bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 0855890003

CÁM ƠN ANH ĐỨC BÌNH CỘNG TÁC!CHÚC ANH VUI KHỎE!

 

ĐỨC BÌNH

Xin cám ơn BAN BT trang TÁC PHẨM VÀ BẠN ĐỌC !

 

VŨ NHO 085 589 0003

Tôi không xem chương trình VUA TIẾNG VIỆT. Cứ theo những gì bác Đinh Y Văn tường thuật thì đích thị là TRÒ CHƠI Đoán từ. Người nhìn từ trong Từ Điển, nói "chữ" đầu của từ, rồi nói "chữ" sau. Người kia...

 

Đinh Y Văn

Trân trọng cảm ơn Tổng biên tập đã dành sự quan tâm đến bố con cụ Đinh Y Văn!

 

Đinh Y Văn

Xin có lời thưa lại, hình như cụ ĐYV bị quy oan là “lơ mơ” ?! Tên chính thức vòng 2 chương trình Vua tiếng Việt là GIẢI NGHĨA, không phải là ĐOÁN TỪ bác ạ.

 

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ BÁO, NHÀ NGHIÊN CỨU NGHIÊM THỊ HẰNG!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 37
Trong ngày: 632
Trong tuần: 1368
Lượt truy cập: 774340

GÃ LÃNG TỬ XỨ ĐOÀI

GÃ “LÃNG TỬ XỨ ĐOÀI”

 PHẠM CÔNG TRỨ

pham_cong_tru

Gã là Trần Hòa Bình, vốn dĩ được người được người đời tặng cho hai cái “hoa”, là Tài hoa xen chút Đào hoa. Cả hai “cái hoa” này ở Trần Hòa Bình chưa đến mức được xếp chiếu, liệt hạng song cũng đủ gây ấn tượng để phải xuýt xoa, tiếc nuối mỗi khi nhớ về gã “lãng tử xứ Đoài” này, sau tròn 15 năm anh xa chúng ta.

  1. Tài hoa ở Trần Hòa Bình thể hiện trước hết là một người đa-giê-năng. Nghĩa là cùng một lúc anh có thể phân thân cho nhiều việc. Người ta bảo “xay thóc thì khỏi ẵm em”, anh có thể vừa “xay thóc” vừa “ẵm em” và cả “đuổi gà” nữa. Ắm em ở đây được thay bằng “ẵm con”, theo đúng nghĩa đen của từ này, sau cái ngày tổ ấm gia đình tan vỡ.

Vậy nên, có nhà báo khi phỏng vấn Bình đã hỏi “Thưa anh, nên gọi anh là gì, nhà thơ, nhà báo, nhà giáo, nhà tư vấn…” thì họ Trần đã cười cười, rồi đánh bài…lảng. Anh cũng thường đánh bài lảng, kiểu như vậy, khi người ta hỏi xoáy anh những câu như: “bao giờ thì bảo vệ luận án tiến sĩ?”, “sao mãi chưa in thơ riêng?”, “bao giờ thì làm tập hai?”. Tôi biết anh tâm đắc với thơ, muốn được gọi là nhà thơ, nhưng ngặt mỗi chưa là hội viên, lại cũng chưa in một tập thơ riêng nào, nên khó nói. Song, dù vậy, rõ ràng Trần Hòa Bình - nhà thơ, là danh hiệu đúng với anh nhất. Chỉ nội một bài “thêm một” cũng đã đủ bầu cho anh, mà Bình đâu phải chỉ có thêm một, anh còn thêm nhiều nhiều nữa, nếu ai đã có dịp đọc “Trần Hòa Bình - Tuyển tập tác phẩm”, in ra sau ngày anh qua đời.

Người tài hoa, khác với thiên tài, thường không có “đỉnh”. Bình cũng ở vào trường hợp này. Nhưng anh đâu có quan tâm đến chuyện đỉnh điếc, miễn làm sao tiêu cho hết cái “tài” đời tặng, hưởng cho hết cái “lộc” trời cho. Phân thân cho nhiều lĩnh vực, nên ở lĩnh vực nào tài hoa họ Trần cũng chỉ vừa đủ để gây ấn tượng. Tôi có cái duyên may là bạn của cả Trần Hòa Bình và Chu Văn Sơn, đều được xem là hai tài hoa ở xóm văn chương “làng Vòng” một thời. Họ đều là sản phẩm của Đại học sư phạm Hà Nội I, đều yêu văn chương, ký thác đời mình vào văn chương, song mỗi người mỗi vẻ dù là không hẳn mười phân vẹn mười.

Cùng là nhà giáo, họ Chu mô phạm, chỉn chu, mực thước bao nhiêu, thì họ Trần lại phóng túng, bay bướm bấy nhiêu. Sơn dù không mấy khi đóng bộ Tây song cũng tề chỉnh mỗi khi “lên bục”, thì Bình chỉ quần bò (jean), áp phông (full), kể cả khi đứng lớp. Sơn tóc dựng búp sen, bồng bềnh như mây nổi, dưới đôi mắt sâu lộ sáng là đôi môi tươi, với nụ cười thường là nửa miệng, thì Bình tóc trùm gáy, mồm rộng, mắt cười cười đưa đẩy sau cặp kính cận to đùng, dày cộp.

Cái sự chuẩn bị bài giảng, Bình cũng chẳng giống ai. Nếu Sơn kỹ càng bài bản trong soạn giáo án với ý chính ý phụ, luận cứ luận chứng, rồi mới tùy nghi mà nhấn nhá, đưa đẩy, tung hứng thêm trên lớp, thì Bình chỉ phác có cái sườn rồi cứ thế vung vẩy tay chân, giảng thì ít “diễn” thì nhiều, mà diễn lại có duyên. Cái dáng bùi bụi, trễ nải, đôi chút phớt đời ấy tuy ngoài chuẩn mô phạm nhưng xem ra có vẻ lại hợp với dân báo chí, ôm mộng văn chương.

Vui chuyện, tôi có lần hỏi Bình về cái sự lên lớp không giáo án, anh tặc lưỡi: “Có giáo trình rồi, thì cứ “diễn” sao để sinh viên thích nghe là được. Cốt nhất là truyền cảm hứng yêu nghề, say nghề. Khi đã yêu đã say thì chúng sẽ sáng tạo. Nhồi nhét mà làm gì. Chúng còn bồ bịch, giai gái nữa chứ, tuổi sinh viên mà”. Tôi biết là phong cách bùi bụi, bay bướm của nhà giáo Trần Hòa Bình có ảnh hưởng đến nhiều lớp học trò và lũ đàn em. Trương Thiếu Huyền một học trò yêu của Trần Hòa Bình một thuở (sau này về báo Quảng Ninh) cứ cúc cung một bề, mở miệng ra là một điều “thầy Bình em”, hai điều “thầy Bình em”, nghe cứ gai hết cả người. Mà đâu chỉ có một Trương Thiếu Huyền, họ Trần có một lô các em ở Khoa báo chí trường Tuyên giáo hâm mộ thầy, “phù” thầy như vậy.

“Đàn ông rộng miệng thì sang”, tôi có lần bảo Bình thế. Thấy Bình tỏ vẻ hoài nghi, sợ anh hiểu sai ý mình, tôi dẫn chứng “Chẳng sang mà ở hội nghị nhà văn trẻ nào (tôi có hai lần dự hội nghị với Bình) ông cũng được bầu vào chủ tịch đoàn, ngồi ở hàng ghế trên trong vai thư ký, rồi đọc tham luận, còn đám đông chúng tôi thì ngồi dưới chầu lên”; “Chẳng sang mà đi đâu ông cũng được đàn em cung phụng chè thuốc, được chị em mở lòng chào đón à?”. Bình gật gù: “Thì mình nhiệt tình với bè bạn, hết lòng với chị em, thì họ cũng nhiệt tình, hết lòng với mình thôi, chứ đã nghèo rớt mồng tơi, lại quần bò áo phông, túi thổ cẩm thì chỉ có bụi, không bụi lớn thì bụi bé, chứ sang cái nỗi gì!”. Nói thế, chứ tôi biết trong thâm tâm Bình cũng vui, cũng thấy trời ban cho mình một cái sự trẻ trung, thanh thoát, tươi tắn, hấp dẫn nào đấy.

Có lẽ do cái “tạng” tư duy báo chí, đậm chất tài tử nhạt chất hàn lâm mà Bình hiếm khi viết những bài nghiên cứu, ít nhiều phải động chạm đến các thuật ngữ chuyên ngành rắc rối. Đến luận án tiến sĩ, cái không thể thiếu với một giảng viên đại học và để có học hàm, anh cũng lần lữa mãi. Đến khi buộc phải viết thì đề tài anh chọn cho luận án của mình cũng rất “mở”, ấy là “Vai trò của báo chí đối với công cuộc canh tân văn hóa Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX”. Sở trường của anh thuộc về liên ngành báo chí, văn hóa, văn học. Chuyên đề lên lớp ưa thích của anh là “lịch sử báo chí Việt Nam”, cùng với các tên tuổi mà anh kính trọng và hiểu biết sâu sắc, như Trương Vĩnh Ký, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Tản Đà, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Vũ Bằng…Mỗi khi nhắc đến những nhân vật này là mặt anh rạng rỡ ra, giọng anh sống động hẳn lên, cứ như họ thuộc độc quyền sở hữu của mình vậy.

Ngoài dậy học “kiếm cơm” thì có hai lĩnh vực Bình tâm huyết nhất, mà ai cũng thấy, là viết báo và làm thơ. Song, ngay ở hai lĩnh vực này anh cũng rất chi tài tử. Tôi vẫn đùa với Bình, ông chỉ là kẻ “tán báo” chứ không là nhà báo thực thụ. Tôi chưa thấy một bài phóng sự xã hội, hay một bài ký văn học nào của Bình. Sở trường của anh, cũng là của dân sự phạm văn nói chung, là giảng giải và bình tán. Biết thế, nên Bình phát huy tối đa cái thế mạnh này. Anh đã có vài chục bài bình, từ ca dao đến những bài thơ anh thích để đăng báo và chọn lựa in chung thành sách. Những bài bình này gây ấn tượng chủ yếu không ở chiều sâu của sức nghĩ - dù anh là người cả nghĩ, hay ở sự mới lạ của những phát hiện - dù anh khá sắc sảo, mà ở sự bay bướm của câu chữ, sự dí dỏm trong nhận xét. Nhất là cái dư vị để lại sau mỗi bài bình, thường là man mác buồn, một nỗi buồn xa vắng phảng phất chất thơ, du dương chất nhạc.

Ngoài bình tán thơ, anh còn sắm vai một chuyên gia về bình tán tình yêu, hay nói một cách bài bản là “tư vấn tình yêu”, “gỡ rối tơ lòng”. Những bài trả lời trong mục “100 câu hỏi thường ngày” với bút danh “Tầm thư” trên báo “Tiền phong chủ nhật” mà anh đảm nhận đã “hút” bạn đọc một thời, nhất là lứa tuổi đang yêu. Viết dăm bảy bài thì còn ô-kê, chứ “nuôi” cả một mục trên báo nhiều năm thì chẳng dễ một chút nào. Cũng là dân báo chí, viết lách, nên tôi rất hiểu cái sự khó này. Nếu anh không lịch lãm về đời, sâu sắc về tâm lý con người, và không có sự cảm thông, lòng trắc ẩn, cùng với chữ “nhẫn”, thì dễ nửa đường bỏ cuộc lắm.

Rất may, là trong cõi mông lung trời tình bể ái này, thì ngoài sự thông minh, trời còn phú cho Bình năng khiếu nắm bắt tâm lý tuổi trẻ và nhất là cái sự kiên nhẫn “tầm thư” và tỉ mẩn xâu chuỗi, nắn nót thành câu chữ với một giọng văn hóm hỉnh, hay bướm. Bẩm sinh cũng có, song rèn luyện cũng nhiều. Người ta bảo “khôn văn tế, dại văn bia”, Trần Hòa Bình chơi cả hai. Để có thể giỏi cả “văn tế” (nói) lẫn “văn bia” (viết),  Bình có ý thức trong việc thu nạp kiến thức, làm giầu thêm kho từ vựng của mình. Đi lắm, đọc nhiều, giao tiếp rộng, nhất là với cánh trẻ, cộng với lao động say mê, hết mình đã làm nên cái lịch lãm, bặt thiệp và được việc của Bình.

  1. Chơi với Trần Hòa Bình, không dám nói là hiểu anh, song tôi nhận thấy Bình thuộc týp người lưỡng phân: vừa hướng ngoại vừa hướng nội, nửa phong trần nửa phong lưu, truyền thống trong cái dáng hiện đại. Hướng ngoại là dành cho báo chí, là bạn bè, là đi, là ăn uống, bù khú, chụp ảnh, vẽ vời... Người ta gọi anh là “kẻ lãng tử”, hay “tên nghiện đi” là vậy. Với cái ba lô lộn trái hoặc túi thổ cẩm vắt vai cùng với đôi giày thể thao, chiếc mũ vải bò, là có thể lên đường cùng với “vài thẳng con con” bám theo. Dù là chưa đến độ “vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa” nhưng cũng ít nhiều có cái “đề huề lưng túi gió trăng” như chàng Kim thuở ban đầu của cô Kiều.

Vào kỳ lễ lạt, hay dịp cuối tuần thì khó mà gặp được Bình. “Bận lắm”, “hẹn nhé”, “đang phiêu” là những cụm từ như được cài đặt sẵn ở bộ nhớ của chàng lãng tử này, để khi cần là gần như tự động phát lại. Đi để khám phá quê hương, đất nước và cũng là để khám phá mình, để tìm tứ thơ và tất nhiên không thiếu chuyện tình tang, em út, kiểu như “Ném vào cửa sổ túm hoa/ Đường về hái vội làm quà tặng em”. Ngịch lý là, cái kẻ nghiện đi ấy lại là người, như trời bắt, có máu say xe. Cứ mỗi chuyến đi về, là một lần hành xác, say mềm, mệt lử, thốc tháo. Ấy vậy rồi, sáng mai có ai ới là lại tươi tỉnh khoác túi, buộc dây giày, chụp mũ lên đầu và lên đường. Rồi lại say xe, mệt lử, thốc tháo…

Thú nhất là lên vùng cao (thường là miền Tây Bắc), hay ra biển (thường là miền Trung), chí ít thì cũng lãng đãng đâu đó ở xứ đồi trung du, hay bãi bờ ngoại thành. Phiêu du là cụm từ thường thấy ở thơ Bình:“Áo vắt vai đi dọc mãi không ngồi”; “Chúng con như những chiếc lá vàng phiêu du trong gió”; “Tóc thề ảo ảnh chân trời vắng/ Có lẽ phiêu du đến chót đời!”. Chuyến phiêu du cuối cùng trên dương thế là ở thị trấn Thịnh Long, một bãi biển khá xinh đẹp ở huyện Hải Hậu (Nam Định) quê tôi. Sau này hỏi ra mới biết, cũng chẳng phải việc to tát gì, nhân chuyến vui bạn vui bè, say sưa, thế rồi… đột quỵ!

Tôi đã có lần hỏi Trần Hòa Bình: “Ông cứ suốt ngày đi lại bù khú bạn bè, em út thế thì viết vào lúc nào?”. “Đêm. Mình thuộc loài thú ăn đêm”. Anh nháy mắt vui vẻ, rồi nhắc lại hai câu thơ trong bài Tự sự của tôi “Ban ngày là của người ta/ Đêm thâu, nguyệt lạc mới là của tôi”. Bây giờ người ta hay nói đến “kinh tế đêm”, “đánh bắt xa bờ”, chứ chẳng biết vô tình hay hữu ý, Bình đã làm điều này từ lâu, tất nhiên là với nghĩa bóng, nghĩa thiện của nó.

Tôi hình dung khi đêm về, mà là đêm sâu, con gái yêu H.T ôm búp bê đã chìm vào giấc ngủ sau hồi nũng nịu cùng bố, là anh một mình ngồi vào bàn viết, sống với con chữ, cùng điếu thuốc lá trên tay, có thể thêm chén trà, hay cốc cà phê bên cạnh. Những bài báo gỡ rối tình yêu, cùng những tứ thơ ra đời, hay hoàn tất, thường ở vào thời điểm này. Thì đấy “Thôi em ạ anh lại làm thi sĩ/ Những câu thơ đập cửa mỗi đêm về” (Khúc giã biệt), chúng còn ranh ma len lỏi cả vào giấc ngủ anh “Những giấc mơ nát nhàu/ Những con chữ nảy mầm tí tách” (Lời hoa vàng). Câu thơ “đập cửa” đã hay nhưng con chữ “này mầm tí tách” thì mới lạ, nó có hơi điệu đà song lại rất rõ chất Trần Hòa Bình.

Viết báo thì Bình thường hướng ngòi bút của mình vào họ nhà “sĩ”, là cái giới mà anh hiểu biết rõ như “đi guốc vào bụng”, không văn thi sĩ thì cũng là họa sĩ, hay nhạc sĩ, ca sĩ, kịch sĩ. Trong số hàng nghìn bài viết ngắn dài đủ loại, không phải bài nào cũng hay, cũng tâm huyết, có không ít bài anh sản xuất theo kiểu đơn đặt hàng để có thêm “Việt Nam đồng” độ nhật, nuôi mình, nuôi con. Song, do ý thức nghề nghiệp cao, giầu lòng tự trọng nên không có bài viết nào là quá nhạt hay vô bổ. Đêm sâu là lúc anh biến ý tưởng thành bài báo, hay để tứ thơ thăng hoa thành bài thơ, chứ tôi đồ rằng phần nhiều những ý, tứ đó đã hình thành trong khi anh đang bù khú, chén tạc chén thù đâu đó. Cứ để ý những bức ảnh chụp Bình mà xem, ngoài những lúc dàn cảnh cười tươi, điệu đà làm dáng cùng đám đông, Bình hay tìm một góc riêng, kiểu một mình một cõi để sống với mình, độc thoại với chính mình.

  1. Trần Hòa Bình tâm huyết với thơ, ký thác vui buồn đời mình vào thơ. Thơ Bình, về cơ bản, cũng gồm hai chặng, tạm gọi là hướng ngoại và hướng nội. Khởi đầu từ những năm 1970, dù còn là chàng sinh viên đẫm mộng mơ, hay đã là người thầy giáo trẻ đầy nhiệt huyết, anh đều dang hết tay, mở hết lòng để mọi hình khối, sắc màu, thanh âm của cuộc sống ùa vào mình. Thơ anh vang vọng tiếng máy nơi công trường, lấp lánh giọt mồ hôi của người nông dân nơi ruộng đồng, thánh thót tiếng giảng bài của cô giáo làng, kể cả chùm bài hướng lên chiến sự nóng bỏng, ác liệt nơi biên giới phía Bắc.

Đây đó lấp lánh những câu thơ trong trẻo, đầy gợi cảm:“Người lên cao vút trên giàn giáo/ Miết cả nắng vàng theo lưỡi bay/ Người ra sông tìm cát trắng/ Sóng nước tung đầy hai bắp tay” (Mùa thu ở ngoại thành). Anh hồn nhiên reo lên như trẻ nhỏ “Khi mùa mưa đến, mùa mưa đến/ Trống gõ vô hồi lá chuối tơ… Mưa như gót trẻ kéo nhau về” (Khi mùa mưa đến). Ngồi với trang sách mà anh cứ nhấp nhổm như như mình sắp khởi hành “Những cuốn sách muội đèn rơi lên chữ/ Với bao nhiêu hồi hộp lúc lên đường” (Gửi bè bạn mùa này lên bục giảng). Anh khao khát những chân trời chưa tới “Còn bao điều nữa diệu kỳ/ Bàn chân vỡ vạc muốn đi tận cùng” (Ghi chép ở đồi)...

Tuổi trẻ hồn nhiên như cơn mưa, phóng túng như ngọn gió, thơ Bình cũng đầy ắp gió. “Đêm ấy chúng tôi đi như ngọn gió chuyển mùa/ Chùng chình qua các phố” (Bút ký Hải Phòng). “Tôi mang đến nơi đây tâm hồn xao  xác gió/ Và nụ cười sông nước của miền xuôi” (Với dòng sông ấy). Anh viết hẳn một bài thơ dài “Kỷ niệm về gió”, trong đó có cái gió của cha, của mẹ, của chính anh, gió vượt Trường Sơn, gió lên giàn giáo, gió thúc giục, nâng cánh người thơ “Rồi mai này nhé gió ơi/ Cứ là cơn gió gọi đời ta lên”.

Tuổi đời nhiều lên, từng trải hơn, gánh nặng cơm áo cũng chất chồng hơn, như dòng sông đến độ lắng lại, thơ Bình chùng xuống, bắt đầu có cái xao xác, đượm buồn. Đêm vườn nhà, một tàu cau rụng đủ khiến anh giật mình thảng thốt: “Những tàu cau rơi đêm nay làm anh không ngủ được/ Nó nhắc anh/ Nỗi niềm mẹ/ Nó nhắc anh cuộc đời bình dị/ Nó nhắc anh, nhắc anh” (Một tàu cau rơi). Anh tự thú với cây duối quê nhà “Không sao quen được thành phố/ Có một cây duối vàng hoa rụng mãi trong ta”. Anh tạ lỗi với quê hương, với mẹ: “Con đã khác xưa rồi, thưa mẹ/ Tóc lút vai, dáng ngổ ngáo, bất cần/ Con đi giữa bạn bè mơ toàn nghiệp lớn/ Chẳng thấy ai nhắc nhắc quê xứ nhọc nhằn…”.  Anh tự thú về cái nông cạn của mình “Cái cội gốc trong mơ sao giờ con mới thấy/ Như mẹ ta, như chị ta buồn bã trước hiên nhà!”, rồi anh tự hứa “Dẹp hết những đại ngôn, con thầm nói:/ Xin cảm ơn cây duối hoa vàng” (Cảm ơn cây duối hoa vàng).

Những dòng thơ này của Bình phảng phất ít nhiều cái tâm trạng trong “Lời tự thú của tên du đãng” của nhà thơ đồng quê người Nga S.Esenin đầu thế kỷ trước. Tương đồng, dù vậy, thì Bình cũng vẫn chỉ là một “gã lãng tử” xứ Đoài mây trắng, tỉ tê với cây duối hoa vàng nơi đất Việt, còn Esenin là “tên du đãng” chính cống. Lời tự thú của cái người từng tuyên bố “Nếu không là nhà thơ/ Tôi sẽ là kẻ cướp”, nó gây hấn hơn, dữ dội hơn và cũng cay đắng, đắm say hơn, nghĩa là ở tầm thế giới, tầm nhân loại. Do ảnh hưởng từ văn học Nga qua sách báo, tôi biết Bình rất yêu xứ sở Bạch Dương và mơ ước có ngày được tận mắt thấy bông tuyết đầu mùa, hay tự tay nâng cái lá phong “nhuốm màu quan san” lúc thu sang. Chùm bài “Nghe bài hát triệu bông hồng”, “Trước tranh “Đụn cỏ hoàng hôn””, “Tiếng phong cầm của người lính Nga”… là những minh chứng cho tình yêu đơn phương và từ xa này.

Nhìn chung, thơ Bình giai đoạn đầu cấu tứ còn dàn trải, câu chữ có chỗ còn vụng về, song đó là cái vụng về chân thật của chàng trai mới qua tuổi dậy thì vừa vỡ giọng, đang háo hức muốn ôm trọn cuộc sống dài rộng, bề bộn quanh mình. Hăm hở, tự tin lao vào cuộc sống, hòa mình vào nhân quần, trong khi khám phá vẻ đẹp cùng những góc khuất, bóng tối của nó, chàng cũng đồng thời tự khám phá, mong muốn khẳng định cái “tôi” của mình, cả trong đời và trong thơ. Sau này, khi tay bút đã già dặn Bình bồi hồi nhớ lại “Còn đâu đó những vần thơ non dại/ Bút học trò gieo biếc một triền đê”. Non dại mà đẹp. Đẹp vì nó non dại, mướt mát, run rẩy, trinh nguyên.

  1. Bài thơ “Thêm một”- “trời cho” (tôi vẫn bảo Bình thế), ra đời năm 1985, mang đậm dấu ấn Trần Hòa Bình, đã như cắm một cái mốc son đời thơ anh. Từ cái sự “thêm” “bớt” của lá thu, của tiếng chim, liên tưởng đến cái rắc rối, bí ẩn của cõi tình được anh cấu tứ khá thông minh, cùng với thể thơ năm chữ dễ nhớ, đã khiến cho bài thơ được tuổi trẻ nhiệt liệt đón nhận. Những trang sổ tay của sinh viên thời ấy thường không thiếu bài thơ này. Tuy nhiên, hai câu “Thêm một người thứ ba/ Chuyện tình đâm dang dở”, trớ trêu thay, lại như vận vào đời tác giả. Cái người thứ ba đâu đó trong thơ bỗng xuất hiện trong đời thực khiến cuộc sống gia đình của Bình rẽ sang một hướng khác, và thơ Bình cũng chuyển giọng: Từ trữ tình công dân sôi nổi, lấy cuộc sống làm chất liệu sáng tác, sang trữ tình cá nhân đượm buồn, đem vui buồn tâm hồn mình mà chưng cất thành thơ. Cũng từ đây, giọng trả lời của Tầm Thư trên báo cũng có thay đổi: từ thông minh, dí dỏm, pha chút hài hước sang phía thâm trầm, sâu sắc, chiêm nghiệm.

Từ khi chuyển giọng thơ Bình xem ra ít gió nhiều mưa, mà là mưa buồn. Đâu rồi cái náo nức của “Trống gõ vô hồi lá chuối tơ”, cái trẻ trung của“Mưa như gót trẻ kéo nhau về”, cùng cái rạo rực của “Khi mùa mưa đến em ra bãi/ Ngô mía đôi bờ xanh vút theo”? Mưa bây giờ gợi nỗi day dứt “Anh thức qua đêm nhìn mưa/ Anh thức qua năm tháng nhìn em/ Anh thức qua cuộc đời nhìn tình yêu/ Bong bóng nước trôi xuôi vỡ nghìn hoa cánh trắng/ Đâu rồi dấu chân em/ In mòn thời thiếu nữ” (Mai em về nhà chồng). Cái điệp khúc “Cớ sao mắt em buồn như cơn mưa xứ đồi?” cứ trở đi trở lại như là một sự hoài nghi, nỗi ray rứt, dằn vặt trong thơ anh.

Hoa và cỏ, hai thi ảnh lưu dấu thơ Bình với tần số hơi nhiều. Hoa là biểu tượng của cái đẹp, cái cao khiết, cỏ tượng trưng cho sức sống, sức vươn lên của cái man dại. Về quê thăm mẹ, anh “xin cảm ơn cây duối có hoa vàng” vì đã nhắc anh “quê xứ nhọc nhằn”. Một bông hoa mua bắt gặp ở một triền đồi đâu đó, gợi trong anh nỗi hoang hoải “Tím mê mệt những bông hoa mua/ Nốt nhấn một tình yêu phiêu lãng”. Một bông mộc miên (hoa gạo) tháng ba đủ đánh thức trong anh ký ức tươi đẹp, mướt mát buổi đầu đời “Còn đâu đó mộc miên mười sáu tuổi/ Vẫn đi về trong giấc ngủ xa quê” “Mộc miên hoa vỗ cánh rợp bên trời…”. Anh chạnh lòng trước một bông dã quỳ nở cô độc: “Anh cũng hệt dã quì ven nắng/ Đẹp thắt lòng trong tuyệt vọng yêu đương/ Người và trời bỏ quên bên đồi vắng”. Một bờ lau trắng thấp thoáng bóng em gái sơn cước đánh thức lòng trắc ẩn nơi anh “Nhà em cuối phố cao như núi/ Từng bậc cầu thang chợt gió ngàn/ Ta - loài hoa dại chưa thuần lối/ E ngại miền xa với nỗi gần”. Còn có cả một loài hoa cát kỳ ảo, một lối hoa vàng bí ẩn chẳng biết từ đâu tìm đến góp mặt “Có một loài hoa cát nở hiền khô/ Một bình minh hoa trên tay cầm đa cảm”, “Trái tim reo – vó ngựa hoang thảng thốt? Lục lạc rung theo những lối hoa vàng”.

Nhưng phải là bông sen mà “cánh hoa quay trong gió như thuyền” anh hái ở Từ Sơn (Bắc Ninh) mới thật xót xa, day dứt, dằn vặt vì nó hình như có máu thịt của đời anh. Anh hát ru hoa sen cũng là hát ru để đưa tiễn cuộc tình “đến muộn” của mình “Những bông hoa ta hái về chậm trễ/ Ta thương em mà không sao thưa được/ Ta yêu em mà không sao nói được/ Sen ngủ trong bình em thức trong ta”.

Cùng với hoa, cỏ cũng lan man, rải rác suốt dọc đường thơ Bình. “Nếu nhớ anh thì em ra với cỏ/ Anh suốt đời như cỏ trước nhà em”; “Nào mưa đi, cỏ thần tiên sẽ biếc/ Có một con chim vàng gõ cửa hồn nhiên” (Khúc mưa); “Ừ thôi nhé hoa vàng và cỏ biếc/ Sẽ theo em đến tận cuối trời” (Khúc mùa đông); “Khe khẽ mà thương khe khẽ nhớ/ Chim ri bờ cỏ với hoa vàng/ Khe khẽ mà nghe khe khẽ thở/ Người rất buồn và hoa rất thương” (Ấn tượng)… Hoa cỏ còn có dáng hình, chứ sương khói nó mới ma mị pha chút đắng đót “Anh xa từ đó Thơ Dại ạ/ Hoa vàng ngơ ngẩn biết còn không/ Mắt em, ồ lạ, như chiều vắng/ Không khói mà cay khói đốt đồng” (Một chút Từ Sơn).

Bình là thi sĩ nhạy cảm với thời gian. Hăm hở ở chặng đầu - thời thanh niên sôi nổi, xao xác ở chặng giữa - tuổi trung niên điềm đạm, và bây giờ ở chặng cuối trung niên vắt sang tuổi già là lo âu, nghi ngại. Nhìn con rubic vận hành, anh không khỏi cảm thấy chóng mặt “Những kết cấu đổi thay như thời tiết/ Trong tầm tay rồi lại ngoài tầm tay”, “Em ẩn hiện giữa bão giông rubíc/ Anh kiếm tìm chóng mặt tuổi ba mươi” (Ru bíc và tình yêu).  Đây đó đã xuất hiện chút thoáng mệt mỏi: “Sẽ qua đi tuổi mười tám đôi mươi/ Tuổi ba mươi rồi cũng dần trôi/ Đến trái đất cũng đang già đi đấy… Đáng sợ thật sẽ qua đi tất cả” (Rồi sẽ qua đi). Trong lời tự thú muộn mằn “Lần thứ nhất tôi biết mình chiến bại/ Đốt một núi thơ tình, ngọn lửa ấy mà thôi!” đã bộc lộ chút ngậm ngùi, luyến tiếc “Xa rồi/ Những điều lẽ ra ta hiểu/ Cúi mặt trên hai bàn tay/ Mất rồi lẽ ra ta có...” (Người ấy, Thơ chiều). Song, như một con chim thiêng dù bị trúng mũi tên tình ái, thì trong buồn thương, mất mát vẫn có chút ngạo nghễ “Anh lại bay dưới bầu trời đơn lẻ/ Với đôi cánh ba mươi đã bị trúng thương” (Khúc giã biệt). Thơ Bình khoảng đoạn sau có nhiều trắc ẩn, tỏ ra thương mình, thương đời, và từ đây xuất hiện những khúc hát ru, vừa dịu dàng, vừa đắng đót: ru tình, ru thế nhân, cũng là tự ru mình.

  1. Trần Hòa Bình, tuổi Ất Mùi cầm tinh “con Dê”, là người đào hoa, đa tình nên anh có nhiều tình nhân, cả trong thơ và trong đời thực. Ra với cuộc đời “Quên Hà Nội ồn ào trăm giọng nói/ Trăm lời ngợi khen, trăm lời ngỏ tâm tình” anh bắt gặp nhiều miền hoa thơm, cỏ lạ, trái tim Bình rung lên và thơ anh đã không quên ghi nhận. Ấy là em Châu Mộc: “Ôi! Châu Mộc có em tôi ở đó/ Nếu nhớ anh thì em ra với cỏ/ Anh suốt đời như cỏ trước nhà em”; Em sông Hàn: “Ta có người tình bé nhỏ/ Như giọt nước gieo trên bến sông Hàn”; Em sông Thương: “Em sông Thương tóc không còn dài nữa/ Tôi ôm mộng phiêu du như nước chảy chân cầu!”; Em sông Lô:“Cho ta khóc một lần bên dòng Lô, xin lỗi/ Khóc thầm thôi sông đừng kể chuyện này… Gửi lại ngôi sao xanh mối tình lặng lưu đày”; Em sông Hương:“Vỹ Dạ xa vời câu hát cũ/ Ngồi gốc cây hường ta hái hoa/ Nhớ thương mờ tỏ trăng hăm mốt/ Em đã qua đò, bến cũng xa” (Tóc thề ảo ảnh). Đó là chưa kể những “tóc thề huyền diệu đêm cổ tích/ Cổ tích hai người giữa cỏ êm”; “Tóc thề ảo ảnh đừng bay nữa/ Muốn khóc vì em giữa núi đồi!”.

Biết thế, nên cánh báo chí cứ thích hỏi xoáy vào cái chỗ “nhạy cảm”, khó nói này mỗi khi có dịp. Bình thú nhận mình là người lãng mạn, có nhiều em, song không buông thả, sống vội, sống gấp. Là một chuyên gia “gỡ rối tơ lòng”, lại là một ông thầy, nên hơn ai hết anh hiểu cái mê hồn trận của tình ái, cũng như cái “làn ranh đỏ” mong manh giữa yêu và gét, hạnh phúc và khổ đau, yêu thương và thù hận, kính trọng và xem thường, thậm chí khinh bỉ. Anh có nguyên tắc sống của mình: “Không thể cười trên sự đau khổ của người khác”, và “không được đánh phụ nữ dù chỉ một cành hoa”, tôi từng nghe Bình có lần nhắc lại những câu “kinh điển” này, dù chẳng biết xuất xứ từ đâu.

Nhớ lắm thương nhiều, Bình có lúc thành lẩn thẩn, anh thú nhận: “Ta là gã con trai lẩn thẩn của xứ Đoài/ Nhìn mây trắng dở cười dở khóc” (Mây trắng bay). Từ lẩn thẩn đến lẩm cẩm là đoạn rất gần “Những vui buồn như giấy thếp sang trang/ Khóc cũng thế mà hát thì cũng thế” (Không đề). Lại có lúc anh như một con chiên mộ “đạo”… tình: “Quỳ trước núi mà tin thôi em ạ/ Ai trong đời chẳng có một Khâu Vai…Hãy nhìn nhau nhìn nhau trước gió/ Em sẽ thấy một Khau Vai  trong số phận chúng mình (Khau Vai).

Các em đã khiến Bình hạnh phúc, hoài nghi, đau khổ, nhưng cũng nhờ các em mà anh có những câu thơ tình quyến rũ, say đắm, xa xót như cứa vào lòng người. Thêm một, nổi tiếng, song mới thể hiện sự thông minh, là lời dự báo về tính bất toàn của tình yêu của “người ngoài cuộc”. Phải đến Thơ chiều, Lời hát ru hoa sen, nhất là Khâu Vai, thì lời dự báo đã mang tính số phận, có sự nghiệm sinh và thấm nước mắt đớn đau của “người trong cuộc”. Thơ “tán gái”, thậm chí “dại gái” đã thành ra “thơ tình”, theo đúng nghĩa của từ này. Thơ Bình nhiều yêu song nặng về lãng mạn, hư ảo, ít nhục tính, tôi không thấy ám ảnh sex trong thơ anh.

  1. Tôi quen Trần Hòa Bình vào những năm đầu tám mươi thế kỷ trước, khi gia đình anh gồm ba người (cháu gái H.T còn ở tuổi đóng bỉm) đang “cố thủ” tại một gian phòng nằm ở tầng 1 của tòa nhà nhiều tầng của Đại học sư phạm Hà Nội I. Bình lúc ấy vẫn còn ở Đại học sư phạm HN II, đi về giữa Xuân Hòa và Hà Nội. Dẫu chỉ là tạm phân, song có được căn phòng riêng để tá túc ở thời buổi ấy cũng là hạnh phúc rồi.

“Rước bác, rước bác vào!” cùng với cái xoa xoa tay nửa trịnh trọng, nửa hài hước, là cách đón khách của Bình. Mà phòng Bình lúc nào cũng đông khách ra vào: khách chồng, khách vợ, khách của em trai Bình ghé qua nữa. Cùng là dân làm báo, cùng nuôi mộng văn chương, lại ở gần nhau (tôi đang được phân ở khu tập thể Nghĩa Đô - Nay tách ra thành Nghĩa Tân (làng Vòng xưa) nên chúng tôi gặp nhau rồi thân nhau. Anh sinh sau tôi 2 năm nhưng lại bước vào làng báo, làng văn trước tôi một chút. Năm 1985, Bình trình làng Thêm một, thì năm sau tôi đăng Lời thề cỏ may ở báo Tiền phong. Gặp tôi, Bình bảo: “Rất may cho hai thằng mình, tôi có thêm một, ông có lời thề cỏ may ít nhiều gây ấn tượng, chứ không thì... thì…“nát với cỏ may”- Tôi đế theo. Có lần tôi bảo Bình: “Thêm một của ông nó còn “sang trọng” (chữ của giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh) bởi có dính chút triết lý, chứ lời thề cỏ may của tôi nó cỏ rả nhếch nhác, xưa cũ lắm”. Bình cười: “Được sang trọng thì nói làm gì, nhưng nhếch nhác, xưa cũ cũng có cái hay của nó chứ, ông cứ cỏ rả nhếch nhác thế mà viết”.

Bình là người đầu tiên giới thiệu tôi trên sóng đài tiếng nói Việt Nam với bài “Nụ cười buồn sau những hàng lục bát”, do anh tự tay gõ máy chữ trên giấy pô-luya. Đã có một số bài viết về thơ tôi song tôi vẫn thấy với cái tít ngắn này, ngay từ rất sớm, Bình tóm đúng được thần thái của tác giả Lời thề cỏ may, ấy là cái giọng nửa bi, nửa hài. Sau gần nửa thế kỷ, tôi vẫn còn nhớ cái không khí buổi sáng tại cái phòng thu không mấy rộng rãi của đài tiếng nói Việt Nam ở 58 Quán Sứ. Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi cán bộ của Ban Văn nghệ của nhà đài, người to lớn, tóc điểm bạc, giọng Nghệ, đường bệ ngồi chứng kiến. Tôi thì rụt rè như như một anh học trò buổi đầu tới trường, chỉ đâu ngồi đấy, bảo gì làm nấy. Trần Hòa Bình, trong vai người biên tập đọc bài viết, đặt câu hỏi phỏng vấn ngắn “đương sự” là tôi. Buổi thu kết thúc ở bài ngâm “Lời thề cỏ may” của cô nghệ sĩ Kim Dung, đã thu sẵn trước đó. Bình đã từng qua lại nhà đài nên thạo việc, bình thản thao tác. Tôi thì dù đã từng là một giảng viên đứng bục thế mà vẫn toát mồ hôi hột. Trên đường đạp xe về ngang qua Cầu Giấy tôi đãi Bình một bát phở. Chao ôi, bát phở hiếm hoi ở cái thời gian khó ấy bây giờ nhớ lại chẳng biết đích thị là loại phở gì, chỉ biết nó mới thơm ngon làm sao!

Hôm đài phát bài, Bình ôm chiếc radio đã cũ đi bộ từ khu tập thể của trường sang phòng tôi trên tầng 4, dành cho những kẻ độc thân. Anh dí dỏm bảo: “Ông ạ, tôi phải đi “lối cửa sau” vòng qua dãy hố xí của trường sang đấy”. “Sao phải khổ vậy?”. “Cho nó gần, vả lại còn được thưởng thức chút hương lúa làng Vòng còn sót lại”. Phải rồi, cốm làng Vòng đã ám vào chàng sinh viên sư phạm mười năm trước, khi mở ra bằng“Bởi cái tên Vòng/ Mà anh khó gỡ”, và kết lại bằng “Nhận cái tên Vòng/ Nên anh chẳng gỡ”, còn nội dung cũng lòng vòng quanh cái tứ “Mắt say cánh đồng/ Dạ say hương cốm”. Trên manh chiếu giải trên nền nhà, bên chiếc radio đời cũ là một ấm trà nhỏ cùng mấy chiếc kẹo vừng gọi là để ăn mừng “Cỏ may” lên sóng. Tôi cùng vài anh bạn cùng cơ quan hồi hộp ngồi đợi nhạc hiệu của Buổi phát thanh Văn nghệ vang lên, sau một hồi Bình xoay volum, rọt rẹt dò tìm. 

Bình và Q. L có nhiều bạn là dân nghệ sĩ, nên hay có giấy mời dự các buổi biểu diễn văn nghệ. Thời ấy giấy mời vào nhà hát còn là của quý hiếm. Đã vài lần tôi đi ké với Bình vào Nhà hát Lớn xem ca múa nhạc. Có lần thấy Q. L súng sính trong trang phục “nón thúng quai thao” áo tứ thân đong đưa cùng các liền chị Thúy Cải, Thúy Hường, Hai Tráng trên sân khấu, tôi bấm vào tay Bình ngồi cạnh: “Như ông, có vợ là ca sĩ dù là không chuyên cũng thích nhỉ?”. Bình cười cười sau cặp kính cận, ghé sát tai tôi: “Cỏ may có “nuôi” được các em thơm mùi son phấn, thích đung đưa không, đây giới thiệu cho, mát tay lắm đấy!”. Tôi cũng cười. Rồi, không phải Bình, mà vài ông bạn cũng là dân sư phạm có chỉ trỏ cho tôi em nọ em kia. Nhưng rồi có lẽ do vụng về, vô duyên nên rút cục cái thằng muộn vợ là tôi đã không thành rể Khoa văn Đại học sư phạm.

Trong cái không khí vui vẻ trẻ trung nơi trường ốc, Bình kéo tôi đi đọc thơ với anh ở mấy đại học và cấp ba quanh quanh Hà Nội. Hồi ấy, cánh làm thơ chưa nhiều, với lại Thêm một, Lời thề cỏ may đang “hót”. Chưa mấy tên tuổi, đang thích thể hiện nên cứ lấy hơi gào to lên vài ba bài liền cho nó ấn tượng, thấy tiếng vỗ tay rào rào, đập bàn rầm rầm, khi ra về có nơi (như trường phổ thông dân lập Lương Thế Vinh của giáo sư râu dài Văn Như Cương) còn dúi cho cái phong bì mong mỏng nữa, thì thấy mình cũng oai, thấy thơ ca cũng có giá.

Rồi Bình rủ tôi cùng lọc cọc đạp xe theo Quốc lộ 32 rặt những ổ gà, ổ trâu về nhà riêng của anh ở thị xã Sơn Tây chơi. Bình nặng tình quê, rất tự hào về quê: “Bình-Phủ-Quảng (tức Phủ Quảng Oai), chứ không phải Phủ Quốc trong Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc nhé!”, anh đã từng nhắc tôi như vậy. Anh dẫn tôi ra thăm rừng lim cổ thụ xanh um ở Đền Và huyền thoại, thờ thần Tản Viên Sơn, nằm gần nhà anh. Đến thành Sơn Tây, như một hướng dẫn viên du lịch, anh chỉ cho tôi thấy cái cổ kính của cổng thành qua lớp lớp rêu phong, cùng dây leo, rễ quấn. Bình bảo câu thơ “Em ở thành Sơn chạy giặc về” của Quang Dũng có xuất xứ từ chính cái nơi chúng ta đang đứng đấy. Tôi cũng ngân nga “Thành hào cũ phong bao một bài thơ cổ/ Chẳng biết dành tặng ai yên tĩnh quá chừng!...” trong bài “Sơn Tây một phía” của Bình, mới công bố. Tôi bảo với Bình: “Quê tôi vùng Sơn-Nam-Hạ, đất mới gần biển, chỉ có nhiều nhà thờ Công giáo, chứ không dày đặc đình chùa, đền miếu như xứ Đoài quê ông. Có dịp mời ông về chơi quê tôi để nghe chuông nhà thờ, xem em gái xứ đạo đi lễ và ngắm biển”. Là người có hơi hướng “thiên quê”, thích biển, nghe vậy Bình vui ra mặt. Rồi, anh cũng có dịp về quê tôi, và như một định mệnh đã đánh đắm đời mình ở vùng biển có tên là Thịnh Long, như đã nói.

Vào đầu những năm chín mươi, có lần Bình tìm đến nhà tôi ở ngõ Quan Hoa, cạnh Cầu Giấy. Thì ra gia đình anh đang ở ngưỡng cửa tan vỡ. Chuyện phức tạp, khó nói, đại để có liên quan đến “người thứ ba”. Đơn ly hôn đang nằm ở tòa rồi. Hai vợ chồng thuận tình chia tay nhau thì đã đành, tài sản không có gì, vấn đề là con cái. Bình muốn được nuôi con, anh không thể sống mà thiếu H.T. Việc anh yêu quý con, chăm sóc con thế nào, từ khi con còn “đóng bỉm”, tôi cũng đã biết. Mảng văn học viết cho thiếu nhi của anh làm chứng cho sự yêu trẻ này. Tòa án quận Cầu Giấy, nơi có thẩm quyền giải quyết, nằm ngay trong ngõ 68 Quan Hoa, cách nhà tôi chỉ hơn trăm mét. Tôi làm báo Pháp luật, thuộc ngành tư pháp, thì có tác động, giúp gì được anh không?

Đây là một ca ly hôn khá hy hữu. Thường một cuộc hôn nhân tan vỡ, đảm nhận việc nuôi con là người mẹ, pháp luật cũng ưu tiên việc này, nhất là khi đứa con còn nhỏ. Cháu H.T mới lên 5 tuổi, thật là khó xử cho tòa. Mà cũng khó xử cả cho tôi, vì tôi chơi với cả với Q.L. Có người mẹ nào muốn xa con, mà lại là con gái. Biết là khó song nể bạn, thương bạn, tôi cũng ra gặp cán bộ tòa án quận, trình bày về hoàn cảnh, nhân thân của đương sự, nhấn mạnh đến cái sự rất yêu con của người bố, cũng như phần lỗi của mỗi bên đương sự. Việc giải quyết tại tòa nhùng nhằng một thời gian, rồi cuối cùng Bình cũng toại nguyện. Mừng, nhưng từ đó Bình phải độc thân “gà trống nuôi con” từ mẫu giáo đến đại học, có dễ đến mười mấy năm.

Bình chuyển về căn phòng 12 mét vuông ở dãy nhà tập thể cấp 4 Trường Tuyên huấn, báo chí (nay là Học viện tuyên truyền báo chí) nằm ngay cạnh Đại học sư phạm. Cuộc sống bận rộn, chúng tôi ít gặp nhau hơn. Thấy Bình mãi chưa lấy lại vợ, có lần gặp anh, tôi hỏi “vẫn chưa gì à”. Bình cười cười. Thay cho câu trả lời anh chậm rãi:“Tôi đã yêu và đã từng cay đắng/ Nhưng tôi tin hạnh phúc ở đời/ Tôi trân trọng cuộc đời trân trọng lắm/ Có lẽ nào đời chật hẹp với riêng tôi”. Anh nhất mạnh vào câu cuối. Đó là đoạn kết một bài thơ tình của tôi cũng đăng ở Tiền phong, mà anh thuộc vì nó ứng hợp với hoàn cảnh của anh lúc ấy. Nhân tiện tôi hỏi Bình: “Vậy những lúc mây gió, phiêu bồng thế, H.T gửi ai?”. “Gửi các em”. Nhiều nữ sinh viên quý thầy, thương thầy, có em yêu thầy, nên tự nguyện chăm sóc con thầy, mỗi khi thầy phải đi xa. Đời thực oái oăm, trời thực bất công, cứ nhằm lúc con người ta không ngờ nhất để giáng cái gọi là “số mệnh”. Đúng lúc cháu H.T vừa ra trường, mới có việc làm, thời điểm chín muồi để anh hoàn tất luận án tiến sĩ, sửa lại nhà, cũng là lúc có thể tính đến “tập hai”, ấy vậy mà…

  1. Hành trình 53 năm đời, hơn 30 năm thơ của Trần Hòa Bình có khúc vui, khúc buồn, khúc hướng nội, khúc hướng ngoại, song là một hành trình đẹp của một “tay chơi” tài hoa xen chút đào hoa. Nó đẹp không ở mục đích chơi, mà ở cách chơi. Bình không vội in thơ vào Hội để có tiếng, cũng không vội làm luận án để có danh, không vội sửa nhà để có tiện ích, không vội cưới lại vợ để chờ con gái trưởng thành.

Vội gì, chơi đã!

Trong cuộc chơi nhiều mặt ấy, chơi thơ là thú vị nhất. Con rubic thơ - rubic tình yêu của Bình“Xoay và xoay/ Trụi trần rubic/ Xoay và xoay/ Biến hóa rubic/ Xoay và xoay/ Sòng phẳng rubic”. Bình có chóng mặt, có mệt mỏi song anh chấp nhận ném cả đời mình vào vòng xoay số phận“Xoay và xoay cái khối vung kỳ ảo/ Như tình yêu mãi bí ẩn, bất ngờ/ Anh mệt mỏi nhưng anh không bỏ cuộc…” (Ru bíc và tình yêu). Đây không phải là “cuộc chơi vô tăm tích” như một nhà văn nữ nổi tiếng đã dằn dỗi thế, hay là cuộc chơi “có tổng bằng không” như cách nói của các nhà kỹ trị thời nay, mà là cuộc “chơi có thưởng”. Phần thưởng là những câu thơ lưu dấu ấn vào trí nhớ bạn đọc để rồi nảy chồi, mọc nhánh sự sống, ra hoa tâm hồn, kết quả trí tuệ. Không nhiều, cũng không lớn, càng không bất tử, song Bình đã có những bài thơ, câu thơ như thế.

Nếu thơ có giới tính, thì thơ Trần Hòa Bình mang đậm thiên tính nữ. Như cái tên cha mẹ đặt cho anh, nó dịu dàng thủ thỉ, tâm tình. Ai mong tìm sự cách tân, đột biến ở thơ anh thì sẽ thất vọng, nhưng nếu họ muốn tìm gặp tâm hồn một thi sĩ đích thực thì thật không uổng. Hồn thơ Bình vừa thực như “bánh đúc bày sàng”, lại vừa hư ảo như “giọt sương đầu ngọn cỏ”, một tâm hồn truyền thống trong dáng dấp hiện đại. Nó buồn buồn, lãng đãng sương khói và thoáng chút liêu trai, ma mị. Thơ Bình có cái đắng đót, song cũng chưa đến mức cay đắng, có thất vọng song không bi lụy, có cô đơn song không cô độc, chán chường, u uất. Anh không nống lên cái mà mình không có, anh hát đúng giọng mình. Giọng của người trai quê song do sống lâu ở phố đã pha chút thị thành, thoáng chút điệu đà, à ơi.

Nếu chọn một câu thơ lột tả thần thái Trần Hòa Bình, thì thiết nghĩ đó là “Tóc thề ảo ảnh chân trời vắng/ Có lẽ phiêu du đến chót đời”. Mà nếu có nhiều cuộc đời Bình cũng vẫn phiêu du thế thôi. Đời tặng cho anh những hai cái “hoa” cơ mà, làm gì mà chẳng ăn tiêu cho đến hết, như Tản Đà - người đồng hương lớn của anh “đời chưa chán tớ, tớ còn chơi”, như Quang Dũng - người đồng hương tài hoa của anh “ mây ở đầu ô mây lang thang/ Ôi chật làm sao góc phố phường”…

                                     Cố viên, Hải Thanh - Khu Ngoại giao đoàn, Thu, 2022.

hoa_sung_1

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)