bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 0855890003

CÁM ƠN ANH ĐỨC BÌNH CỘNG TÁC!CHÚC ANH VUI KHỎE!

 

ĐỨC BÌNH

Xin cám ơn BAN BT trang TÁC PHẨM VÀ BẠN ĐỌC !

 

VŨ NHO 085 589 0003

Tôi không xem chương trình VUA TIẾNG VIỆT. Cứ theo những gì bác Đinh Y Văn tường thuật thì đích thị là TRÒ CHƠI Đoán từ. Người nhìn từ trong Từ Điển, nói "chữ" đầu của từ, rồi nói "chữ" sau. Người kia...

 

Đinh Y Văn

Trân trọng cảm ơn Tổng biên tập đã dành sự quan tâm đến bố con cụ Đinh Y Văn!

 

Đinh Y Văn

Xin có lời thưa lại, hình như cụ ĐYV bị quy oan là “lơ mơ” ?! Tên chính thức vòng 2 chương trình Vua tiếng Việt là GIẢI NGHĨA, không phải là ĐOÁN TỪ bác ạ.

 

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ BÁO, NHÀ NGHIÊN CỨU NGHIÊM THỊ HẰNG!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 21
Trong ngày: 121
Trong tuần: 1465
Lượt truy cập: 774831

MẤY KỈ NIỆM VỚI CHÀNG ĐĂNG BẨY

  MẤY KỈ NIỆM VỚI CHÀNG ĐĂNG BẨY

                Vũ Nho

v_nho_tc_bch_kim

                   NHÀ VĂN VŨ NHO - ẢNH HOÀNG XUÂN TUYỀN

        Không nhớ lần đầu tiên gặp gỡ và quen biết Đăng Bẩy như thế nào nữa. Gặp ở đâu, với ai, ấn tượng đầu tiên thế nào. Bây giờ chịu  bó tay chấm com như cánh dân mạng hay viết. Nhưng biết chắc một điều rằng khi tôi còn đang lang thang ở Nga làm luận văn Phó tiến sĩ, thì Đăng Bẩy đã nổi như cồn ở Việt Nam. Chàng đã công bố bản dịch truyện vừa “Ra đi không trở lại”  của V. Bykov (1983), Tuyển truyện ngắn Liên xô “ Mùa thu trong rừng sồi” (1984). Một số truyện dịch từ tiếng Nga thường xuất hiện trên báo Văn Nghệ, tờ báo văn chương sang trọng.

          Có lẽ là từ cuối năm 1986, khi chuyển công tác từ Trường ĐHSP  Việt Bắc về Hà Nội, giao du với Hoàng Minh Tường, Nguyễn Hoàng Sơn, sau thêm Lã Thanh Tùng, tôi quen với Đăng Bẩy. Có  hơn hai lí do một tí. Một là chúng tôi cùng học ở Nga, cùng thành phố Leningrat, cùng yêu thích dịch văn học Nga. Hai là cả hai chàng đều cầm tinh con Chuột, dù trong hồ sơ tôi khai tuổi con Heo. Và một  nửa lí do là cả hai đều thích bia bọt, rượu chè,…Nói giản dị là đều thích nhậu lai rai…

          Tôi nhớ khi Đăng Bẩy phụ trách tờ Văn Nghệ Miền Núi, tôi hay được chàng duyệt đăng. Nào là kỉ niệm của sinh viên khóa một  với Nguyễn Tuân, nào là các bài phê bình giới thiệu các nhà văn người dân tộc, miền núi. Nhớ nhất là tôi viết về người bạn cùng khoa Văn, GS.TS. Lộc Phương Thủy, làm trưởng ban văn học thế giới  của Viện Văn Học. Chàng đã giật một cái tít rất độc đáo “ Người đàn bà Tày chiếm lĩnh văn Tây”. Số là bà bạn tôi dạy văn học ngước ngoài, sang Nga làm Phó Tiến sĩ Văn học Pháp. Về nước chuyên nghiên cứu văn học Pháp. Đã  có nhiều bài báo,  cuốn chuyên luận và tác phẩm dịch. Tôi rất phục chàng về cái “tít” đó, khác hẳn  với nhan đề hiền lành mà tôi đã đặt.

          Dĩ nhiên là tôi cùng Đăng Bẩy có những cuộc nhậu tay ba, tay tư với Hoàng Minh Tường, Trần Quốc Thực, Lã Thanh Tùng.  Cả Trần Đăng Thao nữa ( Mà hễ có Trần Đăng Thao là Thao bao hết). Cũng có lần chỉ có 2 chàng Bẩy và tôi.  Lần ấy chỉ nhõn 2 chàng. Cuộc nhậu đang sương sương thì nhóm Nguyễn Trọng Tạo, Trịnh Thanh Sơn và mấy người bạn đến. Chúng tôi nhập 2 mâm làm một.  R.T.C khá bốc. Không hiểu vì lí do gì mà một cuộc “đấu thơ” của nhà thơ “dỏm” tự phong là tôi với Trịnh Thanh Sơn ( coi như thơ chuyên nghiệp) do Nguyễn Trọng Tạo làm “trọng tài” bắt đầu. Đăng Bẩy và mọi người  chứng kiến. Theo thể lệ, mỗi chàng đọc một bài thơ tình hay thơ thế sự tự chọn. Tôi chọn thơ tình. Và tôi được ưu tiên đọc trước ( vì yếu thế). Các nhà thơ lắng nghe, gật gù. Tôi đọc bài “Lúng liếng ơi” là bài thơ “ngăn kéo” của mình.

          Người người náo nức Hội Lim

          Mình tôi đến Hội chẳng tìm gặp ai

          Tương Giang thành ruộng lâu rồi

          Ngẩn ngơ Quán Giốc, người ơi, nhạt nhòa

          Chị Hai xinh đã nên bà

          Em còn mắt sắc như là dao cau

          Lúng liến chi thắt lòng nhau

          Bỏ bùa câu hát qua cầu chơi vơi

          Lúng liếng là lúng liếng ơi

          Phút giây lúng liếng một đời ai quên

Tôi đọc xong, các thính giả vỗ tay, có tiếng khen “Khá lắm”!

Bất ngờ là Trịnh Thanh Sơn chắc đã ngà ngà, và có thể  không  muốn thi thố  với tay “lều thơ”nên tuyên bố bỏ cuộc! Vì không có bài thơ nào về Hội Lim hay như của VN. Thi sĩ họ Trịnh bảo thế. Cả bọn tán vào : “- May quá, nếu cuộc thi này diễn ra sớm. Nguy cơ là mất một nhà thơ “tài danh” họ Trịnh!”.

          Khi giải tán thì tôi có ý thức thanh toán riêng mâm của tôi và Đăng Bẩy. Nhưng lại gặp “sự cố”! Do quá vui nên chàng Đăng Bẩy không thể tự lái con xe máy về cơ quan là  Trụ sở báo Văn Nghệ được. Thế là đành phải gọi 2 cốc nước cam giải say. Uống nước cam, chờ gần 1 tiếng tình hình vẫn không khá hơn. Thế là buộc phải gọi cháu chàng đến để “hộ tống” chàng về! Còn tôi thì thấp thỏm cho đến khi nhận được tin nhắn là chàng đã về nhà an toàn.

          Một lần khác là cùng với chàng Đăng Bẩy, có Trần Hậu, tôi và hai bạn nữa ở 2B Hoa Lư. Chúng tôi cũng liêng biêng. Ông bảo vệ dúi lên ta xi chúng tôi bó hoa ( vì tưởng là Đăng Bẩy gửi trước khi nhậu). Chả ai nói gì. Sau về nhà  mới biết là hoa nhầm!

          Có một lần tôi, cùng chàng và Lã Thanh Tùng nhậu. Chàng Đăng Bảy hút thuốc, hàm răng giả long ra. Tùng rút tiền  ra dúi vào tay chàng ( cả tôi cũng hùn nữa) yêu cầu chàng làm bộ răng mới chặt chẽ! Hẹn một tuần sau phải hoàn thành! Quả nhiên khi gặp lại, chúng tôi nghe chàng vui vẻ báo cáo đã “hoàn thành xuất sắc” nhiệm vụ.

          Tôi còn nhớ khi nhà thơ Mai Nam Thắng còn phụ trách tờ Quân Đội Nhân dân cuối tuần, tôi hay được đăng bài. Vì Vũ Nho xuất hiện nhiều, không hay, nên nhà thơ Mai Nam Thắng cho thêm bút danh Võ Ninh Bình, cùng với bút danh Võ Nhu, Anh Nhu đã có từ trước. Nhuận bút mỗi bài khoảng 6,7 trăm ngàn. Cứ 2 bài thì tôi lại mời nhậu. Có cả một xê ri thơ mời nhậu tôi xướng, các bạn Thanh Tùng, Nam Thắng, Nguyễn Hòa Bình đôi khi Cao Ngọc Thắng họa, rôm rả lắm.  Cuộc nào mà Đăng Bẩy vắng, thấy cứ thiêu thiếu, kem  kém  tưng bừng…

          Một kỉ niệm đẹp là bạn tôi, T.S. Bàn Tiến Tân, làm luận án Phó Tiến sĩ do nhà Việt Nam Học, GS.TS. N. Niculin hướng dẫn. Thư viện Quốc gia, nơi chúng tôi phải nộp bản gốc luận án và bản dịch báo với gia đình Bàn Tiến Tân rằng luận án không còn. Các con anh Tân nhờ PGS.TS. Vũ Thanh, Phó Viện trưởng Viện văn học sang Nga công tác,  xin chụp bản tiếng Nga. Tôi đã nhờ Đăng Bẩy, Trần Hậu cũng với tôi dịch luận án sang tiếng Việt. Ngày xong bản dịch, tôi có mời các bạn văn cùng với Trần Hậu và Đăng Bẩy uống rượu mừng ở nhà tôi. Vẫn có cái ảnh tôi với chàng Đăng Bẩy cười “Như Liên xô được mùa ngô”!

          Vắn tất mấy kỉ niệm đáng nhớ với chàng Đăng Bẩy. Các anh em nhóm văn nhân Láng Hạ, có người biết, có người chưa biết. Xin được góp bài này  đáp ứng yêu cầu của nhà văn Cầm Sơn!

                                             Hà Nội, 13 tháng 7 năm 2023

TRÍCH TRONG SÁCH "BẠN VĂN LÀNG HẠ" SẮP IN.

 

 tay-bac7

 

 

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)