bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 0855890003

CÁM ƠN ANH ĐỨC BÌNH CỘNG TÁC!CHÚC ANH VUI KHỎE!

 

ĐỨC BÌNH

Xin cám ơn BAN BT trang TÁC PHẨM VÀ BẠN ĐỌC !

 

VŨ NHO 085 589 0003

Tôi không xem chương trình VUA TIẾNG VIỆT. Cứ theo những gì bác Đinh Y Văn tường thuật thì đích thị là TRÒ CHƠI Đoán từ. Người nhìn từ trong Từ Điển, nói "chữ" đầu của từ, rồi nói "chữ" sau. Người kia...

 

Đinh Y Văn

Trân trọng cảm ơn Tổng biên tập đã dành sự quan tâm đến bố con cụ Đinh Y Văn!

 

Đinh Y Văn

Xin có lời thưa lại, hình như cụ ĐYV bị quy oan là “lơ mơ” ?! Tên chính thức vòng 2 chương trình Vua tiếng Việt là GIẢI NGHĨA, không phải là ĐOÁN TỪ bác ạ.

 

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ BÁO, NHÀ NGHIÊN CỨU NGHIÊM THỊ HẰNG!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 57
Trong ngày: 398
Trong tuần: 1181
Lượt truy cập: 773852

KHI HUYỀN THOẠI TRỞ VỀ

Đàm Ngọc Xuyến
 
KHI HUYỀN THOẠI TRỞ VỀ
 
   Đời sống của một tác phẩm văn học có thể ví như một dòng sông, lúc mênh mang dào dạt, lúc ghềnh thác xô bờ, nhưng cũng có khi bị chặn giữa chừng, phải âm thầm luồn lách qua muôn vàn tán lá thảm cỏ, khe đá bờ cây, nhưng khó ai có thể làm cho nó biến mất chỉ bằng những mệnh lệnh đơn giản. Ấy là tôi đang muốn nói về quy luật của sự ra đời và triển nở của sáng tạo và tiếp nhận văn học.
    Cách nay hơn bảy mươi năm, giữa lúc thực dân Pháp quay lại hòng tái chiếm, chinh phục Đông Dương, Việt Minh lên rừng kháng chiến giữ gìn nền độc lập, thì Văn sĩ Tùng Giang Vũ Đình Trung (1905-1985) đã sáng tác nên Truyện tình Đồi thông hai mộ, đem đến cho những người còn mắc kẹt trong vùng tạm chiếm một tác phẩm ngợi ca Tình yêu, Lòng chung thủy, dạt dào tình cảm mà sục sôi ý chí chiến đấu trả thù nhà đền nợ nước. Tác phẩm ấy được đông đảo công chúng nhiệt thành đón nhận, ngưỡng mộ, đến mức mà “Quốc trưởng” Bảo Đại cũng không thể làm ngơ. Ông vua bù nhìn này lập tức có hành động “úy lạo”, “ban thưởng” (đến 5000 đồng Đông dương, tương đương một khối tài sản lớn). Đứng ở góc độ nào đó, việc làm này không hoàn toàn vô lý, bởi ông ta cũng là người Việt, nói tiếng Việt, tất sẽ phải trân trọng, yêu thích và xiển dương một tác phẩm văn học Việt “tươi như gấm, đẹp như non” mà người dân Việt yêu quý, như những Chinh phụ ngâm, Phạm Tải Ngọc Hoa, Tống Trân Cúc Hoa, Chinh phụ ngâm, Đoạn trường tân thanh… trước đấy mà thôi. Nhưng cái việc làm ra vẻ như thể “phủ dụ”, “tri kỷ” ấy chính là hành động một mũi tên trúng nhiều đích, trong đó có “thấy người sang bắt quàng làm họ”, “dính máu ăn phần”… Và động cơ đó từng bị nhiều người vạch trần chân tướng.
   Ấy thế mà Bảo Đại cũng có thể cười thầm, bởi ông ta phần nào cũng đạt được mục đích: Ly gián được một văn sĩ có tâm, có tài với Việt Minh đang sục sôi kháng chiến. Bởi trong hàng ngũ những người yêu nước khi ấy, cũng có một số cán bộ thiển cận xuất phát từ tầng lớp bần cố nông, kiến văn hạn chế, trình độ có hạn, thậm chí tả khuynh, bắt chước những mẫu hình cực đoan đâu đó, tưởng thế mới là Cách mạng. Họ cho Tác phẩm là “ủy mỵ”, Văn sĩ là “cải lương”, “giữa lúc nước nhà dầu sôi lửa bỏng mà du dương tình ái”… Vậy là Tác phẩm bị cấm, dù không có bất cứ một án lệnh nào; Tác giả bị ngoảnh mặt, dù ông vẫn bền bỉ sáng tác những truyện thơ, truyện cười, theo khuynh hướng ca ngợi cái Mới, cái Thiện, đả phá cái Ác, được cả báo Nhân dân đăng tải nhiều kỳ (có thể kể Kho cười III, Nói và viết Quan hỏa, và đặc biệt là trường ca Nông thôn hửng sáng, ca ngợi phong trào Hợp tác xã, đả kích những biểu hiện lệch lạc khi tiến hành xây dựng đời sống mới ở nông thôn miền Bắc sau 1954)… Đến mức vào tuổi xế chiều, người Văn sĩ - Chí sĩ ấy đành lặng thầm lui về quê Văn Quán, hàng ngày lọc cọc đôi thùng mỏ hàn, kìm, búa, chọn góc Bến xe Hà Đông hành nghề hàn xoong nồi xô chậu, vá dép nhựa, rổ rá nuôi cháu, nuôi thân.
    Nhưng nhân dân Việt Nam, nhất là công chúng yêu Tiếng Việt, yêu Thơ, chuộng tình cảm, công lý thì không dễ bị lạc hướng như thế. Họ vẫn ngầm trao chuyền nhau những bản chép tay chữ bé, trên giấy xấu, đóng dán sơ sài, để đêm đêm ngày ngày, những lúc nản, buồn, những khi cô đơn trống vắng, lại có cái để ngâm ngợi, suy tư, chờ đợi những điều tốt đẹp. Một cô gái thuộc thơ từ lúc chập chững vào đời, về nhà chồng rồi vẫn âm thầm đọc Đinh Lăng Mỵ Dung từ đầu đến cuối, thỉnh thoảng còn thấy tác giả áo trắng hiện về trong lúc nửa thức nửa ngủ (bà Nguyễn Thị Hoàng, 83 tuổi- thành phố Hòa Bình). Một nhóm bạn bè đêm đêm hay tụ tập nhau nơi sân đình trăng sáng để đọc thơ muôn người, trong đó Đồi thông hai mộ thường chiếm sóng lâu nhất (câu chuyện của Nhà văn Dịch giả Đăng Bẩy). Một gia đình sang Pháp từ lúc cuộc chiến chưa chấm dứt, rồi sau này đi Mỹ, các thành viên ly tán, của nả thất lạc, trong đó có cuốn Đồi thông hai mộ, nhưng bà mẹ vẫn một mình chắp nối để hàng ngày đọc cho cháu con nghe; đến cuối đời nguyện ước duy nhất là được cầm trên tay một bản in hoàn chỉnh (câu chuyện của Nhà thơ Nguyễn Khôi, trong bản in Thơ bạn thơ 8, Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2019, của vợ chồng Nhà văn Nguyễn Nguyên Bảy – Lý Phương Liên)… Có thật nhiều những con người như vậy, chứng tỏ tác phẩm này đã thực sự có chỗ đứng vững vàng trong lòng người đọc.
img_5177

    Một biến thể thú vị, thậm chí ly kỳ của chuyện tình bi thương này, chính là câu chuyện diễn ra ở nửa phía Nam đất nước, sau khi Hiệp định Geneve được ký kết năm 1954. Ấy là ngôi mộ đôi bên hồ Than Thở xứ Đà Lạt mộng mơ. Người ta truyền tai nhau tình yêu chung thủy của đôi gái trai, chàng tên Vũ Minh Tâm, nàng tên Lê Thị Thảo, không lấy được nhau nhưng nguyện được chết bên nhau, tuy không sao chép nhưng mô típ gần như giống hệt tác phẩm của Tùng Giang Vũ Đình Trung, chỉ cách sau khoảng 7-8 năm. Có lẽ điều khác biệt duy nhất là sự tích ở phía Nam được nhạc sĩ Hồng Vân phổ nhạc, rồi các nhà kinh tế nắm bắt nhanh cơ hội, biến “di tích” thành địa chỉ du lịch khá đông khách viếng thăm, qua đó phổ biến được huyền thoại, thậm chí phần nào lấn át cả tác phẩm nguồn.
    Nhưng Đồi thông hai mộ chính hiệu, bản gốc không mất đi, mà thậm chí còn như linh thiêng hơn. Tôi đã từng chứng kiến những cuộc tranh luận sôi nổi. Khi nói đến Văn học thời trước và sau hòa bình năm 1954, ai cũng gật gù đọc trôi chảy bốn câu mở đầu Tác phẩm: “Anh Đinh Lăng giờ đây đâu nhỉ?/ Anh của em yêu quý nhất đời/ Anh đi mù mịt xa khơi/ Phượng hoàng tung cánh phương trời mải bay”. Họ không nhớ (nhiều người chưa từng biết) ai là tác giả, nhưng họ có thể kể vanh vách chuyện người bạn nọ, cô gái kia bị theo dõi, nhắc nhở ra làm sao khi đọc thầm, chép trộm chuyện tình “ướt át”, “ủy mị”, “có vấn đề”... Họ cùng cười, tặc lưỡi hỉ xả: “Cái thời ấy nó thế”. Để rồi ai cũng ước một lúc nào đó Tác phẩm sẽ được tái bản, Tác giả sẽ được vinh danh, và họ có lại một văn bản chính thức, in ấn đàng hoàng, đẹp đẽ, cất giữ trên giá sách, truyền lại cho cháu con.
    Hay trên trang https://nghiencuulichsu.com/2013/10/03/chuyen-tinh-doi-thong-hai-mo/, ngay từ ngày 11/2/2013, ông Phạm Tùng Giao đã cố công tải lên toàn bộ Tác phẩm Đồi thông hai mộ. Chỉ có điều ông không hiểu rõ ý của Tác giả trong phần đề dẫn “Mấy dòng tản cư ký sự”, nên vẫn tưởng Tác giả thực sự của kiệt tác song thất lục bát không phải Tùng Giang Vũ Đình Trung, mà chỉ là Chế Quang Tuyển.
   Ví dụ khác: Khi Vũ Đình Thảo – Cháu nội Văn sĩ Tùng Giang Vũ Đình Trung – lần theo dấu vết ông nội mình kể lúc còn sống, tìm về vùng Mường Lương Sơn, mong thấy lại cảnh cũ người xưa làm nên kiệt tác, thì anh gặp ngay được chàng doanh nhân Đinh Công Thảo, người đã nhờ âm hưởng của Đồi thông hai mộ mà ấp ủ những dự định văn chương từ khi còn nhỏ, nhưng lớn lên phải bỏ dở ước mơ vì cuộc sống mưu sinh. Thảo “bé” lập tức dẫn Thảo “lớn” đến gặp một “dị nhân” là ông Đinh Công Sắc, năm nay 83 tuổi, ở xã Cao Răm. “Dị nhân” vừa nghe đến Đồi thông hai mộ, lập tức chạy vào nhà lấy ngay ra cuốn vở chép tay đầy đủ hơn 1000 câu thơ cùng những bức vẽ minh họa (tất nhiên theo phong cách Mường, và theo ý hiểu của riêng ông – một giáo viên cấp I trường làng). Cuốn vở được hoàn thành từ những năm 1960, bụi thời gian phủ mờ mép, gáy, nhưng nét chữ, nét vẽ thì còn tươi rói, chứng tỏ chủ nhân của nó nâng niu và gìn giữ ghê lắm. Liệu một tác phẩm bình thường thì có thể mê hoặc, thao túng được độc giả đến độ ấy không? Có đến hàng chục, hàng trăm người như ông Đinh Công Sắc, nếu theo dõi các cuộc trao đổi trên mạng ta sẽ thấy, để hiểu rằng Tác phẩm đã bị gây khó dễ đến đâu, nhưng vẫn chinh phục được lòng người đa cảm, ưu tư.
    Hay chuyện khi đoàn điền dã tìm về di chỉ Mộ đôi ở khu Đoòng Long, xóm Khả, xã Hùng Sơn, Kim Bôi – Hòa Bình. Mọi người chỉ thấy một nấm đất sơ sài, mấy nén nhang cắm quạnh hiu, giữa một sườn núi rậm rạp âm u, không có vẻ gì là tôn nghiêm, linh thiêng cả. Vẻ thất vọng hiện lên trong ánh mắt, nét mặt của từng người. Khi xuống đến đầu suối, thấy hòn đá đẹp, đồng chí Lái xe muốn cầm về làm kỷ niệm, thì khi đề ga, ô tô không thể nào nổ được máy. Linh tính mách bảo thế nào, Trưởng đoàn Lê Va thắp hương hướng về phía Mộ, khấn tạ lỗi, rồi đặt hòn đá trở lại vị trí cũ. Lập tức tiếng máy ròn tan bùng lên, mọi người thở phào nhẹ nhõm. Sự việc được nhắc nhớ có cái vẻ huyền bí của niềm tin tâm linh dân gian, nhưng cũng cho ta thấy chiều sâu của sự rung động. Khi Huyền thoại đi vào lòng người, khi con tim đã dung chứa hình ảnh và thông điệp mỹ học của Tác phẩm, thì con người ta sẽ tự nguyện khuôn theo thế giới mà Tác giả đã kỳ công cấu tứ.
    Đặc biệt chuyện bà con các dân tộc Mường, Dao sống quanh khu vực Đoòng Long xóm Khả vẫn thường truyền tai nhau: Ai đi chợ qua cũng đặt một nắm đất, một hòn đá lên mộ. Việc làm đó bao giờ cũng có hiệu quả, mua bán được ưu tiên, đường xa đỡ chồn chân mỏi gối. Để từ đó, suốt nhiều thập kỷ, bà con vẫn luôn có ý thức giữ gìn di phần của người xưa, giữ lòng mình ngay ngắn, trong sạch. Và khi biết Gia đình cụ Tùng Giang có người về tìm Mộ, họ cảm thấy sung sướng như chính mình đã gặp lại được người thân. Những dự định tôn tạo và phát huy Di sản nhờ vậy mà được cả người dân và chính quyền xã, thôn nhiệt tình hưởng ứng. Có lẽ Huyền thoại Đinh Lăng – Mỵ Dung không mất, một phần cũng chính là nhờ những con người như thế.
    Chỉ mới hơn một năm thôi, kể từ ngày xuất hiện bài viết “Cảo thơm lận đận” của Nhà văn Lã Thanh Tùng trên tờ Tinh Hoa Việt số 93-94/2019 (Phụ trương của báo Đại Đoàn Kết), trình bày những nét cơ bản nhất về tác phẩm Đồi thông hai mộ của Văn sĩ Tùng Giang – Vũ Đình Trung, đặt lại vấn đề về cách nhìn nhận một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của thời kỳ Pháp tạm chiếm Hà Nội và các đô thị lớn giai đoạn 1945-1954, âm vọng của sự kiện đã lan rộng, vang xa, và để lại thật nhiều dấu ấn trong lòng đông đảo công chúng, xã hội, và các nhà quản lý, học thuật.
    Đầu tiên phải kể đến niềm tin và sự quyết tâm của Gia đình Tác giả, đặc biệt là lòng hiếu thảo và chí tận tụy của Kỹ sư, Cử nhân Luật Vũ Đình Thảo – Cháu nội Văn sĩ Tùng Giang Vũ Đình Trung. Chính anh đã hàng nhiều tháng ròng, hàng mấy chục lần lặn lội khắp hai huyện Lương Sơn và Kim Bôi của tỉnh Hòa Bình, gặp gỡ hàng trăm con người, từ già đến trẻ, từ hang cùng đến bản vắng, quyết đi tìm bằng được dấu tích của huyền thoại Mường mà ông nội mình đã lấy làm khung cốt, bối cảnh, để sáng tác nên Truyện thơ lưu truyền. Rồi cũng chính anh đã vượt qua mọi khó khăn (dù đã được các cán bộ, thủ thư giữ trọng trách tạo điều kiện hết sức) trong việc tiếp cận và sao chụp các tác phẩm của ông nội (mà Đồi thông hai mộ chỉ là một trong số đó) còn lưu trữ trong kho kín của Thư viện Quốc gia dưới dạng tư liệu hạn chế.
    Thứ hai, nhưng có lẽ là quan trọng nhất, đó là sự đồng cảm, hứng khởi, và vào cuộc quyết liệt, kịp thời của những con người tâm huyết trong giới Văn học Nghệ thuật nước nhà.
    Ngay khi biết tin Gia đình và những người tâm huyết muốn truy dấu và phục dựng lại toàn cảnh sự kiện Đồi thông hai mộ, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật trung ương, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Nhà thơ Hữu Thỉnh đã vô cùng quan tâm và ủng hộ nhiệt thành. Chính ông đã chỉ đạo từng bước đi, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các cơ quan dưới quyền vào cuộc mạnh mẽ. Qua đó, Ban Văn học Chuyên đề, Hội đồng Thơ, Ban Văn học Công nhân, Bảo tàng Văn học… đã tiến hành nhiều chương trình làm việc, phối hợp cùng Hội Văn học Nghệ thuật Hòa Bình đặt hàng các nhà văn, nhà nghiên cứu, các học giả chuyên môn sâu nhiều bài viết, bài khảo luận có giá trị, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng và báo cáo tại Hội thảo khoa học. Cùng với đó là vai trò của các nhà chuyên môn đi trước, rất am hiểu các vấn đề văn chương và thời cuộc. Chính họ đã dành sự động viên và cổ vũ rất lớn cho những người làm công việc ý nghĩa này, với lời nhắn nhủ: “Đây là công việc không mấy dễ dàng… Người làm nghề phải xác định xả thân, chỉ tiến và quyết tiến chứ không nghĩ đến đường lui, chấp nhận mọi rủi ro”.
    Cần phải nói về vai trò đặc biệt quan trọng của những người con ưu tú bản địa: Hội Văn học Nghệ thuật Hòa Bình, đứng đầu là Nhà thơ – Chủ tịch Lê Va, và những người dân nặng lòng trên khắp quê hương cơm đồ áo cóm. Kể từ lần tiếp xúc đầu tiên với Đại diện Gia đình Tác giả Tùng Giang Vũ Đình Trung (cuối thu năm 2018), những người làm công tác văn nghệ xứ Mường đã nhận thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của việc phục dựng lại bức tranh toàn cảnh: Sự ra đời, số phận long đong chìm nổi của tác phẩm từng lay động lòng người. Chỉ trong vòng chưa đầy năm trời, với sự đầu tư khẩn trương và hiệu quả của Hội, nhiều chuyến điền dã đã được triển khai, nhiều cuộc làm việc với các cấp có thẩm quyền, các nhà quản lý trong và ngoài Tỉnh đã được xúc tiến, hàng chục bản tham luận đã hình thành, hàng nghìn trang tài liệu đã được in ấn,…
    Dưới sự chỉ đạo, mời gọi và tạo điều kiện như thế, các nhà văn, nhà nghiên cứu đã vào cuộc mạnh mẽ. Nhà Phê bình Văn học Nguyên An đã có bài “Vì sao Đồi thông hai mộ vẫn được tìm đọc”, phân tích rõ chủ đề tư tưởng và xác định rõ: “Tác phẩm ca ngợi những điều cả Dân tộc ta vẫn đang và luôn tôn thờ, do vậy nó luôn tồn tại, bất chấp định kiến, cảm quan chật hẹp”. Nhà Phê bình Văn học Văn Giá thì cho rằng “Đồi thông hai mộ là một ký ức đẹp và buồn, lưu giữ một tình yêu to lớn, mang âm vọng của tình yêu Tổ quốc”. Nhà Phê bình Văn học, Phó Viện trưởng Viện Văn học, Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Hữu Sơn thì nhìn nhận khía cạnh “Mặt nạ tác giả” khi phân tích những giá trị mà Đồi thông hai mộ đã chuyển tải, để phản bác những luận điểm quy chụp vô lý. Nhà thơ Đinh Đăng Lượng khẳng định sự tiến bộ của Tác phẩm so với những truyện thơ truyền thống của Dân tộc Mường: Chàng Đinh Lăng đã biết gác tình riêng với nàng Mỵ Dung để mưu cầu việc lớn, và hy sinh vì nghĩa cả cao đẹp. Nhà văn Thạc sĩ Phan Mai Hương thì khẳng định giá trị lưu giữ di sản văn học Mường của Đồi thông hai mộ, để hôm nay chúng ta biết trân trọng kho tàng ông cha để lại. Thạc sĩ, Nhà báo Bùi Việt Phương lại chú ý đến một khía cạnh khác: Tính ẩn dụ của Tác phẩm về sự chuyển mình của Dân tộc, từ những đau xót, bi thương đến một cái kết đẹp tươi, đầy hy vọng, và anh khẳng định: “Ít nhiều Tùng Giang Vũ Đình Trung cũng chịu ảnh hưởng của niềm lạc quan vào thời đại mình đang sống, vào vận hội lịch sử ở thời điểm đó”…
    Để rồi đúng sáng 9/8/2019, Hội thảo khoa học “Đồi thông hai mộ - Từ Di cảo đến Di sản” đã được tổ chức rất trọng thể và chu đáo tại Thành phố Hòa Bình, với hàng trăm người tham dự, nhiều phóng viên, nhà báo từ trung ương đến địa phương đến chứng kiến và đưa tin, gây tiếng vang lớn trên bình diện tỉnh Hòa Bình cũng như cả nước.
    Tại Hội thảo này, sau khi nghe các nhà văn, nhà khoa học trình bày những cơ sở hết sức thuyết phục về giá trị tư tưởng và nghệ thuật của Tác phẩm, bản thân các nhà quản lý cũng như được khơi dậy thêm niềm tự hào về truyền thống văn hóa và nhân văn của mảnh đất nơi mình đang sống. Ông Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình đã khẳng định: Sẽ quan tâm, đồng hành cùng các cơ quan hữu quan, tiếp tục thực hiện những bước đi cụ thể trong việc củng cố và xây dựng nơi phát tích Đồi thông hai mộ thành di tích văn hóa tâm linh có giá trị của tỉnh Hòa Bình. Còn Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi Bùi Văn Điệp (khi bài viết này sắp hoàn thành, ông vừa được bầu giữ trọng trách lớn hơn: Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi) thì bày tỏ sự phấn khởi, hào hứng khi được đón nhận sự trở về của Di sản Văn học quý giá. Ông khẳng định: “Sẽ phối hợp chặt chẽ, tạo mọi điều kiện, đồng hành cùng các nhà văn, nhà thơ, nhà khoa học, nhằm nghiên cứu, phổ biến Tác phẩm rộng rãi hơn đến các tầng lớp nhân dân, biến địa danh nơi phát tích Tác phẩm thành địa danh văn hóa, địa danh du lịch… góp phần đẩy mạnh công cuộc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Kim Bôi”…
    Sau Hội thảo, hàng loạt bài báo, bài tường thuật đã được in ấn, lên sóng. Có thể kể đến:
- Loạt bài của Nhà báo Nguyễn Hà- Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) trong các ngày 15/8/2019 (Tìm trong kho báu) và 09/2/2020 (Đồi thông hai mộ - Từ di cảo đến di sản), với lời kết: “Trải qua một quá trình dài long đong lận đận, tác phẩm Đồi thông hai mộ của văn sĩ Tùng Giang-Vũ Đình Trung đã quay trở lại văn đàn, khiến người ta buộc phải chú ý tới một truyện thơ từng gây tiếng vang ở thế kỷ trước. Những gì mà tọa đàm về “Đồi thông hai mộ” đã xới xáo lên, chắc chắn sẽ còn khơi gợi nhiều hướng nghiên cứu, tiếp cận”.
- Bài Bất ngờ về Đồi thông hai mộ của Nhà văn, Nhà báo Bùi Đức Khiêm trên báo điện tử Dân trí, ngày 15/8/2019, với lời kết “Sau gần 70 năm, có một tọa đàm khoa học: Đồi thông hai mộ - Từ di cảo đến di sản là một việc làm thật ý nghĩa. Từ phát biểu tham luận của các nhà văn, nhà nghiên cứu, lý luận và phê bình văn học, các nhân chứng bạn đọc/người yêu thơ… tọa đàm mở ra một cách tiếp cận mới, khẳng định nội dung, giá trị của Đồi thông hai mộ”.
- Bài Đồi thông hai mộ thực sự ở đâu của tác giả N.D trên báo Giáo dục và Thời đại ngày 12/8/2019 khẳng định: “Hội thảo cũng đã đề cao ý nghĩa giá trị tác phẩm để giữ gìn và khai thác có hiệu quả trong thời đại mới, đặc biệt ở lĩnh vực văn học nghệ thuật, văn hoá và du lịch, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế, văn hoá của huyện Kim Bôi, huyện Lương Sơn và tỉnh Hòa Bình”.
- Bài Minh tỏ một cảo thi của Nhà văn Cầm Sơn đăng trên Tạp chí Văn nghệ đất Tổ (Phú Thọ) ngày 13/1/2020, với lời bày tỏ tha thiết: “Thiết nghĩ Đồi thông hai mộ là tác phẩm văn học tốt, đáng được chiêu tuyết để trả lại vị trí xứng đáng của nó trong nền văn học nước nhà. Nếu làm được như vậy thì địa danh Đoòng Long, xóm Khả, xã Bắc Sơn huyện Lương Sơn tỉnh Hòa Bình, nơi có hai ngôi mộ cổ và truyền thuyết mối tình Đinh Lăng - Mỵ Dung là khởi nguồn cảm hứng cho tác giả Tùng Giang Vũ Đình Trung, cũng sẽ có cơ hội để được xây dựng, phát triển thành một điểm đến trong chuỗi hành trình du lịch khám phá những nét độc đáo của Văn hóa Dân tộc Mường trong vùng đệm xung quanh lòng hồ Thủy điện Sông Đà”.
    Phát huy kết quả của Hội thảo, Chủ tịch Lê Va cùng các cộng sự nhiệt huyết như Phó Chủ tịch Trương Sơn, Chánh Văn phòng (nay là Phó Chủ tịch) Lê Quốc Khánh, Nhà thơ Đinh Đăng Lượng, Nhà văn Phan Mai Hương, Nhà báo Bùi Việt Phương, Nhà sưu tầm VHDG Nguyễn Hữu Duyên, Nhà sử học Nguyễn Thị Thi, Nghệ nhân Nguyễn Thị Hoàng,… cũng đã tiếp tục gợi ý, tham mưu để các cấp chính quyền trên địa bàn hai huyện Kim Bôi và Lương Sơn cùng vào cuộc, vạch những ý tưởng và kế hoạch phù hợp, nhằm sớm hình thành nên những mô hình khai thác du lịch tại khu Di tích Mộ đôi trên địa bàn Đoòng Long, xã Bắc Sơn cũ, nay là xã Hùng Sơn thuộc huyện Kim Bôi. Và cán bộ, nhân dân trên hai địa bàn Lương Sơn và Kim Bôi cũng đã và đang triển khai rất nhiều chương trình theo hướng đó. Chúng tôi sẽ còn trở lại đề tài này khi có nhiều kết quả.
    Trong sách Đạo Đức Kinh, nhà triết học Lão Tử đã viết: “Thiên trường địa cửu. Thiên địa sở dĩ năng trường thả cửu giả, dĩ kỳ bất tự sinh, cố năng trường sinh”. Nghĩa là: “Trời dài đất sâu. Trời đất sở dĩ muôn năm như thế, là bởi không tự sinh (sống) cho mình, cho nên sống mãi”. Tác phẩm Đồi thông hai mộ của Văn sĩ Tùng Giang – Vũ Đình Trung sinh ra là để lên án chế độ ép duyên, ca ngợi Tình yêu, Tình bạn, lòng Chung thủy, chí tiến thủ vì nước vì dân, phù hợp với quan niệm đạo đức và thẩm mỹ của Dân tộc Việt Nam, thì nhất định không thể vì lý do gì mà dễ dàng tàn lụi.
    Nhưng tôi lại gần xa nghĩ thêm, ca dao của người Việt ta xưa nay có câu day dứt: “Thật vàng chẳng phải thau đâu. Đừng đem thử lửa mà đau lòng vàng”. Để nhắn nhủ những người có con mắt đa nghi, “nhìn đâu cũng thấy địch”. Kể cũng là chí lý. Hy vọng những sự việc đáng tiếc như thế sẽ không còn cơ hội xảy ra.
                                                   Hà Nội 8/2020
                                   Nhân một năm Hội thảo ĐTHM-TDCĐDS
                                                       Đ.N.X
 
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)