LAI RAI CHUYỆN ĐỜI
TRUYỆN NGẮN CỦA VŨ THIỆN KHÁI
Con gái út tôi sinh năm 1983. Giấy khai sinh ghi nơi sinh xã Tân Thạnh huyện Tân Biên tỉnh Tây ninh. Ngày ấy, Tân Thạnh còn là xã kinh tế mới bề bộn vấn đề. Thương cháu gái còn măng sữa mà khẩu phần hằng ngày chỉ toàn củ mì với bo bo, ông bà nội đem cháu lên thành phố nuôi nấng. Thị trấn Tân Châu giầu có sầm uất bây giờ chính là cái xã nghèo nàn heo hút thuở ấy. Bây giờ thi thoảng con tôi tự lái xe ô tô chở con cái về thăm bố mẹ. Có lần tôi hỏi thử: Con còn nhớ chút nào về căn nhà tranh và con đường đất đỏ ngày xưa không? Nó hồn nhiên trả lời: Thì lúc ấy cũng như vầy chứ có khác gì đâu bố. Tôi cười buồn. Tự trách mình già rồi, lẫn cẫn rồi. Lúc về thành phố ở với ông bà, nó còn bé quá, làm sao nhớ nổi quang cảnh nơi mình đã sinh ra và nông nỗi những đời người đã cùng bố mẹ phơi sương đội nắng vật lộn với hoang vu ngày ấy.
Đã qua gần bốn chục năm rồi, tuổi thêm cao khiến tôi lãng quên nhiều chuyện. Nhưng trong ký ức vẫn đăm đắm như in cái buổi chiều giữa năm 1980, chiếc xe lôi chở cả gia đình tôi đỗ xịch bên cạnh thửa vườn ngập lút cỏ tranh. Đầu vườn, nhô lên khỏi thảm cỏ dại đủ loại không tên đang thì xanh tốt bời bời, đơn độc một nóc nhà xộc xệch bỏ không, hai mái xác xơ những tấm tranh xam xám vì mưa nắng. Đấy là cái chỗ ở mấy hôm trước tôi được chính quyền xã Tân Thạnh phân cho khi đến xin nhập tịch. Ngày ấy rừng còn luẩn quẩn ở lẫn với người. Giữa vườn còn sừng sững một cây dầu thân to cỡ người ôm không hết. Những ngày mưa, chưa tới năm giờ chiều tàng lá rùm ròa của nó đã ngả bóng tím xẫm trùm kín vuông sân đất sét luôn nhão nhoét, tạo cảm giác ở đây trời xập tối nhanh hơn nơi khác. Nửa đêm hôm ấy trời đổ trận mưa rào. Cả nhà tôi phải ngồi chụm với nhau dưới tấm ni lông. Được lúc nào tạm tắt mưa thì lại rộ lên inh ỏi tiếng tắc kè. Tắc kè núp trong vườn, tắc kè trong vạt rừng gần lắm vọng về. Là cô thôn nữ mới chỉ quanh quẩn giữa làng đồng bằng bắc bộ, vợ tôi trắng đêm không chợp mắt. Hễ cựa mình lại sụt sịt: Về quê mình thôi anh. Sáng mai, khẽ dịch tấm cửa tạm bợ bằng những thân cây le vênh váo, vợ chồng tôi bước ra vườn. Sát bàn chân tôi và lùi tận mấy cọc bờ rào nghiêng ngả chỉ thấy rập rờn toàn cỏ và nhấp nhô ụ mối. Chẳng có một thứ trái cây, thứ củ nào có thể bỏ vào mồm. Vợ tôi lại thiết tha thôi thúc: Về quê thôi anh. Tôi mắm chặt môi chẳng dám trả lời. Nhìn sang nhà bên cạnh, mấy sợi khói xanh âm ấm đang là là bám vào mái tranh căn bếp thấp lúp xúp. Hơi gió đưa sang mùi củ mì luộc thơm ngọt và hơi lửa ấm áp đến nao lòng. Chỗ đầu hồi căn nhà trên rộng chừng hai chục mét vuông giống y căn nhà gia đình tôi vừa qua đêm, một thiếu phụ đứng quay tấm lưng thon thả về phía bên này, đôi cánh tay xắn lên quá khuỷu để lộ làn da trắng muốt. Dùng bàn tay vừa vốc nước rửa mặt cho đứa bé gái chừng dăm tuổi, chị vừa nhỏ nhẻ dặn hai đứa trẻ áng chừng anh chị nó đứng xếp hàng chờ đến lượt mình: “Má đi làm rồi không được đứa mô ra bờ giếng nghe con”. Tôi nhận ra chất giọng Huế nhẹ như gió thoảng. Thấy miệng giếng nhà tôi cũng trống hoác, rất nguy hiểm cho các con còn nhỏ, việc đầu tiên trong ngày, tôi chặt nhiều đọan cây tròn to cỡ cổ tay ghép lại làm tấm che, loại cây cỡ ấy trong vườn nhiều vô số. Tiện tay tôi ghép thêm tấm nữa che lên miệng giếng nhà chị hàng xóm. Chiều muộn chị mới về nhà. Tối đó chị dắt ba đứa nhỏ sang nhà tôi ngỏ lời cám ơn. Tự giới thiệu chị tên Thu, chồng là sĩ quan chế độ cũ đang học tập ngoài Bắc đã bốn năm rồi. Chị vốn là giáo viên tiểu học, rời thành phố cùng ba con nhỏ lên xã kinh tế mới này được bốn năm rồi. Ngày đi, chính quyền phường truyền đạt: Gia đình nào chấp hành chính sách tốt, tự nguyện đi kinh tế mới sẽ chiếu cố cho chồng con đang học tập sớm trở về. Đến hôm nay vẫn chưa thấy mô tê. Bốn năm biền biệt rất muốn đi thăm nuôi ba sắp nhỏ một lần mà không thể. Sắp con chị đứa lớn chưa đầy mười tuổi. Đứa nhỏ chừng gần năm tuổi. Cũng sàn sàn tuổi ba đứa con nhà tôi. Hằng ngày chị đi làm cỏ mướn, đi gọt vỏ củ mì cho mấy lò làm tinh bột. Nếu độn thêm khoai hoặc củ mì thì tiền công làm của chị cũng chỉ đủ cho ba mẹ con ngày hai bữa.
Phía bên kia đường lô, đối diện với nhà tôi là nhà một chị cũng cùng chung hoàn cảnh chị Thu. Nhưng khác với chị Thu, cái chị Thủy này có một đàn con lít nhít những sáu đứa. Đứa lớn mười ba, đứa nhỏ xêm xêm tuổi con út chị Thu. Gái sáu con mà vóc dáng chị Thủy vẫn gon gàng cao ráo mặn mòi, tướng đàn bà này dễ dàng lấy đi ba hồn bẩy vía đàn ông. Chị không đi làm mướn như chị Thu. Nhưng vẫn có tiền ngày ngày ra chợ Đồng Pan mua một giỏ đồ ăn, vẫn luôn diện tấm áo bà ba lụa màu rực rỡ thêu hoa chanh ôm khít vồng ngực căng tròn lăn lẳn, chiều chiều đung đưa đôi mông nở nang dọc con đường mới mở còn tươi đỏ màu đất rừng già. Giữa thời buổi khó khăn chị giữ được mức sinh hoạt như vậy cho một mớ con đông lúc nhúc, tôi đinh ninh chị còn kim cương vòng vàng tích trữ được từ thời chồng lĩnh lương tá, úy của chế độ cũ. Nhưng rồi một đêm khuya giữa tiếng mưa rơi lộp bộp, tôi nghe thù thì đối đáp bên cạnh ngõ nhà tôi:
- Bữa nay Thủy cùng anh vui vẻ được không?
- Í da… để bữa khác đi anh. Mấy hôm rày các ổng quần dữ lắm. Rủi bị dính, Thủy đi cải tạo, bầy con nhỏ ai nuôi?
Nhà ông tổ trưởng dân phố ở góc ngã tư xế nhà tôi, hướng mặt quay ra con đường chạy xuyên dọc xã. Hầu hết dân xã Tân Thạnh lúc đầu là người của mấy phường thuộc quận Bình Thạnh thành phố Hồ Chí Minh chuyển về. Từ người thành thị giờ đã hóa nông dân nhưng họ vẫn chưa bỏ được thói quen cái gì cũng phải kèm theo tiếng phố và mọi cung cách sinh hoạt vẫn y sì nếp phố. Hồi chưa giải phóng ông tổ trưởng chạy xe xích lô rong ruổi khắp Sài Gòn. Lên rừng lập nghiệp ông mang theo bằng được chiếc xe cà tàng thân thuộc của mình, dẫu dư biết chẳng để làm gì. Hôm tôi đến nhà ông trình giấy, vật đầu tiên tôi nhìn thấy là chiếc xích lô ấy còn đầy đủ mọi bộ phận đậu ở góc sân, mấy tấm tranh trùm lên thùng xe không giấu nổi hai bánh cao su xì hơi bẹp dí, chứng tỏ nó bị bỏ xó lâu rồi. Ông mời tôi ngồi lên tấm gỗ tròn cưa làm ghế đặt dưới tán cây chùm ruột đang mùa trái chín đỏ trĩu cành. Ông bảo đất ở đây tốt quá. Bỏ cây gì xuống cũng lớn mau như thổi. Vừa uống ly nước lá rừng nhằng nhặng, vừa quan sát hàng râu con kiến đen nhánh, mái tóc xoăn tít và đôi mắt hơi buồn buồn vẻ bất cần của người đối diện, tôi thầm đanh giá ông này chắc đã từng là dân giang hồ xa lộ khi xưa. Tôi đưa sổ tạm trú, ông chả buồn xem. Bảo cất đi. Cũng chả buồn ghi vào sổ của ông. Ông giải thích: Vài năm nay kẻ trốn đi, người chuyển đến rối mù. Liệu anh có trụ được lâu không? Cái nhà anh đang ở đã qua bốn, năm đời chủ rồi đấy. Người chủ trước anh là một tay miền trung mới ở được chừng ba tháng đã bị xộ khám cách nay hơn một tuần vì tội lấy cắp bình ắc qui máy cày. Vợ con hắn nửa đêm bán sới đi đâu chẳng biết. Khỏi ghi sổ để đỡ mất công gạch xóa chứ chả có ý gì đâu. Tôi tò mò hỏi sao ông chưa phắn về thành phố. Ông đáp: Ở đây đừng lười thì sống được anh ạ. Vả thấy thương cái đất này rồi, lại cũng không nỡ chia tay những anh em từng chịu hai sương một nắng với mình tự buổi khai hoang vỡ đất.
Cứ tưởng hôm mới đến vợ tôi hai lần nghèn nghẹn bên tai: Về quê thôi anh; Cứ tưởng cái tình hình như ông tổ trưởng chân tình thổ lộ, gia đình tôi sẽ biến đi đâu đó thật rồi. Vậy mà chúng tôi đã trụ được ở cái đất này không phải một năm mà mãi đến bây giờ. Gần bốn chục năm đi qua rồi chứ ít ỏi gì đâu. Có lẽ một phần nhờ lời ông tổ trưởng bữa ấy đã bùi ngùi lặng thấm vào tôi nên ngày một ngày hai, tháng này qua tháng nọ, gia đình tôi đã hòa nhập được vào cuộc sống nơi đây. Tự trong lương tâm, vợ chồng tôi cũng như ông tổ trưởng đã không nỡ chia tay những người hàng xóm tốt bụng. Thêm một ngày gần gũi lại biết thêm một số phận éo le họ âm thầm cam chịu. Nghèo khó vậy mà chẳng một ai từ chối chia nhau lon gạo cuối cùng.
Bây giờ nếu có người hỏi mấy chục năm qua ông nhớ nhất chuyện gì? Chẳng cần suy nghĩ tôi sẽ nói rất thật thà: Nhiều lắm. Nhưng ấn tượng nhất vẫn là mấy ngày tết Nguyên Đán năm đầu tiên, sau sáu tháng tôi cùng góp vui chia buồn với tư cách là một thành viên cùng tổ, cùng láng giềng của nhau ở cái xã tận cùng heo hút ấy.
Ấy là buổi chiều chỉ còn dăm bữa nữa đến ngày mồng một tết, vợ tôi đang chuẩn bị mấy cuộn lá chuối để gói bánh chưng thì một chiếc xe ô tô chạy than ậm ạch như bà lão hết hơi lết bánh đỗ giữa ngã ba đường. Ông trưởng công an xã cùng một nhân viên xuống xe rồi chậm rãi vào nhà chị Thủy. Lúc sau, nghe tiếng mấy mẹ con chị líu quíu ôm nhau cùng khóc, tôi chạy sang chứng kiến cảnh ông công an đang đọc giấy triệu tập chị lên huyện với thời hạn mười ngày. Lý do phải cách ly những đối tượng tệ nạn, lưu manh để đảm bảo an ninh trong những ngày lễ tết. Trong lúc ông trưởng công an chưa biết xử trí ra sao, tôi ái ngại nói với ông: Tết nhất đến nơi rồi, ông bắt chị ấy đi dù chỉ tạm thời, vậy sáu đứa lít nhít này ai lo cho chúng? Nhận thấy vẻ mặt ông lộ vẻ bần thần, tôi mạnh dạn bồi thêm: Hay là ông báo cáo chị ấy đang bị bệnh cho tạm hoãn. Sau một lúc ngần ngừ, ông trưởng công an nhân từ đã đồng ý với điều kiện chị Thủy cam đoan không tái phạm nữa. Ngay tối ấy, chị sang nhà tôi than thở:
- Em chỉ biết buôn bán xưa nay, một nách sáu đứa con nhỏ dại ở cái chốn phải mạnh tay cuốc đất lật cỏ mới moi được củ khoai củ mì mà bỏ vào mồm, chân yếu tay mềm em làm sao đương nổi. Cực chẳng đã mới phải chịu mặt dầy mày dạn bán thân nuôi lấy đàn con. Gắng sống đợi ngày ba sắp nhỏ được nhà nước khoan hồng cho về rồi sẽ tính anh chị ạ. Ai thông cảm em mang ơn, ai khinh miệt em đành chịu vậy.
Tôi nhớ khoảng hai năm sau chồng chị được nhà nước cho về. Nhưng chị đã bất ngờ để lại bức thư xin lỗi chồng, xin lỗi các con rồi lặng lẽ bỏ đi sau một tuần cả nhà đoàn tụ vô cùng vui vẻ. Cả tháng trời anh chồng gửi đàn con nhờ chúng tôi trông giúp rồi thiểu não đi khắp chốn tìm vợ. Nhưng vẫn chẳng thấy tăm hơi. Đâu vài năm sau nữa, gia đình anh sang Mỹ định cư theo diện HO. Hôm cha con khăn gói về thành phố, anh buồn bã chia tay vợ chồng tôi và để lại mấy lời gan ruột, đai ý: Thực lòng anh chẳng muốn làm thân tha hương ăn nhờ ngoại quốc. Nhưng hoàn cảnh gà sống nuôi con, anh không thể cho chúng ăn học nên người. Đành phải gạt nước mắt làm kẻ vong quốc lần nữa vậy. Kể từ đó, chả ai biết chị Thủy đang trôi dạt nơi nào. Tôi nghĩ lòng tự trọng của chị đã thắng cả tình mẫu tử.
Cũng đêm ba mươi tết năm ấy mới khỏang tám giờ đã tối đen như mực. Ngoài đường vắng tanh vắng ngắt. Dù vậy trong mỗi căn nhà vẫn le lói anh đèn và thoang thỏang mùi hương trầm gợi nhớ. Theo phong tục cả nhà tôi ngồi thức cùng nhau đón giao thừa và đợi nghe hàng xóm đốt pháo mừng xuân. Ngớt tiếng gió từng cơn từ rừng thồi về cơn cớn mùi rét ngoài bắc, dôi vào căn nhà vắng lặng của chúng tôi chỉ còn ầm ì tiếng máy ô tô, chắc là chuyến cuối cùng đổ khách xuống ngã tư Đồng Pan về ăn tết. Rồi im ắng. Rồi lát sau tôi nghe văng vẳng tiếng người từng chặp gọi tên ai đó cứ rõ dần: Khánh ơi… Linh ơi… Nhà con ở đâu? Đúng là tiếng bà già gọi con vuốt dài trong gió rừng đêm. Chợt nhớ ra Khánh là tên chồng chị Thu, Linh là tên thằng con đầu của chị. Tôi chạy gấp ra cổng thì đã nghe líu ríu: Mạ ơi! Chúng con ở đây. Mạ ơi chúng con ở đây. Mấy nhà chúng tôi cùng xách đèn chạy đến chứng kiến một cuộc hội ngộ thật là cảm động. Bà cụ hom hem ấy là má chồng chị Thu từ Huế lặn lội vào đây tìm con cháu. Cụ kể sau ngày giải phóng biết tin thằng Khánh đã đi học tập, lại nghe tin vợ con nó dắt díu nhau đi kinh tế mới rồi. Biết tình cảnh con dâu sức vóc tiểu thư thì mần răng kiếm nổi cái ăn cái mặc cho một bầy con nhỏ. Nhưng kẹt nỗi đứa em thằng Khánh bao năm chui nhủi trốn lính đến nỗi chẳng dám lấy vợ, đợi được đến lúc sắp giải phóng thì vô phước bị mảnh đạn găm vào cột sống, nằm liệt mấy năm trời. Bỏ con này nuôi cháu kia sao đành. Mấy năm nay lòng dạ tôi đêm ngày cứ như lửa đốt. Cuối tháng trước, Trời Phật thương tình đã rước em nó đi cho đỡ khổ phần thân xác. Lo hậu sự cho con xong, tôi lập tức lặn lội tìm mạ con thằng Linh này. Dù đã cận kề ngày tết, tôi vẫn nôn nóng quang gánh lên tầu. Tới chỗ nhà cũ của nó mới biết chúng nó ở đây. Lúc nãy tôi gọi cầu may, vậy mà tìm đúng chỗ. Đúng là Phật Trời có mắt thương tình.
Từ đấy, ngày ngày cụ làm bánh bột lọc ngồi bán ở chợ Đồng Pan. Tình cảnh nhà chị Thu cũng bớt gieo neo một phần. Anh Khánh được ra trại, ở với má đâu được hai năm thì cụ mất. Ít lâu sau có chương trình HO của chính phủ Mỹ, anh không đăng ký ra đi. Anh bảo với tôi: Trước giải phóng tôi đã tu nghiệp mấy năm bên ấy. Xã hội Mỹ người da màu chẳng sung sướng gì đâu. Mấy năm nay đời sống nước mình mỗi ngày một cải thiện, cởi mở. Vợ tôi đã được gọi đi dạy lại, các con tôi đều được học hành, tôi chả mơ ước cao xa gì anh ạ. Vả mộ phần má tôi hiện ở đây, tôi đã coi nơi đây là quê hương thứ hai của mình rồi.
Vẫn cái Tết đầu tiên ấy, tôi còn một chuyện muốn kể ra đây. Hôm ấy đã là mồng ba tết, ông tổ trưởng muốn cả tổ có một bữa liên hoan đạm bạc. Chúng tôi bàn nhau mãi chẳng nghĩ ra cách nào. Đùng cái, ông Thần Rừng thương tình đã tặng cho cả tổ một món quà đầu năm trên cả tuyệt vời. Số là chẳng biết cơn cớ gì, đang giữa trưa ngày mồng ba, một chú mển non lớ ngớ xuất hiện giữa đường lô. Lập tức mười mấy em choai choai hùa nhau vây bắt. Hốt hoảng chú ta chui tọt vào bếp một nhà. Thế là bị tóm gọn. Đêm đó hầu hết mọi người trong tổ dân phố chúng tôi tập trung ở nhà ông tổ trưởng. Một cuộc liên hoan mừng năm mới diễn ra vui vẻ tưng bừng. Thịt mển non được mấy bà đầu bếp nấu khéo ngon như đặc sản nhà hàng năm sao. Rượu nhà nào có bao nhiêu góp lại bấy nhiêu. Chả biết bao nhiêu lít. Đều là rượu củ mì tự nấu vừa chua vừa đắng. Do vui quá nên chẳng ai chê, ai cũng uống say sưa đến tít thò lò. Cánh đàn ông chúng tôi bá vai, bá cổ mời nhau. Ông này lè nhè: Hồi đó anh với tôi, người chân bốt-đờ-sô, người dép râu, bắn nhau cái đòm. Ông khác tỉnh táo hơn: Ê thằng Tám phải nói vầy mới đúng. Bây giờ giải phóng rồi, thống nhất rồi, là huynh đệ chi tình một nhà rồi. Chính phủ dạy thế. Chúng mình nên hân hoan như thế mới phải. Rồi chúng tôi hát. Tôi khàn khàn vịt đực: Đời là một khúc quân hành. Ông Tám ồ ề: Chiều mưa biên giới anh đi về đâu. Người khác cao giọng: Anh ơi sáu mươi năm… sáu mươi năm cuộc đời. Tranh nhau mà hát, nối nhau mà hát. Cứ như là chúng tôi chưa bao giờ là đối thủ của nhau trong một cuộc chiến vô cùng ác liệt mới vừa chấm dứt vậy.
Sáng hôm sau, chưa hết cơn phấn khích, ông tổ trưởng lịch kịch sửa chữa chiếc xích lô rồi chạy ra đường. Vừa đạp ông vừa vẫy gọi bầy trẻ lên xe. Hết tốp này đến tốp khác ông chở chúng một vòng quanh xã. Tới cửa mỗi nhà ông dừng xe lễ phép:
- Tới nơi rồi xin quí khách xuống xe. Nói rồi ông cẩn thận hạ càng cho những đứa bé nhất bước xuống. Chả biết ai bày cho mà bọn trẻ biết xếp sẵn tập lá mai vàng óng, nâng hai tay rồi cùng đồng thanh:
- Chúng cháu cám ơn ông ạ. Chúng cháu xin gởi ông chút tiền gọi là mừng ông năm mới, chúc ông quanh năm đắt khách.
Tôi để ý thấy ông tổ trưởng chớp chớp đôi mắt ngân ngấn nước rồi thận trọng cất nắm lá vào túi áo. Có thể ông rưng rưng thương nhớ nghề xưa. Có thể ông đang vô cùng hạnh phúc.
Chỗ ông tổ trưởng hơn ba mươi năm trước dừng xe xich lô và có cuộc đối đáp cảm động với bọn trẻ trong chiều mồng hai tết ấy, nay đã mọc lên căn nhà bốn tầng lầu của một công ty kinh doanh đồ cao cấp. Thị trấn Tân châu đã vâm váp vươn ra bốn con đường phố rộng thênh thang, dài tít tắp. Đêm đêm những dãy đèn đường rực rỡ soi sáng những căn lầu, căn phố kinh doanh sang trọng đứng chen nhau chào đón những khách hàng mặt mày rạng rỡ chen nhau mua sắm.
Tân châu bây giờ chả còn tí dấu vết gì của cái xã kinh tế mới ngày xưa nữa. Đứa con gái út tôi không nhớ được gì cũng phải.
|
Ông tổ trưởng qua đời đã mấy năm rồi. Những người bạn tết xưa bá vai bá cổ tôi cùng hát chỉ còn lác đác, để lại trong ký ức tôi một thời thân thương chẳng dễ gì quên.
Người gửi / điện thoại