bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN - NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ LÀM VIDEO CLIP RẤT SINH ĐỘNG!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN  NHÀ BÁO ĐẶNG THỦY ĐÃ ĐẶT HÀNG VÀ DÙNG BÀI VIẾT NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Cám ơn nhà văn Nguyễn Đông Nhật!A DI ĐÀ PHẬT! AN LÀNH CHO CÁC BẠN ĐỌC TRANG NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 14
Trong ngày: 95
Trong tuần: 737
Lượt truy cập: 672694

MÙA RƯƠI

MÙA RƯƠI

                         Tản văn  của Nguyễn Đình Bắc
 
 nh_bc_1
Bà tôi thận trọng bước từng bước ra đầu hè, tay phải chống gậy, tay trái quờ ra sau đấm nhẹ vào cái lưng còng gập, ngước nhìn trời, miệng lẩm bẩm:
- Tháng Chín đôi mươi, tháng Mười mồng năm rồi đây...!
Trên trời, những sợi mây màu tro bảng lảng tựa muôn ngàn bông lau, như muốn quấn lấy ngọn cau trước nhà. Đây đó đã xuất hiện những hạt mưa rươi lộp bộp trên tầu chuối. Trời nặng như đeo đá. Bỗng tiếng: cắc! Cắc cắc! Nhịp ba đều đặn, rồi một giọng ồ ồ pha nắng pha gió của chú Tèo cất lên nơi đầu ngõ:
-Rươi nổi! Rươi nổi! Bà con làng nước ơi...!
Dường như chỉ chờ có thế, làng trên xóm dưới rậm rịch bước chân, người lớn, trẻ con lao về phía bãi. Tép hổn hển, cuống cuồng, tay ống bơ, vợt, tay kia kéo tôi. Hai đứa chạy chân sáo trên đường làng, miệng bô lô ba la:
Rươi rưởi rười rươi
Rươi tươi tươi sống
Rươi nổi trên đồng
Rươi nổi dưới sông
Rươi chồng, rươi vợ
Vớt về làm mắm!
Vớt về om dưa!
 
Cuối đồng, đã thấy lố nhố bóng người đen đặc cả cánh bãi. Nơi ruộng rươi, nước vừa đến ngang bụng chân, ai nấy tay vợt, tay dần chao thoăn thoắt. Cứ mỗi khi bọt khí như tăm cá phụt từ mặt ruộng lên là y như có một chú rươi ngoi lên theo. Bọt khí càng dầy thì rươi càng sẵn. Mà lạ thật, lúc đầu khi rời mặt ruộng con rươi chỉ nhỏ như đầu tăm và nó có màu xanh rớt, nhưng chưa đầy chớp mắt, nó lớn phổng lên thật nhanh, uốn mình bơi lượn trên mặt nước, rồi chuyển từ màu xanh thành mầu hồng mọng cùng những chỉ xanh hai bên sườn tựa bẩy sắc cầu vồng. Chú Tèo gọi đó là những con “rươi chín”. Bọn trẻ con chúng tôi khoái nhất là những cô “rươi chín”. Tôi thường giành Tép “rươi chín” (mà thực chất là để trêu) làm nước ruộng tanh lòm bắn tóe lên đầu, lên mặt. Càng về chiều, nước trên nguồn đổ về, gặp nước biển dâng lên tạo thành một vùng nước lợ thì rươi nổi nhiều vô vàn như trấu vãi. Chắc vì thế nên khi có thứ gì nhiều vô kể thì người đời hay ví von “nhiều như rươi” đó chăng!
Chiều muộn, nước đứng hẳn, rồi từ từ rút về phía biển, lúc này những bầy rươi cũng theo dòng mà trút xuống sông. Và dưới kia, ngang dòng là những chiếc đáy lớn chờ sẵn để đón những bầy rươi vừa “thoát nạn” trên đồng. Để rồi, sớm mai các bác gái vạn chài, tươi rói với những thúng rươi nặng trĩu, trên chiếc đòn gánh cong vắt vẻo mà chạy thoăn thoắt về phía chợ quê, hay bán buôn cho các mối chở đi thành thị.
Ngày xưa ở quê tôi cánh đồng chia làm hai cấp. Cánh đồng mầu giáp chân tre là cánh đồng cao, thường được thâm canh hai vụ lúa. Kế đến cánh đồng thấp, cánh đồng này thường bị nước mặn của biển tràn vào nên chỉ cấy được một vụ chiêm. Sau thu hoạch chiêm là bỏ hóa. Và chính khu đồng này là “thủ phủ” của họ hàng muôn đời nhà rươi. Vào khoảng tháng Chín, tháng Mười, quan sát trên mặt ruộng thấy chi chít, vô vàn những lỗ nhỏ như khuôn mặt của người bị bệnh đậu mùa, ấy là ruộng chân rươi.
Mãi sau này khi lớn lên đi làm thủy lợi tôi mới hiểu thêm về rươi. Ở những cánh đồng bãi chỉ cần đào sâu xuống hai thép mai là ta bắt gặp những con rươi nhỏ như đầu tăm, nhưng lại dài đến cả sải tay. Rươi là một loài nhuyễn thể, sinh sản bằng cách phân thân. Khi nước mặn tràn vào lỗ, con rươi chui khỏi mặt đất, cứ đoạn nào rời đất, lại tự...ngắt ra, dài chừng hai đốt ngón tay, và “công dân độc lập” ấy tự do bơi lội tung tăng nom như những sợi tơ mềm bé xíu.
Tôi và Tép ngừng tay khi mặt trời sắp tắt. Chúng tôi lum cum kiểm tra hai chiếc ống bơ, và tôi thật ngạc nhiên khi ống của Tép gấp hai lần của tôi. Đúng là con gái! Em hỏn hoẻn cười ghé bơ san cho “anh chàng quỷ sứ” một phần.
Đã bao năm rồi, em theo chồng sang lập nghiệp tận trời Tây, mà sao tôi vẫn nghe đâu đây tiếng ống bơ rươi chạm nhau lanh canh chiều cuối thu năm ấy, mỗi độ rươi về...!
Ôi! Người em gái quê hương dễ thương và nhân hậu của tôi!
 
           Phải nói rằng, lòng đất mẹ quê tôi, đã cho dân làng một loài sinh vật đặc biệt. Nhưng đặc biệt hơn là sự tài hoa được nâng lên thành “nghệ thuật ẩm thực” của những người đàn bà giỏi giang quê tôi khi chế biến món ăn từ rươi. Nhớ mùa rươi năm ngoái, cậu em vợ gửi lên cho cả cân “rươi chín”, vợ đi vắng, mấy cha con “đực rựa” thi nhau...lên mạng, học cách...“chế biến”...chả rươi theo kiểu...thị thành…!Tôi cũng trổ hết tài...“hiểu biết”...cổ điển, cộng với “kiến thức” mới trên mạng. Mấy cha con... đánh vật với xoong chảo cả buổi chiều, để cuối cùng có được một món...bánh rươi hổ lốn! Thế mới hay, cái sự ăn cũng chẳng phải...dễ gì!
Chốn thị thành, quanh năm thịt cá..., nhưng những món ăn dân dã “đặc sản” trong các nhà hàng sang trọng và những gian bếp nề nếp của những tay nội trợ tài đảm, mùa này, không thể thiếu món chả rươi và mắm rươi...Người thành phố còn khéo léo pha thêm giò sống, hay thịt, nấm hương..., trang trí màu sắc và mùi vị, sao cho mâm cơm có món rươi ngon mắt, ngon miệng và sang. Người nhà quê, có cách chế biến mặn mòi riêng, bởi nhiều rươi nên không mấy khi pha trộn, mộc và “chất” hơn. Rươi tươi vớt tại đồng làng về cả chậu, thôi thì đủ thứ: rươi rán, rươi kho, xáo rươi với dưa, xào cải củ, hay kho kỹ một nồi trã to tướng với riềng, ăn dần trong bữa cơm thợ gặt, thợ cày. Nhưng tôi mê nhất là hai món: rươi om lá gừng cho các bậc cha chú đưa cay và ăn cùng cơm mới. Món mắm rươi chưng hành mỡ, vỏ quýt ăn ngày thường và để ngấu chấm thịt ba chỉ khi nhà có khách hay tết nhất...
Cứ khi nào làng rậm rịch đi vớt rươi là ở nhà bà tôi hái sẵn một rổ khế chua to và một cạng lá lốt để sẵn ở đầu hè. Hàng xóm ai cần thì cứ lấy. Để làm món rươi om, bà tôi có sẵn cái niêu đất nấu được tầm hơn hai đấu gạo. Công thức: cứ chừng ba bát rươi cho hai quả khế chua thái chỉ, một nắm lá gừng bánh tẻ, nêm mắm muối vừa đủ. Lá gừng rửa sạch để ráo nước, rồi lót xuống đáy và quanh niêu. Cứ một lớp rươi, một lớp lá gừng, kèm theo chút hạt tiêu tán nhỏ. Tuy nhiên bà không quên để một lớp rươi ở giữa nồi không rắc hạt tiêu để dành riêng cho tôi. Xong xuôi, bà lấy một ít đất sét trộn với tro bếp chít xung quanh miệng niêu. Đặt niêu giữa vùng tro, lấy rạ quấn xung quang, châm lửa đốt đùng đùng. Khi đon rạ cháy, tạo ra lớp than hồng thì đổ trấu vào kín mít cho cháy âm ỉ. Chừng cháy hết que hương, ta đã nghe không gian, thoảng mùi thơm của rạ rơm, của trấu, của món đồ đặc trưng rươi om hấp dẫn lạ kỳ.
Cả lũ chúng tôi hôm ấy, không đứa nào chơi trốn tìm nữa mà quẩn chân người lớn nhong nhóng đợi. Con mèo mướp mắt trong veo, hết chạy ra lại chạy vô...
Bữa tối nay, nhà tôi ăn cơm muộn, phần vì chờ niêu rươi om, phần vì chờ chú Hợi, đi sang làng bên biếu rươi bố vợ chưa về. Mâm cơm vừa dọn ra, bố tôi đứng cạnh bờ rào gọi ới sang nhà Tép:
- Chú Thìn sang đi, chú Hợi đến rồi. Hôm nay có rươi om lá gừng
 
Cả nhà quây quần bên mâm cơm, mẹ tôi vào bếp bắc niêu rươi om, mới đi đến đầu sân mà mùi rươi đã thơm nhức mũi. Bố tôi rót bốn chén rượu ngâm thuốc bắc sóng sánh mầu cánh dán, rồi hai tay nâng một chén mời bà tôi. Mẹ tôi mở niêu rươi om, khéo léo gắp ra từng lát đặt vào đĩa. Bữa nay độc chiêu toàn rươi, rươi om, rươi rán, rươi xáo dưa cải củ. Biết tôi háu ăn, mẹ xắn một miếng rươi om to, gắp vào bát cho tôi. Tôi nhâm nhi ăn nửa miếng, còn nửa miếng đặt xuống góc mâm, ý muốn để dành cho Tép, vì chiều nay nó thầm thì: “Mẹ Tép đang cữ em bé nên kiêng rươi, Bống phần Tép rươi om gừng nha”. Biết ý, chị Hảo nhìn tôi cười rồi bảo:
- Lại để phần Tép chứ gì, thôi cứ ăn đi, chị đã dành phần cho Tép, cất ở cối xay kia. Tôi thầm cảm ơn chị mà má cứ nóng rân rân. Cả nhà cười ồ vui vẻ. Bà tôi chậm rãi nói:
- Thôi, sau này chú Thìn cho con Tép làm dâu nhà này cho gần gũi.
Tôi chả hiểu gì về dâu con nhưng tự nhiên thấy vui vui. Tôi ăn quáng ăn quàng hai bát liền, chờ cho mọi người đang lúc chuyện trò rôm rả, tôi nhón miếng rươi om, chạy vù ra cổng, nghe phía sau tiếng cười ròn tan của cả nhà. Tép đã chờ tôi nơi gốc bưởi. Dưới ánh trăng tháng Mười vàng như rót mật, hai đứa chia nhau miếng chả rươi béo ngậy, thơm tho ngon và nhớ nhất trong đời...!
Tép ơi! Ở bên kia đại dương, bên dòng sông xa lạ, mùa nước lợ, có rươi...về không em...?
Bao năm đời tôi qua là bấy năm mùa rươi đến. Mỗi lần về quê là lòng tôi lại chùng xuống, trĩu nặng nỗi nhớ thương.
Nhớ bà tôi với tấm lưng còng đau nhức mỗi mùa rươi.
Nhớ vạt áo nâu của mẹ ám mùi rươi om lá gừng.
Nhớ cha tôi cùng chén rượu với ánh mắt bất đắc chí trầm tư...
Nhớ cái Tép có đôi mắt đen, tròn xoe long lanh biết nói...
Nhớ những người bà con làng tôi lam lũ...
Nhớ con vật sinh ra từ lòng đất quê tôi, nó chẳng mấy xinh đẹp, mà thân thuộc, nghĩa tình, cứ đến hẹn lại về, như một món quà thủy chung của miền quê cha Kinh Môn vùng nước lợ giáp biển, cho con người bao thế hệ.
                                                                                                                                
                                                                       Bán đảo Linh Đàm 17-2-2020
 
 
 
 
 
 
 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)