Tập phê bình tiểu luận của nhà thơ Vũ Quần Phương khiến tôi nhớ đến câu thơ “ Mùa xuân không chịu lùi” của Chế Lan Viên. Thống kê 43 bài trong tập càng cho thấy rõ ý đó. 23 trên tổng số 43 bài được viết từ năm 2010 đổ lại nay. Nghĩa là quá nửa số bài viết khi nhà thơ đã ở tuổi 70 và ngoại 70, cái tuổi “xưa nay hiếm”. Chỉ có 5 bài viết dưới tuổi 60, mà bài sớm nhất là viết về Hoàng Nhuận Cầm khi nhà thơ kiêm nhà phê bình tròn 40 tuổi. Nhưng vấn đề không chỉ là viết khi cao tuổi. Mà nó thể hiện sức xuân, niềm đam mê, sự sáng tạo bền bỉ và sung sức của nhà thơ làm lí luận, phê bình.
Hầu như toàn bộ các bài viết trong tập này đều là viết về thơ, một lĩnh vực mà tác giả có thành tựu sáng tác, thành tựu thẩm bình ( Trừ bài viết giới thiệu Trúc Khê, điếu văn cho nhà giáo Văn Tâm, nỗi niềm Nguyễn Huy Tưởng, Vũ Bằng nhớ thương xứ bắc và lời giới thiệu tập tản văn của bác sĩ Trần Hữu Thăng). Cũng phải thôi. Bởi Thơ là lĩnh vực mà vị bác sĩ bỏ nghề y đam mê và “đánh cược” cả cuộc đời mình.
Tác giả có bàn đến bản sắc văn hóa dân tộc, chuẩn mực thẩm định thơ, thơ cho tuổi thơ, đánh giá cuộc thi thơ. Nhưng theo tôi, ấn tượng nhất của tập sách chính là những tiểu luận về các nhà thơ thành danh trên văn đàn như Thế Lữ, Đoàn văn Cừ, Bích Khê, Lưu Trọng Lư, Tố Hữu, Hoàng Trung Thông, Văn Cao, Thu Bồn, Vũ Từ Trang, Phạm Đình Ân,… Cùng với đó là những cảm nhận phân tích, bình giá thuyết phục về những tập thơ được người phê bình động bút.
Chắc chắn Vũ Quần Phương khi đã chỉ ra căn bệnh phê bình của đồng nghiệp : “ Những bài bình luận về tác giả tác phẩm rất rộng rãi lời khen và ồn ào chữ nghĩa không thua gì các quảng cáo thực phẩm chức năng trên Tivi” ( Về chuẩn mực thẩm định thơ, trang 354), ông cố tránh xa trong công việc của mình. Bởi vậy mà đọc ông, chúng ta cảm thấy thân gần, tự nhiên và thấy rõ tính khe khắt, chừng mực, cẩn trọng và khoa học. Nói về đặc sắc của Bích Khê, Vũ Quần Phương ca ngợi, nhưng không một chiều. Ông thấy ưu điểm nhưng kèm theo nó lại là hạn chế. Khó mà bắt bẻ khi Vũ Quần Phương viết : “ Bích Khê có nhiều câu thơ hay một cách ma quỷ như vậy. Nhưng khi xét toàn bài, những kĩ xảo về chữ, về câu về hình, về nhạc được chăm chút quá lại làm hại hơi thở tự nhiên của cảm xúc và gò cả tư tưởng của thơ lại. Bài thơ như một sự chơi kĩ thuật, diện kĩ thuật. Diện thế, người ta dễ quên ngắm nhan sắc mà chỉ thấy áo quần” ( Trang 28). Với bất cứ tác giả nào, Vũ Quần Phương cũng gắng phát hiện ra nét riêng, nét độc đáo. Chẳng hạn với nhà thơ Hồ Dzếnh một nhận xét rất tinh mà chính xác “ Vào nghề trong khí quyển của phong trào thơ mới, Hồ Dzếnh cũng hít thở vào hồn mình ít nhiều dạng vui buồn cười khóc của nó. Ở điểm này, điểm khác, ông đã gặp Xuân Diệu, Huy Cận hay Nguyễn Bính… Nhưng ở bài Chiều, ông chỉ gặp chính ông” ( trang 82). Với thơ Văn Cao : “ Sức nặng hàm súc từ tình cảm chuyển hóa sang trí tuệ là một đóng góp trội của Văn Cao cho thơ Việt đương đại chúng ta vốn nặng về tình mà còn nhẹ về tư tưởng” ( trang 92). Đối với tác giả Trần Huyền Trân, Vũ Quần Phương không đồng tình với Hoài Thanh, Hoài Chân khi đánh giá thơ Trần Huyền Trân “ hiền lành”. Ông coi đóng góp đột xuất của Trần Huyền Trân chính là sự “không hiền lành” đó. Đồng thời, bình luận về đặc sắc thơ của nhà thơ họ Trần, ông viết : “ Cốt lõi của nó là lãng mạn, khuynh hướng của nó là chiến đấu, là để hồn bay lên trong hào sảng của tự do. Thiếu đôi cánh say đắm, hào sảng của lãng mạn ấy, để chỉ chăm chăm kể lể hiện thực, thơ Trần Huyền Trân lập tức từ dáng bay thiên nga kì ảo rơi xuống thành gà vịt chạy bộ trên sân” ( trang 109).
Theo dấu những tác giả và các tập thơ của họ, người đọc cũng sẽ thú vị khi biết được cách đọc văn bản của người viết phê bình. Với tư cách là nhà thơ, Vũ Quần Phương đã từng viết với bạn đọc :
Hỡi ai tim đập trên trang giấy
Có thấy lòng tôi run xuống câu
Tiếng gọi
Bây giờ với tư cách là người đọc, Vũ Quần Phương đọc Hoàng Trung Thông : “ Tôi đọc ông mà như nghe chính ông rì rầm tâm tình. Nghe được cả những tiếng chưa thốt thành lời” ( trang 150). Trong lí thuyết đọc hiện đại, người ta gọi đó là đọc giữa dòng ( between the lines) và đọc sau dòng (behind the lines). Đọc như thế, nghe như thế nên Vũ Quần Phương cảm được những điều người khác chưa cảm, chưa nghe hoặc cảm, nghe chưa tới. Ông băn khoăn vì nếu hiểu con hổ là biểu tượng của dân ta khao khát tự do, nhớ chiến công hiển hách thì làm sao cắt nghĩa được ý muốn của nó làm chúa tể “tham vọng thống trị khắc nghiệt tàn bạo cả muôn loài”? ( trang 14). Ông còn tinh tường hơn cả một số vị viết sách giáo khoa, khi quả quyết rằng dù Nguyễn Huy Tưởng viết “ Chẳng biết Vũ Như Tô phải hay những kẻ giết Vũ Như Tô phải?”, nhưng Nguyễn Huy Tưởng đã có sự chọn lựa lời đáp cho riêng mình. Và ông đã cắt nghĩa đúng “ nỗi niềm của Nguyễn Huy Tưởng” trong kịch Vũ Như Tô “ Không thể dung thứ một ý đồ nào mà dân chúng đã phản đối. Không thể hòa đồng với bất kì một mưu toan hưởng lạc nào của thống trị làm hại đến lợi ích của nhân dân” ( trang 115).
Trong các bài viết, Vũ Quần Phương thuyết phục bạn đọc bằng sự lịch lãm, am tường đối tượng. Một số tác giả, ông có dịp gần gũi, thân quen khi còn làm biên tập viên của nhà xuất bản. Chính công việc biên tập nghiêm túc, cẩn trọng, đòi hỏi đọc nhiều, tiếp xúc nhiều đã giúp cho kinh nghiệm thẩm thơ của Vũ Quần Phương thêm dày dặn, cảm nhận thêm sắc bén. Viết về Thu Bồn, một người gần như đồng trang lứa, Vũ Quần Phương có phát hiện rất đáng ghi nhận : “ Thu Bồn có tiềm lực thơ theo mạch ấy ( chiều sâu của hoài niệm, trải nghệm – VN chú) nhưng ông ít khai thác nó, ít lắng nghe nó. Câu thơ ông thích bay lên đầu sự kiện – cao đẹp, phóng khoáng- hơn là chìm sâu vào lòng nó – thâm trầm, sâu lặng” ( trang 242). Với Quang Dũng, ông khẳng định sau nhiều suy ngẫm với câu hỏi kèm theo : “ Bài Tây tiến là bài thơ có phẩm chất thẩm mĩ kì lạ nhất trong các bài thơ thời kháng chiến chín năm. Nó không cũ. Sẽ không bao giờ cũ. Nhưng nó cũng không mở đường, dù là cho cái hay tương tự. Lí do gì, chất xúc tác gì tạo cho chất thơ, chất hồn ấy xuất hiện. Và lí do gì làm nó không trở lại, không tái sinh, không nhân giống?”. ( trang 128). Việc so sánh chú bộ đội trong thơ Trần Đăng Khoa với anh bộ đội trẻ Hoàng Nhuận Cầm cũng là một phát hiện so sánh tinh tế, giàu sức thuyết phục.
Trong khi trình bày, Vũ Quần Phương không bao giờ cao giọng, riết róng. Ông cứ từ tốn mà đưa ra ý kiến của mình. Ngay cả khi cần tranh luận thì cũng từ từ đưa ra cách hiểu của mình. Còn phần kết luận thì dành cho người đọc. Tranh luận với Mai Văn Phấn về đánh giá thơ ca trì trệ, lạc hậu, Vũ Quần Phương tự tin khẳng định với lối ví von dân dã: “ Cái cần câu của chúng ta quả có khác cái cần câu của thiên hạ, còn để đánh giá mức tiên tiến, mức lợi hại của cần câu thì chí ít cũng phải xem lượng cá trong giỏ các ông câu ấy. Một nền thơ đủ để bảo vệ, để phát triển tâm hồn, tư tưởng, cách hành xử của một dân tộc không thể là trì trệ, lạc hậu, dù nó không tân kì trong quảng cáo, trong tuyên ngôn” ( trang 249). Tranh luận ngầm với những ý kiến chê bai sự phiến diện của thơ chống Mĩ, Vũ Quần Phương đã có ý kiến xác đáng : “ Nó không phải là một khuyết điểm. Nó là mặt sau của cái huân chương. […] Một phiến diện của thơ để tiết kiệm xương máu của người” ( trang 197-198).
Một điều khiến cho tập sách gây ra và giữ được hứng thú với bạn đọc chính là những thẩm bình tinh tế của tác giả đối với những câu thơ, đoạn thơ, có khi cả một bài thơ ngắn được chọn. Những câu thơ đặc sắc nhất của các tác giả đều được trích dẫn, thẩm bình. Có khi trong bài viết như về Phạm Đình Ân, Vũ Quần Phương không ngần ngại bình trọn cả hai bài thơ ngắn là Đồng hồ và Ghế. Bài viết về Vũ Từ Trang thì dành nhiều dòng để bình bài thơ Ngược núi Thiên Thai. (Bài thơ ấy sau này ông bình những 4 trang trong tập Bình thơ in năm 2012). Thật tiếc là lời bình về sau thiếu mất mấy dòng dí dỏm này : “ Trong cơn say điển tích, tác giả làm lạc mất con hạc trắng của Thế Lữ mà chính ông thả bay ở đầu bài thơ, rồi túm nhầm vào con hạc vàng của Thôi Hiệu bên Tàu. Thế là không gian hiện thực cũng thành không gian ảo” ( trang 281).