HẦU CHUYỆN “CON NHÀ NHO CŨ”:
BÙI HẠNH CẨN
Nhà văn, nhà báo, nghệ nhân tranh chữ Bùi Hạnh Cẩn (1919 - 2020) đã rời cõi thế ở tuổi 102, đến nay vừa tròn ba năm. Tưởng nhớ “Uyên Minh họ Bùi” (chữ của Nguyễn Bính), xin quay lại một vài hồi ức “hầu chuyện” cụ cách đây đã gần 30 năm, coi như là một nén tâm hương muộn của người viết, dành cho Bùi tiên sinh.
Không đâu xa, té ra Bùi tiên sinh ngụ trên một căn gác ở ngay đường Trần Phú đất Hà Thành, gần đoạn giao cắt với đường xe lửa xuyên Việt, lúc nào cũng “ngựa xe như nước, áo quần như len”. Tôi biết được địa chỉ này là do cô phóng viên cùng cơ quan tên là Hương Mai (con Tổng biên tập báo Thiếu niên tiền phong, quê gốc ở xã Liên Minh huyện Vụ Bản, gọi Bùi Hạnh Cẩn bằng bác) giới thiệu.
Trước mặt tôi là một ông cụ già dáng hơi xương xương, nhanh nhẹn với cặp kính đen hơi có vẻ huyền bí, không có vẻ gì là một “Uyên Minh họ Bùi” như ý một câu thơ Nguyễn Bính trong bài “Con nhà nho cũ”. Bài thơ này viết năm 1943, khi Nguyễn Bính đang phiêu bạt ở vùng đất phương Nam, gửi tặng Bùi Hạnh Cẩn, cùng với mấy bài thơ khác như “Anh về quê cũ” (Thôn Vân), “Hoa và rượu” “Lá thư về Bắc”...
Sau khi mời khách nước trà và một ly rượu quê, do tự tay pha rót, ông “xin phép nhà báo ăn một miếng trầu”. Đàn ông ăn trầu? Tôi hơi ngạc nhiên, song cũng thầm hiểu rằng “miếng giầu là đầu câu chuyện”. Thấy vẻ vừa ngạc nhiên, vừa tò mò của tôi, ông vẫn miệng nhai trầu bỏm bẻm, cười bảo: ”Bạn trẻ (ông vẫn gọi lớp hậu sinh như thế) có vẻ lạ lẫm lắm nhỉ? Chuyện Trầu cau là một triết lý sống của dân Việt xưa. Nếu bạn rỗi, hôm nào đến đây tôi sẽ nói để bạn hay, có lẽ phải hàng buổi”. Với ai, có thể xem câu này là một “đại ngôn”, nhưng với Bùi Hạnh Cẩn tôi tin là ông thực lòng. Bởi tôi biết ông vừa là một nhà nghiên cứu Hán-Nôm, lại vừa là người sưu tầm văn hóa dân gian có tiếng.
Ông hỏi thăm quê quán tôi, sau đó mới cùng vỡ lẽ ra rằng, trong thời Kháng chiến chống Pháp ông đã có thời gian ở ngay xóm tôi (xã Hải Thanh, Hải Hậu, Nam Định) để tuyên truyền Bình dân học vụ và làm báo “Nam Định kháng chiến”, sau này đổi thành báo “Công dân”. Bố tôi, và một vài người làng, được Thủ tướng Chính phủ thưởng Huy chương K.C hạng Nhì, cũng là do có một số công lao liên quan đến thời kỳ này. Sở dĩ tôi không thể biết ông vì một lẽ đơn giản là, lúc ấy tôi còn nằm trong bụng mẹ (!).
Cũng qua trò truyện tôi mới biết ông từng có bằng văn khoa Đại học Tổng hợp Hà Nội, khóa 1959-1961. Ngoài vốn Hán-Nôm cha truyền con nối, ông còn sử dụng được tiếng Pháp, tiếng Nhật và Quốc tế ngữ (Esperanto). Năm 1994, ông đã sang Seoul (Hàn Quốc) dự Hội nghị quốc tế ngữ, với tư cách là Chủ tịch Hội này ở Việt Nam. Trong khi chuyện trò ông thường đệm đôi ba tiếng Pháp, lúc cao hứng ông còn tiện tay phác nhanh dăm ba chữ Hán bằng bút dạ. Âu đó cũng là thói quen của một hiền giả, đã uyên bác lại uyên thâm, thông tỏ cả cổ kim, lẫn đông tây. Kiến thức, vốn sống mà họ có được không chỉ do đọc sách, mà còn do trải nghiệm và chiêm nghiệm thế giới này bằng cả cuộc đời mình. Nhẽ ra với khối lượng kiến thức đánh nể như vậy, nếu muốn, ông có thể trở thành một cán bộ giảng dậy hoặc là một chuyên viên nghiên cứu của một trường đại học hoặc một viện nghiên cứu có tiếng nào đó. Nhưng không!
- Tôi chỉ là một anh gàn, một lão hâm, một khốt-ta-bít - Ông cười, giọng nửa đùa nửa thật, khi thấy tôi tỏ vẻ băn khoăn về cái sự bình dân, bình dị của ông. Ngừng một lát, ông tiếp:
- Mà suy cho cùng cũng chỉ tại cái mà các bạn gọi là “con nhà Nho cũ” mà ra cả”- Nói đoạn, ông trỏ vào quyển “Nguyễn Bính và tôi”:
- Chắc bạn đã đọc quyển sách này?”- Tôi gật đầu:
- Sao bác không đặt tên sách là “Tôi và Nguyễn Bính?
- Tôi thì có gì đáng nói, hở bạn trẻ - Ông lại cười, vẫn là cái cười nửa đùa, nửa thật - Tôi chỉ giúp bạn đọc, trong chừng mực có thể, hiểu rõ thêm một số sự kiện, chi tiết có liên quan đến cuộc đời và thơ văn Nguyễn Bính mà thôi.
Phải, tôi biết là ông là người hơn ai hết, có toàn quyền nói về tuổi thơ Nguyễn Bính kể từ tấm bé (Nguyễn Bính mồ côi mẹ khi mới ba tháng tuổi, nên hầu như toàn bộ tuổi thơ trải qua bên nhà ngoại thôn Vân Tập, nay thuộc xã Minh Tân, Vụ Bản, Nam Hà, cho đến khi 14-15 tuổi “rời bỏ vườn cam bỏ mái gianh/ Tôi đi dan díu với kinh thành”). Và, ông đã kể, tất nhiên theo cách của riêng ông, về thôn Vân, về xóm Trạm, về những cô Diễm, cô Nhi… và về nhà Nho, nhà giáo yêu nước, đại biểu Quốc hội khóa I, Bùi Trình Khiêm, thân phụ ông, cậu ruột và là thầy dậy Trúc Đường (Nguyễn Mạnh Phác), Nguyễn Bính và chính ông, thuở thiếu thời.
“Vụ Bản Trình Khiêm, Hà Nam Sứ Chỉ”, ấy là câu dân gian dành tặng hai vị hay chữ nức tiếng, song lại lỡ vận, ở vùng đất Sơn-Nam-Hạ xưa. Cụ Bùi dậy nhiều học trò, trong đó có nhiều trò thành đạt, và đây là đoạn hồi tưởng của một trong những học trò xuất sắc của cụ: “… Sau khi anh trai tôi mất, tôi theo học ông Bùi Trình Khiêm, một bạn thân của anh tôi và cũng là nhà nho tiêu biểu có danh vọng nhất trong vùng. Ông Bùi hay chữ, giác ngộ sớm và đã cương quyết đoạn tuyệt với khoa cử từ trước khi bỏ thi Hương. Ông có nhiều học trò. Dưới ảnh hưởng giáo dục của ông, nhiều người đã trở thành những cán bộ phát động phong trào sau này. Những ngày gần ông, tư tưởng tôi cũng được cởi mở…” (Trích Hồi ký Trần Huy Liệu - Nxb Khoa học xã hội, 1989).
Còn đây là một tiểu phẩm trích trong tác phẩm châm biếm “Chớ có cười” (hiện đang được lưu ở Thư viện Quốc gia) của cụ Bùi:
“Anh giỏi về khoa quang học thì đố anh biết đèn dầu thắp bằng gì?
- Dầu lạc
- Không phải
- Dầu hỏa. À, điện khí
- Không phải tuốt
- Vậy thì chịu
- Mỡ dân! Mỡ dân!”
Thật thâm thúy, hiện đại. Ai dám bảo đây là suy nghĩ của một chân Nho hồi đầu thế kỷ này?
Giấc mơ quan Trạng, như một tiền định, xuất hiện không chỉ một lần trong “những bài thơ quê sáng như lụa” (Lời Tô Hoài) của Nguyễn Bính:
Nhà ta coi chữ hơn vàng
Coi tài hơn cả giầu sang ở đời
Ta thường mơ chuyện xa xôi
Mỗi lần ngõ cũ để rơi hoa hòe
Nghe tôi nhắc lại mấy câu thơ này, Bùi tiên sinh giảng giải thêm về hai chữ “hoa hòe”. Rằng từ xa xưa, ngay từ thời nhà Chu bên nước Tàu hoa hòe đã là biểu tượng cho phú quý và danh vọng. Đến thời nhà Đường, khi khoa cử là con đường cho kẻ sĩ giành lấy công danh, hòe còn được xem như những “từ khóa” chỉ khoa cử “Hoè hoa hoàng, cử tử mang” (hoa hoè trổ vàng, các cử tử bận rộn). Cùng với Hán học, truyền thống trồng cây hòe cũng lan sang nước ta với ước mong con cái đỗ đạt thành danh. “Quế hòe” (Một cây cù mộc, một sân quế hòe - Kiều) vì thế chỉ việc gia đình phát đạt, con cái thành tài. Ngõ nhà bố ông, tức nhà cụ Bùi Trình Khiêm, anh mẹ Nguyễn Bính, cũng có trồng thứ cây này và cánh hoa vàng của nó đã “rơi” vào thơ Nguyễn Bính, như một sự hữu duyên. Một thứ hoa khác, dân dã hơn, cũng đã rơi vào thơ Nguyễn Bính, ấy là “Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/ Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy”.
“Mơ chuyện xa xôi” là mơ chuyện khoa cử, mà một khi đã đỗ đạt làm quan là có cả danh và lợi. Vậy nên giấc mơ quan Trạng đã như một nỗi ám ảnh thường trực trong thơ Nguyễn Bính cùng với một tiếng thở dài não nuột:
Bây giờ thời thế biến thiên
Nhà vua không lấy Trạng nguyên nữa rồi/
Mực tàu giấy bản là thôi
Nước non đi hết những người áo xanh
Lỡ duyên búi tóc củ hành
Trường thi Nam Định biến thành trường bay
Cứ theo Bùi tiên sinh cắt nghĩa, thì Nam Định thời Nguyễn cũng là một địa chỉ lều chõng quan trọng ở phía Bắc, thậm chí còn có dạo “Trường Nam thi lẫn với trường Hà”, như trong thơ Tú Xương. Đó là Kì thi Hương năm Đinh Dậu (1897) toàn quyền Pháp Pôn-đu-me cùng vợ đến dự. “Lọng cắm rợp trời quan sứ đến/ Váy lê quét đất mụ đầm ra”, hay “Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt/ Dưới sân ông cử ngỏng đầu rồng” là ông Tú diễu cảnh thi cử này. Những cái tên như Trường Thi, ngõ Văn Nhân đến nay vẫn còn, là dấu ấn của lều chõng ở đất Thành Nam ngày trước, mà bố ông một thời theo đuổi.
Thực tế, tháng 4 năm Kỷ Mùi (1919) (là năm ông ra đời, sau Nguyễn Bính một năm) khoa thi Hội (ở Huế) cuối cùng được tổ chức, đánh dấu sự chấm hết chế độ Nho học ngự trị hàng nghìn năm ở xứ An Nam ta. Sách “Khải Định chính yếu” chép lời phê của nhà vua vào tờ trình của bộ Học như sau: “Kỳ thi năm nay là khoa thi cuối cùng, đường khoa cử từ đây dứt hẳn. Trẫm nghĩ rằng quy chế cựu học đã không còn đáp ứng được điều mong muốn, trong khi con đường tương lai của tân học đang thênh thang mở rộng trước mặt”. Thơ Nguyễn Bính cũng ghi nhận sự kiện này “Mấy khoa thi chót thầy ơi/ Thầy không thi đỗ để rồi làm quan/ Để rồi lắm bạc, nhiều vàng/ Để cho con được lấy nàng, thầy ơi!” (Nhà tôi).
Giấc mơ quan Trạng của Nguyễn Bính, thiết nghĩ, có là giấc mơ truyền đời của người nông dân Việt Nam chân lấm tay bùn thời trước mong một lần đổi đời, một lần hóa kiếp? Hay đây là tâm sự của lớp nhà Nho cuối mùa “Lỡ duyên búi tóc củ hành” được “phổ vào đàn ấy từ ngày còn thơ”, để rồi gặp lúc canh tàn, rượu tỉnh lại lờ mờ sống dậy làm khổ nhà thơ? Không rõ! Chỉ biết rằng với Nguyễn Bính:“Mười năm vay mượn vào kinh sử/ Đã giả xong rồi nợ bút nghiên” (Xóm Ngự Viên). Những điển cố, điển tích Tàu xưa do “cậu Khiêm”, một nhà Nho tài hoa mà bất đắc chí, truyền dậy đã được Nguyễn Bính nhập tâm và sau này đưa vào thơ rất nhuyễn và đắc địa, nhất là ở những bài làm theo lối cổ phong, trăm câu một vần.
Tương tự như Nguyễn Bính, Bùi Hạnh Cẩn yêu thơ, làm thơ ngay từ sớm, song là người đa tài, ham thích cái mới, ông còn chia sẻ niềm đam mê của mình cho nhiều lĩnh vực khác, như nghiên cứu Hán-Nôm, biên soạn, dịch thuật, sưu tầm văn học dân gian, viết báo, làm báo. Vậy nên, có người đã tỏ ra lúng túng, vì không biết gọi ông là gì cho “chuẩn”. Thiết nghĩ, có lẽ “nhà văn hóa dân gian” là danh hiệu thích hợp với ông hơn cả, dù ông đã từng làm báo “Công dân” ở Liên khu ba thời chống Pháp, lại có thời từng giữ cương vị là Quyền Tổng biên tập báo Thủ Đô (nay là báo Hà Nội Mới), Chánh văn phòng Hội nhà báo, Tổng thư ký Hội văn học nghệ thuật Hà Nội.
Về trước tác, biên soạn, có thể kể sơ qua một số tác phẩm của ông, như “Kẻ dọc Đông Ngàn” (viết chung với Tô Hoài), “Lê Quý Đôn”, “Hồ Xuân Hương”, “Bà Điểm họ Đoàn”, “Chợ Viềng, hội Phủ”, “5.000 thành ngữ Hán-Việt”, “Từ vựng chữ số và số lượng” …Ông cũng đã dịch 192 Bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du, Chinh phu ngâm, thơ văn Hải Thượng Lãn Ông, thơ Đường… và nhiều bản dịch các tác giả khác còn đang ở dạng bản thảo. Vốn kiến thức cùng sự tài hoa, lịch lãm tiếp thu được từ cha mình đã giúp ông rất nhiều trong trước tác và dịch thuật.
Cũng như cha mình, ông có đầu óc châm biếm sắc sảo. Những bài báo ký tên “Lê Xung Kích” thời chống Mỹ cứ xui ta liên tưởng đến những tiểu phẩm thâm thúy, sâu cay trong “Chớ có cười” của cha ông thời trước. Quyển truyện ký “Năm đời tổng thống Mỹ” mà ông là tác giả đã được tái bản nhiều lần.
Như đã nói, Bùi Hạnh Cẩn yêu thơ, làm thơ ngay từ sớm (thơ ông đã có bài được đăng báo trước năm 1945, cũng như rải rác trên các báo thời sau này), lại là Hội viên sáng lập Hội nhà văn Việt Nam, Tổng thư ký Hội văn học nghệ thuật Hà Nội một thời, vậy mà cho đến nay, ông vẫn chưa công bố một tập thơ in riêng nào. Vì sao? Tôi chưa tiện hỏi ông lý do cụ thể.
Vui chuyện, ông kể với tôi rằng: Vào năm 1991 có dịp vào lại phương Nam, để đáp lại thịnh tình của bè bạn trong đó, ông có viết bài thơ “Hành phương Nam” như có ý gợi lại nỗi niềm của Nguyễn Bính, bạn thơ xưa, gọi là có chút quà lưu niệm. Bài thơ đã được đăng ở một tờ báo lớn ở tp. Hồ Chí Minh. Sau đó, một nhà thơ có tiếng (gốc Nam Định) đã viết một lá thư dưới hình thức thơ khen ngợi ông, trong đó có những câu ý nói: “Người đọc gặp lại Thâm Tâm, gặp lại Nguyễn Bính trong anh”. Ông đã trả lời rằng, ông rất cảm động vì những lời ân tình ấy “song dù bạn có lòng chiếu cố viết như thế, nhưng thực tế thơ tôi không thể hay bằng thơ Thâm Tâm, Trần Huyền Trân, Nguyễn Bính, cũng như nhiều nhà thơ tên tuổi khác trên đất nước”. Như vậy, không chỉ khiêm tốn, ông còn là người khá biết người, biết mình nữa.
Nhân dịp này, tôi hỏi ông:
- Thưa bác, vậy “Cắm sào sông Mã xứ Thanh/ Tôi buồn khi biết đò anh quay về” rồi “Cẩn giờ không lập công danh/ Cẩn giờ lại hóa Uyên Minh họ Bùi” trong Con nhà Nho cũ thì nên hiểu bối cảnh của những câu thơ này như thế nào?”.
Ông cười to:
- Thì mình giang hồ qua quýt cùng Nguyễn Bính vào xứ Thanh, đã tính chuyện “hành phương Nam”, song cấn cá vì nhiều lẽ, rồi “cài số lùi”. Còn Nguyễn Bính vài lần vào Sài Gòn, kháng chiến nổ ra, vào bưng biền, rồi cắm sâu ở vùng đất phương Nam mãi cho đến ngày tập kết ra Bắc. Bài “Con nhà nho cũ” Nguyễn Bính nói về gia đình, gia phong trong bối cảnh biến thiên của thời thế, và cũng có ý chê mình không có gan giang hồ. Ấy nói thế, chứ trước sau mình cũng đã hai lần hành phương Nam, vào sâu tận quá Sài Gòn cơ đấy.
- Những hai lần cơ ạ? – Biết tôi ngạc nhiên, ông giải thích:
- Chả là hồi đó mình mê làm ảnh, học chụp ảnh, muốn lập thân bằng nghề ảnh. Mà nghề này ở Sài Gòn vào lúc ấy đang phát đạt.
Thấy tôi quan tâm đến những chi tiết lý thú này, Bùi Hạnh Cẩn lục tìm trong mớ tài liệu của ông rồi đưa tặng tôi bản potocopy khổ giấy A4 bài “Hành phương Nam” đánh máy, mà lời “chua” ở dưới là “Bến Nghé, đêm 23 tháng Chạp, năm Mùi, 1991”, như là để ghi dấu buổi gặp gỡ này.
Ông tạm gọi đó là “những thử nghiệm về tranh chữ Nôm” - Một thứ chữ ông cha cải biến từ chữ Hán, mà Nguyễn Gia Thiều dùng để viết “Cung oán ngâm”, Nguyễn Du viết Truyện Kiều, Đoàn Thị Điểm dịch “Chinh phụ ngâm khúc”, Hồ Xuân Hương giãi bày thân phận trắng tròn, Bà Huyện Thanh Quan hoài cổ dấu xưa xe ngựa… những kiệt tác văn học cổ điển của Việt Nam. Tranh chữ được sáng tạo dựa trên tính chất tượng hình, gợi ý của cả chữ Nôm và chữ Hán. Để khỏi mang tiếng là “đánh đố” người xem (bởi thời nay, không mấy ai rành thứ “chữ Thánh hiền” này), nên bên cạnh, hoặc dưới tranh ông thường “chua” thêm chữ quốc ngữ và cả quốc tế ngữ nữa.
Thấy tôi tỏ ý thú vị với cái gọi là “tranh chữ”, một thú chơi thanh tao, độc đáo, Bùi tiên sinh cắt nghĩa:
- Tôi chơi tranh chữ cũng giống như người ta chơi chim, chơi cây cảnh, cá cảnh, chó cảnh. Gọi nó là gì thì tùy, miễn là nó gợi lại được hồn cha ông, hồn dân tộc, sống lại một nét xưa. Nó giúp tôi thăng hoa trong giây phút. Tuổi già thế là vui rồi, là lãi rồi!
Cũng theo ông, thì Nguyễn Bính có lối viết chữ thảo cho cả Hán tự lẫn Việt tự rất bay bướm, tài hoa. Còn “lãi”, ông không nói rõ ra là gì. Nhưng, thiển nghĩ thì có lẽ là nếu so với Nguyễn Bính thì Bùi Hạnh Cẩn có được tuổi thọ gấp hai lần tác giả “Lỡ bước sang ngang”, cuối đời lại gặp thời đổi mới, để ông còn có dịp thỏa mãn cái năng khiếu “tranh chữ”, ít nhiều trời cho mình.
Nói đoạn, ông trải mấy tờ giấy đỏ khổ lớn rồi dùng bút dạ ngẫu hứng mấy chữ để khách, là tôi, “mục sở thị”. Những chữ “Đạo”, chữ “Đò”, chữ “Hoa”, đứng xen với những câu thơ Nguyễn Bính, như “Cách 1 ngày ngựa cách 3 ngày đò”, “Ngùi trông theo chị khuất làn dâu thưa”, “Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào”… dần hiện ra dưới bàn tay già, song nét đưa còn rất mềm mại, bay bướm. Nhìn ông hành bút như một nghệ nhân lành nghề, tôi rất cảm phục, dù chưa thật rõ cái nghĩa lý sâu xa hàm chứa trong mỗi nét tranh, nét chữ. Có trực tiếp chứng kiến ông ngẫu hứng bút lông như thế, tôi mới càng thấm cái nét hào hoa tiềm ẩn cha truyền con nối ở những người “vốn mạch thư hương” như ông, như Nguyễn Bính. Nét chữ nét tranh của ông lúc thì bổng như dây đu, khi thì chùng như dây võng, lúc thì ngập ngừng phân vân, đứt nối như một hẹn ước không thành.
Được biết, ông đã nhiều lần mài mực ở Văn Miếu (Hà Thành), cho chữ ở Thư viện Trung ương, trình diễn tranh chữ ở đất Sài Thành, cũng như cho chữ, trình diễn ở bất cứ nơi nào có dịp. Viết đến đây, trong tâm trí tôi bỗng vang lên một đoạn lục bát trong “Con nhà Nho cũ”:
Cần giờ không lập công danh
Cẩn giờ lại giống Uyên Minh họ Bùi
Nhưng mà nói thế mà chơi
Tôi tin tưởng lắm Cẩn rồi lại đi
Mắt xanh thiên hạ thiếu gì
Người ta trống một bến xe đợi chờ
Có tài kẻ chuốc người mua…
Phải “Có tài kẻ chuốc người mua”! Mây bay hạc lánh. Mùa xuân này bước vào tuổi bảy bảy, Bùi tiên sinh ngẫu hứng bút lông ở nơi nao?
Quan-Hoa-Các, những ngày cuối năm Hợi, 1995
Bùi Hạnh Cẩn
HÀNH PHƯƠNG NAM
Lần đầu lênh đênh qua biển rộng Đón nhau Vĩnh Long dừa mông mênh Lần hai dặm ngàn đường xuyên Việt Đón nhau rạng đông chợ Bến Thành Lần này trời mây lại rong ruổi Đón nhau Bến Nghé ánh mắt xanh Cho dù mái đầu càng bạc trắng Càng cao giọng hát phương Nam hành
Nhớ quá nửa đời rồi thế đấy Mà sao, mà sao qua rất nhanh Ngày ấy tôi một gã làm ảnh Bốn phương mờ mịt chưa hiện hình Vào đây mấy tháng trời lưu lạc Vẫn nhiều bà con cưu mang mình Nhớ cô hàng phở bên Khánh Hội Nhớ anh thợ giày Sa-bua-ranh Nhớ chàng viết báo đường Phú Nhuận Nhớ người lái xe đường Lộc Ninh Họ tên quê quán nhớ không đủ Ai khuất? Ai còn? Ai khổ? Vinh? Ơn ai biết lấy chi đền trọn Chê cũng đành thôi, trách cũng đành
Ngày ấy trên đường tôi về Bắc Nguyễn Bính, Huyền Trân vô xứ Thanh Trát phấn, đeo râu Bính đóng kịch Cầm loa nhắc vở Trần thuyết minh Mấy “bóng giai nhân” chả khuất bóng “Thảm bay” nổi gió không nổi danh Huyền Trân giờ theo Trần công chúa Vào sâu ngàn lẻ một đêm trinh Nguyễn Bính con nhà nho cũ ấy Tìm cô hái mơ Hinh Bồng-Doanh
Chuyện cũ gọi là nhắc đôi chút Trang đời trước mặt còn thênh thênh Còn câu đùa vui xin chép nốt Viết lách, vẽ với, ma-két-tinh Giao thừa sử thi trời rạng sáng Thì tăm tối mấy chả sang canh…
Miền Bắc đào đỏ thơm má gái Miền Nam mai vàng vẫy trai lành Ta lại nhìn ta Nam Bắc hội Hôm nay thành phố Hồ Chí Minh Gửi nhau tạm mượn lời thơ nữ “Nhất áp xuân giao vạn lý tình” [1]
Bến Nghé, đêm 23 tháng Chạp, năm Mùi, 1991 ____________________________ [1]. Một chén men xuân vạn dặm tình (Câu thơ của một nữ sĩ họ Trần đời Minh, TQ)
|
Người gửi / điện thoại