bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN - NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ LÀM VIDEO CLIP RẤT SINH ĐỘNG!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN  NHÀ BÁO ĐẶNG THỦY ĐÃ ĐẶT HÀNG VÀ DÙNG BÀI VIẾT NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Cám ơn nhà văn Nguyễn Đông Nhật!A DI ĐÀ PHẬT! AN LÀNH CHO CÁC BẠN ĐỌC TRANG NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 21
Trong ngày: 147
Trong tuần: 1325
Lượt truy cập: 647250

KHÓI ĐỎ HIỆN HỒN LÊN TRANG SÁCH

Nguyễn Đình Phúc
 
KHÓI ĐỎ HIỆN HỒN LÊN TRANG SÁCH
Đọc "Khói đỏ" tiểu thuyết của Cầm Sơn, NXBTN, 2019
 
   Khi đọc trang cuối cùng khép lại, tôi cứ ngẫm ngợi mãi hai từ "Khói đỏ", tên tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Đức Sơn, vừa mới ra lò. Thường xưa nay người ta chỉ nói tới khói trắng, khói đen, khói xám, khói hồng…chứ mấy khi nói khói đỏ. Nhân đây, lược lại tiểu thuyết viết về đề tài kháng chiến chống Pháp tuy văn học Việt Nam  đã tôn vinh nhiều tác phẩm có nhiều đóng góp, xong dường như viết về cuộc chiến ở vùng tề (vùng địch tạm chiếm), không có nhiều, thường chỉ thấy ở những bài báo kí sự, phục vụ cho tuyên truyền kịp thời tinh thần kháng chiến, chưa lột tả thật sâu sắc chiến công thầm lặng gian khổ hi sinh của đồng bào chiến sỹ vùng địch chiếm. Tiểu thuyết về đề tài này theo tôi cũng thưa thớt. Ấy là tôi dẫn theo ý của Hoài Thanh, trên số báo 46VN, cuối năm 1953. Thời gian trôi vào dĩ vãng. Bỗng bắt gặp tiểu thuyết "Khói đỏ" của tác giả Đức Sơn, làm sống lại không khí cách mạng sôi sục trong thời kì khởi nghĩa  và nhất là trong kháng chiến chống Pháp ở một vùng tề, đồng bằng Bắc bộ, huyện Văn Lâm (trong truyện là huyện Mỹ Giang) quê hương ông. Tuy không có những cuộc chiến lớn, nhưng luôn rình rập căng thẳng, tiềm ẩn nhiều hi sinh mất mát được ông tái hiện, làm xúc động người đọc.
  Trở lại vùng đất ngã ba sông Việt Trì nơi tôi sống. Từ thế kỉ 18 thượng thư Nguyễn Bá Lân có bài "Ngã ba hạc phú" nổi tiếng, vào thời chống Pháp nơi đây cũng là vùng tạm chiếm, nơi xẩy ra nhiều trận đánh chống càn giằng co anh dũng, lập nhiều chiến công của đội du kích Sông Thao (Du kích Minh Khai), cảm hứng tức thì, nhạc sỹ Văn Cao đã viết khúc tráng ca "Du kích Sông Thao", âm vang mãi. Giờ đây muốn tìm hiểu ngọn ngành để viết được cái gì đó thì bỗng giật mình, bao chứng nhân, sống không màng vinh quang, thác về đâu hết thảy, tư liệu sót lại ở vài trang, sự kiện du kích Sông Thao đã như nét Hạc thoảng qua trí nhớ, ngái xa, để lại bao nuối tiếc. Tôi đã có lần mong, giá như tỉnh Phú Thọ có một góc bảo tàng về thời Du kích Sông Thao để lưu lại huyền tích cho mai sau, nhưng nghĩ lại sẽ rất khó khăn.
    Nói thế, tức là phải có duyên phận lắm, sau bao lần lặn lội đi về tìm kiếm tư liệu nghe nhiều nhân chứng kể lại, kì công ghi chép để ra cuốn sách có khi bằng tâm trí cả đời người, để thấy cái tâm của ông với mảnh đất quê quả đáng trân trọng.
    Với 300 trang, không quá dày quá mỏng với một cuốn tiểu thuyết, nhân vật trong truyện cũng không nhiều, chỉ ngót nghét hai chục, diễn biến tình tiết và cả cấu trúc của tiểu thuyết là mạch văn dễ hiểu, ngôn ngữ giản dị, trôi chảy, có thể đọc liền một mạch.
    Tiểu thuyết đề cập đến những năm sôi động từ trước khởi nghĩa cách mạng tháng 8 và cuộc chiến tranh chống Pháp ác liệt đến thời hòa bình, xây dựng hợp tác hóa nông nghiệp, trọng tâm là thời kháng chiến chống Pháp, cơ quan đầu não trung ương của ta và chủ lực quân phải rút về chiến khu Việt Bắc, bảo toàn lực lực, nhằm trường kì kháng chiến với đế quốc Pháp được bảo trợ của Mỹ. Những cán bộ Đảng còn ở lại ở vùng tạm chiếm đa phần là lực lượng tại chỗ, để lãnh đạo du kích và nhân dân, với mục đích quấy phá, giữ chân và tiêu hao sinh lực địch, làm suy yếu hậu phương của chúng, mở rộng dần vùng tự do của ta với phương châm" chiến tranh du kích là căn bản, vận động chiến là phụ trợ", đấy là chủ trương rất sáng suốt của Đảng và Bác Hồ, nhờ đó đã hạn chế rất nhiều ý đồ của địch muốn đánh nhanh thắng nhanh nhằm tiêu diệt bộ não kháng chiến của ta ở Việt Bắc.
   Sự kiện mô tả nằm ở các xã khu vực Văn Lâm (trong tiểu thuyết là Mỹ Giang}, cùng các địa danh khác như Kim Thành, Cẩm Giàng (Hải Dương), Gia Lâm Hà Nội, những nơi có đường sắt huyết mạch vận chuyển quân đội vũ khí và hàng hóa của địch từ cảng Hải Phòng đi Hà Nội và ngược lại, địch bố trí dày đặc đồn bốt và canh phòng cẩn mật, nên nhiệm vụ của quân dân ta ở vùng tạm chiến còn phải thường xuyên tìm cách cản trở, triệt phá đường tàu, tiêu diệt và tiêu hao sinh lực địch, tuyên truyền cách mạng, gieo giắc hoang mang trong lòng địch, đó là nhiệm vụ đòi hỏi nhiều mưu trí gan dạ, bất chấp hi sinh.img_4238
   Xuyên suốt tiểu thuyết là hai nhân vật cốt lõi: Kí Khải (bí danh Lê Đông) và Thúy (bí danh Tư Bích). Thúy là cô gái trẻ đẹp, con nhà tử tế, bố là cụ lang Hanh, có cửa hiệu thuốc đông y to ở Phố Lãn Ông Hà Nội, học hết sơ học yếu lược rồi được bố đưa từ quê ra Hà Nội học trường nữ sinh Đồng Khánh, trường mà nhiều cô gái quê mơ ước. Lúc ấy Khải sau khi tốt nghiệp trường Bưởi danh giá vào làm ký ga xe lửa Gia Lâm, họ cùng quê, người làng, lâu dần gọi tên Ký Khải thành quen, lại có họ hàng xa, Khải gọi cụ lang Hanh bằng cậu, họ quý trọng nhau, mối tình của họ bắt nối qua những không gian thị thành, đẹp và trong sáng, cô quý vẻ sôi nổi lý trí, nhiệt tình thanh xuân, có lí tưởng và là chỗ dựa tin yêu. Chàng trai đã kể cho cô gái nghe chuyện tình lãng mạn của Marx và Gien ny , Marx là người đã sáng lập bộ kinh điển chủ nghĩa duy vật biện chứng, về sau được phát triển thành chủ nghĩa Marx Lê Nin vĩ đại , người đã yêu cô gái quý tộc hơn mình bảy tuổi, với những lời thơ tỏ tình mãnh liệt chói lói:
Gien ny ơi ước gì anh có được
Những lời thơ của ngôn ngữ bầu trời
Anh sẽ viết tên em thành tia chớp sáng ngời
Sách lúc đấy bị cấm, nhưng tâm hồn họ đầu đời, thức giấc về cái đẹp lãng mạn, gợi mở trí tò mò, cả khao khát dấn thân.
   Đang lúc mơ mộng đắm say, thì được tin Kí Khải lấy vợ tên là Hải, con một gia đình họ Trịnh, môn đăng hậu đối, cô bị xốc, bàng hoàng, đau khổ không hiểu vì sao, Thúy đâu biết lúc ấy Khải đã tham gia công tác cách mạng, hoạt động bí mật nhiều, thời kì ấy, Nhật vào xâm lược Đông dương, chúng gây hấn với Pháp, thường xuyên bắn phá ném bom các nhà ga xe lửa, từ Hà Nội tới Hải Phòng, hòng cắt đứt đường vận chuyển của Mỹ cho Trung Quốc, tình hình lúc ấy rối loạn khiến Thúy phải bỏ học về quê sinh sống, cô bắt đầu làm quen với công việc nhà nông, nhẫn nhịn bỏ qua mọi lời tán tỉnh đám trai làng, đóng đông mối tình trong trắng.
   Thúy trở về quê mới vỡ lẽ, hóa ra Kí Khải lấy vợ là do xắp xếp của tổ chức, để tiện cho quá trình công tác, tạo vỏ bọc, Kí Khải lại là Việt Minh chính cống, được phái về Mỹ Giang hoạt động bí mật, làng quê lúc này rộ lên hai tiếng Việt Minh, lòng người sôi sục khắp nơi đánh Pháp đuổi Nhật, cô cũng không ngờ thầy u mình cũng là Việt Minh, từ tò mò dần dà Thúy cũng bắt đầu hiểu và có động thái tham gia canh gác cho cán bộ Việt Minh họp. Oái oăm thay, Khải đi về ẩn trú tại hầm bí mật ngoài vườn nhà cô, rồi điều gì, dù có nguyên tắc đến đâu, cố tình ẩn tránh đến đâu, cũng không thoát được sợi dây vô hình, như sợi nắng sợi gió, chạm cõi lòng. Lòng cô bỗng chốc khơi lại mối tình hồi hộp mơ dâng hiến, khao khát chỉ yêu anh và sẵn sàng làm vợ lẽ, thời đó đa thê bảy thiếp chuyện của xóm dưới làng trên, có ai phán xét. Vẫn cho thấy Kí Khải còn nặng tình với Thúy, nhưng trách nhiệm công việc khó khăn nguy hiểm buộc anh hết sức thận trọng. Để tránh bị lộ, liên lụy, anh phải chuyển công tác từ Mỹ Giang sang Yên Khoái, còn kịp giới thiệu cho Thúy làm liên lạc viên Huyện ủy Mỹ Giang, sau này cô làm chủ tịch hội phụ nữ huyện.
   Truyện đề cập tới công tác lãnh đạo trực tiếp, kịp thời sáng suốt của các tổ chức Đảng chính quyền các cấp, xã huyện tỉnh, khi thì tập trung lực lượng phá kho thóc Nhật, cứu đói với giải pháp an toàn nhất, ít thiệt hại nhất, mưu mẹo đấu trí thuyết phục cảm hóa quan tri huyện, không động binh ngày phá kho, khi tổ chức diễn thuyết trước mũi súng kẻ địch gây thanh thế Việt Minh, khi chỉ đạo du kích quấy rối gây hoang mang cho địch, tìm mọi cách để cướp súng địch trang bị cho du kích đang rất khát vũ khí, chuyện cử người vượt qua lùng sục đêm ngày của địch, lên chiến khu Việt Bắc xin trung ương súng đạn quân trang về tăng cường, cũng là cách làm táo bạo, mặc dù chuyến đi đó lửa đạn, đồn lính bố dáp, gây tổn thất đau thương, nhưng đó là một phần của cuộc chiến, chuyện đánh đồn Lạc Dương, nối thông vùng tự do cho thấy nhãn quan chỉ đạo nhạy bén…
Sự lãnh đạo còn ở tầm nhìn xa của Đảng: Nổi bật là nhân vật Kí Khải, khi nội bộ cấp ủy có sự không nhất trí, nhất là cơ hội cá nhân chủ nghĩa ghen tị của Lê Khanh, giấu sự sợ hãi, hèn nhát bản thân khi địch bắt, hắn khi chạy thoát, bám lấy bí Thư huyện Trương Đình Phú (lúc anh ta là phó chủ tịch huyện đã không ưa Kí Khải là cấp trên) nịnh hót leo lên chức Chánh văn phòng huyện ủy, lợi dụng tính nhân ái và chủ trương của cấp ủy, cho thả tù binh đặc biệt Hoàng Trung Hậu, người duy nhất biết rõ bí mật hèn nhát của Lê Khanh, khi bị địch bắt tra khảo, sợ bị lộ một mực đòi thủ tiêu Hoàng Trung Hậu, con quan tri huyện, có cảm tình cách mạng. Khi không thủ tiêu được Hậu, quay sang báo cáo tổ chức Kí Khải cố tình cho đánh sập nóc chuông nhà thờ, gây hoang mang trong cư dân công giáo, thả tù binh có nhiều nợ máu với nhân dân.
   Lúc này kịch bản của vấn đề rẽ sang lối khác, tình hình quy chụp của tổ chức huyện ủy, đứng đầu là bí thư Phú, dấy lên dư luận bất lợi cho Lê Đông, nhưng Đảng luôn có cái nhìn xa thấu đáo ở tầm vĩ mô, tháo gỡ ngòi nổ, nhất là sự tin tưởng của các đồng chí lãnh đạo vào sinh ra tử với nhau. Sau buổi làm việc với Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Mỹ Hưng, một thời gian sau Lê Đông biến mất, hình ảnh cuối cùng ta thấy "hai người bắt tay nhau, Mỹ Hưng kéo mạnh tay Lê Đông, Họ ôm và vỗ vào lưng nhau trước khi tạm biệt", cuộc ra đi của Lê Đông, chỉ hai người biết, từ đây hình bóng Lê Đông hun hút chân mây. Cuộc đoàn tụ thời gian ngắn giữa Lê Đông với Thúy lúc này là vợ lẽ ở Hà Nội, sinh mầm nảy hạt đứa con trai, đủ an lòng cho chàng trai Kí Khải, rồi điều gì đến sẽ đến, Kí Khải tự nhiên mất tăm tích, bỏ lại Thúy và đứa con chưa đầy tuổi rối bời ngơ ngác, để rồi mang tiếng có chồng phản bội, trăm đắng ngàn cay, bị ghẻ lạnh,
   Đoạn cuối của câu chuyện về Thúy, sau cải cách, xây dựng hợp tác xã,  bị đày xuống trại chăn nuôi, bị Lê Khanh lúc này là Chủ tịch huyện, rắp tâm cưỡng hiếp không thành đổi ngược lại cho Thúy là phần tử phản động, cầm dao ý định giết cán bộ. Giọt nước cuối tràn li, sau vụ đó, Thúy phải đưa con bỏ quê lên Sơn Tây nhờ vả ông ngoại, vận may cuối cùng được nhận làm ở nông trường, Hoàn lớn lên được học hành đi bộ đội…bắt đầu cuộc chiến đấu mới và hành trình tìm cha, theo lời mẹ dặn.
  "Khói đỏ" đã dựng lên cuộc sống và chiến đấu trong vùng tạm chiếm cam go gian khổ và hết lòng của nhân dân, theo Đảng đấu tranh trường kì kháng chiến, người tham gia Việt Minh, người thì đào hầm cất giấu cán bộ hết lòng che chở, người làm tai mắt, liên lạc, hay trực tiếp tham gia chiến đấu, chuyện những nữ du kích như Thúy, Phượng, Bến, Liên bóp,… đấu tranh để được vào du kích trực tiếp đánh giặc, tìm mọi cách để cướp súng địch thật cảm phục và rung động...vân...vân… còn nhiều câu chuyện sống động đánh giặc ở vùng tề đầy nguy hiểm khác nữa, luôn luôn chứng tỏ lòng yêu nước vô bờ bến của nhân dân.
    Kết thúc bài viết tôi muốn mở ra một lẽ khác, cái chết của Hoàn con của Thúy với Kí Khải, trên đường ra trận tìm cha, là một dấu chấm lặng, hay khói đỏ trầm kha, mãi mãi là minh chứng hay khỏa lấp cho sự mất mát hi sinh vô định, lai khứ vô hình, sương khói, có phải nhà văn Đức Sơn muốn thể hiện ý này …
   Hẳn Cầm Sơn đã giấu một góc cho riêng mình, mấy ai từng biết một Đức Sơn vẻ ngoài dễ gần, nụ cười sảng lảng, nhưng tâm hồn anh rung cảm tận đáy. Bằng chứng là anh dành cả thập kỉ vượt bao dặm dài dọc Trường Sơn, sang tận Căm Pốt tìm cha, gặp gỡ bao nhân chứng khớp nối di cảo, đau đáu theo câu thơ cha gửi gắm niềm nhớ thương nơi "miền sơn cước" "đất đỏ" ố phai màu giấy, anh đã hóa giải nỗi oan khuất. Mượn ý tiểu thuyết này chính là viết về cuộc đời chìm nổi li tán của gia đình anh, xuyên suốt trong cốt truyện được anh mô tả từng chi tiết gần như nguyên gốc, Danh tính cha ông, cuộc đời hoạt động cách mạng, gần như trùng khớp với nhân vật chính trong truyện, đó là Đại tá liệt sỹ tình báo QĐNDVN Nguyễn Xuân Khải (Kí Khải), thôn Nghĩa Đức, Cựu Ước, Mỹ Giang (chính là Văn Lâm), với nhiều phần thưởng truy tặng. Có lẽ đó là nhân tính, niềm nhân bản vớt lên cuối cùng của tiểu thuyết mà anh muốn nhắc tới. Chưa phải là quá muộn. Thế cũng là an ủi. Mấy ai đưa được hình cha bóng mẹ một thời éo le trắc ẩn lên tiểu thuyết, để mà hóa giải oan khuất nửa thế kỉ, niềm khói đỏ cách mạng chênh chao. còn đó một màu đỏ như màu máu lưu li. Đọc tiểu thuyết, người đọc nhận ra vẻ xót xa rưng rưng về cảnh tượng mất mát hi sinh biệt li của những số phận trong cuộc chiến ở một vùng tề, đồng thời cũng đã cho ta thấy rõ hơn khí chất anh hùng, lòng yêu nước của mọi tầng lớp theo Đảng dành tự do độc lập hăng hái tham gia kháng chiến, thầm lặng  chiến công.
   Tôi quen nhà văn Đức Sơn cũng ngót ngét 20 năm, bắt đầu từ duyên thơ. Hồi ấy ông làm giám đốc Công ty Lâm nghiệp Tam Sơn, Thanh Sơn. Khởi sự đường văn, ông tham gia CLB Thơ Lạc Hồng, trực thuộc Nhà Văn hóa LĐLĐ tỉnh Phú Thọ bây giờ, ông bảo, Câu lạc bộ thơ Lạc Hồng đã thay đổi nhận thức của ông về văn chương. Được sinh hoạt ở nơi có nhiều nhà văn Việt Nam, từ đây trưởng thành với không khí sáng tác cầu thị, gợi mở nhiều cảm hứng sáng tạo, ông khao khát trở thành nhà văn đích thực từ đó. Khi trở thành nhà văn Việt Nam, rồi ủy viên Ban Văn học Công nhân Hội Nhà Văn, kể cả khi chuyển về sống ở Hà Nội, ông vẫn đều đặn sinh hoạt với câu lạc bộ thơ Lạc Hồng Phú Thọ với vai trò Phó chủ nhiệm. 
   Ở tuổi xấp xỉ 70, trong vòng 10 năm, ông miệt mài cho xuất bản 8 đầu sách, gần nhất là Tiểu thuyết "Khói Đỏ", NXB Thanh niên, 2019. Với tôi đó là sự cố gắng không mệt mỏi.
  Tôi có may mắn được đọc truyện kí "Hành trình sang Căm Pốt tìm cha" của ông đầy bí ẩn gian nan, thật cảm động và đã viết bài in trên tạp chí VNĐT. Lúc ấy tôi linh cảm ông sẽ không dừng lại ở việc tìm tro bụi người cha mình, mà sẽ đi tới tận cùng những chìm lấp bí ẩn của cha để sáng tỏ một chân dung, một nhân cách, một hi sinh đúng nghĩa, để tri ân người cách mạng tình báo, rửa oan cho cha mình, vinh danh quê quán dòng họ con cháu tôn thờ. Ông đã làm được điều ấy, ngọn khói đỏ hiện hồn lên sách sử.
                                                          Việt Trì, những ngày tháng 7- 2019
                                                                          N.Đ.P
 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)