KỈ NIỆM VỚI NHÀ VĂN NGUYỄN ĐỨC THIỆN
Khi tôi ở Nga về nước 1984, đọc truyện ngắn TRĂNG MUỘN của Nguyễn Đức Thiện đăng ở Văn Nghệ Bắc Thái, tôi rất khen. Hỏi Hồ Thủy Giang thì biết Nguyễn Đức Thiện đã chuyển vào Tây Ninh. Cơ duyên trong một chuyến tôi đi công tác Tây Ninh trong đoàn của Bộ Giáo Dục, các bạn Tây Ninh mời Nguyễn Đức Thiện qua giao lưu. Lúc đó Nguyễn Đức Thiện mới rõ Võ Nhu ( bút danh của Vũ Nho) đã khen truyện Trăng Muộn. Và tôi cũng lần đầu gặp Nguyễn Đức Thiện. Do cơ duyên đó mà sau đó tôi viết về thơ, về truyện ngắn, tiểu thuyết của anh. Khi anh mất tôi có viết thương tiếc anh trên báo VĂN NGHỆ của Hội nhà văn Việt Nam. Nay nhân các bạn Tây Ninh kỉ niệm 10 năm ngày nhà văn đi xa, tôi đăng lại một bài viết mà sinh thời Nguyễn Đức Thiện đã đọc.
Nguyễn Đức Thiện với KIẾP NGƯỜI XUỐNG XUỐNG LÊN LÊN
Đọc tiểu thuyết KIẾP NGƯỜI XUỐNG XUỐNG LÊN LÊN, nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 2010.
Tiểu thuyết này được viết trong vòng một năm, từ tháng 5 năm 2007đến tháng 5 năm 2008. Với một người đã viết và in 6 tập truyện ngắn, 6 tiểu thuyết thì đây vừa là một thách thức, vừa là một thành tựu. Thách thức vì là viết nhiều như vậy, có thể sẽ cạn vốn, không còn gì để viết. Thành tựu vì vượt qua thách thức lớn đó, viết được chứng tỏ bút lực còn mạnh mẽ. Hơn nữa, như Nguyễn Đức Thiện bộc bạch về nghề : “Viết văn là để trải lòng mình ra, để giải tỏa tất cả những gì chứa chất trong mình. Ai cũng có kí ức. Tôi viết văn trước hết là để chép lại những kí ức của mình […] Tôi sẽ ngưng viết khi thấy trong mình không còn kí ức nữa” (Suy nghĩ về nghề văn trong cuốn Nhà văn Việt Nam hiện đại, in lần thứ 4, trang 618). Vậy còn viết tức là còn kí ức, còn nhu cầu trải lòng, còn nhu cầu giải tỏa.
Mảnh đất miền Tây gắn bó với Nguyễn Đức Thiện lại thêm một lần nữa làm bối cảnh cho tiểu thuyết này. Câu chuyện được triển khai xoay quanh nhân vật chính - một cô gái làm ở mỏ đất sét, bỏ lên thị xã, rồi rơi vào tay lũ buôn người, bị bán sang bên kia biên giới. Hận thù tay chủ, cô trốn về và quyết trả thù. Cuộc đối mặt với chủ nhà hàng Xuân Đào đã khiến cô gái bị tra tấn, hành hạ dã man. Và tiểu thuyết mở đầu bằng bản tin về cô của báo chí làm xôn xao dân cư thị xã T.
Nguyễn Đức Thiện đã triển khai tiểu thuyết của mình theo hai trục lớn. Một trục gắn liền với sự kiện Diễm, cô gái bị chủ nhà hàng hành hạ một cách dã man không rõ vì nguyên nhân gì. Công an vào cuộc và sự việc dần dần hé lộ. Trục khác do một nhân vật được gọi “gã”, một nhân vật “thằng điên” nhưng có những lúc không điên, kể lại những gì y nghe, y thấy. Nhiều đoạn kể chuyện của “thằng điên” cho biết còn có một người điên nữa, hay để phân biệt thì gọi là tâm thần. Đó là cái tay nhà báo kiêm nhà văn ngồi ở ngã tư. Hai nhân vật bị coi là “điên” này đã ráp nối các sự việc xảy ra ở cái thị xã T. để bạn đọc biết được chủ nhà hàng Xuân Đào- Phước Luôn đã bị điên khi hốt hoảng trước những tội ác của y bị bại lộ. Và tay nhà văn từng điên vì bế tắc, không viết được đã nghe chuyện của Phước Luôn nên đã chép lại thành câu chuyện.
Thủ pháp này của Nguyễn Đức Thiện làm cho câu chuyện thêm phần hấp dẫn. Và cũng nhờ áp dụng thủ pháp này, giọng điệu trần thuật của tiểu thuyết trở nên đa thanh hơn, đồng thời điểm nhìn nghệ thuật trong tác phẩm cũng trở nên đa dạng và phong phú hơn. Với giọng hài hước, nhân vật nhà văn điên kể : “ Những trang viết toàn những chuyện điên điên, khùng khùng. Thế mà người ta thích. Tôi bỗng ngẫm ra, viết như ngày xưa ấy mà thẳng thớm, đàng hoàng có khi bị chửi là cũ kĩ. Nay cứ viết vung vít lên thế mà người ta lại khoái. Tôi viết bằng ngôn ngữ thằng điên” ( tr.356). Đằng sau những lời này là một sự thật về việc tìm cách gắng đổi mới cách viết. Chí ít thì nhiều phần của tiểu thuyết này đã được viết qua cảm nhận của hai nhân vật điên là Phước Luôn và nhà báo kiêm nhà văn điên không tên tuổi ở ngã tư. Đây là một dụng công của Nguyễn Đức Thiện. Và công bằng mà nói, tác giả đã có những thành công.
Câu chuyện của tiểu thuyết ngay từ đầu đã có vẻ như một chuyện vụ án hình sự nghiêm trọng. Nhưng khi triển khai thì chuyện hình sự không phải là điều mà tác giả quan tâm. Nhân vật Diễm là cô bé khổ từ khi mới sinh ra, gắn liền với cái mỏ đất sét trắng. Cuộc đời đưa đẩy Diễm gặp Phước Luôn và cô bị bán sang bên kia biên giới. Quay trở lại với quyết tâm trả thù, nhưng cô không có gan và cũng không biết cách. Điều lớn nhất cô có thể làm là cho mật cá và thuốc xổ vào thức ăn của nhà hàng.
Phước Luôn là nhân vật có lí lịch gắn liền với nghề nấu cháo lòng gia truyền. Nhưng anh ta đã bỏ nghề của ông cha và dấn thân vào nghề buôn người. Cặp với Phước Luôn là Xuân Đào, con gái bà bán thịt, người có một thú vui là đếm tiền và khao khát được làm mẹ. Miêu tả những nhân vật này, Nguyễn Đức Thiện tỏ ra có hiểu biết kĩ về nghề nghiệp của gia đình họ. Và nếu bạn đọc để ý thì sẽ thấy sẵn niềm say sưa về nghề nấu cháo lòng heo và bán thịt, nhà văn đưa luôn cả một truyện ngắn “ Tân kì đồ tể truyện” (từng in trong tập truyện ngắn Không thể đùa) vào thành chương sách. Đó là chuyện về Bỉnh, làm nghề lò mổ những đã đoạn tuyệt với nghề. Làm lò mổ, làm nghề nấu cháo lòng và nghề bán thịt thì hẳn là phải có quan hệ với tư cách khách hàng. Họ là những người có liên quan đến nghề nghiệp của nhau. Đây là một nhánh phụ, một phụ cảnh rất hợp với chủ đề “ kiếp người xuống xuống lên lên” của tác phẩm.
Trong số những nhân vật phụ vô danh thì nhân vật chủ nhà trọ ở biên giới, nơi Phước Luôn lẩn trốn là người có số phận li kì và tội nghiệp. Từ ông ta, có thể biết được những con người làm nghề ăn mày trong xóm động mả. Bởi chính ông ta từng là một thành viên trong số đó. Con người không có mẹ cha. Từng theo gánh hát mua vui, từng bị vứt bỏ khi không diễn được trò, từng ăn mày ngụ nơi động mả. Rồi lang chạ với vợ chung của hai gã què cụt, rồi đi buôn nước bọt. Lấy vợ, bị vợ bỏ vì không làm được công việc của người đàn ông. Con người mở nhà trọ vì không biết làm gì đó đã gặp Phước Luôn và đã trút tâm sự với kẻ đang trốn chạy, cho ta biết thêm một kiếp người, những kiếp người nơi góc khuất.
Có thể nói hầu như tất cả các nhân vật từ chính đến phụ, từ già đến trẻ, từ lũng sâu của mỏ đất sét đến nơi thênh thang của thị xã T, hay vùng biên giáp ranh với nước bạn,… không có người nào có số phận may mắn hay sung sướng. Toàn là những kiếp người xuống xuống lên lên trong dòng thác vô tư của cuộc đời. Tập trung mô tả như vậy, phải chăng tác giả muốn khẳng định kiếp người nào cũng đầy những nỗi bất hạnh, khổ đau. Không nên làm chồng chất thêm những đau khổ nữa.
Nhân vật nhà văn điên đã viết truyện Kịch. Và truyện này đã được lồng vào tiểu thuyết nhiều đoạn. Có hai diễn viên là người quen cũ, từng theo kháng chiến. Họ đối thoại. Họ tố cáo phố Trần Dư ( trừ dân), tố cáo việc đến thăm sếp ốm, việc nhận phong bì của mọi người để chạy cái công trình, cái dự án… Rồi lại có cả bà đạo diễn xen vào không cho họ diễn với lí do : “ Trước hết là trong kịch bản không nói. Thứ hai, không được đụng chạm”.
Thật ra, hai nhân vật trong truyện Kịch kia đem lại cho người đọc cảm giác lỏng lẻo của kết cấu tiểu thuyết. Nó làm loãng ý tưởng chủ đề về những kiếp người, mặc dù nó cho thấy khó khăn của người làm sân khấu thời nay và quan niệm về nghệ thuật khác: sân khấu có thể đóng màn, nhưng cuộc đời thì vẫn diễn.
Nếu có thể kể ra nhược điểm của tiểu thuyết này thì đó chính là việc ham kể của nhà văn. Dòng kí ức của nhân vật “thằng điên” ( sau này mới hay đó là Phước Luôn ) và những câu chuyện của nhà văn tâm thần luôn đan xen không khỏi khiến cho người đọc có lúc mệt mỏi. Rồi câu chuyện của ông chủ quán trọ đường biên, nơi Phước Luôn trú ngụ cũng là một câu chuyện dài được kể cho vị khách ( bất chấp nhân vật có muốn nghe hay không).
Những hiểu biết về nghề làm bánh tráng ở đất Trảng sẽ thật thú vị và đắc địa trong một bút kí, nhưng đưa vào tiểu thuyết, nhất là lại tiếp ngay sau cái đoạn nói về nghề nấu cháo lòng heo những chín trang in thì đúng là có phần rềnh rang làm chậm nhịp độ tự sự.
Kết thúc tiểu thuyết, tác giả để cho nhân vật nhà văn đối thoại với một người bạn. Người bạn đọc yêu cầu nhà văn phải thế này, thế khác. Nhà văn suy ngẫm:
“ Thì thôi, đành làm kẻ gàn dở vậy. Ông bạn ấy nói có thể đúng lắm chớ. Viết xong rồi đây, ai sẽ đọc. Mặc kệ, tôi đã viết và viết xong rồi. Nhiều lắm là như ông bạn làm thơ của mình vậy: xuất bản miệng, đọc cho mọi người nghe. Ôi trời, ai dám ngồi nghe cả một chương tiểu thuyết đây?”.
Tôi muốn nói với ông nhân vật nhà văn trong Kiếp người xuống xuống lên lên và nhà văn Nguyễn Đức Thiện rằng : Chắc chắn là sẽ có người đọc. Và sẽ còn có nhiều người tìm đọc.
Hà Nội, 27/9/2010
Người gửi / điện thoại