HAI KHÁM PHÁ NỔI TIẾNG THẾ GIỚI CỦA A. YERSIN
PGS.TS. ĐINH HỮU DUNG
Nhân dân Việt Nam biết đến A. Yersin là Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học Y Hà Nội, người khám phá ra cao nguyên Lâm Viên (Đà Lạt), người sáng lập ra Viện Pasteur Nha Trang, người đầu tiên đưa cây cao su vào Việt Nam...
Cả nhân loại biết đến Yersin là nhà vi sinh vật học lỗi lạc. Trong tất cả các cuốn sách viết về những sự kiện lớn lao của lịch sử y học thế giới, chúng ta luôn gặp tên tuổi Yersin với hai khám phá nổi tiếng: xác định được cơ chế gây bệnh của vi khuẩn bạch hầu và tìm ra vi khuẩn dịch hạch.
Năm 1883, Klebs, là người đầu tiên quan sát thấy vi khuẩn bạch hầu trên các tiêu bản làm từ bệnh phẩm lấy ở họng bệnh nhân. Một năm sau Loeffler đã nuôi cấy thuần nhất được vi khuẩn này. Tuy nhiên cho tới lúc ấy cơ chế gây bệnh của vi khuẩn bạch hầu vẫn còn hoàn toàn ở trong bóng tối, và vì vậy vẫn chưa có phương pháp phòng và chữa bệnh hiệu quả.
Năm 1887, Yersin 24 tuổi, mới tốt nghiệp bác sĩ, được nhận vào làm hợp đồng ở phòng thí nghiệm của Roux - một học trò và người cộng sự suất sắc của Pasteur. Mặc dù chỉ là người trợ lý và kém Roux 10 tuổi, Yersin đã sớm được Roux quí mến bởi lòng nhiệt tình nghiên cứu, ham tìm tòi và lối tư duy sâu sắc. Đáng ngạc nhiên hơn, chính người trợ lý trẻ tuổi này đã có vai trò quyết định làm thay đổi định hướng nghiên cứu của Roux, thuyết phục Roux nghiên cứu về bệnh bạch hầu.
Sau khi Klebs và Loeffler tìm ra vi khuẩn bạch hầu, vấn đề quan trọng nhất cần được nghiên cứu tiếp theo là cơ chế gây bệnh, vì nó sẽ là chìa khoá để tìm ra vũ khí chiến thắng căn bệnh nguy hiểm này. Yersin nhận thấy vi khuẩn không có mặt trong máu và phủ tạng của tử thi, mặc dù có những tổn thương rõ ràng ở tuyến thượng thận, cơ tim... Điều ấy cũng đúng khi xét nghiệm các mẫu từ súc vật chết sau khi gây bệnh thực nghiệm. Từ nhận xét sắc xảo đó, Yersin và Roux đã đưa ra giả thuyết rằng có một loại chất độc rất mạnh hình thành ở chỗ vi khuẩn phát triển trên niêm mạc đường hô hấp, rồi từ đó theo máu đến khắp cơ thể. Giả thuyết này đã được hai ông chứng minh bằng cách tiêm nước lọc môi trường nuôi cấy vi khuẩn bạch hầu (hoàn toàn không còn vi khuẩn) cho động vật thí nghiệm. Kết quả đã gây được các triệu chứng và tổn thương bệnh lý giống như trong trường hợp tiêm vi khuẩn bạch hầu. Ba bản báo cáo khoa học đóng góp vào việc nghiên cứu bệnh bạch hầu của Yersin và Roux đã được đăng vào các năm 1888, 1889 và 1890. Công trình nghiên cứu của Yersin và Roux có ý nghĩa hết sức to lớn trong cuộc đấu tranh chống bệnh bạch hầu. Ngay sau kết quả nghiên cứu của Yersin và Roux, Behring đã nghiên cứu về kháng độc tố (chất có khả năng làm mất tính độc của độc tố) được sử dụng trong điều trị bệnh bạch hầu. Và cũng sau kết quả nghiên cứu của Yersin và Roux, Ramon đã nghiên cứu làm biến đổi độc tố bạch hầu thành chất không độc (giải độc tố) được sử dụng làm vacxin phònh bệnh bạch hầu. Vacxin này được xếp vào hàng những vacxin có hiệu lực phòng bệnh cao nhất. Hiện nay nó vẫn đang được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Yersin đã có dự định nghiên cứu về bệnh dịch hạch từ năm 1892, ngay khi vừa đặt chân đến Việt Nam. Nhưng đề xuất ông đã bị viên toàn quyền Đông Dương lúc đó từ chối. Giữa năm 1894 khi dịch hạch bùng phát ở Hồng Kông, Yersin muốn đến ngay nơi mỗi ngày có khoảng 40 người bị chết vì căn bệnh này để triển khai nghiên cứu. Rất may lần này đề nghị của ông được viên toàn quyền mới chấp thuận, tuy nhiên những hỗ trợ về mặt tài chính hết sức hạn hẹp.
Đến Hồng Kông trước Yersin 3 ngày là đoàn nghiên cứu của Nhật Bản do giáo sư Kitasato dẫn đầu. Giáo sư Kitasato hơn Yersin 10 tuổi, đã có 8 năm làm việc tại phòng thí nghiệm của Kock và là cộng sự số một của Behring trong các nghiên cứu về kháng độc tố chống vi khuẩn bạch hầu và uốn ván - Những công trình mà nhờ đó Behring đã được nhận giải thưởng Nobel. Kitasato được xếp vào những nhà vi khuẩn học lừng danh khi đó! Đoàn Nhật được chính quyền và bệnh viện sở tại tạo mọi thuận lợi cho việc triển khai nghiên cứu và họ có thái độ bất hợp tác rất rõ ràng đối với yersin.
Yersin chỉ được lập "phòng thí nghiệm" ở một góc hành lang của bệnh viện. Nhưng rồi cũng không được yên ổn. Thán phục trước sự can đảm và đam mê nghiên cứu của Yersin, một người có uy tín ở Hồng Kông đã tác động với chính quyền địa phương để Yersin được phép dựng 2 gian nhà lợp rơm rạ, vừa làm phòng ở vừa làm phòng thí nghiệm.
Yersin quan sát thấy giáo sư Kitasato chỉ quan tâm xét nghiệm máu, gan, lách... mà không chú ý gì đến hạch. Yersin cho rằng hạch là nơi cần phải được quan tâm. Song Yersin lại không được phép mổ tử thi... Yersin phải tìm cách “tranh thủ” những người có nhiệm vụ đem các xác chết đi chôn để được mổ xác trộm! Ông xuống hầm chứa xác trước khi được đưa ra nghĩa địa, mở nắp quan tài, mổ lấy hạch mang về xét nghiệm. Trên tiêu bản thấy rất nhiều vi khuẩn. Giả thiết của Yersin đã đúng! Tuy nhiên, ông vẫn thận trọng xét nghiệm thêm nhiều tử thi khác và gây bệnh thực nghiệm trên động vật nhiều lần trước khi công bố kết quả nghiên cứu.
Trong cùng khoảng thời gian này, Kitasato cũng công bố đã tìm ra căn nguyên dịch hạch. Bởi tiếng tăm của Kitasato, lúc đầu nhiều người xếp ông là đồng tác giả trong khám phá ra vi khuẩn dịch hạch. Về sau người ta thấy các tính chất của loại vi khuẩn mà Kitasato mô tả có những điểm không phù hợp với vi khuẩn dịch hạch.
Các nhà khoa học đã công nhận Yersin là người đầu tiên khám phá ra vi khuẩn dịch hạch, bởi vậy nó được mang tên ông: Yersina pestis.
Người gửi / điện thoại