MÙA XUÂN VỚI THƠ VÀ TÌNH YÊU
Bùi Minh Trí, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội,Chủ tịch CLB Thơ Nhà giáo VN
Một năm khởi đầu bằng mùa xuân, đời người khởi đầu bằng tuổi trẻ. Tuổi trẻ thường được thay bằng một khái niệm đầy chất thơ - tuổi xuân. Mùa xuân gắn với tuổi trẻ với thơ và tình yêu...là điều tự nhiên.
Mùa xuân được ví như một nàng công chúa xinh đẹp mà Thượng Đế đã ban cho nhân loại. Khi những cơn gió lạnh tê tái đi qua để nhường chỗ cho làn gió mới hiu hiu với những cơn mưa phùn nhè nhẹ, ấy là lúc mùa xuân đã gõ cửa Hà Thành mang theo bao sức sống trên những chồi non mơn mởn màu xanh.. Muôn hoa cùng khoe sắc đua hương tô điểm cho đất trời. Mùa xuân đi vào thơ của các nhà thơ nổi tiếng đất nước và của người Hà Nội.
Năm 1948, ở chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ đã sáng tác bài thơ Nguyên tiêu. Đó là bài thơ tiêu biểu mang phong cách thơ Hồ Chí Minh lấp lánh ánh thép và ngời sáng chất tình; hài hòa giữa tính thi sĩ và chiến sĩ. Vì vậy sau 58 năm, tức là năm 2003, Hội nhà văn Việt Nam đã đề nghị lấy ngày rằm tháng giêng, làm Ngày thơ Việt Nam. . Bài thơ này đã được nhà thơ Xuân Thủy dịch rất hay, nhưng theo thể lục bát. Một số người đã thử dịch theo thể thất ngôn tứ tuyệt
NGUYÊN TIÊU Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên, | RẰM THÁNG GIÊNG (tạm dịch) Đêm xuống trăng tròn giữa tháng giêng Xuân trời, xuân nước bóng sông nghiêng Giữa nơi sóng thẳm bàn quân vụ Trăng sáng nửa đêm chở ngợp thuyền |
Khi chim én báo hiệu xuân về, trên đất nước ta có sắc hồng của hoa đào, sắc vàng của hoa mai, nồng nàn của hương quất, lúa chiêm phơi phới, núi xuân xanh Ba Vì Tam Đảo. Trong “Bài ca xuân 61” Tố Hữu viết:
“Ôi tiếng hót vui say con chim chiền chiện
Trên đồng lúa chiêm xuân chao mình bay liệng
Xuân ơi xuân, vui tới mông mênh
Biển vui dâng sóng trắng đầu ghềnh
Thơ đã hát, mát trong lời chúc:
Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh
Tam Đảo, Ba Vì vui núi xuân xanh…”
Những hình ảnh xuân non xanh mơn mởn của Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du đã đi vào lòng người thật nhẹ nhàng, sâu lắng trong TRUYỆN KIỀU:
“ Ngày xuân con én đưa thoi/Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi
Cỏ non xanh rởn chân trời/Cành lê trắng điểm một vài bông hoa...”
“Tôi muốn tắt nắng đi/ Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại/ Cho hương đừng bay đi. “
Lòng yêu đời, yêu cuộc sống của thi sĩ thể hiện cái ham muốn “tắt nắng”, “buộc gió”, giữ lại “hương đừng bay đi” rất lạ, cứ như là thay quyền tạo hóa. Nhưng trong cái phi lí đó, có sự đáng yêu của một tâm hồn lãng mạn
Bài thơ Chợ Tết Đoàn Văn Cừ – Bức tranh quê sống động màu sắc, đầy hân hoan
“Sương trắng rỏ đầu cành như giọt sữa,
Tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa,
Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh,
Đồi thoa son nằm dưới ánh bình minh.”
Thần đồng Trần Đăng Khoa viết thơ về Hà Nội với hoa và Tháp Bút Hồ Gươm:
“Hà Nội có nhiều hoa/Bó từng chùm cẩn thận
Mấy chú vào mua hoa/Tươi cười ra mặt trận.
Hà Nội có Hồ Gươm/Nước xanh như pha mực
Bên hồ ngọn Tháp Bút/Viết thơ lên trời cao. “
Nhà thơ Thanh Hải đã cảm nhận mùa xuân của thiên nhiên và đất trời qua những tín hiệu đặc sắc: “dòng sông xanh, hoa tím biếc, chim hót vang trời, giọt xuân long lanh”, làm cho sự sống rạo rực hơn và bất tận trong bài “MÙA XUÂN NHO NHỎ”: “Mọc giữa dòng sông xanh/ Một bông hoa tím biếc
Ơi! Con chim chiền chiện/ Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi /Tôi đưa tay hứng về... “
Đến Hàn Mặc Tử thì mùa xuân lại có những nét đẹp rất riêng trong “MÙA XUÂN CHÍN”, với “nắng ửng, mái nhà tranh lấm tấm vàng, sột soạt gió trêu tà áo biếc, cỏ xanh gợn tới trời, thôn nữ hát trên đồi, tiếng ca trong vắt hổn hển, thầm thì” và khổ
thơ kết gây cảm giác bâng khuâng cho người đọc :
“ Khách xa gặp lúc mùa xuân chin
Cảnh trí bâng khuâng sực nhớ làng:
"Chị ấy, năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang..."
Mùa xuân Hà Nội còn là mùa của rất nhiều lễ hội. Hàng năm, cứ độ xuân về, người dân cả nước lại náo nức kéo về Thủ đô để tham gia những lễ hội nổi tiếng như Lễ hội chùa Hương, Hội gò Đống Đa, Hội đền Sóc, Lễ hội Cổ Loa, Lễ hội đền Hai Bà Trưng, Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh...
Nhà thơ Chu Minh Khôi viết Hương Sơn mùa trẩy hội:
“Nắng vu khoát treo ngang bến Đục
Gió trầm luân vút thủng sương giăng
Suối Yến vặn mình về bến Giác
Cỏ tâm thành vịn núi mà xanh.”
Chúng ta đi lễ chùa và cầu mong hạnh phúc đến với mình và người thân. Đóng góp vào chủ đề này, trong bài “EM ĐI TRẢY HỘI MÙA XUÂN”, Bùi Minh Trí diễn tả tâm tư, tình cảm của cô gái trẻ:
“Kéo dài nỗi nhớ Tháng giêng/ Em đi trảy hội lòng riêng bề bề
Núi sông vời vợi hồn quê/ Trời mây lãng đãng, tóc thề ngang vai
Để thương để nhớ cho ai/ Em đi cầu phúc cầu tài cầu duyên”
Em qua suối Giải Oan cùng dòng người nô nức chen đường mà lòng riêng say chuyện tình Từ Thức – Giáng Tiên, bởi tình yêu đang là khao khát của con tim:
Chuông gieo dọc suối Giải Oan/ Nắng lên, gió nhẹ nâng màn khói sương
Người hoa nô nức chen đường/ Em say Từ Thức – Giáng Hương chuyện tình
Câu kết thể hiện rõ lòng mong ước của cô gái trẻ: Còn em chỉ ước lấy chồng năm nay. Rồi đến hình ảnh tham gia lễ hội “EM HÁT TRỐNG CƠM”:“Đêm xuân em hát hội làng/ Khăn điều yếm thắm xênh xang lụa đào/ Nuột nà xuân hội xôn xao/ Ngón tay thon thả ôm vào nhớ mong”. Em hát và đưa duyên, gửi hồn vào tình quê cho quên đi nỗi sầu: “Duyên đưa đôi mắt lim dim/ Tình quê em hát nổi chìm bể dâu. Tay em vỗ nhịp quên sầu/ Môi hồng má thắm hát câu tình bằng” và em “Vỗ vào cả nỗi vui buồn/ Đêm về suối hát lòng son dạt dào”.
Hà Nội có nét đẹp của cảnh viết thơ và câu đối ở Văn Miếu. Chúng ta không bao giờ quên hình ảnh ông Đồ viết chữ của Vũ Đình Liên:
“Mỗi năm hoa đào nở/Lại thấy ông đồ già
Bày mực Tàu, giấy đỏ/Bên phố đông người qua Bao nhiêu người thuê viết/Tấm tắc ngợi khen tài:
“Hoa tay thảo những nét/Như phượng múa, rồng bay”
Mùa xuân không phải chỉ mỗi năm đến với chúng ta một lần, mà mãi mãi ở với chúng ta, nếu ta biết nhận ra và gìn giữ. Người Hà Nội say mê những sáng tác thơ tình của hàng nghìn nhà thơ…với các thiên tình sử, các kiệt tác thơ mô tả những tình tiết muôn màu của tình cảm, từ vui mừng và hy vọng, u sầu và lo lắng, đến bồi hồi lưu luyến nhớ nhung… Đại thi hào Nguyễn Du đã để cho Thúy Kiều và Kim Trọng gặp nhau trong ngày hội Đạp thanh của tiết thanh minh. Để rồi, trong cảnh thanh dịu, tinh khôi của mùa xuân ấy, đôi trai tài gái sắc lần đầu gặp gỡ “Tình trong như đã...”
với cảm xúc mãnh liệt: “Nỗi riêng nhớ ít tưởng nhiều/Xăm xăm đè nẻo Lam Kiều lần sang" để lại cho đời một thiên tình sử bất hủ.
Xuân Diệu là “ông hoàng thơ tình” Việt Nam, với những vần thơ nồng nàn, cháy bỏng, mãnh liệt. Trong bài “VÌ SAO” ông đã thốt lên:
“Làm sao cắt nghĩa được tình yêu!/ Có nghĩa gì đâu một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt/ Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu”
Bài MƯA XUÂN của Nguyễn Bính diễn tả hò hẹn của đôi lứa trong đêm hội chèo:
“Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy
Hội chèo làng Ðặng đi ngang ngõ
Mẹ bảo: “Thôn Ðoài hát tối nay” Cô ngừng tay thoi "nghĩ đến anh", “Hình như hai má em bừng đỏ”. Nhưng anh đa lỗi hẹn" để " Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay/Hoa xoan đã nát dưới chân giày .Tuy nhiên người con gái ấy vẫn mòn mỏi, thiết tha chờ đợi:"Bao giờ em mới gặp anh đây?". Ôi
tình yêu sao quá mãnh liệt, chân thành và cao thượng. Phải chăng mùa xuân đẹp vô ngần trong nỗi buồn da diết bởi vì có "Mưa xuân”.
Sau những ngày mưa xuân tháng 3, trên đường phố Hà Nội xuất hiện những gánh hoa bưởi trắng muốt với mùi hương nồng nàn mà bình dị, mang đến cho Thủ đô nét hương sắc rất riêng.Trong bài HƯƠNG THẦM của nữ sĩ Phan Thị Thanh Nhàn, để diễn tả tình yêu chớm nở của cô gái trẻ với người bạn học, tác giả đã xây dựng tứ thơ hương bưởi với khung cảnh:
“Khung cửa sổ hai nhà cuối phố
Không hiểu vì sao không khép bao giờ
Đôi bạn ngày xưa học cùng một lớp
Cây bưởi sau nhà ngan ngát hương đưa”
Và cô gái sang nhà bạn “Giấu một chùm hoa trong chiếc khăn tay” tiễn bạn “ngày mai ra trận”. Cái khéo ở đây là: “Cô gái như chùm hoa lặng lẽ/ Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu”.Vì “Nào ai đã một lần dám nói”. Chúng ta rất xúc động khi đọc tới hai câu kết: “Họ chia tay vẫn chẳng nói năng gì
Mà hương thầm thơm mãi bước người đi”
Sự hò hẹn không nói thành lời mà sao tha thiết và hẳn là được người lính trân trọng mãi như hương thầm giữ kín trong lòng không bao giờ phai...
Với Nguyễn Thị Mai, mùa xuân có cả thơ và tìnhn yêu:
“Thực ra lộc biếc ngày em đến
Phút xuân tan chảy nhựa lên cành
Em về đào quất miên man phố
Thi tứ bộn bề ở lại anh
Xa nhau, đá cũng niềm trông ngóng
Huống người đồng vọng trái tim yêu
Giao thừa hái lộc xin trời đất
Một chút duyên may cũng đã nhiều”
Tình yêu luôn là nguồn cảm hứng, như mùa xuân đang đến, vạn vật thắm tươi, những trái tim dâng trào khát vọng. Đến hẹn lại lên, còn trời đất là còn xuân, còn cuộc sống thì còn tình yêu. Tình yêu và mùa xuân chính là nhựa sống, là hoa thơm tô điểm cho đời, là cảm hứng bất tận để tâm hồn thi sĩ vút thành thơ.
Xin chia sẻ cùng các nhà thơ và những người yêu thơ Mùa xuân với thơ và tình yêu để nhớ về tuổi trẻ của mình, xin chúc các bạn trẻ có những Mùa xuân và tình yêu tươi đẹp, sống một cuộc đời có ý nghĩa để không bao giờ hối tiếc.
Trả lờiChuyển tiếp |
Người gửi / điện thoại