Nguyễn Tùng Minh
KHỞI NGHIỆP
Gửi hồ sơ được một tuần, Tú được nhận vào Lâm Trường để thử việc. ngồi đối diện với Tú là ông Oanh, trưởng phòng tổ chức. Ông có dáng người nhỏ bé, khuôn mặt xương xẩu, trán hói lên tới đỉnh đầu, mắt ông đeo kính cận. Sau một hồi lật giở xem đi, xem lại tập hồ sơ của Tú, ông ngước lên, hai tròng mắt to thô lố như xoáy vào người đối diện. Ông nói chậm, giọng nhát gừng, như vừa nói vừa nghĩ, ông giới thiệu sơ bộ về quy chế hoạt động của Lâm Trường, về an toàn lao động, về những công việc mà người công nhân lâm nghiệp đang làm, rồi ông thủng thẳng, hỏi như để thăm dò:
- Cậu đã tốt nghiệp phổ thông, sao không học tiếp?
Tú rụt rè:
- Báo cáo bác, cũng vì hoàn cảnh ạ. Gia đình bố mẹ cháu là dân Thanh Uyên đi khai hoang về quê hương mới xã Cự Thắng. Đất đai không nhiều, ít việc làm nên cũng khó khăn. Cháu là con trưởng, vì thương bố mẹ nên cháu xin thoát li, tự lập để đỡ gánh nặng cho bố mẹ cháu, mong bác tạo điều kiện ạ.
Nghe Tú trình bày nguyện vọng, ông Oanh gật gật đầu:
- Tôi hiểu rồi! Chúng tôi tiếp nhận cậu vào thử việc tại đội 11 Suối Nách. Đây là đơn vị mới thành lập, tuy cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, lại xa khu dân cư nhưng lực lượng chủ yếu là đoàn viên thanh niên mới được tuyển dụng, chúc cậu sớm hòa nhập và làm quen với công việc để được vào biên chế chính thức! Đây là quyết định của cậu!
Tú chìa hai tay đỡ tờ giấy ông Oang đưa, giọng mừng rỡ:
- Cháu cám ơn bác ạ!
Rồi sốt sắng:
- Thế… cháu sẽ gặp ai để nhận nhiệm vụ ạ?
- Cậu xuống nhà khách chờ, cũng may hôm nay ông Đức đội trưởng vừa ra nộp báo cáo, chắc ông ấy vẫn còn ở đây. Cậu theo ông ấy về đội, công việc cụ thể ông Đức sẽ bố trí. Tuần sau có lớp học tập về an toàn lao động và quy trình trồng rừng cho công nhân mới. Được triệu tập, cậu nhớ báo cáo với đội trưởng để ra lâm trường học tập nhé!
Nói rồi ông bảo với Việt, nhân viên cấp dưới dẫn Tú xuống nhà khách. Đó là căn nhà ở phía đối diện nhà làm việc. Nhà khách của lâm trường có nhiều phòng, mỗi phòng kê tới bốn cái giường cá nhân, trải chiếu hoa, chăn màn xếp gọn gàng, ngăn nắp. Trong phòng có quạt điện, vô tuyến và bàn ghế uống nước. Phía trước nhà khách cùng chung một sân lớn với nhà làm việc. Trong khuôn viên, trồng nhiều cây cổ thụ như lộc, sung… và xếp nhiều chậu cây bon sai được chăm sóc, cắt tỉa chu đáo, đẹp mắt, mỗi cây một dáng vẻ, trông rất hài hòa tạo ra một cảm giác khoan khoái, dễ chịu, hẳn ông giám đốc
cũng là người yêu thiên nhiên và chịu chơi lắm đây... Đang ngồi ở bàn nước phòng khách, ngắm ra khuôn viên của lâm trường, thì một người đàn ông trạc 50 tuổi, khoác bộ bảo hộ lao động bằng vải ka ki màu rêu đá, phía trên nắp túi áo có in logo của lâm trường và hàng chữ: Lâm Trường Tam Sơn. Vừa bước vào trong nhà, ông đã lên tiếng:
- Cậu là Tú, công nhân mới đây phải không?
- Vâng, cháu chào bác ạ!
- Tôi là Đức, tôi đã nghe ông Oanh trao đổi, từ giờ phút này tôi là thủ trưởng trực tiếp của cậu, bây giờ cậu chuẩn bị hành lý, chúng ta về đơn vị, đầu giờ chiều nay tôi còn có buổi làm việc với địa phương.
Thấy ông Đức thoải mái, nói năng xởi lởi, dễ chịu, cái cảm giác bỡ ngỡ, rụt rè của Tú cũng tan biến, phấn chấn hẳn lên, giơ tay lên trán như một quân nhân:
- Báo cáo bác, Tuân lệnh!
Ông Đức nhìn Tú, bật cười và buông gọn một câu:
- Khá!
Trên đường về đội, ông Đức lai Tú bằng chiếc xe máy DREM đã cũ, đi được khoảng 4 km, ông gửi xe vào nhà một người dân, rồi hai người đi bộ về đội, ông lấy tay chỉ sang dãy đồi trước mặt:
- Đằng sau quả đồi kia là trụ sở của đội. Từ đây về đến đội, nhìn thấy đấy, nhưng đi đường rừng, lội suối phải mất hơn tiếng đồng hồ mới đến nơi, dọc theo dãy núi mà ta nhìn thấy toàn cỏ gianh với lau lách kia, đấy là khu vực hàng năm chúng ta sẽ trồng rừng. Nguồn lao động chính để hoàn thành kế hoạch là bà con nhân dân ở đây, dựa vào lúc nông nhàn cũng là thời vụ trồng rừng. Hàng năm lâm trường cũng tạo ra nhiều công ăn việc làm cho nhân dân địa phương, tăng thêm thu nhập cho gia đình họ. Từ ngày lâm trường trồng rừng ở đây, họ không còn phải tìm việc làm ở thành phố nữa. Họ rất ủng hộ việc trồng rừng, và bảo vệ cho ta, vì thế các cậu phải gìn giữ mối quan hệ tốt, đoàn kết với khu dân cư, nhất là với thanh niên.
Ông Đức vừa nói vừa rảo bước làm cho Tú, vốn cũng sống từ nhỏ ở rừng phải bước nhanh mới theo kịp. Cách ông nói chuyện vừa như giới thiệu để Tú làm quen với môi trường công việc mới, vừa chỉ bảo như một người cha, thái độ cởi mở, ân cần làm cho Tú thấy tự tin. Chẳng mấy chốc hai thầy trò đã về đến đội.
Thấy ông Đức về, một cô gái cũng chạc tuổi Tú, dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, nước da trắng, đôi mắt bồ câu rất hiền, chạy ra chào, ông Đức nói với cô gái và Tú:
- Đây là cậu Tú, vừa được điều động về đội ta, còn đây là cô Chon cấp dưỡng của đội, anh em liên quan tới việc báo và cắt cơm thì trực tiếp gặp cô Chon, trưa nay thêm xuất cơm cho cậu Tú, cô Chon nhé!
- Vâng ạ.
Họ gật đầu chào nhau, Chon vội về nhà ăn để nấu thêm cơm. Công việc đã thành nếp quen, ở sâu trong rừng, điện thoại không có, nhiều khi có khách đột xuất Chon vẫn xử lý tình huống một cách mau lẹ.
Trước khi bước vào phòng làm việc của đội trưởng, Tú đã bao quát quang cảnh trụ sở đội, và khu nhà cho anh em công nhân ở. Đó là hai dãy nhà, gồm 6 chiếc nhà hình thức như nhau, làm bằng cột gỗ chôn rông, dựng bên sườn đồi, lợp lá cọ, che vách nứa, tất cả đều còn mới, phía trước là khe suối nhỏ chảy ra suối lớn mà Tú và ông Đức trên đường về đội đã mấy lần lội qua, thấy vậy ông Đức nói với Tú:
- Gọi là đội, nhưng hiện nay đang là công trường trồng rừng, điều kiện cơ sở vật chất còn khó khăn, thiếu thốn. Sau vụ trồng rừng này lâm trường sẽ cho xây dựng khang trang, cậu thấy thế nào?
Tú bị hỏi bất ngờ, thực lòng, khi mới về đến đội, thấy nhà cửa và đường đi lại khó khăn, nhiều đoạn phải lội suối, lại xa khu dân cư nên cũng có chút ngao ngán. Nhưng thấy ông Đức, tuy là lãnh đạo đội nhưng giản dị dễ gần, luôn cởi mở, thân thiện, nói chuyện như bàn bạc, bình đẳng, gần gũi nên Tú thêm phần tin tưởng. Định hỏi ông Đức điều gì đó, nhưng lại thôi, chỉ trả lời câu hỏi của ông:
- Vâng ạ.
Ông Đức đứng dậy đi lại mở cánh tủ, rồi ngoái lại nói với Tú:
- Cậu lại đây nhận bảo hộ lao động, gồm hai bộ quần áo, và một đôi giầy cao cổ đi rừng, cậu ướm thử đi. Đó là trang bị cá nhân của cậu.
Đợi Tú chọn xong, ông Đức bảo Tú ký vào sổ, rồi nói:
- Chiều nay, cậu gặp cậu Chíu tiếp phẩm để nhận dụng cụ sản xuất, gồm dao phát rừng và cuốc rồi nghỉ ngơi cho thoải mái, làm quen với anh em trong đơn vị và tìm hiểu về công việc mới, giờ cậu đi theo tôi nhận phòng và sắp xếp chỗ ở, ngày mai dành cho cậu một ngày để đi tìm cây tra cán dao, cán cuốc, ngày kia chính thức làm việc.
Ông Đức dẫn Tú sang ngôi nhà liền kề với phòng đội trưởng, có tám chiếc phản cá nhân, và một bộ bàn ghế, ông chỉ cho Tú một chiếc giường ở góc nhà:
- Đây là gường nghỉ của cậu, hiện nay trong phòng có năm anh em công nhân, cậu là thứ sáu, anh em bảo ban nhau ăn ở cho gọn gàng, ngăn nắp nhé!
Gần trưa, nghe tiếng người trò chuyện râm ran bên đường mòn ngang qua khe suối, Tú trông thấy có tới gần chục người, toàn thanh niên nam nữ, xúng xính trong trang phục bảo hộ lao động, trên tay mỗi người một con dao quắm, cán dài. Thì ra anh em công nhân đi làm về, ngang qua nhà ăn thấy Chon thông báo đội có thêm thành viên mới. Ngoài cửa sổ có mấy cô gái nhòm qua khe vách ngó nghiêng, có tiếng cười rúc rích và tiếng nói vọng lại…
- Thư sinh, trắng trẻo mày ạ!
Còn anh em cùng phòng thì hỏi thăm, thái độ thân mật, làm cho Tú thấy vui, không còn lo lắng bỡ ngỡ. Ồn ào một lúc rồi họ lấy quần áo ra suối tắm để còn kịp ăn cơm trưa…
Ngày đầu khởi nghiệp của Tú là như thế, cả đội sản xuất chỉ vẻn vẹn có mười hai thành viên, bao gồm ông Đức là đội trưởng, Phong là kỹ thuật, Chon cấp dưỡng và anh Chíu tiếp phẩm còn lại 8 anh em công nhân trực tiếp trồng rừng, làm việc tập trung thành một tổ do Giới làm tổ trưởng. Ban đầu trong suy nghĩ của Tú thấy có điều gì đó bất hợp lý trong cơ cấu, sắp xếp tổ chức nhân sự, nhưng không dám nói ra…
Tháng tám, thời tiết mưa nắng thất thường. Đêm qua mưa như trút nước, suối Nách trước dãy nhà đội, nước chảy cuồn cuộn, đá xô vào nhau lênh kênh, lộc cộc, gầm gào tới gần sáng, thế mà mới sáng ngày ra đã nắng như đổ lửa, trời trong xanh không một gợn mây. Cây trồng gặp mưa mát mẻ, đua nhau vươn chồi nảy lộc, cây bén rễ thì cỏ cũng phát triển nhanh. Đang vào thời vụ chăm sóc rừng nên lao động hợp đồng mùa vụ tập trung rất đông, thường xuyên có tới hàng trăm người làm trên các lô rừng để phát chăm sóc, xới vun gốc cho cây.
Giờ thì Tú hiểu! Thì ra những chiếc nhà khi Tú mới đến còn bỏ không tại cơ sở đội và lác đác trên các lô rừng là những chiếc nhà dựng lên để đón lao động hợp đồng theo mùa vụ. Trong số tám anh em công nhân thử việc, có Dương và Thực do không chịu được điều kiện khó khăn, đã rút đơn để đi tìm công việc khác. Còn lại sáu anh chị em đều đã được tuyển dụng chính thức. Bốn công nhân nam được sắp xếp làm công nhân bảo vệ rừng, thường xuyên tuyên truyền trong khu dân cư tham gia trồng rừng nguyên liệu giấy, tuyên truyền về bảo vệ rừng, về chăn thả trâu bò, và nhất là công tác phòng chống cháy rừng. Những thời gian có lao động hợp đồng thuê khoán thì tổ bảo vệ rừng, mỗi người phụ trách một tổ hợp đồng, vừa hướng dẫn kỹ thuật, vừa giám sát quy trình thực hiện trồng và chăm sóc rừng. Còn lại hai công nhân nữ được biên chế làm vườn ươm cây tại chỗ, đảm bảo cây giống cho kế hoạch trồng rừng các năm tiếp theo.
Tú là người nhanh nhẹn, tháo vát lại chỉn chu với công việc được giao, có tố chất và năng động, sáng tạo trong sản xuất. Ông Oanh phát hiện ra Tú trong một buổi họp sơ kết 6 tháng đầu năm của đội, trong những ý kiến bàn về sản xuất, có ý kiến của Tú đã làm ông đặc biệt quan tâm:
- Báo cáo với bác Đức đội trưởng, qua tiếp xúc thăm dò với nhân dân địa phương, cháu thấy nếu chúng ta biết cách vận động thì nguồn lao động chính phải là bà con ở xóm Mới. Họ ít ruộng nên việc đồng áng cũng rất ít, họ lại ở gần có thể đi làm rừng cho lâm trường, và ăn nghỉ tại nhà. Đồng ý là bà con người Dao quen làm ăn tự do, chưa thành thạo với việc làm rừng nhưng nếu chúng ta thuyết phục tốt, tạo điều kiện tốt nhất cho họ làm, ban đầu chưa quen, dần dần họ sẽ quen. Như vậy, chúng ta sẽ có nguồn lao động lâu dài, và ổn định.
Đúng là trong vụ trồng rừng vừa qua, đội đã vận động được bà con ở các xóm Phắt, xóm Vường, xóm Đồng xã Lai Đồng tham gia lao động hợp đồng thuê khoán theo mùa vụ nhưng đôi khi cũng có những bất cập, có đợt thì đông quá, việc làm thì nhiều, cần lao động, nhưng lại không bố trí được nhà ở. Có những thời gian không có lao động, mà thời vụ lại cấp bách. Ý kiến của Tú, cũng là điều mà bấy lâu ông Đức trăn trở. Khi thành lập đội, ông đã có nhiều buổi họp với bà con xóm Mới, nhưng chưa được sự ủng hộ, chừng như họ còn nghe ngóng, chờ đợi ở kết quả trồng rừng …
Qua ý kiến của Tú, ông Đức đã giao cho Tú tập trung vận động bà con xóm Mới. Từ khi được giao nhiệm vụ Tú thường xuyên đi lại với bà con bản Mới, đó là một bản dân tộc người Dao, Bản chỉ cách đội một con dốc và khúc cua đường rừng, tiếng gà gáy trong bản ngoài đội cũng nghe thấy. Tú đã tranh thủ sự ủng hộ của già làng để vận động tuyên truyền bà con chuyển đổi canh tác ngô, đỗ tương sang hợp đồng trồng rừng kinh tế.
Già làng, là một người có vóc dáng nhỏ, tác phong nhanh nhẹn, ăn nói lưu loát, lại có sức khỏe, miệng nói tay làm đâu ra đấy. Ông có gốc là người Kinh quê ở Hoàng Xá – Thanh Thủy. Hoàn cảnh đưa đẩy vào năm đói 1945, gia đình lưu lạc mỗi người một nơi. Bản thân ông lần mò lên miền rừng núi, sâu xa sống nương nhờ và được nhận làm con nuôi cho một gia đình người Dao. Khi trưởng thành, ông lấy vợ sinh con, lập nghiệp luôn trên đất này. Với vốn sống học được khi còn ở quê dưới xuôi và tính cần cù, chịu khó, biết căn cơ tính toán làm ăn nên đời sống kinh tế cũng khấm khá. Ông trở thành người có uy tín, bất kể nhà nào trong bản có công to việc lớn đều tìm đến ông để xin ý kiến đều được ông ân cần chỉ bảo đường đi, nước bước. Ông không phải là người cao tuổi nhất trong bản nhưng từ khi ông già làng Bàn Văn Pênh mất thì người dân, từ già đến trẻ trong bản, trìu mến gọi ông là “Già Làng”. Già làng là người được dân trong bản đặt cho chứ không qua bầu bán nhưng từ trưởng bản đến cán bộ xã cho tới huyện, tỉnh hễ có việc cần bàn với dân đều phải dựa vào Già Làng. Được già làng ủng hộ thì việc khó mấy cũng thành công.
Chiều nay, trên đường đi thăm rừng về Tú ghé vào thăm Già Làng, đứng ở ngoài sân Tú đánh tiếng thật to, thì thấy tiếng già làng trả lời từ phía vườn rau:
- Anh vào nhà uống nước, tôi xong rồi đây!
Thấy Già làng đang lúi húi ngoài cổng vườn, Tú đi lại ngắm Già làng làm, thấy vậy già làng liền nói:
- Có cái cổng vườn mà chỉ được mấy tháng là lại thối gãy mất cái ngõng, cổng thì làm rõ chắc, mà hỏng tiếc quá anh ạ.
Chiếc cối thớt dưới cổng vườn đúc bằng xi măng chôn xuống đất, rất bền chắc nhưng cái cái cổng làm bằng tre, mỗi lần mưa thì bản thân cái cối xi măng giữ nước lại, vì thế cái tre do nhiều lần bị ngâm nước, và nắng lên bốc hơi khô kiệt, nhiều lần như vậy sẽ bị ải, cửa vườn lại mở ra đóng vào hàng ngày nên hay bị gãy cũng phải, thấy thế Tú nói với Già làng :
- Bác để cháu chạy ù về đội, lấy cái vòng bi cháu làm lại cho bác, đảm bảo sẽ êm và bền bác ạ.
- Vòng bi tôi có, hôm trước mua mấy cái vòng bi xe máy hỏng, đem về dự phòng cho cái máy phát điện nước, vẫn còn.
- Thế thì hay quá, bác cho cháu mượn cái búa với cái đột nữa
Già làng vào nhà một lúc rồi đem ra cả một túi đồ nghề, nào búa, nào đục, rũa, kìm, vòng bi đinh, ốc vít .v.v..
Tú bới trong túi đồ, rồi nói:
- Cháu thấy đủ cả mọi thứ cần thiết ở đây rồi, bác yên tâm, ít nhất hai năm bác không phải lo về cổng vườn nữa.
Nói rồi, Tú dùng búa và rũa đục một lỗ vào cái cối bằng bê tông vừa với ca bi, dưới đáy đục một lỗ thoát nước thông ra ngoài, không để nước đọng lại trên cối cửa. Sau đó đẽo đoạn gỗ làm cái ngõng cửa, dùng dây thép buộc chắc vào cái cửa tre rồi nêm ngõng cửa vào ống tre, lắp vòng bi, dựng lại cánh cổng, chiếc cổng đã vững vàng, mở ra mở vào dễ dàng, không một tiếng động. Già Làng theo dõi Tú làm từ đầu đến cuối, gật gật đầu tỏ ra rất ưng ý:
- Đơn giản thế mà tôi không nghĩ ra! Sáng kiến, sáng kiến!.
Già Làng sách túi đồ, đứng dậy mời Tú vào trong nhà:
- Anh ra giếng rửa tay, rồi ta uống nước.
Nhà của Già Làng là ngôi nhà gỗ lợp bằng tấm prociment duy nhất trong bản, ông kể về việc khi làm nhà đưa được tấm lợp về, cả bản đi khiêng giúp ông mất 2 ngày mới xong. Rồi ông nói, như để trình bày về những khó khăn của bà con bản Mới.
- Anh thấy đấy, đường đất đi lại khó khăn vất vả quá, thành ra cái gì cũng thiếu, anh ạ.
Thấy vậy, Tú động viên:
- Cố gắng vài năm nữa là có đường thôi Bác ạ,
Ông nhìn Tú, cho rằng Tú chỉ nói lấy lòng, nên bảo:
- Tôi đã sống ở đây gần hết đời người, Việc mở đường vào bản, năm nào chúng tôi cũng bàn đến và kiến nghị lên trên. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại thấy quả là khó, như mò kim đáy bể. Một cái bản có vài chục nóc nhà lại rải rác xa xôi thế, giả dụ có dự án Nhà nước và nhân dân cùng làm, thì anh tính, dân bản quanh năm làm không đủ ăn, lấy đâu ra để làm đường…
- Việc có dự án của Nhà nước mở đường vào bản hay không thì cháu không dám chắc. Nhưng cháu dám chắc với Bác, nay mai khi lâm trường trồng rừng thành công, cũng đến lúc phải khai thác, bấy giờ đường lâm nghiệp sẽ mở rộng vào bản, không mở đường bác bảo lấy gỗ ra bằng cách nào? Con đường ấy, cũng là con đường dân sinh đấy, bác ạ!.
Ngừng một lúc, thấy Già làng trầm ngâm, suy nghĩ, Tú mạnh bạo nói tiếp:
- Để thoát khỏi cái nghèo vây hãm, bác tuyên truyền, vận động dân bản tham gia trồng rừng với lâm trường, có việc làm thường xuyên, có tiền đời sống sẽ thay đổi bác ạ.
- Nghe cậu nói có lý lẽ, hợp với lòng dân, tôi ủng hộ!
Hai bác cháu nói chuyện với nhau, một già, một trẻ nhưng lại rất hợp ý nhau. Được lời như cởi tấm lòng, Già Làng mời Tú ở lại dùng cơm nhưng Tú xin phép về đội, hẹn chủ nhật được nghỉ sẽ lại chơi.
Sau buổi trò chuyện với Tú, đêm ấy Già Làng trăn trở không sao ngủ được. Ông nhớ lại, cách đây mấy tháng, bữa đó ông đang loay hoay với cái đường dây dẫn nước từ trên khe về ruộng, là một khe nước ngầm, chỉ nơi có mạch nước mới có nước, chảy ngầm trong các khe đá nên đầu nguồn đã đắp thành cái vũng trông thì có nhiều nước, nước mạch vẫn chảy ra, nhưng nước vẫn không theo đường ống về ruộng. Thì cũng lại chính là Tú đã bày cách cho ông, nó theo ông lên mạch nước, ngắm một lúc nó bảo:
- Theo cháu, bác đào một cái hố chứa được khoảng nửa khối nước ở chỗ này. Bác mua tấm bạt loại 4m vuông ấy, lót thành bể chứa nước, đắp bờ bên dưới mạch như hiện nay, bác dùng ống nhựa đưa nước về bể, với đoạn ngắn như vậy, mạch nước chảy ra đến đâu nước sẽ được đưa về bể đến đó. Từ bể bác dẫn nước về ruộng đảm bảo sẽ thành công.
Chỗ Tú đứng cách mạch nước khoảng bốn mét xuôi xuống mé sườn đồi, thấy thế Già Làng liền bảo:
- Sao không đào luôn ở chỗ có mạch nước?
- Không được bác ạ, vì bên dưới toàn đá rỗng, giả dụ có lót tốt thì mỗi trận mưa lại phải khắc phục lại, rất tốn công đi sửa
Già Làng thấy Tú nói có lý lẽ, đã làm đúng theo cách của Tú, quả nhiên đã dẫn được nước về ruộng. Nhiều nhà làm theo cách của Già Làng, rất hiệu quả. Nằm nghĩ miên man và ông thấy ấn tượng với Tú, cái thằng, thế mà giỏi! ngẫm đi ngẫm lại ông thấy nó nói đúng, có việc làm tại chỗ, từ ngoài trung tâm xã, các bản xa họ còn vào đội lâm nghiệp để tìm việc làm, mà tại sao mình ở ngay liền kề rất thuận lợi lại không tham gia. Họ sống ngay trên đất bản mình, họ không tạo điều kiện cho mình thì cho ai đây, có cơ hội mà không nghĩ cho bà con, thì có còn là Già Làng được nể trọng nữa hay không? dân bản nghèo mãi cũng phải thôi…
Hôm sau, mới tơ mơ sáng, Già làng đã đeo con dao bên sườn, đội chiếc mũ cát bi tám múi, một mình đi lên những quả đồi lâm trường trồng cây. Thực ra, từ ngày lâm trường trồng rừng ở đây, ông chưa một lần đặt chân đến. Tuy cũng được nghe bà con kể lại rất nhiều, nhưng hôm nay có tận mắt mới thấy, đúng là có sức người, sức của đổ vào có khác. Cây trồng hồi đầu năm, lại được chăm sóc kịp thời, đang thì mở lá xanh mướt trên đồi. Đứng bên những cây keo mập mạp, cao bằng đầu, tán xòe rộng lá to như bàn tay, rung rinh trong nắng sớm. Ông gật gật đầu thán phục, miệng lẩm bẩm “chẳng mấy chốc mà thành rừng…”. Nghe tiếng người nói chuyện râm ran, ông nhìn thấy rất đông người đang trên đường đi làm. Già làng tìm đường sang khu vực có người làm để hỏi han công việc, tham quan học tập cách làm, tham khảo về ngày công lao động, tính toán thu nhập. Cũng để làm cơ sở thực tế nói với bà con dân bản…
Năm tháng dần qua, công việc cứ thế cuốn hút Tú, mỗi năm đội lại trồng thêm vài trăm ha rừng. Bà con xóm Mới trước kia được giao đất 50 năm, cũng hăng hái ký hợp đồng giao khoán trồng rừng cả chu kỳ với lâm trường. Các điều khoản hợp đồng dễ hiểu, tính toán sòng phẳng, cuối chu kỳ cây, lâm trường chỉ thu lại số lượng gỗ tương ứng với số tiền mà chủ hộ đã nhận, sàn lượng gỗ còn thừa lâm trường sẽ mua lại theo giá thị trường tại thời điểm khai thác. Cơ chế mở đã tạo nên một phong trào trồng rừng ở xóm Mới, nhà nhà có rừng, năm sau gối năm trước. Lại có việc làm và thu nhập ngay trên mảnh đất của mình được nhà nước giao. Bản được huyện biểu dương, khen ngợi vì đất đã được sử dụng đúng mục đích. Được nhiều nơi đến thăm quan học tập mô hình kinh tế, nhân rộng ra các địa phương. Đời sống dân bản ngày một khá giả, không còn cảnh lần ăn từng ngày, từng bữa nữa. Đến giờ thì cả một vùng đồi núi khi xưa toàn cỏ gianh và lau lách, đã phủ kín bạt ngàn màu xanh.
Thấm thoắt Vụ trồng rừng đầu tiên đã đến tuổi khai thác. Tú cũng đã học xong và tốt nghiệp đại học tại chức. Chẳng là trong quy hoạch cán bộ, xét thấy Tú có năng lực. Lâm trường đã quyết định đào tạo và giới thiệu Tú theo học Đại học Lâm nghiệp tại
chức, mở tại Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện nhà, do các thầy cô giáo ở trường Đại Học Thái Nguyên về giảng dạy.
Sau khi học xong, việc đầu tiên Tú được giao là khảo sát, thiết kế tuyến đường khai thác rừng đội 11 Suối Nách. Niềm vui như vỡ òa với bà con dân bản người Dao, niềm mong mỏi, khát khao tưởng chỉ có trong mơ, giờ đã trở thành hiện thực. Mốc đường cắm đến đâu họ sẵn sàng tháo dỡ rào, hiến đất …
Chiều nay, nhận lời mời Tú nghỉ lại ăn cơm với Già Làng, cũng là dịp già làng tổ chức ăn mừng cô con gái út học đại học Nông Nghiệp mới ra trường. Tú đã bảy năm ở Suối Nách, đi lại với bản Dao thân thuộc như ở quê, đến nhà Già Làng thường xuyên. Nghe Già Làng nhiều lần nhắc đến Mai, đứa con gái út ông cưng chiều nhất. Cũng có lần Già Làng bảo với Tú: “Nếu anh ưng con Mai, tôi gả cho!”. Tú cứ cho là một câu nói đùa, chẳng có ý gì. Cho mãi tới hôm nay Tú mới biết Mai, chẳng là khi còn học phổ thông thì Mai ở nội trú trong trường, thi thoảng mới về nhà. Tốt nghiệp phổ thông, rồi lại tiếp tục về trường đại học. Mai là cô gái có dáng người dong dỏng cao, mái tóc dài thắt lơ buông xuống ngang lưng. Mai bước lại chào Tú:
- Nghe bố em nhắc nhiều tới anh, em rất ngưỡng mộ…
Tú ngước lên nhìn, Mai có đôi mắt to sáng, hồn nhiên, khi cười đôi má lúm rất duyên. Nhớ lại câu nói của Già Làng hôm nào, bỗng đôi má Tú ửng hồng, ngượng ngập…
- Chúc mừng em!
Dân làng đến hầu như đông đủ để mừng cho già làng, mừng cho Mai là người đầu tiên trong bản có bằng kỹ sư. Trong liên hoan hôm nay, ông Đức đội trưởng cũng có mặt. Việc mở đường lâm nghiệp đang là tâm điểm thời sự, chỗ nào cũng nói đến. Nhân dịp này, ông Đức đứng lên nói:
- Xin thông báo với bà con một tin mừng, vừa rồi đơn vị thiết kế của Tổng công ty Giấy đã vào thiết kế khai thác rừng tập trung đầu tiên của đội. Theo hồ sơ thiết kế mức trung bình năng suất là 97 mét khối gỗ trên một ha. Đột xuất có những lô đạt tới 120 mét khối. Sang năm, các lô rừng của bà con ký hợp đồng giao khoán cả chu kỳ với lâm trường năm đầu cũng đến tuổi khai thác, triển vọng so sánh có năng suất cao hơn của đội. Bà con ta sắp giàu to rồi! Hôm nay nhân dịp già làng tổ chức liên hoan mừng cháu Mai đã tốt nghiệp đại học trở về, xin được nâng chén chúc mừng!
Mọi người hào hứng rót rượu và trò chuyện tới khuya… Tiệc tan, Tú và ông Đức ra về.
Đêm ấy Tú không sao ngủ được, ánh mắt của Mai cứ chập chờn ẩn hiện, đôi mắt tinh nhanh như biết nói đã hớp mất hồn Tú. Năm nay Tú đã 27 tuổi, nhưng chưa bao giờ nghĩ tới chuyện yêu đương. Những năm mới vào làm công nhân, Chon cũng có tình
ý với Tú, Tú biết thế nhưng chỉ trân quý tình cảm của Chon như một người bạn, một người đồng nghiệp. Nếu so về nhan sắc, thực lòng Mai không thể bằng Chon…
Cứ mùng một hàng tháng ông Đức lại ra lâm trường họp, chuẩn bị cho kế hoạch trồng rừng vụ thu, mãi tối muộn mới về đến đội. Sáng hôm sau ông gọi Tú sang phòng ông trao đổi công việc:
- Năm nay, đơn vị ta được giao kế hoạch trồng rừng bồ đề vụ thu, đây là loài cây chi phí đầu tư thấp, cho năng suất cao nhưng kén đất, cây được trồng bằng hạt, không có bầu nên đặc biệt phải biết chăm sóc thì mới có hiệu quả. Khi cây đã mọc, đất xốp sau khi phát chăm sóc xong ta chỉ được phép vun gốc, chứ không nhổ cỏ làm đứt rễ, cây sẽ chết. Cậu đã được lâm trường bổ nhiệm chức vụ đội phó, sang năm tôi đến tuổi nghỉ hưu, trọng trách thuộc về cậu, nên cần phải nghiên cứu về quản lý từ bây giờ.
Ông Đức trao cho Tú quyết định bổ nhiệm, rồi nói tiếp:
- Cậu bàn với Già Làng vận động bà con, nếu trồng rừng bồ đề mà kết hợp trồng lúa nương, bằng một việc làm lại có hai nguồn thu. Vừa được thu hoạch lúa, vừa có thể trồng được bồ đề, chăm sóc cho lúa cũng đã là chăm sóc cho cây rừng.
Tú lắng nghe những lời ông Đức chỉ bảo, vừa mừng lại vừa lo … Được ông Đức giao cho đi gặp Già Làng, Tú hào hứng hẳn lên:
- Vâng, hứa với bác cháu sẽ hết sức cố gắng ạ.
Thấy không còn việc gì, Tú đứng dậy để chuẩn bị vào xóm Mới, ông Đức cũng đoán biết được tình cảm của Tú dành cho Mai, cô con gái Út của già làng.
- Còn một việc nữa, đây là quyết định thứ hai của lâm trường, tiếp nhận cô Mai, kỹ sư nông nghiệp về đội, phụ trách vườn ươm. Lâm trường sẽ cho mở rộng vườn ươm dã chiến của đội thành một vườn ươm quy mô. Đảm bảo cung cấp cây giống cho bốn đội trồng rừng. Cậu đem theo quyết định này, báo với cô Mai ngày mai ra đội nhận nhiệm vụ mới! Thôi cậu có thể đi làm được rồi.
Trên đường vào Bản Mới, con đường đã được mở rộng, cánh rừng ven đường tỏa bóng mát, líu ríu tiếng chim trên tán cây keo. Dòng suối Thúc nước chảy qua những ghềnh đá, tạo nên một bản nhạc không lời. Bất giác Tú khe khẽ hát: “rừng ơi!..... ta đã về đây….”
N.T.M