Nhân dịp kỉ niệm Cách mạng tháng 10 Nga
NHỮNG DÒNG KÍ ỨC MƯỢT XANH
Vũ Nho
Người khác thế nào, tôi không biết. Nhưng với cá nhân tôi, kí ức tháng Mười luôn là những dòng kí ức tươi rói, mượt xanh. Có bạn sẽ hỏi có phải đó là tôi muốn ngụ ý Cách mạng tháng Mười? Không! Khi cuộc Cách mạng long trời lở đất ấy xảy ra, tôi chưa có mặt trên cõi đời này. Tháng Mười ấy là tháng Mười năm 1980, khi tôi ngồi trên máy bay cất cánh từ sân bay Nội Bài, sang Liên xô để học nghiên cứu sinh. Chàng trai Tạ Vũ khi xưa lên miền Tây bằng tàu hỏa mà thấy mình và bạn biến thành con tàu…bay trên đường ray:
Ba chiếc vé tàu cựa mình trong túi ngực
đêm nay, ba con tàu phụt khói, sải cánh trên đường ray…
Tôi không có cảm giác mình biến thành cánh chim, hay thành máy bay. Nhưng khi bay vút lên bầu trời tháng mười trong veo, tôi đã ứa nước mắt vì… trong đầu là hình ảnh cha tôi đứng bên con đê sông Hoàng Long mênh mang nước lụt, trong nắng chiều vàng gắt, lặng lẽ nhìn hút theo bóng người con trai ra Hà Nội để sang tận Liên xô xa xôi theo đuổi chuyện học hành.
Những năm tám mươi, hẳn mọi người còn nhớ. Chiến tranh kết thúc, đất nước thống nhất. Nhưng năm 1979 lại có chiến tranh chống xâm lược trên biên giới phía Bắc. Lương thực luôn là một nỗi lo của nhà nước và của mỗi người. Cơm mậu dịch ở Hà Nội thu 225 gam tem, được nửa chiếc bánh mì nhỏ và miệng bát cơm. Tâm lí đói khiến chúng tôi, những người đi làm nghiên cứu sinh năm ấy đã thủ sẵn mỗi tên một, hai chiếc bánh mì. Chúng tôi bay qua Bom bay của Ấn Độ, nghỉ một ít phút rồi bay tiếp một mạch đến Matxcơva. Trên tàu bay được ăn rất ngon. Xuống Mát, dù chỉ ăn bánh mì thường của bạn và món cátlet ( thịt băm viên, trộn bột mì rán), nhưng chúng tôi thấy vô cùng ngon, cứ như là đại tiệc. Bởi nếu bạn đã từng đói triền miên, từng có phiếu nhưng không mua nổi mấy lạng thịt cung cấp vì cửa hàng không có đủ thịt bán thì sẽ hiểu được cảm giác sung sướng của chúng tôi khi đó.
Tôi, Cao Gia Nức ( môn Sinh), Nguyễn Việt Hải ( môn Toán), Nguyễn Văn Khải (môn Vật Lí) được phân công về Lenigrat ( Bây giờ lấy lại tên cũ là Sanh Peterburg). Sau khi nộp giấy tờ, chúng tôi được nhà trường bố trí ở tạm trong khách sạn. Tiền rup rủng rỉnh. Cả bọn mua bánh mì, giò, gà, táo, bia về…Quả thật từ xứ sở đói khát ngày ấy, chúng tôi thấy mình may mắn như được sống ở thiên đường…
Với tôi, được sang Liên xô, được sống và học tập ở thành phố mang tên Lê Nin, thành phố từng là kinh đô thời Pie Đại Đế, thành phố từng vượt qua sự phong tỏa của Đức quốc xã trong chiến tranh thế giới thứ hai, là một sự may mắn. Thêm một sự may mắn nữa là bộ môn tôi học, các giáo sư, Tiến sĩ là những người giỏi nhất Liên bang. Sách của tổ bộ môn là giáo trình chính thức cho tất cả các trường Sư phạm của Liên bang xô viết.
Chúng tôi lao vào học tiếng Nga và chuẩn bị để thi môn Triết. Phải nói rằng các bà giáo tiếng Nga là những người rất tận tình, và giỏi về phương pháp. Có hai nhà giáo già và một cô giáo trẻ dạy tiếng Nga cho nhóm nghiên cứu sinh Việt Nam và Cu Ba. Trong số đó cô Nhi na là người chịu trách nhiệm đưa chúng tôi đi học ở các bảo tàng. Chúng tôi thăm bảo tàng căn hộ của A. Puskin, bảo tàng tranh Ermitage, bảo tàng Nghệ thuật, bảo tàng căn hộ của M. Đoxtoevxki,… Đến bất cứ nơi nào, việc đầu tiên là cô Nhina chỉ dẫn cho chúng tôi tìm…nhà vệ sinh trước. Theo lời cô giải thích “nếu không lấy nước trong người ra kịp thời thì sẽ chẳng có tâm trạng tốt để nghe và ghi chép”. Cô Nhi na còn liên hệ để chúng tôi xuống trường học, nói chuyện với học sinh về Việt Nam. Chúng tôi mượn máy ảnh Zenhit của anh bạn Alecxit Cu Ba. Cao Gia Nức chịu trách nhiệm chụp ảnh trong suốt buổi “kể chuyện Việt Nam” của nhóm. Kết quả là một cuộn phim 36 kiểu chỉ được một kiểu duy nhất, nhưng khá đẹp. Sau đó chúng tôi viết bài bằng tiếng Nga kể cuộc giao lưu, gửi cho tờ báo in ti po của trường kèm tấm ảnh. Báo đăng. Cô Nhina rất vui. Nhờ sự tận tụy của các giáo viên tiếng Nga, trình độ nghe nói của chúng tôi nâng lên nhanh chóng. Tuy vậy, hai năm sau ngày chúng tôi tới thành phố, trình độ nghe nói vẫn thấp. Tôi có dự cuộc bảo vệ luận án của hai người bạn cùng công tác ở khoa Văn Việt Bắc. Đó là của Nguyễn Minh Thuyết ( ngôn ngữ) và Lộc Phương Thủy (văn học Pháp). Các bạn tôi không phải là “nói tiếng Nga” mà là lia hàng tràng mấy băng liền. Tôi nghe mà ù cả tai. Còn phục các bạn hơn nữa là họ nghe các câu hỏi của Giáo sư phản biện và trả lời…cứ như nói bằng tiếng mẹ đẻ vậy. (Thời gian và sự cố gắng quả là một phép nhiệm màu. Bốn năm sau, tôi cũng tự tin nói về luận án của mình. Thậm chí còn “chọc cười” Hội đồng khi nói về sự ngăn cách, bí hiểm bằng việc dẫn thành ngữ Nga “Bức tường Trung Hoa”).
Sau năm học thứ nhất, mùa Hè hầu hết nghiên cứu sinh và sinh viên Việt Nam thường đi lao động ở nông trường, nhà máy để kiếm tiền. Tôi và Nguyễn Văn Khải quyết định tham gia chuyến đi quốc tế do Liên xô tổ chức để mừng thắng lợi của Đại hội Đảng. Các bạn sinh viên Sư phạm Ghéc xen có Nguyên, Dương, Hằng… Không ngờ chuyến đi lại thú vị và “lãi” lớn. Chúng tôi chỉ mất có 5 kopech đi tàu điện ngầm. Từ đó, tiền ô tô, tiền vé máy bay, tiền ngủ khách sạn, tiền ăn đều được “bao” hoàn toàn. Với các bạn châu Mĩ, châu Phi, châu Á, chúng tôi làm thành một đoàn, bay đến Kiev, rồi đi Odetxa, đi Kisinhov, đi Lvov, đi Erevan,… Đến đâu cũng gặp gỡ, giao lưu, văn nghệ. Chính nhờ chuyến đi mà khả năng giao tiếp phát triển. Đó cũng là một cách vừa chơi vừa học.
Những ngày học tập ở thành phố Lêningrat, tôi được tiếp Giáo sư Nguyễn Cương ( người dạy chúng tôi về Giáo dục học khi chúng tôi đi thi nghiên cứu sinh) đến chơi thăm, GS Nguyễn Đức Nam và anh Nguyễn Văn Giai dạy Văn học Nga. Đặc biệt là thầy dạy ngôn ngữ ở Việt Bắc, thầy Lê Văn Trúc khi đó đã vào Sài Gòn, cũng qua trường thực tập ba tháng. Thật là vui khi gặp lại những người thầy khả kính. Và điều may mắn lớn với tôi, là tôi được làm việc với giáo sư, Tiến sĩ M.G. Kachurin, một cây đại thụ trong ngành phương pháp xô viết. Giáo sư viết nhiều sách, thi thoảng lên truyền hình về văn học trong nhà trường. Ông đưa tôi xuống trường dự giờ của nhà giáo nhân dân I.Ilin. Tôi nhớ mãi giờ dạy tác phẩm “Chiến tranh và hòa bình” của L.Tolxtoi. Người thầy giáo tài hoa đó chỉ giảng một đoạn về “Mẩu khoai tây của Platon Karataev”. Ông đi khắp cả lớp nói đầy cảm hứng, đặt những câu hỏi đầy thách thức với học sinh. Chúng tôi như bị “thôi miên” trong suốt hai tiết học. Ấn tượng mạnh mẽ nhất của tôi với Giáo sư hướng dẫn khoa học không chỉ là trí tuệ của thầy, mà còn ở phương pháp làm việc. Ông động viên, khích lệ tôi. Khi tôi viết luận án, ông chỉ sửa chữa, thêm bớt vài từ, nhưng tôi thấy quả thực, đoạn văn nhàng nhàng của tôi đã được nâng tầm khác hẳn. Chính Giáo sư hướng dẫn, bằng uy tín của mình và chắc thầy cũng tuyệt đối tin tưởng vào anh học trò người Việt, đã đăng kí để tôi tham dự hội nghị khoa học về “Đọc diễn cảm” toàn liên bang tổ chức ở Matxcơva. Ở đó, tôi đã trình bày về cách đọc thơ, ngâm thơ, hát thơ và lẩy kiều có minh họa làm cho mọi người thích thú. Cũng chính ông đã khích lệ, động viên tôi viết báo bằng tiếng Nga. Khi ấy, phần lớn nghiên cứu sinh nước ngoài đều bảo vệ “suông”. Nhưng nhờ có Giáo sư, trong tóm tắt luận văn Phó Tiến sĩ của tôi có ghi tên 5 bài báo ( hai bài ở Việt Nam và ba bài ở Liên xô). Đúng là “không thầy đó mày làm nên”! Được làm việc với người thầy giỏi là một may mắn lớn với mỗi người đi học.
Trước khi đi nghiên cứu sinh, tôi đã từng nhiều năm làm Bí thư liên chi đoàn khoa Văn, tham gia Ban chấp hành Đoàn trường Đại Học Sư phạm Việt Bắc với tư các Thường vụ. Với lí lịch như thế, nên tôi “bị” trúng cử Ban chấp hành đảng ủy thành phố và được giao đảm nhận chức Bí thư Đoàn thanh niên Cộng Sản Hồ Chí Minh của thành phố. Tôi nói rằng nhiệm vụ của tôi là làm luận án, chứ không phải là làm bí thư. (Mặc dù với tư cách Bí thư, tôi sẽ được “quyền” kéo dài thời gian làm luận án thêm 6 tháng). Tuy vậy tôi vẫn vui vẻ nhận nhiệm vụ. Các Bí thư tiền nhiệm khi đi họp Bí thư Đoàn các nước khối xã hội chủ nghĩa, thường lấy một sinh viên làm “phiên dịch” cho chắc ăn. Tôi thì tự tin đi một mình. Trường Rừng (Đại học Lâm nghiệp) là trường đỡ đầu cho Việt Nam. Các hoạt động của sinh viên, thanh niên đều diễn ra ở trường này. Các anh Ban cán sự Đoàn ở Mát về thành phố làm việc với tôi đều để lại ấn tượng tốt. Khi đó, tôi từng tháp tùng anh Lê Thanh Đạo, Bí thư thứ hai Trung ương Đoàn thăm thành phố. Và do tháp tùng nên tôi mới có dịp đến lều cỏ của Lê nin ở Radơlip. Còn nhớ anh Hòe là người phiên dịch cho Đoàn, thấy tôi nói tiếng Nga trôi chảy, anh đã “tự nguyện” nhường tôi làm việc dịch. Cũng cần “khoe” thêm một tí rằng khi tôi bảo vệ xong luận án, Liên xô đã cắt lương tháng 9 và 10. Hai tháng đó, tôi ăn lương của Sứ quán. Tổ chức xong Đại hội Đoàn thành phố, bàn giao cho Bí thư mới, tôi về nước đúng hạn. Các anh Ban cán sự Đoàn ở Mát đề nghị tôi ở lại thêm ba tháng để giúp phiên dịch cho “Fectivan” với lương 120 rup tháng, nhưng tôi từ chối vì đã xa cha mẹ già và vợ con 4 năm không về phép.
Những năm sống và học tập ở thành phố mang tên Lênin, tôi ở trạc đầu “băm”. Các cụ nhà ta nói “Trai ba mươi tuổi đang xoan”. Đó là thời kì thanh xuân, trẻ trung, tràn đầy sức sống. Tôi làm công tác Đoàn nên thường xuyên tiếp xúc với các bạn trẻ. Mà bản thân tôi cũng thích sống tươi trẻ. Cách sống khắc khổ, lụ khụ, hay thu mình trong chuyên môn, với vẻ “hàn lâm” không phù hợp với tính khí có vẻ nghệ sĩ của tôi. Được sống ở thành phố cổ kính của nước Nga với biết bao nhiêu thắng cảnh, di tích lịch sử liên quan đến văn hóa, văn học Nga; được mơ mộng trong những “đêm trắng” thật sự, được chơi đùa với tuyết, được đi pic ních trong rừng Nga thân thiện đẹp như tranh, được đến ngôi nhà gỗ ngoại ô của người bạn Nga trong tổ bộ môn uống vốt ca tự nấu, được nghỉ ngơi ở nhà nghỉ “Sóng vỗ bờ” dành cho sinh viên và nghiên cứu sinh nước ngoài; được cùng các bạn Nga làm việc và học tập là một trải nghiệm vô cùng quý giá. Tôi nghĩ các bạn sinh viên, các bạn nghiên cứu sinh ở thành phố Lê nin và nhiều thành phố của Liên bang xô viết thời đó sẽ cùng chia sẻ cảm nhận này.
Với lòng yêu mến nước Nga, nơi đã cho tôi kiến thức, cho tôi những tháng năm đẹp đẽ nhất của một đời người, năm 2010, tôi đã ghi tên vào danh sách Đoàn nhà văn Việt Nam thăm Nga, do nhà văn Lê Văn Thảo làm trưởng đoàn, cùng nhà văn Hoàng Minh Tường, nhà văn Y Ban. Bấy giờ Hội nhà văn Nga không có kinh phí. Hội nhà văn Việt Nam cũng chỉ có thể cấp kinh phí cho Trưởng đoàn.
Chuyến đi mười lăm ngày qua Mátxcơva, qua Van Đai, qua Veliki Novgorot, qua Sanh Peteburg, qua Xuzđan đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng tốt đẹp về sự hồi sinh của nước Nga sau khi Liên xô tan rã. Trong chuyến đi ấy, chúng tôi đã tham gia nhiều hoạt động văn hóa, thăm thư viện, trường học, bảo tàng, xem ba-lê và nhà văn Lê Văn Thảo, thay mặt Hội nhà văn Việt Nam kí biên bản hợp tác với Hội nhà văn Nga.
Thành phố mang tên Lê nin giờ quay trở lại tên cũ Sanh Peterburg, Trường Đại học sư phạm Quốc gia Leningrat mang tên A.I. Ghéc xen giờ đổi thành Đại học Tổng hợp Ghéc xen. Tổ bộ môn phương pháp của tôi cũng đổi tên thành môn công nghệ và phương pháp. Nhưng đại lộ Nhevxki vẫn còn đó. Cung điện mùa Đông, cung điện mùa Hè vẫn còn đó. Tượng Pie Đại đế vẫn còn đó bên bờ Nhê va. Nhà thờ Kazanxki vẫn còn đó. Và vẫn còn đó vĩnh viễn tấm lòng nhân hậu của người dân Nga. Còn đó vĩnh viễn lòng biết ơn của tôi với đất nước của các nhà văn, nhà khoa học lừng danh thế giới, đất nước của người đầu tiên bay vào vũ trụ, đất nước của những người bạn vô tư giúp đỡ Việt Nam.
Nước Nga có chuyện lạ đời
Đem người nô lệ làm người tự do
Câu tuyên truyền này xuất hiện khi mà nước Nga còn quá xa xôi với Việt Nam. Tôi thì tin tưởng rằng nước Nga chính là một nước có phép lạ. Nhờ đất nước đó mà con trai một bác nông dân hiền lành chân chất ở vùng chiêm trũng Ninh Bình trở thành Tiến sĩ, thành chuyên gia phương pháp, thành nhà văn, thành dịch giả. Bởi thế mà với anh ta, kí ức về nước Nga luôn là những dòng kí ức mượt xanh!
Người gửi / điện thoại