bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 0855890003

CÁM ƠN ANH ĐỨC BÌNH CỘNG TÁC!CHÚC ANH VUI KHỎE!

 

ĐỨC BÌNH

Xin cám ơn BAN BT trang TÁC PHẨM VÀ BẠN ĐỌC !

 

VŨ NHO 085 589 0003

Tôi không xem chương trình VUA TIẾNG VIỆT. Cứ theo những gì bác Đinh Y Văn tường thuật thì đích thị là TRÒ CHƠI Đoán từ. Người nhìn từ trong Từ Điển, nói "chữ" đầu của từ, rồi nói "chữ" sau. Người kia...

 

Đinh Y Văn

Trân trọng cảm ơn Tổng biên tập đã dành sự quan tâm đến bố con cụ Đinh Y Văn!

 

Đinh Y Văn

Xin có lời thưa lại, hình như cụ ĐYV bị quy oan là “lơ mơ” ?! Tên chính thức vòng 2 chương trình Vua tiếng Việt là GIẢI NGHĨA, không phải là ĐOÁN TỪ bác ạ.

 

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ BÁO, NHÀ NGHIÊN CỨU NGHIÊM THỊ HẰNG!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 30
Trong ngày: 731
Trong tuần: 1422
Lượt truy cập: 774655

NGỌT KHÚC ĐỒNG DAO...

NGỌT KHÚC ĐỒNG DAO” - BAO LA MỘT TẤM LÒNG YÊU TRẺ !

Giới thiệu tập thơ “Ngọt khúc đồng dao” của nhà giáo, nhà thơ Nguyễn Thu Sang,
Nhà xuất bản Hội nhà văn, tháng 10 năm 2023.
 
LÊ HỒNG THIỆN
Từ sau đại hội đại biểu lần thứ X Hội nhà văn khóa (2021-2025) Thơ viết cho thiếu nhi nói riêng và văn học thiếu nhi nói chung đã khởi sắc. Gần 20 năm trươc văn học thiếu nhi chững lại, bởi nhiều lý do. Nhưng lý do chính là một số cơ quan lãnh đạo thờ ơ, ít quan tâm. Văn kiện đại hội đại biểu nhà văn lần X đề ra phương hướng trong nhiệm kỳ này là: đặc biệt chú trọng tới văn học thiếu nhi. Nội dung này được thể hiện ngay sau một năm đại hội. Tháng 1 năm 2021 mở đầu là cuộc phát động sáng tác văn học cho thiếu nhi 5 năm, từ 2021- 2025 được tổ chức trọng thể tại trụ sở Hội nhà văn Việt Nam, đích thân nguyên chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới dự và đọc lời phát biểu. Tiếp đó hai năm tiếp theo Hội nhà văn mở hai trại sáng tác cho văn học thiếu nhi,năm 2022 ở Tam Đảo, tháng 4-2023 ở Tuy Hòa, Phú Yên. Tập trung các cây bút viết cho thiếu nhi trên toàn quốc.
Riêng tôi, thật vui một ngày cuối thu- Tháng 10 năm 2023 một lúc, trong một ngày nhận 2 tập thơ viết cho thiếu nhi: “Cây Trăng” của Nguyễn Thị Phương Anh- Nhà xuất bản văn học, tháng 10- 2023 và “Ngọt khúc đồng dao” của Nguyễn Thu Sang. Cả hai chị đều là nhà giáo, sinh ra và sống làm việc tại Hà Nội và cùng là Hội viên Hội nhà văn Hà Nội. Thu Sang cho tôi biết chị sinh vào mùa thu, nên trong thơ viết cho người lớn và trẻ em chị có nhiều bài về mùa thu, hoặc những đề tài liên quan đến mùa thu như: hoa cúc, hương cốm, mùa thu và ngày khai trường, nhịp trống mùa thu, em yêu mùa thu...
Tập “Ngọt khúc đồng dao” của Thu Sang gồm 65 bài thơ gọn gàng, xinh xắn. Thi tứ trong toàn tập cũng ngọt ngào, lan tỏa như hương vị mùa thu vậy. Chắc chắn chị cũng nghĩ như tôi, nên đặt tên cho tập thơ viết cho lứa tuổi mầm non, mẫu giáo, tiểu học này là; “Ngọt khúc đồng dao”. Chị viết theo thể đồng dao, một trong thể thơ truyền thống lục bát là đồng dao. Thể thơ này và ý thơ trong từng bài- dù là phi vật thể mà ngọt ngào làm sao. Nghe tiếng trống, báo mùa khai trường rạo rực trong lòng, trong trái tim tuổi thơ, một con người cụ thể, nhưng ở Thu Sang thì khác, tứ rất mới:
“Tiếng trống trường náo nức
Rạo rực cả mùa thu
Gió biểu diễn hát ru
Bầu trời thay áo nắng...”
Thiên nhiên, cảnh vật mùa thu cũng rất người, cũng rất trẻ thơ, hồn nhiên, trong trắng:
Ông Trời phơi chiếc áo choàng
Bà Gió nhè nhẹ ngồi sàng heo may
Bác Phượng bịn dịn chia tay
Cô Sương cần mẫn ngồi say hạt cườm.
(Em yêu mùa thu)
Thơ hay là bắt nguồn từ cảm xúc, cảm xúc có được là qua lăng kính của nhà thơ. Thu Sang có phát hiện mới, khá ngộ nghĩnh, phù hợp với tâm hồn trẻ thơ:
“ Bà Gió nhè nhẹ ngồi sàng heo may..”.
Cô Sương cần mẫn ngồi say hạt cườm.
Dưới con mắt của nhà thơ Thu Sang, mọi vật vô tri, vô giác đều có hồn, có tính người. Chị xử dụng thủ pháp ẩn dụ, liên tưởng và nhân hóa khá thành công, nhuần nhuyễn.
“Mợ Mây mải miết rong chơi
Chị Hằng dệt ánh tơ trời vào đêm...”
Viết về miền quê, vùng núi, thơ chị như vẽ, như tranh ký họa:
“Quê em tít vùng cao
Nhìn phía nào cũng núi
Có rừng và có suối
Có vượn hót chim ca...”
Trong mười sáu câu thơ, đoạn giữa câu bảy và câu tám đẩy cả bài thơ lên:
“Tiếng mõ trâu lốc cốc
Núng nính cả chiều buông.”
Âm thanh tiếng mõ mà làm nên “núng nính cả chiều buông”. Câu thơ rất nhẹ nhàng, chân thực nhưng cũng thật là tài hoa. Âm thanh ở đây làm sống động cả trời chiều, mấy ai mà viết được ?
Trong tập thơ “Ngọt khúc đồng dao” chủ đề giáo dục đạo đức, lối sống, ca ngợi thiên nhiên, cây cỏ, hoa trái, chim muông là chủ đề thường thấy trong tập thơ này. Song cũng là chủ đề của các tác giả khác viết cho thiếu nhi. Nhưng nổi trội, cũng là giá trị cao hơn, và hay hơn là trong “Ngọt khúc đồng dao” Thu Sang đã dành hẳn một chùm thơ ngót chục bài dạy các em nói, viết về tiếng Việt- Bằng những vần thơ lục bát rất nhuần nhuyễn, chuẩn chỉ dễ đi vào lòng người.
Chị cho các em những bài học về tiếng Việt đa thanh, đa nghĩa trên mọi bình diện của ngôn ngữ và ký tự:
Bà ơi cháu hỏi câu này
Cùng tên gọi cả mà rày rà ghê:
Bò con lại gọi là bê
Trâu con là nghé, chó thì cún cưng
Gà con- gà nhép hay không
Lợn con- lợn sữa chổng mông “bú tì”
Khoai bé lại gọi khoai bi
Chuột con- chuột nhắt chạy đi thật đều
Nhà bé lại gọi túp lều
Tôm nhỏ lại gọi tôm riu -hay là...
Đấy là ngôn ngữ diễn tả khối lượng các vật thể, con vật. Còn đây là một loạt ngôn ngữ, tính từ chỉ màu sắc thật phong phú, dạy bảo các cháu bằng kênh đồng dao :
“Ơ cái quần đen
Mẹ gọi: thâm đất
Màu đen của mắt
Lại gọi mắt huyền...”
Cứ nhịp nhàng, uyển chuyển vậy thôi. Chị truyền đạt cho các cháu mẫu giáo, nhi đồng một ý tưởng: Vui mà học, học mà vui. Để cho sinh động, ngây thơ mà hóm hỉnh chị dùng thủ pháp nhân hóa trong nhiều bài thơ. Với cây, với quả cũng biết nói cười, đi đứng, hát ca, chạy nhảy để cho các cháu đọc là thích- yêu kính bà giáo Thu Sang: Na gọi là thím, bưởi gọi là lão. Bà Trầu, ông Cau: rồi ả Mít, anh Hồng .
“Thím Na mở mắt ngỡ ngàng
Nhìn lão Bưởi trọc còn mang bụng bầu
Góc vườn quấn quýt bà Trầu
Vươn tay bám chặt ông Cau cao kều...”
(Hoa quả trong vườn)
Tôi chú ý tới câu “Nhìn lão bưởi trọc còn mang bụng bầu”. Nghe qua, lão bưởi mang bầu là phi lý, nhưng nghĩ kĩ thì thấy có lí và còn ngộ nghĩnh nữa: Bưởi cô, bưởi chị, bưởi bà thuộc giống cái mà mang bầu thì có lí, đây lại là ...lão Bưởi thì vô lí, nhưng bưởi không có giới tính gì hết, bưởi chỉ là bưởi thôi. Thu Sang viết lão Bưởi mang bầu vừa hóm hỉnh, mang tính chất hồn nhiên của trẻ thơ. Chị nói những gì trẻ nghĩ, trẻ viết mà. Chị nhập vai quá đạt, quá nhuần nhuyễn. Chỉ những người yêu trẻ, yêu nghề, yêu thơ mới có thể viết lên những câu thơ có hồn như vậy .
Bài Cửa lò quê em cũng tương tự.
“Quê em ở Cửa Lò
Nghe mà thấy...nóng ghê
Thế mà mát lắm nhe
Bốn mùa vui thật nhé ...”
Nóng, lạnh, rét, buốt thường cảm giác nhận biết bằng xúc giác. Cái nóng của Cửa Lò cảm nhận lại bằng thính giác; “Nghe mà thấy nóng ghê”.
Phép nhân hóa, Thu Sang không chỉ sử dụng đơn điệu, cây cỏ, hoa, lá các con vật, đến cả bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông cũng là những nhân vật. Tôi có cảm nhận mỗi mùa được đóng một vai. Tự giới thiệu tác động của mình... Bài thơ như một tiểu phẩm ngắn bằng thơ vui, nhộn. Các bé đọc xong dễ ngấm vào tâm hồn mình hơn cả một bài giảng về bốn mùa .
Giáo dục, dạy dỗ các cháu có ý thức về gọn gàng, ngăn nắp không chỉ bằng những lời khuyên răn khô cứng. Nhà thơ Thu Sang gửi gắm ý tưởng đó bằng bài :Giày dép thật ngoan :
Giày dép nằm ở góc nhà
Thấy em đi học nó sà vào chân.
Dép lê là để đi gần
Quai hậu chắc chắn, khi cần đi xa.
Đặc biệt là dép cũng có tình bạn, thương yêu , đoàn kết, gắn bó bên nhau:
Đi đâu thì cũng có đôi
Có bè có bạn chẳng rời nhau đâu.
Các cụ thường nói : “Thỏ thẻ như trẻ lên ba” thì ở tập thơ này nhà giáo, nhà thơ Thu Sang cũng...thỏ thẻ bằng thơ đồng dao đây :
Ông ơi cháu còn bé
Nên được ngủ với ba
Còn ông cao lớn thế
Sao lại ngủ với bà ?
Cái thơ ngây trước câu hỏi ngây thơ của trẻ đã vào thơ cô giáo Thu Sang như vậy. Câu hỏi của trẻ dễ hỏi mà khó đáp.
Chuyện đánh răng, vệ sinh răng miệng cho sạch sẽ, răng sẽ trắng ra là lẽ đương nhiên, nhưng đánh răng “cho nụ cười em thêm tươi” mới là tứ thơ hay.
Tưởng trong thơ viết cho trẻ em của Thu Sang chỉ những đề tài và chủ đề về gia đình, thầy cô, cây cỏ, hoa lá, chim muông như trên cũng là đủ. Nhưng mà không ! Thời đại 4.0 chị cũng có thơ cho trẻ em. Nhà thơ bắt nhịp với cuộc sống đương đại thời a còng @, đưa “công nghệ thông tin” vào thơ cho các nhí...khó đấy. Không khéo sẽ biến bài giảng về công nghệ hiện đại này.
Vì yêu trẻ, lại có con mắt trẻ thơ – Thu Sang viết câu mở đầu là một câu hỏi :
“- Bố ơi sao thời đại
Lại là bốn chấm không (4.0)
Chúng con chỉ hằng mong
Sẽ là bốn chấm có ?...”
Câu trả lời chì là khuyên con học hành giỏi giang sẽ trả lời được 4.0 là gì mà thôi.
Điều đáng ghi nhận tài năng viết thơ cho trẻ em quả là cái khó viết, mà viết đúng, viết hay:
Như bài “Nông thôn đổi mới”
“ Quê em lên phố, thành phường
Con đường đất đỏ đã “nhường” nhựa đen
Điện giăng nhiều tựa sao đêm
Trường học thoáng mát bởi thêm điều hòa..”
Chưa đủ đâu ! Chất ngụ ngôn như Lapongten (nhà thơ viết cho thiếu nhi của Pháp) có trong thơ của Thu Sang. Một phát hiện mới trong tập thơ là sức mạnh của âm thanh, được cụ thể hóa mạnh mẽ ; “Trống choai gáy lệch vườn trưa”. Động từ “lệch” làm thay đổi trạng thái, vị trí của buổi trưa. Hay đấy mà thích thú;
“Mái mơ bới vẹo chân rơm
Một đàn chiêm chiếp mổ thơm nắng chiều.”
Khác với ba câu thơ trên, trong một câu lục bát, sử dụng động từ mạnh “lệch, vẹo”. Nhưng câu thứ tư cũng là câu cuối của bài - tiếng gà của đàn con không mổ mạnh mà nhẹ nhàng chải chuốt : “Mổ thơm nắng chiều”. Trong ngôn ngữ tiếng Việt, thường thường có những cặp từ chỉ màu sắc về thiên nhiên: chiều tím, chiều vàng, chiều thu, chiều đông. Tôi ít thấy có chiều thơm, nắng chiều. Một phát hiện thú vị, mới lạ. Lại nữa, nếu trong thơ nhất là thơ của trẻ em cứ viết bằng bằng, kể nể các cháu chưa thích. Cần có những đột phá, kết cấu bất ngờ ngoài dự đoán của các em nữa. Thu Sang đã sử dụng phương pháp đưa bất ngờ vào bài thơ :”Phát hiện của bé”
-Bố hỏi nhà mình
ai là nhất nhỉ ?
Một hồi suy nghĩ
rồi bé thủ thỉ:
-Mẹ xếp thứ nhì
không ai nhất cả
Hi…hi…hi……….hi
Cũng vậy, bé Nấm tả bà nội:
Hôm nay bà mặc váy chùng.
Cháu nhìn đôi má bà hừng đỏ thêm.
“Ngọt khúc đồng dao”(2023) là tập thơ đầu tiên viết cho thiếu nhi.(Chị đã có 5 tập thơ viết cho người lớn). Qua điện thoại Thu Sang cho biết chị viết tập thơ này chỉ trong vòng hơn 1 tháng, Vừa sáng tác, vừa tự vẽ, thiết kế và sưu tầm minh họa, vừa tự dàn trang, xếp chữ. Tôi không tin: Minh họa, biên tập, dàn trang thì có thể xong trong một tháng. Nhưng viết được 65 bài thơ hay đến mức chị như một nhà thơ chuyên nghiệp, chuyên viết cho trẻ em. 65 bài thơ là cả cuộc đời của chị đấy.
Với hơn 40 năm đứng lớp tại trường Tiểu học, đặc biệt với hơn 20 năm chị nuôi dưỡng dạy dỗ các cháu lớp học “Tình thương”, gồm những trẻ em cơ nhỡ, khuyết tật, nhiễm chất độc màu da cam. Không thu một đồng kinh phí nào.
Có lẽ lòng yêu nghề, mến trẻ và chút năng khiếu về thơ ca nên chị mới cho ra đời một tập thơ “đa thanh, đa nghĩa” như vậy. Bạn đọc hãy đọc thêm những câu thơ này, ai bảo chị không có tài năng và có duyên làm thơ cho thiếu nhi.
“Sóng sông đắm đuối con đò
Mái chèo quấn quýt câu hò vọng theo...”
(Quê hương)
Nhà chữ ở lớp, ở trường
Ai chăm chỉ học chữ thương, chữ về...
(NHÀ trang 73)
Chiều hè vun nắng ven đê
Bóng diều soi dưới bóng quê ngọt lành
Nhởn nhơ bò gặm mùa xanh
Chim chuyền đủng đỉnh trên nhành tre buông
Sáo diều- nhạc đã vào khuông
Gió nghiêng nghe mấy nhịp chuông thỉnh ngày...
(Nhịp điệu quê hương)
Giáo dục lòng yêu thiên nhiên có bài “Vì đâu”. Bài thơ là lời kêu cứu bằng thơ thống thiết
“Lũ khóc bởi ai phá rừng
Trời khóc ô nhiễm vì tầng ô rôn”
Tôi choáng ngợp những câu thơ hay của Thu Sang, đến nỗi đọc một lần ta nhớ đến tứ hay, lời đẹp :
“Bếp nhà ai khói vừa lên
Mỏng manh như dải lụa mềm buộc mây…”
(Nẻo quê)
Thu Sang dạy cho trẻ học âm “mờ” “bờ”... cũng bằng thơ lục bát. 5 chữ, 4 chữ . Bằng những bài đồng dao vui, những câu đố, cứ tự nhiên, tinh tế. Qua đó cho trẻ “Học mà vui, vui mà học”
“Miền Nam kêu má, kêu ba
Miền Bắc gọi mẹ, gọi cha, gọi thày...”
Đúng ! Thu Sang là nhà sư phạm, nhà tâm lý. Biết trẻ thích gì, yêu gì, muốn gì. Chính vì thế chị như một nhà ngôn ngữ học, sử dụng một cách “sành điệu” trong “Ngọt khúc đồng dao”.
65 bài thơ là 65 thông điệp khác nhau, một phần thưởng tinh thần gửi đến trẻ thơ. Những khúc đồng dao ngọt ngào mà sâu lắng, ngắn gọn mà súc tích. Với trẻ dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thuộc.
Hơn tất cả, chị là người mẹ, người bà, người cô đầy tình thương. Bằng tấm lòng mình chăm chút cho cuộc sống của các em nhỏ có số phận không may mắn được an ủi, sẻ chia.
Với hàng chục năm ở lớp Tình Thương- từ Tình thương đến Tình thơ. Và thơ của chị đã gây ấn tượng cho bạn đọc cả người lớn và trẻ em đều yêu thích. Tôi mừng vui, chúng ta có thêm một nhà thơ viết cho thiếu nhi. Thật đúng với ngữ nghĩa của từ này. Đặc biệt Thu Sang thành công ngay ở tập thơ đầu tay viết cho thiếu nhi. Một lãng hoa đa sắc màu và đậm hương “NGỌT KHÚC ĐỒNG DAO”
Phố Hiến - cuối thu 2023
Lê Hồng Thiện

trechantrau
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)