CHÂN DUNG NHÀ HÁN HỌC
Tản văn của Diêm Liên Khoa
Vũ Công Hoan dịch
NHÀ HÁN HỌC - DỊCH GIẢ VŨ CÔNG HOAN
Dù cho tình hình hư hay thực nhiều hay ít, liệu có phải giống như chúng ta nói, văn học Trung Quốc đã có vị trí ngày càng rõ nét trong văn học thế giới, nhưng có một sự thực không tranh cãi, giống như ngày xuân chưa đến cỏ cây đã lên xanh, các nhà Hán học, nhà phiên dịch hoàn toàn được chúng ta quan tâm coi trọng.Không quan tâm chú ý họ, tôn trọng họ sẽ giống như một người muốn sang bờ bên kia lại không nhìn thẳng vào cây cầu dưới chân. Tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Tây Ban Nha, cũng kể cả các nước Nhật Bản và Hàn quốc láng giềng chúng ta, những nhà Hán học của họ có mối quan hệ mật thiết với các nhà văn Trung Quốc và văn học Trung Quốc, có thể nói khăng khít như anh chị em ruột và con cô con cậu. Mối giao lưu qua lại siêng năng giống như nhà hàng xóm gọi nhau sang chơi, các cuộc họp mặt vui vẻ nẩy sinh giữa đôi bên với lý do học thuật, rúc rích như những quả táo tươi ngon năm nào cũng trĩu cành sai quả.
Nhưng, có người nào nghĩ đến nhà Hán học Việt Nam láng giềng sát nách nhất của chúng ra không?
Cũng rất hiếm có người nhắc đến ông già Vũ Công Hoan ở Hà Nội Việt Nam đã bước sang tuổi bảy mươi, ốm yếu bệnh tật, từ sau thập niên chín mươi của thế kỷ trước đã dồn tinh lực trong cơ thể ốm yếu của ông để phiên dịch hơn ba mười đầu sách của mười mấy nhà văn đương đại Trung Quốc.
Trong lịch trình dịch thuật của ông, phần lớn tác phẩm xuất bản tại Việt Nam như nhà văn Trung Quốc Giả Bình Ao, Dư Hoa, Trương Kháng Kháng, Vương Sóc .v.v. đều do ngón tay gần như rệu rã của thân hình gầy yếu của ông và tâm sức một đời gắn bó với văn hoá và văn học Trung Quốc, đã cặm cụi làm việc, mà được ra mắt bạn đọc Việt Nam. Trong đó những năm chín mươi của thế kỷ hai mươi, chỉ trong mấy năm, ông đã dịch một mạch bảy cuốn tiểu thuyết và tản văn của Giả Bình Ao như “Nôn nóng”, “Phế đô”, “Hoài niệm sói”, tiếp theo lại dịch năm tác phẩm của Dư Hoa như “Sống”, “Hứa Tam Quan bán máu”, “Huynh đệ”, “Gào thét trong mưa bụi”và các truyện vừa truyện ngắn, làm cho nền văn học đương đại Trung Quốc được đông đảo bạn đọc Việt Nam biết đến, có thành tích và sự giao lưu đáng vui mừng tại Việt Nam.
Trong một thời kỳ rất dài, văn học đương đại Trung Quốc ảnh hưởng ở Việt Nam giống như mối quan hệ của một dòng sông với cảnh tượng được mùa của một mảnh đất. Văn nhân,bạn đọc khắp trời nam đất bắc ai cũng vui mừng bởi vụ mùa bội thu do đón nước của dòng sông ấy đem lại, nhưng người khai mương dẫn nước, dù là ở Việt Nam, hay ở Trung Quốc, đã rất ít được nhắc đến. Bởi vì Việt Nam giống Trung Quốc, cải cách mở cửa, ít nhiều cũng giống như đồng tiền Việt Nam so với đồng đô la Mỹ.Châu Âu bao gìơ cũng tốt, nước Mỹ càng tốt hơn. Tóm lại, mắt nhìn sang phương Tây không phải một trào lưu, mà là một khuynh hướng dĩ nhiên lâu dài của văn hoá. Cho nên, mặc dù ông là một người dịch ở Việt Nam nổi danh biết chừng nào, song ở Trung Quốc đã dần dần lãng quên Vũ Công Hoan già nửa cuộc đời phiên dịch văn học Trung Quốc, có lẽ cũng không gây cho chúng ta bao nhiêu tự hổ thẹn. Ánh mắt của người Trung Quốc, tầm tưởng tượng của văn học Trung Quốc, thật ra cũng không nhằm vào Việt Nam với dân số tám mươi triệu người, cho dù kể cả Nhật Bản ở châu Á khiến người Trung Quốc vừa hận vừa yêu và Hàn quốc mà chúng ta vừa khen vừa chê, cũng đều không phải là cái mốc và điểm cuối cùng trong cuộc chạy đua văn học của chúng ta. Trong thế giới tiếng Anh, Nước Pháp, nước Đức và toàn bộ châu Âu, đó mới là vũ đài văn học Trung Quốc muốn vươn đến. Nếu sáng tác của chúng ta có thể gây nên những động tĩnh ở nước Mỹ thì sẽ là kinh thiên động địa lý tưởng nhất.Thậm chí ngay đến tiếng Tây Ban Nha được nhiều nước trên thế giới sử dụng nhất, đối với người Trung Quốc, cũng còn có những cảm giác Trời thì cao, Hoàng đế thì xa và tâm lý thản nhiên có thể tạm thời không quan tâm đến nó, càng huống hồ đối với tiếng Việt Nam và nước Việt Nam bé nhỏ, mà trên cội nguồn văn hoá của chúng ta vốn sẵn có cái nhìn trịch thượng của kẻ đứng tít trên cao ngó xuống bởi ta mà có ngươi.
Đương nhiên, có thể tạm gác không bàn đến chuyện ấy!
Cho qua nước láng giềng phía nam, đối với chúng ta mà nói đều còn thiếu phát đạt cả về văn hoá và kinh tế. Trong rất nhiều hoạt động văn học, văn hoá nhà nước, không nhắc đến người hàng xóm phía nam có thể cho qua không tính ấy, người ta cảm thấy đó là chuyện bình thường.Trong con mắt của người dân nước ta, chính vì Việt Nam quá bé nhỏ và còn lạc hậu kém phát triển hơn chúng ta, cũng đương nhiên có thể không cần quan tâm đến các nhà Hán học và nhà dịch thuật ra sức giới thiệu văn học Trung Quốc ở xứ đó và có lẽ, tâm huyết cũng như sự làm việc vất vả đối với văn học Trung Quốc của Vũ Công Hoan tiên sinh cũng có thể không nằm trong ký ức của văn hoá, văn học Trung Quốc.
Ông già rồi. Những cơn ho hen dữ dội mùa đông hàng năm đều đã khiến ông chuẩn bị sẵn sàng ra đi. Cho nên, mỗi mùa xuân đến, khi cỏ cây đâm chồi nẩy lộc, ông đều viết thư nói với tôi:
- Diêm tiên sinh, xin báo với tiên sinh một tin mừng lớn, tôi đã chịu đựng qua mùa đông này.
Ông đã dần dần suy giảm tâm lực và thể lực tham dự và cảm thụ đối với thế giới, cho nên mỗi lần gửi thư, ông lại càng thêm bàng quan và ngạc nhiên đối với sự thay đổi và khác lạ của hiện thực ở Trung Quốc và Việt Nam.
Ông đã không còn khả năng đọc và dịch văn học Trung Quốc như trước kia. Cho nên với độ tuổi và thể lực hiện nay, hễ đọc một cuốn, dịch một cuốn tiểu thuyết lại khiến ông càng thêm trân trọng yêu quí và nhớ lại. Cái thời chàng trai hai mươi mấy tuổi làm phiên dịch ở Công ty gang thép An Sơn Liêu Ninh Trung Quốc đã ra đi và đi mãi không bao giờ trở lại, chỉ có ôn lại là còn mới mãi. Thời ấy trong cuộc chiến tranhViệt Nam được chúng ta gọi là “cuộc phản kích tự vệ biên giới Trung Việt”, là nhân viên phiên dịch văn chức trong quân đội Việt Nam, nhận lệnh thiêng liêng và trang nghiêm, ông đã phiên dịch tiểu thuyết “Vòng hoa dưới chân núi cao” của Lý Tồn Bảo nổi danh thiên hạ, để làm tư liệu nghiên cứu quân tình và dân tình Trung Quốc, đến bây giờ cũng chỉ còn là hồi ức rất thú vị và một ký ức khiến ông cảm thấy xấu hổ.
Mấy năm trước,trong một ngõ ở Xưởng Kiều Bắc Kinh, hai chúng tôi ngồi uống cà phê với nhau, mùi thơm cà phê đăng đắng nhàn nhạt, trong vô tình trái tim bỗng trở nên càng gắn bó mà nồng nàn. Hôm đó sau khi rời quán cà phê, đi vào một khách sạn nửa nổi nửa chìm khu tập thể nhà máy, cái bóng sau lưng ông cứ khiến tôi nhớ đến đôi vai già nua không nghỉ trong bài tản văn Trung Quốc “Cái bóng sau lưng”. Lần ấy ông sang Trung Quốc dịch cho một nhà máy của Việt Nam chọn mua thiết bị của Trung Quốc. Lần ấy ông nói với tôi già nửa đời người ông đều phiên dịch tác phẩm của nhà văn Trung Quốc, chưa lần nào đến Trung Quốc với tư cách của một nhà hán học, nhà dịch thuật. Hôm đó tôi nói, chúng ta nhất định gặp nhau tại Bắc Kinh, Ông cười bảo tôi, ông đã già yếu có lẽ không còn dịp nào nữa.
Hiện nay Vũ tiên sinh đã ngoài bảy mươi tuổi. Bệnh hen suyễn trong mùa đông lạnh giá khiến ông thấm thía những thịnh suy của cuộc đời và năm tháng.Cho nên ông không bao giờ còn so bì được mất và thiệt hơn về sự nghiệp và thanh danh, chỉ là trong cuộc sống còn có thể làm được, ông lấy đọc và dịch tác phẩm của nhà văn Trung Quốc để mạch máu trong người được lưu thông. Còn chuyện để được tôn sủng, khoan đãi và có thể ra oai hô gió gọi mưa trong văn học như các nhà Hán học người Mỹ, người Anh, người Đức, người Pháp và các nhà dịch thuật ngôn ngữ châu Âu , cũng đều đã không bao giờ còn là việc ông quan tâm đọ sức. Ở ông, chỉ có yêu văn học Trung Quốc, có hay không có người nhớ đến, đều là chuyện ngoài rìa không liên quan đến ông, giống như một cây gỗ một đời đều không quá cao to, lại đã già cỗi đứng mờ nhạt bên cánh rừng. Còn tôi chỉ có duyên gặp ông một lần, ngoài ra đều là những năm luôn luôn gửi thư cho nhau qua máy vi tính.Song dù thế nào đi nữa, tôi vẫn không thể quên ông và lạ quá không hiểu sao tôi đâm ra càng ngày càng nhớ ông.
Đương nhiên,trong danh sách hẳn một chuỗi dài nhiều nhà Hán học và dịch thuật trên thế giới, đối với người Trung quốc và văn học Trung Quốc, mặc dù ông đã làm bao nhiêu việc, các nhà văn Trung Quốc có tình cảm đối với ông như thế nào, song văn học Trung Quốc đều không ghi ông và nước ông là một người, một đất nước có danh tiếng được coi trọng.Nhưng riêng tôi, trong trái tim tôi, kể cả một loạt những nhà Hán học, nhà phiên dịch nước lớn ngôn ngữ lớn đến từ khắp thế giới, lần nào nhớ đến họ, không hiểu sao ông vẫn là người đầu tiên đi ra khỏi ký ức tôi. Ông cứ đứng mãi, sừng sững trước mặt tôi, giống như một chân dung, một bức tượng ông già khiến ta phải kính trọng.
Ngày 3 tháng 1 năm 2012.
Người gửi / điện thoại
NHÀ VĂN DỊCH GIẢ VŨ CÔNG HOAN ĐÃ RỜI CÕI TẠM NGÀY 9 THÁNG 2 NĂM 2022 THEO TIN CHÍNH THỨC CỦA GIA ĐÌNH.
NGÀY 19 THÁNG 2, THỨ BẢY GIA ĐÌNH SẼ TỔ CHỨC TANG LỄ TẠI NHÀ TANG LỄ BỘ CÔNG AN. SAU ĐÓ AN TÁNG TẠI QUÊ THÁI BÌNH. XIN ĐƯA BÀI VIẾT CỦA NHÀ VĂN DIÊM LIÊN KHOA, MỘT TÁC GIẢ NỔI TIẾNG CỦA VĂN HỌC TRUNG QUỐC ĐƯƠNG ĐẠI VỀ NHÀ VĂN VŨ CÔNG HOAN!