NỖI NHỚ THÁNG BA
Vũ Thu Hương
Tháng Ba à! Nhớ lắm tháng Ba!
Khung trời biếc xanh bồng bềnh mây trắng
Bông hoa bưởi nõn ngần trong nắng
Vời vợi bên sông hoa gạo gọi mùa.
Ngày không anh chỉ tiếng gió lùa
Lệch vai em đường xa áo mỏng
Mùa nước cạn con đò đứng ngóng
Bóng người xa...hun hút nẻo về...
Tháng Ba giao mùa trở gió tái tê
Đèn hắt hiu, phố rùng mình vì nhớ
Chỉ một ánh nhìn mà cả đời mang nợ
Nỗi nhớ bồn chồn... nỗi nhớ tháng Ba ơi!
Dòng sông nhớ ai mà nỗi nhớ chơi vơi
Hoa cải nhớ ai, mặn mà cuối vụ
Gió nhớ ai ... đêm tháng Ba không ngủ
Vắng anh rồi ...gió xô cả vào em...
Lời bình của Vũ Nho
NHÀ VĂN VŨ NHO
Nỗi nhớ người thương không còn mới lạ trong ca dao và trong thơ cổ điển, thơ hiện đại. Có bao nhiêu cuộc chia xa thì có bấy nhiêu nỗi nhớ. Đến nỗi bây giờ ai đó ngồi thống kê nỗi nhớ trong thơ thì sẽ có một con số khủng. Bản thân người viết bài này đã từng viết một tiểu luận “Mở xem nỗi nhớ”, chỉ bàn về nỗi nhớ trong ca dao mà đã chiếm 11 trang in ( Đi giữa miền thơ, nhà xuất bản văn hóa Thông tin, 2001, tr. 136 – 146).
Như đã nói, còn có chia xa thì vẫn còn nỗi nhớ, ai cũng có quyền và có thể nói nỗi nhớ của mình, để cho mình, cho người mình nhớ, và sau đó là cho bạn bè, cho những người quan tâm.
Vũ Thu Hương không nói nhớ người mà nhớ thời gian, “nhớ tháng Ba”. Tác giả gọi tháng Ba để kể về nỗi nhớ:
Tháng Ba à! Nhớ lắm tháng Ba!
Không gọi tháng Ba ơi, mà gọi tháng Ba à, vì coi tháng Ba là bạn, bạn rất gần, bạn để có thể nói chuyện “nhớ” của mình.
Tháng Ba với “khung trời biếc xanh bồng bềnh mây trắng” (cao và xa).
Tháng Ba với “bông bưởi nõn ngần trong nắng” (thấp và gần).
Tháng Ba với “ vời vợi bên sông hoa gạo gọi mùa” (rộng và xa).
Từ cao xa, đến thấp gần, rồi lại rộng xa,…Cái tháng Ba ấy có lẽ đã ghi dẩu kỉ niệm sâu sắc của hai người.
Thế rồi, chắc chắn như câu lục bát của nhà thơ Đặng Vương Hưng:
Bởi vì người ở người đi
Mới thành nỗi nhớ có gì lạ đâu!
( Nỗi nhớ)
Anh đi xa, nên mới có “ngày không anh”. Ngày ấy quá nhiều gió, và trên sông “con đò” ngóng “Bóng người xa… hun hút nẻo về”.
Tác giả không nói mình “ngóng”, cũng không viết mình “nhớ” người xa. Mà nói “con đò” ngóng, “phố rùng mình nhớ”. Nỗi nhớ ấy không nhớ “người” mà “nhớ tháng Ba”. Nỗi nhớ ấy lan ra làm cho người viết tưởng “Dòng sông”, “Hoa cải”, và cả “Gió” cũng nhớ. Nhớ “chơi vơi”, nhớ “mặn mà”, nhớ “không ngủ”. Đây là cái cách mượn sự vật nhớ để bày tỏ nỗi nhớ của mình.
Người xưa từng than:
Lạnh lùng thay láng giềng ơi
Láng giềng lạnh ít, sao tôi…lạnh nhiều
Tác giả Thu Hương cảm thấy thiếu vắng anh, không có người chở che, bao bọc nên trống trải vô cùng:
Vắng anh rồi… gió xô cả vào em
Vì gió như thế nên người viết càng nhớ. Một nỗi nhớ thẳm sâu, bồn chồn, da diết:
Nỗi nhớ bồn chồn... nỗi nhớ tháng Ba ơi!
Nhớ người xa, chỉ nhớ “tháng Ba” cũng là một đóng góp mới vào những bài thơ NHỚ!
Hà Nội, 22 tháng Ba, 2024.
Người gửi / điện thoại