CÂY BÚT VĂN XUÔI NỮTINH TẾ NGUYỄN THỊ ANH THƯ
Vũ Nho
Tập truyện ngắn “Bản tình ca mê đắm”, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2023
Quả thực với sức đọc còn hạn hẹp của mình, tôi thấy thật nể người phụ nữ với tỉ tỉ công việc không tên của gia đình, cơ quan ( nhà xuất bản Hội Nhà Văn, nơi chị làm biên tập viên, lên đến chức Phó Tổng biên tập) mà vẫn có thời gian để viết và in 8 tập truyện ngắn, 2 tập truyện thiếu nhi, 4 tiểu thuyết, 1 kịch bản phim truyện nhựa, 1 kịch bản phim truyền hình dài tập. Tập truyện thứ 8 chứng tỏ ngòi bút Anh Thư đã trưởng thành, chững chạc và tinh tế.
Tập truyện ngắn “Bản tình ca mê đắm” gồm 13 truyện, in cỡ chữ nhỏ hơi bị khó đọc, nhưng thật hấp dẫn. Hầu như tất cả các nhân vật của tập truyện này đều là những con người của phố với nghề nghiệp và địa vị khác nhau. Cô Thoa phiên dịch tiếng Anh, anh Toản lái xe, anh K71 chiến sĩ Cảnh vệ (Hẹn với K71), Nguyệt Liễu làm nghề đánh máy, Hiệp, sĩ quan Công an, Quảng, người vượt biên nhiều lần thất bại (Bản tình ca mê đắm), Ông Hải trồng bon sai, Cậu Trường mê Game, chị Soạn mê sổ tiết kiệm, cô Thản mê tiền, cụ Trường Sinh thủ từ “giải cứu” Thản ăn cắp (Vị hôn thê của tráp Tình - Tài) Hoàng, thi sĩ phường, mơ ước lớn nhất là làm Chủ tịch câu lạc bộ Hương phường ta, có bà vợ Sư tử “ Bột giặt Thái Hà” và anh chàng “ Người thứ tám” trong nhóm bạn (Đêm nguyên tiêu), Hương và Quang (Không nhan sắc); Huyền, ông bà Phúc, Đường Thúy Chuyển, con nuôi của ông bà, ông An ban An ninh khối phố ( Alê! Gâu! Gâu!), cô Dời, vợ chồng thầy giáo Trọng, bố vợ thầy Trọng (Món giả cầy), Tỉ phú Trịnh Hữu Đại , Đào Nguyên Hương, con trai của hai người ( Đầu thai dưới bóng Hỉ Tinh), Kĩ sư Tường (Tường Đông- ki- sốt), Thủy và con trai, bố con chị Nghê Thường, ông anh họ Thủy và chị Vọng (Thiên đường đã mất), Huyền An, diễn viên trẻ và gia đình Ngọc Ngà, cô bạn thân (Vết thương trước ngực), Thu bạn My, Công Thành, Dư Thành cùng yêu My, ông Đương bố My (Ngày tuyệt vời đã qua), Anh Thần Thiêng công an khu vực, cụ Giáo sư già, gã Thạc sĩ tâm thần học (Thần thiêng 24/7).
Không có bóng dáng nhân vật công nhân hay nông dân. Có lẽ nhà văn sinh sống chủ yếu nơi phố phường, nhà văn không am tường nông thôn chăng. Chỉ có mỗi nhân vật cô Dời, người giúp việc cho nhà thầy giáo Trọng. Bỗng dưng biết thành em Dời, rồi cô Dời, và thành vợ của bố vợ thầy Trọng. Thầy Trọng sẽ là vai nào? Anh của osin? Cháu của osin? Hay con rể của osin? Có thể nói nhà văn đã như đi guốc trong bụng họ hàng nhà cô Dời ở thôn quê với những tính toán thiệt hơn của dân làm nông nghiệp.
Truyện ngắn của Anh Thư truyện nào cũng có cốt truyện, có tình huống truyện. Không có truyện ngắn không có truyện, không có truyện viết theo kiểu dòng ý thức. Nghĩa là Anh Thư vẫn viết theo kiểu truyện ngắn cổ điển, viết một cách thuần thục, chắc tay nên vẫn cứ hấp dẫn. Đây là một điều thú vị! Vì không ít cây bút thích viết truyện không có truyện, truyện theo dòng ý thức, truyện không có tình huống,…
Anh Thư vào truyện không thật ấn tượng, không cuốn hút ngay. Nhưng dần dà chỉ hơn một hoặc hai trang, người đọc sẽ bị tác giả chinh phục bởi hoặc là tính khí khác thường của nhân vật, hoặc là hoàn cảnh trái ngược, đối lập nhau của tình huống. Thoa, nhân vật xưng tôi ngạc nhiên vì anh K71 biết về mình quá rõ. Còn cô thì không biết gì về anh ta. Phải đến cuối truyện người đọc mới biết được “bí mật” vì anh chàng đẹp trai, nhanh nhẹn K71 là anh trai của Mai Khanh. Mà Mai Khanh lại là bạn thân với Thoa (Hẹn với K71). Ví dụ khác là mụ Thúy Chuyền nửa điên dại, con nuôi ông bà Phúc với Huyền, cháu gái ông bà. Bộ mặt thật của Chuyển cứ lộ dần, lộ dần và người đọc kinh ngạc về “mưu sâu kế hiểm” của đứa con nuôi. Thật kinh khủng khi mụ trâng tráo :
“Vậy từ nay đừng kể công cứu mạng tao nữa nhé! Tao có sắp chết bao giờ đâu mà cứu mạng. Hé hé hé…Mụ cười khanh khách – Mày đừng tưởng đuổi tao dễ thế! Hôm nay tao sẽ đi khắp xóm nói với mọi người rằng: Đứa con đầu lòng của tao chính là con của ông Phúc. Vì thế bà nội mày mới phải cho tiền tao, cho tiền chồng tao để bịt miệng. Rồi đây cái nhà này còn phải chia gia tài cho con tao nữa, vì nó cũng là con của ông Phúc. Tao cứ lu loa vậy đấy để xem cái nhà này có phải làm theo lời tao không? Nếu muốn tao ngậm miệng lại thì nôn tiền ra đây! Há, há, há…!” (A lê! Gâu! Gâu!)
Truyện “Đầu thai dưới bóng Hỉ Tinh” lại lôi cuốn sự chú ý ở khía cạnh khác. Tỉ phú Trịnh Hữu Đại chán nản, tuyệt vọng vì bệnh tim, bỗng nhiên được thay tim của một cậu trai mười bảy tuổi bị tai nạn đang chạy thận. Một thỏa thuận có lợi cho cả hai. Tỉ phú gặp bà mẹ của ân nhân. Hóa ra đó là người tình cũ bị bỏ rơi. Cậu trai đó là con của 2 người…
Kể chuyện của tác giả linh hoạt. Chỉ có 5 truyện nhân vật xưng tôi kể lại câu chuyện. Đó là: “ Hẹn với K71”, “ Bản tình ca mê đắm”, “Tường Đôngkisốt” , “Ngày tuyệt vời đã qua” và “Thần thiêng 24 trên 7”. Các truyện khác đều kể với ngôi thứ ba, người kể chuyện biết tuốt. Điều cuốn hút người đọc chính là tình huống bất ngờ, hay còn gọi là “ngã rẽ” của câu chuyện. Đột ngột khiến người đọc bất ngờ là truyện “Không nhan sắc”. Đột ngột là hành động của cô em dâu nhà Ngọc Ngà, khi 2 bên giằng co, đấu lí về chuyện chiếc đồng hồ Omega, không thể ngã ngũ (Vết thương trước ngực). Đột ngột là Liễu từ bỏ mối tình đẹp của một Trần Hiệp đẹp trai, chân tình, đứng đắn, chạy theo Quảng để rồi nếm đủ mùi cay đắng (Bản tình ca mê đắm).
Tuy không nhiều, nhưng tác giả có sử dụng thủ pháp “truyền kì” ở một số truyện. Có người sẽ bảo đó là “liêu trai” của Bồ Tùng Linh, hoặc xa hơn là “huyền ảo Mĩ la tinh”. Tôi thì cho rằng những thủ pháp, yếu tố đó đã có trong “ Việt điện U linh” của Lý Tế Xuyên, tác phẩm văn học viết đầu tiên của Việt Nam thế kỉ XIV, rồi trong truyện của Lê Thánh Tông. Đặc biệt là “Truyền kì mạn lục” của Nguyễn Dữ. Điều này được thể hiện khá đậm trong truyện “Đêm nguyên tiêu” và thấp thoáng hơn trong truyện “Vị hôn thê của tráp Tình - Tài”.
Kết truyện khá bất ngờ. Không truyện nào giống truyện nào. Kết của “Hẹn với K71” là có một mối tình của anh trai Mai Khanh. Kết của “Bản tình ca mê đắm”, tưởng là có hậu khi Liễu được cha mẹ tha thứ, Quang được ra tù , họ đã có một ngôi nhà… nhưng hóa ra không phải thế. Kết của “Vị hôn thê của tráp Tình -Tài” có bóng dáng kì ảo của truyện truyền kì với cái chết của Thản. Kết truyện “Đêm nguyên tiêu” là cái kết bỏ lửng. Sau khi Hoàng phát hiện vợ mình, ả Loạn đã có cuộc đổi chác với gã “Người thứ tám”, anh ta không còn thời gian để làm thơ. Truyện kết thúc lửng lơ : “Hoàng đi tìm cửa hàng vàng bạc đá quý có bốn cái nắp hố ga […] Ai biết ở đâu có bốn cái nắp hố ga liền nhau như thế thì chỉ hộ anh với? Bằng không, không có ai biết thì có lẽ Hoàng lại phải chờ đến đêm có Quang minh khai thái sang năm” . Truyện “Không nhan sắc” kết bằng thú nhận của Quang trước mỗi phi vụ làm ăn lớn.
“A lê! Gâu! Gâu!” thì mụ Thúy Chuyển ù té chạy, còn Huyền “cúi nhặt túi ni lon ốc ném theo mụ: - Đứng có tưởng đem ba cái thứ quà nhỏ mọn, mụ mua bằng tiền ăn cướp được của chúng ta vất cho chúng ta là xong! Lại còn giả dối bày đặt nhân nghĩa!”. Truyện “Món giả cầy” kết bằng tâm trạng lo sợ của thầy giáo Trọng : “Mà hình như bà mẹ vợ tương lai của thầy lại đang nấu món giả cầy, cái mùi nặng nề, ngột ngạt, khăn khẳn ấy đầy ắp cả tòa villa sang trọng của vợ chồng thầy. Thầy sắp ngất! Thầy ngất đây!”.
Đó là biểu hiện sự trưởng thành của nghề nghiệp. Ngoài ra Anh Thư cũng nổi bật trong khi phân tích diễn biến tâm lí nhân vật. Ngôn ngữ của người kể chuyện, ngôn ngữ của các nhân vật thuộc các tầng lớp xã hội khác nhau cũng được người viết đầu tư, chăm chút kĩ lưỡng.
Bởi thế mà ấn tượng chung là tập truyện ngắn hấp dẫn, thú vị, được viết bởi một ngòi bút nữ tinh tế, có tay nghề cao trong số không nhiều những nhà văn nữ viết văn xuôi.
Hà Nội, 20 tháng 10 năm 2023
Người gửi / điện thoại