NHÀ VĂN NGUYỄN TUÂN VỚI
LỚP SINH VIÊN ĐẦU TIÊN KHOA NGỮ VĂN
ĐẠI HỌC SƯ PHẠM VIỆT BẮC
NHÂN 55 NĂM TRƯỜNG ĐHSP VIỆT BẮC ( 1966 -2021)
VŨ NHO
Đó là vào một sớm mùa hè mát mẻ năm 1969. Lớp sinh viên đầu tiên khoa Ngữ Văn trường Đại học Sư phạm Việt Bắc chúng tôi gồm hơn một trăm anh chị em đã được nồng nhiệt đón Nguyễn Tuân. Ông bước vào hội trường trong tiếng vỗ tay tưởng như không dứt của những người mến mộ. Hôm đó nhà văn đã dành trọn một buổi để nói chuyện văn chương. Thầy Vũ Châu Quán chủ trương chúng tôi phải "tốc kí" toàn bộ những buổi nói chuyện của các nhà văn, nhà thơ để làm tư liệu cho mình và cho các khoá sau.
Dưới đây là bài nói của nhà văn Nguyễn Tuân. Chúng tôi muốn công bố nhân dịp 55 năm thành lập trường để thể hiện lòng biết ơn của các thế hệ sinh viên con em các dân tộc miền núi với nhà văn- người có nhiều duyên nợ với Sông Đà- Tây Bắc.
Tôi thích gặp các đồng chí, những người truyền bá cái tốt đẹp của văn hóa, cái trong sáng của tiếng nói dân tộc. Người viết văn quý các thầy giáo nói chung , nhưng đặc biệt quý người giáo viên dạy văn. Tôi tin sang năm tôi còn sức đi đến các trường địa phương. Cái vui của người viết kí là gặp được những con người đầu tiên của trường Sư phạm Việt Bắc.
Tôi muốn nói một vài điều cụ thể. Tôi ngày xưa là người viết văn xuôi. Việc viết văn khác việc làm thơ. Tôi có nhận xét: ở văn học dân tộc ít người chúng ta không thiếu tác phẩm, nhưng phần lớn là thơ. Nó là cái thực tế cho ta lưu ý. Văn xuôi là điều ta còn phải bận tâm. Một nền văn học phát triển phải có thơ ca, có văn xuôi. Đó là quy luật phát triển của văn học thế giới. Ta có thơ, ta không coi thường thơ. Cuộc đời lớn nên đòi hỏi những nhà thơ lớn xứng đáng với nó. Văn hay đáng quý, thơ hay càng quý. Nó có khác nhưng là anh em cùng cha mẹ của tiếng nói Việt Nam.
Ngày xưa tôi đi học, giờ học quốc văn tuần lễ có một giờ. Đó là giờ chơi, nghỉ nhiều. Nhưng tôi thích giờ đó. Lúc ấy tôi nhớ nền văn xuôi làm gì được như bây giờ. Bốn mươi năm nay văn thơ ta tiến rất nhiều, số lượng nhiều, hình thức ngôn ngữ trong sáng thật là vượt bực. Tôi nhớ là tôi thích viết văn. Bài đầu tiên khoảng năm 1933, sau tôi trở thành người viết chuyên nghiệp năm 1937. Tính tuổi nghề thì tôi làm 32 năm.
Một người yêu nước, yêu tiếng nói nhất định phải có ý nghĩ cụ thể về tiếng nói dân tộc. Quan hệ của tiếng nói và người viết rất khăng khít. Viết một tác phẩm, văn nghệ sĩ nghĩ rằng góp gì cho kho báu của dân tộc. Đó là hương hoả của ông cha để lại. Ta sáng tạo ra, ta đóng góp vào. Sáng tạo dù một tiếng, một câu, một trang cũng là phần đóng góp. Hưởng tiếng nói, phải phát triển nó. Sáng tạo không chỉ thêm từ, mà là cách nói những chữ sẵn có. -"Anh có đi xem phim không?". Đáp "có" hoặc "không". Nhưng lại trả lời:- Tôi khó trả lời quá, thật khó mà từ chối. Hỏi lại vẫn như thế. Đó là cái phức tạp phong phú của cuộc sống. Chúng ta làm việc cho ngôn ngữ, giảng văn, đừng sợ những cái phức tạp đó. Thực ra, nhà thơ và người viết không muốn phức tạp hóa. Vì cuộc sống phức tạp bắt buộc phải viết như vậy. Người ta hay nói nếp nghĩ của người dân tộc giản đơn. Không phải thế đâu. Phải phân biệt giản đơn và giản dị. Nếu không, mười năm sau, dạy rồi vẫn còn hối hận. Có anh giáo viên phản đối tác giả vì từ mà tác giả dùng, anh ta không hiểu, nên chụp cho anh tác giả là không đại chúng. Các anh chị đã chọn con đường phụng sự cho ngôn ngữ văn học, tôi nói thêm giảng văn học mệt lắm. Nếu không yêu thì khó lòng mà làm được. Người lao động nghệ thuật yêu nước. Người lao động cho nghệ thuật cũng phải có con người yêu nước ở trong mình mới hiểu được. Ở toán đáp số khác. Ở Văn đáp số không như vậy. Mỗi người có cách giải khác nhau và đáp số khác nhau, mình phải theo nhiều nên mệt. Trong nghề văn ai lười lao động, người ta thấy ngay. Câu chữ dùng như người kiếm củi. Người bó chặt thì câu hay. Người không biết bó thì rời rạc và hỏng. Người viết văn có tài là làm đúng, nhưng phải làm hay.
Phân tích nội dung là rất cần, nhưng phân tích nghệ thuật phải phân tích kĩ, nếu không ta bỏ quên chức năng của ta. Ta nói Văn học, lâu nay quên mất văn chương. Giảng dạy văn không được bỏ sót nó. Văn là đẹp, chương là sáng. Cái đẹp sáng của văn học là mĩ học. Mình là giáo viên văn phải có kiến thức thẩm mĩ. Nếu mình nâng mình lên, ta sẽ không sợ một tác giả nào khó. Các đồng chí làm việc nghiêm túc sẽ khuyến khích người viết, bắt họ không được lười.
Bây giờ xin nói về nhà văn Nguyễn Tuân. Trong cuộc đời, Văn và Nghệ là của nhân dân. Đảng không cho anh tài năng, nhưng Đảng có kinh nghiệm tổ chức để mọi người có thể phát triển tận độ tài năng. Viết văn là phải lao động nghệ thuật, dùng tay, chân, tim, óc. Tôi lên Hà Giang 5 lần. Tôi cốt lên Lũng Cú. Đường đi núi đẹp. Tây ngày xưa gọi Hà Giang là Thuỵ Sĩ của Bắc bộ. Sau chuyến đi tôi viết một bài đăng ở báo Thống Nhất.(Đó là có dụng ý). Tôi nói Lũng Cú, nhưng nói địa lý của nước ta. Tôi thích đi những ngóc ngách của biên giới. Nếu Tổ quốc là con người thì mũi Cà Mau là ngón chân cái của Tổ quốc chưa khô bùn vạn dặm. Nói Lũng Cú không thể không nói đến Cà Mau. Tôi hay dùng bản đồ, vì như vậy, ý thức của mình về không gian cụ thể hơn. Tôi nghĩ, nước ta nhỏ nhưng không lùn. Khi ra nước ngoài có người hỏi Tổ quốc anh ở kinh tuyến nào, vĩ tuyến nào, phải biết mà trả lời cho sát. ( Nhà văn vẽ bản đồ đất nước lên bảng, chú thích rõ địa danh Lũng Cú, Cà Mau ở vĩ độ 23,22 và 8,30; Apa chủ ở kinh độ 102 và Sa vĩ ở kinh độ 108).
Tôi thao thức về Lũng Cú. Lên đến nơi, tôi nghĩ: phía bắc là một mái nhà mà Lũng Cú là thượng lương. Tôi ngồi ở Lũng Cú là ở dưới mái nhà mà trên thượng lương. Tổ quốc là thợ cả đang truyền cho tôi kinh nghiệm làm nhà, xây dựng. Lên đây tôi thấy lê, thấy đậu phụ. Cây lê ở tấc đất cuối cùng có hơn một ngàn quả. Nhớ hình ảnh ông cha trong Bạc Liêu đốt than, đánh cá. Tôi thích hình ảnh anh xã đội với quả lê.
Tôi cho rằng nói chiều dài của Tổ quốc là phải nói từ Lũng Cú đến Mũi Cà Mau. Đứng trước mũi Lũng Cú tột Bắc, càng nhớ tới Mũi Cà Mau cực Nam. Tổ quốc ta có 2 chữ S. Chữ S ngoài biên mềm mại, chữ S bên trong cứng hơn. Mềm của biển, cứng của núi. Kinh tuyến 105 là kinh tuyến xương sống của Tổ quốc.
" Sông Đà", đặt tên có ngụ ý của tác giả. Tên sách bao hàm một chủ đề: xây dựng Tây Bắc, kiến thiết Tây Bắc. Bên xây dựng cơ bản có vấn đề làm đường, mở đường. Tây Bắc là đề tài. Chủ đề là giao thông vận tải. Sông Đà, tôi mượn hình ảnh con sông có sẵn. Ai ở miền núi đều thích, đều có nguyện vọng mở đường. Xây dựng chủ nghĩa xã hội phải phát triển đường sá. Con đường có ý nghĩa đẹp về vật chất, tinh thần. Nó là dấu hiệu của con người. Giời có, nhưng không bao giờ cho đường. Con đường gợi tự hào con người có văn minh. Tài sản quốc gia là những con đường. Con đường còn vận chuyển giá trị văn hoá từ nơi này đến nơi khác. Nơi nào ít đường sá, ở đấy hay có án mạng rắc rối. Hình tượng con đường vào văn thơ là xứng đáng. Mở đường là một, bảo vệ, giữ lấy con đường lại càng quan trọng. Có chương tôi ca ngợi người mở đường; có chương tôi viết về nơi chưa có đường. Than Uyên về lịch sử được giải phóng chậm, về địa lí nằm giữa hai con sông: sông Đà và sông Hồng. Nó nằm trong sa mạc xanh, xanh bực mình. Khi đi đường, tôi không hề gặp ai đi ngược lại. Nó để lại cho tôi một cái gì đó nặng nề. Tôi muốn đi vào nơi rậm rịt, tìm nơi điển hình không có đường sá. Muốn thấy đường mở, tôi đi vào nơi chửa có đường. Có con người mà không có đường. Mậu dịch có, thế mà không bán một cái xe đạp nào. Cái xe trâu bánh đặc cũng không, thuyền cũng không. Than Uyên thèm mở đường. Toi viết về "Gió Than Uyên". Nhưng là gió bất mãn, gió cuộc đời, nó vật vã, kêu ca. Tôi tả hết cuộc sống đau khổ của người không có đường. Có anh kêu tôi không vui. Nhưng không có đường thì vui làm sao. Bây giờ Than Uyên đường xe lớn hàng ba. Cán bộ Than Uyên không sợ đi họp. Tôi kêu cho Than Uyên là kêu cho tôi, cho người công dân có trách nhiệm quản lí tài sản của nhà nước. Tôi không nghĩ mình kêu có làm cho Đảng mở đường không. Nhưng tôi ngờ rằng tiếng chuông của tôi gióng có góp phần trong đó.
Con đường và con người liên quan chặt chẽ nên kháng chiến lần này, Mĩ tập trung phá đường, phá cầu.
Tôi còn muốn lên miền núi nhiều. Ở đó có nhiều vấn đề suy nghĩ. Một phần ba đất nước là rừng, là núi. Rừng núi là duyên nợ với tôi.
Các đồng chí là con em các dân tộc miền núi. Tôi mong rằng ở đây sẽ có những cây bút trẻ nảy sinh.
Sau bài nói chuyện này, nhà văn đã chụp ảnh với chúng tôi, cho một số người chữ kí, và trả lời các câu hỏi có liên quan đến cuộc đời và sáng tác của mình.
BÀI NÀY ĐÃ CÔNG BỐ NHÂN 35 NĂM THÀNH LẬP TRƯỜNG TRÊN VĂN NGHỆ DÂN TỘC & MIỀN NÚI
Người gửi / điện thoại