Bùi Công Thuần
THƠ LÊ THANH XUÂN
(Đọc tập Thơ Lê Thanh Xuân. Nxb Đồng Nai 2015)
Nhà thơ Lê Thanh Xuân (*) đã suy nghiệm điều này khi anh quan sát người đến, kẻ đi ở Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai:
Bao người mò mẫm tìm tên
Bao người có tên đánh mất
Không phải có chữ thành văn
Không phải có văn thành sách
Không phải có sách thành tài
Văn như sông
Thơ như núi…
(Buổi sáng ở Hội Văn Nghệ)
Vâng, cuộc tìm kiếm văn chương khó lắm thay! Và tôi đã đọc một mạch 170 bài thơ trong tập Thơ Lê Thanh Xuân để lý giải điều đó. Thú thực rằng, nếu trong tập không có thơ hay thì chắc chắn tôi đã không đủ sức đi tiếp hành trình khám phá sáng tạo nghệ thuật của Lê Thanh Xuân. Và tôi tin rằng, những giải thưởng thơ anh đã đạt được đủ để khẳng định tài thơ của anh. Tôi muốn chia sẻ với anh về những điều anh nói trong thơ.
1. “Mai về tôi vẫn gặp tôi với nguồn”
Trong thơ, Lê Thanh Xuân nói “Tôi trở về tìm lại chính tôi”, “Tôi tìm tôi, mảnh vải buồm gió xé/ Cột buồm trơ. Thoi thóp dáng con thuyền”, “Ta vẫn một mình ta/ Và nỗi buồn đầy ắp”, thì đó là tiếng nói tự tình hướng nội. Tự tình-hướng nội là đặc điểm bao trùm thơ Lê Thanh Xuân.
Vì là thơ hướng nội nên thơ Lê Thanh Xuân không hướng đến “phản ánh hiện thực”, thơ Lê Thanh Xuân vắng bóng đời sống hiện thực trực tiếp, không có những khuôn mặt thời đại, không có những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống đang réo gọi, và không có dòng lịch sử đang cuồn cuộn vượt lên phía trước. Hiện thực đã được lọc qua trái tim nhà thơ để còn lại những gì là tinh chất làm nên thơ Lê Thanh Xuân. Thơ Lê Thanh Xuân là những nghĩ suy trải nghiệm ở đời, về những con người, những nơi anh đã gắn bó yêu thương, hoặc những kỷ niệm làm nên đời sống tinh thần của anh; có khi là sự khám phá ý nghĩa những cái rất đỗi bình thường ở xung quanh. Đó là những suy nghiệm của riêng anh, của một người đã nghĩ rằng “Thu cũng sắp cuối mùa/ Đã quên nhiều nhớ ít/ Chân chậm bước gần hơn” và “Muộn màng đã xóa tên mình-Thế gian”.
Thơ Lê Thanh Xuân là tiếng nói tự tình, thơ viết cho mình, hướng vào thế giới nội tâm, lắng nghe tiếng vọng từ tâm hồn mình dội lên khi va chạm với cảnh sắc thực tại, khác hẳn với thơ thời kháng chiến, thơ là tiếng nói công dân, hướng về quần chúng. Đặc điểm này giúp anh phát huy được phẩm chất tài hoa-lãng mạn khi thả hồn mình vào thế giới của cái đẹp và hiển lộ những nhận thức sâu sắc, tinh tế khi đối diện với thực tại.
Phẩm chất trí tuệ giúp anh khám phá rất nhiều tứ thơ mới lạ, thú vị. Có lẽ anh đã vắt cạn sức mình cho việc tìm kiếm khó nhọc này. Mượn tiếng chim gù anh thổ lộ:”Dấn thân một kiếp sa đà/ Thôi đành vắt kiệt giọng ca u hoài”(Tiếng chim gù). Làm thơ khó ở chỗ người làm thơ phải khám phá cho được những tứ thơ mới trong đời sống bình thường. Làm thơ hay càng khó. Người thơ phải vắt óc mình thành những giọt tinh khôi, may ra mới thành những tứ thơ có sức đóng đinh vào tâm khảm người đọc và đóng góp vào thơ ca đương đại. Chỉ điều này thôi mới xác định được phẩm chất thi sĩ của một người làm thơ. Lê Thanh Xuân vượt lên và khẳng định mình bằng rất nhiều tứ thơ phóng khóang, thú vị không ngờ’
Viết về nhà thơ Thu Bồn:
“Chưa có gió tự mình làm nên gió
Bão quất anh. Mượn gió chính đời anh
Con gió thổi buốt đau lòng thi sĩ
Con gió đi cuốn theo cả trời xanh
(Trở lại Thu Lý viên nhớ Thu Bồn)
Và một buổi trưa bất chợt
Và buổi trưa nay chợt nhặt được
Tiếng chim trời và những đóa hoa tươi
Trong tiếng chim có cánh bay vô tận
Trong hoa tươi có hạt sẽ nảy mầm
Tôi lấy sức và tự tin dấn bước
Từ buổi trưa này đi tiếp vào tháng năm
(Buổi trưa này)
Có gì như rất gần gũi, nhưng tinh tế, phóng khoáng đến nao lòng:
Ta đến. Đò đã sang sông
Chiều kia đang khuất phía đồng xa xa
Ta đến. Núi đã về già
Đá gồng trổ chút nụ hoa nghĩa gì?
Ta đến. Phố đã về khuya
Sợ tay gõ cửa. Người nghe giật mình
Ta đến. Ta thành vô tình
Muộn màng đã xóa tên mình-Thế gian
Đành làm con nhện đa mang
Giăng tơ mà nhớ nắng vàng lối xưa
(Muộn)
Phẩm chất tài hoa, lãng mạn của thơ Lê Thanh Xuân xuất phát từ đặc điểm thơ hướng nội. Anh viết cho mình nên ngòi bút thỏa sức bay bổng. Và trong cơn say sáng tạo, anh viết như người như nhập đồng, thơ anh đã kết tụ được những tinh anh còn mãi. Xin đọc: Thuyền độc mộc, Bên mộ nữ sĩ Tương Phố, Cù lao Rùa, Ban mai ngoại thành, Mưa chiều, Chiều đồng bằng, Tiếng xa quay, Nghe tiếng gà gáy trong thành phố, Madagui, Một thoáng Tháp Mười, Ngổ Luông, Phố cổ…Lục bát là thể thơ thể hiện rõ nhất phẩm chất tài hoa của ngòi bút Lê Thanh Xuân (Phẩm chất này ẩn sâu phía dưới chất suy tưởng lý trí). Và xin lưu ý, phải đọc trọn vẹn bài thơ, người đọc mới cảm nhận được cái hạt tinh anh trong thơ Lê Thanh Xuân. (xin trích)
Mấy trăm năm đã thành quê
Cù lao một chốn đi về của em
Ngủ cùng tiếng sóng đã quen
Ăn cùng gió giật tối đèn chẳng sao
Giấc mơ sông cũng chảy vào
Chiêm bao chợt gặp vì sao cuối ghềnh
Lấy xuồng làm bạn với mình
Lấy cô đơn để làm xanh với trời
Lặng im vạt đất bời bời
Cũng chùa, cũng phố với tôi-một lần
Đường xanh chân bước tần ngần
Ô hay cũng ruộng, cũng dân cấy cày…
Cũng vườn tược nức trái cây
Cũng lam khói bếp cuối ngày chiều hôm
Cũng em xinh đến mê hồn
Mới hay tôi đã nỗi buồn vu vơ…
(Cù lao Rùa)
Cái hay trong thơ Lê Thanh Xuân chính là sự tổng hợp hai phẩm chất trí tuệ và tài hoa trong tứ thơ, trong góc nhìn, trong cách thể hiện và giọng điệu hào sảng thân thiện, dù rằng hai phẩm chất này chỉ lóe sáng bất chợt: “Ta như chút gió bất ngờ/ Chút hoa như thể đợi chờ đường ong”
2. Những “miền thương”
“Miền thương” là từ Lê Thanh Xuân gọi tên những miền quê hương, nơi anh đã sống, đã đi qua, đã gắn bó thương yêu và kết đọng thành thơ. Lê Thanh Xuân đã đi hầu khắp miền đất nước, và nơi nào lòng anh cũng đầy cảm xúc, nơi nào tiếng thơ cũng cất lên giọng rất trong lành thiết tha.
Tây Bắc là nơi nhà thơ “có một phần đời gửi lại, nơi quá khứ đẹp như mơ, “Rừng hoa ban vẫn trắng tựa trăng rằm”… (Tây Bắc). Nơi đây đã để lại trong nhà thơ bao nhiêu cảnh sắc, con người, tình thân và những ấn tượng đẹp làm nên những bài thơ rấy hay (Trăng sông Đà, Dọc sông Đà, Thuyền độc mộc, Trên cánh đồng Mường Thanh, Mường Thàng, Tiếng xa quay, Ngổ Luông, Thị xã miền rừng, Dốc Cun, Hoa Pi pôốc, Hoa gạo).
Làng Hoàng Trù, Về thăm nhà Bác, là những bài thơ ghi đậm tình cảm kính yêu của nhà thơ với Bác Hồ.
Và quê hương, luôn là tiếng gọi thân thương sâu thẳm: ”Quê là bến. Tiếng con tim khẽ gọi/ Ấy là lời tôi cất đầu tiên”. Về quê (Làng tôi), anh đi trên con đường làng mà nhớ bao kỷ niệm tuổi thơ, nhớ những con người quê vất vả, đất quê bao lần bom đạn cày và bao lần đưa tiễn lớp trai trẻ lên đường giữ nước (Đường làng), nhớ con Đường xưa, mắt nhà thơ đẫm lệ. Nhà thơ soi mình xuống sông quê để tìm nụ cười tuổi thơ (Khúc sông quê). Gọi tên quê hương Thọ Nguyên để nghe lòng mình tha thiết. Anh nhớ cánh đồng quê (Cánh đồng tuổi thơ, Cánh đồng mùa thu), thăm nghĩa địa làng để chia sẻ số phận ngàn đời dân quê, nhớ người anh hy sinh vẫn chưa tìm thấy mộ (Anh tôi), nhớ người cha “Bao đắng cay cha gánh chịu một mình” (Cha tôi), và dành cho bà, cho mẹ những tình cảm thương yêu nhất (Hoa ngâu, Lửa khói, Cây cau, Chiếc bình vôi, Khúc đầy, Trăng qua nhà)
Nhà thơ cũng đã Đi bộ trên cao nguyên, thấy Cao nguyên dính vào đôi chân mình, nơi nhà thơ ”Đã một thời sống kiếp hồng hoang/ Lửa không có, người chụm tay tìm lửa”; và cảm nhận Đêm cao nguyên:”Gió hoang đêm đến tung bờm/ Cao nguyên ngực hú chập chờn bóng mưa”. Có lúc đã chia sẻ nỗi niềm với cô gái chăn bò trên thảo nguyên:”Chỉ có thảo nguyên xanh và gió/ Nơi tháng ngày em tựa bờ vai/ Phơi mái tóc một thời con gái.”
Đã có lúc nhà thơ ở Trong hang cổ, cất tiếng gọi người xưa: “Tiền nhân ơi, nghe lạnh tiếng xa vời”, ở trong Cánh rừng cổ đại, nơi ”Làm nên thời gian, ca lên năm tháng”; lên Núi Tiên, nơi “có nàng tiên rất đẹp từ cao vời” để chia sẻ nỗi cô đơn của chính mình? Lại có lúc ra ngoại thành lúc ban mai để tìm lại chính mình, và ngồi uống café ở Cội Nguồn để nhận ra mình ngây thơ (Uống café ở quán Cội Nguồn). Có lúc dừng chân bên Tháp chàm “Mục đích đi tìm mình”. Đến Lâm Đồng, viết Madagui như một bản hùng ca mang âm hưởng sử thi lãng mạn; và Một thoáng Tháp Mười đã để lại những câu thơ tài hoa về sông nước Đồng Tháp. Có lúc đất Mũi đã níu tác giả với “nóng nôi mùi bùn” (Viết ở nơi cuối đất), nơi đó tác giả lần đầu gặp Chim Cà Mau: “Líu ríu non tơ mùa chim sinh nở/ Bóng dáng ngày mai của quyết liệt can trường”.
Ý thức về thời gian là ý thức thường trực, mọi nơi, mọi lúc đối với nhà thơ. Mỗi thời khắc đều gợi lên những nghĩ suy, những cảm nghiệm, cả những ước mơ, nhớ tiếc và thời gian của một đời người: Xin đọc: Thời khắc, Sầm sập tối, Bảy giờ tối, Vài phút, Buổi trưa này, Mưa chiều, Chiều đồng bằng, Chiều trên bến cảng Muộn, Đêm, Đêm Thành phố, Đêm cao nguyên, Ngày mai, Một ngày, Một năm mười hai tháng, Tháng sáu, tháng Bảy, Cuối năm,… Bài Tháng sáu, tháng bảy, nhớ nhà thơ Thu Bồn và nhà thơ bế Kiến Quốc thật xúc động.
Tháng sáu mưa
Tháng bảy mưa
Nhặt thưa giọt giọt giữa trưa đầy buồn
Ai rồi cũng sẽ về nguồn
Khi sống là thác, chết hồn ra sao
Lung linh bạn phía trời cao
Đêm đêm tôi ngủ nhớ vào trong mơ…”
Mảng thơ về Đồng Nai ghi dấu ấn khá đậm trong tập thơ. Đồng Nai “Không là nơi sinh ra, như là nơi ủy thác”, “Tôi neo lại sau nhiều năm phiêu bạt”. Lê Thanh Xuân cũng đã có mặt nhiều nơi trên đất Đồng Nai, và chính nơi ấy nhà thơ khám phá ra mình nhiều hơn bất cứ nơi nào khác. Ở Mộ cổ Hàng Gòn, nhà thơ đặt những câu hỏi ngàn năm: “Nghìn năm qua những gì nhỉ-Hỡi người…/ Ta hát bên bờ thời gian trôi qua mặt trời đỏ/ Nơi ta gửi lại nghìn năm sau một chút yên lòng”. Những phút bên suối Lồ Ồ thật lãng mạn. Những tứ thơ đẹp thú vị:
“…Nhà ai bóng khắc lưng đèo
Tiếng chim neo lại mảnh chiều hoang sơ
Đêm nay hẳn lại nằm mơ
Nửa xa biển vỗ, nửa bờ trăng xanh”
Bên núi đá Ba Chồng, nhà thơ trải lòng:
Ta như chút gió bất ngờ
Chút hoa như thể đợi chờ đường ong
Chút lòng như thể hiểu lòng
Sẻ chia với đá- chiều không là chiều
Ngẫm suy về dòng sông Đồng Nai, nhà thơ nhận ra mình:
“…Trước là sông, sau đời sông vẫn chảy
Trang giấy phù sa ăm ắp hương vườn
Ta như con chim từ năm tháng ấy
Chiều nay bay về một góc quê hương”
(Sông Đồng Nai)
Khi trở lại Vĩnh Cửu, nhà thơ nhận ra “Quê hương đã bao lần khói lửa/ Vẫn đứng lên làm cuộc đời này” và nhà thơ tìm lại sức sống: ”Tôi bám víu vào xanh biếc bao la/ Lấy lại sức từ quê hương vực dậy”. Đêm ngủ lại nguồn Đồng Nai, nhà thơ lại phát hiện: ”Thủy chung trong vắt đây rồi!/ Mai về tôi vẫn gặp tôi với nguồn.”. Cù lao Phố, Cát Tiên, Định Quán, Long Khánh, Bửu Long, Biên Hòa đều để lại dấu ấn trong thơ Lê Thanh Xuân. Bài thơ viết về Huỳnh Văn Nghệ, Lý Văn Sâm hay Thu Bồn là những bài suy gẫm sâu xa về giá trị nhân cách và ý nghĩa văn chương.
Nghìn trang văn lấp lánh giữa trần ai…
Ông không biết. Chỉ con đường mới biết
Phút thăng hoa lại vắng bóng người
Ta là chữ nghĩa muôn đời bất diệt
Đâu màng tiền, chỉ cần sắc hoa tươi
(Con đường mang tên Lý Văn Sâm)
“…Câu thơ lấp lánh lưng trời
Nào ông đã khuất mà cỏ xanh mời mọc
Người vẫn cùng ta đó thôi!
Đi dưới rặng tre lối xóm
Khua nhẹ mái chèo song nước quê hương
Buồn vui hạt thóc mùa no mùa lép
Lòng dạ thẳng ngay như đại lộ can trường…”
(Bên mộ Huỳnh Văn Nghệ)
Có đến vài chục bài thơ trong tập Thơ Lê Thanh Xuân tôi gọi đó là Tạp thi vì không nằm trong một chủ đề nhất định. Có thể chỉ là ngẫu hứng của thi nhân khi hướng về một đối tượng nào đó. Đa phần là những suy nghiệm. Nhà thơ tìm ý nghĩa nhân sinh khi đời thực chỉ là “khoảng trống” tư tưởng. Dù vậy Lê Thanh Xuân luôn tìm thấy những ý nghĩa tích cực cho mình. Xin đọc: Khoảng trống, chiếc bàn, Cô bé có tóc bím, Góc nhỏ vươn hoa, Gieo trồng, Bất chợt, Bí mật, Cánh buồm, Cổng nhà, Hồn đá, Lời của đá, Ngụ ngôn về con chim, Những đàn chim di cư, Trong khu vườn xưa, Ngoài kia có một con đường, Sắp đặt, Góc nhỏ, Một chút phố xưa; và những bài thơ tình yêu như: Em, Gửi người bạn gái một thời, Nhớ xa, Không đề I, Một năm 12 tháng, Một ngày, Bến đò, Những mảnh vỡ mùa thu, Lửa, Sao Mai, Dốc Cun. Những điều đi qua, Ba mươi phút trên quốc lộ I,… Tuy không là những khám phá tư tưởng sâu sắc, nhưng lại là những gì làm nhà thơ trăn trở. Những bài thơ tình yêu có những tứ thơ tha thiết nao lòng. Bài Ngẫu hứng là một đối thoại triết lý: “Cõi trần là vô tận/ Nam mô đã dễ gì?”. Bài Ô Cửa sổ là một thoáng hiện sinh khi nhà thơ nhận ra mình là kẻ xa lạ (L'Étranger-A.Camus): “Ô cửa sổ màu sơn đã nhạt/ Tôi trở về tìm lại chính tôi/ Ô cửa sổ màu sơn đã nhạt/ Đứng nhìn tôi như một kẻ không quen”.
Có thể nhận thấy miền thơ của Lê Thanh Xuân khá mênh mông, xanh tốt và đầy hương hoa, thanh sắc. Thơ anh phong phú về thể loại. Tài hoa là những bài thơ Lục bát (trong tập có 22 bài thơ lục bát, 12 bài mang cốt cách tài hoa). Truyền thống là những bài thơ suy nghiệm (Cô bé có tóc bím, Khoảng trống, Ngoài kia có một con đường...). Mùa thu để lại cho anh những bài thơ lãng mạn rất hay (Trong khu vườn xưa, Những mảnh vỡ mùa thu, Bến sông, Lập thu, Mùa thu gửi bạn…) và thật đáng ngạc nhiên, ở tuổi anh vẫn làm được những bài thơ theo kiểu thi pháp của thơ trẻ đương đại (Lão tiều phu, Người đàn bà, Hoàng hôn, Phù sa, Cánh rừng cổ đại,…). Màu sắc thẩm mỹ của thơ Lê Thanh Xuân cũng khá phong phú. Thấp thoáng có bóng dáng câu thơ Kiều (Nghe tiếng gà gáy trong thành phố), thấp thoáng những tứ thơ tóc trắng, mây trắng, núi cao, sông rộng, bờ lau, con thuyền của thơ cổ điển. Lại có cánh đồng, bờ ao, tiếng cuốc, tiếng gà, con cò, hạt mưa: “Hạt mưa bì bõm đồng sâu, hạt mưa vàng vọt mai cua”, gừng cay muối mặn, lục bình tím sông, con đò sang sông, con nhện đa mang của ca dao. Nhân vật Ta/Tôi đậm chất thơ ca Lãng mạn (1930-1945). Có cả bóng dáng Siêu thực như Buồn xưa của Nguyễn Xuân Sanh (Cánh rừng cổ đại). Ở miền thơ nào anh cũng có những bài hay, có sức gây ấn tượng vào neo được vào lòng người đọc, đúng như nhà thơ tự nghĩ về thơ mình:
“…Ông cày lên từ đất đá cằn khô
Rồi gieo vào đó những hạt con chữ nghĩa
Cây lên xanh qua năm tháng gió sương
Quả thơ chín giữa đời lặng lẽ
Rồi một ngày giữa cánh rừng xanh ấy
Ông thiếp đi trong giấc ngủ nhọc nhằn…” (Gieo trồng)
3. “Làm “phu” ghép chữ mới hay mình nhầm”
Lê Thanh Xuân đã làm thơ mấy chục năm và anh có những thành tựu đã được khẳng định, vậy mà khi thưa chuyện với thầy Phạm Hùng, anh lại cho rằng mình đã “nhầm” đường: ”
Một đời chữ nghĩa khó lường rủi may
Sang sông, em đến bên này
Làm “phu” ghép chữ mới hay mình nhầm
(Lời thưa)
Có thể đó là hạt nhân làm thành nỗi buồn trong thơ anh, Nỗi buồn đong đưa, “Nỗi buốn/ biết gửi vào đâu?”(Không đề IV). Nhiều bài thơ anh viết về đêm, có đêm thức trắng suy tư (Sầm sập tối, Đêm ngủ lại nguồn Đồng Nai. Đêm thành phố, Đêm cao nguyên, Bóng cỏ, Hoa Pi pôốc) Trong đêm anh lắng nghe nhiều âm thanh mà suy nghĩ. (Nghe tiếng gà gáy trong thành phố, Nghe tiếng gà gáy ở Định Quán, Tiếng xa quay, Tiếng ru đêm, Tiếng ếch, Tiếng cuốc kêu, Tiếng gió, Tiếng cò đêm, Tiếng đập cánh…).
Bây giờ đêm nằm chạm tuổi bảy mươi
Chợt nhớ ngày xưa rất xa, rất sâu…
Thời gian đi qua như một đoàn tàu
Bây giờ chậm chân nhỡ chuyến…còn đâu!
(Không đề III. 173)
Trong nỗi buồn mênh mông ấy, có tâm trạng tha hương: “Trăng nửa tha hương/ Giấu trong sợi tóc/ Trăng nửa quê nhà/ Giấu trong tiếng khóc”(Thu), có nỗi đơn độc vắng bạn; Ta lạc ta mòn đêm/ Sân lầu cô đơn gió/ Trăng cao càng lạnh thêm” (Bóng cỏ) “Tri âm, tri âm quán xá/ Ta vẫn một mình ta/ Và nỗi buồn đầy ắp/ Theo tới cuối tuổi già” (Bạn), có nỗi đau của vết thương tâm còn lại của những cuộc tình chia xa (Những mảnh vỡ mùa thu). Có nỗi buồn công danh mắc cạn: “Ta thì ta với cuộc đời lênh đênh/ Công danh mắc cạn đầu ghềnh” (Nỗi buồn đong đưa). Sâu xa hơn là nỗi buồn về đời thơ không vượt lên được: “Thời gian trôi mù mờ/ Thông điệp một ngọn gió/ Triết lý một giọt mưa/ Không thể xa hơn nữa/ Cũ như thể ngày xưa”(Bạn già). Và khi đối diện với tuổi già, nhà thơ đối diện với những câu hỏi về hiện sinh, về sự vĩnh cửu. Nhưng không có câu trả lời. Chỉ có khoảng trống.
Khỏang trống trên đầu tôi
Chẳng xanh về như cũ
Cứ mở dần xa xôi
(Khoảng trống)
Hơn bốn mươi năm lên rừng xuống biển
Tôi tìm gì trong cõi xa xôi? (Thọ Nguyên)
“Khỏang trống trên đầu tôi” là khoảng trống về tư tưởng trong “Đêm u u nhịp gió độc hành” (Gieo trồng). Và gần như vô vọng: “Giấc mơ bờ bến bỗng thành bể dâu/ Đi đâu, rồi sẽ về đâu/ Nửa đêm chợt trắng mái đầu chiêm bao” (Không đề II). Nói vô vọng là ở chỗ Lê Thanh Xuân không vươn tới một hệ tư tưởng minh triết như nhà thơ xưa để thoát khỏi hệ lụy của đời phù du, không trở về cõi tâm linh với cái Tâm thanh tịnh, tâm rỗng rang của Phật để viết những câu thơ uy lực “Nhất khiếu trường thanh hàn thái hư”(Ngôn hoài-Không Lộ), không ngộ được Đạo để thơ bay trong cõi an nhiên (Độc tọa Kính Đình Sơn-Lý Bạch), cũng không dấn thân cho những giá trị nhân văn (Lời Dâng-Tagore) hay một lý tưởng nhân đạo nào để chia sẻ với tha nhân những vấn đề của kiếp người (như Nguyễn Du), vì thế thơ anh hàm chứa nỗi buồn miên viễn, dù anh có cuộc sống vật chất đầy đủ (Tiếng đập cánh), và anh chọn cuộc sống tại thế: “Niết bàn nơi mây trắng/ Nhập nhòa Phật với tiên/ Đời còn bao duyên nợ/ Tình chưa xua bóng đi/ Cõi trần là vô tận/ Nam mô đã dễ gì?(Ngẫu hứng).
Nói như thế để thấy thơ Lê Thanh Xuân rất khác với những nhà thơ cổ điển, cũng rất khác với các nhà thơ hôm nay khi họ tìm về suối nguồn thơ cổ điển. Khi Lê Thanh Xuân chọn lựa ở lại cõi trần vì “Cõi trần là vô tận”, thì đó đã là tư tưởng, một sắc thái của tư tưởng Nhân văn. Tư tưởng này chi phối toàn bộ hồn thơ, tứ thơ Lê Thanh Xuân. Trong thơ anh, cảnh sắc thiên nhiên, dù là núi rừng, đồng quê hay sông biển, thì đều rất đẹp. Tình người dù ở nơi đại ngàn, nơi thảo nguyên, hay vùng đồng bằng, nơi miền quê, đất Mũi… cũng rất đẹp, rất thân thương, ấm áp. Và điều đặc biệt là, tư tưởng này giúp anh nhận ra cái đẹp và ý nghĩa của cuộc sống xung quanh, dù đó là cái bàn, là cô bé có bím tóc hay khóm lục bình trôi, một sắc hoa mai mùa xuân ở Nam bộ, mùi bùn ở đất Mũi, chiếc khố rách bươm ở Madagui, tiếng cót két của nhà sàn ở Ngổ Luông. Tập thơ đọng lại những bài rất hay về tình quê, tình bạn, tình đồng đội, gia đình liệt sĩ (Trong ngôi nhà), tình cảm dành cho cha, mẹ, cho Lão tiều phu, người thiếu phụ, Người đàn bà, người mẹ ru con suốt đêm, cho cô gái chăn bò trên thảo nguyên… Vì thế anh sống tuổi già với “xanh làm bầu bạn”.
Tuổi già tôi lấy xanh làm bầu bạn
Lấy hương hoa làm phấn kích niềm vui…
…Rồi đêm đến tôi mơ chân trời cũ
Theo cánh chim mới mẻ những đường bay.
(Tiềng đập cánh)
4. “Xanh đến tận cùng, mới đến tinh khôi”
Đã có lúc Lê Thanh Xuân chia sẻ với bạn già ý tưởng này về thơ, tôi nghĩ anh rất thành thật với chính mình:
Thời gian trôi mù mờ
Thông điệp một ngọn gió
Triết lý một giọt mưa
Không thể xa hơn nữa
Cũ như thể ngày xưa
(Bạn già)
Anh nghĩ rằng mình không thể đi xa hơn nữa, thơ anh không thể mới hơn mà chỉ là cũ như thể ngày xưa. Những gì anh viết, anh gửi gắm trong thơ (thông điệp) chỉ là ngọn gió, thoáng qua không đọng lại gì, và hiện sinh chỉ là giòng trôi mù mờ.
Thơ trong tập Thơ Lê Thanh Xuân có nhiều bài hay và tài hoa, đó là tinh hoa một đời thơ đủ để người đọc trân trọng. Thơ Lê Thanh Xuân nằm trong dòng chảy ”thơ truyền thống”. Anh đã có nhiều nỗ lực đổi mới thơ, chẳng hạn, anh phối hợp nhiều kiểu thi pháp, kể thi pháp Hậu Hiện đại.
170 bài trong tập Thơ lê Thanh Xuân là quá đủ để khẳng định một tài thơ, một tấm lòng, một nghị lực sống và một tâm hồn đầy ắp xanh. Và điều đáng quý là anh không chỉ lấy xanh làm bầu bạn mà là một thái độ sống, thái độ nghệ thuật quyết liệt, can trường “Xanh đến tận cùng, mới đến tinh khôi”
Nghìn năm qua những gì nhỉ-Hỡi người…
Ta hát bên bờ thời gian trôi qua mặt trời đỏ
Tơi ta gửi lại nghìn năm sau một chút yên lòng”
Mùa xuân Bính Thân 2016
B.C.T
____________________________________
(*) Nhà thơ Lê Thanh Xuân,
Hội viên Hội Nhà Văn Việt nam,
hội viên Hội Nhà báo Việt Nam,
hiện là Trưởng Ban Văn học Hội VHNT Đồng Nai
Các giải thưởng:
Giải thưởng cuộc thi bút ký báo Văn Nghệ (Hội Nhà Văn VN) 1986-1987
Giải thưởng cuộc thi thơ báo Văn Nghệ (Hội Nhà Văn VN) 1998-2000
Tặng thưởng thơ hay báo Văn Nghệ (Hội Nhà Văn VN) 2001
Tặng thưởng thơ hay tạp chí Văn nghệ Quân đội 2002
Giải B (không có giải A) Giải Trịnh Hoài Đức (Đồng Nai) lần II (2000-2005) và lần III (2006-2010)
12 giải thưởng văn học các địa phương
Người gửi / điện thoại