MỘT NGƯỜI HÀ NỘI THƠ LẶNG LẼ
Đọc Hoa trạng nguyên của Nguyễn Trác, nxb Hội Nhà Văn,2015
Vũ Nho
Người ta thường lấy một tên gọi vừa gợi cảm, vừa có ý nghĩa, hoặc khá phổ biến là lấy tên một bài thơ tâm đắc để làm tên cho cả tập thơ. Nhưng tập Hoa trạng nguyên thì không có một bài thơ nào như vậy. Đó chỉ là mấy từ trong một câu thơ của bài thơ Sa Pa ở khổ cuối cùng:
Sa Pa
Bất chợt tiếng khèn
Thảng thốt hồn chiều
Hoa trạng nguyên đỏ thắm.
Nhưng ngẫm kĩ thì đặt tên như vậy cũng hàm chứa nhiều ý nghĩa. Cái loại hoa đỏ thắm có tên là trạng nguyên ấy khá phổ biến trên hàng rào nhà người vùng cao. Nó là loài hoa bình dân, giản dị. Màu sắc đỏ thắm của nó đỏ đến nao lòng và gợi cảm, đặc biệt là gợi nhớ về lịch sử thi cử ngày xưa. Mà điệu tâm hồn của nhà thơ Nguyễn Trác là một điệu thường hướng về quá khứ, hướng về lịch sử, suy ngẫm từ lịch sử. Chúng ta sẽ gặp những suy tư thơ trên Phổ cổ; Vết đạn trên thành cổ; Màu cô ban cổ; dõi dấu tiền nhân; Lịch sử Người lửa đỏ từng trang; Mùa thu Đại Việt/ Mây trắng bay như những chiến thuyền/ Hào khí Đông A; Tiếng ngựa hí nước dâng từ tiền sử mơ hồ…( Tên những bài thơ, ý thơ, câu thơ trong tập).
Khi đọc những câu thơ có tính tự thuật này:
Cậu bé sinh thành phố
Thêm người mẹ áo nâu
Giấc ngủ thêm hương lúa
Đêm thêm câu hát gọi trầu
Cậu bé hồn lãng tử
Gió sương sen hồ
Tôi nghĩ rằng thành phố Hà Nội và vùng quê kinh Bắc đã nuôi dưỡng hồn thơ, đã làm giàu tâm hồn nhạy cảm, đã chuẩn bị cho cậu bé thành nhà thơ. Và cậu bé đó viết nhiều về Hà Nội, về những miền quê của đất nước là một chuyện tưởng không có gì ngạc nhiên hay cần phải lí giải.
Trong tập thơ Hoa trạng nguyên, những bài viết về Hà Nội, về kỉ niệm của tác giả khá nhiều, khá sâu. Phải nhạy cảm, và đặc biệt là có một tình yêu Hà Nội rất nồng nàn, máu thịt mới có thể viết những dòng như vậy.Về cây cầu Long Biên chứng nhân lịch sử hàng trăm năm tuổi, nhà thơ nhìn thấy như dáng rồng bay trong huyền thoại:
Người bay cao hơn những gì mỏi mệt
của thế hệ chúng tôi
tới đỉnh những giấc mơ
trong cuộc sống ngàn đời
Cầu Long Biên
Anh yêu buổi sáng thành phố yên tĩnh với những ông già đi bộ, những bạn trẻ đi ăn và:
Người đàn bà bán cây
chở cây vào thành phố
ban mai thơm hương bưởi hương hồng
Buổi sáng
Anh yêu tháng Mười Hà Nội, đặc biệt là những cô gái trẻ trung, tươi thắm của Thủ đô thanh lịch làm trẻ lại con hồ nhiều trăm năm tuổi:
Các cô gái thắm tươi
Đỏ rực áo phông
Làm trẻ lại Hồ Gươm
Tháng Mười Hà Nội
Suy ngẫm trước vết đạn trên thành cổ. Bâng khuâng miên man trong Quán Trung Hoa ở phố Yết Kiêu. Lặng lẽ hoài niệm những mùa rau khúc xưa trong Phố cổ. Hân hoan vui mừng trước vẻ tinh khôi sớm mồng một Tết ở Hà Nội. Lắng nghe tiếng chuông chùa Bồ Đề sang sông. Cảm nhận Gió lạnh quanh hồ Hoàn Kiếm với những thăng trầm, đổi thay thế sự:
Đau đáu chuyện kinh thành
…mùa này liễu chẳng còn xanh
Quanh Hồ Gươm toàn nghe nói chuyện tiền
Quanh Hồ Gươm không còn hầm trú ẩn
Báo rao như hát những hung tin
Các em bé chơi game
Hồn nhiên như lá biếc
Đó là những cung bậc khác nhau của bản nhạc tình yêu Hà Nội trong lòng tác giả. Chỉ biết rằng anh vô cùng yêu quý, nâng niu, thành phố này. Đến mức một một người không quen biết, tập thể dục buổi sáng như bao người, nhưng được nhà thơ trân trọng như là biểu tượng của một Hà Nội trẻ trung, khỏe khắn, biểu tượng của cuộc sống thủ đô ngàn tuổi:
Với đôi chân khỏe mạnh
Nàng bay lên trên sỏi đá cằn
Bên cạnh nàng là hoa vừa nở
Cùng tiếng chuông chùa đã nghìn năm
Người đàn bà dậy sớm
Một tâm hồn rộng mở, luôn luôn nâng niu, trân trọng những giá trị cuộc sống, khi ra ngoài Hà Nội, về các vùng miền của đất nước như được bồi đắp thêm các giá trị văn hóa mới và tình cảm mới. Miền quê nào cũng có những nét đẹp riêng, lắng lại trong cảm xúc của nhà thơ và sinh thành những câu thơ ấn tượng.
Một cô gái người dân tộc trên Sa Pa:
Vừa đi vừa se lanh
Váy áo rung rinh đèo dốc
Sa Pa
Một nghệ nhân già trong làng gốm Chu Đậu:
Tóc bạc nghiêng nghiêng đổ
Xuống một thời hoa niên
Men ngọc chảy thành sen
Trăng mờ rồi trăng tỏ
Sau ngọn lửa hoàn nguyên
Là màu cô ban cổ
Chiều Chu Đậu
Một vùng quê Thanh Hóa hiện hình trong tranh của họa sĩ đồng quê rồi thăng hoa, định dạng trong thơ Nguyễn Trác:
Rừng Pù Luông nắng mật ong
ruộng bậc thang vạt lá dong mã đề
trong đầm sen trắng chiều quê
trăm con vịt trắng bơi về nghìn năm
Họa sĩ đồng quê
Một khoảnh khắc miền Tây với cà phê võng và đờn ca tài tử như một đặc sản khó quên:
Đung đưa…dạ cổ hoài lang
Cà phê võng với mênh mang chuông chùa
Chim kêu vườn bưởi vườn dừa
Gập ghềnh cầu ván nhặt thưa đàn kìm
Về miền Tây
Có khi không có một địa danh cụ thể, nhưng người đọc biết rõ đó là cảnh quen thuộc bất cứ phố thị nào, khi chúng ta ra khỏi những kiến trúc bê tông, gương kính. Đó là nông thôn hay có tên gọi khác là làng quê, rút gọn còn một chữ “quê”. Ở đó sinh ra cô gái bán hàng:
Cô gái quê
Bưng những mẹt hàng
Như bưng cả mùa thu đậu phụ rán vàng
Khúc Tiêu Sơn
Trong tập còn có những bài thơ khác, người viết tặng bạn thơ, bạn văn, tặng các bậc tiền bối sáng tạo như Phùng Cung, Phạm Hổ, Vương Trí Nhàn, Trần Quốc Thực, Phan Thanh Cường, PTM, HKD,… cũng đều với tinh thần yêu thương, trân trọng.
Một phần của tập thơ là bài thơ dài “ Vĩnh Trinh mùa nước”. Tác giả không gọi tên thể loại, nhưng có thể xem đây là một trường ca. Không quá hoành tráng nhưng đủ để ghi lại một vùng đất với bao thăng trầm, biến thiên của lịch sử. Có những câu thơ giàu sức gợi, đọc xong rồi vẫn cứ ám ảnh:
Đêm miền Trung
Tháng chín vùi trong bão
Nước sông Hàn vỡ vụn màu xanh
Mưa phóng xuống trăm ngàn ngọn giáo
Hoặc :
Mùa xuân tong teo trên ngọn muống già
Cây lúa bấp bênh hai đầu hạn úng
Và đây nữa :
Lệt sệt bùn đặc sánh từng xô
những xô nước cuối cùng rồi đấy
còn ai chưa rửa mặt sáng này
những cánh đồng khô hạn tìm mây
mặt trời mặt trăng mặt người đỏ cháy
mặt giếng quá sâu rồi em chẳng thể soi gương
*
Thế hệ chúng mình sinh trong nghèo khó
Lớn khôn cùng đạn bom
Đó là hai câu trong bài thơ dài “ Vĩnh Trinh mùa nước”. Phải chăng đó cũng là hai câu thơ khái quát cho một thế hệ các nhà thơ xuất hiện và trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Nguyễn Trác in tập thơ riêng đầu tiên năm 1987, nhưng có thể viết nhiều mà không in nhiều. Quân bình gần 5 năm mới có một tập. Nhà thơ thấy công việc làm thơ và viết văn càng ngày càng khó. Cần phải có đủ tình yêu và trung thực. Thiếu một trong hai , khó có thơ chứ chưa nói đến thơ hay.
Không hiểu sao, tôi có ấn tượng về người thơ cũng như thơ Nguyễn Trác gần gũi với Nguyễn Huy Dung. Lặng lẽ, kín đáo, khiêm nhường. Nhưng thơ anh đủ sức neo vào tâm trí bạn đọc, nếu ai đã đọc anh bằng một cách đọc nhẩn nha, không vội vã.
Hà Nội, ngày 5 tháng 11 năm 2015
In báo Văn Nghệ, Hội nhà văn Việt Nam số 47 ngày 21/11/2015
Người gửi / điện thoại