“Mây trắng bên trời” hoài vọng
Nhà thơ - ThS VÕ VĂN LUYẾN
Thơ, ở khía cạnh nào đó, là sự trở về bản ngã hồn nhiên nhất của con người. Trần Mạnh Hảo xác quyết, “thơ chính là tuổi thơ của loài người”. Người làm thơ mang con mắt trần gian thanh lọc những che khuất rối nhiễu, trả lại nguyên khôi điều ước trong veo như trời xanh mây trắng. Đấy là cái nhìn của tôi khi đọc Mây trắng bên trời của nhà giáo – thi sĩ Nguyễn Văn Trình. Chưa vội bàn câu chữ, chỉ dừng lại ở tình cảm, cảm xúc xuyên suốt trong thơ anh không thôi đã thấy lấp lánh một tinh cầu ấm áp, một tươi rói yêu thương và chia sẻ. Đã ngoài cái tuổi tri thiên mệnh, người thơ nuôi dưỡng được trạng thái chồi non lộc biếc đến nhường ấy đáng để bầu bạn cùng trang lứa như chúng tôi thán phục.
Tổng quan thì như thế, nhìn sâu hơn không hẳn. Thơ anh không thiếu những miên trường thao thức, những băn khoăn day dứt, và tất nhiên, lắm khi ta bắt gặp những chiêm nghiệm đúc ra từ cuộc sống. Dầu vậy, ta vẫn yêu hơn những câu thơ sáng trong lặng lẽ của anh. Đó mới thực sự là những tín hiệu tâm hồn nhấp nhánh nguồn sáng dịu êm đính lên khung trời hoài niệm:
Nhớ mùa xanh lá vẫy môi chào
Ôi hồn nhiên nắng ngọt chiêm bao
( Nắng chiêm bao)
Hay:
Em về buốt tím hoa mua
Đường côi mấy nẻo gió lùa hồn anh
(Em về bên ấy)
Có thể nói, nội cảm hóa thế giới thực tại làm nên hồn vía và sức sống câu thơ. Gần gủi hơn, làm cho cuộc sống quanh ta thêm phần thú vị bởi trên dòng đời lũ cuốn làm ta tỉnh thức những nhớ quên giữa ngổn ngang sấp ngữa.
Không gian tự tình trong Mây trắng bên trời mang những ảnh hình thân thương, thân quen, thân thuộc với nghề cầm phấn, với nõn mây thấp thoáng dưới bóng phượng hồng, với cánh bướm bâng khuâng chập chờn vẫy gọi ở nơi xa nào, với những bông hoa chớm nở vội rã rời trước nắng mưa cuộc đời dội xuống... Tất thảy được người thơ nâng niu, trân trọng trong cảm thức miên man trăn trở thường trực.
Lặng lẽ viết, lặng lẽ tự tình với những con chữ tí tách nẩy mầm yêu thương và khát vọng, Nguyễn Văn Trình đến với thơ bằng hiển tâm của người mang sứ mạng chở đạo. Chính thiên chức nhà giáo – thi sĩ đã giúp anh hái được những bông thơ sắc thắm bên trời. Và bạn đọc sẽ thấy nhiều vẻ đẹp khi dạo vườn thơ của anh.
Tác phẩm thơ, tự thân nó làm nên một định nghĩa; mỗi chủ thể sáng tạo, đến lượt mình, cũng có thể được xem như vậy. Người đọc có quyền đòi hỏi người thơ nhiều thứ nhưng không thể không ghi nhận một tấm lòng trải ra trên trang giấy. Đấy là cái định nghĩa lung linh sinh động bằng sự sáng tạo lại vẻ đẹp thế giới của riêng mình. Riêng điều ấy thôi, thơ của nhà giáo – thi sĩ Nguyễn Văn Trình đủ để gầy dựng một một sẻ chia với người đọc, tôi tin như thế.
Đông Hà, Ngày 20/ 07/2011
VVL
( *) Đã đăng: Báo Quảng Trị cuối tuần, năm 2011.
Người gửi / điện thoại