MƠ THẤY CHA VỀ THĂM ĐỒNG ĐỘI
Trần Thúy Hoàn
Mùa dịch này con không về quê được
Ngày giỗ cha tim quặn thắt bồi hồi
Bình hoa nhỏ bỏng một tâm nhang đỏ
Hãy nhận giùm con một lạy cha ơi!
Trưa Phú Yên con sóng vỗ chơi vơi
Biển kể chuyện về đường mòn trên biển
Ngày cha cùng đội tàu vượt tuyến
Chuyển khí tài tiếp lửa chiến trường xa
Đã bao mùa Vũng Rô táng mộ hoa
Tưởng nhớ đồng đội cha - những anh hùng bất tử
Phục viên về lòng cha neo một nửa
Những bến bờ gian khó cha qua...
Con bây giờ lại tiếp bước ông cha
Xây dựng Phú Yên mở mang tầm vóc
Ngày giỗ cha trong mơ con òa khóc
Thấy cha về thăm đồng đội, thăm con !
Đường mòn Hồ Chí Minh sóng nước sắt son
Lưu sử sách những chiến công huyền thoại
Con của lính nguyện sẽ cầm chắc lái
Đưa công trình vượt đại dịch vươn cao!
5/8/2021
Nguồn: Baó QĐND cuối tuần ngày 17/10/2021
LỜI BÌNH CỦA NGUYỄN THỊ THIỆN
Trần Thúy Hoàn (1956 – Cát Bà, Hải Phòng) tuy viết chưa nhiều lắm nhưng chị có những bài thơ được khá đông bạn đọc yêu thích bởi cảm xúc lắng đọng, chân thành. Thi phẩm chị viết mới đây đăng trên Tạp chí VNQĐ có nhan đề “Mơ thấy cha về thăm đồng đội” là sáng tác như thế.
Bài thơ ra đời ngay sau khi Thúy Hoàn nghe cháu Nguyễn Việt Hà, con trai trưởng của chị gái ruột đang công tác ở ngành xây dựng tại Phú Yên - kể về giấc mơ linh diệu. Vào đúng ngày giỗ đầu của cha, cháu mơ thấy ông về Phú Yên thăm con trai và đồng đội của mình thuộc Hải đoàn Tàu Không Số. Trong bài, tác giả đã hóa thân vào người con để giãi bày cảm xúc: “Mùa dịch này con không về quê được/ Ngày giỗ cha tim quặn thắt bồi hồi/ Bình hoa nhỏ bỏng một tâm nhang đỏ/ Hãy nhận giùm con một lạy cha ơi”. Giỗ đầu là một nghi lễ quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt với người khuất bóng khi tròn một năm. Ngày giỗ cha của anh Hà (25 / 8 / 2021), cũng là thời điểm đại dịch covid -19 lần thứ tư bùng phát dữ dội ở nước ta. Thực hiện giãn cách xã hội nên không thể về quê làm giỗ, anh thắp hương hoa tưởng nhớ cha là phù hợp vì người Việt có quan niệm: “Con cái ở đâu cha mẹ theo đấy”. Nghệ thuật đảo từ qua hình ảnh “Bình hoa nhỏ bỏng một tâm nhang đỏ” và người con quỳ bái vọng cha từ xa “Hãy nhận giùm con một lạy cha ơi!” khiến người đọc rưng rưng xúc động bởi người con có tấm lòng thương nhớ và hiếu kính cha. Phần sau đó, mạch thơ chuyển từ hướng nội sang hướng ngoại:“Trưa Phú Yên con sóng vỗ chơi vơi/ Biển kể chuyện về đường mòn trên biển/ Ngày cha cùng đội tàu vượt tuyến/ Chuyển khí tài tiếp lửa chiến trường xa”. Cảnh vật thiên nhiên cũng đồng điệu với nỗi lòng con, tiếng sóng biển ngoài khơi dường như đang kể chuyện về cha và đồng đội của ông. Đoạn thơ đã làm sống dậy những tháng năm quân ngũ của người cựu chiến binh - ông Nguyễn Văn Hồng, anh rể của tác giả - nguyên là lính hải quân từ năm 1970 đến 1975 thuộc đoàn Tàu Không Số, đơn vị C15- D1E126, sau chuyển sang D6 và phòng tham mưu vùng 1. Thời bấy giờ chiến tranh ác liệt, thực hiện nhiệm vụ phải hết sức bí mật nên rất ít người biết điều đó. Ngay cả sau này khi ông Hồng phục viên về sống cùng gia đình, bản tính khiêm tốn, ông cũng ít khi kể về chiến tích của mình. Nhưng người thân cũng như nhân dân cả nước không bao giờ quên công lao, sự cống hiến và hy sinh quên mình của đội quân quả cảm ấy. Nhất là dịp năm nay, chẵn 60 năm đơn vị ra đời: ngày 23.10.1961, Đoàn 579 - Đoàn tàu Không Số chính thức được thành lập. Trong suốt nhiều năm, đoàn tàu Không Số đã trở thành huyền thoại nhờ tài trí và lòng gan dạ vô song của các chiến sĩ hải quân, những lính Cụ Hồ anh hùng trong trận mạc nhưng bình dị giữa đời thường. Suốt 15 năm, vượt hàng ngàn hải lý, những chuyến tàu ấy lặng lẽ vượt sóng gió, vượt hiểm nguy và tai mắt kẻ thù, chở nặng vũ khí, hàng hóa cùng nghĩa tình miền Bắc đến với chiến trường miền Nam. Hầu hết là những chuyến đi thành công nhưng cũng có những chuyến đi bị địch truy sát gắt gao, có con tàu bị phá hủy, nhưng chúng ta kịp thời tháo dỡ hàng, đã cho địch thấy ý chí sắt đá, lòng dũng cảm và niềm tin vào chiến thắng cuối cùng. Không ít người đã hy sinh anh dũng trong quá trình làm nhiệm vụ. Tình cảm thương nhớ những cảm tử quân cùng đơn vị với cha được thể hiện nhất quán ở khổ thơ tiếp: “Đã bao mùa Vũng Rô táng mộ hoa/ Tưởng nhớ đồng đội cha - những anh hùng bất tử/ Phục viên về lòng cha neo một nửa/ Những bến bờ gian khó cha qua”. Lời thơ nhắc tới Vũng Rô, một vịnh nhỏ thuộc xã Hòa Xuân Nam, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, nằm ngay sát rìa dãy núi Đèo Cả, là bến tàu giữa lòng địch. Từ đây, hàng trăm tấn vũ khí, đạn dược đã được chuyển tiếp, chi viện cho “chiến trường xa” cụ thể là chiến trường Khu V và Tây Nguyên, thúc đẩy phong trào cách mạng phát triển mạnh, tiến đến giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Nhiều cựu binh của hải đoàn về phục viên, sống giữa thân nhân và bà con quê hương nhưng ông Nguyễn Văn Hồng thẳm sâu trong tâm can vẫn luôn nhớ về đồng đội “lòng cha neo một nửa” về thời trận mạc oanh liệt hào hùng. Cách dùng đảo từ thêm khắc sâu thái độ vô cùng trân quý, thắm thiết nghĩa tình của người cựu binh. Điều ấy càng khiến chúng ta ngưỡng mộ những cán bộ, chiến sĩ của Tàu Không số ngày ấy đã phát huy cao độ tinh thần của lớp thanh niên thời đại mới, là tấm gương sáng, là động lực thúc đẩy thế hệ trẻ ngày nay tiếp bước cha anh, góp công sức trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Khổ thơ cuối là những vần thơ chan chứa niềm tự hào: “Đường mòn Hồ Chí Minh sóng nước sắt son/ Lưu sử sách những chiến công huyền thoại/ Con của lính nguyện sẽ cầm chắc lái/ Đưa công trình vượt đại dịch vươn cao!”. Những câu chuyện về các chiến sĩ hải quân của Tàu Không số cùng bến cảng Vũng Rô thường được kể cho lớp cháu con mãi là khúc tráng ca bất tử trong lòng dân tộc.
Bài thơ là tiếng nói từ trái tim bày tỏ niềm thương tiếc, trân quý và tri ân sâu sắc của người con với cha, của tác giả nói riêng đối với người anh mình cùng cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu Không Số và bộ đội ta nói chung. Người con trong bài cũng như lớp trẻ hôm nay thầm hứa sẽ tiếp bước cha và các thế hệ đi trước trên mặt trân mới xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp.
NGUYỄN THỊ THIỆN ĐC: Số 2 ngõ 19/20 Trần Quang Diệu, Ô Chợ Dừa Đống Đa, Hà Nội
Người gửi / điện thoại
CÁM ƠN NHÀ GIÁO NHÀ VĂN NGUYỄN THỊ THIỆN ĐÃ CỘNG TÁC!