NHỮNG CHIẾC LÁ ANH ĐÀO VÀ CÂY SÁO
Truyện ngắn của Đát-dai Ô-xa-mu ( Nhật Bản)
Vũ Nho dịch qua bản tiếng Nga với bút danh Võ Nhu
Mỗi lần, khi hoa anh đào rụng và trên cây những chiếc lá nhú lên, tôi lại nhớ chuyện ấy…- Bà kể.
Ba mươi nhăm năm trước, gia đình chúng tôi có ba người : cha tôi, tôi và đứa em gái. Mẹ tôi mất cách đấy bảy năm, khi tôi mười ba tuổi. Lúc tôi mười tám thì em gái tôi mười sáu. Cha tôi được bổ nhiệm làm hiệu trưởng trường trung học của thành phố Xi-rô-xít-ta ven biển Nhật Bản và gia đình chúng tôi chuyển tới đó. Không tìm được chỗ ở thuận lợi hơn, chúng tôi đành thuê hai căn phòng phía sau một ngôi nhà thờ đứng chơ vơ ven thành phố, cạnh chân núi. Chúng tôi sống ở đây sáu năm cho đến khi cha tôi được chuyển về Ma-su-e. Ở Ma-su-e, tôi đi lấy chồng vào mùa thu năm đó, khi tôi đã hai mươi bốn tuổi. Đối với thời ấy, đó là một cuộc hôn nhân quá muộn mằn. Tôi sớm mồ côi mẹ. Cha tôi thì hoàn toàn bị cuốn vào công việc, chẳng có thì giờ lo lắng đến gia đình, nếu không có tôi thì việc nhà rối mù lên ngay. Tôi hiểu rất rõ điều đó nên không đành lòng bỏ cha và em mình mà ra đi. Bởi vậy, tôi từ chối tất cả những ai ngỏ lời. Tôi sẽ chẳng phải bận tâm lo lắng việc nhà đến thế, nếu như em gái tôi mọi chuyện đều bình thường. Nhưng khốn nỗi, nó chẳng giống tôi tí nào. Nó là một cô bé đáng yêu, thông minh, xinh đẹp, có hai dải đuôi sam dài mượt nhưng sức khỏe rất yếu ớt. Nó đã chết sau một năm khi gia đình chúng tôi chuyển đến Xi-rô-xít-ta. Năm đó tôi hai mươi, còn em tròn mười tám tuổi. Chuyện tôi kể xảy ra đúng vào thời gian ấy.
Em gái tôi đau ốm đã lâu. Bệnh của em rất trầm trọng – em bị lao thận. Nhưng người ta tìm ra bệnh quá muộn, hai quả thận đã gần như hỏng hoàn toàn. Bác sĩ nói với cha tôi rằng em tôi không sống nổi một trăm ngày nữa. Chẳng có cách nào có thể cứu chữa được. Một tháng trôi qua. Rồi tháng thứ hai. Thời gian sống của em ngày càng rút ngắn lại. Chúng tôi chỉ biết lặng im chờ đợi. Em tôi chẳng hay biết một tí gì, vẫn vui vẻ như thường, mặc dù trong những ngày cuối cùng em không thể nào rời khỏi giường. Em vẫn hồn nhiên hát những bài hát vô tư, đùa cợt và nũng nịu với tôi. Đầu óc tôi nặng trĩu ý nghĩ: khoảng bốn chục ngày nữa thôi, tất cả sẽ chấm hết. Cổ tôi nghẹn đắng, nỗi đau đớn khủng khiếp đến mức tôi cảm thấy mình không chịu đựng nổi và phát điên lên mất. Tháng ba đã qua, hết tháng tư rồi tháng năm tới. Mọi chuyện vẫn không có gì thay đổi. Rồi đến một ngày, đó là vào giữa tháng năm, ngày mà tôi không thể nào quên.
Núi đồi và đồng ruộng sáng lấp lánh những chiếc lá non tơ. Không khí ấm áp đến mức suốt ngày, người ta chỉ muốn cởi trần. Cây cối rực rỡ làm tôi choáng ngợp; mắt tôi chói lóa vì hào quang của đất trời. Chắp tay sau lưng, đầu cúi xuống, tôi lê bước trên cánh đồng, chìm đắm trong suy tư. Những ý nghĩ sầu thảm tới mức tim tôi như thắt lại và đôi lúc tôi nghẹt thở. Bùng bùng...bùng bùng, từ sâu thẳm của cánh đồng mùa xuân, như là từ địa ngục, tiếng ầm ầm liên tục vang lên, hệt như người ta đang dồn dập thúc vào cái trống khổng lồ. Tôi mụ cả người, hoảng sợ nghĩ rằng mình điên rồi chăng? Tôi đờ người đứng lặng sau phút đau điếng vì kinh hoàng. Sau đó tôi thét lên rồi ngã vật xuống cỏ và khóc nức nở. Về sau, tôi mới hiểu rằng tiếng ầm ầm khủng khiếp làm cho tôi kinh hãi đó là tiếng đạn đại bác của hạm đội Nhật Bản bắn lên. Vâng, chuyện xảy ra đúng vào lúc ấy.
Tiếng ầm ầm của đạn nổ dội đến thành phố Xi-rô-xít-ta, gieo lo âu vào mỗi trái tim dân cư thành phố, nhưng chỉ có tôi là không hề hay biết tí gì. Tôi mụ người vì bệnh tật của đứa em và hoàn toàn mất trí vì đau khổ. Đối với tôi, tiếng đạn nổ như là điềm báo trước sự chẳng lành, như là tiếng trống của địa ngục. Tôi úp mặt xuống đất khóc nức nở rất lâu. Cho đến khi đêm tối ập xuống, tôi đứng dậy, đầu óc mụ mẫm, cảm thấy lồng ngực mình hoàn toàn trống rỗng, tôi lê bước về phía nhà thờ.
- Chị ơi – em gái ốm yếu âu yếm gọi. Em gầy khô, yếu ớt, và hình như đã láng máng biết được những ngày cuối cùng ít ỏi của đời mình. Em không còn đùa nghịch với tôi như trước và cũng chẳng đòi tôi phải săn sóc. Chính điều đó càng làm tôi cảm thấy nặng nề hơn.
- Bức thư đó tới bao giờ hả chị?
Ngực tôi như có dao khía vào tim và máu nóng dồn lên mặt.
- Bức thư tới lúc nào hả chị? – Em nhắc lại, rõ ràng là không hề chú ý đến nét mặt tái nhợt đột ngột của tôi.
Cố lắm, tôi mới trấn tĩnh nổi và trả lời:
- Chưa lâu đâu. Lúc em đi ngủ rồi ấy. Em mỉm cười trong mơ. Chị nhẹ nhàng đặt bức thư xuống cạnh em, lẽ nào, em không hay biết gì ư?
- Không- em tôi bật cười. Những chiếc răng trắng bóng, xinh đẹp của em sáng lấp lánh trong căn buồng tối mờ mờ dưới ánh hoàng hôn nhợt nhạt.
- Em đọc thơ rồi. Thật là kì quặc. Mà hình như em chưa hề biết anh ta!
Sao em lại không biết anh ta nhỉ?
Thế mà tôi lại biết có một người viết thư cho em tên anh ta là M.T. Tôi biết rất rõ anh ta. Không, tôi cũng chưa bao giờ gặp mặt anh ta, nhưng mấy hôm trước, ở góc trong cùng ngăn kéo tôi tìm thấy trong tủ của em một chồng thư được buộc chặt bằng dải băng xanh. Thật chẳng hay ho gì khi đọc trộm thư của người khác. Nhưng không kìm nổi, tôi đã mở chồng thư ra xem.
Tập thư gần ba chục bức. Tất cả đều do một người là M.T. viết. Nhưng trên phong bì, chỗ ghi tên người gửi lại đề những tên phụ nữ khác nhau. Đó là tên những người bạn gái của em. Bởi vậy, cha tôi và tôi đều không hề biết từ lâu em đã thư từ cho bạn trai.
M.T. là anh chàng biết lo xa. Rõ ràng là anh ta đã lấy tên những người bạn gái em tôi, lần lượt ghi lên phong bì. Sự can đảm của tuổi trẻ làm tôi kinh ngạc và tôi giật bắn người vì sợ hãi : Chuyện này sẽ ra sao, nếu người cha nghiêm khắc của chúng tôi biết được? Sau đó, tôi sắp xếp các bức thư theo ngày tháng. Cảm giác nặng nề ập xuống lòng tôi. Tôi lặng lẽ mỉm cười trước vẻ hồn nhiên con trẻ của mối tình đó. Trước mặt tôi như vừa đột ngột hiện ra một thế giới mới, rộng mênh mông. Không nên quên rằng lúc ấy tôi tròn hai mươi tuổi và trong tôi cũng nảy nở những điều thầm kín của nỗi lòng mà tôi không dám thổ lộ cùng ai. Tôi đọc hết bức thư này đến bức thư khác. Tôi có cảm giác những bức thư giống như dòng nước nguồn cuồn cuộn, trong suốt đang chảy xiết. Tôi đọc đến bức thư cuối cùng viết vào mùa thu năm ngoái. Tôi xúc động đến mức nghẹt thở và chân tay bủn rủn, rã rời.
Hóa ra tình yêu của tuổi trẻ không ngây thơ như tâm hồn họ. Tôi đem đốt những bức thư ấy. Qua những bức thư, tôi được biết anh chàng M.T. là một nhà thơ nghèo trong thành phố Xi-rô-xít-ta. Anh ta đã hèn nhát bỏ rơi em gái tôi, khi biết em bệnh tật. Con người ta tàn nhẫn biết chừng nào! “ Chúng ta hãy quên nhau đi!”. Anh ta hoàn toàn bình thản viết những chữ đó. Rõ ràng, anh ta đã hành động như lời anh viết vì đây là bức thư cuối cùng. Và giờ đây, nếu tôi im lặng thì đứa em gái thân yêu của tôi sẽ chết với nỗi đau khổ bị phụ tình day dứt trong lòng. Tôi quyết định giữ kín điều bí mật đó trong tâm khảm của mình. Giờ đây, khi tôi đã biết mọi chuyện, lòng thương em gái trào lên mãnh liệt và trong tôi dần hình thành sự tưởng tượng kì lạ. Những ý nghĩ buồn rầu sầu thảm nặng nề đã xâm chiếm lòng tôi. Cuộc sống biến thành địa ngục trần gian, chỉ có những ai là phụ nữ mới có khả năng thấu hiểu tôi đã trải qua sự dày vò ghê gớm như thế nào. Tôi đau khổ xót xa như chính mình bị lừa dối.
- Chị ơi, chị hãy đọc xem. Còn em thì chẳng hiểu gì cả. Có chuyện gì vậy hả chị?
Tôi lúng, túng, cố giấu sự giả dối của mình:
- Chị đọc được chứ? – Tôi khẽ hỏi và cầm lấy bức thư.
Những ngón tay tôi run run và điều đó làm cho tôi vô cùng bối rối. Tôi hiểu rất rõ nội dung bức thư, nhưng vờ như không biết tí gì và đọc nó với vẻ hoàn toàn vô tư. Tôi đọc to lên:
- “ Anh xin em hãy tha thứ cho anh. Cho đến hôm nay, anh đã nén lòng không viết thư cho em, nguyên nhân chính là vì thiếu lòng tin ở chính mình. Em biết anh nghèo và chẳng có tài năng gì đặc biệt. Bởi vậy anh không thể gắn bó đời mình với em được. Em đừng nghĩ đó là những lời nói hoa mĩ và sáo rỗng, mà đó là sự thật. Em hãy tin anh. Anh rất hổ thẹn vì sự bất lực của mình, vì anh chẳng có gì chứng minh cho tình yêu của anh, đành bằng lòng diễn đạt bằng lời nói mà thôi. Những ngày qua, ngay cả đêm khuya trong giấc mơ, không phút nào anh không nhớ tới em. Nhưng anh không thể gắn đời mình với em. Nỗi bất hạnh của em càng lớn, tình yêu của anh càng mãnh liệt bao nhiêu thì em đối với anh càng xa vời bấy nhiêu. Em thấu hiểu cho anh! Anh không hề lừa dối em. Hoàn toàn không. Anh từ biệt em là trách nhiệm và nghĩa vụ. Nhưng bây giờ đây anh thấy đó là một sai lầm. Đúng thế, một sai lầm. Hãy tha thứ cho anh! Anh đã hành động như một kẻ ích kỉ, ích kỉ vô cùng khi quyết định trở thành một người xa lạ đối với em. Em hiểu chứ, từ trước đến nay anh đã nghĩ rằng nếu mình yếu ớt và cô đơn thì chẳng có gì hơn, rất đơn giản đối với anh là hiến trọn cho em lòng trung thành của mình. Anh nói điều này rất thành tâm, em hãy tin anh. Nhưng bây giờ anh hiểu rằng con người cần phải cố gắng làm tất cả những gì mà sức lực của nó có thể làm được. Thậm chí, ngay cả những việc dù nhỏ nhặt đến đâu. Chẳng có gì là hổ thẹn khi đem tặng một bó hoa bồ công anh cho người mình yêu. Đó là lòng dũng cảm thật sự, là tư cách của kẻ đàn ông. Anh sẽ không lẩn tránh em nữa. Mỗi ngày, anh sẽ làm thơ và gửi cho em. Mỗi ngày, sau bức tường nhà em, anh sẽ thổi sáo cho em nghe. Ngày mai, vào lúc sáu giờ chiều, cây sáo của anh sẽ dạo cho em nghe bài hành khúc thủy quân. Anh thổi sáo cũng không tồi. Hiện giờ, đó là điều duy nhất mà anh có thể làm cho em. Đừng cười anh nhé. Tuy vậy, anh không giận đâu, em cứ cười đi. Rồi em sẽ khỏi bệnh. Chúa thiêng liêng sẽ thấu hiểu và Người sẽ thương đến chúng mình. Anh tin chắc như vậy. Chúng ta- anh và em- là những đứa trẻ được Người cưng chiều. Chúng ta sẽ là một cặp vợ chồng đẹp đôi.
Anh vẫn đợi, anh vẫn chờ
Bên cửa sổ hoa đào đã nở
Cánh đào trắng ngời lên rực rỡ
Sao trong vườn mình em đẹp thế hoa ơi?
Gửi đến em mấy vần thơ. Mọi chuyện nơi anh vẫn tốt đẹp. Mai anh sẽ gặp em. M.T.”
- Cám ơn chị - em nói khẽ - Thế là em hiểu, chị đã viết bức thư đó.
Hổ thẹn xiết bao, tôi muốn xé nát bức thư thành muôn mảnh và giật đứt mái tóc mình. Chắc chắn là trong trường hợp như vậy, như người ta vẫn nói về con người, chẳng biết trốn vào đâu vì hổ thẹn. Vâng, đấy chính là bức thư mà tôi đã viết. Tôi không thể nào bình tâm nhìn em gái mình đau khổ, và tôi quyết định bắt chước nét chữ M.T. từng ngày cho đến khi thật giống để viết cho em. Tôi đã làm thơ và định sáu giờ chiều, tôi sẽ lặng lẽ ra vườn rau và thổi sáo.
Tôi xấu hổ không để đâu cho hết! Chỉ vì thương em, tôi đã lao tâm khổ tứ viết nên bài thơ thảm hại như thế. Tôi lặng đi và vì xúc động, tôi chẳng nói nên lời.
- Chẳng nên bận tâm làm gì chị ạ - Em tôi mỉm cười bình thản đến lạ lùng và hơi pha chút bao dung của kẻ bề trên.- Có lẽ là chị đã đọc những bức thư buộc bằng dải băng xanh của em. Chuyện đùa bỡn ấy mà. Em đã viết những bức thư đó vào mùa thu năm kia. Em đề vào phong bì địa chỉ của mình rồi mang chúng bỏ ở hòm thư bưu điện. Chẳng cần phải dối em làm gì. Tuổi thanh xuân tuyệt vời xiết bao, em càng thiết tha với nó từ khi em lâm bệnh. Tự mình viết thư cho mình, điều đó thật kém cỏi phải không chị? Đáng xấu hổ! Rõ ngốc nghếch, lẩm cẩm! Nếu trong thực tế em có đủ lòng dũng cảm để gặp gỡ người con trai, sự thể sẽ ra sao nhỉ? Thật tuyệt vời, chắc là như vậy, khi cánh tay khỏe mạnh của anh ta ôm em siết vào lòng! Nhưng cho đến nay, em chưa được một lần, ngay cả nói chuyện với một người con trai không quen như là nói về một người vô cùng yêu dấu. Chính chị cũng ở vào cảnh ngộ như em phải không? Trong chuyện này lỗi là ở chúng ta. Chị em mình đều là những người rất thông minh. Ôi, cái chết đáng căm giận, ghê tởm biết chừng nào. Em thương, em tiếc cho cánh tay của em, những ngón tay em, mái tóc của em! Em căm giận, ghê tởm cái chết.
Nỗi buồn phiền sợ hãi, vui mừng tràn ngập trái tim tôi. Tôi chẳng còn biết gì nữa, áp chặt má mình vào gò má gầy nhọn của em gái, ôm ghì lấy em mà khóc nức nở. Lúc đó, vâng, chính vào lúc đó chúng tôi nghe có tiếng gì vọng tới. Nhưng âm thanh không rõ ràng, yếu ớt, nhưng kì lạ xiết bao, đúng là tiếng sáo. Chị em tôi đã nghe thấy. Tôi liếc nhìn đồng hồ - đúng sáu giờ. Một nỗi kinh hoàng không giải thích được trùm lên. Chúng tôi ôm chặt lấy nhau, lặng đi khi nghe bản hành khúc thủy quân chơi vơi trên đầu chúng tôi từ sau vòm lá anh đào rậm rạp tại một góc sâu thẳm trong vườn.
Trời ơi! Thượng đế! Thượng đế đang hiện hình. Lúc đó tôi hoàn toàn tin như vậy.
Hai ngày sau, em gái tôi qua đời. Bác sĩ đứng trước thi hài em, đầu cúi xuống, băn khoăn. Hẳn là vì hơi thở của em đã ngừng, bỗng lại tiếp tục, khe khẽ và gấp gấp. Nhưng tôi không ngạc nhiên. Tôi tin rằng đó là ý nguyện của Chúa. Giờ thì tôi đã già và sau bao ngày tháng bị đè nặng bởi công việc chạy vạy ngược xuôi kiếm cái ăn hàng ngày nên tôi lấy làm xấu hổ về niềm tin kì dị ngày đó. Bây giờ thì lòng tin ấy không còn mạnh như trước. Thâm tâm tôi hồ nghi và tôi bắt đầu nghĩ rằng : Phải chăng chính lúc ấy cha tôi thổi sáo? Hoàn toàn có thể như vậy. Vì khi đi làm về, từ phòng bên, cha tôi đã lắng nghe câu chuyện của chúng tôi và thương chị em tôi, Người đã quyết định làm một chuyện đùa bỡn duy nhất trong đời mình.
- Tuy vậy, biết đâu đấy...Khi cha tôi còn sống, tôi có thể hỏi Người, nhưng Người đã qua đời cách đây mười lăm năm. Không, điều đó dẫu sao vẫn là một ân huệ của Thượng đế!
Võ Nhu dịch qua bản tiếng Nga từ cuốn “ Tình yêu và thù hận”, nhà xuất bản Khoa học, Matxcơva, 1973.
Đăng báo PHỤ NỮ VIỆT NAM số 40 (911), 1974