Vũ Thảo Ngọc
KÝ ỨC CHIẾN TRANH QUA NGÒI BÚT TRẦN NGỌC DƯƠNG
(Đây là cuốn tiểu thuyết thứ 5 trong số 10 cuốn sách, cả tuyển tập truyện ngắn và tiểu thuyết) của Trần Ngọc Dương đã xuất bản. Dấu ấn tác phẩm của một nhà văn đã từng kinh qua cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước luôn hiển hiện ở mỗi trang viết của ông. Là một thương binh, ra khỏi cuộc chiến tranh trở về công việc làm mỏ than bình thường như bao người lính ra trận trở về khác, ẩn ức về cuộc chiến luôn thôi thúc ông trải lòng trên mỗi trang viết, dù là một truyện ngắn hay trải dài trong một cuốn tiểu thuyết…)
Trong số 10 tác phẩm đã xuất bản thì có tới một nửa là tiểu thuyết và đều đề cập đến cuộc chiến tranh mà ông đã đi qua. Đến cuốn tiểu thuyết thứ 5 này, tác phẩm có cái tên cũng giản dị như câu chuyện nhà văn đề cập: Ngôi nhà có giàn hoa giấy, giàn hoa giấy có thật, ngôi nhà có thật, và những con người ở hai trận tuyến có thật đan xen nhau trải dài theo biến cố lịch sử thời gian. Nhưng sự giản dị ấy ẩn chứa những thông điệp nhân văn sâu sắc thông qua những lớp ngôn ngữ, tiết tấu nhanh và logic cuốn hút người đọc không thể rời cuốn sách theo từng chương tiểu thuyết. Câu chuyện trải dài từ cuộc chiến thứ nhất đến cuộc chiến thứ hai, những tưởng “ngôi nhà, giàn hoa giấy, nhân vật ở đó” đã biến chuyển không còn sợi dây liên kết khi lớp bụi thời gian đã phủ bụi qua nửa thế kỷ.
Nhân vật trong Ngôi nhà có giàn hoa giấy mang một lý lịch rất rõ ràng, rất nhiều chiến công, nhưng cũng đầy éo le do hoàn cảnh đưa đến. Minh, nhân vật chính của câu chuyện, đã không nề hà khi chôn cất một người lính phi công phía bên kia và anh đã lặng lẽ giữ lại tấm ảnh có cô gái bên ngôi nhà và giàn hoa giấy. Một “chiến lợi phẩm” mà theo quy định của đơn vị anh và đồng đội không được phép làm. Và chỉ vì thế, lẽ ra con đường tiến thân của Minh sẽ hanh thông hơn với những chiến công anh đã lập, nhưng cái sự đời éo le của một người lính trong một tích tắc “sơ ý” đó đã làm đảo lộn cuộc đời anh.
Với tài tư duy logic, nhà văn đã dùng phép nhân cách hoá để nhân lên nỗi đau của chiến tranh và nhân lên niềm nhân văn cao cả của những người cùng máu đỏ da vàng, hơn thế mỗi khi họ rơi vào tình cảnh trớ trêu của lịch sử trong một cuộc chiến tranh mà những người lính chiến phía bên kia cũng chỉ là nạn nhân. Khi Minh chuẩn bị nhận án kỷ luật, cũng là lúc thủ trưởng của Minh nhận ra, anh cũng nợ một ân nhân ở... phía bên kia, người ấy chính là mẹ viên phi công tử nạn, là một bác sĩ đã cứu thủ trưởng của Minh trong một lần đánh vào trung tâm thành phố! Câu chuyện như có vẻ kết thúc, nhưng không, Minh đã từ chối mọi quyền lợi mà anh được hưởng để khoác balo về quê làm một người thợ mỏ bình dị. Người lính chiến ấy chưa qua cơn đau binh lửa cuộc chiến thứ nhất thì lại phải đương đầu với cuộc chiến thứ hai, ấy là cuộc chiến tranh biên giới ngay trên quê hương anh. Cuộc chiến tranh như chỉ thoáng qua trong một giấc mơ, nhưng Minh đã mất người vợ sắp cưới và đứa con mới hình thành trong người đàn bà mà anh yêu hết cuộc đời này chưa đủ. Nhân vật Minh như phép nhân của nỗi đau chồng nỗi đau. Anh đã gượng dậy và tiếp tục sống, tiếp tục đứng trên đôi chân vững chãi của người lính chiến để làm lụng, để tiếp tục sống có ý nghĩa với một niềm thương nhớ tột cùng về người vợ chưa kịp mặc áo cưới đã ra đi vì chiến tranh...
Câu chuyện kết thúc như một giấc mơ đẹp, có hậu, ấy là khi Minh trở lại chiến trường xưa đi tìm mộ đồng đội và anh đã gặp lại những ân nhân cũ, với một tình cảm tràn ngập thiêng liêng của những người đã qua sự chết chóc của chiến tranh trở về. Ấy là cô gái nhân hậu trong ngôi nhà có giàn hoa giấy vẫn bao năm đi tìm anh mà không tìm được, ấy là bà bác sĩ mẹ của viên phi công tử nạn, người là ân nhân của thủ trưởng đơn vị cũ, vẫn ngày đêm mong anh trở lại ngôi nhà của mẹ con bà để được tri ân; ấy là người phế binh ngụy quê Cần Thơ được anh cưu mang khi nằm ở quân y viện khi xưa… Người phế binh đã mang cả gia đình từ Cần Thơ lên để kéo bằng được “anh Hai Bắc” về quê mình để cả nhà tri ân...
Gấp Ngôi nhà có giàn hoa giấy lại, độc giả như thấy còn đọng một nỗi niềm xa xót, đau đớn của mỗi người lính - dù ở chiến tuyến nào - đều mất mát, đau khổ như nhau. Mỗi người dân, mỗi gia đình đều có những mất mát, đớn đau như nhau. Có thể nói, mặc dù cuộc chiến mà Trần Ngọc Dương đã đi qua gần nửa thế kỷ, nhưng ẩn ức chiến tranh không bao giờ vơi cảm xúc trong ông để ông cống hiến cho bạn đọc những trang viết về chiến tranh và hậu chiến tràn ngập tinh thần nhân văn, làm nhoè mờ đi sự thù hận… Tôi nghĩ có lẽ đấy chính là thông điệp lớn mà nhà văn gửi đến cho bạn đọc…
V.T.N