng bềnh trong biển sương. Đường về bản, đường đến trường trở lên xa ngút ngàn với những bàn chân bé nhỏ. Chợt nhớ đến Đà Lạt những buổi sáng sớm đầy sương. Sau này, từ Hà Giang trở về quê nhà, nhớ nhiều, nhưng có lẽ ám ảnh nhất với tôi là hình ảnh những người phụ nữ dân tộc ngồi bán hàng trên dốc Tráng Kìm trong buổi chiều lạnh giá ấy. Những mẹt thảo quả, tam thất, rễ cây thuốc, bột nghệ, mật ong, rau rừng... được bầy trong màn sương ẩm ướt. Những phận người co ro trong giá lạnh. Những giọng nói phát âm tiếng Kinh chưa thật chuẩn... Tất cả gợi lên nỗi trắc ẩn trong mỗi con người.

Vượt qua Cổng trời, càng lên cao núi đồi càng thanh vắng tĩnh mịch. Chỉ có tiếng xe rì rầm nho nhỏ. Không khí loãng. Cảm giác hơi tức ngực, ù tai. Tiếng người trên xe nói chuyện nghe thoang thoảng mơ hồ đâu đây (do không khí dẫn âm kém). Bỗng thấy lòng bâng khuâng và... nhớ. Nhớ gì, không rõ, nhưng rất nhớ. Chợt trong lòng thức dậy câu thơ của Vũ Quần Phương:

“Bỗng nhớ một chân trời không rõ

Một miền xa chưa đến bao giờ

Một năm tháng chưa từng được sống

Một nỗi niềm lẫn trong hư vô”.

Có lẽ hơn bất cứ nơi nào, ở nơi đây con người lại trở về với bản thể của mình sâu đến thế.

...Nhưng không chỉ có tuyết và sương mù làm lên “đặc sản” của khí hậu nơi đây. Cao nguyên đá mùa này không chỉ thừa sương mù và còn thừa gió. Giữa cao nguyên không gian khoáng đạt, gió vẫn vi vu thổi, thả sức tung hoành. Chúng tôi đã được “thưởng thức” ngọn gió này ở Cổng trời Quản Bạ, ở đỉnh đèo Mã Pì Lèng, ở chân cột cờ Lũng Cú. Tại những nơi này, bạn muốn có một tấm ảnh “tự sướng” kỷ niệm “tóc gió thôi bay” thì thật khó.

Cũng ở nơi đây, chúng tôi còn được nghe kể về “gió Thượng Phùng”, một nơi thuộc xã Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc mà đoàn không có dịp đặt chân đến. Đứng ở huyện Đồng Văn hay trên đỉnh Mã Pì Lèng cũng nhìn thấy Thượng Phùng – vùng đất được gọi là “rốn gió” của cao nguyên đá. Đây là một vùng đá vôi, độ dốc lớn, chia cắt mạnh, cao hơn mặt biển từ 1600m đến 1800m. Mùa Đông, những trận gió từ phương Bắc tràn về như bão, lạnh ghê gớm. Có câu “Ruồi vàng, bọ chó, gió Thượng Phùng” để nói lên cái lạnh Thượng Phùng nó kinh khủng cỡ nào. Tôi chợt nhớ một đoạn thơ đã đọc trước khi đến đây của một nhà thơ khi viết về “gió Thượng Phùng”.

“Gió đập ầm ầm trên những mái tôn

Viên ngói mũi bay vèo như ném

Gió mài rít trên hàng cột điện

Cây chuối đâm bông bật gốc mất rồi”.

Giữa một sa mạc đá mênh mông, gió mạnh quanh năm như vậy, cây cỏ còn tã tượi nữa là con người. Đủ biết người dân ở đây phải “gồng” mình để chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt như thế nào.

Nhưng đến với cao nguyên đá đâu chỉ có mây trời và sương mù giăng lối với tầm nhìn hạn hẹp, chúng tôi còn được thấy một vùng cao nguyên rộng lớn với mây trời đón nắng – thứ ánh nắng quyến rũ, trong veo. Nơi đây nắng và gió hòa với nhau.

Ngày thứ hai của hành trình là một ngày nắng đẹp, trời quang mây tạnh, ánh mặt trời rực rỡ, cả cao nguyên ngập tràn trong nắng. Núi đồi yên ả. Nắng trải dài trên các hoang mạc đá xám ngắt màu ảm đạm, trên những vạt cải vàng, trên những thảm cỏ đầy hoa trắng. Mây nắng biến ảo huyền bí trên những đỉnh núi cao. Trong ráng chiều lãng đãng mây bay, dưới ánh sáng buổi hoàng hôn, núi đá trùng điệp với khói chiều trông thật ma mị.

Hành trình của chúng tôi vượt đèo rồi lại đổ đèo. Cảnh vật lùi lại phía sau: những dốc Chín Khoanh uốn lượn mềm mại, những Núi Đôi tuyệt tác, những đèo Thẩm Mã, những dốc Tráng Kìm... Tất cả, thoắt nắng, thoắt mây mù bao phủ. Thật kỳ lạ là cặp “tuyết lê” tiên trời trao cho mảnh đất này. Từ trên Cổng trời Quản Bạ nhìn xuống chúng tôi lặng ngắm: giữa thung lũng bằng phẳng đang ngập tràn nắng vàng, nổi lên hai ngọn núi đứng bên nhau, vun tròn, căng đầy, cho dù người nào kém tưởng tượng đến mấy cũng không khỏi có cảm giác bồi hồi.

Cao nguyên đá đâu chỉ có màu xám u buồn. Rất nhiều màu xanh của sự sống: Những rừng thông Lao Và Chả của nông trường Yên Minh với bạt ngàn thông thẳng tắp phủ kín từ ven đường đến núi đồi; những rừng trúc, rừng mai, rừng keo, những hàng sa mộc thẳng tắp giữa bốn bề núi đá; những bãi mía, nương ngô xen lẫn núi đá; những cây cỏ voi, cỏ Goa tê ma la như những bụi mía de được trồng san sát ven đường, bên những hàng rào trong bản. Trên cao nguyên này, chỉ cần nơi nào có chút đất hiếm hoi, nơi đó sẽ được phủ màu xanh.

Rồi những ngôi nhà dựng trên những vách núi cheo leo, rất tiêu điều, u ẩn, tái tê, với vách đất xiêu vẹo lam lũ, ván gỗ ghép sơ sài trong cái chạng vạng của buổi chiều tà. Vài chỏm bản quây quần lưng chừng núi, xúm xít màu xanh của tre trúc cây ăn trái, trông giống như những tiểu ốc đảo  giữa một sa mạc đá mênh mông.

Tất cả hiện ra trong cái nắng lộng lẫy của cao nguyên. Khung cảnh hùng vĩ mà khốc liệt, u buồn hoang vắng. Trong cái nét trầm mặc và mênh mông ấy, chiếc xe chúng tôi lầm lũi trên đường như nhỏ bé hơn, cô đơn hơn.

Hà Giang là vậy. Vùng cao nguyên với gió, sương mù, tuyết và ánh mặt trời cứ quay cuồng vần vũ bất định như thử thách con người và thu hút hấp dẫn đến mê hoặc con người.( CÒN TIẾP)

img_9275

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)