bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ XỬ LÍ VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN NGHÊNH NHÀ VĂN, NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ TƯỜNG THUẬT BẰNG HÌNH ẢNH SINH ĐỘNG TRONG VIDEO CLIP NÀY!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 9
Trong ngày: 220
Trong tuần: 1001
Lượt truy cập: 630584

NGÔI NHÀ CÓ DÀN HOA GIẤY (6)

MUÔN NẺO ĐỜI THƯỜNG
 
   Minh ra quân sau khi được thông báo, sẽ được hưởng chế độ hưu trí đặc biệt. Thực ra anh cũng biết, mình không có đủ các tiêu chuẩn phát triển và công tác lâu dài trong quân đội được nữa. Còn trở lại mỏ công tác, tìm được công việc phù hợp với sức khỏe và khả năng của mình không dễ. Thời gian này u của Minh và mẹ của Hoa cũng đã mất. Minh không thể để ông bố vợ đã ngoài tám mươi sống một mình được. Anh xin được về nghỉ chế độ tại quê của Hoa.
Hà và Mơ đã nên vợ, nên chồng. Trong bữa cơm mừng Minh trở lại cái xóm nghèo đầu biên, Mơ trao lại cho anh quyển sách mà Hoa nắm chặt khi hy sinh.
   Cầm quyển sách trên tay, cảm xúc trong lòng Minh dâng cao, rối bời. Ước muốn có một đám cưới của Hoa vẫn còn nguyên vẹn trong Minh. Giờ đây chỉ còn lại mình anh với những dòng tưởng niệm. Hoa ơi! Trong quãng đời còn lại của mình, anh sẽ cố gắng sống những ngày em chưa kịp sống, sẽ thực hiện bằng được mơ ước của em.
Rồi Minh lại tự trách bản thân:
“Giá như ngày ấy mình thu xếp công việc, cùng cô ấy đi phép sớm hơn vài ngày.
Giá như ngày ấy, khi công việc trục trặc mình đưa luôn Hoa tìm về chỗ bố mẹ đang sơ tán. Mà ngày ấy mình cũng đâu có nhiệm vụ phải ở lại nơi này!
Giá như cuộc chiến tranh biên giới không xảy ra, con mình giờ đây đã cùng chúng bạn tung tăng đến trường.
Giá như mình không dạy cô ấy cài quả mìn lệnh.
Giá như...”
Minh choàng tỉnh khi Hà ấn chén rượu vào tay: 
- Ông nghĩ gì mà thần người ra vậy?
Minh nhìn quanh đánh trống lảng:
- Cô Mơ đâu rồi, xong việc chưa, ra đây ngồi cùng với anh em chúng tôi cho vui.
- Nhà tôi đang bận thay bỉm cho hai đứa, sinh đôi nên bận quá. Một đứa  khóc đòi đi ngủ, đứa kia thể nào cũng quấy bắt mẹ vỗ lưng.
Minh chợt nhớ, anh móc túi áo lấy ra gói quà:
- Tý nữa mình quên mất đôi vòng bạc, gắn lục lạc làm quà cho hai đứa nhỏ nhà cậu. Nhưng mà chúng nó tên là gì vậy?
Hà ngần ngừ:
- Cô ấy cứ bắt mình phải đăt cái tên Hoa cho con em, còn thằng anh gọi là Minh. Mình...
Minh thốt lên:
- Hay quá còn gì! Nhớ đeo những cái vòng này cho chúng nó, kỵ gió tốt lắm đấy. Mà các cậu giỏi thật, đúc một lần được luôn hai đứa, chẳng cần cố làm gì vẫn đủ cả nếp lẫn tẻ, vất vả một tý nhưng mà thích.
- Thế mới biết các cụ ngày xưa giỏi thật, nhà nào cũng đông con, nhiều cháu.
Minh tủm tỉm:
- Hai cậu mà thả phanh chắc chả kém gì các cụ. Lần nào cũng sinh đôi như bận này, chả mấy chốc mà đủ quân số lập một tiểu đội. Hay bọn cậu cố một lần nữa giống như lần này, rồi để cho tớ một cặp làm con nuôi.
Mơ từ trong buồng nói vọng ra:
- Thì vợ chồng em cho bác luôn hai đứa này. Hôm nào bác kiếm được bác gái, thì hai người sang bế về mà nuôi.
 Hà thổ lộ:
- Ai cho phép mà đẻ, với lại có cũng chẳng dám. Nuôi hai đứa vất vả tốn kém lắm, nhiều lúc lo cho chúng nó méo cả mặt.
Minh ân cần hỏi bạn:
- Các cậu làm gì để trang trải cuộc sống hàng ngày?
Hà thở dài:
- Ruộng vườn quá ít, đất đai cằn cỗi, trồng cấy cây gì năng suất cũng kém. Chăn nuôi nhì nhằng mỗi thứ một tý, chẳng đâu vào đâu cả. Lúc rãnh rỗi, chỉ biết vào rừng kiếm ít dược liệu, bán cho thương lái để họ mang sang bên kia bán lại. Kể ra tranh thủ chút thời gian vượt biên, xách hàng lậu cho cánh lái buôn cũng kiếm được chút tiền đấy, nhưng mình không thèm.
Nghe bạn dãi bày, Minh tự trách mình vô tâm. Từ hồi chuyển về đây sống đến giờ, mình chưa thực sự chú ý gì đến cuộc sống của  bạn cả. Hà thì bận tối mặt, tối mũi với công việc của xã, lấy đâu ra nhiều thời gian để lo chuyện nhà. Trong khi đó việc nhà trăm thứ bà giằn đều đến tay Mơ. Còn mình lại cho rằng, ở đây không ai có nỗi khổ sánh với nỗi đau mình đang gánh chịu. Phải chăng mình vô tâm vì chẳng phải lo lắng gì? Mọi cái đối với mình đều là chuyện nhỏ. Cuộc sống vật chất hàng ngày, mình chẳng coi ra gì. Tiền nghỉ chế độ của bản thân, cộng với trợ cấp thương tật đủ để hai bố con sống cả tháng. Đấy là chưa kể đến thu nhập do việc chữa bệnh của hai người.
Thời gian này, Minh cố gắng học để hiểu nổi những gì viết trong quyển sách của Hoa. Còn ông cụ, cũng chạy đua với thời gian, truyền đạt lại cho Minh mọi kinh nghiệm hiểu biết của mình về y thuật. Khi thấy  hai người đàn ông sống quan tâm đến nhau, không ai biết họ là  bố vợ với con rể cả.
**anh_bia
   Nhìn những bụi cây lúp mọc trên bãi mìn ngày trước, Minh hỏi Hà:
- Đám đất này địa phương định làm gì? Đã gỡ xong mìn chưa mà vẫn để hoang như vậy?
- Mìn bên công binh họ nói đã phá xong, nhưng có thể còn sót lại những đầu đạn pháo bị câm, do quân Trung Quốc bắn còn ẩn sâu trong lòng đất.
- Mai cậu với mình làm thủ tục xin trên cấp cho mảnh đất này.
-  Đất ở đây hoang cằn, nên chẳng ai muốn khai phá cả. Mà ông định làm gì với nó?
- Chúng mình cùng mở trang trại.
Hà thốt lên, hỏi lại:
- Mở trang trại? Ông muốn mở trang trại thì ở ngoài mé biển còn nhiều đất bị bỏ hoang lắm. Cấp trên cũng đang muốn di dân ở nơi khác đến làm kinh tế mà chưa được. Tôi với ông xin là họ cấp cho luôn.
- Nhưng ở đây khác.
- Khác ở chỗ nào?
Minh nhìn ra con sông biên giới:
- Đất này của mình, chúng ta không cải tạo nó thì ai làm đây. Mà đứng ở nơi này quan sát động tĩnh của anh bạn vàng ở bên kia biên giới, sẽ rõ hơn ở phía trong rất nhiều.
Sau khi nghe qua ý định của Minh, Hà ngần ngừ nêu ý kiến:
- Muốn làm được như ý của ông, phải tốn nhiều công sức và tiền của lắm.
Minh hồ hởi:
- Thế là ông đã đồng ý với kế hoạch của tôi. Tiền đầu tư thì ông đừng ngại. Còn công sức thì anh em mình không thiếu, mỗi ngày cố một ít là được.  
  Thực ra vốn đầu tư ngoài số tiền Minh được hưởng thừa kế khi u anh mất ra, anh còn có đôi khoản lặt vặt khác như: Tiền hai vợ chồng định dùng làm đám cưới và các khoản lương, phụ cấp, chế độ khác anh được hưởng khi ở trong quân đội và những tháng năm công tác ở mỏ. Chưa kể đến cái khoản bố Hoa khi đưa cho anh có nói: “Con giữ lấy, cần việc gì cứ lấy ra mà dùng.”
Ông cụ ra đi rất thanh thản! Tối hôm ấy sau khi ăn cơm xong, ông trao cho Minh quyển sách của Hoa để lại. Ông nói: “Đây là quyển sách quí! Đề cập đến những cách thức đặc biệt chữa một số bệnh hiểm nghèo. Bên cạnh phần ghi bằng tiếng Hán cổ ra, bố đã dịch nghĩa ghi ở bên cạnh để con dễ hiểu. Thực ra phần thực hành, những ngày vừa qua con đã làm với bố tương đối thành thục. Bố có thể an tâm về con.”
Nói xong ông lên giường đi ngủ. Sáng sớm hôm sau, ông không dậy nữa.
Cầm cuốn sách đặt lên bàn thờ, Minh thẫn thờ suy nghĩ: “Phải chăng, vì nó mà anh mất Hoa, mất đi người vợ yêu quí? - Rồi anh lại tự trả lời - Không phải như vậy! Ngàn lần không phải như vậy! Quyển sách này có tội gì đâu!”
**
   Một lần trên đường đi trinh sát về, Minh phát hiện ra có tiếng người kêu cứu, ở khu rừng cạnh con đường mòn bọn anh đang đi. Minh ra lệnh cho các chiến sĩ đi cùng im lặng triển khai đội hình, sẵn sàng chiến đấu.
Còn anh cắt rừng đi về phía có tiếng người kêu cứu. Đến nơi anh bàng hoàng khi phát hiện ra một cô gái bị lính Trung Quốc trói vào một cái cây nằm xa con đường mòn. Do bị trói và bị bỏ đói khát trong rừng một thời gian khá dài, cô gái đã trong tình trạng suy kiệt. Nhưng mỗi lúc tỉnh, cô lại gào lên kêu cứu theo bản năng. Lúc Minh tới, mắt cô gái lóe lên tia sáng hy vọng. Nhưng khi thấy anh tiến lại, cô đưa mắt nhìn nhanh xuống chân mình, ú ớ lắc đầu. Thoạt đầu, Minh cũng định nhanh chóng cởi trói, giải thoát cho cô gái. Song thấy những biểu hiện bất thường của người bị nạn. Minh dừng lại chăm chú quan sát. Anh kinh hoàng khi phát hiện ra một quả lựu đạn gài ngay dưới chân cô gái. Lần theo dấu vết, anh tìm thấy một chùm ba quả khác được giấu kín ngay đằng sau cô gái. Sau khi vô hiệu hóa toàn bộ số lựu đạn, lúc cởi trói giải thoát được cho người con gái, Cô ấy đã ngất lịm đi, Minh phải bế cô trên tay, luồn rừng tìm về phía đồng đội đang chờ anh.
   Sau này, khi tỉnh lại trong quân y viện, cô đã kể cho mọi người nghe câu chuyện đã xảy ra với mình: Đoàn địa chất của cô bị quân Trung Quốc nổ súng tấn công. Mọi người chạy tản mát ra các cánh rừng xung quanh. Quân Trung Quốc đuổi theo bắt lại được một số người. Khi thu quân, chúng dong theo những người bị bắt. Riêng cô bị ngã trong khi chạy trốn, chân đau không đi được. Đầu tiên lúc thấy mình được thả tự do, cô đã mừng thầm. Nhưng mới lê chân được vài bước, đã thấy một tốp lính Trung Quốc đuổi theo bắt lại. Chúng sợ cô sẽ thông báo tin tức cho bộ đội của ta khi gặp. Rồi chúng trói cô vào một cái cây và thi nhau gài lựu đạn xung quanh với ý định: Quả thứ nhất sẽ phát nổ khi có người đến cứu. Còn nếu như đối phương gỡ được quả lựu đạn đầu tiên sẽ chủ quan, chẳng hề để ý gì đến cái bẫy thứ hai. Chắc chắn chùm lựu đạn giấu đàng sau cô gái, sẽ phát huy  được tác dụng.
Nghe xong chuyện của cô gái, Minh thực sự kinh hoàng trước sự tàn bạo của những con người có một thời là bạn.
Phải chăng trong chiến tranh, những người lính ở hai phía chiến tuyến, bắn vào nhau là chuyện bình thường. Càng giết được nhiều đối phương càng tốt?
   Phải chăng họ đã quá quen với cảnh đổ máu, nên tâm hồn của họ dễ trở thành chai sạn, sẵn sàng làm những điều ác.
Nhưng nhằm bắn vào tù binh, thương binh, giết chết dân thường lại là tội ác. Nó sẽ trở thành vô cùng man rợ, không thể nào tha thứ được, nếu như kẻ đó lại tìm đủ mọi cách ngăn cản, giết chết ai đó đến giúp đỡ, cứu chữa cho những nạn nhân vô tội. Để rồi sau này, khi chiến tranh qua đi, cho dù họ cố biện minh thế nào cho hành động của mình. Thì họ mãi mãi: Cũng chỉ là những tội nhân thiên cổ! Vì  họ đã phạm vào tội ác kinh khủng nhất của nhân loại: Tội ác chiến tranh, chống lại loài người.
Ngày ấy, có lúc Minh không khỏi bàng hoàng, thẫn thờ. Dường như Minh đã mất đi tất cả. Ngay niềm tin yêu vào cuộc sống, vào những điều cao đẹp của con người trong Minh, nhiều khi cũng không còn nguyên vẹn.
Minh lao vào các trận đánh với lòng căm thù cao độ, quên mất đi sự nguy hiểm có thể sẽ đến với mình. Có lúc anh thoát được cái chết chỉ trong gang tấc.
   Những ngày sau đó, mọi người thường thấy Minh im lặng mỗi khi nhận nhiệm vụ. Trước sự khốc liệt của chiến tranh, Minh thấy số phận của mỗi con người trở nên nhỏ bé, mong manh. Anh không hề hy vọng gì khi ra khỏi cuộc chiến này mà mình còn sống. Vậy mà anh vẫn tồn tại, vẫn may mắn hơn rất nhiều người.
Đất nước yên bình, nhưng Minh không sao tìm được sự bình yên cho tâm hồn mình. Giờ đây, khi thấy Minh trở lại với cuộc sống đời thường, mọi người quen biết đều mừng cho anh, họ hy vọng, mong mỏi: Thông qua công việc hàng ngày, rồi đây sự thanh thản sẽ sớm trở lại với Minh.
**
  Công việc đầu tiên mà hai người làm khi có giấy tờ xác nhận quyền sử dụng đất là: Nổi lửa đốt cháy toàn bộ bãi mìn cũ. Đang mùa hanh khô, ngọn lửa lan nhanh, bốc cháy dữ dội.
Minh nói với Hà: “Nếu còn sót quả mìn nào, khi gặp lửa chúng sẽ tự động phát nổ.”
Chỉ trong phút chốc, mặt đất trơ ra, phủ đầy tro bụi. Hai người lại mượn thiết bị dò mìn của huyện, cẩn thận dò lại một lần nữa từng m2 đất. Công việc hoàn tất, họ lại cặm cụi thu dọn, bê xếp từng viên đá về một chỗ. Còn con suối khi xưa, được đắp một cái đập nhỏ chắn ngang dòng, gần cửa sông, nước được chảy lưu thông qua một cửa cống.
Đang thu dọn phát quang một số bụi cây cháy dở Minh phải bỏ dở công việc, vì Hà tìm anh có việc gấp. Trong địa bàn xã, tại địa điểm khai thác đất để mở rộng nền đường quốc lộ, đơn vị thi công gặp sự cố, cái máy xúc bị tụt lún. Khi mọi người tiến hành cứu hộ, phát hiện ra một quả đạn cối lớn còn nguyên ngòi nổ, dắt vào khe hở của hai bánh sau. Trong quá trình vận hành, người tài xế đã vô ý đưa quả đạn dịch chuyển, cái đuôi của quả đạn cài chặt vào bệ hành tinh1 của máy xúc, không lấy ra được. Nếu bắn bẩy, hoặc dùng lực mạnh để kéo, khả năng quả đạn sẽ phát nổ là rất cao.
   Vụ việc được báo cáo lên xã. Với cương vị Chủ tịch kiêm Xã đội trưởng, Hà báo nhanh lên huyện, xin ý kiến sử lý. Một nhóm công binh được huyện cử xuống.
   Hà không khỏi ngán ngẩm khi thấy mấy chú lính trẻ thông báo: Họ chỉ được đào tạo cho việc nổ phá hủy các loại vật liệu bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, việc tháo gỡ quả đạn bị dắt chặt này nằm ngoài khả năng của nhóm. Họ phải báo cáo lên trên tỉnh đội xin sự giúp đỡ. Mà theo họ biết, cũng chỉ có ở quân khu mới có lực lượng công binh chuyên trách làm công việc này. Doanh nghiệp đành phải đợi vậy. Trong thời gian này, đơn vị cần bố trí lực lượng canh gác thật nghiêm ngặt. Vì theo tài liệu, nơi đây từng là chốt của ta trong cuộc chiến tranh biên giới. Khả năng ở đây còn sót lại các quả đạn khác khá cao. Vì trong một trận đánh, không bao giờ quân Trung Quốc bắn đơn lẻ một quả đạn vào mục tiêu cần tấn công cả. Sau khi vô hiệu hóa được quả đạn, lực lượng chuyên trách phải rà soát lại toàn bộ mặt bằng của khu vực, rồi mới được giao cho đơn vị thi công.
Nghe thông báo của bộ phận chức năng, vị Giám đốc công ty quản lý cái máy xúc nọ đứng ngồi không yên, một phần lo cho số phận cái máy giá trị chục tỷ đồng có khả năng trở thành đống sắt vụn. Phần khác không hoàn thành tiến độ thi công được giao, sẽ bị phạt theo Hợp đồng đã ký.
   Khi ông Giám đốc ngỏ lời với Hà: Đề nghị địa phương hỗ trợ trong công việc canh gác. Lúc bàn giao thực địa, Hà chăm chú quan sát quả đạn, anh buột miệng:
- Quả đạn này mà vào tay ông bạn tôi thì chỉ mất mười năm phút sẽ trở thành vật vô dụng.
Vị Giám đốc kinh ngạc:
- Bạn của anh tháo được?
Hà thành thật:
- Hôm rồi lúc dọn dẹp trang trại, chúng tôi cũng phát hiện ra ba quả đạn cùng loại này. Báo cáo lên trên thì nhiêu khê lắm, bạn tôi giấu mọi người tỉ mẩn làm một mình. Chỉ loáng cái, mấy quả đạn đã bị vô hiệu hóa, quả không hổ danh đồng đội đã đặt cho.
- Danh hiệu gì vây?
- Tôi chỉ biết có người gọi hắn là Minh cối, kẻ lại kêu tên Minh nổ.
Người Giám đốc ngỏ lời:
- Hay đồng chí nói với ông ấy giúp chúng tôi.
- Trên đã có lệnh, tôi bảo thế nào được. Vả lại làm hay không đấy là quyền của ông ấy, tôi không ép được. Công việc nguy hiểm chết người mà.
Người giám đốc nài nỉ:
- Chỉ cần ông ấy giúp, về phía cấp trên chúng tôi sẽ lo.
- Vẫn cứ phải báo cáo lên cấp trên.
- Đợi cấp trên trả lời lâu lắm. Hay cứ để ông ấy tới quan sát thực trạng trước, nếu thuận lợi, hợp với khả năng thì giúp chúng tôi. Ngược lại, chúng tôi cũng không dám nằn nì lấy một câu.  
Sau khi quan sát xong hiện trường, Minh nói:
- May mà đầu ngòi nổ lộ hẳn ra ngoài, để tôi tháo thử xem. Nhưng tất cả các ông đều phải ra chỗ an toàn ngồi chờ.
Chưa tàn một điếu thuốc, mọi người đã thấy Minh quay trở lại, trên tay cầm cái ngòi nổ của quả đạn cối vung vẩy:
- Xong rồi, bây giờ các ông có thể yên tâm mà lùi máy ra ngoài này.
Thấy người Giám đốc băn khoăn về nơi lấy đất mới cho việc thi công nền đường. Minh ngỏ lời:
- Hay ông đến trang trại của chúng tôi mà múc. Chỉ tội chiều cao của vỉa đất đá được xúc tại nơi đó, không dầy như ở đây. Nhưng chất lượng đất đá giống hệt như nhau, vả lại từ đấy ra đến mặt bằng các ông đang thi công, cung độ cũng chỉ bằng 1/3 so với ở đây - Minh thành thật - Trang trại của chúng tôi còn ghồ ghề, mấp mô lắm, cũng đang muốn san gạt mặt bằng  cho nó đẹp mắt một tý, nhưng chưa có đủ lực.
   Rất nhanh chóng, một thỏa thuận kinh tế được hai bên chấp thuận. Phía vị Giám đốc giúp Minh cải tạo mặt bằng của trang trại. Nạo vét con suối nhỏ, đắp một con đập ngăn không cho nước chảy tự do. Cả hai bên đều có lợi trong công việc. Trang trại của bọn Minh có được mặt bằng như ý. Còn bên công ty của vị Giám đốc sẽ sớm hoàn thành tiến độ thi công, giảm giá thành vì rút ngắn được cung độ vận chuyển vật liệu. Ngoài ra, ông còn trả được cái ơn cho người đã vô tư giúp đỡ khi mình gặp hoạn nạn.
Theo thiết kế của đoạn quốc lộ được cải tạo, đơn vị thi công phải nạo sạch lớp sa bồi tới tận đất gốc mới được bồi đắp lớp vật liệu mới. Tận dụng xe tải hai chiều, ông Giám đốc cho múc đổ ngược lại trang trại của bọn Minh lớp đất sa bồi phải nạo vét.
Ông bảo: “Đàng nào cũng phải hoàn nguyên lại mặt bằng đã khai thác đất.”
Sức máy có khác, một trang trại vuông vắn, bằng phẳng, có con mương sâu chạy dọc được hình thành. Không một ai còn nhận ra bãi mìn ngày xưa nữa.
Trong bữa cơm mừng kết thúc hợp đồng kinh tế, ông Giám đốc ngỏ lời với hai người lính:
- Chúng tôi muốn kết nghĩa với địa phương nhà có được không? Xin các ông cho ý kiến.
Hà bày tỏ:
- Về việc kết nghĩa hay quá còn gì, địa phương hoàn toàn nhất trí.
Ông Giám đốc nói tiếp:
- Tôi và các ông đã thực hiện rất tốt các điều khoản của Hợp đồng. Thú thật với hai người, số lãi qua lần thi công này, Công ty của bọn tôi thu về không nhỏ. Tôi đã bàn với ban lãnh đạo Công ty, sẽ trích phần trăm thưởng cho các ông và ủng hộ địa phương một số công trình dân sinh.
- Việc ủng hộ địa phương, chúng tôi xin nhận. Nếu có thể, phía Công ty xây cho chúng tôi một cái nhà trẻ. Còn cá nhân bọn tôi, như thế là đủ rồi. Chúng tôi không mong được hơn như vậy.
Minh gật đầu:
- Tôi cũng đồng ý với ý kiến của lãnh đạo xã. Nhưng nếu phía Công ty hỗ trợ tư vấn cho chúng tôi trong việc, kéo thêm một đường điên dân sinh thì tốt quá.
Ông giám đốc nhìn hai người cựu binh ngạc nhiên suy nghĩ:  “Tại sao các ông ấy lại không đòi hỏi gì cho riêng mình. Trong khi họ hoàn toàn xứng đáng được hưởng nó.”
Thấy hai người cựu binh im lặng nhìn mình, như tìm câu trả lời. Ông Giám đốc lên tiếng:
- Tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến của hai đồng chí. Nhưng tôi cũng xin đề xuất một việc như sau, mong hai đồng chí chấp nhận.
Hà nhìn Minh ngập ngừng:
- Thì...ì, ông cứ nói.
Người Giám đốc trình bầy:
- Ngoài những công việc ủng hộ địa phương đã nêu ở trên. Công ty chúng tôi sẽ giúp các đồng chí xây dựng hệ thống tường bao quanh trang trại. Các đồng chí cứ yên tâm, toàn bằng vật liệu tận thu còn tồn trong kho của Công ty. Cả tường lẫn rào B40 phía trên cao chừng hai mét.
Minh hỏi lại:
- Điều ấy đâu có thấy ghi trong Hợp đồng kinh tế.
- Trong Dự toán và Quyết toán các hợp đồng, theo qui định của nhà nước, luôn luôn được phép ghi khoản chi phí khác theo một tỷ lệ phần trăm nhất định. Ngoài ra còn mục chi phí quản lý và việc thưởng theo tỷ lệ  cho những ai có thành tích, mang lại hiệu quả rõ nét cho công trình. Các ông là đối tác, là những người trực tiếp tham gia thực hiện công trình. Hai người hoàn toàn xứng đáng được hưởng thành quả mà mình làm ra, theo qui định của nhà nước. Đấy là chưa kể đến tiền thanh toán số vật liệu đã bốc xúc lấy đi từ chỗ các ông.
Ông giám đốc nâng chén ruợu, chạm cốc với hai người cựu binh nói tiếp:
- Thú thật với hai ông, có làm được việc này tôi mới an tâm, không bị áy náy vì đã mang ơn các ông nhiều lắm. Nếu không có các ông  giúp đỡ, có khi Công ty của tôi bị phá sản rồi cũng nên. Thôi, hai ông để cho tôi được làm theo tâm nguyện, đừng phản đối nữa. Còn việc trồng cây gì, thả con chi trong trang trại, tuyệt nhiên tôi không dám tham gia.
   Việc xây dựng trang trại hoàn tất. Khi thấy hai người cựu binh tiến hành trồng cỏ ở một số khu vực trong khuôn viên trang trại, những người dân trong vùng không khỏi ngạc nhiên. Lúc cỏ mọc xanh rì, Minh và Hà mua một bầy dê về thả, lũ dê sinh trưởng rất nhanh, chẳng mấy chốc đã được xuất chuồng. Trang trại được hai người phân ra các khu riêng biệt, nơi dùng để nuôi lợn rừng, chỗ để làm chuồng cho bầy nhím sinh sản. Còn con mương là nơi cho loài thủy cầm vùng vẫy.
Một lần ông giám đốc ghé chơi, nhìn cơ ngơi của hai người cựu binh, ông vô cùng thích thú. Ông bày tỏ:
- Tôi vẫn thấy còn thiếu một thứ.
Minh cười:
- Còn thiếu nhiều thứ lắm.
Ông Giám đốc khăng khăng:
- Tôi sẽ gửi hai ông thứ còn thiếu theo quan điểm của riêng tôi.
Hà từ chối:
- Chúng tôi nhận nhiều rồi, đâu dám nhận nữa.
Ông Giám đốc nài nỉ:
- Đảm bảo hai ông sẽ rất thích, và không từ chối khi thấy món quà tôi tặng.
Mấy ngày hôm sau, vị Giám đốc chở đến tặng hai người một đôi chó Phú Quốc.
Thời gian trôi qua, theo qui luật tự nhiên, giống như các con vật khác trong trang trại. Đôi chó sinh sôi, cho chào đời một đàn năm chú chó con. Nhiều đại gia trong vùng, sẵn sàng bỏ ra món tiền triệu để sở hữu một chú, vậy mà vẫn không được như ý.
Chó Phú Quôc thuộc giống chó quí, khi được huấn luyện kỹ, có bài bản nó sẽ nhanh chóng đảm nhận được những công việc phức tạp được các ông chủ giao phó. Có nó, các con vật nuôi khác răm rắp tuân theo khuôn phép.
Trong một lần hai người đi dọc bờ bao của con mương, Minh ngước nhìn sang dẫy nhà ở phía bên kia biên giới, nói đủ cho Hà nghe thấy:
- Chẳng biết có cặp mắt nào đang nhìn dõi theo chúng ta từ những lỗ thông hơi kia không?
Hà bình thản:
- Nhìn hay rình đấy là việc của họ. Còn chúng ta cứ bình tĩnh làm những công việc mà mình yêu thích và sẵn sàng cho mọi tình huống.
Khi trang trại đi vào sản xuất ổn định, có lãi. Phải thuê mướn thêm nhân công. Minh lại ngỏ lời với vợ chồng Hà:
- Thủ trưởng Sáu Bình vừa báo tin cho mình: Đơn vị ở trong Nam có kế hoạch qui tụ các anh em liệt sĩ đang nằm rải rác ở khắp các chiến trường. Họ muốn những đồng đội cũ như tôi cùng tham gia. Mình muốn vào đó giúp đơn vị một thời gian.
- Ông đi vắng, một mình tôi làm sao mà lo nổi trang trại này.
- Ông khiêm tốn quá đi thôi! Một mình ông kiêm mấy chức ở xã liền mà vẫn làm tốt. Cái trang trại bé tý này thấm vào đâu.
Hà dỗi:
- Trang trại của ông, ông phải đứng ra mà cáng đáng. Ai rỗi hơi đâu lo hộ cho ông.
Minh cười:
- Mọi thứ giấy tờ đều ghi tên của hai đứa chúng mình. Ông lo phần của ông là đương nhiên. Một nửa còn lại, tôi dành cho hai đứa nhóc. Ông là bố, không lo cho chúng nó thì còn ai đứng ra lo đây. Mà tôi đi một thời gian rồi sẽ về. Bấy giờ tôi sẽ mang theo một dây chuyền sản xuất phô mát bằng sữa dê. Ông không lo nổi nguyên liệu thì đừng có trách - Minh dặn thêm - Căn nhà của bố mẹ Hoa, tôi đã giao cho chú em họ của cô ấy. Còn tiền hưu trí và trợ cấp Thương binh, hàng tháng họ đã gửi vào thẻ ATM cho tôi rồi.
Ngay ngày hôm sau, Minh khoắc ba lô lên đường. Hai đứa trẻ con của Hà cứ bám chăt lấy anh, lẵng nhẵng đòi ba Minh cho đi theo. Không ai ngờ rằng, rất lâu sau anh mới trở lại nơi này.
Trong chiến tranh, những người lính suy nghĩ rất giản đơn. Vì ngay giữa sự sống và cái chết, họ cũng đâu có quyền lựa chọn, thì mọi thứ khác cũng sẽ trở thành vô nghĩa.
Còn bây giờ khi đất nước đã yên bình. lúc về sống cuộc đời thường với những suy nghĩ đa chiều, ta có quyền lựa chọn trong vạn vạn con đường lấy một lối đi cho riêng mình. Nhưng không một ai trong số chúng ta biết trước được, điều gì sẽ tới ở tương lai.


1, Bệ quay trên đó có lắp đặt các chi tiết như cần, ca bin, động cơ...


 
 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)