bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 0855890003

CÁM ƠN ANH ĐỨC BÌNH CỘNG TÁC!CHÚC ANH VUI KHỎE!

 

ĐỨC BÌNH

Xin cám ơn BAN BT trang TÁC PHẨM VÀ BẠN ĐỌC !

 

VŨ NHO 085 589 0003

Tôi không xem chương trình VUA TIẾNG VIỆT. Cứ theo những gì bác Đinh Y Văn tường thuật thì đích thị là TRÒ CHƠI Đoán từ. Người nhìn từ trong Từ Điển, nói "chữ" đầu của từ, rồi nói "chữ" sau. Người kia...

 

Đinh Y Văn

Trân trọng cảm ơn Tổng biên tập đã dành sự quan tâm đến bố con cụ Đinh Y Văn!

 

Đinh Y Văn

Xin có lời thưa lại, hình như cụ ĐYV bị quy oan là “lơ mơ” ?! Tên chính thức vòng 2 chương trình Vua tiếng Việt là GIẢI NGHĨA, không phải là ĐOÁN TỪ bác ạ.

 

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ BÁO, NHÀ NGHIÊN CỨU NGHIÊM THỊ HẰNG!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 32
Trong ngày: 509
Trong tuần: 1269
Lượt truy cập: 774084

MIỀN RỪNG YÊN TĨNH

MIỀN RỪNG YÊN TĨNH

Tác giả : Vũ Trọng Thể
Năm sinh : 1951
Nguyên quán: Huyện Thanh Miện – tỉnh Hải Dương
Nơi ở hiện nay: Huyện Ea Kar tỉnh Đăk Lăk
Nghề nghiệp: Thống kê Kinh tế- Xã hội.
Truyện ngắn: Miền rừng yên tĩnh ( Trích trong Tập Truyện ngắn “ Bên dòng Cửu
An” Nhà XB Hồng Đức năm 2021)


Cây bằng lăng cao sừng sững, ngạo nghễ vươn lên trời những
cánh tay vạm vỡ loang lổ. Những dây leo chỉ bò được tới lưng
chừng rồi như bị đuối sức, ngọn buông thõng xuống dưới.
Chiều về chầm chậm, nhìn từ xa bóng cây như hình người đàn
bà đứng nghiêng buông áo. Dưới gốc cây có hòn đá tảng nhẵn
thín. Từ trên vách đá dòng nước chảy ra trong vắt theo một thân
cây nứa bổ đôi.
Tia nước rót xuống một ô hình bán nguyệt, nước ngang đầu
gối quanh năm không bao giờ cạn, nhìn rõ dưới đáy những hòn
đá cuội đủ hình dạng. Một vài con cá trê đen khoan thai bơi lội
dưới bến nước.
Mi Pal cầm chiếc gáo làm bằng nửa quả bầu khô vục xuống
nước, thong thả giội lên đôi vai tròn lẳn, tận hưởng cảm giác mát
lành thiên nhiên ban tặng lan tỏa khắp thân thể.
Chị quì gối xuống mặt tảng đá, vòng tay túm lấy nắm tóc, ưỡn
khuôn ngực nâu trần quay vun vút, nước trong tóc vung ra xung
quanh thành những vòng tròn long lanh ánh cầu vồng.
Bỗng nghe có tiếng người nói, chị vội vòng tay che ngực.
Ngay lúc đó có hai người đàn ông lạ mặt rẽ lối đi về phía lều
nhà chị.
Mi Pal vội thay váy áo đi lên. Đứng dưới sàn chị nghe tiếng
nói của ba người đàn ông: Họ bàn với nhau đi “Cổng trời”.Để
làm cái gì to lắm, nhiều lắm…
Chị không biết cổng trời ở đâu, nhưng chị lo có kẻ xấu lại đến
rủ chồng chị đi làm bậy hay đi uống rượu: Nó lại làm hư cái đời
nó mất thôi. Chị chưa kịp can ngăn đã nghe tiếng chân giậm
dịch xuống sàn. Mi Pal ngại nó làm dữ nên chỉ biết im lặng.

Mi Pal vội về buôn. Đến khuya Ma Pal mới trở về nhà, nó
không bị say, cái xà-gạc đã mài sáng trắng ở đâu đó gác bên
vách.
Ngày hôm sau Ma Pal dậy sớm lắm. Anh xách túi gạo ra xe
đạp nói lại với vợ:
- Tao đi vào trong rừng mấy ngày.
Mipal lo lắm nhưng chị phải im để cho chồng đi vào rừng.
Ma Pal đạp xe xuống Ea Đa tìm vào nhà Ma Súc thì đã thấy
thằng Ma Sớ đến trước, hai người đang chờ anh. Nó còn mang
theo một cái can hai lít rượu.
Ba người thong dong đạp xe theo đường đất núi bên xã Ea Sô,
thẳng hướng miền rừng xa đi tới. Đường càng xa càng gập
ghềnh khó đi. Qua những cơn mưa rừng, trời trút nước tràn khắp
mặt đường xói mòn nền đất, còn trơ đá gộc. Thỉnh thoảng các
anh gặp con chồn nâu, gật gật cái đuôi chạy ngang qua đường.
Tới một đoạn đường bằng gặp hai chiếc xe bò đuôi của người
đi đốn củi, có lẽ họ đi từ ngày hôm qua. Hai người tiều phu trên
xe ngủ ngon lành, đến nỗi các anh lạch cạch đi qua họ cũng
không hay biết. Hai con bò lầm lũi tự động kéo xe đi như cái
máy.
Chừng hơn 10 giờ, ba người đi tới một trạm gác rừng, trên sân
đất bằng treo một tấm lưới bóng chuyền đan bằng những sợi dây
rừng, tấm lưới đã mục rách thõng xuống một mảng.
Từ đằng xa các anh đã thấy một anh kiểm lâm mặc đồng phục
xanh lá cây. Thấy có người đi vào rừng, anh chậm rãi ra chiếc
ba-ri-e làm bằng một cây tre dài ngoẵng, gác lên hai chạc cây
chôn xuống mé đường. Ba người dừng lại. Anh kiểm lâm hỏi:
- Ba anh đi đâu đấy? Ma Súc tiến lên trả lời :
- Bọn chúng mình đi vào rừng mà, đi kiếm cái măng, con cá
ăn thôi, mình không có phá cây đâu.

Người kiểm lâm nhìn các anh dò xét. Anh cũng muốn tin,
nhưng anh phải làm hết phận sự.
- Theo qui định của trạm, các anh vào rừng không được mang
theo dao phát và lửa. Vừa nói anh kiểm lâm vừa đi vào nhà
thường trực, ba người theo sau.
Nhà thường trực của trạm mái ngói thưng gỗ, nền láng xi-
măng. Phía góc trái chất một đống gỗ trắc, bên cạnh dựng khẩu
súng Aka. Anh trạm trưởng đang ngồi trên ghế, trước mặt kê
chiếc bàn vuông, trên mặt bàn chiếc ra-di-ô đang ca nhạc. Thấy
có công việc, anh với tay tắt chiếc đài, quay ra nở nụ cười gượng
với các anh:
- Chào các anh!- Người trạm trưởng lên tiếng chào rồi nhón
chân với chiếc xắc-cốt bóng lộn, đặt hờ hững trên đùi như có vẻ
sẵn sàng nhưng cũng chỉ để làm oai chứ anh không hề đụng
chạm đến nó. - Thế này nhé, các anh vào trong rừng cấm, chỉ
cho mang theo dao nhỏ, những dao phát phải để lại, vào rừng
cũng không được dùng lửa dễ gây cháy rừng của nhà nước.
Ma Súc đưa lại cho anh trạm trưởng hai xà-gạc và chiếc quẹt
ga xanh. Thấy ba người dân tộc thật thà chấp hành qui định, anh
tỏ ra tin tưởng:
- Chiếc bật lửa này tôi linh động cho mang theo nhưng sử
dụng phải cẩn thận gây cháy rừng là không được.
Rời trạm kiểm lâm đi tiếp chừng một tiếng đồng hồ nữa, ba
người không theo đường to mà rẽ trái theo một lối mòn nhỏ.
Nửa tiếng sau, lối mòn xóa nhòa trong rừng rậm, đường đi
không còn mà đi theo hướng, len lỏi dưới những tán lá ken dầy,
ánh sáng dịu hẳn, dưới lối đi, lớp lá rụng như một tấm thảm
xốp.
Ba chiếc xe phải tấp vào trong một bụi le. Khi quay trở ra Ma
Pal khựng lại! Trước mặt một con rắn khô mộc thõng chiếc mỏ
ngo nghoe ngang tầm vai. Ma Súc giật chiếc xà-gạc duy nhất

được mang theo thận trọng tiến lên phạt ngang. Nhanh như tia
chớp, con rắn quẫy đuôi biến mất. Ba người đi qua còn ngoái
đầu nhìn lại.
Họ luồn qua những bụi cây rậm rạp. Tới một tán cây rừng
khổng lồ, gốc của nó ba người ôm không kín, dưới đất rải rác
những quả trám vàng rụng xuống từ trên cao, ngay cạnh rõ ràng
vết ủi của con lợn rừng, hình như mới tối hôm qua.
Ma Pal ngước mắt nhìn lên. Vòm cây cao vòi vọi, tán lá như
một chiếc dù. Cao tít trên tầng lá, đàn chim két kêu lên inh ỏi,
chợt thoáng có chú khỉ chuyền cành làm đàn chim giật mình bay
đi. Ma Súc vội kéo Ma Pal nấp vào bạnh cây, ngay lập tức một
chùm quả trên cao rụng xuống rơi ngay nơi anh vừa đứng. Trên
đường gân của gốc cây nổi rõ vết sơn đỏ đánh dấu của kiểm
lâm.
Ba người nghỉ chân dưới tán cây. Ma Súc nói:
- Còn độ 5 cây số nữa sẽ tới Cổng Trời nhưng mình không đi
đến đó đâu mà đi suối Ea Công.
Ba người tiếp tục cuộc hành trình. Tới một vạt rừng cây song
mật, ánh sáng trời đổ xuống chan hòa, bên dưới mênh mông
ngồn ngộn những cây song xoắn, vặn lấy nhau chằng chịt. Họ
dừng cả lại. Ma Pal còn đang do dự không biết làm thế nào mà
đi tiếp được nữa. Trước mặt chỉ toàn là những gai nhọn của một
bãi song mênh mông. Ma Súc biết ý các bạn, nó tiến lên và nói:
- Từng người một thôi, nhảy lên rồi túm vào cái dây này:- Vừa
nói nó vừa chỉ cái dây rừng lòng thòng đung dưa trên đầu: - Sau
đó đánh đu cho người sang bên kia, phải nhanh tay bắt lấy một
dây nữa rồi bò theo một cái cây ngả mà sang, dễ thôi mà.
Ma Pal thích thú làm theo. Anh nhón chân túm đầu sợi dây
rừng liền co chân đạp mạnh, cả người anh treo lơ lửng trôi trên
không, lướt qua khoảng rừng thấp, bên dưới toàn là gai và
những cuộn dây song quấn quýit. Theo lời chỉ dẫn của Ma Súc

anh nhìn ra phía trước, thấy ngay một đoạn song già cong hình
lưỡi liềm thì cũng vừa lúc hết đà, anh túm lấy cây song leo sang
một thân cây nằm nghiêng, ngọn nó gác lên một cây chò cụt
ngọn. Anh bò toài theo thân cây sang mé bên kia. Không quên
hất cái dây quay trở về như cũ cho các bạn.
Bỗng thằng Ma Sớ leo đằng sau kêu lên thất thanh:
- Ối. ối, tao bị con bọ cạp cắn rồi.
Một tay nó ôm thân cây, một tay cứ vỗ bồm bộp vào ống quần
mồm kêu lên rối rít.
Nó buông tay, cả người lăn nhào xuống dưới, lọt thỏm xuống
một cái khe chằng chịt những cuộn song gai, ở dưới đó nó cũng
không ngừng kêu lên đau đớn.
Ma Pal cũng đã có lần bị con bọ cạp cắn đau váng cả óc, người
già còn nói: bọ cạp rừng cắn đau hơn nhiều. Chắc thằng Ma Sớ
đau lắm. Anh cùng Ma Súc tụt trở lại, thận trọng đu xuống chỗ
thằng Ma Sớ.
Hàng triệu triệu con kiến vàng thấy động ào ào kéo đến. Tình
hình rất nguy hiểm! Bất chấp gai góc hai người vội vã nhắm mắt
đội đít thằng Ma Sớ cho nó leo lên trước. Vì có lũ kiến mà thằng
Ma Sớ phải cố gắng, chậm trễ sẽ bị đàn kiến bao vây ngay, có
khi mù mắt với chúng. Ba người như ba con khỉ, thằng Ma Sớ
leo giữa. Họ lần lượt tụt xuống theo một đoạn dây rừng nữa mới
thoát khỏi lũ kiến vàng.
Ba người tiếp tục luồn rừng, gặp mấy tấm gỗ mục của thợ
rừng bỏ lại từ lâu, họ tạm dừng chân. Ma Pal và Ma Súc cởi áo
rũ cho những con kiến còn đang bám chặt không chịu buông.
Còn thằng Ma Sớ rót trong can ra một ít rượu đổ lên lòng bàn
tay nơi con bọ cạp chích.
Ma Súc tiếp tục đi trước dẫn đường, vừa đi nó vừa đánh dấu
lối, Ma Pal bảo nó:

- Có đường nào khác mà về nữa không? Đừng về đường này
nữa, tao sợ con kiến.
Họ đi tiếp tới con suối mà Ma Súc nói là Ea Công.
Đó chỉ như là một cái khe nhỏ hơn cái suối. Nước trong vắt
chảy qua vô vàn những hang hốc trong các ngách đá tối mờ.
Đứng trên tảng đá cao còn nghe rõ nước chảy phía dưới, đây đó
vương vãi những vỏ ốc lẫn xương cá bầy khỉ ăn bỏ lại. Ma Pal
ngắm nhìn cảnh rừng vừa thích thú vừa sợ.
- Suối này nó chảy về đâu? - Ma Pal hỏi:
- Nó chảy về Sông Hai. Vừa trả lời Ma Súc vừa hạ cái túi đeo
trên vai đặt xuống mặt tảng đá phẳng phiu nằm giữa suối, nó nói
tiếp:
- Mình đến nơi rồi. Tiếng của nó vang vọng vào trong hang đá
ven suối nghe cứ oang oang.
Ngay dưới hòn đá là dòng nước chảy, sát bờ có một hõm sâu
vào trong như một cái vòm.
Ma Pal hạ túi gạo. Ma Sớ ngồi ủ rũ, tay bị đau khòng lên vai,
mặt đỏ vằn như đang uống rượu. Bỗng nhiên đầu nó vươn lên,
nhảy dựng như là gặp phải ma:
- Ối, chúng mày ơi! Có cá, có con cá.- Vừa nói nó lấy tay chỉ
xuống khe suối nông choèn. Rõ ràng một con cá chình xám thò
đầu ra khỏi hang đang lắc lư theo dòng nước chảy.
Ma Súc như không nghe thấy tiếng kêu của Ma Sớ, anh ta
đang lục lọi trong chiếc túi của mình, lôi ra nào là dây cước,
mấy cái lưỡi câu to. Ma Pal cầm lấy xà-gạc ra bờ bên kia chặt
hai cây nứa làm cần câu. Vừa đi anh vừa thầm phục: Thằng Ma
Súc nó biết nhiều. Khi anh cầm hai chiếc cần câu về tới gần, lại
đến lượt Ma Súc kêu lên thất vọng:
- Bọc mồi, thôi chết! Mất bọc mồi rồi! - Mất bọc mồi có nghĩa
là không thể câu được mà như thế chuyến đi thất bại, phải quay
về tay trắng.

Ma Pal nghĩ ngay đến bọc mồi có thể bị rơi chỗ bụi song.
Bằng giá nào cũng phải tìm ra mồi câu, không lẽ mồi câu bằng
lá cây hay sao? Nghĩ vậy anh cầm lấy xà-gạc: - Để tao quay lại
tìm.
Khi anh chạy tới nơi rừng song, tìm thấy bọc mỳ của Ma Súc
gói trong túi ni-non, bên trong không còn lại sót một chút gì. Lũ
kiến đói đã ăn hết.
Ma Pal rùng mình quay trở lại, hai người thất vọng ngồi bên
nhau nhìn vào rừng sâu âm u.
Trong khi đó Ma Sớ đang ngâm bàn tay đau xuống nước.
Trong đầu Ma Pal chợt lóe lên, anh nói to:
- Này, mình lấy con ốc, con dế cũng câu được mà. Ma Súc
cũng kịp phụ họa:
- Con nhện, con dế làm mồi cũng tốt. Thế là vấn đề tưởng
chừng đi vào ngõ cụt đã được giải quyết.
Tìm những con mồi ấy trong rừng không khó.
Ma Pal mắc con nhện khoang vào đầu lưỡi câu rồi thả hờ hững
xuống dòng nước, cái mồi chưa kịp chìm còn đang xoay tròn thì
bỗng trong khe đá, một con cá chình phóng ra đồng thời nghe
cái “rầm” một cái. Anh chưa kịp trấn tĩnh dây cước trong tích
tắc căng ra lôi theo cái cần xuống khe. Ma Pal hấp tấp chạy theo
cầm lấy gốc cần câu dựng ngược, kéo vào, Ma Pal ngồi bệt, túm
hai tay cong mình đánh đu, ôi thôi! “Vút” đầu cần bật lên trên
không nhẹ tênh. Lưỡi câu và con nhện mất tích. Ma Súc không
kịp chạy lại giúp nó.
Ma Pal đứng ngây ra, tay run run vuốt đoạn dây cước còn lại.
Ma Súc mắng:
- Mày không biết câu rồi, cá chình nó khỏe lắm, mày cứ để
cho nó chạy mệt mới kéo lên được.
Vừa nói dứt lời, cần câu của nó cũng bị kéo lạch cạch trên đá.
Nó cũng cuống, vội vã chạy về vồ lấy chiếc cần câu. Dây câu

căng ra như dây đàn, cọ vào đá. Ma Súc cũng chưa kịp xử lý thế
nào thì dây câu đứt tung, hất ngược chiếc cần về đằng sau. Mặt
nó nghệt ra như người mất hồn.
Sau thất bại ban đầu, hai người buộc lại cước lưỡi. Chính lúc
này hơn lúc nào hết cho họ ngấm đòn thất bại, để bình tĩnh hơn.
Ma Sớ một tay đau giơ lên đầu còn một tay đập những con ốc
núi lấy ruột làm mồi.
Tay Ma Pal run run xiên ruột con ốc đá vào chiếc lưỡi câu,
anh lại ra chỗ cũ, ngồi trên hòn đá hy vọng con cá lại đến tìm
mồi. Phía đằng kia phút chốc Ma Súc đã kéo lên bờ một con cá
lóc to như bắp chân.
Thằng Ma Sớ đến ngồi cạnh Ma Pal. Hai anh im lặng cùng
chờ đợi. Dưới làn nước chảy, anh nhìn rõ cái mồi phất phơ phía
dưới như là mời gọi. Đã khá lâu, anh không còn kiên trì được
nữa, bèn rủ Ma Sớ ra gốc cây sung phía dưới.
Gốc cây sung ngã nhoài ra bên ngoài, phía dưới nước chảy
xoáy tròn như một cái vụng nhỏ, những quả sung chín quay
quay bên trong. Ma Pal thả câu, ngồi chênh vênh trên gốc cây
sung còng, anh ngắm nhìn những con gọng vó chạy tung tăng
trên mặt nước. Bỗng như thấy đầu cần câu vít xuống. Như một
phản xạ tức thì, anh túm hai tay vào cần câu giật mạnh, đầu cần
cong lên, dây cước như vướng vào đá không kéo lên được, anh
kéo nữa, lôi lên. Ma Pal kinh ngạc nhìn xuống, một con ba ba to
như cái chiêng từ từ nổi lên. Cái đầu của nó thụt ra thụt vào. Ma
Súc chạy lại. Ba người khó khăn mãi mới lừa được con ba ba lên
bờ, sau đó Ma Súc trói lại cho vào bao.
Ma Súc câu được ba con cá chình to, trên lưng có hàng gai
ngược. Sau đó Ma Pal cũng câu được 9 con cá trắng, có hai mắt
đỏ, to như bắp ngô. Những con cá này càng động nước chúng
càng đến nhiều. Mải mê câu cá, ba người không để ý trời tối ập
xuống.

Trong các khe, lũ ễnh ương uể oải kêu lên kỉn…kỉn. Ba người
thu dọn đồ nghề trở lại hòn đá.
Ma Pal định nhảy xuống tắm nhưng không biết sao anh lại
cảm thấy hơi sờ sợ: Biết đâu dưới kia còn có con gì to nó cắn
chân thì khốn, nên anh chỉ dám đứng trên bờ vỗ nước lên người,
thỉnh thoảng lại giật mình vì tiếng cá đớp mồi.
Mọi người đi tìm củi khô chất đống giữa vòm đá. Các anh
không quên dặn mình: cẩn thẩn kẻo cháy rừng.
Cháy rừng là một việc tồi tệ không thể tả nổi. Cứ hình dung
lửa bắt vào những đám lá khô rụng kia, tình hình sẽ không kiểm
soát được, chữa bằng nước ư? Lấy nước bằng cái gì trong khi
lửa đang bùng lên.
Rừng cây xanh tốt, nó che chở cho bao nhiêu con thú sẽ bị
cháy, rừng song mật cũng thành tro tàn, phải mất hàng trăm năm
người ta mới phục hồi lại được. Buôn làng mình hàng ngàn đời
sống với rừng Ma Pal hiểu rừng của mình lắm.
Ma Pal cúi xuống nhóm lửa, ít phút sau ngọn lửa bùng lên.
Ngọn lửa này nó nuôi sống các anh trong rừng, nhưng để lửa lan
ra ngoài kia thì lửa cũng thiêu chết các anh.
Ở trên đời cũng vậy, trong nhiều tình huống, phòng tránh là
một lẽ sống có trách nhiệm với cộng đồng, cũng có thể nói là
nghệ thuật. Ta còn kiểm soát được thì rất tốt nhưng để cho tình
hình không còn trong phạm vi kiểm soát ắt sẽ thành tai họa.
Giữa khu rừng già, không ai ngờ có một đống lửa ấm áp, một
khung cảnh lãng mạn. Ma Pal kịp đan một phên nứa đặt những
con cá, nướng trên than hồng. Ma Súc xuống suối cho nước vào
hai cái ống lồ ô đổ gạo vào nướng. Phút chốc mùi cá nướng
cộng với mùi cơm cháy hòa cùng mùi rừng đại ngàn, thành một
mùi hoang dã không đâu có được.
Không có một bữa rượu thịt nào ngon và sang như thế. Ba con
người rừng cầm ba con cá nướng còn nóng hổi, bóc ra chấm với

thứ muối ớt chỉ có vùng Ea Kar mới có, họ vừa ăn vừa thổi phù
phù. Rượu trong chiếc can được rót ra ba cái ly làm bằng ba ống
nứa. Rượu ngà ngà Ma Súc nó nói:
- Nơi này là của chúng mình nhá, không cho ai biết, nó vào nó
phá đấy, nó xì điện, hết cá của mình thì cái suối nó buồn, mình
cũng buồn. Mình đi câu cũng lấy ít thôi, lần sau lại đi nhá. Tao
thích cái rừng này lắm nhưng tao không ở trong rừng được vì
mình phải để cho nó yên tĩnh mà. Rừng che chở cho con người,
cho thú rừng và cho cả đất Tây Nguyên ta đấy. Nào một trăm
phần trăm nhá!
Nói xong một tràng diễn thuyết mộc mạc Ma Súc nó hô, thay
cho lời hứa hẹn, ba cái ly nứa cụng nhau dốc ngược.
Ba con người của rừng ăn no cá không động gì tới hai khúc
cơm lam dậy mùi thơm phức.
Xong bữa tiệc rừng ba người ngà ngà vục đầu xuống khe uống
nước. Thế rồi ba người chọn ba tư thế tùy ý nằm trên tảng đá
ngủ khì, mặc cho lũ muỗi rừng tha hồ làm thịt.
Nửa đêm thằng Ma Sớ lên cơn sốt, người nó nóng ran mà lại
kêu rét run lên cầm cập. Ma Pal lo lắng gọi Ma Súc:
- Thằng Ma Sớ nó sốt quá, cho nó uống rượu nữa nhá? Ma
Súc chửi ngay:
- Bậy nào, mày cho nó uống nữa nó chết không mang về buôn
được đâu.
Ma Súc đã tỉnh hẳn, anh ngồi dậy, lo lắng nhìn sâu vào rừng
khuya thăm thẳm, ngoài kia không có gì hơn một màn đêm. Xa
xa trong rừng vắng, vọng về tiếng chó sủa đứt quãng đơn lẻ, anh
cất tiếng để trấn an:
- Sáng mai ta tìm vào nơi có người Mông ở nhờ họ thôi.
May sao gần sáng Ma Sớ đỡ sốt nó đi được. Nó nói: - Vì con
bọ cạp cắn phát sốt, cả đêm phải cho tay vào nách cặp mới hết.

Còn Ma Pal chỉ tin vào rượu, uống vào đến sốt rét còn phải hết
nữa là bọ cạp cắn.
Sáng sớm hôm sau, Ma Súc cầm xà-gạc rẽ lối, cứ hướng đông
bắc, phía tiếng con chó sủa đêm qua mà băng tới. Ba người chui
rúc qua bao nhiêu là bụi rậm, gai góc, cuối cùng gặp một cái dốc
mòn cây đã phủ kín, có lẽ lâu ngày không có người đi lại. Nhìn
xuống phía dưới thấp thoáng có những thửa ruộng bỏ hoang.
Họ đi vòng quanh khu ruộng theo một lối mòn mờ. Hết chỗ
vòng không gian như rộng ra, trước mắt các anh có một thung
lũng nhỏ, san sát những ruộng bậc thang bỏ cỏ, bên cạnh những
nền nhà trơ ra mấy cây cột gỗ cháy xém, xung quanh ngổn
ngang phên nứa mái tranh, manh chiếu vất bừa bãi trên đám tro
tàn.
Giữa bãi trống còn duy nhất một mái lều xiêu vẹo. Ba người
không ai bảo ai tiến về mái lều.
Rừng cần yên tĩnh, người Mông đã phải ra đi, bỏ lại khu
ruộng đã mất bao công sức khai phá. Người ta tìm vào góc rừng
này để hy vọng có cuộc sống tốt hơn. Nhưng họ phải trả lại cho
rừng xanh vẻ tự nhiên như vẫn có từ ngàn đời.
Ba người bỗng phải khựng lại vì tiếng chó sửa vang lên dữ dội
phát ra từ trong căn lều.
Một con chó mầu xám tro chạy vọt ra, nó quay lưng tựa vào
vách nứa và sủa lên ông ổng.
Chỉ lát sau, con chó vừa sủa, vừa như rên lên những tiếng
ư..ử..Cái đuôi của nó vẫy nhẹ. Nó vừa sợ lại như vừa mừng vì
thấy những người khách không mời mà đến. Hẳn đây là nhà của
chủ nó, nó phải có bổn phận bảo vệ cho dù chỉ còn một cái lều.
Khi dời bỏ đất này có lẽ vì một lý do nào đó người ta đã không
đem theo được con chó này đi cùng. Có thể nó còn mải vào
rừng, khi về nhà chủ nó đã bỏ đi mất rồi.

- Bắt lấy nó! - Ma Súc hô lên. Con chó nhanh chân tót ra phía
sau lều lẩn vào trong một bụi rậm.
Ba người cùng tò mò nhìn vào trong lều. Ở giữa có cái chõng
tre mối đã xông rệu rã, dưới gầm một khoảng đất trũng hình
lòng chảo, bên cạnh vương vãi những xác con cua đá lông chuột
và con kỳ nhông con chó đang ăn dở. Mùi ẩm mốc bốc lên từ
đó.
Ma Pal nhìn ra lùm cây, anh thấy con chó đáng thương đang
ngồi chống chân nhìn theo ba người lạ. Ma Súc và Ma Sớ không
còn để ý tới một con chó rừng nữa. Còn lại một mình với con
chó anh đi lại gần thử gọi:
- Ki, Ki, con chó nghiêng đầu im lặng. Anh lại cất tiếng gọi:
- Sầu, sầu. Vừa gọi anh vừa từ từ tiến lại gần hơn vẫy vẫy
ngón tay, cố tỏ ra thân thiện.
Lạ thay con chó không bỏ chạy, cũng không sủa, anh liền
ngồi xuống. Nó cũng hạ thấp, nhích thân mình lại gần với anh,
miệng rên lên những tiếng kêu khe khẽ.
Bàn tay Ma Pal âu yếm vuốt nhẹ lên đầu con vật, nó cũng
nồng nhiệt liếm lên tay anh nóng hổi.
Đêm đêm con chó này vẫn sủa lên trời, nó nhớ về người chủ
của mình, tiếng kêu của nó rơi vào tuyệt vọng.
Nếu như Ma Pal đem nó đi theo mình về buôn. Nhưng theo
anh về liệu anh có bảo vệ được cho nó hay không, điều đó anh
không chắc. Thôi hãy cứ để con chó trong rừng như nó đã sống
qua những ngày cô độc, nó sẽ thành con chó hoang, rừng xanh
che chở cho nó.
Nghĩ vậy anh hạ hai khúc cơm lam rồi đi vào trong lều, con
chó ngoan ngoãn theo anh. Tay Ma Pal vỗ vào hai khúc cơm
như muốn nói: - Tao để lại cho mày, ăn hết mày chạy vào rừng,
rừng xanh sẽ nuôi sống mày. Con chó như hiểu ý anh, nó nằm
phủ phục dưới nền đất, đôi mắt buồn rười rượi. Thương hại anh

vuốt lên đầu nó một lần cuối rồi bước chân ra khỏi lều. Hình
như nó cũng biết thân phận của mình nên không đi theo anh nữa.
Cái đuôi khẽ ve vẩy như lời chào biệt, một con người tốt bụng.
Khi Ma Pal ra tới bìa rừng, anh nhìn lại, con chó đã ra đứng
trước cửa lều rầu rĩ nhìn theo cho đến khi anh khuất vào trong
rừng cây.
Ba người tiếp tục đi theo vết xe đầu ngang in mờ trên lối mòn.
Chừng ba cây số nữa Ma Súc dẫn mọi người bỏ con đường mòn
rẽ lối đi tới nơi để xe đạp về buôn.
Chiều hôm đó Ma Pal về nhà, kết thúc sớm hơn một ngày.
Trước ngõ nhà anh có hàng cột xi-măng mới dựng thẳng hàng.
Buôn mình sắp có điện, Ma Pal nghĩ vui trong bụng lắm.
Ma Pal đi tới nhà anh Trung, nó làm cán bộ nó biết. Anh kể lại
cuộc đi trong rừng. Anh Trung nói:
- Ma Pal thấy rừng có thích không? Trong rừng không có
chim, không có thú thì buồn lắm, cũng như cái ao nhà mình
không có cá cũng buồn. Mình biết giữ rừng như bao đời nay thì
cuộc sống vui lắm.
Người Mông tìm vào nơi đây sinh sống, người ta nghe theo
cán bộ phải dời đi nơi khác cho miền rừng yên tĩnh.

Ea Kar 10/ 2003

tay-bac7

 

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)