Vanvn– Đó là một câu chuyện tình được đặt nơi phố phường, với các nhân vật trí thức trong một khoảng thời gian không dài chỉ khoảng hơn ba năm trước đổi mới…

Nhà thơ Đào Quốc Vịnh đã có 5 tập thơ được xuất bản với những dư chấn đáng nể. Chả biết vì nhẽ gì mà năm 2023 anh rẽ ngang sang văn xuôi với tiểu thuyết “Những đôi mắt khoảng trời”, ẵm ngay giải thưởng Hội Nhà văn của năm ở hạng mục Văn học Thiếu nhi. Và đầu năm 2025 cuốn tiểu thuyết thứ hai ra đời cũng nặng ký với hơn 400 trang khổ lớn, gần 150 ngàn từ cô đọng mang cái tên rất gợi “Mùi rơm rạ”. Viết về Nông thôn nông nghiệp với những số phận gắn với ruông đồng chăng? Cầm cuốn sách trên tay tôi tự hỏi như thế.
Nhưng tôi đã lầm. Đó là một câu chuyện tình được đặt nơi phố phường, với các nhân vật trí thức trong một khoảng thời gian không dài chỉ khoảng hơn ba năm trước đổi mới..
Nhân vật chính của tác phẩm là Khang, một cán bộ giảng dạy tiếng Nga của một trường Đại học cùng vợ là Thanh cũng là giáo viên tiếng Nga từng tu nghiệp tại Liên Xô cũ. Đôi vợ chồng này vượt qua mọi trở ngại để yêu nhau và lấy được nhau. Nhưng cái chính của câu chuyện lại không phải những khó khăn để yêu nhau, lấy nhau mà là ở việc mưu sinh giữa nơi đô hội: cụ thể là công ăn việc làm và nơi ăn chốn ở trong thời bao cấp nặng nề.
Tình yêu chồng vợ và sự lo toan mưu sinh được kể theo tuyến tính xuyên suốt từ đầu đến cuối tiểu thuyết. Bám vào nó là các số phận người cùng với những sự việc xảy ra như một bức tranh tổng thể nói về một giai đoạn xã hội giao thời nhập nhoạng do dự giữa cái cũ cố trì níu với cái mới đang hình thành. Tất cả tạo ra sức cuốn hút của tác phẩm. Trước hết là việc triển khai tình huống lo gic với nhịp truyện nhanh, các chi tiết được trình bày một cách mộc mạc không hề có sự cường điệu khoa trương. Đọc tác phẩm ta thấy gần với tác phẩm phi hư cấu bởi tính chân thật của nó.

1- Một tình yêu đẹp nhưng đầy gian nan vất vả
Có thể nói nhân vật Khang và Thanh là hai nhân vật chủ đạo xuyên suốt tác phẩm. Được kể ở ngôi thứ nhât nên Khang bộc lộ tâm trạng một cách đầy đủ và rõ ràng nhất, các sự việc đều được thể hiện dưới góc nhìn của nhân vật này. Là một giảng viên Đại học, Khang thực sự là một trí thức xuất thân từ nhà nông nên anh có bản tính cần cù chăm chỉ nhưng lại có sự nhạy bén của một con người thông minh có học hành tử tế. Giỏi việc nhà nông nhưng lại nắm bắt vấn đề một cách khoa học và xử lý công việc sáng tạo khi làm việc với chuyên gia Liên xô trong một cái nghề hoàn toàn khác biệt với kiến thức được đào tạo. Đặc biệt Khang đã từng là lính trận nên ở anh toát lên tính cách thẳng thắn dũng cảm, dám đối đầu với sự bất công, dám trực diện chống lại cái ác, cái ty tiện của những kẻ tiểu nhân dốt nát vỗ ngực đại diện tập thể… để tìm lối đi cho mình. Vốn đẹp trai nên Khang có cả chất đào hoa lãng tử. Nếu đếm sơ sơ các nhân vật nữ yêu Khang cũng có tới gần chục nàng từ các bạn bè nông thôn như Sơn, Đào, Nơ… các bạn học và đồng nghiệp như Minh Khuê, Thanh Tú, Kiều Anh và cô Liên y tá… Nhưng anh biết đấu tranh để chiến thắng cám dỗ, vượt qua bản năng để không sa đọa, giữ vẹn nguyên tình yêu với người vợ phương xa. Có thể nói đây là một mẫu người đàn ông bản lĩnh, tràn đầy sức sống và đầy năng lực.
Vợ Khang là Thanh – một trí thức xinh đẹp, dịu dàng, chung thủy và bao dung. Thanh cũng xuất thân từ nông thôn nên có những nét tương đồng với Khang, nhưng ở nàng có sự nhường nhịn và nhu mì của gái quê. Thanh chân thành nhưng không cả nể. Đặc biệt nàng còn thể hiện sự phản kháng theo cách riêng của mình, nàng biết yêu và luôn chung thủy với người mình yêu, dù cho gặp nhiều sóng gió đặt điều vu khống nhưng nàng dũng cảm công khai tự minh oan cho mình mà không điều qua tiếng lại để thanh minh. Hiếm có một phụ nữ có bản lĩnh đến thế. Chấp nhận hoàn cảnh nghiệt ngã nhưng Thanh vẫn giữ được sự cao khiết bằng cách của riêng mình. Có người con gái nào từ trong bụng mẹ đã phải chịu mọi tai ương: bố tức tưởi mất sớm vì hậu quả cải cách ruộng đất, đói khát học học đến đỗ Đại học lại phải đi bộ đội dù nhà đã có ba anh trai đang tại ngũ. Vào Đại học Sư Phạm, tu nghiệp tại nước ngoài nhưng về nước không xin được việc, cuối cùng lại phải bỏ nghề để đi xuất khẩu lao động tại Liên xô. Hai đứa con chết yểu khi còn trong bụng mẹ là nỗi đau, nỗi xót xa không thể nguôi của vợ chồng Khang Thanh…
Những trường đoạn xúc động nhất của tác phẩm có lẽ là những tâm sự nhớ thương của Khang qua các bức thư. Vì ở đây không chỉ là nỗi nhớ nhung do chia cách, sự ghen tuông thường thấy, mà còn là sự dằn vặt bất lực của người chồng khi không thể là bờ vai vững chắc cho người mình yêu. “Để giành được tình yêu của em, anh có thể làm mọi thứ. Mọi thứ, em hiểu không! Vậy mà khi đã có em, đã có một gia đình, anh lại hèn mạt đến thế! Chính anh đã đẩy em vào hoàn cảnh xa ly này… Không thể có một tình yêu tuyệt đẹp được xây đắp hay phục dựng từ những sự đê hèn, em ạ.”
Rất mừng là cuối cùng hai vợ chồng đã được sum họp cùng với ước mơ được thực hiện đó là có một nơi ăn chốn ở đàng hoàng. Nhưng suốt cả tiểu thuyết người đọc lúc nào cũng hồi hộp căng thẳng từ những chi tiết mà trong đó tính mạng, sự nghiệp của Khang bị thử thách; nơm nớp lo anh có vượt qua được bản năng không để giữ gìn hạnh phúc gia đình khi người vợ ở xa. Tạo được ấn tượng như vậy rất khó, không phải nhà văn nào cũng làm được. Đó là thành công của tác giả.
2- Những mảnh đời vất vả với số phận nghiệt ngã

Có thể nói tiểu thuyết “Mùi rơm rạ” dung nạp một hệ thống nhân vật đồ sộ. Thống kê sơ sơ số lượng nhân vật có thể lên tới gần con số nửa trăm. Hệ thống nhân vật này được phát sinh và phát triển theo hành trạng của hai nhân vật chính. Ngoài chức năng làm sáng lên phẩm chất của nhân vật chính thì mỗi nhân vật phụ này đều có tính cách riêng, số phận riêng đem lại cảm xúc mạnh cho người đọc. Đó là cha mẹ của Khang và Thanh tận tụy lo lắng xót thương con, mong cho con cái hạnh phúc nhưng lúc nào cũng sợ sệt đến mức cực đoan sợ con sa ngã. Là ông Hạnh làm đến chức Thứ trưởng dẫu thương cháu nhưng vẫn cố tỏ ra lạnh lùng, là chị Giang- một tấm gương đoan chính, là anh Kế dẫu nghèo khổ nhưng sống thẳng thắn trượng nghĩa, là Hải trưởng bộ môn biết động viên giúp đỡ người tàì, là Quý, Khiến, Lê Đức chân thành…Nhiều lắm. Có những nhân vật chỉ thoáng qua mà vẫn nhớ như giảng viên Quý với động tác đổ bơ gạo dàn mỏng lên giấy rôky, dùng que đóm gảy từng hạt sạn để người đồng nghiệp của mình có miếng cơm ngon. Những chi tiết như vậy rất tươi và chỉ Đào Quốc Vịnh mới đưa được vào tác phẩm một cách tự nhiên như thế.
Nhiều nhân vật có số phận nghiệt ngã như Tú- anh trai cả của Thanh vì bị ép đấu tố chính bố đẻ để rôi sống trong dằn vặt. Chị Đương là chị dâu thứ của Thanh sau khi chồng hy sinh ở vậy nuôi con, được mẹ chồng thương quý coi như con gái đứng ra gả cho một thương binh. Ai ngờ anh chồng ám ảnh bởi chiến tranh nên suốt ngày lôi vợ đánh đập, trút căm thù … đứa con gái con liệt sỹ thương mẹ uất ức đến tâm thần. Rồi nhân vật Thụy, người bán nhà cho Khang cũng có số phận nghiệt ngã không kém.
Một mảng nhân vật sáng nữa là tập hợp những cô gái từng yêu nhân vật chính Khang của chúng ta. Họ là những Sơn, Đào, Nơ ở quê, là những Kiều Anh, Minh Khuê, Liên ở trường Đại học. Họ là những người dám yêu hết mình nhưng biết dừng lại để giữ giá trị tốt đẹp cho mình cho bạn.
Có thể nói những nhân vật kể trên cùng với hai nhân vật chính của chúng ta đã khẳng định phẩm chất tốt đẹp của người Việt là bao dung nhân ái, vượt lên hoàn cảnh vượt lên bản thân để mưu cầu hạnh phúc cho mình và cho xã hội.
3- Một giai đoạn xã hội trì trệ, không bình thường.
Tuy nhiên còn một tuyến nhiều nhân vật mang tính phản diện như các thầy giáo Nhẫn, Hồng, Lý, Giáo sư Ngọc, cán bộ Nguyễn Phấn… là nguyên nhân trực tiếp của những đổ vỡ trong cuộc sống của người lương thiện. Chúng dốt nát hãnh tiến, tham lam dâm dục, thủ đoạn đê hèn. Và như một tất yếu chúng đã phải trả giá.
Những nhân vật này được dung dưỡng và phát triển bởi cái gì?
Trước hết phải khẳng định tác giả không có ý đồ khai thác luận đề này. Nhưng dù muốn hay không hoàn cảnh xã hội vẫn là không gian để các nhân vật bộc lộ bản chất sáng tối. Người đọc kinh tởm những thủ đoạn của Nguyễn Phấn trong cải cách ruộng đất, phẫn uất với những vô lý của cơ chế điều hành xã hội để những kẻ như Hồng, Lý, Nhẫn, Ngọc và một mớ cơ quan công quyền lợi dụng. Bản chất lưu manh chính trị của bọn này được hậu thuẫn bởi thói quan liêu trong xã hội bao cấp. Nhiều chủ trương trở thành sự cấm cản nhiêu khê, từ những mảnh thư tay nguệch ngoạc, từ những câu rỉ tai không chính thức của người có quyền chức mà trắng đen lẫn lộn, phải trái nhập nhòa biến xã hội thành mảnh đất dung dưỡng tội ác và chia ly.
Mọi khó khăn trắc trở cho con người được gây ra bởi những tác nhân mang danh nghĩa tập thể. Nhưng giải quyết vấn đề lại bằng sự can thiệp của cá nhân. Chưa có khi nào mà chủ nghĩa vị kỷ cá nhân lại lên ngôi một cách công khai như giai đoạn này. Nó là đặc trưng của cơ chế xã hội toàn trị nhưng vô pháp.
Vậy mầm mống của những trì trệ này là do đâu. Người đọc bất ngờ với chi tiết chuyên gia Liên xô hướng dẫn xử lý công việc cho ông giáo Khang khi chuyển việc trái nghề. Và càng lạ hơn nữa khi Liên Xô xuất sang Việt Nam những chi tiết máy trục ren nhưng không xuất ê cu. Chỉ qua những chi tiết nhỏ như vậy cũng gợn lên những khiếm khuyết của cả hệ thống xã hội mà thời đó người ta tôn thờ như là hình mẫu lý tưởng.
Có lẽ đây chính là nền tảng, là chỗ dựa để cái ác cái xấu hình thành và phát triển.
***
Trong đời sống văn hóa của người Việt, đặc biệt là trong văn chương, để thành công khi mô tả một sự vật bao giờ cũng phải đủ ba chiều kích về hình dáng, âm thanh, mùi hương. Đó cũng là ba yếu tố chính trong lục dục của nhà Phật (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp). Thiếu đi một yếu tố nào thì người đọc cũng khó cảm nhận được đầy đủ. Một đối tượng đi qua thì hình dáng cũng đi qua, âm thanh cũng mất đi nếu đủ xa, chỉ mùi hương còn đọng lại. Chính vì vậy mùi hương là chiều kích mang bản chất sự vật một cách sâu sắc nhất.
Nhan đề của cuốn Tiểu thuyết “Mùi rơm rạ” là dựa trên cơ sở ấy. Rất dễ hiểu dụng ý của tác giả với những nhân vật, những mảnh đời vất vả, những số phận éo le dẫu phải vượt qua thử thách đắng cay vẫn luôn giữ được cái khí chất của người Việt từ ngàn đời đã hun đúc lên lòng dũng cảm kiên cường, sắt son chung thủy, ý chí vươn lên để làm chủ cuộc đời mình.
Tôi chắc chắn rằng Đào quốc Vịnh viết “Mùi rơm rạ” không phải với mục đích ôn nghèo kể khổ mà anh muốn chuyển thông điệp đến với lớp trẻ hiện nay: trước khi phát triển như hiện nay thì xã hội đã có một thời biến động, khó khăn. Những con người của thời ấy bằng nghị lực đã vất vả bươn trải sống đúng với bản chất cao quý của người Việt để xây dựng gia đình và xã hội như hôm nay. Cái gốc rễ ấy cần được lớp trẻ ngày nay vun đắp để cuộc sống xã hội ngày càng phát triển.
Để kết thúc bài viết này, theo chủ quan thì “Mùi rơm rạ” là cuốn tiểu thuyết hay mang nhiều ý nghĩa lớn lao. Tác giả Đào Quốc Vịnh đã thành công, anh đã ghi dấu ấn quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của mình. Chúc mừng nhà văn Đào Quốc Vịnh.
Nam Định – tháng giêng năm Ất Tỵ
MAI TIẾN NGHỊ