bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÁC ĐỖ CHIÊU ĐỨC VỀ MỘT MỐI TÌNH THUỞ HỌC TRÒ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÁC SĨ HÀ HẢI ANH ĐÃ CỘNG TÁC!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÁC ĐỖ CHIÊU ĐỨC!BÀI THƠ TẶNG PHU NHÂN RẤT THÚ VỊ!CHÚC CÁC BÁC AN KHANG THỊNH VƯỢNG!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN VŨ THẢO NGỌC!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÁC ĐỖ  CHIÊU ĐỨC! LUÔN CÓ LIÊN HỆ ĐẾN TÁC PHẨM VĂN HỌC VIỆT NAM! CHÚC BÁC AN LÀNH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ KIỀU HỌC VƯƠNG TRỌNG! THÚ VỊ!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 29
Trong ngày: 169
Trong tuần: 1219
Lượt truy cập: 885326

PHU TRẺ NHÙ CỒ SAN

Nguyễn Xuân Mẫn

PHU TRẺ NHÙ CỒ SAN

   Từ Mường Hum, theo tỉnh lộ 156 lên Y Tý huyện Bát Xát  tỉnh Lào Cai, khi ra khỏi  cửa rừng già du khách nhìn thấy trong sương giăng ẩn hiện những ngôi nhà của đồng bào Hà Nhì. Đây chính tín hiệu thông báo đã vào vùng đất Y Tý nơi có đông đồng bào Hà Nhì đen cư ngụ.

   Hơn 20 năm trước, khi đường ô tô dài 20 cây số từ Dền Sáng mở lên Y Tý, vùng đất quanh năm trắng mưa và mây mù bừng thức dậy tiềm năng du lịch giàu có, chẳng kém gì Sa Pa hay Bắc Hà nổi tiếng. Cùng thời  gian đó, hình thành  ngôi làng mới này. (Tiếng  Hà Nhì không gọi thôn là bản, bản chải  mà là phu) Đâu chỉ đơn thuần là giãn dân do người mỗi ngày một đông, phu Hà Nhì mới gồm 30 gia đình trẻ muốn phát huy sức mạnh thuận vợ thuận chồng; xây dựng bản trở thành vườn hoa xuân mời  đón khách viễn du.dsc_0502

   Nằm ở độ cao chừng gần 2.000 mét so với mực nước biển, bản Hà Nhì  trẻ được thiên nhiên thưởng cho khí hậu quanh năm mát mẻ để mùa đông đến, khi nhà khí tượng thông báo Sa Pa có băng tuyết, thì nơi đây băng tuyết đã phủ trắng bản trắng rừng. Phu trẻ người Hà Nhì  nằm ngay cửa rừng già với những cây rừng cổ thụ nên gần như rừng nguyên sinh. Năm này qua năm khác được bàn tay gió uốn nắn những thân cành thành vô vàn rồng rắn đua nhau vươn mình trong mây trời. Cây nào cành nấy phủ đầy rêu mốc, phong lan như khoác tấm áo lông dầy, tôn thêm sức sống vĩnh hằng của rừng già. Khi hơi ấm mùa xuân tràn khắp nơi, là lúc hoa rừng đua nở. Mở cửa mùa xuân là đào phai phơn phớt màu hồng, đào rừng thắm đỏ gọi hoa phong lan và muôn loài hoa khác đua sắc ngát hương qua mùa xuân sang mùa hè. Giữa rừng già gần bản, nhô lên ngọn núi đá tựa chiếc sừng trâu non mới nhú, tiếng quan hoả gọi là Nhù Cồ San. Người ta lấy tên ngọn núi này đặt tên cho bản với mong muốn bản trẻ vững vàng như đá núi và tràn trề sức mạnh như trâu mới trưởng thành. Theo quy định về quy mô hành chính, cách đây 6 năm, thôn Nhù Cồ San sáp nhập với thôn gần đó để thành thôn Mò Phú Chải. Từ thôn trẻ trở thành xóm trẻ nhưng Nhù Cồ San vẫn giữ nguyên sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng dân tộc của một phu Hà Nhì. Cùng với những kỳ thú của trời mây rừng núi, bản sắc phong phú của người Hà Nhì và sự chuyển mình trên con đường xây dựng nông thôn mới, phu trẻ Nhù Cồ San ngày một thu hút đông khách du lịch thập phương.

   Ngay từ ngày mới dựng nhà lập bản, vẫn là những ngôi nhà trình tường dầy tới ba gang tay, bốn mái liền sít vào nhau để chống chọi với những trận cuồng phong tưởng chừng thốc mòn đá núi. Được Nhà nước hỗ trợ mái phibrô xi măng thay cho mái cỏ gianh chỉ vài năm đã bị mục nát. Không ít nhà dư dật đồng tiền mua tôn về lợp nên những ngày nắng đẹp từ xa nhìn vào bản tưởng chừng như vườn hoa xuân mới nở. Nhà vẫn là một cửa ra vào, bên trong cửa chừng hai mét là tấm bình phong bằng đất để chắn gió lạnh. Ngày xưa tấm bình phong đất này còn là tấm khiên vững chắc chống trả bọn phỉ vào phu cướp bóc. Những năm gần đây kinh tế ngày càng phát triển và với sự tiếp nhận kiến trúc mới, những ngôi nhà xây một hoặc hai tầng mọc lên xen giữa những ngôi nhà trình tường, tạo thành nên một phu Hà Nhì của thời đại mới. Các nhà xây có thêm cửa phụ hoặc cửa sổ lắp kính, lấy ánh sáng ngoài trời nên trong nhà không u tối như trước mà vẫn ấm áp. Sự sắp xếp  trong nhiều nhà xây vẫn giữ nguyên phong cách của nhà Hà Nhì truyền thống. Sàn ở gian chính xây thành bậc, thay cho sàn gỗ, vẫn bên trái đặt giường gia chủ, nửa bên phải đặt bếp, góc liền đó là bàn thờ tổ tiên, theo tiếng Hà Nhì là  À bú khư. Còn bên trái là buồng ngủ của vợ chồng con trai. Từ ngày mới dựng bản, cùng với bầu trưởng thôn điều hành các hoạt động chính quyền, là bầu trưởng phu truyền thống, và bàn chọn lựa các khu rừng thờ cúng của phu. Người đứng đầu phu tuy còn trẻ nhưng hiểu được duy trì những  phong tục của dân tộc và có uy tín với mọi người.     

   Sự tiếp nhận tiến bộ của thời đại và kinh tế phát triển giúp cho trang phục của người Hà Nhì phu Nhù Cồ San thêm phong phú vì bây giờ ai cũng có đủ loại khăn, mũ, quần áo rét. Thêu thùa đơn giản không dùng nhiều màu sặc sỡ, nhưng trên nền vải đen, xen những viền trắng viền xanh và gắn điểm những đồng bạc trên áo, phụ nữ Nhù Cồ San vẫn giữ nét đẹp truyền thống của dân tộc Hà Nhì. Mùa đông không còn cảnh người người phải co ro trong áo lá hay khoác mảnh chăn rách. Ổ rơm, chăn sui nhung nhúc bọ chó của những ngày nghèo khổ xưa kia, chỉ còn là ký ức buồn trong lời kể của người già. Mời khách từ phố tỉnh vào phòng nghỉ trên chiếc giường môđec rải đệm mút dầy, xếp ba bốn tấm chăn len màu sặc sỡ, anh Ly Giờ Suy khoe: “Bây giờ nhà nào cũng có nơi nghỉ như nhà cháu, nếu cần sẽ đón khách du lịch. Phòng tắm ở kia, cháu vừa bật điện chỉ muơi lăm phút nữa mời bác tắm nước nóng!”

  dsc_0018 Mạnh bước đi lên theo thời đại giúp cho phu trẻ Nhù Cồ San khác cha ông xưa rất nhiều. Dòng điện lưới quốc gia không chỉ phục vụ cho sinh hoạt, mà còn thay sức người làm việc. Cả xóm tuy chỉ có vài ba chiếc máy xay xát nhưng chỉ cần bập cầu dao điện mươi phút là năm sáu chục cân thóc thành gạo trắng bong mà không phải sàng sảy bụi bặm. Những ngày lễ tết, các chị các cô nhờ cánh tay điện  quay chiếc máy nghiền vù vù, chưa nghe xong bài hát Xuân về trên rẻo cao của đài tiếng nói Việt Nam …là gùi xôi nếp cẩm đã thành bốn năm chục bánh dày dẻo quẹo. Trong bản còn mấy chiếc cối giã gạo nước, vẫn ngày đêm cất lên điệp khúc két ụp xoà… tuy nhiên nó  không phải giã gạo, mà cùng với cối đạp chân, cối chày tay trở thành “phông nền” cho khách du lịch quay phim chụp ảnh làm kỷ niệm ở phu trẻ Nhù Cồ San. Nhờ dòng điện, máy bơm cầm tay chỉ xịt mấy phút là ô tô, xe máy sạch bùn đất. Bếp ga, nồi cơm điện, bình nóng lạnh dùng điện trong nhà tắm đã trở thành thông dụng trong mỗi gia đình. Đâu chỉ riêng là nếp sống văn minh mà những đồ dùng ấy trở thành tấm rào vô hình góp phần cho tán rừng ngày một rộng thêm.  

   Ngay từ ngày lập bản, đường chính trong thôn cùng các ngõ xóm đã hình thành và dần dần được đổ bê tông cho ô tô, xe máy đi lại. Đường làng ngõ xóm lúc nào cũng có xe mang biển số các nơi trong nước đưa khách du lịch đến Nhù Cồ San. Tiếng còi xe khách du lịch vang lên ngoài đường, thúc giục nông lâm sản trong nhà ra mời đón khách. Xuyên khung, thảo quả toả hương thơm ngào ngạt quyến rũ khách viễn phương. Mấy năm gần đây hoàng sin cô (còn gọi là sâm đất) trở thành hàng đặc sản của Nhù Cồ San và vùng cao Y Tý. Những năm trước, bí ngô, su su và củ cải… chẳng mấy ai trồng để bán vì nhà nào cũng có, bây giờ khách vào tận vườn đòi mua bằng được vì rau củ ở đây không có hoá chất lại rất ngon. Vốn là quê hương của các loài cây ôn đới, nhiều gia đình đang chuyển hướng canh tác  nông nghiệp sang trồng sơn tra, lê tai nung, đào phai, phong lan và nấm hương. Vẫn nguyên bản nhà trình tường nhưng dăm ba nhà cải tạo thành homestay sẵn sàng đón khách du lịch dù dịch covid - 19 cứ rập rình đe cấm cửa. Muốn đóng góp công sức cho quê hương, mấy thanh niên bản Nhù Cồ San trẻ đặt tấm bằng đại học trong khung kính, trang trọng treo lên tường rồi vừa học thêm vừa làm nghề hướng dẫn viên du lịch và đón khách nghỉ.  

   Cuối chiều, từng tốp từng tốp học sinh nhảy chân sáo về bản. Khi gặp khách, các em nép sang bên đường, nói lễ phép bằng tiếng Kinh rất sõi: “Chúng cháu chào các bác các cô ạ!” Ánh nắng hoàng hôn càng tô hồng thêm đôi má của những cô bé  phu trẻ Nhù Cồ San. 

                                                                      Lào Cai, tháng 5 năm 2022

                                                                                   N . X . M

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Nguyễn Thị Mai
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003.
Nhà văn, Phó Gs, Tiến sỹ VŨ NHO:  vunho121@gmail.com