bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 0855890003

CÁM ƠN ANH ĐỨC BÌNH CỘNG TÁC!CHÚC ANH VUI KHỎE!

 

ĐỨC BÌNH

Xin cám ơn BAN BT trang TÁC PHẨM VÀ BẠN ĐỌC !

 

VŨ NHO 085 589 0003

Tôi không xem chương trình VUA TIẾNG VIỆT. Cứ theo những gì bác Đinh Y Văn tường thuật thì đích thị là TRÒ CHƠI Đoán từ. Người nhìn từ trong Từ Điển, nói "chữ" đầu của từ, rồi nói "chữ" sau. Người kia...

 

Đinh Y Văn

Trân trọng cảm ơn Tổng biên tập đã dành sự quan tâm đến bố con cụ Đinh Y Văn!

 

Đinh Y Văn

Xin có lời thưa lại, hình như cụ ĐYV bị quy oan là “lơ mơ” ?! Tên chính thức vòng 2 chương trình Vua tiếng Việt là GIẢI NGHĨA, không phải là ĐOÁN TỪ bác ạ.

 

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ BÁO, NHÀ NGHIÊN CỨU NGHIÊM THỊ HẰNG!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 24
Trong ngày: 194
Trong tuần: 1166
Lượt truy cập: 784055

NGƯỜI ƠI!...CÓ NHỚ?...

Phạm Ngọc Chiểu
 
NGƯỜI ƠI!... CÓ NHỚ?...
(Truyện ký)
 
1
Tôi ngỡ ngàng trước những gì đang diễn ra trước mắt tôi. Trên sân bê tông rộng mênh mông còn ẩm sương đêm trước tòa Hội trường lừng lững chắn một góc trời, mấy trăm con người đang xoắn lấy nhau. Những mái tóc đốm bạc, những gương mặt nhăn nheo, sạm nắng sáp lại sau lời thốt gọi. Những vòng tay ôm hai, ôm ba, ôm năm, ôm bảy trong nụ cười và cả trong nước mắt. Tôi chợt nhớ lời con bạn nói qua điện thoại: “Năm mươi năm rồi kể từ ngày chúng mình rời làng, họp thành Tổng đội N112, mày nhớ không?”. Năm mươi năm rồi ư? Tôi tự hỏi và cố nhớ lại. Đúng rồi, cứ nhìn mấy trăm đồng đội ngày nào, giờ đã thành ông già bà cả quấn quýt bên nhau, thấy ngay cái con số tháng năm trôi qua đó. Tiếng con bạn lại vẳng trong tai tôi: “Mày nhớ về dự họp mặt. Anh ấy dặn đi dặn lại tao là phải cố tìm mày, bảo mày về. Mấy lần anh ấy đứng ra tổ chức họp mặt Tổng đội, mày không có mặt rồi…”. Anh ấy? Anh ấy vẫn nhớ tôi? Nhưng anh ấy đâu? Thú thật rằng, xa nhau đã bao năm nên tôi không nhận ra gương mặt nào thân quen trong những người đang xoắn xuýt nhau kia, nhưng gương mặt anh thì tôi vẫn nhớ. Cả gương mặt con bạn đã gọi điện báo tin cho tôi nữa. Nó là bạn cùng làng, cùng khoác ba lô lên đường đi Thanh niên xung phong chống Mỹ, trong Tổng đội N112, vào buổi chiều cuối năm 1966 ấy. Nó đâu, sao tôi chưa thấy? Và… anh nữa, anh lẫn vào chỗ nào trong mấy trăm người kia?
- Hiên, Hiên ơi, tao đây!
 Tôi đảo mắt tìm. À kia, cô bạn cùng làng của tôi kia rồi. Chung đang rối rít rẽ mọi người. Tiếng gọi mừng rỡ và sự bươn bả chen lách của Chung khiến cổ họng tôi chợt nghèn nghẹn. Chung nhảo tới túm bàn tay tôi, miệng cười, mắt cười. Nó vẫn thế, cười suốt ngày làm khuôn mặt có đôi mắt như hai đốm sao của nó lúc nào cũng tươi rói.
- Mày đến lâu chưa? Vừa đến? Sao muộn thế? Đi bằng gì? Xe buýt hay xe ôm? Mấy câu hỏi liền liền, tôi chưa đáp được lời nào, Chung đã đứng sát vào tôi, nháy mắt thầm thì:
 - Này, ông anh ngóng mày lắm đấy! Từ tối qua đến giờ, lúc lúc lại hỏi tao, sao chưa thấy mày đến? Tao cười bảo: Anh yên tâm đi, nhất định lần này nó về họp mặt. Nó hứa đi hứa lại với em mà. Và tao trêu: Khiếp quá thôi, lúc nào cũng chỉ nhớ em Hiên, còn em Chung có mặt suốt qua nay, ông anh coi như củ khoai củ ráy, chả thèm hỏi câu nào. Anh ấy cốc vào trán tao, lườm: Cô chỉ bẻm mép, anh quan tâm cả cô và Hiên, cô còn tị gì? Tao vẫn trêu: Ông anh ơi, đừng có giấu em gái nhá, em là em biết thừa. Mà, mấy hôm trước, nó cũng khai hết với em qua điện thoại rồi. Nó bảo…
 - Thôi đừng huyên thuyên - Tôi lên tiếng át Chung, không cho nó nhắc lại lời thú nhận của tôi qua điện thoại bữa trước - Nghe tao hỏi đây. Một là, về họp mặt hôm nay phải đóng góp thế nào, nói để tao nộp. Hai là…
- Hai là hỏi “ông anh” đâu chứ gì? Sao mà giống nhau, cứ cuống cả lên. Thưa cô, “ông anh” đang mắc kiểm tra Hội trường, lại còn phải đón tiếp khách Trung ương Hội, Tỉnh Hội, khách Huyện ủy, Ủy ban huyện sở tại nữa, đâu được rảnh rang như tôi và cô. Hãy theo tôi ra gặp gỡ anh chị em. Nào, đi!
Kéo tôi đi được dăm bước, Chung dừng lại, ghé sát miệng vào tai tôi thầm thào: Này, nhớ nhau thế, sao mấy chục năm qua hai người không cất công tìm nhau? Tại sao ư? Tại vì…
 
2
Năm ấy, tôi mười tám tuổi. Vâng, năm thứ ba nghĩa vụ Thanh niên xung phong, tôi mới từng nấy tuổi. Có nghĩa là, khi rời làng ra đi, được vận trang phục màu cỏ úa, đội mũ, khoác ba lô màu cỏ úa, làm một A trưởng của đại đội 1 thuộc Tổng đội N112, tôi chỉ tròn mười lăm tuổi, phải khai tuổi mười sáu cộng thêm mấy lời nằn nèo tha thiết với cán bộ tuyển quân mới được ghi tên. Mười lăm tuổi nhưng tôi khỏe khoắn, cao ráo, tóc dài, nói năng chừng mực, lại học hết lớp 6 trường làng và có anh trai cả làm Thường vụ Đảng ủy xã, thế nên tôi được gọi đi học lớp bồi dưỡng cán bộ khung, và khi tập trung quân tại xã phía bắc huyện, tôi được giao làm tiểu đội trưởng (A trưởng) phụ trách mười một chị em. Vậy là, mười lăm tuổi tôi đã thành “người lớn” trong con mắt mọi người, phải “làm gương” để mười một chị em trong tiểu đội noi theo. Lúc đầu, tôi cũng ngại, sau rồi quen dần. Công việc của một A trưởng cũng không có gì khó khăn lắm. Nói gọn, thì phải thường xuyên quán triệt chị em thực hiện tốt ba nhiệm vụ: Tích cực trong công việc mở đường; chăm chỉ học tập văn hóa; nghiêm chỉnh thực hiện quy định “cấm yêu đương” trong ba năm nghĩa vụ Thanh niên xung phong! Trong ba nhiệm vụ ấy, thời gian dự lớp bồi dưỡng cán bộ khung, nghe các cán bộ giảng bài nhấn đi nhấn lại rằng, nhiệm vụ thứ ba khó thực hiện nhất, tôi chỉ cười. Ba năm không yêu đương thì có gì là khó. Tôi mười lăm tuổi vẫn hồn nhiên vô tư, chả chơi thân, cũng chẳng để mắt đến một bạn trai nào trong xóm ngoài làng, giờ nhận trách nhiệm làm A trưởng, thì ba năm tới đây, chuyện yêu đương với tôi chẳng có vấn đề gì. Tôi chỉ phải thường xuyên để mắt theo dõi quan hệ tình cảm của chị em trong tiểu đội thôi. Chị em nào hay đứng riêng, ngồi riêng với một anh con trai nào đấy; chị nào chăm chút khâu vá, giặt giũ cho một anh chàng không là “đồng hương xóm, xã”; nhóm nào hay tụ bạ cùng bạn khác giới nướng sắn trò chuyện quá khuya… tất cả những biểu hiện đó đều phải chú ý, nhắc nhở. Nhắc nhở riêng, một lần, hai lần. Nếu không sửa, tôi sẽ đưa ra nhắc nhở trong cuộc họp toàn tiểu đội. Quá nữa, có thể cắt lao động tiên tiến và không công nhận đoàn viên bốn tốt cuối tháng đó. Chỉ sáu tháng đầu của năm thứ nhất nghĩa vụ Thanh niên xung phong, tiểu đội tôi đã có ba trường hợp xử lý như thế. Sự việc ấy cộng với thành tích lao động sản xuất mở đường và kết quả học văn hóa, trong đó tôi là học viên giỏi nhất đại đội, nên tiểu đội tôi và cá nhân tôi được bình bầu là đơn vị và cá nhân xuất sắc. Thế là tôi, tiểu đội trưởng trẻ nhất, được tuyên dương không chỉ ở đại đội mà được Tổng đội phó kiêm Bí thư Đảng ủy Tổng đội tuyên dương trong lễ sơ kết sáu tháng đầu năm 1967 do Tổng đội tổ chức. Cuối năm ấy, tôi được suy tôn là cá nhân điển hình ở cả hai cấp đại đội và Tổng đội, và quan trọng hơn, tôi đứng đầu danh sách bốn đoàn viên tiên tiến được Chi bộ đưa vào diện cảm tình Đảng, chuẩn bị đi dự lớp bồi dưỡng đối tượng Đảng do Đảng ủy Tổng đội mở vào quý một năm 1968. Bạn hãy đặt mình vào địa vị của tôi, mới bước sang tuổi mười bảy trên giấy tờ được hai tháng trời, đã là tiểu đội trưởng xuất sắc, đứng thứ nhất trong số những người được tuyên dương trước hơn năm trăm cán bộ chiến sĩ Thanh niên xung phong, bạn sẽ thế nào? Phấn khởi lắm, tự hào lắm, đúng không? Và bay bổng ước mơ: chẳng mấy nữa, mình sẽ được kết nạp vào Đảng, thành một Đảng viên trẻ nhất đơn vị, rồi mình sẽ thành… Thành gì nhỉ? Tôi tự hỏi, tuy chưa tìm được câu trả lời, nhưng lòng rạo rực, phấn chấn lắm.
   Đúng lúc đó, anh về nhận công tác ở đại đội tôi. Và, cứ như có sự sắp đặt, tôi là người đầu tiên của đại đội gặp anh, đón anh. Mà, đón anh theo cách thức không bình thường chút nào.
  Buổi sáng hôm ấy, đang cùng chị em bạt xả ta-luy, chợt tôi thấy bụng nhâm nhẩm đau. Ngẫm thấy chưa đến ngày “chế độ”, tôi dừng tay cuốc chim, lấy cao Sao Vàng xoa một hồi quanh rốn. Xoa đến nóng ran da bụng mà vẫn không hết đau. Thế này thì không ổn rồi, phải về gặp y tá đại đội thôi. Tôi giao việc lại cho A phó, nhảo xuống mặt đường, về doanh trại. Đến đầu dốc xuống suối Hoa, bụng tôi đau quặn lên. Bên kia suối là doanh trại đại đội tôi. Cắn chặt môi, tay tôi ôm bụng, tay giữ mũ cứng Thanh niên xung phong, tôi chạy lao xuống cái dốc vừa hẹp vừa trơn, len ngoắt ngoéo giữa một bên rậm rạp cỏ gianh và một bên có những khóm nứa cộ bị chặt nham nhở. Dốc đứng, chạy vội, đã hai lần tôi vấp giày vào mô đá, người lạng đi, may tôi gượng được, không ngã. Nhưng đến lần vấp thứ ba, đúng chỗ mặt dốc láng nước trơn như đổ mỡ, thì tôi hoàn toàn mất đà. Tôi nhớ giày chân trái vấp mạnh vào cái gì đó khiến tôi lao dúi về phía trước, như có bàn tay nào ẩy mạnh vào lưng, tôi chới với chới với, cái mũ cứng buột khỏi tay, cả người tôi đổ ập xuống mé dốc bên phải, lăn tròn, lăn tròn, tôi tối tăm mặt mũi và không biết gì nữa.
   Khi tôi tỉnh lại, mở mắt ra, người đầu tiên tôi nhìn thấy là anh, và tôi biết mình đang nằm trên cái giường do tôi làm bằng hai đoạn cây trẩu. Vừa lúc cánh cửa lán tiểu đội tôi nhẹ mở, chị y tá khăn mặt vắt vai, bưng chậu nước bốc khói bước nhanh lại chỗ tôi. Giọng anh mừng rỡ:
 - Cô ấy tỉnh rồi. Cô lau rửa cho cô ấy, rồi tiêm thuốc. Tranh thủ kiểm tra xem mình mẩy cô ấy có bị sao không. Ngã dốc và ngất thế, dễ bị đập đầu vào cái gì đó. Tôi ra suối rửa ráy một chút. Thế nhé.
- Vâng, thầy đi. Mọi việc em làm ngay, thầy yên tâm. Cơm của thầy chị em nhà bếp đang làm. Xoong cháo cho Hiên chị em cũng đang nấu rồi.
 Thầy? Vậy ra đây là thầy Ngọc được điều động từ đại đội 2 về đại đội tôi, mấy hôm nay chị C trưởng và anh chị em đại đội tôi xôn xao bàn tán, ngóng đợi?
  Nhìn thấy cái nhíu mày của tôi, chị y tá tươi cười:
 - Nghe bảo cô nằm giọ vào chân một khóm nứa cộ, chết ngất. May đúng lúc thầy ấy xuống dốc, vội vực cõng cô qua suối rồi cùng tôi đưa cô về lán. Số cô vậy là may đấy. Chứ không, có khi bây giờ cô vẫn nằm đấy làm mồi cho kiến, vắt và muỗi nó đốt giộp người và mất ối máu; hoặc không may cô nằm đè vào tổ ong bầu đất thì có mà hết hơi. Ong bầu dất nó đốt chết cả trâu, cô hiểu không? Mà cũng lạ, loáng quáng thế nào cô gặp được ông thầy trẻ nổi tiếng, được ông ấy cõng cả một đoạn dốc, cõng lội qua suối rộng và chảy xiết, đặt cô nằm nhẹ nhàng xuống giường này. Cứ như thể hai người có duyên với nhau vậy…
  Chị y tá vừa cẩn thận kiểm tra khắp người tôi, vừa thủ thỉ nói với tôi thế. Câu cuối cùng chị tủm tỉm nháy mắt bảo tôi vậy, trước khi chị bưng chậu nước bẩn ra khỏi lán. Tôi uể oải nằm nhắm mắt, chợt nhìn thấy anh. Rõ lắm. Khuôn mặt, khổ người, giọng nói. Đúng là người có học, nhưng có vẻ… dễ gần…
 nhonguoiyeu
3
   Không chỉ riêng tôi, cái Chung và cái Thỏa, và gần như cả đại đội tôi, trừ một số ít người, đều yêu quý anh. Anh dạy môn Văn lớp 7, tức là trực tiếp dạy tôi và cái Chung, những tiết anh lên lớp có sức lôi cuốn cả anh chị em lớp 6 và lớp 5 sang nghe, nếu các lớp đó giáo viên mắc gì đấy chưa đến giảng. Có anh, đội văn nghệ đại đội 1 sôi nổi tập luyện, hào hứng phân vai dàn dựng vở chèo “Trả phép” do anh sáng tác và trực tiếp đạo diễn, kiêm chân kéo nhị hay ơi là hay. Ngoài nhiệm vụ phân hiệu phó phụ trách chuyên môn phân hiệu Bổ túc văn hóa của đại đội, anh còn được chị C trưởng kiêm Bí thư chi bộ giao thêm nhiệm vụ Phó bí thư Chi đoàn. Ngồi nghe C trưởng công bố quyết định, tôi cứ thấp thỏm lo. Sao mà giao cho anh nhiều việc thế? Không để cho anh thở ư? Mà, anh làm Phó bí thư thì trước sau gì cũng va với Bí thư Thanh. Ông tướng mắt to mắt bé này, nghe nói ngày hội quân để lập đại đội, nhờ tấm giấy giới thiệu là Đối tượng Đảng của Đảng ủy xã nên được chỉ định làm C phó chuyên trách công tác Đoàn, xem ra có vẻ hẹp bụng, hay đố kỵ. Biểu hiện rõ nhất là ông tướng tị nạnh với anh Ngọc. Chỉ một tháng sau ngày anh Ngọc về nhận nhiệm vụ ở đại đội, thấy mọi người yêu quý anh, nhất là chị C trưởng công khai coi anh như em trai, thế là ông tướng tức, phản ứng ra miệng. Một hôm, vào giờ giải lao giữa buổi sáng, tình cờ thế nào mà cả C trưởng, C phó đến trú nắng cùng tiểu đội tôi dưới bóng một cây sung vả to bên mé đường phía vực. Nhân giải lao, cô Đạo A phó tranh thủ ôn lại điệu chèo Chức cẩm hồi văn trong với chèo “Trả phép” cô được phân vai. Trong nắng và gió rừng, giọng chèo của Đạo í a bay bổng khiến mọi người xuýt xoa. Chị C trưởng tươi cười khen Đạo có giọng, nhân thể khen anh Ngọc làm văn nghệ giỏi. Tôi đưa mắt sang C phó, y rằng thấy mặt anh ta đang đỏ rần lên. Kiểu này thế nào cũng có phản ứng cho mà xem. Tôi vừa thoáng nghĩ, thì đôi mắt của C phó giật giật liếc xéo sang chỗ chị C trưởng, và anh ta cất giọng chua chát: “Thầy Ngọc thì nhất rồi, đại đội ta có ai bằng được. Thế nên, trong mắt thủ trưởng bây giờ chỉ có “cậu Ngọc” của chị thôi, làm gì còn có chỗ cho ai len vào nữa. Có lá lốt chị phụ xương xông/ Có chùa bên bắc chị để miếu bên đông tồi tàn. Đúng là sự đời chẳng thể biết trước được điều gì, các cụ ta dạy cấm có sai!”. Nói một hơi, rồi C phó chụp mũ cứng lên đầu, đứng dậy, lụi cụi bước ngược dốc đang lúc nắng lóa mắt. Thái độ tị hiềm rõ rành đến thế của Bí thư Thanh, liệu anh Ngọc có làm tốt nhiệm vụ Phó bí thư không?
  Tan họp, tôi đi tắt sang phòng anh. Là giáo viên, gánh thêm hai chức “Phó”, anh được ở phòng riêng, không phải ở lán tập thể. Nghe tôi nói sự “lo thay”, anh cười hiền khô, rót đưa tôi chén chè búp sao, nhỏ nhẹ bảo tôi yên tâm, sẽ không có chuyện gì xảy ra đâu. Tôi trút hơi thở âu lo, ngồi trò chuyện thêm với anh quên cả giờ ngủ quy định, để chị C trưởng phải nhắc khéo.
  Quý anh ở tính hiền lành, đứng đắn, phục anh ở sự học cao, nhiều tài, tôi hay xuống chơi chỗ phòng anh. Lúc đi cùng cái Chung, cái Thỏa - hai đứa mạnh mồm nhận là em kết nghĩa của anh - nhưng cũng nhiều khi chỉ mình tôi đến chỗ anh để hai anh em chuyện riêng với nhau. Chủ yếu là anh nói, tôi nghe, thỉnh thoảng tôi đế nhẹ một câu thôi. Anh trầm giọng khuyên bảo tôi nhiều điều. Từ việc chỉ huy tiểu đội sao cho tốt đến việc phải chú ý giữ gìn mối quan hệ với mọi người, trong cuộc sống tập thể. Có hai việc anh nói với tôi nhiều lần. Việc thứ nhất, anh bảo tôi cố gắng học văn hóa cho giỏi để sớm có bằng tốt nghiệp cấp 2 bổ túc. Có tấm bằng đó, với chế độ ưu tiên của Thanh niên xung phong, tôi sẽ được đi học một trường Trung cấp chuyên nghiệp, và sau ba năm học tập, tôi thành một cán bộ kỹ thuật có trình độ Trung cấp về ngành nghề nào đấy. Ruộng bề bề không bằng nghề trong tay, các cụ ta dạy thế, em hiểu chứ? Anh nghiêm trang hỏi tôi. Tôi hiểu, và nhìn anh với tấm lòng biết ơn. Anh đang gợi ý, mở hướng đi cho cuộc đời tôi. Hơn một năm sống trong tập thể trăm hai mươi con người giữa rừng núi ngút ngàn làm nhiệm vụ mở đường này, chưa một ai, kể cả chị C trưởng, nói với tôi những điều anh vừa khuyên bảo. Giờ ngồi nghe anh nói, không phải nhìn đâu xa, trông mấy anh cán bộ kỹ thuật của đại đội, đã thấy lời anh quý giá thế nào. Mấy anh chỉ học qua một khóa Sơ cấp kỹ thuật cầu đường thôi, đã thành cán bộ gián tiếp, ngày ngày thũng thẵng ra hiện trường, sổ mỏng cầm tay, thước dây đút túi, chỉ trỏ hướng dẫn một hồi, thế là xong việc. Trong khi chúng tôi trần lưng đội mưa nắng, đội cả bom đạn máy bay Mỹ, đánh vật với đất đá để mở đường, giữ đường. Tôi và đồng đội không sợ vất vả, hiểm nguy, nhưng đúng là phải biết nhìn xa rộng ra như anh, sau ba năm nghĩa vụ, mình sẽ làm gì, đời mình rồi thế nào? Việc thứ hai anh nói với tôi còn sâu xa hơn. Anh bảo, em cố gắng phấn đấu để được kết nạp Đảng. Có bằng Trung cấp kỹ thuật, có thêm Quyết định kết nạp Đảng trong túi, em sẽ bước vững vàng trên đường đời, không sợ thua em kém chị… Không biết với cái Chung, cái Thỏa sao, chứ với tôi, những lúc hai anh em ngồi bên nhau, anh cứ nhỏ to khơi gợi những điều như thế. Tôi có cảm giác rất rõ rằng, mỗi lần đến với anh, tôi khôn lớn hơn lên. Thế là hàng ngày, được lúc nào rảnh rỗi, tôi lại đến phòng anh để cùng anh trò chuyện. Dần dà, việc đó thành thói quen, thành nhu cầu đối với tôi. Nào ngờ việc ấy cũng thành chuyện khiến tôi lo buồn, và nỗi buồn lo đó ám ảnh tôi ngày càng khiếp hơn…
 4
    Trước cuộc gặp gỡ của mấy trăm đồng đội đều đã ở tuổi mãn chiều xế bóng đang vây quanh tôi đây hai tuần lễ, vào một buổi trưa, tôi vừa ngả lưng xuống giường thì cái Nokia bỗng reo lên khúc nhạc gọi. Cả buổi sáng bận bịu với công việc, người thấm mệt, tôi đã định không thưa máy để được chợp mắt, nhưng rồi vẫn tần ngần áp cái điện thoại vào tai phải. “Tao đây. Làm gì mà lâu nghe thế? Đã nhận ra tao chưa? Hay là lặn mất tăm bao năm nên quên cả bạn đồng hương rồi?”. Tôi nhằn môi, chau mày. Tao? Bạn đồng hương? Là ai nhỉ? Giọng thì đúng là quen. Giọng Hải Nam quê mình không lẫn đi đâu được. Nhưng là ai thì… “Thế nào, vẫn chưa nhận ra hả? Mày đúng là… Nói thêm chút nữa xem cô có nhận ra tôi không nhé. Không nhận ra thì đáng đánh đòn đấy. Vừa rồi mẹ tao ốm, tao về chăm cụ được ít hôm. Nhớ lời dặn của ông anh, tao tranh thủ sang nhà mày, gặp đứa cháu con ông anh cả, hỏi nó mới có số điện thoại này gọi cho mày. Sao, nói đến thế, mày đã nhận ra tao chưa?”. Rồi rồi. Chung chứ gì? Giờ nghe thêm tiếng cười thì đích xác là nó rồi. Nhưng, nó vừa bảo sao, nhớ lời dặn của ông anh, nó mới sang nhà tìm tôi, chứ không phải tự nó muốn tìm tôi? “Chính xác. Thì chính cô có nhớ tôi đâu, mà bắt tôi nhớ cô, đi tìm cô, đúng không? Huề nhé (cười). Chỉ có một người, một người thôi, không quên cô, cho dù cô hình như quên anh ấy. Cô có biết người đó là ai không?”. Người đó?... Anh ấy?... Có phải là anh không? Có đúng là anh không? Là… anh Ngọc? Chắc là anh rồi!... Chung, mày vừa nói sao, hình như tao quên anh ấy? Ôi Chung ơi, đừng mắng tao thế. Thề có trời, suốt mấy chục năm qua, chưa lúc nào tao quên anh ấy. Chưa bao giờ đâu…
 Tiếng tôi thầm thào, nghèn nghẹn, tôi nghe rõ lắm, chẳng biết Chung nó có nghe được không? Nhưng từ lúc đó, tôi cũng không nghe được Chung nói gì nữa. Tôi nằm nhắm mắt lại và chợt nhìn thấy tất cả những gì đã diễn ra mấy chục năm trước bên bờ suối Hoa, trong doanh trại C1 Thanh niên xung phong của tôi, sau ngày anh được điều động về C tôi để dạy học với chức trách Phân hiệu phó, rồi tôi và anh ngày càng thân quý nhau, hay ngồi trò chuyện với nhau ngay trong phòng riêng của anh. Anh là người đàng hoàng, ngoài tư cách giáo viên còn gánh thêm nhiệm vụ Phó bí thư Chi đoàn, để tránh những con mắt tò mò ngờ vực, mỗi khi đón tôi vào phòng xong, anh vẫn mở rộng cánh cửa liếp đan lóng đôi, rồi mới quay vào tráng ấm chén pha ấm chè búp sao mới. Cẩn thận đến thế mà vẫn xảy ra chuyện. Bắt đầu từ buổi chiều tôi từ hiện trường về đến đầu dốc thì gặp chị C trưởng ra họp Đảng ủy Tổng đội về, đang ngồi nghỉ có ý chờ tôi. “Hiên này, chị C trưởng bảo tôi, em về tranh thủ tắm giặt rồi lên phòng chị nhé. Lên ngay, trước khi ăn cơm chiều. Có việc chị muốn trao đổi với em”. Giọng vẫn nhẹ nhàng, nhưng nét mặt chị C trưởng có vẻ nghĩ ngợi thế nào, khiến tôi lo lo, vội mau chân xuống dốc. Nửa giờ sau, tôi đã ghé ngồi xuống bên giường C trưởng, nghe chị “trao đổi”. Giời ạ, hóa ra có kẻ nào đó đặt điều bảo tôi và anh Ngọc đang yêu nhau, vi phạm nội quy của Thanh niên xung phong chống Mỹ. Ác nỗi, sự đặt điều ấy đã vượt ra khỏi phạm vi đại đội và không chỉ là những lời xầm xì lan truyền, mà đã thành báo cáo chính thức với Tổng đội phó phụ trách công tác Đoàn. Do vậy, cuối buổi họp Thường vụ Đảng ủy, chị Tổng đội phó đã gặp riêng chị C trưởng để hỏi rõ thực hư. “Nếu quả thật hai đứa nó yêu nhau thì cô phải nhắc nhở chúng nó hãy khoan khoan đã, kìm giữ tình cảm hơn năm nữa cho hết thời hạn nghĩa vụ, rồi tha hồ yêu và cưới. Chứ lúc này mà làm chuyện đó là vi phạm quy định, sẽ bị kỷ luật đấy, hiểu chưa?”. Tổng đội phó đã nói với C trưởng vậy. Chị còn nói thêm: “Hai đứa đều rất tốt, đều là những cá nhân xuất sắc, đứa thì sắp đi học lớp Đối tượng Đảng, đứa thì làm việc gì cũng khá, rất được tín nhiệm, nhưng cũng vì vậy mà sẽ có sự ghen ăn tức ở. Cô phải để mắt và nhắc nhở hai đứa”. Cũng may là sự “phản ánh” không đến tai Bí thư Đảng ủy nên tôi vẫn được gọi đi học lớp Đối tượng Đảng. Rời phòng C trưởng với tờ giấy đánh máy báo tập trung đi học, tôi bước phân vân về lối đi quen thuộc. Rẽ sang phòng anh hay về lán của tiểu đội để tránh có thêm sự dị nghị? Sau phút lưỡng lự, tôi tắc lưỡi đi sang phòng anh, đưa anh xem giấy gọi đi học và kể anh nghe những gì chị C trưởng vừa “trao đổi”. Hóa ra anh đã biết mọi chuyện. Trong thời gian tôi ra suối tắm giặt, chị C trưởng đã nói hết với anh rồi. Anh, chuyện đã thế, giờ anh em mình làm sao? Nghe tôi hỏi, anh cười bảo tôi uống nước đi đã, chè vừa pha, đang ngon, để nguội phí mất ấm chè. Em lo gì chứ? Anh em ta thân quý nhau để bảo nhau sống tốt hơn, cả anh và em không hề nói chuyện yêu đương, đến nhận anh em kết nghĩa cũng chưa, vậy thì có tội lỗi gì? Không, chúng ta chẳng mắc tội gì cả, cũng không vi phạm quy định, vậy thì việc gì mà em phải ngại, phải sợ? Cẩn thận nhé, kẻo lại như các cụ nhắc nhở: “Chưa nóng nước đã đỏ gọng”, tự nhiên vơ vào - lạy ông tôi ở bụi này đấy. Cứ bình tĩnh, coi như không có chuyện gì xảy ra hết. Em lo chuẩn bị mọi thứ để một tuần theo học lớp Đối tượng đạt kết quả tốt, đứng dầu lớp, mọi việc khác để anh lo, nhớ chưa.
   Tôi đã làm như anh bảo, nhưng chuyện vẫn không yên. Chẳng những không yên mà ngày càng rộn lên, nhiều chuyện hơn vây bủa tôi. Đầu tiên là chuyện một tuần tôi theo học lớp Đối tượng. Trước hôm lên đường ra Tổng đội dự lớp học, điều cứ vương trong đầu tôi là sao một người tốt như anh Ngọc lại không được gọi học lớp này? Tôi đã hỏi chị C trưởng, chị buồn buồn bảo rằng chị cũng tiếc cho anh lắm, nhưng chẳng biết làm thế nào, vì anh vướng lý lịch. Chị chỉ nói vậy, và dặn tôi đừng khới lại chuyện này, kẻo anh buồn. Hôm leo dốc ra Tổng đội theo học lớp Đối tượng, lúc ngồi giải lao cho đỡ nhọc, cái Chung lên tiếng thắc mắc và tiếc cho anh Ngọc đúng như tôi đã hỏi chị C trưởng, thì ông tướng Thanh đáp ráo hoảnh: “Các vị không biết vì sao ư? Vì bố ông Ngọc “xỏ - nhầm - giày!”. Lần đầu tiên nghe ba từ “xỏ - nhầm - giày” lạ lẫm, quả thật tôi chẳng biết ý nghĩa ba từ ấy là thế nào, nhưng cũng không lên tiếng hỏi. Chẳng ngờ, trong bài giảng về đấu tranh giai cấp, giảng viên đã giải nghĩa rõ ba từ mang tính ám chỉ ấy. Ông giảng giải rằng, những người bị gọi với biệt danh đó là những người giúp Địch đánh lại Ta, và đó là những kẻ xấu, là đối tượng của Cách mạng. Tôi nghe mà ù cả tai, nhất là khi giảng viên bảo cần phải cảnh giác với cả con cái những người này. Trời ơi, thế có nghĩa là, nếu đúng bố anh Ngọc “xỏ - nhầm - giày” như tay Thanh nói, thì phải “cảnh giác” với cả anh ư? Anh là người tốt thế, giỏi giang thế, gần anh học được bao điều, sao phải “cảnh giác”, phải xa lánh nhỉ? Tôi cứ thần người tự hỏi mình mà không tìm được câu trả lời suốt buổi học bài đó. Phải đến lúc sực nhớ lời anh dặn, tôi mới dứt được băn khoăn để tập trung vào những tiết học buổi chiều và mấy ngày học cuối cùng. Và thât mừng, tôi đã làm được như anh mong mỏi - bản thu hoạch cuối đợt học tập của tôi đạt điểm cao nhất, được Ban tổ chức lớp học tuyên dương. Nhưng niềm vui học giỏi chưa kịp cùng tôi về khoe với anh thì tôi bị lạnh toát người, ngồi chết lặng. Người giội nước lạnh buốt vào đầu tôi chính là giảng viên bài “Đấu tranh giai cấp”. Ông, với chức trách Trưởng ban Tổ chức của Tổng đội kiêm Trưởng ban Tổ chức Đảng ủy nên được phân công phụ trách lớp học, lúc trao Giấy chứng nhận và Giấy khen cho tôi đã nói nhỏ, bảo tôi sau buổi tổng kết lớp học lên gặp ông. Chỉ cho tôi ngồi ghế đối diện với ông qua cái bàn làm việc chất đầy những cặp ba dây đựng hồ sơ cá nhân, ông dọi đôi mắt sâu đen dưới hai lông mày lưỡi mác vào mặt tôi, hỏi độp: “Tôi nghe nói đồng chí yêu cậu giáo Ngọc, đúng không? Sao, đúng hả? Nhìn cái vẻ lúng túng, nhìn da mặt đồng chí đang ửng lên thế kia, chẳng cần nghe đồng chí trả lời, tôi cũng biết sự thật là thế nào rồi. Vậy thì đồng chí khỏi nói, hãy nghe tôi nói tiếp đây. Đồng chí vừa được ghi nhận là học viên xuất sắc của lớp bồi dưỡng đối tượng Đảng. Đồng chí lại cũng đang yêu cậu giáo Ngọc, mà cậu Ngọc thì là con của một kẻ giúp Tây đánh Ta hồi kháng chiến chống Pháp. Như vậy, trước mắt đồng chí có hai con đường buộc đồng chí phải chọn một. Con đường thứ nhất: tiếp tục phấn đấu cho tốt để sớm được kết nạp Đảng, con đường thứ hai: tiếp tục yêu để rồi lấy anh Ngọc làm chồng, nhưng sẽ không được kết nạp Đảng, con đường chính trị chấm dứt, đồng chí sẽ không có gì hết! Đồng chí hiểu ý tôi nói gì chứ? Ấy là chưa nói, nếu quả thật đồng chí và cậu giáo Ngọc yêu nhau lúc này, tôi còn có thể kỷ luật hai người! Nhân thể tôi cũng nói thêm: câu Ngọc giỏi vậy chứ giỏi nữa cũng sẽ chẳng làm nên trò trống gì đâu. Những người như cậu Ngọc không ít, có thể chở đổ xuống sông Đà cả ngày không hết, chứ chúng ta chẳng có mất cảnh giác mà trọng dụng họ, đồng chí thân mến ạ!”. Tôi cắn răng ngồi nghe để không buột ra nỗi kinh hoàng. Khi bước ra khỏi phòng làm việc của ông, tôi rảo chân đi thẳng, không dám ngoái lại. Lúc thấy hai chân buốt lạnh, tôi mới giật mình nhận ra mình đang lội xuôi theo dòng suối và trời đang xẩm tối rồi. Tôi thờ thẫn ngồi xuống hòn đá mồ côi, quên cả bữa cơm liên hoan tổng kết lớp học.
 
 
5
   Đến hôm nay, tôi vẫn nhớ buổi sớm tôi khoác ba lô rời doanh trại C1 để về trường Trung cấp Lâm nghiệp theo học. Đêm trước trở trời, đột nhiên có gió mùa đông bắc tràn về nên bảy giờ sáng mà hơi núi và sự buốt giá vẫn bao trùm các lán trại. Cơm nước xong, tôi và mấy chị em được đi học tranh thủ qua từng lán chào tạm biệt đồng đội. Đến trước cửa phòng anh, tôi tần ngần nhìn cánh liếp đan lóng đôi khép kín. Biết anh đi dự Hội thảo gì đó mãi ngoài Ty Giáo dục từ sáng qua, nhưng sau khi chào chị C trưởng, tôi vẫn bần thần dừng chân trước cửa phòng anh, thấy sự hụt hẫng nhoáng qua da mặt và đọng lại trong ngực nhoi nhói. Hai mươi mốt tháng bảy ngày anh em sống dưới mái nhà C1, không ít lần anh em tạm xa nhau, khi anh ra Tổng đội họp vài ba ngày, cũng có lần anh đi tập huấn, đi hội diễn cả tháng trời, lần nào trước khi đi anh cũng gặp tôi dặn dò, vậy mà lần này… Lần này tôi đi là đi xa mãi, đâu có ngày trở lại đây nữa, sao hai anh em không gặp nhau để tôi được nghe anh dặn dò? Sáng qua, anh có lên chỗ tôi, tần ngần đứng nói với tôi chỉ một câu không ra dặn, cũng chẳng ra chào tạm biệt: “Sáng mai em về trường, anh tặng em mấy tập giấy”. Vậy thôi, và anh quay người bước nhanh ra cửa lán, chẳng để tôi kịp nói “Em xin!”, khiến tôi ngẩn người nhìn theo, hai tay nặng trĩu năm xấp giấy kẻ Trung Quốc quý hiếm chỉ giáo viên các anh được phát. Còn mấy phút nữa mới kẻng đi làm, tôi đặt vội năm xấp giấy lên mặt hòm đựng quần áo trên đầu giường định chạy xuống phòng anh thì chợt nghe tiếng “e hèm!” đầy đe nẹt. Không cần đưa mắt, tôi biết đó là sự đe nẹt của Đạo. Cô A phó này về chuyên môn dưới quyền tôi, nhưng về tổ chức Đoàn Thanh niên, cô ta là Phân đoàn trưởng, tôi chỉ là Đoàn viên. Chính cô ta đã một lần đưa tôi ra kiểm điểm trong cuộc họp Phân đoàn về “tội” có quan hệ không bình thường với thầy giáo Ngọc. Nói không bình thường bởi hai người thân mật quá mức, hầu như ngày nào, tối nào cũng đến với nhau, ngồi riêng với nhau nhỏ to, nhiều hôm kẻng báo ngủ vẫn chưa thôi chuyện, trong khi hai người không phải là anh em, chú cháu kết nghĩa, vì thế, đã gây ra nghi ngờ trong Phân đoàn và cả trong chi đoàn. Nghe Đạo nói, tôi nóng mắt nói lại, cả hai dần to tiếng như cãi nhau tay đôi. Cuối cùng, phiên họp kết thúc mà biên bản không ai ghi được kết luận, nhưng cái tiếng tôi bị kiểm điểm về quan hệ không lành mạnh với thầy giáo Ngọc vẫn loang ra khắp đại đội. Những ánh mắt ngờ vực, những câu nói bóng gió luôn bám theo tôi. May chị C trưởng ra tay cứu. Trong cuộc họp đại đội vào cuối tháng, chị lên tiếng chấn chỉnh về những ngờ vực vô căn cứ làm mất đoàn kết trong đơn vị. Tuy không nói thẳng ra việc tôi bị Phân đoàn kiểm điểm, nhưng cả đại đội biết C trưởng định nói gì. Ngay sau cuộc họp, chị gọi tôi nhắc nhở. Tôi nhớ mãi lời cuối cùng của chị: “Em quý mến cậu Ngọc thì càng cần giữ gìn để cậu ấy không bị rầy rà thêm bởi những việc không đâu”. Nhờ chị C trưởng che chắn, tôi vẫn được đi học lớp Đối tượng Đảng. Sau lớp học về không lâu, tôi có dịp chứng kiến sự hiệu nghiệm trong lời răn đe của ông Trưởng ban Tổ chức Tổng đội vào ngày kết thúc lớp học, khi ông gọi riêng tôi lên gặp ông trước bữa cơm liên hoan: “Cậu Ngọc giỏi vậy chứ giỏi nữa cũng sẽ chẳng làm nên trò trống gì…”. Đã qua một năm rưỡi nhiệm kỳ Thanh niên xung phong, có chủ trương của trên cho bầu lại các Ban chỉ huy đại đội. Ngay từ chiều, cả đại đội 1 xôn xao bàn tán. Những gì tôi nghe được thì anh Ngọc được mọi người tín nhiệm, sẽ bầu anh làm C phó. Bảy giờ tối, cuộc họp bắt đầu. Sau lời khai mạc hội nghị, ông Trưởng ban Tổ chức Tổng đội lên nói ý nghĩa, mục đích và định hướng bầu bán để mọi người quán triệt. Ông nói sát sạt nên bầu thế nào, bầu cho ai. Nhưng đến mục đề cử, điều bất ngờ là ba cánh tay đầu tiên giơ lên đều giới thiệu anh Ngọc, cánh tay thứ 4 mới nêu tên chị C trưởng. C phó kiêm Bí thư Chi đoàn cũ là Nguyễn Trường Thanh chỉ nhõn một người đề cử. Ai cũng đinh ninh phen này anh Ngọc thay tay Thanh và phấn khởi nhận phiếu bầu. Đúng lúc đó, Trưởng ban Tổ chức lại lừng lững chắn ngọn đèn Măng-xông sáng xanh khiến không gian hội trường tối hẳn lại. Và ông dõng dạc: “Các đồng chí! Chúng ta sắp sửa bỏ lá phiếu tín nhiệm bầu người có đức có tài vào Ban chỉ huy mới để lãnh đạo đại đội 1 thực hiện thắng lợi nửa nhiệm kỳ còn lại. Đây là việc rất quan trọng và Ban Tổ chức phải có trách nhiệm của mình, sao cho việc bầu cử phải đúng hướng. Tôi có mặt trong cuộc bầu cử này chính là để làm việc đó. Và tôi xin nói thẳng: qua đề cử, thấy nhiều đồng chí tín nhiệm đồng chí Ngọc, nhưng quan điểm của Tổ chức là đồng chí Ngọc chỉ được bố trí làm giáo viên chứ không làm chỉ huy đại đội. Tôi đã vừa gặp đồng chí Ngọc để quán triệt rõ chủ trương này, và bây giờ tôi thông báo chung cho cả đại đội. Nếu đồng chí Ngọc không tự rút, và nếu các đồng chí cứ bầu cho giáo Ngọc thì ngay sớm mai, tôi về Tổng đội làm Quyết định điều anh Ngọc về làm việc tại đơn vị sản xuất đá B5! Ý kiến tôi hết. Đồng chí Ngọc và các đồng chí hãy cân nhắc kỹ trước khi bầu cử!”. Tôi trố mắt, ù tai. Trời đất ơi, ông ta đang cho tôi thấy rõ lời ông ta nói với tôi hôm nào về anh Ngọc là không phải ông ta nói chơi. Ai cũng biết B5 chỉ có một nhiệm vụ nổ mìn, đánh đá, ngày ngày bốc đá rách áo bụng áo vai để ném lên thùng ben xe Zin, đâu có thời gian tổ chức học hành. Anh Ngọc về đấy có nghĩa là chuyển từ một giáo viên thành một anh chàng ăn no vác nặng vô cùng vất vả, nhọc nhằn!
   Từ hôm ấy, tôi thật sự hãi ông Bản Tổ chức và chạnh nghĩ thân phận mình. Lời ông ta cứ luôn ám bên tai tôi: “Trước mắt đồng chí có hai con đường, buộc đồng chí phải chọn một…”. Để có quyết định chọn lựa, tôi xin đi phép. Như tôi đã giới thiệu, anh trai tôi là Thường vụ Đảng ủy xã, tôi về xin anh một lời khuyên.
  Anh cả tôi ngồi hút thuốc lào và nhấp từng ngụm trà, nghe tôi kể mọi chuyện về anh Ngọc. Lúc tôi kể hết, khác với dự đoán của tôi là anh sẽ ngồi nghĩ ngợi lúc lâu, cái xe điếu chống chéo lên ngực, trán nhăn lại nghĩ ngợi, thì anh đặt nhanh cái xe điếu sắp ngậm hút, mắt nghiêm nhìn thẳng sang tôi, lên tiếng ngay:
- Anh hiểu rồi. Có nghĩa là cô đang lăn tăn chuyện yêu đương cậu Ngọc, đúng không? Và cô thấy khó quyết định, cô về hỏi anh. Vậy thì anh nói ngay với cô nhé: Cô phải mạnh dạn dẹp bỏ cái sự yêu đương lãng mạn đó ngay. Dẹp ngay! Có cần anh phải nói lý do không? Cần hả? Lý do thứ nhất, cô còn trẻ, quá trẻ, năm nay thực tuổi cô mới chỉ sang tuổi mười bảy được vài tháng, yêu với đương gì vội nào? Thứ hai, như anh biết, cô sắp được kết nạp Đảng rồi, thế là rất tốt, và cô rất có triển vọng, vướng vào chuyện yêu đương sớm sẽ hỏng hết mọi việc. Thứ ba, lý do này mới là chính yếu và rất quan trọng để cô phải dừng ngay sự yêu đương, là lý lịch gia đình cậu Ngọc. Một lý lịch xuất thân như thế, cô mà dây vào với cậu ta, là cô tự sổ toẹt mọi công lao cô đã phấn đấu, đời cô rồi sẽ không ngóc đầu lên được, cô hiểu chưa? Bao năm anh làm Đảng ủy, anh biết rất rõ chuyện này. Vậy nên anh nhắc lại…
  Tự nhiên tôi thấy nóng mặt do tự ái và cũng thấy thương anh Ngọc, liền buột lời chen ngang câu nói của anh trai:
 - Nhưng sao vô lý thế, anh? Anh Ngọc chẳng có tội tình gì, và anh ấy là người đứng đắn, giỏi giang, có học mà.
- Không tranh luận. Cô muốn nghe lời khuyên của anh nên anh mới nói, chứ anh không có thì giờ tranh cãi với cô. Anh nhắc lại: Cô phải chấm dứt ngay cái sự yêu đương với anh chàng Ngọc giỏi giang ấy, nếu cô không muốn đời cô, đời con cô bí bách khổ sở, thế thôi. Chuyện chấm dứt tại đây. Đến giờ anh ra trực Đảng ủy rồi.
   Hai ngày sau cuộc trò chuyện với anh trai, tôi lên đường trả phép. Đấy là lần đầu tiên tôi về quê, lúc lên đơn vị, gia đình tôi không có thư gửi tôi cầm lên cho anh Ngọc.
  Cả tuần lễ sau khi trả phép thật nặng nề đối với tôi. Không thư, phải bịa ra lý do khi anh hỏi. Sự giả dối đầu tiên này khiến tôi ngượng, cộng thêm những lời quyết liệt của anh cả cứ day trở trong đầu đã làm bước chân tôi ngại ngần mỗi lúc muốn đến với anh. Khi bỏ qua được những lương vương của chính mình thì bước chân tôi vấp ngay ánh mắt tò mò, dò xét của cô Phân đoàn trưởng, của C phó kiêm Bí thư Chi đoàn Nguyễn Trường Thanh, và ghê nhất là những câu sắt đá chết người của ông Bản. Hình như anh Ngọc đọc được tất cả những điều đó. Do vậy mà, không chỉ tôi và anh ít gặp nhau mà khi gặp nhau, câu chuyện cũng ngắn dần, tẻ dần.
   Sự chùng xuống, giãn ra trong mối quan hệ lặng thầm của tôi và anh đã không qua được mắt một người. Đó là cái Chung. Cô bạn cùng làng khác xóm là A phó một tiểu đội luôn tranh chấp vị trí nhất, nhì hàng tháng, hàng quý với tiểu đội tôi, suốt ngày vô tư cười nói, tưởng chả biết chuyện gì khác ngoài sự vui, ai ngờ tôi và Chung một chiều về sớm theo “chế độ”, lúc hai đứa giặt giũ xong, Chung kéo tôi ngồi lên hòn đá mồ côi bên suối, nhìn thẳng vào mặt tôi, hỏi độp:
- Hiên, nghe tao hỏi đây: mày đang định rời xa anh Ngọc, đúng không? Tôi chưa trả lời thì Chung nói tiếp:
- Mày làm thế vì mày sợ dư luận hay mày ngại lý lịch của anh ấy? Nói thật, tao chưa biết anh ấy có yêu mày, định sau này lấy mày hay không, vì anh ấy chưa thấy nói, nhưng tình ý của mày thế nào thì tao biết thừa, bởi vậy tao mới nói với mày thế này: Nếu quả thật mày yêu thương anh ấy thì hãy giữ vững, giữ chặt tình cảm ấy, đừng có dại mà buông bỏ, nghe chưa. Người con trai như anh ấy không dễ kiếm đâu, tao nói thật đấy. Không nghe tao, rồi mày sẽ hối tiếc, sẽ ân hận cả đời mày! Còn mày, còn tao, nhưng tao là bạn mày, tao là em anh ấy nên tao phải nói, kẻo sau này mày trách tao sao không báo trước.
   Nói một hồi xong, cái Chung bê chậu quần áo xăm xăm bước, bỏ tôi ngồi một mình với hòn đá mồ côi bên suối Hoa, đầu ong ong ong ong. Giời ơi, lời ông Bản sắt đá thế, lời anh tôi như đinh đóng cột chẳng khác gì ông Bản, còn cái Chung, băm bổ một hồi với ý tứ ngược hẳn lời lẽ hai người từng trải và quyền thế, tôi biết nghe ai đây?...
  Mất một ngày trời mấy chị em đeo ba lô cặm cụi vượt ngót năm chục cây số đường rừng ra đến bến xe thị xã, mất thêm hai ngày đêm xếp hàng mua vé để được ngồi xe ca Ba Đình qua hai trăm cây số để về trường, nói có khi mọi người không tin, nhưng đúng là suốt mấy trăm cây số từ sau lúc rời doanh trại C1, đầu óc tôi cứ bị khuấy đảo bởi câu hỏi mà tôi không tự trả lời được trên đây.
   Phải đến lúc nộp giấy giới thiệu là Đảng viên dự bị cho tổ chức nhà trường, sau đó nhận trách nhiệm Bí thư Chi đoàn lớp Kỹ thuật cầu đường khóa 9, tôi mới dứt bỏ được câu hỏi cứ ám mãi trong đầu tôi để bước vào chặng đường mới của cuộc đời mình.
 
6
  Thế là tôi đã xa anh, xa mãi, không một lá thư, không một lần gặp. Năm mươi năm lặng lẽ trôi giữa hai người.
  Hôm nay tôi đang tìm gặp lại anh đây, sau lời anh nhắn tìm qua cuộc điện thoại của cái Chung.
  Theo tay cô bạn cùng làng, tôi và mọi người vào hội trường của cuộc họp mặt. “Anh ấy ở Hà Nội, vẫn đang còn làm việc. Có vị thế và danh phận hẳn hoi lắm, rất được quý trọng, vì nể, không loàng xoàng như bọn mình đâu. Đưa được cả vợ con về Thủ đô, sống trong nội thành đàng hoàng. Mua đất, xây nhà năm sáu tầng, gia đình vui vẻ chung sống. Ba con anh ấy đều học xong đại học, công ăn việc làm ổn cả. Nói tóm lại, không chỉ mày và tao, cũng không chỉ mấy trăm người của Tổng đội N112, mà nhiều, rất rất nhiều người xếp hàng sau anh ấy Hiên ạ”. Tôi lặng lẽ bước, nghe cái Chung nhỏ nhẹ nói về  anh, lòng chộn rộn nửa tin nửa ngờ. Thốt nhiên tôi nhớ lại lời ông Bản Tổ chức, lời anh trai cả của tôi. Lý lịch của anh vướng víu nặng thế, anh vẫn vượt lên được để có tất cả những gì Chung vừa kể sao? Đang xốn xang nghĩ, bỗng tôi thấy bàn tay mình bị giật nhẹ. Vẫn giọng cái Chung: “Này, đã biết vợ anh Ngọc chưa? Chắc mày chưa biết. Cũng người Tổng đội mình, nhưng không phải người C1 của mày và tao. Một người phụ nữ đáng kính phục, mày ạ”. Đáng phục thế nào? - Tôi buột miệng hỏi. Chung nhìn tôi: Mày có nhớ đợt kết nạp Đảng đặc biệt sau khi Bác Hồ mất không? Tôi gật đầu. Nhớ chứ. Một chủ trương lớn cho các tổ chức Đảng thực hiện. Lựa chọn những đoàn viên ưu tú nhất để bồi dưỡng, kết nạp họ vào Đảng mang tên “Lớp Đảng viên Hồ Chí Minh”. Tao là chi ủy viên phụ trách công tác Đoàn, chịu trách nhiệm chính thực hiện chủ trương này. Nhưng sao, việc đó liên quan gì đến vợ anh ấy?
  Chung kéo tay tôi tìm chỗ ngồi. Tôi bấm lòng bàn tay Chung, dắt vào hàng ghế gần sau cùng. Vừa ngồi xuống ghế, Chung quay sang tôi:
 - Mày vừa hỏi “Lớp Đảng viên Hồ Chí Minh” liên quan gì đến vợ anh Ngọc hả? Có đấy. Liên quan chặt chẽ nữa kia.
 - Cụ thể thế nào?
 - Chuyện thế này: Do phấn đấu tích cực, chị ấy đã được chọn là một trong ba người đi học lớp Đối tượng đặc biệt để chuẩn bị nhân sự cho đợt kết nạp “Lớp Đảng viên Hồ Chí Minh” của đơn vị. Trớ trêu ở chỗ, chị ấy học xong, trở về, thì Bí thư chi bộ phát hiện chị ấy yêu anh Ngọc. Ông ta gọi chị ấy lên gặp, phân tích thiệt hơn, đại loại cũng nói y như ông Bản Tổ chức đã nói với mày hồi trước. Nhưng, mày biết chị ấy trả lời ông Bí thư chi bộ sao không? Chị ấy bảo: Cảm ơn anh đã quan tâm và có lời khuyên bảo. Nhưng thực lòng em nghĩ thế này anh ạ: Em là phụ nữ. Theo em với một phụ nữ, việc chồng con là việc quan trọng bậc nhất. Còn, phấn đấu theo con đường chính trị, nếu có làm được như bà Nguyễn Thị Thập, bà Nguyễn Thị Định, bà Nguyễn Thị Bình hãy dấn thân. Mà, em tự thấy sức em không làm được như các bà ấy. Vậy nên, em vẫn cứ yêu và lấy anh Ngọc, vì em thấy anh ấy sẽ là chỗ dựa tin cậy nhất cho em và các con em sau này. Thế anh nhé, mong anh hiểu cho em. Nghe nói, ông Bí thư chi bộ cứ tròn mắt nhìn chị ấy lúc lâu, rồi mới thốt lên một câu: “Cô… đồng chí… nghĩ thế, làm thế… thật sao?”. Kết cục, chị Minh lấy anh Ngọc, tám năm đẻ cho anh ba đứa con, một gái, hai trai. Quá đẹp, phải không?
 Lại tiếng cái Chung:
- Càng ngẫm, càng thấy chị Minh có con mắt tinh đời và một bản lĩnh đáng nể, mày nhỉ. Hồi cuối 69 ấy, chị cũng chỉ tốt nghiệp lớp 7 bổ túc như mày với tao, tuổi mới tròn hăm mốt, cũng từ nông thôn ra đi thôi, mà sao chị ấy nghĩ được sự đời sâu sắc thế chứ?
Chung đặt câu hỏi và nhìn sang tôi. Chắc Chung muốn tìm ở tôi sự đồng tình hoặc câu trả lời, chứ không hàm chứa ý tứ móc máy gì tôi, nhưng tôi cảm giác rất rõ da mặt tôi đang dần nóng lên.
- Hiên, nhìn kìa, vợ chồng anh Ngọc…
  Tiếng Chung hồ hởi kéo tôi ngửng nhìn lên, và tôi nhận ra anh. Đúng là anh rồi. Khổ người ấy, gương mặt ấy, đôi mắt ấy, nụ cười ấy… Bốn mươi bảy năm không một lần gặp, nhưng tôi vẫn nhận ra anh ngay. Chỉ hai nét khác so với anh ngày xưa, là tóc đã bạc và mặt nhiều nếp nhăn. Anh đang đứng bên một người phụ nữ nhỏ nhắn, khỏe mạnh, khuôn mặt phúc hậu. Hai người đang bị đồng đội vây quanh, vui vẻ chuyện trò. Vợ anh, người tự nguyện không thành Đảng viên “lớp Hồ Chí Minh” để được lấy anh đó ư? Tôi thầm hỏi và lặng lẽ nhìn lại mình…
  Cái Chung bảo anh cưới vợ tháng 3 năm 1971. Năm ấy tôi vừa tốt nghiệp khóa học, lòng phơi phới đi nhận công tác, chưa hề nghĩ chuyện chồng con. Trong ba lô đeo sau lưng có hai bảo bối quan trọng: Bằng Tốt nghiệp loại giỏi và Giấy giới thiệu là Chi ủy viên kiêm Bí thư Chi đoàn của tổ chức Đảng nhà trường. Với hai văn bản đó, đến nơi nhận công tác, tôi được lãnh đạo Công ty giữ lại làm việc tại phòng Tổ chức, chuyên trách công tác Nhân sự. Bước đầu làm một cán bộ như vậy là đẹp rồi. Nhận việc được một tuần, tôi biết chỗ ngồi của mình khá quan trọng, và chợt nhớ ông Bản Tổ chức của Tổng đội N112. Trách nào mỗi lời ông ta nói ra đều nặng như sắt đá(!). Chỉ hơi tiếc, nơi công ty tôi đứng chân là một tỉnh miền núi. Không sao, hãy tập trung cố gắng công tác cho tốt, đừng có dính chuyện yêu đương lằng nhằng để sau dăm bảy năm có thể chuyển vùng. Tôi tự dặn mình, và đã thực hiện tốt lời dặn đó. Sáu năm sau, tôi được chuyển về làm cán bộ theo dõi Lao động - Tiền lương của một nhà máy ở thành phố dệt Nam Định. Công việc mới này cũng quan trọng không kém gì công việc tôi đã làm sáu năm trước. Ổn định chỗ ăn ở, tìm hiểm công việc mình phụ trách, làm quen trên - dưới - trong - ngoài… những công việc đó cuốn vèo năm tháng qua đầu tôi, đến một hôm ngồi nhâm nhi cà phê với chị cán bộ cùng phòng, nghe chị hỏi chuyện chồng con, tôi mới giật mình nhớ đến tuổi của mình. Thôi chết, tuổi “băm” rồi mà mình mải mê công tác đã nhãng quên, nay nhìn lại chuyện tình cảm mới hay chưa có gì! Giờ nghỉ trưa hôm ấy, tôi về phòng riêng đóng cửa, bật hết mấy ngọn điện, đến ngồi soi kỹ mình trước gương. Ôi mẹ ơi, mắt và miệng đều có rạn chân chim cả rồi! Thẫn thờ lục lọi trí nhớ xem những năm qua có chàng trai nào tìm đến với mình? Có. Không ít đâu. Nhưng mình cứ từ chối khéo. Để còn chuyển vùng. Để còn phấn đấu. Rồi vị thế cập kênh. Lại có cả chênh lệch tuổi tác nữa. Trẻ thì trẻ quá, trông như chị em. Hơn tuổi lại quá già, không chấp nhận được. Có một lần, đúng, một lần, nghĩ đến chuyện này tôi thoáng nhớ anh, nhưng tôi đã nhắm mắt xua nỗi nhớ đó. Mười năm qua rồi, tôi đã là chi ủy viên có thâm niên, nắm giữ hồ sơ của mấy trăm con người trong tay, không phải là cô A trưởng bên suối Hoa thuở nào…
  Và, thời gian lặng trôi. Thêm mười năm nữa vèo qua đầu tôi lúc nào tôi không để ý.
   Một hôm, em gái tôi từ quê nhắn lên: anh cả tôi ốm mệt. Tôi vội thu xếp công việc, đạp xe về thăm anh. Từ thành phố về quê tôi chưa đầy ba mươi cây số đường Quốc lộ 21, hàng tháng tôi vẫn đạp về quê 53 QUAN SƠN MUÔN DẶM thăm bố mẹ, các anh chị em, các cháu. Lần về gần nhất mới hơn hai tuần lễ, tôi gặp anh cả thấy anh vẫn khỏe mạnh, chỉ hơi gầy, vậy mà hôm nay trông anh xọp hẳn, nằm xẹo xọ trên chiếc giường rộng rênh trong gian buồng. Nhìn thấy tôi hiện ra giữa cửa, đôi mắt lờ đờ của anh sáng lên mừng rỡ, bàn tay gầy xanh run run muốn vươn ra đón tôi. Tôi vất túi xách, nhảo vào nắm lấy bàn tay gầy guộc của anh cả, nước mắt ứa ra. Trời ơi, bao năm gánh vác công việc làng xã, qua hết các vai chủ chốt của Hợp tác xã, Đảng ủy, Ủy ban, có tiếng khỏe mạnh và dẻo dai, mà giờ anh tôi đến nông nỗi này. Tôi nuốt nước mắt thầm hỏi, đỡ anh ngồi dậy dựa lưng vào bức tường nhà cấp bốn xây đã lâu, vôi ve chỗ bong chỗ mốc. Khổ thế, người ta làm lãnh đạo xây nhà cao cửa rộng, anh làm lãnh đạo vẫn nguyên xi ngôi nhà xây từ hồi anh chị cưới nhau, chẳng tơ hào của làng xã một đồng một cắc, được tiếng là Bôn sê vích, để bây giờ ốm yếu phải ngồi dựa bức tường bố mẹ làm cho. Đều tay ngồi quạt cho anh chút gió mát mà lòng tôi xót xa. Chăm anh được ba ngày, thấy anh đã lại lại sức, tôi xin phép anh quay lên thành phố. Nào ngờ chưa được một tuần, tôi nhận được điện về chịu tang anh. Vậy là trước khi về với tiên tổ, anh chẳng thể chờ tôi, đứa em gái anh thương yêu nhất nhà, để nói lời dặn dò. Hình như lường trước sự việc này nên đêm trước hôm tôi về thành phố, lúc cả nhà đã ngủ hết, anh bỗng thầm thào hỏi tôi:
  - Hiên… đến hôm nay… em đã có… người con trai nào… đến với… em… chưa? Tôi nắm bàn tay anh nhẹ bóp, chưa biết trả lời anh thế nào. Đúng là anh rất thương và lo cho tôi. Nếu tôi nói đúng sự thật chắc anh buồn lắm, nhưng nói dối anh thì… - Anh… hiểu rồi. Vậy là em vẫn… chưa… có… gì…
 - Anh, việc ấy anh đừng lo, rồi em sẽ đâu vào đấy thôi. Anh nghỉ đi cho chóng khỏe.
 - Ừ… anh sẽ… ngủ ngay… đây…
  Sau câu nói rời rạc, anh nằm yên. Tưởng anh đang đắm dần vào giấc ngủ, tôi vừa toan quờ dép xuống bếp xem siêu thuốc đang sắc, thì bất thợt anh quờ tay nắm bàn tay tôi:
- Hiên… nói cho anh biết… bấy lâu nay… chú Ngọc và… em... có liên lạc gì… với nhau… không?...
  Ôi trời, sao bỗng dưng anh nhớ anh Ngọc và hỏi tôi câu này? Tôi chưa kịp trả lời, anh đã khó nhọc nói tiếp, mỗi lời nói như chắt ra từ nước mắt:
 - Hỏi vậy thôi… chứ anh biết… chắc chú ấy và em… mất nhau… rồi! Lỗi này… là… tại anh… do anh…
  Mấy lời cuối câu có sức nặng kéo vít đầu anh xuống, và trên gương mặt khắc khổ hao gầy của anh có hai giọt nước mắt đang chầm chậm lăn xuống…
 
7
  Vào lúc phố xá lên đèn, tôi mở cửa, bước vào nhà mình. Nhà tôi là căn hộ dành cho người đơn thân trong khu tập thể nhà máy. Mệt mỏi vì một ngày bị cuốn vào gặp gỡ và chúc tụng, cộng thêm nghĩ ngợi, vui buồn, tôi vội ngả lưng xuống chiếc giường mét hai thân thuộc. Vừa nhắm mắt toan đắm vào giấc ngủ, bên tai tôi bỗng vẳng lên những câu thơ với giọng đọc thân thuộc đầy xúc động:
Ngày nào mười tám, đôi mươi
Nay gặp nhau đã da mồi, tóc sương
Trải qua năm chục năm trường
Quên sao ngày ấy mở đường bên nhau
Ngút ngàn Đà Bắc rừng sâu
Nắng mưa đã trải, yếu đau đã từng
Bây giờ mỏi gối, chồn lưng
Gặp lại nhau vẫn nhớ từng buồn vui
Thoáng bâng khuâng, thoáng ngậm ngùi
Đã nhiều đồng đội mất rồi, còn đâu…
  Giọng anh đấy, anh đang đọc bài Diễn văn Kỷ niệm 50 năm thành lập Tổng đội Thanh niên xung phong N112, khiến tôi và mấy trăm con người có mặt trong Hội trường im phăng phắc, rưng rưng. Năm mươi năm, nửa thế kỷ qua đi, tôi lại được nghe giọng đọc của anh trong giờ giảng văn bên bờ suối Hoa giữa rừng Đà Bắc, một giọng đọc truyền cảm, say mê có sức cuốn hút hồn người, cuốn hút tôi từng ngày từng ngày. Và rồi…
  Cổ họng tôi bỗng nghèn nghẹn, ngực tôi chợt nhoi nhói nhoi nhói. Đang như thế, cái Nokia bên gối tôi reo khúc nhạc gọi. Tôi áp điện thoại cầm tay vào tai:
- A lô! Ai gọi đấy ạ?
- Anh đây. Anh gọi em xem em về đến nhà chưa? Em có bị mệt lắm không? Anh chị về đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ rồi… - Em…
  Tôi vừa cất tiếng thì cổ tôi nghẹn tắc, không nói tiếp được. Nước mắt tôi chảy tràn ra, xuống má, xuống miệng, xuống cằm, xuống gối trong lời thốt gọi đau đớn: “Anh ơi!!!”.
  Và rồi, nhiều nhiều ngày sau, ngực tôi cứ nhoi nhói một lời thốt gọi: “Người xưa ơi… có nhớ?...”.
 
                                                                                               Nhà riêng - Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội
                                                                                                      Viết xong lúc 16h42’ ngày 05/7/2017
                                                                                                                             P.N.C
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)