bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 0855890003

CÁM ƠN ANH ĐỨC BÌNH CỘNG TÁC!CHÚC ANH VUI KHỎE!

 

ĐỨC BÌNH

Xin cám ơn BAN BT trang TÁC PHẨM VÀ BẠN ĐỌC !

 

VŨ NHO 085 589 0003

Tôi không xem chương trình VUA TIẾNG VIỆT. Cứ theo những gì bác Đinh Y Văn tường thuật thì đích thị là TRÒ CHƠI Đoán từ. Người nhìn từ trong Từ Điển, nói "chữ" đầu của từ, rồi nói "chữ" sau. Người kia...

 

Đinh Y Văn

Trân trọng cảm ơn Tổng biên tập đã dành sự quan tâm đến bố con cụ Đinh Y Văn!

 

Đinh Y Văn

Xin có lời thưa lại, hình như cụ ĐYV bị quy oan là “lơ mơ” ?! Tên chính thức vòng 2 chương trình Vua tiếng Việt là GIẢI NGHĨA, không phải là ĐOÁN TỪ bác ạ.

 

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ BÁO, NHÀ NGHIÊN CỨU NGHIÊM THỊ HẰNG!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 38
Trong ngày: 51
Trong tuần: 912
Lượt truy cập: 773161

LÀNG CỬA NGÕ MẶT TRẬN

Hữu Phương

LÀNG CỬA NGÕ MẶT TRẬN


    Cụ Muôn bồn chồn chờ. Ơn trời, cuối cùng cũng tìm được con trai về. Tất cả là nhờ thằng Được. Bị hắt hủi, không thừa nhận, nhưng nó không lấy làm điều. Nó vẫn dõi theo bước chân người đàn ông mà nó gọi là cha. Cách nay ba hôm, trong bữa cơm tối, nó bật khóc. “Mệ ơi, cha cháu ốm rất nặng. Đang nằm ở một bệnh viện xa”. “Răng cháu biết?”. “Dạ, cháu đọc được thông báo của bệnh viện tìm thân nhân bệnh nhân...”
Ông Bân tỉnh giấc. Xung quanh yên ả lạ thường. Mùi hoa xoan hoa bưởi thơm xa ngái. Lại có mùi vôi vữa, mùi véc ni mơ hồ. Mình đang ở đâu đây? Căn phòng sơn tít màu cà phê sữa nhạt, sáng dịu dàng. Trần nhà sơn trắng được phào những đường nét hoa văn trang nhã. Phía cuối tường, một cánh cửa mở vào buồng tắm, buồng vệ sinh khép kín. Bên nách, cửa sổ mở ra vườn. Nghe lao xao tiếng chim buổi sáng. Ngỡ ngàng, ông vùng dậy. Chợt nhớ ra thằng Được. Tối qua nó dìu ông vào chỗ này, bảo đây là phòng ngủ của cha. Mê mệt, ông ngủ một mạch đến giờ.

   Xoay cánh cửa buồng, bước ra. Ông hốt lên bởi gian bếp sáng choang. Một bàn đá đen hình chữ L, nép theo hai mặt của hai bức tường. Trên đó, một bếp ga chìm, một la va bô rửa chén. Trên cao một tầm với là cái tủ bếp bằng gỗ, cũng chạy theo mặt bàn đá. Nhờ ánh sáng từ cửa sổ, ông nhận ra mạ đang ngồi bên bộ bàn ăn hình trái xoài. Mái tóc bạc trắng. Da mặt nhăn nheo. Chợt cái miệng móm nhoẻn cười. Đôi mắt mờ đục cũng cười. Độ lượng.  
“Lại ăn sáng đi con!”
Ông Bân run rẩy tiến lại, sụp xuống.
“Con lạy mạ! Con... là đứa con bất hiếu.”
“Chuyện qua rồi…”
Cụ Muôn hiền từ đưa tay vuốt mái tóc lốm đốm bạc của con trai. Ngày nào nó đi tóc còn xanh mướt, dày mượt. Giờ nó về tóc xơ cứng như rễ tre, trán lại đầy nếp nhăn thế này. Cụ xa xót nhận ra hai mạ con già cỗi cả rồi.
“Chừ con đã về, có cha con, có ông cháu, có nhà cửa đề huề. Chỉ thương con Thuyến...”

Nghe nhắc tên vợ ông Bân giật mình lật đật đứng dậy đi ra phía gian thờ. Bậc trên thờ thần phật, tổ tiên. Bậc tiếp dưới là ông bà, người thân. Ông thắp nhang tạ lỗi cùng tổ tiên rồi rưng rưng nhìn vào gương mặt Thuyến trong khung ảnh. Người con gái đẹp nhất làng thuở ấy đã về làm vợ ông. Cho đến chết nàng vẫn dằn vặt về tội lỗi đã gây ra cho ông thời loạn li.
“Anh xin lỗi em. Anh là một thằng ích kỉ, cố chấp...”
Ông Bân đưa tay chẹn cơn tức nhói lên từ ngực. Cơn tức cuốn ông trở lại ngày đầu tiên trở về sau cuộc chiến. Trên lưng là ba lô cùng cái khung xe đạp cuốn băng và con búp bê toòng teng, Bân bước vào sân. Thuyến đang khom người quét nhà. Vẫn là tấm lưng thon và đôi mông mẩy. Nàng ngẩng lên, sững người, lao ào vào vòng tay chồng. Những giọt nước mắt nóng bỏng chờ đợi tuôn trào. Bân ôm vợ, hít hà những hơi thật sâu mái tóc dày thơm mùi bồ kết.
   Ngày đó Bân đã cố tình không báo tin mình được trở về để mạ và vợ bất ngờ. Nhưng chính Bân mới là người bị bất ngờ trong tình huống không thể tưởng tượng. Mạ lật bật đánh rơi chiếc gáo múc cám đánh xoảng xuống sân khi thấy một thằng bé chạy đến túm quần Bân nói “Cha ơi! Con chờ cha lâu lắm rồi...”
“Bân! Vào uống thuốc đi con! Vợ chồng thằng Được bảo bệnh của con là phải đông tây y kết hợp.”

   Cụ Muôn giục con trai cốt để kéo nó khỏi những nỗi buồn xưa. Cái nỗi buồn mà cụ là người phải chứng kiến khi còn là một bà Muôn. Đã từng xử lí nhiều tình huống éo le trong hoàn cảnh bom đạn ngặt nghèo, nhưng vào giây phút trở về sau cuộc chiến của con trai đầu óc bà tối mò. Khi thấy thằng Được níu quần con trai bà đón đợi cái nhìn của cha, bà đã luống cuống lủi nhanh vào bếp. Thuyến giật mình, mặt tái dại buông tay chồng chạy vào buồng đóng cửa. Ngoài sân, chỉ còn Bân với thằng bé năm tuổi hồn nhiên, bạo dạn. “Cháu con ai, tên chi?”. Bân xoa đầu nó hỏi, tay lục gói kẹo trong ba lô. Hẳn Bân nghĩ cậu bé con hàng xóm sang chơi. “Con là con của cha. Cha không nhận ra răng? Con tên Được. Nhiều lần con dặn mạ viết vào thư...”. Bân choáng váng hiểu thái độ sợ hãi của vợ. Bữa cơm đoàn tụ gia đình vì thế trở nên gượng gạo. Ai cũng cúi gằm, nhai gắp, tránh ánh nhìn của nhau. Miếng cơm trong miệng như rơm khô. Ăn xong cụ Muôn kéo thằng Được đi ngủ sớm. Trong buồng Thuyến nằm quay mặt vào tường nước mắt ngắn dài. Bên ngoài Bân trầm lặng với bóng mình in hằn trên vách cạnh chai rượu trắng và gói thuốc lá. Khuya, Bân đem võng mắc dưới gốc cây ngoài vườn. Một đêm, hai đêm. Rồi một tháng, hai tháng...

   Cụ Muôn run run rót thuốc từ phích nóng ra bát. Mùi thuốc thơm hắc, ngào ngạt. Ông Bân bưng chén thuốc uống một hơi. Cụ nhìn sắc mặt con trai, trong bụng lấy làm mừng.
Ông Bân nhìn mạ thầm biết ơn.
Ngày đó Bân đau đớn như xát muối trong dạ. Rượu cũng không giúp Bân khuây khỏa. Đêm đêm, nằm trong mớ tăng võng Bân đánh vật với nỗi nhục nhã ê chề, cảm giác như bị cầm tù trong chính ngôi nhà của mình. Bữa cơm hai vợ chồng không ai nhìn mặt ai trở thành cực hình. Thuyến và cơm chan nước mắt. Bân uất nghẹn. Ôi, người vợ mà Bân thương nhớ suốt những năm chiến trận giờ ngồi ngay trước mặt mà sao xa xôi quá. Cái thân thể nồng nẫy kia đã dâng cho người đàn ông khác. Cuộc tình vụng trộm để lại chứng cớ chọc tức, trêu ngươi. Bân không ghét thằng bé. Nó vô tội. Nó yêu Bân bằng tình yêu của đứa con bao năm chờ cha ngoài mặt trận. Nhưng cứ nhìn nó, cơn mây mưa hoan lạc của họ lại kéo đến khiến đầu óc Bân muốn nổ tung. Hiểu được tâm trạng của Bân, mạ quyết định ngăn khu vườn làm đôi, đánh dấu bằng hàng mít. Một tuần sau, túp lều của hai bà cháu dựng xong. Ngôi nhà cũ là của vợ chồng Bân. Thằng Được ra ở với bà và chỉ được về thăm mẹ khi Bân vắng nhà. Dù thế Bân vẫn không thể nguôi giận. Bân đày đọa Thuyến hay đày đọa mình? Sự nhẫn nhục cũng có giới hạn. Một bữa, Thuyến muốn rạch ròi cho xong. Nàng chống đũa. Mặt cúi gằm. Tóc rủ che một phần khuôn mặt. Giọng nhòe nước mắt. “Anh để em đi đi!”. “Cái gì hả? Muốn li dị?”. Bân dằn đôi đũa xuống mâm thay câu trả lời.

   Cho đến một đêm. Mưa. Cơn mưa mùa hạ. Nước rỏ từ mái tăng? Hay nước mắt Bân? Người Bân lạnh buốt. Bân bì bõm trong võng nước. Bân ú ớ thấy mình bị trói cứng vào cọc gỗ, mồm bị nhét đầy giẻ, mắt mở trừng trừng. Đối diện Bân là một khuôn mặt trùm khăn đen chỉ chừa đôi mắt đỏ. Họng súng nhắm vào Bân lóe lên. Vậy mà đạn cứ bay sát sạt không chịu găm vào người. Rồi bỗng đâu tất cả tan biến. Bân thấy mình nhẹ bẫng. Đôi cánh tay trần đã nâng Bân lên, dìu Bân đi qua mưa rây vào trú trong phòng kín. Bân lịm một giấc ấm. Cái ấm làm Bân giật mình, tỉnh ngủ. Bân nhận ra mình đang nằm trên giường. Còn Thuyến trải chiếu nằm co ro dưới đất. Bân nhảy khỏi giường bế xốc Thuyến lên. Thuyến mềm lả. Cả hai vục vào nhau. Nước mắt tuôn trào mặn chát...
“Làng mình giừ đã lên thị trấn rồi đó con.”
Cụ Muôn thông báo cốt để con trai vui. Nhưng trong đầu cụ lại nhớ về ngày xưa.
 

*
*      *

   Làng nằm ở thượng nguồn bờ bắc sông Bến Hải nên được gọi là Làng cửa ngõ mặt trận. Quân đến quân đi nối nhau. Làng không khi mô vắng lính. Nghỉ lại một đêm, hai đêm. Dưỡng sức. Lấy hơi. Chuẩn bị tinh thần.
Bộ đội ngủ dưới các căn hầm chữ A rải rác trong khu vườn. Cây xanh phủ như rừng. Mít mọc xếp hàng. Tiêu xây những tháp xanh. Rồi bưởi, rồi na. Vòng ngoài là cây lấy gỗ. Đất ba zan từng vỉa nâu, cây vườn như gặp bạn tri kỉ xanh tốt bời bời. Tán che rợp vườn. Che các con hào. Che những căn hầm. Chim cũng hồn nhiên hót. Không biết có bom thỉnh thoảng rơi.
Đôi khi bà Muôn nghĩ trời biết có cuộc chiến tranh này nên đã sinh ra làng ni từ những năm năm bảy, năm tám. Thoạt đầu là làng công nhân các lâm trường trồng, khai thác rừng. Mặc sức khoanh. Đất vườn rộng hàng mẫu. Về sau do chiến tranh, dân sơ tán lên, làng thành đông đúc.

   Tiểu đội của thằng Bường đóng trong vườn nhà bà. Ban ngày chúng bắn máy bay địch, ban đêm canh gác cẩn mật đề phòng biệt kích, thám báo bất ngờ đổ quân. Khoảng rộn ràng duy nhất của bộ đội là lúc ngày sắp qua, đêm chưa đến. Đứa mô cũng tranh thủ cắt tóc, tắm giặt. Cơm nước xong, chúng ngồi trên bờ hào hay dưới gốc cây đàn hát, nói chuyện tếu.
   Thỉnh thoảng bà sai con dâu luộc một nồi quân dụng sắn mời bộ đội. Những thằng lính của bà đứng ngồi lố nhố trong sân. Sắn đổ ra hai cái sàng lớn ngùn ngụt khói. Tay bốc. Miệng thổi xì xà xì xụt. Chúng hau háu không khác thằng Bân khi còn ở nhà. Đáp lại tình cảm, thằng Bường, thằng Du thường bổ củi, bóc vỏ sắn, kéo nước dưới giếng sâu giúp mẹ con bà. Tay làm, mắt chúng ngó liếc đôi bắp chân tròn lẳn của Thuyến. Bà thầm mắng yêu, tổ cha bay đồ dại gái. Nhưng miệng lại cười, thanh niên mà. Chúng chỉ ở có ba ngày chứ mấy.

   Thằng Bường quê ở vùng chiêm trũng Bắc Bộ. Bường kể quê nó gỗ lạt hiếm hoi, quanh năm đun bếp bằng rơm rạ. Đôi khi thiếu phải lặn đầm lặn sông vớt rêu lên phơi đun. Một hôm nó nói: “Nhà mạ cũ quá rồi, cần phải làm lại. Muốn làm nhà tốt phải trồng xoan. Thứ này mau cho gỗ lại không bị mối mọt. Một ngôi nhà toàn gỗ xoan sáng như gương là mơ ước ngàn đời của người dân quê con đó mạ”. Hôm sau Bường đem đâu về một bọc hạt xoan. Chỗ nào còn đất trống là nó lấy cuốc khơi nhẹ đất tra hạt vào. Khi ấy bà nghĩ thằng Bường cũng chỉ như bao thằng lính trẻ khác đã từng ở nhà bà, cho ăn thì nhận, thấy việc thì làm. Bà không hay con dâu bà và Bường đã có tình ý với nhau.
   Khi tinh mơ bà thường đưa mấy con bò ra cuối bìa rừng thả cho chúng ăn rồi về làm việc nhà. Nhưng sáng ấy vừa về đến ngõ bà đã thốt giật mình. Lố nhố vòng trong vòng ngoài, nhiều khuôn mặt lính ngay trước cửa buồng Thuyến. Sắc mặt đứa mô cũng đăm chiêu, lo lắng.

   Bà lấy lại vẻ điềm tĩnh hỏi: “Có chuyện chi rứa tụi bay?” rồi bước vào cái khoảng sân trống đưa mắt nhìn một vòng. Cậu Du lưng áp cánh cửa buồng, tay ôm mớ quần áo vày lại một bọc, nụ cười nửa miệng, sắc mặt không giấu nỗi đắc chí. Cậu tiểu đội trưởng nói lí nhí “Thưa mạ, chúng con chờ mạ...”. “Tụi bay chờ tau?” Bà nói, đầu đã hình dung đôi chút sự việc. Cậu trung đội trưởng bước lên, đứng nghiêm, cúi đầu, lễ phép thưa: “Báo cáo mạ đã có chuyện không hay...”. “Chuyện ra răng, mi nói rõ cho mạ nghe!”. “Đồng chí Bường và cô Thuyến...”. Lòng bà sôi lên. Mắt hoa cà hoa cải. Chao ôi dâu với chả con. Đồ hư hỏng. Đẹp mặt chưa? Rồi biết ăn nói răng với bà con xóm giềng, với thằng Bân?
   Vòng trong vòng ngoài lặng phắc chờ cơn giông bão của bà mẹ chồng trước đứa con dâu hư đốn. Ai cũng hình dung bà sẽ lao đến giật tung cánh cửa buồng. Và ngay tức khắc phơi ra trần truồng đôi gian phu dâm phụ.

   Nghĩ lại bà thấy lạ cho mình. Lúc đó bỗng nhiên bà hạ cơn hỏa dù mặt nóng bừng bừng. Trong cổ họng đang tắc nghẹn của bà tiếng nói vẳng ra khẽ khàng “Thôi các con về đi.” Bà bước đến đưa tay định lấy gói quần áo của Bường và Thuyến mà Du đang ôm khư khư trong lòng. Có lẽ khi bà đưa bò đi, Bường lẻn đến. Giờ giấc ấy hẳn chúng nó đã nháy cho nhau đầu hôm. Nhưng kẻ có tình, người rình có ý. Du mò theo. Cửa buồng khép hờ. Chờ cho đôi trai gái chìm trong mây mưa, Du đẩy cửa vào vơ nhanh toàn bộ quần áo đắc thắng lao ra buộc cửa lại và báo tiểu đội trưởng, trung đội trưởng, khuơ khoắng lên với mọi người.
   Du không trao ôm quần áo cho bà. Trung đội trưởng lại bước lên: “Báo cáo mạ. Kỉ luật quân đội…”. “Mạ biết! Nhưng chuyện ni xảy ra trong nhà mạ. Tụi bay cứ để mạ giải quyết. Hỉ?”. “Không được! Thưa mạ, đây là tội hủ hóa, vi phạm chính sách hậu phương quân đội. Phải lập biên bản, trước khi...”. Du chen vào gay gắt. Bà phải quyết, không thể kéo dài. “Mạ nói lần nữa, chúng bay về đi. Với lại chuyện ni là... mạ cho phép.”

   Cả vòng trong vòng ngoài lập tức truyền đi tiếng rì rầm. Ai nấy đưa mắt nhìn nhau. Họ không tin vào tai mình. Bà nói thêm, như nói với chính mình: “Ai biết chiến tranh khi mô kết thúc? Tụi bay mai vào mặt trận biết đứa mô còn, đứa mô mất? Thằng Bường có trở về không? Thằng Bân, con trai mạ đang ở trong đó có trở về không?” Tất cả im phăng phắc. Bà thở hắt ra: “Thôi, chừ tụi bay giải tán. Ai lo việc nấy.” Như một mệnh lệnh, cánh lính tản ra. Bà giật ôm áo quần trong tay Du. Cậu ta sượng sùng bỏ đi. Sợi dây dù buộc cửa buồng được những ngón tay gầy guộc của bà run run mở. Mớ quần áo ném vào trong. Ít phút sau Bường lách mình bước ra. “Con đội ơn mạ!”. Nói xong cậu ta lẩn nhanh vào những tháp tiêu xanh ngắt trong vườn. Bà bước vào buồng ôm lấy đứa con dâu đang cúi mặt bẽ bàng. Giây khắc cả hai cùng bật khóc.
   Quân đến, quân đi, nối tiếp… Làng cửa ngõ mặt trận gần như quên hẳn chuyện khôn ba năm dại một giờ của Thuyến. Bà cũng muốn quên. Nhưng cái bụng của con dâu bà thì lại ngày một đùn lên. Bất chấp bom đạn. Bất chấp đói khổ, củ khoai củ sắn, ăn hầm ở hố. Bất chấp cái nhìn nửa con mắt của xóm giềng. Chẳng mấy chốc người Thuyến đẫy đà. Mông vú căng nhức. Con dâu bà khóc rức rưởi. Con biết làm răng chừ, mạ? Bà quát, con của mình, mình đẻ, mình nuôi. Mắc chi ai mà lo lắng sợ sệt hả con? Nhưng chồng con về, biết ăn nói răng đây, mạ? Đừng lo bò trắng răng. Thằng Bân đi biền biệt không công đẻ, công nuôi, bỗng dưng được đứa con lớn tướng hỏi có ai bằng? Mà mạ đây, cũng được đứa cháu...
 

*
*     *

  Cụ Muôn lập cập bóc đưa cho con trai múi quýt.
“Ăn đi con! Thuốc sắc chắc khắt cổ lắm.”
  Ông Bân đón lấy, nước mắt ứa ra. Ôi, bao giờ cũng là mạ, lo cho con từ những cái nhỏ nhặt nhất. Thế mà ông, chỉ khi thân tàn ma dại nằm thoi thóp đợi chết trong khu nhà trọ tồi tàn, hôi hám nơi thành phố mới nhớ mạ, nhớ nhà. Không biết ai đã đưa ông vào viện. Tỉnh lại ông bắt gặp đôi mắt Thuyến trong chiếc áo bờ lu trắng. Không, là cô y tá. Thuyến của ông đã chết...
   Sau cái đêm mưa gió bị cảm lạnh giữa vườn được Thuyến dìu vào nhà, vợ chồng Bân đã hàn gắn được với nhau. Tình cảm ấm dần lên. Nhưng cũng phải ròng rã mấy năm sau Thuyến mới có mang. Bân mừng hết chỗ nói, miếng chi ngon, con chi béo nhường hết cho vợ. Việc gì cũng giành lấy từ giặt giũ, nấu cơm. Ngày đó Bân đã bị mạ mắng yêu: “Tổ cha mi, đặt vợ lên trôốc mà đội!”

   Nhưng Thuyến sinh đứa con bất thành nhân. Chẳng thấy mắt mũi mô cả. Cẳng tay cẳng chân mềm như bún. Được hai hôm nó chết. Thuyến khóc hết nước mắt. “Mạ ơi, trời phạt con đó.” “Bậy nào!”. Hôm đó mạ nói cứng, nhưng sau đó lại bí mật lấy máu chó phết lên bốn chân giường. Đốt một chậu to quả bồ kết cùng lá rành rành bê khắp buồng. Khói um mù mịt. Vừa đi vừa lầm rầm khấn khứa. Đó là bài yểm trừ bệnh ranh con của phụ nữ truyền từ xa xưa…
   Ông Bân trầm ngâm nhìn qua cửa sổ, phía những dãy núi mờ xa. Sau lần sinh nở bất thành vợ chồng Bân rất buồn, muốn thuốc thang rồi sinh ngay đứa khác. Nhưng mạ bảo phải thư thư đợi dăm ba năm cho qua cái dớp. Bân nghe lời. Ai bày uống cây chi, lá chi, tẩm bổ những thức chi Bân đều kiếm bằng được cho vợ. Thậm chí cả việc xoay hướng giường nằm. Nhất nhất Bân đều căn ke thực hiện. Qua năm năm Thuyến lại mang thai. Bân siêng năng hương khói khấn vái tổ tiên thần phật phù trợ. Đêm Thuyến vượt cạn Bân đốt bó hương to đứng giữa sân trạm xá vái khắp bốn phương tám hướng. Rồi dừng lại phía những cánh rừng xa xăm cuối chân trời nơi nhiều bạn bè nằm lại. Đêm trước mỗi trận đánh, lính thường mắc võng nằm bên nhau thầm thì, đứa mô sống sót trở về hãy đẻ thật nhiều con bù cho những đứa không về. Bân đang thực hiện mong ước ấy. Nhưng lần thứ nhất thất bại, lần thứ hai này xin đồng đội sống khôn thác thiêng giúp rập… Nghiệt ngã thay, lần này còn tệ hơn lần trước. Chỉ là một cục thịt đỏ hỏn, hình thù kì quái. Thuyến kiệt sức vẫn cố ngoái lại xem mặt đứa con chín tháng mười ngày mong đợi. Nàng rú lên bất tỉnh...

   Bân tìm đến rượu để quên. Thuyến rơi vào hoảng loạn. Nàng gần như không còn ý thức được điều gì trên đời, thường lên cơn động kinh và mộng du dật dờ đi hết núi này sang khe khác rồi sẩy chân rơi xuống vực sâu. Còn Bân, cầm tờ kết quả xét nghiệm, Bân nảy đom đóm mắt. Bân bị nhiễm chất độc da cam nặng. Phải rồi. Có những lần hành quân qua những cánh rừng vừa trụi lá, lệnh của đại đội trưởng nhúng khăn ướt, bịt mũi, chạy nhanh. Không ai biết cái chất khai quang ấy của địch độc ác đến nhường này. Khủng hoảng cực độ trước thiên la địa võng buồn đau, Bân vét hết số tiền Thuyến dành dụm bấy lâu và tiền trợ cấp cho người bị nhiễm chất độc lận lưng ra đi. Bân chạy trốn khỏi cái làng cửa ngõ mặt trận xưa, nơi Bân hiếm hoi niềm vui nhưng dư dật buồn đau, mất mát.

*
*    *

   Vậy là nhờ phúc ấm tổ tiên nó đã trở về thay cụ làm nơi tựa đỡ cho con cháu. Cụ Muôn vừa nhai trầu vừa nghĩ. Rồi cụ rỉ rả kể chuyện về thằng Được. Từ bé nó đã giỏi, vừa đi học vừa chăm đàn bò ngoài đồng. Về nhà lại có đàn gà. Nó mát tay lắm. Gà sinh sôi, chí chóe đầy vườn. Bò cũng đẻ đều đều. Dân làng đồi được rứa là nhất hạng. Nó không thi đại học, bảo học lâu, xin việc lại khó, không kịp chăm sóc bà, chăm sóc cha. Nó chọn trung cấp trồng rừng. Tốt nghiệp về lại dắt theo cô người yêu cùng lớp ra mắt bà. Cưới xong hai đứa nhận mấy chục héc ta đất đồi trồng cao su tiểu điền. Năm giờ sáng vợ chồng đèo nhau vào rừng để thằng cu Sún ở nhà với bà. Nay cu Sún đã đi mẫu giáo bé, đã bi bô kể cho cụ nghe bao nhiêu chuyện ở lớp, cháu yêu bạn nào, quý bạn nào, lớn lên cháu sẽ lấy bạn nào…
  Thấy con trai chăm chú nghe chuyện, cụ Muôn đưa mắt nhìn khắp căn nhà nói như vô tình.
“Căn nhà này mạ dựng cho con đấy.”
  Ông Bân đi lùi ra phía cửa, đứng nhìn. Ngôi nhà hai tầng nằm giữa vườn cây ăn trái như một biệt thự tân thời với lượng gỗ chiếm phần ba. Làm được một cái nhà thế này phải tiền tỉ. Cụ Muôn như đọc được ý nghĩ của con trai.
“Gỗ lạt ở vườn nhà ta cả đó. Mi đi miết, có ngó ngàng chi vườn tược.”
Ông Bân sượng sùng, áy náy:
“Dạ. Con xin lỗi mạ. Giờ con biết rồi, mạ nạ...”

 Cụ Muôn tiếp lời:
“Cầu thang là gỗ mít mạ trồng thuở lập vườn. Khung ngoại và cửa ngoài bằng gỗ huệnh nâu sẫm là cha mi trồng thời làm lâm nghiệp. Còn bàn ghế phòng khách, lăm ri, cửa ra vào là gỗ xoan thằng Bường trồng...”
  Ông Bân kín đáo giấu một tiếng thở dài trong lồng ngực. Cái tên Bường đã từng nhói lên trong ông đủ cung bậc. Ghen tuông. Uất hận. Căm thù… Nhưng rồi thời gian... Ở tuổi bóng xế, ông cảm thấy mọi thứ đã nguôi yên. Thấy nét mặt con trai cũng nhẹ nhàng, cụ Muôn lục tìm trong túi áo đưa ra mảnh giấy gấp tư ố vàng.
“Nó cũng sống sót trở về. Đồng chua nước mặn, nghe nói vất vả lắm.”
Ông Bân đón mảnh giấy. Mở ra. Giật mình. Cố giấu cảm xúc, ông làm ra vẻ thờ ơ, miễn cưỡng nhét nó vào túi áo. 

  Có tiếng xe máy rè rè vào sân. Và tiếng trẻ con líu ríu. Ông Bân bật dậy lật đật chạy ra. Ông sững sờ. Suýt kêu lên: Thuyến! Chao ôi, cái thằng Được. Lột lạy nét mặt mẹ nó. Từ vầng trán, đôi mắt, sống mũi, cái cằm. Không cầm được, ông định ôm ghì thằng Được, nói, cha xin lỗi con. Cha có lỗi với con. Nhưng không hiểu sao ông lại cúi xuống, bế xốc thằng cu Sún lên thơm. Nước mắt ứa ra. Không nghe tiếng vợ chồng thằng Được lễ phép chào.
Trưa, cơm nước xong ông bấm thằng Được ra góc vườn lấy mảnh giấy mỉm cười đưa nó. Được cẩn thận mở ra.
“Cái chi đây cha?”
“Địa chỉ cha đẻ con đấy.”
“Rứa á? Cha!”
Chợt nhiên hai người đàn ông ôm quàng lấy nhau. Quá nửa đời người họ mới tìm được nhau. Ông Bân vỗ vỗ bờ vai rắn chắc của con, nói khẽ:
“Con sắp xếp đem cả vợ con ra thăm ngoài ấy một chuyến...”.
 

                                                         Trại sáng tác Đà Lạt, tháng 3/2016
                                                                                     H.P

 

 

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
19-07-2022 19:38:10 VŨ NHO

CÁM ƠN NHÀ VĂN HỮU PHƯƠNG VỚI TRUYỆN NGẮN HAY, GIÀU TÍNH NHÂN VĂN!

Trả lời

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)