THUYỀN THƠ NẶNG TRĨU NỖI NIỀM CÔNG DÂN
Đại tá - Nhà báo - Nhà thơ Mai Nam Thắng
“Thuyền thơ neo bến sông đời
Bốn bề sóng vỗ hát lời nhân gian
Tình người theo gió quá giang
Đem lòng mình bắc cầu sang lòng người”...
Trên đây là toàn bộ bài thơ THUYỀN THƠ, in trong tập thơ “đầu tay” của tác giả Phạm Thường Dân, do NXB Hội Nhà Văn ấn hành cuối năm 2023.
Phạm Thường Dân là bút danh của thi nhân Phạm Thành Ý, sang xuân Giáp Thìn 2024 này vừa chạm tuổi bát tuần. Câu chuyện về con Thuyền Thơ có thật của Phạm Thường Dân neo trên dòng Sông Sứ quê ông (thôn Dưỡng Thông, xã Thượng Hiền, huyện Kiến Xương -Thái Bình) đã được nhiều người biết đến, đi vào thơ và nhạc của nhiều tác giả, trong đó có bài thơ trên đây của “chính chủ” Phạm Thường Dân. Và thật là hợp lý “chuẩn chỉnh” khi tên bài thơ được chọn làm tên chung cho tập thơ tuyển chọn cả đời thơ của thi sĩ.
Tôi đã đọc kỹ THUYỀN THƠ gần 200 trang gồm 105 bài thơ và phát hiện ra câu thơ “Đem lòng mình bắc cầu sang lòng người...” trong bài thơ vừa dẫn là chìa khóa để đi vào thế giới thơ của Phạm Thường Dân. Người ta nói rằng thơ trước hết là viết cho mình, là tiếng nói nội tâm, là tâm sự riêng tư... Điều đó không có gì là cá nhân, là “ích kỷ” và Phạm Thường Dân cũng không là ngoại lệ. Nhưng những bài thơ “viết cho mình” của Phạm Thường Dân lại mong muốn “Đem lòng mình bắc cầu sang lòng người...” thì đấy là tâm thế hướng ngoại của nhà thơ, hướng tới cộng đồng tha nhân, quan tâm những vấn đề của xã hội, trăn trở với những bức xúc của cuộc sống... Cao hơn nữa đó là sự quan tâm đến những vấn đề của đất nước, của dân tộc, hòa nhập cùng những vui buồn của nhân dân. Đó là tư cách công dân của một nhà thơ. Trong bài thơ Thơ nhà-Nhà thơ, tuy giọng điệu có vẻ tự trào, nhưng ẩn chứa một quan niệm thơ hết sức nghiêm túc: Mượn say xin chớ quá lời/ Chức danh đâu phải để chơi, nói xằng/ Lương bổng nhà nước quanh năm/ Ngồi phòng lạnh viết câu răn dạy đời/ Đưa đi in ấn khắp nơi/ Tưởng đâu danh tiếng, sáng ngời: Nhà thơ... Và: Thắp niềm tin lúc gian nan/ Trong tủi cực vẫn râm ran tiếng cười...
Tình yêu đất nước và cội nguồn dân tộc bắt đầu từ tình yêu quê hương, làng xóm và những người thân yêu ruột thịt. Trong THUYỀN THƠ, ta bắt gặp ngôi làng Dưỡng Thông, nơi nhà thơ được sinh ra và lớn lên, từ đó ra đi lăn lộn với cuộc đời, trải nghiệm đủ lẽ đời, rồi cuối cùng lại trở về với dòng Sông Sứ, với ngôi nhà thân thương để được thờ cha dưỡng mẹ: Trẻ đi đất khách làm quan/ Già về với ruộng với làng làm dân (Làng). Làng là nơi có mồ mả tổ thiên: Mỗi nấm cỏ một con người/ Nối xưa xa với muôn đời mai sau/ Lắng nghe từ đất thẳm sâu/ Lời ông cha nói trên màu cỏ xanh (Với cỏ). Làng là những hình ảnh cụ thể thân thuộc: Mỗi lần qua cầu Đồng Nha/ Bâng khuâng nhớ chuyện ông cha mở làng (cầu Đồng Nha); hoặc một địa chỉ cụ thể: “Ở đâu cũng nhớ về xóm Đáy/ Vẫn tận cùng dù đã lắm đổi thay/ Thơ tôi như chiếc khăn tay/ Lau khô nước mắt những ngày cách xa...”; nhưng cũng là những khái niệm thiêng liêng rất đỗi tự hào: “Vốn dòng dõi nhà nho hiếu kính/ Thời hậu Lê hưng thịnh thái bình/ Lời cha ghi tạc đinh ninh “Trung quân ái quốc” hết mình liệu lo...” Và: “Ơn tiền nhân một thời tạo lập/ Hậu thế truyền bồi đắp đẹp tươi. Lượng trên tình, lý xét soi/ DI TÍCH VĂN HÓA rạng ngời dấu son” (Tri ân đức Thủy tổ). Bởi sự nhớ thương, niềm tự hào về ngôi làng văn hiến luôn ám ảnh trong tâm tưởng nhà thơ, nên đôi khi nói về một trò chơi tuổi thơ, cũng là dịp để tác giả gửi gắm những nỗi niềm sâu thẳm kín đáo về quê hương: “Đứt dây lần gốc tìm về/ Gặp quê hương giữa bộn bề tiếng tiêu/ Rát tay níu gió, giữ chiều/ Lửng lơ một mảnh trăng treo giữa ngày... (Thả diều). Và bởi yêu quê, thương nhớ xóm làng, nên tác giả không khỏi chạnh lòng trước những phai nhạt của hồn vía làng quê trong cơn lốc cơ chế thị trường và những mặt trái của thời hội nhập, phát triển: “Về quê không gặp bờ tre/ Mặt phơi mưa nắng đứng nghe gió hời/ Vòng tay từng ấp ôm tôi/ Chắn che bao bọc từ thời mái tranh/ Nông thôn dần hóa thị thành/ Xi măng, sắt thép tranh giành chỗ tre/ Quê giờ không giống là quê... (Nhớ tre).
Đặc biệt trong tập THUYỀN THƠ, có 4 bài thơ xếp liền nhau, làm nên một bộ “Tập đại thành” về ngôi làng Dưỡng Thông của tác giả, từ thủa sơ khai lập ấp, trải qua thời kỳ nhân dân một cổ hai tròng, cùng cả nước kháng chiến giành độc lập, tự do, thống nhất, rồi cùng cả nước hội nhập trong thời đại mới. Đó là 4 bài thơ: Lập làng; Độc Lập; Thống nhất; Hội nhập và còn thêm một phần Vĩ thanh như cái nhìn níu kéo của ngôi làng thân thương đối với những người con xa xứ. 4 bài thơ là một bản trường ca sử thi về lịch sử một ngôi làng, nhưng cũng là đại diện cho mọi làng quê Việt Nam chung giống nòi Hồng Lạc. Này đây là “chương” LẬP LÀNG: “Cây gạo Đình Trung có tự bao giờ?/ Trong Thần phả làng tìm không thấy/ Sừng sững níu thời gian đứng dậy/ Làm chứng nhân cho mảnh đất này/ Vài gia đình quần tụ về đây/ Đấu cật chung lưng khai hoang vỡ hóa/ Những rặng thông lấn ra biển cả/ Thành Dưỡng Thông tên gọi bây giờ”. Này đây là “chương” ĐỘC LẬP hừng hực khí thế cách mạng của những người dân không cam chịu mất nước, không chịu làm nô lệ: “Đảng bí mật nhen từng ngọn lửa/ Thắp niềm tin kháng chiến trường kỳ/ Những người nông dân củ mỉ cù mì/ Chiều Mả Bụt rũ bùn đen đứng dậy/ Giông bão cũng nổi lên từ đấy/ Cờ búa liềm đi đòi lại bình an”. Này đây là “chương” THỐNG NHẤT, tái hiện những năm tháng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” của cả dân tộc: “Chúng tôi lớn lên có nửa non sông/ Ruộng quả thực góp chung tay hợp tác/ Những suy nghĩ cũng mau đổi khác/ Bố và con là đồng chí cùng nhau.../ ... “Thép đã tôi” trong lửa luyện rèn/ Bao lớp học trò từ chối vào đại học/ Trình huyết đơn lên đường đánh giặc/ Giải phóng Miền Nam vang khúc hùng ca.../ ... Quân không thiếu một người, thóc không thiếu một cân/ Góp lửa hậu phương chống chiến tranh phá hoại/ Những thần sấm, con ma, B52... cháy rụi/ Lát đường xe tăng nghiền nát Phủ đầu rồng... Và đây là làng quê thời HỘI NHẬP, cũng chính là hình ảnh thu nhỏ của đất nước, bắt đầu từ những thành tựu xây dựng “Nông thôn mới”, đến những kỳ tích thời công nghiệp hóa-Hiện đại hóa: “Hướng tới tương lai khép lại đau thương/ Cùng cả nước quê tôi tưng bừng hội nhập/ Những địa danh đói nghèo xưa dần mất/ Diện mạo nông thôn thay đổi từng ngày.../...Đồng mẫu lớn tầm nhìn mở rộng/ Đổi mới nông thôn làm cuộc đổi đời/ Người Dưỡng Thông ở khắp mọi nơi/ Khác chính kiến, chung lòng yêu làng xã/ Trăm sông đều đổ về biển cả/ Xây dựng quê hương ngày một đẹp giầu”...
Tri ân tổ tiên, tự hào dòng họ, yêu quê hương làng xóm, trăn trở với những đổi thay tốt đẹp và chưa đẹp của làng quê... là những “chỉ dấu” của ý thức công dân. Ý thức đấy khiến nhà thơ luôn gắn bó với hiện thực trong suốt quá trình lịch sử của làng quê và đất nước; gắn kết, song hành cùng đời sống và số phận của đất nước, của dân tộc. Cuộc đồng hành ấy vẫn tiếp tục tới ngày hôm nay, trong sự đổi mới của đất nước. Ý thức và trách nhiệm công dân của nhà thơ không chỉ phản ánh hiện thực xã hội mà còn có tính dự báo về những vấn đề rộng lớn của xã hội và những vấn đề lớn lao của dân tộc. Bài thơ dài “Chuyện nhà tôi” là một tiếng nói kín đáo của tác giả, đề cập một vấn đề lớn của đất nước, thông qua câu chuyện người láng giềng của “nhà tôi”: “Chẳng bao giờ hắn để tôi yên ổn/ Luôn âm mưu lấn cõi giữa hai nhà/ Hàng cây tổ tiên ngàn đời để lại/ Không chứng từ hắn nhận của ông cha/ Ao nhà tôi hắn ngang nhiên lập thổ/ Đuổi đánh con tôi thả lưới, quăng chài/ Càng nhẫn nhịn hắn càng lấn tới/ Đánh trống la làng, giơ nắm đấm giương oai”... Không chỉ trình bày hiện thực vô lối, tác giả còn ngẫm ra thế ứng xử “trong ấm” để “ngoài êm”, loại trừ những mối đe dọa từ bên ngoài, mặc dù là rất khó khăn phức tạp:
Bài toán khó tìm ra lời giải
Cho hôm nay và cho cả mai sau
Người trong nhà lại năm bè, bảy mối
Biết nghe ai muốn vỡ cái đầu!
Thịnh vượng, vững bền bờ cõi dài lâu
Thoát hàng xóm đi đâu có dễ
Theo hàng xóm là điều không thể
Tránh đối đầu nuôi chí lớn vươn lên.
Tình yêu đất nước bao hàm sự tri ân với những thế hệ người có công với tổ quốc, với nhân dân. Trước hết đó là những anh hùng, liệt sĩ đã xả thân vì Độc lập -Tự do của dân tộc. Tác giả mượn lời một người vợ Liệt sĩ trong bài thơ “Giữ lời”:
Cầm lời hẹn ước anh đi
Dài theo kháng chiến trường kỳ gian lao
Ngóng trông mắt đã thành ao
Non sông một dải người sao chưa về...
Hoặc có khi mượn lời một người vợ có chồng đang canh giữ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc: “Em là một trong chín chục triệu người/ Đang ngày đêm hướng về biển đảo/ Mong biển bình yên - dẫu lòng giông bão/ Thiệt riêng em đâu có đáng kể gì”... Bài thơ Giả chân - chân giả tuy dùng hình thức trào lộng chơi chữ, nhưng ẩn chứa trong đó cả tình cảm trân trọng cảm mến của tác giả đối với một người bạn thương binh cụt chân, đang phải đi “chân giả” với một nhân cách chân thật giữa cuộc đời ngổn ngang xô bồ hôm nay: “Kêu khua tiếng nạng khô giòn/ Chân gỗ mà giữ vuông tròn trước sau/ Thương người nằm lại rừng sâu/ May còn “cái gáo” gặp nhau là mừng/ Qua bao mặn muối cay gừng/ Nhạt bùi thì cũng đến chừng ấy thôi/ Chân giả mà lắm ngược xuôi/ Dẫm cho nát bét phần đời giả chân...
Cách nay, dăm năm, phát biểu tại một cuộc tọa đàm về văn chương đương đại, nhà thơ Hữu Thỉnh, lúc đó là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đã có một nhận xét rất hình ảnh, rằng thơ hiện nay “Nhiều đầy tràn nhưng còn ít sâu lắng; Dàn đồng ca khá mạnh nhưng còn ít những giọng lĩnh xướng vang xa; Thêu thùa cho cá nhân thì khéo, nhưng may cắt cho thiên hạ thì còn ít dụng công”… Chữ “thiên hạ” mà nhà thơ nói ở đây là chỉ cộng đồng, là yêu cầu hướng ngoại, là nêu lên trách nhiệm xã hội và ý thức công dân của người cầm bút hôm nay. Ý thức và trách nhiệm ấy không cho phép nhà văn chỉ quẩn quanh trong thế giới riêng của mình. Vẫn biết rằng thời thế bây giờ nhiều giá trị đang bị đảo lộn, đánh tráo, tác động không nhỏ tới lý tưởng thẩm mỹ của các nhà văn cũng như cảm xúc thẩm mỹ của công chúng nghệ thuật. Nhưng xét cho cùng, giá trị CON NGƯỜI là bất biến, thì chức năng “sinh ra con người lần thứ hai” của văn học, nghệ thuật là vĩnh hằng. Và như thế, văn chương phải thấm đẫm tinh thần dân tộc và mang tính nhân loại sâu sắc thì mới có sức sống và có “đất sống”. Điều đó đòi hỏi nhà văn trước hết phải là một CÔNG DÂN trách nhiệm. Và đất nước, cộng đồng phải là mối quan tâm lớn nhất của nhà văn. Xin được mượn bài thơ ngắn VĨ THANH trong tập THUYỀN THƠ để kết thúc bài viết này: “Đã đi nhiều nhưng chưa thấy đâu/ Cổ thụ sóng đôi như làng tôi đó/ Cây như người nghĩa tình gắn bó/ Dẫu lắm đổi thay chẳng thể chia xa/ Tôi lại về ngắm hoa gạo tháng Ba/ Cây luôn trẻ tưng bừng thắp lửa/ Em bên tôi nụ cười rạng rỡ/ Vẫn vẹn nguyên cái thuở ban đầu”...
Mai Nam Thắng
Người gửi / điện thoại
CÁM ƠN ĐẠI TÁ NHÀ THƠ MAI NAM THẮNG VỀ BÀI VIẾT CÔNG PHU!
Trả lời