bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

Cám ơn nhà văn Nguyễn Đông Nhật!A DI ĐÀ PHẬT! AN LÀNH CHO CÁC BẠN ĐỌC TRANG NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ XỬ LÍ VIDEO CLIP NÀY!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 28
Trong ngày: 491
Trong tuần: 1378
Lượt truy cập: 638736

ĐỒNG VĂN CÕI ĐÁ CÕI NGƯỜI (TIẾP)

ĐỒNG VĂN CÕI ĐÁ CÕI NGƯỜI

BÚT KÍ CỦA NGUYỄN THỊ LAN                             (TIẾP THEO )

  1. Hoa trên cao nguyên đá

Không đâu trên đất Việt có những khung cảnh đối lập như thế này: miền đất có hoa nở trên đá, miền đất có sự hòa quyện của đá và hoa. Cứ ngỡ trong cái vùng mênh mông đá xám sự sống sẽ lụi tàn nhưng bạn sẽ ngỡ ngàng xao xuyến khi bắt gặp men theo những cung đường là sắc màu của các loại hoa.

Nói đến hoa ở Hà  Giang trước hết phải nói đến hoa tam giác mạch, loài hoa làm điểm nhấn cho mảnh đất Hà Giang thêm xinh đẹp, lãng mạng, đầy màu sắc. Hoa tam giác mạch nở vào dịp cuối Thu đầu Đông, khoảng tháng Mười, tháng Mười Một. Hoa nở li ti màu tím hồng, hình chóp nón có ba mặt tam giác, giữ ở giữa một hạt mạch quý, những chiếc lá cũng có hình tam giác.

Ngày chúng tôi đến Hà Giang, mùa hoa tam giác mạch đã gần qua. Giờ đây, dấu vết lụi tàn cũng đủ làm chúng tôi tưởng tượng cách đây hơn một tháng là những đồi hoa, thung lũng hoa, những ruộng hoa nhỏ rực rỡ như những hạt mưa tím hồng hiện lên ngút tầm mắt nằm cạnh những con đèo, men theo những cung đường. Hoa tam giác mạch chênh vênh dọc ruộng bậc thang, e ấp bên những nếp nhà của người dân tộc. Hoa như một tấm khăn voan khổng lồ phủ kín đồi Hà Giang, đem đến cho nơi đây một vẻ đẹp miên man, hoang dại.

Là loài hoa bền bỉ chịu rét và thiếu nước ngọt, dễ dàng mọc ở cao nguyên khô khát, mặc dù bây giờ cuối mùa chúng tôi vẫn bắt gặp đâu đó trên đường đi những mảnh vườn hoa tam giác mạch còn sót lại và những đôi trai gái đang tạo dáng chụp ảnh cưới giữa ruộng hoa. Rồi những chậu nhỏ hoa tam giác mạch trên đường dẫn vào dinh thự họ Vương ở thung lũng Sà Phìn, trên đỉnh đèo Mã Pì Lèng, trên đỉnh trời Lũng Cú, nơi ngày đêm có lá cờ Tổ quốc phần phật tung bay.

Hoa tam giác mạch đã trở thành nguồn cảm hứng với những lữ khách phương xa. Ở đây, chúng tôi đã có những cảm xúc thật khó tả khi lặng ngắm hoa, khi nâng trên tay bông hoa tím hồng nhỏ xíu, mong manh. Chúng tôi đã có ấn tượng lạ lùng khi thưởng thức bánh tam giác mạch và cả cảm giác thích thú, mát rượi khi vốc trên tay những hạt mạch nhỏ như hạt vừng. Là người yêu hoa, tôi đã mang về quê nhà ít hạt tam giác mạch để mong những hạt giống nhỏ này sẽ nảy mầm và cho những bông hoa tam giác mạch xinh xắn – những bông hoa gợi nhớ về cao nguyên đá.

Hoa tam giác mạch cũng chính là “đặc sản” đã và đang làm nên thương hiệu du lịch cho mảnh đất Hà Giang khó khăn vất vả bao đời. Lễ hội mùa hoa tam giác  mạch lần đầu tiên được Hà Giang tổ chức từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 11 năm 2015 nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa của vùng cao nguyên đá. Anh bạn Hà Giang kể những ngày đó, du khách từ khắp nơi đổ về đến hơn 8000 người. Tỉnh phải huy động 1000 lều trại ở sân vận động Đồng Văn và 1000 cái chăn để phục vụ du khách. Chắc vẻ đẹp tuyệt vời và nồng nàn của cao nguyên đá mùa hoa tam giác mạch nở rộ sẽ quyến rũ lòng người, mang đến những cảm xúc nhẹ nhàng, thư giãn cho du khách đến nơi đây.

Bây giờ đang là cuối Đông, trời còn buốt giá. Sau mùa hoa tam giác mạch chúng tôi lại bị mê hoặc bởi những nẻo đường hoa cải đầy sắc vàng dọc đường từ Cổng trời Quản Bạ đến Đồng Văn. Hoa cải khoe sắc và nở rộ. Cả một thiên đường vàng rực rỡ. Hoa cải vàng nở ngập các nương đồi đá xám, trên nền đá đen của cao nguyên đá. Hoa cải nở vàng sườn núi và bên những mảnh vườn trước nhà. Đứng nơi ven đường, chân núi, sườn đồi, mỏm đá cao hay trong những nếp nhà tường trình, bạn có thể chiêm ngưỡng những thảm hoa cải ươm màu rực rỡ. Sắc vàng của hoa khiến tiết trời Đông trở lên ấm áp tinh khôi lạ thường. Trước bức tranh hoa lộng lẫy, tuyệt sắc ấy ta thấy bâng khuâng, thư  giãn, ta muốn hòa vào cảnh “hoa vàng trên đá xám” nơi đây.

Cũng như nhiều tỉnh ở Tây Bắc, Hà Giang là xứ sở của đào núi. Cuối năm sát Tết Nguyên Đán, cả Tây Bắc tràn ngập sắc hoa đào. Cả những nơi lạnh ngang ngửa Hà Giang như Lào Cai, Lai Châu, trên những đỉnh núi quanh năm mây phủ vào dịp này hoa đào cũng đang chúm chím nhưng ở Hà Giang hoa đào nở muộn. Những  nơi chúng tôi đến như Phó Bảng, phố cổ Đồng Văn, Phố Cáo, trước cửa mỗi ngôi nhà trình tường thường trồng mấy gốc đào. Những gốc đào cổ thụ sù sì, mốc thếch ấy vẫn im lìm “ngủ đông”. Cây trơ trụi lá, thỉnh thoảng có vài cây nhú những nụ hoa trắng xanh, những bông hoa nở sớm. Chợt nhớ đến bài thơ “Cây bàng Phó Bảng” của tác giả Vũ Đình Phàm:

“Nách tường đá cành đào khoe sắc

Hoa mong manh thấm đẫm khí trời...

Ngỡ như khác biệt mà tương đắc

Đá hóa đào hoa thắm giữa đời”.

Và tôi tưởng tượng nơi đây khi mùa Xuân về, cả bản cả phố sẽ bừng lên sắc hồng của hoa đào. Những ngôi nhà với mái ngói âm dương sẽ “chìm” trong rừng hoa đào. Chốn này sẽ chẳng khác gì xứ sở của thần thoại.

Bên những cây hoa đào đang đợi gió Đông về, chiều cuối năm đã thấy đôi cánh hoa lê trắng nở trên cành khô. Đâu đó ở Phố Cáo cũng điểm xuyết vài bông lê trắng bên những ngôi nhà trình tường cổ.

Thiên nhiên có những điều thật lạ như bất chấp quy luật của tự nhiên. Trong khi hầu hết đào ở Đồng Văn còn đang “ngủ đông”, trên đường đi chúng tôi bắt gặp một cây đào mọc dưới thung lũng hoa nở bung rực rỡ như thắp lửa giữa mênh mông đá. Cả cao nguyên đá bao la ngun ngút màu xám ngắt của đá tai mèo như bừng sáng trước sắc hoa đào, cái sắc hồng phai tô điểm cho cả một vùng đá xám xịt. Cây đào đứng đó, rực rỡ chói lòa như xù mình để chống chọi với cái lạnh của mùa Đông, chống chọi với cô đơn...

“Tháng ba hoa gạo gọi trời” Thế mà bây giờ mới tháng Chạp giữa màu xanh xám của bạt ngàn đá, một cây gạo mọc chênh vênh bên sườn núi, hoa đỏ thắp đuốc giữa trời làm chúng tôi ngỡ ngàng. Cây gạo rất đẹp, một cái đẹp lộng lẫy kiêu sa, vừa gan góc vừa cô đơn. Cây đứng chơ vơ trong một chiều Đông u ám giữa cao nguyên đá. Cây đẹp với ai ? Cây gợi nghĩ bao điều ở những người nhạy cảm.

Chưa đến mùa Xuân nhưng cao nguyên đã đầy hoa. Rẻo cao thời gian này có khá nhiều loài hoa dại vươn mình lên đón gió sương về. Giản dị là hoa dong riềng nở chùm hoa đỏ như ngọn lửa trời chiều thắp sáng vùng cao nguyên chỉ có màu xám quanh năm. Trên các nẻo đường ở cao nguyên đá, rất dễ dàng bắt gặp bạt ngàn hoa dại với sắc hồng, tím, trắng rung rinh, mơ màng trước gió, trong đó có nhiều cây bạc hà nhỏ bé trổ bông tím hồng. Bạc hà là loài cây hoang dại có sức sống mãnh liệt – loài cây hiếm hoi mọc trên triền đá trong cái giá lạnh của mùa Đông cao nguyên. Khi hoa “ngậm” đủ sương đêm, buổi ban mai nắng ấm sẽ tiết mật, tỏa hương, thu hút loài ong đến lấy mật, tạo nên những giọt mật đặc trưng tinh hoa của đất trời có màu vàng xanh, vị ngọt dịu, sánh đặc cùng hương thơm đặc biệt. Đây là thứ mật ong quý, đặc sản của Hà Giang không nơi nào sánh kịp. Cùng với những loài hoa dại, hoa bạc hà mang lại sự ấm áp cho những dãy núi đá xám xịt thêm sức sống.

  1. Đèo Mã Pì Lèng và dòng sông Nho Quế

Ngày thứ hai của hành trình chúng tôi đi Mã Pì Lèng.

Đèo Mã Pì Lèng (theo tiếng quan thoại chỉ “sống mũi con ngựa” – nơi dốc cao đến mức con ngựa đi qua phải tắt thở) thuộc xã Mèo Vạc, một trong “tứ đại đỉnh đèo”, là “vua” của các con đèo Việt Nam, có đỉnh Mã Pì Lèng – nơi được mệnh danh là “đệ nhất hùng quan”. Mã Pì Lèng tự mọc lên giữa trời cao vời vợi, làm chóng mặt bao người yếu tim sợ độ cao. Không chỉ là kỳ quan thiên nhiên, Mã Pì Lèng còn được xem là tượng đài của lòng quả cảm, ý chí vượt khó của con người vùng đất cao nguyên đá này.

Đèo Mã Pì Lèng là cung đường chạy dài 20km qua đỉnh Mã Pì Lèng ở độ cao 2000m so với mực nước biển, nối liền thị xã Mèo Vạc với Đồng Văn. Đoạn đường này nổi tiếng với 9 khúc quanh co uốn lượn như con rắn từ ngọn núi này sang núi khác. Cung đường này được ví như một “Vạn lý trường thành của Việt Nam” hay “Kim tự tháp của người H’Mông”. Con đường chạy qua Mã Pì Lèng có tên con đường Hạnh Phúc.

Chúng tôi dừng chân trên đỉnh đèo, nơi có trạm dừng chân cho du khách ngoạn cảnh. Tại đây có đặt một tấm bia đá ghi lại những dấu ấn trong quá trình xây dựng đường đèo.

Đứng trên đỉnh đèo Mã Pì Lèng (nơi được cho là một trong những điểm quan sát toàn cảnh đẹp nhất ở Việt Nam) thu vào tầm mắt của chúng tôi là sự kỳ vĩ của thiên nhiên. Ai nấy đều cảm thấy choáng ngợp bởi những khối đá khổng lồ ngút ngàn. Xa xa, dưới độ sâu ngun ngút gần ngàn thước là dòng Nho Quế mảnh mai như dải lụa ẩn hiện, lặng lẽ trôi như bất chấp sự khắc nghiệt của không gian và thời gian. Đứng đây, có cảm tưởng như đang ở giữa lưng chừng trời “chân đạp mây bay, tóc vờn gió núi”, ngắm hình sông thế núi vời vợi, một niềm xúc động khó nói lên lời. Chúng tôi cảm nhận được vẻ đẹp vô cùng của đất nước, quê hương.

Sông Nho Quế, một dòng mong manh vốn bắt nguồn từ vùng núi Nghiêm Sơn thuộc Vân Nam - Trung Quốc chảy về Hà Giang có chiều dài hơn 192km, đoạn chảy qua Hà Giang, Cao Bằng chỉ dài 46km. Đoạn thuộc Hà Giang, sông Nho Quế uốn lượn dưới chân đèo Mã Pì Lèng trông rất kỳ thú. Con sông được ôm trọn bởi hai bên là những vách núi dựng thẳng đứng đó là khe /hẻm Tu Sản – một trong những thung lũng kiến tạo độc nhất vô nhị ở Việt Nam. Hẻm Tu Sản có độ sâu 700-800m, dài 1,7km, vách dốc 70-900 là danh thắng kì vĩ nhất của công viên đá Đồng Văn, cảnh quan hùng tráng nhất của Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn. Hẻm Tu Sản được xếp hạng quốc tế và được chọn là điểm trọng tâm trong lôgô của công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn.

Nếu Mã Pì Lèng là một “đỉnh” thì dòng Nho Quế cũng là một “đỉnh”. Vực sâu Nho Quế là hẻm vực sâu nhất Đông Nam Á. Hẻm địa chất Tu Sản cắt đôi cao nguyên đá Đồng Văn. Vết cắt theo truyện cổ bởi Trời thương con người ở cao nguyên quá nhọc nhằn vì khô khát. Từ trên đỉnh Mã Pì Lèng nhìn xuống cảm giác thật rợn ngợp, heo hút, chơi vơi. Dòng Nho Quế biêng biếc một màu ngọc bích, uốn lượn quanh co làm mê hoặc lòng người. Đây cũng là phong cảnh được đánh giá là đẹp nhất trong suốt lộ trình của con sông kể từ thượng nguồn, giữa một di sản kiến tạo địa mạo thuộc loại độc đáo vô song ở Việt Nam.

Từng được đi nhiều nơi thuộc Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên nhưng với chúng tôi có lẽ hiếm nơi nào có cảnh vừa lãng mạn hoang sơ vừa hùng vĩ choáng ngợp đến thế. Sông Nho Quế (đoạn chảy qua hẻm Tu Sản) có thể xem là một trong những biểu tượng của Hà Giang vừa hùng vĩ mãnh liệt, vừa mơ mộng dịu êm. Nho Quế trở thành “huyền thoại sông” mà có lẽ bất cứ ai đều muốn một lần đi du lịch đến để chinh phục trong đời. May mắn và mãn nguyện thay, chúng tôi đã có một lần được đứng trên đỉnh Mã Pì Lèng huyền thoại để thỏa sức ngắm nhìn hẻm Tu Sản và dòng sông Nho Quế.

  1. Những ngôi nhà cổ, phố cổ

6.1. Nhà cổ

Đồng Văn có năm cái nhất: nhiều đá nhất, khát nước nhất, nghèo đói nhất, ít chữ nhất và nhiều đồng bào H’Mông nhất. Hà Giang chủ yếu  là các dân  tộc thiểu số: H’Mông, Tày, Dao, Nùng, Giáy, La Chí, Cờ Lao, Pu Péo, Lô Lô, Phù Lá, Hoa, Pà Thẻn... trong đó có dân tộc H’Mông chiếm 32% dân số.

Người H’Mông ở trên cao nguyên đá Đồng Văn thường sống trên núi cao, khí hậu lạnh, khắc nghiệt, quanh năm làm bạn với mây gió và những con dốc ngoằn ngoèo, nên họ phải có “văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên”. Ngôi nhà của họ phải ấm về mùa Đông, mát về mùa Hè. Đó là những ngôi nhà tường trình truyền thống với những nét độc đáo. Chúng tôi đã gặp những ngôi nhà kiểu này khi đến thăm phố cổ Đồng Văn, Phó Bảng, Phố Cáo.

Tường của nhà được trình bằng đất rất dày khoảng 50, 60 phân. Đá được xếp cẩn thận chắc chắn và cao khoảng ngang đầu người để bao quanh một hoặc vài ba nhà là anh em ruột sống gần nhau. Qua thời gian, những bức tường rào đá phủ một màu rêu phong (chúng tôi nói đùa đó là màu thời gian). Việc xếp đá dựng tường của đồng bào H’Mông đã là lạ lẫm, bởi trên cao nguyên đá này, đá nhiều hơn đất trồng ngô. Và suốt tháng này qua năm khác, những viên đá cứ được xếp chồng lên để tạo thành một tường đá bao quanh vững chãi cho mỗi ngôi nhà. Không ít người trong chúng tôi kinh ngạc trước sức bền của những bức tường đá xếp cũng như thắc mắc về khả năng tồn tại của nhà tường tường trình, bởi chỉ bằng kinh nghiệm truyền đời người H’Mông vẫn dựng cho mình những ngôi nhà đôi khi cao tới hai tầng, tường đất nện và hệ cột kèo chỉ là mấy thanh gỗ, không nền móng, không bê tông kết dính, nhưng qua thời gian chất đất vàng càng để lâu càng cứng rắn như sành. Những mái nhà nằm nghiêng dốc với bậc thềm đất nện cao cũng là một nét đặc trưng của những ngôi nhà cổ ở đây. Trước cửa mỗi nhà, ngay bờ rào đá là một cái cổng (gỗ hoặc tre). Anh bạn họa sĩ trong đoàn chúng tôi thơ thẩn đi khắp bản chụp ảnh các cổng cho bộ “sưu tập” cổng của người H’Mông của mình. Đủ các loại cổng: cái được làm cầu kỳ, cái sơ sài... và thường đóng kín.

Mái nhà tường trình của người H’Mông tại Đồng Văn thường là ngói âm dương (còn gọi là ngói ống, ngói tàu) kiểu cổ khác với nhà tường trình của người Hà Nhì xưa ở Lào Cai lợp bằng gỗ pơ mu, gỗ sa mộc hoặc vỏ cây. Với mái gỗ này, lâu năm cây cỏ sẽ mọc xanh tốt và khiến cho ngôi nhà như một mảnh vườn thu nhỏ. Trong khi mái ngói của nhà tường trình tại Đồng Văn được rong rêu mọc lên và đổi màu theo khí hậu trong năm, lâu ngày màu rêu đen cổ kính lẫn với màu của đá. Nhìn từ trên cao, sắc hồng của hoa đào, sắc trắng của hoa mận nổi bật trên nền xám của đá, của mái ngói rêu phong tô điểm cho sắc xuân của ngôi nhà.

Quanh nhà của người H’Mông không thể thiếu các loại hoa nở về mùa Đông, mùa Xuân như: tam giác mạch, cải vàng, cải trắng, đào, mận, lê.... chúng tôi đã gặp những loại hoa này trên đường đi, khi đến các bản cổ, phố cổ.... Đó là bức tranh nhiều màu sắc rất ấn tượng nổi bật trên nền đá xám.

6.2. Phố cổ Đồng Văn

Chiều tối ngày thứ hai của hành trình chúng tôi dừng chân ở phố cổ Đồng Văn và không khỏi bất ngờ...

Giữa cao nguyên đá hùng vĩ là một thị trấn êm ả, thanh bình, lãng mạn. Nhìn từ trên xuống là một quần thể kiến trúc phố và chợ cổ. Bên ba dãy chợ xếp thành hình chữ U lợp ngói âm dương là hai dãy phố cổ chạy vào chân núi. Tất cả lọt thỏm giữa bốn bề vách núi sừng sững như tấm bình phong khổng lồ che mưa, chắn bão. Phố cổ Đồng Văn cổ kính thâm trầm và tráng lệ, nét kinh kỳ giữa lòng cao nguyên đá, như gợi nhớ về một thời hoàng kim trong ánh nắng hoàng hôn, như minh chứng lịch sử của một vùng đất đầy sức cuốn hút nơi biên ải địa đầu của Tổ quốc, hiện ra trước mắt chúng tôi.

Phố cổ Đồng Văn nằm tại trung tâm thị trấn Đồng Văn, nơi địa đầu phên dậu của Tổ quốc. Xưa kia, thị trấn Đồng Văn thuộc tổng Đông Quan, châu Nguyên Bình, phủ Tường Yên, tỉnh Tuyên Quang. Mặc dù phố cổ Đồng Văn không có quy mô như phố cổ Hà Nội hay Hội An, tuổi cũng trẻ hơn (khoảng trên trăm năm) nhưng nơi đây có duyên thầm bởi bản sắc văn hóa độc đáo, làm mê đắm bao trái tim lữ thứ.

Theo nhiều tài liệu thì phố cổ Đồng Văn hiện có khoảng 40 nóc nhà trên dưới trăm tuổi, nằm cạnh nhau dưới chân núi đá, cá biệt có ngôi nhà gần 200 năm.

Những năm 80 của thế kỷ XIX, khi chiếm đóng khu vực này người Pháp đã có quy hoạch và để lại những điểm nhấn quan trọng về kiến trúc, đặc biệt là chợ Đồng Văn. Phố cổ Đồng Văn được xây dựng từ đầu thế kỷ XX. Ban đầu, nơi đây chỉ có vài gia đình người Mông, Hoa, Tày sinh sống. Những năm 40,50 của thế kỷ trước có thêm người Kinh, người Dao, người Nùng. Thành phần dân cư như vậy tạo nên nét đẹp đa sắc tộc của phố cổ. Ngay trong mỗi gia đình có khi có đến 2, 3 dân tộc khác nhau, tạo nên sự giao thoa văn hóa của nhiều sắc tộc. Tại khu phố cổ có rất nhiều phong tục tập quán của các dân tộc anh em chồng chéo sống hòa thuận. Nơi đây có nền văn hóa đa sắc màu

“Chân đi trong phố hồn trên mái xưa

Mái rêu âm dương, nắng chiều ngả bóng”

Câu thơ của nhà thơ Vũ Quần Phương thật hợp cảnh hợp tình. Chúng tôi dạo bước trên dãy phố cổ và ngắm nghía các ngôi nhà ở hai dãy phố cổ. Đây là một khu dân cư chủ yếu là người Tày với vài chục ngôi nhà cũ dựng bởi những người thợ ở Tứ Xuyên sang làm thuê và được xem như một phần quan trọng của phố cổ Đồng Văn.

Tổng thể kiến trúc của các ngôi nhà trong khu phố cổ có nét khá tương đồng: cột gỗ, có hai tầng (tầng gác và tầng trệt), tường trình đất (dày khoảng 50, 60 phân) một số xây gạch dày 50 phân, mái ngói âm dương – một loại ngói đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng biên giới phía Bắc, nền lát đá. Riêng khu vực chợ Đồng Văn có nhiều nhà kiểu ống để tận dụng mặt tiền như phố cổ Hà Nội.

Ngoài chất liệu đất và gạch của tường là những vì kèo, cửa gỗ, cột gỗ, cầu thang gỗ, lan can gỗ. Nhiều nhà làm bằng gỗ nghiến nên vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt. Tất cả đã ngả màu và như thách thức thời gian.

Trước hiên mỗi nhà đều treo chiếc đèn lồng. Những chiếc đèn màu đỏ, treo cao như xua đi cái lạnh buốt khắc nghiệt của cao nguyên, gợi nhớ về một thời giao thoa văn hóa Việt – Hoa.

Kiến trúc ở khu phố cổ là sự kết hợp hài hòa phong cách kiến trúc của cư dân bản địa và cư dân vùng Hoa Nam (miền nam Trung quốc bao gồm: Vân Nam, Quảng Đông, Quảng Tây) còn tồn tại đến nay rất ít gặp ở nước ta.

Điều hấp dẫn du khách đi tham quan là chợ Đồng Văn, được xây dựng khoảng năm 1925 – 1928. Đây là công trình có dạng chữ U, lối kiến trúc mang đậm vẻ cao nguyên đá từ tường đá được đẽo gọt công phu đến những dãy cột đá được đục đẽo rất đẹp. Tất cả gần như còn nguyên vẹn kiến trúc xưa, không cơi nới, không sửa chữa, không bị tác động bởi bàn tay con người. Khu chợ bề thế, vững chãi, thâm trầm, tráng lệ giữa lòng chảo thung lũng cao nguyên như một nét chấm phá ấn tượng. Mấy năm gần đây, để bảo tồn di tích, hoạt động mua bán không còn diễn ra ở nền chợ cũ mà tất cả đưa ra khu chợ mới nằm bên kia đường. Khu chợ vắng đi sự nhộn nhịp của kẻ mua người bán. Có lẽ đó là một khoảng trống cho du khách, đến đây ngắm chợ thả hồn để tiếc, để thương hơn là đắm mình trong nhịp điệu chợ vùng cao -  thứ mà dưới xuôi không bao giờ có được.

Đến phố cổ Đồng Văn chúng tôi đã vào quán “Cà phê phố cổ”. Bạn đừng ngạc nhiên. Phố cổ Đồng Văn ở miền biên viễn này trẻ hơn 36 phố phường Hà Nội và phố cổ Hội An, và “cà phê” một thứ nước uống của người phố thị đồng bằng đã được đưa lên vùng cao nguyên này ngót trăm năm nay. “Cà phê phố cổ” như một điểm sáng mời gọi du khác, níu chân tất cả những ai đã bước vào đây.

Đây là một ngôi nhà cổ của một địa chủ họ Lương người Tày rất có thế lực ở Đồng Văn khi xưa. Ngôi nhà gần một thế kỷ cũng trải qua thăng trầm cùng khu phố cổ và may mắn vẫn còn gần như nguyên vẹn. Về quy mô, nhà khá lớn so với những ngôi nhà cùng thời ở Đồng Văn với mặt tiền rộng, nhiều lớp nhà và có sân trong. Kiến trúc công trình có nét giống như Dinh nhà Vương của vua Mèo Vương Chính Đức ở thung lũng Sà Phìn, chịu ảnh hưởng của kiến trúc nhà Thanh Trung Quốc với nhiều lớp nhà theo nguyên tắc: ngoài thấp trong cao, có sân trong, bố cục khép kín hướng nội. Trong nhà thiết kế những chỗ ngồi không ghế, những hoa văn tinh tế trên lan can....những chiếc đèn trên tường trang trí theo lối xưa cũ.

Quán “Cà phê phố cổ” có lẽ là quán duy nhất ở phố cổ phục vụ khách cả đêm. Buổi tối, quán bán hàng đến bao giờ hết khách thì thôi. Đây là một địa chỉ mà người ta có thể thức trọn vẹn một đêm vùng cao và cảm nhận những chuyển động tinh tế của đất trời. Nếu đi theo một nhóm, bạn có thể tổ chức hát hò vui chơi. Nếu đi riêng lẻ, bạn hãy chọn một góc nhỏ tự nhấm nháp vị đêm. Không gian yên bình nơi đây mang đến những cảm xúc hoài niệm, suy ngẫm. Bạn sẽ thấy như bị mê hoặc níu chân, như lạc vào một thế giới hoàn toàn khác.

Đến phố cổ Đồng Văn là để tìm hiểu kiến túc cổ kính độc đáo của phố cổ, chợ cổ với những nét văn hóa truyền thống và quán “Cà phê phố cổ”. Nhưng đến phố cổ Đồng Văn cũng để trải nghiệm. Thị trấn Đồng Văn có nhiều khách sạn khá hiện đại, tiện nghi nhưng cúng tôi đã chọn nghỉ đêm tại nhà dân ở khu phố cổ theo kiểu du lịch Homestay. Nơi đoàn nghỉ là một ngôi nhà cổ hai tầng có biển đề năm xây 1925. Chủ nhà là anh Hoàng Quốc Thân trạc trên dưới 50 tuổi, người Tày.

Trước cửa hai bên nhà trồng hai cây đào và một cây lựu cổ thụ. Để vào nhà phải bước lên bảy bậc đá khá cao, xếp theo hình bán nguyệt. “Đêm nằm, nằm ở”, một đêm xa nhà ở nơi đây chúng tôi được trải nghiệm về cuộc sống của đồng bào dân tộc – một cuộc sống còn vương rất nhiều cái dung dị, thanh bình của quá khứ. Ở đây, thời gian như ngừng trôi. Chúng tôi được trò chuyện cùng bà con, hiểu công việc của họ, hòa mình vào đời sống sinh hoạt của họ, được cảm nhận không gian văn hóa đã tồn tại ở nơi này hàng trăm năm, được hít thở bầu không khí trong lành của hương ngàn gió núi. Ngồi trên ghế đá quanh chiếc bàn đá uống trà, chúng tôi cảm nhận được tình người hồn hậu nơi đây. Đêm nằm ngủ trên sàn gỗ, vùi mình vào tấm chăn thổ cẩm sực hơi ấm, ngoài kia phố núi đang chìm sâu vào giấc ngủ, sao thấy lòng thư thái bình yên.

Buổi sáng nơi phố cổ thật thanh bình, lặng lẽ. Khi mặt trời nhô lên đỉnh núi, bức tranh phố núi thật yên bình: những ngôi nhà xinh xắn màu xám tắm trong màu vàng rực của nắng. Bạn hãy đi dọc con phố nhỏ hít thở bầu không khí trong lành. Khi đất trời ngả chiều, sự yên bình cố hữu bao trùm khu phố cổ. Sau này, anhh chủ nhà cho chúng tôi biết ngoài phố (phố mới) và trong này chỉ cách nhau ngót trăm mét mà nhiệt độ chênh nhau 20C.

Đến đây, chúng tôi được nghe kể nhiều về việc bảo tồn văn hóa. Từ năm 2006, Đồng Văn đã có “Đêm phố cổ” vào các ngày 14, 15,16 (âm lịch) hàng tháng, phố cổ tổ chức đêm hội hoa đăng. Các hộ ở phố được phát miễn phí đèn lồng. Những đêm đó toàn bộ dãy phố được thắp sáng bằng những chiếc đèn lồng nhiều kích cỡ. Và dãy phố sôi lên náo nhiệt do đồng bào dân tộc từ các vùng lân cận đến đây giao lưu, tụ tập uống rượu suốt đêm. Những chảo thắng cố sôi sùng sục, những sản vật của địa phương như mật ong, thổ cẩm, khèn.....được bày bán. Những buổi diễn văn nghệ như múa khèn....được tổ chức. Vì vậy thời điểm tham quan thích hợp đến phố cổ là những đêm hội hoa đăng và ngày chủ nhật hàng tuần (ngày họp chợ Đồng Văn).

Năm 2009, phố cổ Đồng Văn được công nhận là Di sản cấp quốc gia, một Di tích kiến trúc nghệ thuật.

Qua quá trình sử dụng và sự tàn phá của thiên nhiên, ở phố cổ Đồng Văn nhiều ngôi nhà cổ tuy vẫn còn nguyên trạng nhưng hầu hết đang ở tình trạng cũ nát và xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều ngôi nhà mới với lối kiến trúc nhà ống mọc lên phá vỡ lối kiến trúc cổ. Năm 2013, khu phố cổ được phê duyệt vào dự án đầu tư xây dựng bảo tồn tu bổ cấp thiết di tích do Sở Văn Hóa Thể Thao và Du lịch làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư là hơn 66 tỷ đồng. Giai đoạn đầu, một số ngôi nhà đã được trùng tu. Song song với trùng tu, Đồng Văn đồng thời tiếp tục duy trì một cuộc sống bình thường của đồng bào để bảo tồn một không gian văn hóa của nhiều dân tộc đang sinh sống. Việc duy trì nét văn hóa phi vật thể này sẽ càng hấp dẫn du khách.

.....Phố cổ Đồng Văn, một phần hồn của cao nguyên đá Đồng Văn. Đến nơi đây, chúng tôi đã yêu cái màu gạch, màu đất, màu đá của phố cổ, chợ cổ, của không gian “Cà phê phố cổ”, yêu cái không khí se lạnh đượm mùi ban mai nơi phố núi; yêu cả tính nguyên bản trong nét cổ của lối sống nơi đây, cái đa sắc màu văn hóa trong đó. Bao trùm lên cả là yêu sự yên bình, giản dị, nhẹ nhàng trong lối nghĩ, trong lòng người Đồng Văn. Đến nơi đây, chúng tôi có thêm những trải nghiệm đáng nhớ, chúng tôi có những phút giây thư thái và được “sống chậm”, đó là những phút giây hạnh phúc.

6.3.Phó Bảng:

Tạm biệt phố cổ Đồng Văn, sáng hôm sau chúng tôi đi Sà Phìn có dinh thự vua Mèo rồi sang Phó Bảng (có nhiều người cứ quen gọi là Phố Bảng), một thị trấn cổ heo hút vô cùng tĩnh lặng và huyền bí, nằm trong thung lũng hiếm hoi giữa muôn trùng đá quanh năm mây phủ.

Từ Sà Phìn sang Phó Bảng đường rất cheo leo và hiểm trở, một bên là vực thẳm, một bên là núi cao, cùng bát ngát một màu đá tai mèo xám xịt. Thỉnh thoảng có một nương ngô xanh đến thảng thốt vì sự hiếm hoi của màu đất nhọc nhằn.

Phó Bảng hiện ra bằng một thung lũng hoa hồng giữa cao nguyên đá trơ trụi. Nơi đây như một lẵng hồng xinh xắn với những bông hồng đỏ thắm tỏa hương dìu dịu khiến du khách bất ngờ như gặp Đà Lạt đâu đây. Hoa hồng nở rực rỡ đã phần nào tạo thêm sức sống khiến núi đá không còn trơ trụi cô độc. Cạnh hoa hồng là những loài cây cỏ, hoa dại đua nhau khoe sắc. Hoa hồng phó Bảng sẽ được đưa về bán tại thành phố Hà Giang mỗi ngày.

Trước đây, phó Bảng là một thị trấn sầm uất vùng biên viễn, một trung tâm hành chính, kinh tế, xã hội của huyện Đồng Văn. Nhưng bắt đầu từ khi thủ phủ Đồng Văn được dời sâu vào gần nội địa thì phó Bảng trở thành thị trấn bị lãng quên giữa núi rừng.

Phó Bảng giờ đây chỉ còn lại là hai con phố đìu hiu cùng vài chục nóc nhà cổ lặng lẽ. Không gian nơi đây thật tĩnh lặng yên bình. Lữ khách như lạc vào một phim trường cổ trang, một xứ sở cổ tích êm đềm, trầm mặc, lãng mạn với cuộc sống cũ kỹ, ngưng đọng.

Sự yên bình lặng lẽ đó trước hết ở những ngôi nhà cổ xưa bằng đất và gỗ nằm im lìm trong nắng. Cả thị trấn hiện còn khoảng 50 ngôi nhà tường trình với khung gỗ và mái ngói âm dương có tuổi đời hàng trăm năm. Những ngôi nhà đất có màu nâu đỏ hoặc vàng nhạt, tường nứt nẻ. Nhà cửa ở đây trông rất cũ kỹ, tạm bợ, xộc xệch, nằm nép vào nhau, vương nét thời gian, khiến cả thị trấn chìm trong sự trầm mặc. Đi dọc dãy phố người ta có cảm giác như vừa ngược thời gian vài trăm năm có lẻ. Trước hiên mỗi nhà có giàn gỗ chất đầy củi khô dự trữ và treo lủng lẳng những túm ngô màu vàng sậm nổi bật trên nền tường nâu ẩm. Tất cả được nhuộm màu vàng của thời gian.

Sự yên bình đó còn một phần do dân khá thưa thớt. Đường phố có lúc không có nổi một bóng người. Cư dân ở đây có nghề làm nương và trồng hoa hồng, chủ yếu là người H’Mông và người Hoa. Người Hoa đến đây lập nghiệp và xây dựng nên khu phố cổ này cũng đã gần hai thế kỷ. Sau đó, một bộ phận nhỏ người Việt đến sống xen kẽ nhưng cũng không đủ làm cho bức tranh buồn vắng của phố núi thay màu.

Phó Bảng như một thị trấn bị bỏ quên với cuộc sống khép kín, giản dị, êm ả trong tĩnh mịch sâu thẳm vùng cao. Đi dạo một vòng trên con đường chính chúng tôi chỉ gặp những cánh cửa gỗ cũ kĩ đóng im ỉm hoặc khép hờ, những câu đối đỏ viết bằng chữ Hán, những bức tranh Quan Công Trương Phi đã bạc màu, lắt lay trong gió, những chiếc đèn lồng cũ kỹ treo trước hiên nhà. Thi thoảng gặp vài người già ngồi sưởi nắng lặng lẽ ngay trước hiên nhà. Sau những khung cửa nhỏ bằng gỗ là những cô gái người Hoa, ngồi bên chiếc máy khâu đã cũ, tỉ mẩn may những bộ quần áo sặc sỡ... Cuộc sống ở đây thật đơn sơ, nhỏ bé. Đường phố không một cửa hàng, cửa hiệu, không một tiếng động cơ xe.

Thiên nhiên cũng như con người: những cây đào, cây lê trồng trước hiên nhà cũng đang “ngủ đông” im lìm với những nụ trắng xanh lấm tấm. Mây luồn trong phố ... Tất cả diễn ra thật lặng lẽ. Cả thị trấn chìm trong sự trầm mặc, sự yên tĩnh đến ám ảnh. Phố cổ tĩnh lặng đến mức chúng tôi cảm thấy những gót giày của mình có thể làm khua động phố nhỏ này. Cuộc sống ở nơi đây như dừng lại, lắng sâu, có chút gì se thắt rất khó giãi bày trong tâm hồn lữ khách.

Từ nơi xa, một lần đến Phó Bảng, trải nghiệm những giờ phút ở nơi đây, chúng tôi được tự cho mình sống chậm lại để tâm hồn nhẹ nhàng thư thái và để khi ra về Phó Bảng luôn lẩn khuất trong trái tim chúng tôi.

6.4.Phố Cáo:

Rời Phó Bảng, qua dốc Chín Khoanh uốn lượn mềm mại, chúng tôi đi thăm Phố Cáo – một xã biên giới vùng cao thuộc huyện Đồng Văn, nằm ven đường quốc lộ 4C, một điểm khó có thể bỏ qua khi tới Đồng Văn. Phố Cáo là một địa danh nổi tiếng với những ngôi nhà cổ của người H’Mông, nơi lưu giữ kiến trúc nhà ở và phong tục tập quán sinh hoạt truyền thống của người H’Mông. Nơi đây cảnh sắc hiền hòa, bình yên, khuất nẻo và chả mấy xáo trộn như bao đời nay vẫn thế.

Sở dĩ người bản địa gọi nơi đây là Phố Cáo vì kiến trúc của xã theo lối bàn cờ, nhà liền nhà như phố và được ngăn cách nhau bằng những bức tường đá.

Cư dân của Phố Cáo gồm 4 dân tộc: H’Mông, Hán, Dao, Pu Péo, trong đó người H’Mông chiếm 90%, cho nên những ngôi nhà cổ của người H’Mông là một nét đặc trưng của phố Cáo.

Vào thăm khu nhà cổ, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những dãy nhà đất đều đặn, đẹp như trong cổ tích những mái nhà bình yên ẩn sau bờ rào đá. Ở đây không có nhà gạch, không có mái đổ bê tông mà chỉ có những ngôi nhà đất tường trình dầy 50 - 60 phân, mái ngói âm dương, cổng gỗ hoặc tre, tường rào đá. Thứ kiến trúc đặc trưng của người H’Mông ở Hà Giang từ bao đời nay, vừa vững chãi dãi nắng dầm mưa, vừa có chút gì bí hiểm sau những cánh cổng và bờ rào đá. Chúng tôi đã kinh ngạc khi gặp những bờ rào đá tuyệt đẹp, vững chãi, được xếp chồng khít lên nhau thật khéo, những chiếc cổng gỗ (hoặc tre) xinh xắn có mái che nắng, che mưa; những mái nhà nằm nghiêng dốc với bậc thềm đất nện cao.

Hiện tại, Phố Cáo có khoảng 50 ngôi nhà cổ có niên đại trên dưới 100 năm và hầu hết người dân vẫn còn sử dụng vật dụng sinh hoạt và trang phục truyền thống với những bộ áo, váy thổ cẩm giầu màu sắc, vẫn lưu giữ tập tục và thói quen sinh hoạt của cộng đồng không pha trộn. Khu nhà cổ cư trú khá tập trung và thật ngạc nhiên có đường dân sinh trong bản khá rộng rãi và sạch sẽ. Có thể nói, khu nhà cổ ở Phố Cáo là một điểm nhấn du lịch hấp dẫn không kém gì khu phố cổ Đồng Văn và Phó Bảng.

Chúng tôi đã đến Phố Cáo khi những cánh đồng hoa tam giác mạch trải dài bao bọc thung lũng ngút tầm mắt đã tàn. Phố Cáo giờ đây lại mang vẻ đẹp riêng khi hoa cải vàng ngập trên các thửa ruộng quanh bản. Một thiên đường hoa cải vàng với những cánh đồng hoa bạt ngàn, vàng rực dưới nắng chiều. Sự hòa phối giữa màu xám của đá, màu nâu đỏ của tường trình, màu rêu xanh của mái ngói âm dương, màu hoa cải vàng rực quanh bản, màu vàng trong veo của nắng.... Tất cả tạo nên một bức tranh rất hữu tình.

Quanh nhà của người H’Mông ở đây được trồng rất nhiều đào, mận, lê. Những gốc cây cổ thụ lấm tấm những nụ chỉ chờ gió Xuân về là bật nở khoe sắc. Tôi tưởng tượng đến mùa Xuân nơi đây sẽ tràn ngập sắc hồng của hoa đào, sắc trắng tinh khôi của hoa lê, hoa mận và Phố Cáo sẽ lộng lẫy chẳng khác gì chốn bồng lai tiên cảnh. Mỗi mùa, Phố Cáo được khoác chiếc “áo hoa” khác nhau. Có lẽ, vì thế Phố Cáo luôn mới trong mắt lữ khách. Mỗi người đến đây luôn có một “góc” Phố Cáo trong hồn.

Gặp một đám cưới của người H’Mông, chúng tôi lại thêm một trải nghiệm về phong tục tập quán của bà con nơi đây. Một đám cưới với rực rỡ sắc màu dân tộc. Những người phụ nữ váy áo thổ cẩm đa sắc màu, những thiếu nữ H’Mông má ửng hồng, những bà mẹ bồng con còn rất trẻ, những người đàn ông mặt đỏ gay vì men rượu ngô, những gương mặt bầu bĩnh với cặp mặt trong veo của trẻ thơ... Tất cả đều vui vẻ, sôi động. Hình như hôm nay ai cũng mặc những bộ quần áo mới nhất của mình. Anh bạn Hà Giang còn cho chúng tôi biết: bây giờ đang là mùa cưới của người H’Mông. Đám cưới của người H’Mông thường được tổ chức vào cuối Đông hay mùa Xuân, vì đồng bào kiêng những tháng có sấm chớp.

Cuộc sống của người dân nơi đây thật đơn giản. Chúng tôi đã vào thăm nhà bà con. Sau bức tường đá yên bình bà con sống rất đạm bạc. Trong nhà đồ đạc khá sơ sài và hầu như chẳng có gì đáng giá. Có lẽ con bò là tài sản quý nhất của đồng bào. Cuộc sống của họ cứ lặng lẽ trôi như bao đời nay vẫn thế.

Với những nét đặc trưng vốn có, với vẻ đẹp trong nền văn hóa truyền thống nhiều màu sắc, phố cổ Đồng Văn, Phó Bảng, Phố Cáo đã tạo nên điểm nhấn ấn tượng và độc đáo trên vùng cao nguyên đá Đồng Văn.

Đến đây, được thả hồn hít thật sâu không khí trong lành, được trải nghiệm, được ngắm nhìn bức tranh phố cổ mộng mơ chúng tôi như được sống chậm lại, được hoài niệm, tâm hồn như lạc vào thế giới yên bình, và có lúc đã tự hỏi phải chăng sống đơn giản hạnh phúc hơn ?

  1. “Mỏm tột Bắc” và cột cờ Lũng Cú

Sau khi từ biệt Mã Pì Lèng, về Đồng Văn, chúng tôi lên cột cờ Lũng Cú. Chinh phục Lũng Cú đã trở thành một phần không thể thiếu với bất cứ ai du lịch đến Hà Giang.

“Mỏm tột Bắc” là chữ dùng của nhà văn, xảo thư ngôn từ Nguyễn Tuân để chỉ Lũng Cú. Nơi đây có cột cờ Lũng Cú, điểm cực Bắc của Tổ Quốc, một trong bốn điểm cực xác định hình dạng địa đồ Việt Nam.

Thuở học trò, đã bao lần vẽ bản đồ Việt Nam, thế mà gần hết cuộc đời tôi mới được đặt chân đến đây, nơi bắt đầu nét vẽ đầu tiên của bản đồ Tổ quốc. Thật xúc động khó nói lên lời.

Chúng tôi đang đứng đây, nơi địa đầu của Tổ quốc, nơi đánh dấu chủ quyền của Việt Nam, là điểm đến mơ ước của nhiều người.

Nếu hình dung đường biên giới Việt Trung như một chóp nón thì hai điểm thấp nhất nằm ở A Pa Chải (Điện Biên), Sa Vĩ (Móng Cái) còn chóp là Lũng Cú và tâm điểm của Lũng Cú chính là ngọn núi Rồng, nơi có cột cờ Lũng Cú. 

Đỉnh núi Rồng ở độ cao 1468 mét so với mực nước biển, trông xa như ngọn tháp với lá cờ Tổ quốc rộng 54 mét vuông tượng trưng cho 54 dân tộc anh em hiên ngang trước gió ngàn. Cột cờ Lũng Cú không chỉ là điểm cực Bắc mà còn là vị trí khẳng định chủ quyền của đất nước. Tiền thân của cột cờ này xuất hiện từ thời Lý. Khi Lý Thường Kiệt hội quân ở biên thùy đã cho treo một lá cờ tại nơi đây để đánh dấu chủ quyền lãnh thổ. Cột cờ đã được trùng tu và xây dựng lại nhiều lần trong suốt quá trình lịch sử bảo vệ biên cương của dân tộc.

Chúng tôi đã đi lên cột cờ theo con đường trải nhựa ôm sát sườn núi. Để đi đến chân cột cờ phải vượt qua 389 bậc thang đá (và muốn chạm tay vào lá cờ Tổ quốc bạn phải lên 140 bậc thang xoắn ốc trong lòng cột cờ). Mỗi bước đi, cảnh vật thay đổi theo từng bậc thang ta bước lên. Dâng đầy trong chúng tôi niềm thỏa mãn được chiêm ngưỡng hình hài của Đất Mẹ. Hãy chầm chậm bước và từ từ ngắm để cảm nhận và lắng sâu.

Lên đến đỉnh núi Rồng, rất đột ngột bỗng thấy mình đứng trên một đỉnh cao chót vót, đỉnh cao nhất. Một cảm giác vỡ òa thiêng liêng trong lồng ngực. Nơi chúng tôi đặt chân đây - địa đầu của Tổ quốc từ lâu đã trở thành hình ảnh thiêng liêng trong mỗi người con đất Việt “vầng trán kiêu hãnh của Tổ quốc”.

Và trước mặt, một kỳ quan chưa từng thấy, không còn ngọn núi đất nào nữa mà chỉ còn toàn đá, một cao nguyên đá mênh mông, trùng điệp, lô nhô, lởm chởm, vô tận. Cảnh sắc thiên nhiên thật mênh mông hùng vĩ với những dãy núi biên cương, với những khoảng ruộng bậc thang đột xanh, đột vàng trải dài trong thung lũng. Ruộng cứ tiếp nhau ở lưng chừng núi, trượt xuống sâu, vắt từ sườn núi này qua sườn núi khác. Rồi kia nữa, các xóm bản Lô Lô, Séo Lùng, Cẳn Tằng quần tụ bình yên. Rồi hai hồ nước bán nguyệt nằm cân xứng hai bên núi, lấp lánh dưới ánh mặt trời. Ở đây chúng tôi đã được nghe kể truyền thuyết về hai hồ nước. Ngày xưa, có một con Rồng từ trên trời bay xuống đậu ở đây (nên Lũng Cú còn được gọi là Long Sơn - Núi Rồng). Vì thương người dân nơi đây khô khát nên trước khi bay về trời, Rồng đã để lại đôi mắt thành hai hồ nước gọi là “mắt Rồng” không bao giờ cạn nước. Nguồn nước này được hai bản Lô Lô Chải và Thiên Tả sử dụng bao đời nay. Đứng trên đỉnh núi Rồng nhìn hai hồ nước thật đẹp và lãng mạn.

Chúng tôi đã đi xung quanh chân cột cờ được gắn 8 bức phù điêu bằng đá xanh minh họa cho các thời kỳ lịch sử của đất nước và các phong tục tập quán của người dân tỉnh Hà Giang, phía trên gắn 8 mặt trống đồng. Đứng nghe tiếng gió ù ù bên tai, ngước nhìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay phần phật nơi địa đầu của Tổ quốc, ngồi chụp tấm ảnh kỷ niệm trước cột mốc trang nghiêm, một cảm xúc khó tả dâng lên từ trong lồng ngực. Nếu chuyến đi Hà Giang là một trải nghiệm đáng nhớ thì đây là một trải nghiệm đặc biệt trong đời mỗi người.

  1. Hà Giang, cao nguyên đá Đồng Văn, nơi có vẻ đẹp nguyên sơ và tươi sáng của tạo hóa với những nét văn hóa đặc trưng của kiến trúc, ẩm thực, sinh hoạt hàng ngày của con người nơi đây. Nơi có những con người cần cù, dũng cảm, thân thiện, mến khách, mảnh đất “ai cũng nên đi du lịch Hà Giang, ít nhất một lần” (Lời đại sứ Australia). Chúng tôi đã đến một lần và có lẽ sẽ có nhiều lần quay lại nữa. Vì trót cảm mến nơi này. Vì cảnh đẹp. Vì con người nơi đây. Và cũng bởi ta muốn thoát khỏi những bộn bề, những cái nghẹt thở trong cuộc sống tấp nập ở đô thị. Ta muốn có những phút giây thư thái bình yên để lại có tâm hồn thênh thang trong những ngày ở cao nguyên đá.

Hải Dương đầu xuân Giáp Ngọ (2016)

 

 7583.jpg_wh860

 

 

 

 

     

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)