bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 0855890003

CÁM ƠN ANH ĐỨC BÌNH CỘNG TÁC!CHÚC ANH VUI KHỎE!

 

ĐỨC BÌNH

Xin cám ơn BAN BT trang TÁC PHẨM VÀ BẠN ĐỌC !

 

VŨ NHO 085 589 0003

Tôi không xem chương trình VUA TIẾNG VIỆT. Cứ theo những gì bác Đinh Y Văn tường thuật thì đích thị là TRÒ CHƠI Đoán từ. Người nhìn từ trong Từ Điển, nói "chữ" đầu của từ, rồi nói "chữ" sau. Người kia...

 

Đinh Y Văn

Trân trọng cảm ơn Tổng biên tập đã dành sự quan tâm đến bố con cụ Đinh Y Văn!

 

Đinh Y Văn

Xin có lời thưa lại, hình như cụ ĐYV bị quy oan là “lơ mơ” ?! Tên chính thức vòng 2 chương trình Vua tiếng Việt là GIẢI NGHĨA, không phải là ĐOÁN TỪ bác ạ.

 

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ BÁO, NHÀ NGHIÊN CỨU NGHIÊM THỊ HẰNG!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 32
Trong ngày: 617
Trong tuần: 1354
Lượt truy cập: 774302

NHỚ HOÀNG NHUẬN CẦM

NHỚ HOÀNG NHUẬN CẦM

               Vũ Nho

anh_nho_pb_hnc

NHÀ VĂN VŨ NHO TRÌNH BÀY BÀI VIẾT TẠI TỌA ĐÀM

"NHƯNG CÂU THƠ THỨC ĐỢI MẶT TRỜI" NGÀY 10/5/2024

TẠI 19 HÀNG BUỒM.

               Nhanh quá, mới hôm nào còn uống rượu với Hoàng Nhuận Cấm, Nguyễn Việt Chiến và các thi nhân nhóm Miền Cổ Tích mừng tân hội viên Hội nhà văn Hà Nội. Mới hôm nào vĩnh biệt nhà thơ sôi nổi, náo động, bác sĩ Hoa Súng, tác giả kịch bản phim “Mùi cỏ cháy”…Thế mà nay đã 3 năm!

Hoàng Nhuận Cầm nổi lên như một nhà thơ trẻ gây ấn tượng với chùm thơ được giải của báo Văn Nghệ, một giải thưởng danh giá.

Với tôi, thơ anh để lại ấn tượng sâu sắc. Số là bài thơ “Nghe chim kể chuyện trên đồi chốt” của anh được nhà thơ Xuân Diệu bình khổ thơ 4 câu:

          Mũ tai bèo khẽ nghiêng nghiêng

          Nghe lăn lăn những tiếng chim xuống hầm

          Yêu chim mà chẳng lên thăm

          Bởi vì điểm chốt nên nằm lăng im

Xuân Diệu viết: “Bây giờ tôi mới cảm thấy mình vừa mới thật hiểu bài thơ, phải đọc lần thứ mười mới xúc cảm được đến tận trái tim của bài thơ, nghĩa là của người làm thơ còn phảng phất tuổi thiếu niên thì mới coi sự xa chim là quan trọng, chứ thật là thanh niên rồi thì phải Gửi em cô thanh niên xung phong chứ” ( Xuân Diệu – Đọc những bài thơ viết về bộ đội. Tạp chí Tác phẩm mới, số 43-44 năm 1974, trang 64, 65).

          Tôi đã kính phục và học tập Xuân Diêu. Khi viết tiểu luận “Đi tìm vẻ đẹp của thơ”, tôi đã dẫn vào bài viết của mình và  tâm sự với bạn đọc : “Thơ xin chớ đọc một lần!” (Đi tìm vẻ đẹp của thơ – trong cuốn Vũ Nho – Đi giữa miền thơ, Nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin,  2001, tr. 108).

          Tôi được gặp trực tiếp Hoàng Nhuận Cầm khi nhà thơ về học ở khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Khi ấy là  khoảng năm  1978-1979, tôi về học tiếng Nga ở trường Đại học ngoại ngữ Thanh Xuân. Em rể tôi là Nguyễn Văn Phương, bộ đội phục viên, cùng học lớp với Hoàng Nhuận Cầm. Tôi nhớ lớp đó còn có Nguyễn Anh Dũng, Nguyễn Trọng Tân, Huy Thuấn,…

          Hoàng Nhuận Cầm nói chuyện, đọc thơ rất sôi nổi, “náo động” ( từ của Hoàng Nhuận Cầm). Tôi lặng lẽ theo dõi thơ của Hoàng Nhuận Cầm. Quả thật vô cùng ấn tượng với thơ tình của anh. Thơ Hoàng Nhuận Cầm viết về chiến tranh và tình yêu. Đó là 2 mảng quan trọng. Những câu thơ lạ và độc đáo:

Mai đành xa sông Thương tóc dài
Vạn Kiếp tình yêu xin gửi lại
Xuân ơi xuân… lẽ nào im lặng mãi
Hạ chưa về nhưng nắng đã Côn Sơn.

Mai đành xa sông Thương thật thương
Mắt nhớ một người, nước in một bóng
Mây trôi một chiều, chim kêu một giọng
Anh một mình náo động một mình anh.

Tất cả các con số một đều nhắc sự đơn lẻ,  Các sự vật  mắt, nước, mây chim đều chỉ một: nhớ một người, in một bóng, trôi một chiều, kêu một giọng. Còn nhân vật trữ tình thì sao?

          Anh một mình náo động một mình anh.

Một mình, nhưng không chịu buồn, không chịu lặng lẽ, không chịu lặng im. Chỉ có thi sĩ, chỉ có người mẫn cảm như Hoàng Nhuận Cầm mới làm cái việc độc, lạ như thế:

          Anh một mình náo động một mình anh.

Nguyên nhân của nó thì mọi người đều biết. Chính là bởi vì xa “ Sông Thương tóc dài”!

          Tôi đã chọn bài thơ “Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến” của Hoàng Nhuận Cầm để viết lời bình.  Bài bình đó đã in vào tập “Đi giữa miền thơ”, tập 3, Nxb Hội nhà Văn, 2006, tr. 266, Cũng được in trong tập “Bình thơ”, Nxb Hội nhà văn 2015, trang 363. Rồi sau lại được chọn in vào tập “Văn hóa  Việt Nam thời hội nhập”, Nxb Quân đội Nhân dân, 2021, trang 91.

          Tôi đã tặng sách in cho Hoàng Nhuận Cầm. Và cũng nhận tập thơ Hoàng Nhuận Cầm kí tặng. Cách ghi đề tặng của Hoàng Nhuận Cầm chẳng giống ai. Nét chữ đẹp nhưng trình bày kiểu hoa lá, trẻ thơ!

Dưới đây là bài thơ Hoàng Nhuận Cầm với lời bình của tôi.

 

         

                                                    

HÒ HẸN MÃI CUỐI CÙNG EM CŨNG ĐẾN

                                                     Hoàng Nhuận Cầm

 

     Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến

     Chỉ tiếc mùa thu vừa mới đi rồi

     Còn sót lại bên bàn bông cúc tím

     Bốn cánh tàn, ba cánh sắp sửa rơi

 

     Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng tới

     Như cánh chim trong mắt của chân trời

     Ta đã chán lời vu vơ giả dối

     Hót lên! Dù đau xót một lần thôi

 

     Chần chừ mãi cuối cùng em cũng nói

     Rằng bồ câu không chết trẻ bao giờ

     Anh sợ hãi, bây giờ anh mới nhớ

     Em hay là cơn bão tự ngàn xa.

    

     Quả tim anh như căn nhà bé nhỏ

     Gió em vào- nếu chán- gió lại ra

 

     Hò hẹn mãi cuối cùng em đứng đó

     Dẫu mùa thu, hoa cúc cướp anh rồi...

Lời bình của Vũ Nho

Hẹn hò là đã có tình ý với nhau. Gặp gỡ trong hẹn hò là để khởi đầu cho một quá trình gắn bó. Cuộc tình nào mà chẳng phải trải qua bước hẹn hò. Điều khác thường ở đây là cuộc hẹn này cứ lần lữa kéo dài, cứ hoãn đi hoãn lại. Nó không giống với cuộc hẹn lỡ một lần để mùa xuân cũng cạn ngày như trong Mưa xuân của Nguyễn Bính. Hò hẹn mãi nghĩa là chí ít cũng dăm bảy bận. Đến nỗi đã có thể quên, vĩnh viễn quên nếu không có cái lần cuối cùng em cũng đến. Cái từ cũng ở đây không thể thay thế bằng từ mới, hay đã chẳng hạn. Bởi vì nó là sự kịp thời đến sau cái giới hạn "cuối cùng" nghiệt ngã.

Không rõ cuộc hẹn hò bắt đầu từ bao giờ, nhưng thời điểm "cuối cùng" mà em đến là thời điểm lỡ mùa. Mùa thu vừa mới đi rồi. Sự đến của em không kịp với sự ra đi của mùa thu. Chỉ còn một chút hình ảnh sót lại của mùa thu, như một chứng tích về mùa thu đã ở trong căn phòng này, đã cùng chờ cuộc hò hẹn ấy. Nhưng bông hoa cúc ấy cũng đã úa tàn, héo hon vì chờ đợi:

     Bốn cánh tàn, ba cánh sắp sửa rơi.

Người chủ căn phòng cũng đã cùng với bông hoa chờ đợi nên mới tẩn mẩn đếm kĩ cánh hoa tàn và biết cả cái trạng thái "sắp sửa rơi".

Mới hò hẹn thôi, đã có gì sâu nặng đâu. Thế nhưng mỏi mòn chờ đợi đã làm cho chàng trai dằn dỗi:

     Ta đã chán lời vu vơ giả dối

     Hót lên! Dù đau xót một lần thôi

Thật ra khó mà xác định ai là người nói lời vu vơ, giả dối. Lời hò hẹn mãi kia nhàm chán thành ra lời vu vơ giả dối chăng? Cô gái cứ lần lữa hẹn mà không đến thành ra lời thiêng liêng bỗng hoá trò đùa chăng? Sự vòng vo ngập ngừng mãi qua những lần hẹn không thành của chàng trai chăng? Chỉ biết là lần này phải dứt khoát, phải là hai năm rõ mười. Có vẻ như không khí của đôi trai gái xưa trong ca dao: "Có yêu thì nói rằng yêu. Không yêu thì nói một điều cho xong".

Thế nhưng không thể ngờ tình huống lại đảo ngược như vậy. Hò hẹn mãi, em cũng đến vào thời điểm cuối cùng. Chần chừ mãi, em cũng nói vào thời điểm cuối cùng. Mà là một cách nói hình tượng:

     Rằng bồ câu không chết trẻ bao giờ

Thế là bao nhiêu dằn dỗi, quyết liệt kia bỗng được hoá giải. Không những thế, đang từ thế chủ động lại chuyển thành thế bị động, đang mạnh dạn bỗng thành sợ hãi, dù mới là một dự cảm khi nghe câu nói mà chợt nhớ ra:

     Anh sợ hãi, bây giờ anh mới nhớ

     Em hay là cơn bão tự ngàn xa.

Nhưng bão thì cũng chỉ là gió lớn mà thôi. Cho nên không phải sợ hãi nhiều. Chàng trai đã đủ bình tĩnh để mời mọc:

     Quả tim anh như căn nhà bé nhỏ

     Gió em vào- nếu chán- gió lại ra

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Em đã vượt qua được quan niệm bồ câu không chết trẻ để bây giờ Hò hẹn mãi cuối cùng em đứng đó. Cơn bão liệu còn khả năng nổi gió được không khi mùa thu đã đi rồi? Những cơn gió mạnh liệu có vào căn nhà quả tim bé nhỏ mở rộng cửa đón mời? Và chàng trai, sau bao nhiêu chờ đợi, cái phút giây gặp gỡ này cũng đã muộn, là quá muộn "Mùa thu hoa cúc cướp anh rồi"! Có thể cướp lại được anh từ mùa thu và hoa cúc chăng? Có thể cướp lại. Nhưng có thể chăng cướp lại được mùa thu khi mùa thu đã ra đi? Có thể chăng cướp lại, làm tươi lại bông hoa cúc" Bốn cánh tàn, ba cánh sắp sửa rơi"?...Khả năng thật mong manh, nhưng chưa phải là hết khả năng. Tình thế chưa phải là tuyệt vọng, nhưng cũng gần tuyệt vọng. Câu hỏi còn để ngỏ cho cả hai người.

     Nhưng bài học về sự hò hẹn mãi cuối cùng...thì trở thành một bài học cho lứa đôi muôn thuở.                                                                  

                                                                     Hà Nội 10/2005

Nhân Hội nhà văn Hà Nội kỉ niệm 3 năm ngày rời cõi tạm của Hoàng Nhuận Cầm, nhớ về anh  là nhớ một nhà thơ tài hoa, độc đáo, nhớ một người cháy hết mình với thơ ca. Nhớ về một con người sôi nổi, náo động, nhớ bác sĩ Hoa Súng, nhớ về bộ phim “Mùi cỏ cháy” về thế hệ các anh…

 

                                                                                                   Hà Nội 5/2024

hoa_sung_1

 

 

 

 

 

 

 

 

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)