bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 0855890003

CÁM ƠN ANH ĐỨC BÌNH CỘNG TÁC!CHÚC ANH VUI KHỎE!

 

ĐỨC BÌNH

Xin cám ơn BAN BT trang TÁC PHẨM VÀ BẠN ĐỌC !

 

VŨ NHO 085 589 0003

Tôi không xem chương trình VUA TIẾNG VIỆT. Cứ theo những gì bác Đinh Y Văn tường thuật thì đích thị là TRÒ CHƠI Đoán từ. Người nhìn từ trong Từ Điển, nói "chữ" đầu của từ, rồi nói "chữ" sau. Người kia...

 

Đinh Y Văn

Trân trọng cảm ơn Tổng biên tập đã dành sự quan tâm đến bố con cụ Đinh Y Văn!

 

Đinh Y Văn

Xin có lời thưa lại, hình như cụ ĐYV bị quy oan là “lơ mơ” ?! Tên chính thức vòng 2 chương trình Vua tiếng Việt là GIẢI NGHĨA, không phải là ĐOÁN TỪ bác ạ.

 

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ BÁO, NHÀ NGHIÊN CỨU NGHIÊM THỊ HẰNG!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 73
Trong ngày: 452
Trong tuần: 1229
Lượt truy cập: 773940

NHÀ VĂN KIM LÂN TRONG NHÀ TRƯỜNG

NHÀ VĂN KIM LÂN TRONG NHÀ TRƯỜNG

                           Vũ Nho

chn_dung_vn_comle

                   PGS.TS.Vũ Nho


         Thật hiếm có nhà văn nào số lượng viết không nhiều, có thể nói là ít cũng được, nhưng lại luôn có mặt trong sách giáo khoa, cả  ba cấp  Tiểu học, THCS và cấp THPT. Đó là nhà văn Kim Lân (Chú Lân Vàng, một trong bốn con vật tứ linh Long, Li (Lân), Quy, Phụng (Phượng)  theo quan niệm dân gian người Việt).

         Trước hết, chúng tôi muốn nói đến hai  cấp học, nhà văn Kim Lân được chọn truyện ngắn Làng (cấp THCS) và truyện ngắn Vợ nhặt (cấp THPT).

          Tiểu sử của nhà văn được các nhà biên soạn tóm lược như sau:

Kim Lân (1920-2007) tên khai sinh là Nguyễn Văn Tài, quê ở làng Phù Lưu, xã Tân Hồng, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông chỉ được học hết bậc tiểu học rồi phải đi làm. Kim Lân bắt đầu viết truỵên ngắn từ năm 1941. Năm 1944, ông tham gia Hội văn hóa Cứu quốc, sau đó liên tục hoạt động văn nghệ phục vụ kháng chiến và cách mạng.

Ông được dư luận chú ý nhiều hơn khi đi vào đề tài độc đáo: tái hiện sinh hoạt văn hóa phong phú ở thôn quê (đánh vật, chọi gà, thả chim…), qua đó biểu hiện một phần vẻ đẹp tâm hồn của người nông dân trước cách mạng - những người sống cực nhọc, khổ nghèo nhưng vẫn yêu đời, trong sáng, tài hoa.

 Ông là nhà văn chuyên về truyện ngắn và  về làng quê Việt Nam- mảng hiện thực mà từ lâu ông đó hiểu biết sâu sắc. Những tác phẩm chính: Nên vợ nên chồng (tập truyện ngắn, 1955), Con chó xấu xí (tập truyện ngắn, 1962).

 Trong cả hai giai đoạn sáng tác, giai đoạn nào Kim Lân cũng có những tác phẩm hay. Ông đã viết về cuộc sống và con người ở nông thôn bằng tình cảm, tâm hồn của một người vốn là con đẻ của đồng ruộng.

Năm 2001, ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

*

          Tác phẩm “Làng” là một truyện ngắn độc đáo thể hiện tình yêu làng, yêu nước, giác ngộ kháng chiến của người nông dân. Hình ảnh tiêu biểu là nhân vật ông Hai, người tản cư nhớ về hình ảnh làng Chợ Dầu quê hương.

         Ông Hai, một người tản cư rất yêu và tự hào về cái làng của mình,  ông hay “khoe” làng.  Đang vui náo nức vì tin thắng lợi khắp nơi của kháng chiến, ông đột nhiên nghe  tin  cái làng  của ông đã theo giặc. Cả đoạn nói về tâm trạng của  rối bời của  ông Hai:

- Ông xấu hổ vì làng theo giặc.

-  Ông tủi thân vì con cái cũng mang tiếng làng Việt gian.

- Ông căm ghét những người làng đã  phản bội kháng chiến.

- Ông băn khoăn, nghi ngờ vì làng toàn người tốt, không thể theo giặc.

- Nhưng ông lại bán tín bán nghi vì tin tức đúng là về làng ông.

       Những lúc buồn khổ quá chẳng biết nói cùng ai, ông lão tránh mọi người, ông tránh cả bà chủ nhà cho ở nhờ. Ông âm thầm đau đớn, tủi hổ về cái làng kháng chiến của mình bỗng nhiên “đổ đốn”. Ông ôm và nói chuyện với thằng Húc.

         Ngôn ngữ đối thoại đã được sử dụng hiệu quả . Điểm đặc biệt của ngôn ngữ đó là hình thức hỏi - đáp giữa nhân vật ông Hai và thằng cu Húc, đứa con trai nhỏ của ông.  Bố con ông đều  ủng hộ kháng chiến, ủng hộ chính phủ của cụ Hồ. Thế rồi mọi nghi ngờ được giải tỏa khi có tin đích xác làng ông không theo giặc, làng ông là làng kháng chiến. Dù nhà ông có bị giặc đốt, “đốt nhẵn”, nhưng ông Hai  không mấy tiếc của vì niềm vui đang tràn ngập. “Ông lão cứ múa tay lên mà khoe cái tin ấy với mọi người”.  Ông khoe  mọi người làng ông là làng kháng chiến với tất cả niềm  phấn chấn, tự hào. Tác phẩm thể hiện sự phân tích tâm lí rất sâu sắc và tinh tế của nhà văn, sự vận dụng thành thục ngôn ngữ nông thôn của những người nông dân.

         Tác phẩm “Vợ nhặt” lại thể hiện một tài năng khác của  Kim Lân. Đó là việc dựng được một tình huống truyện vô cùng đặc biệt và độc đáo.

Vợ nhặt thực ra là một chương trong tiểu thuyết Xóm ngụ cư, được viết ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công nhưng còn dang dở và mất bản thảo trong kháng chiến. Sau khi hoà bình lập lại, Kim Lân dựa vào một phần cốt truyện cũ và viết nên truyện ngắn này.

Anh Tràng có vợ gây ngạc nhiên cho hàng xóm. Họ ngạc nhiên vì một người nghèo như Tràng bỗng nhiên lại có được vợ. Họ ngạc nhiên vì chắc là người vợ không cưới xin gì mà thành vợ chồng.

 Người đàn bà nhận lời làm vợ Tràng là một người  không tên. Chị không có công ăn việc làm, ngồi vêu ở cửa nhà kho. Tính khí lại cong cớn, táo bạo. Chỉ gặp hai lần, chị đã không khách khí ăn liền một lúc bốn bát bánh đúc. Rồi theo câu gợi ý của Tràng, chị đồng ý theo Tràng về làm vợ. Đúng là anh ta đã nhặt được chị- nhặt được vợ ở ngoài chợ, như người nhặt một đồ vật vô chủ rơi vãi. Từ một con người chao chát, chỏng lỏn, cong cớn, chị trở thành rụt rè, hiền hậu đúng mực. Đấy là một số phận bi thảm của con người trong bước đường cùng. Nhưng dù cho như thế, người đàn bà ấy vẫn khát khao có một gia đình. Bà cụ Tứ thấy con mình bỗng nhiên có vợ thì buồn vui, mừng lo lẫn lộn. Bà cụ nước mắt ròng ròng. Nhưng bên cạnh sự lo lắng, thương xót, bà cụ còn có niềm vui mừng. Vui vì người con trai nghèo, quê kệch cũng đã có vợ. Niềm vui khiến “cái mặt bủng beo u ám của bà rạng rỡ hẳn lên...Bà lão nói toàn chuyện vui, chuyện sung sướng về sau này”. Tâm trạng đó thể hiện tình cảm chân thành, đôn hậu của người mẹ nghèo.

Các thành viên của gia đình tủi hờn khi bữa cơm đầu tiên chỉ có niêu cháo loãng phải bổ sung thêm bằng cháo cám. Họ nghĩ đến Việt Minh và việc phá kho thóc chia cho người nghèo.

         Nghệ thuật nổi bật của truyện là tác giả đã tạo dựng một tình huống độc đáo, đặc biệt: Trong khi nạn đói đe dọa tính mạng mọi người, cái đói trùm bóng đen lên cả xóm thì Tràng nhặt được vợ. Điều làm cho mọi người ngạc nhiên, bà cụ Tứ ngạc nhiên và cả Tràng cũng thấy lạ cho chính mình. Rồi cả ba con người cùng khổ đó đều thay đổi như có một phép lạ. Bà cụ Tứ vừa mừng vừa lo, vừa vui vừa buồn. Người vợ nhặt trở nên hiền hậu đúng mực, Tràng thì thấy thương yêu, gắn bó với cái nhà của mình.

 Tác giả  phân tích  diễn biến tâm lí  rất sâu sắc, đặc biệt là tâm trạng của bà cụ Tứ. Ngôn ngữ nông thôn được thể hiện một cách nhuần nhị. Chi tiết gây xúc động hơn cả là các chi tiết : cảnh bà cụ gặp con dâu, câu chuyện của bà an ủi con và đặc biệt cảm động là cảnh bữa cơm ngày đói kém, bữa cơm đầu tiên sau việc vui mừng Tràng có vợ.

Truyện ngắn giàu tính nhân văn này đã khẳng định một điều tốt đẹp:

Những con người bần cùng, lương thiện, trong cảnh đói kém khủng khiếp do bọn thực dân phong kiến gây ra, đã cưu mang đùm bọc lấy nhau và hi vọng vào một cuộc sống tốt đẹp hơn nhờ cách mạng giải phóng.

Vì là hai truyện ngắn hay, độc đáo nên rất nhiều lần hai tác phẩm này có mặt trong đề thi hết năm, thi tốt nghiệp THCS và thi tốt nghiệp  Trung học phổ thông. Hơn nữa, truyện ngắn “Vợ nhặt” còn có mặt  cả  ở đề thi vào các trường Cao đẳng và Đại học ngành khoa học xã hội nhiều năm liền.

        Ở cấp Tiểu học, sách Tiếng Việt lớp 3, bài “Hội vật”  miêu tả đô vật già  ông Cản Ngũ và chàng trai trẻ  Quắm Đen rất hấp dẫn, làm cho các em nhỏ vô cùng hứng thú.

       Tiếng trống vật nổi lên dồn dập. Người tứ xứ đổ về như nước chảy. Ai ai cũng náo nức muốn xem mặt , xem tài ông Cản Ngũ. Người ta chen lấn nhau, quây kín quanh sới vật, nhiều người phải trèo lên những cây cao gần đấy xem cho rõ.

        Ngay nhịp trống đầu, Quắm Đen đã lăn xả vào ông Cản Ngũ. Anh vờn bên trái, đánh bên phải, dứ trên, đánh dưới, thoắt biến, thoắt hóa khôn lường. Trái lại, ông Cản Ngũ có vẻ lớ ngớ, chậm chạp. Hai tay ông lúc nào cũng dang rộng, để sát xuống mặt đất, xoay xoay chống đỡ… Keo vật xem chừng chán ngắt. 

      Ông Cản Ngũ bỗng bước hụt, mất đà chúi xuống. Quắm Đen nhanh như cắt, luồn qua hai cánh tay ông, ôm lấy một bên chân ông. Người xem bốn phía xung quanh reo ồ cả lên. Thôi thế là ông Cản Ngũ ngã rồi, nhất định ngã rồi, có khỏe bằng voi cũng phải ngã.

       Tiếng trống dồn lên, gấp rút, giục giã. Ông Cản Ngũ vẫn chưa ngã. Ông vẫn đứng như cây trồng giữa sới. Còn Quắm Đen thì đang loay hoay, gò lưng lại, không sao bê nổi chân ông lên. Cái chân tựa như bằng cột sắt chứ không phải là chân người nữa.

       Ông Cản Ngũ vẫn đứng nghiêng mình nhìn Quắm Đen mồ hôi mồ kê nhễ nhại dưới chân. Lúc lâu, ông mới thò tay xuống nắm lấy khố Quắm Đen, nhấc bổng anh ta lên, coi nhẹ nhàng như giơ con ếch có buộc sợi rơm ngang bụng vậy.

        

 Quan sát  và miêu tả  của nhà văn về môn vật dân gian gữa hai đô vật già và trẻ rất  tinh tế và đặc sắc.

Ngoài ra, nhà văn Kim Lân còn đóng vai lão Hạc trong phim Làng Vũ Đại ngày ấy. “Lão Hạc” là một truyện ngắn xuất sắc của Nam Cao luôn có mặt trong chương trình và sách giáo khoa Ngữ Văn THCS. Khi  cho học sinh học truyện ngắn này, nhiều giáo viên đã trình chiếu 1 đoạn phim cảnh lão Hạc (do nhà văn Kim Lân đóng) bán cậu Vàng. Ấn tượng của các em về nhà văn Kim Lân  đa tài  càng sâu đậm.

Cả ba cấp học, nhà văn lão thành Kim Lân đều có mặt. Thật là một vinh dự không phải nhà văn lớn nào cũng có được.

                                             Hà Nội, 6 tháng 11 năm 2020

                                       Kỉ niệm 100 năm sinh nhà văn Kim Lân

 

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)