bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN - NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ LÀM VIDEO CLIP RẤT SINH ĐỘNG!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN  NHÀ BÁO ĐẶNG THỦY ĐÃ ĐẶT HÀNG VÀ DÙNG BÀI VIẾT NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Cám ơn nhà văn Nguyễn Đông Nhật!A DI ĐÀ PHẬT! AN LÀNH CHO CÁC BẠN ĐỌC TRANG NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 16
Trong ngày: 74
Trong tuần: 1326
Lượt truy cập: 647093

PỜ SẢO MÌN - CON TRAI NGƯỜI PA DÍ

PỜ SẢO MÌN

CON TRAI NGƯỜI PA DÍ

                                        Vũ Nho

chn_dung_vn_comle

                  Tác giả Vũ Nho

          Ngày 10 tháng 10 năm 1944, nhà thơ Pờ Sảo M ìn, con trai người Pa Dí chào đời trên  núi cao của miền đất Mường Khương, vốn tên  là Mưng Khang (vùng đất có gang, có thép). Nhà thơ đã viết về sự kiện này:

          Con trai người Pa Dí

          Mẹ sinh ra trên đỉnh đá tai mèo

          Uống nguồn nước trong veo

Và có lần nhắc lại “Anh sinh ra trên đỉnh rừng núi cấm […] Anh sinh ra chân trời biên giới” (Đến bây giờ em có còn yêu  tôi nữa không?); “Thu Bô dòng nước mát trong veo/Ngọt ngào sữa mẹ/ Đã nuôi tôi khôn lớn nên người” ( Túp lều tôi).

Con trai người Pa Dí” là tên một bài thơ mà nhà thơ tự hào không chỉ cá nhân mình, mà là tự hào về những chàng trai dân tộc mình, những con  người có vẻ đẹp mạnh mẽ, cường tráng. Nếu nhà thơ Y Phương dân tộc Tày tự hào “Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương”, thì Pờ Sảo Mìn hãnh diện:

          Con trai trần trong mặt trời nắng cháy

          Ép đá xanh thành rượu uống hàng ngày

                         ( Cây hai ngàn lá)

Và  khi nói về mình, về  những người con trai Pa Dí thì  hồn nhiên, thẳng thắn, tự hào:

          Dáng vẻ ngang tàng như quẫy đạp trần gian

          Con trai người Pa Dí/ Đã đi là đến/ Đã đến là ở/ Đã ở là ở rất lâu

          Đã yêu là yêu nhiều, yêu mãi/ Yêu cho đến tận cùng man dại

Con trai người Pa Dí/ Không hận thù ghét bỏ với ai

Đi chín phương là chín phương bè bạn

Đến mười phương là mười phương thương nhớ

                   ( Con trai người Pa Dí)

Một cách nói rất độc đáo, rất riêng về  mình và dân tộc mình. Như trong một bài thơ khác, nhà thơ khẳng định con người nói chung và người Pa Dí nói riêng là người có văn hóa  “Biết ăn, biết uống,  biết chết, biết sống, biết yêu” ( Người).

Về những người con gái dân tộc, cũng là những con người thật đẹp, thật đáng yêu:

Con gái cũng vén tay khoe tài

Tước vỏ cây thêu áo đẹp ngày mai

                 (Cây hai ngàn lá)

một thời con gái

Tóc dài như suối, mắt sáng như sao/ Nghe em nói giọng chim mi ngọt ngào

Náo nức lòng tôi/ Con trai người Pa Dí

              (Vợ tôi)

Nói về dân tộc mình, Pờ Sảo Mìn có nhưng câu thơ đẹp và hình ảnh lạ. Đó là một cái cây lớn trong rừng có hai ngàn lá, “một cây đứng trong muôn rừng cây đứng” :

Dân tộc chỉ có hai ngàn người/ Biết gọi gió gọi mưa gọi nắng

Chắn suối ngăn sông nước ngược dòng/ Ngô lúa cười vui tận chân trời đó

Rượu uống quanh năm nước vẫn chảy về

                     (Cây hai ngàn lá) 

Niềm tự hào về dân tộc mình, về quê hương núi đá Mường Khương biên cương của Tổ Quốc được nhà thơ thể hiện sâu sắc. Mấy tiếng “người  Pa Dí” luôn được vang lên kiêu hãnh cùng với  tên địa phương và tên đất nước:

Mường Khương xanh rất xanh

Đất nước xanh rất xanh, như lá xanh, như bầu trời xanh

Biên giới ơi, yêu lắm một cung đàn

Một cung đàn tròn như dân tôi người Pa Dí

                   (Đất nước tôi xanh mãi một cung đàn)

Nhà thơ Xuân Diệu đã từng ví mình như một con chim  ca hát: “Tôi là con chim đến từ núi lạ/ Ngứa cổ hát chơi” ( Lời thơ vào tập Gửi hương). Có thể nói Pờ Sảo Mìn cũng là một con chim lạ như thế. Tuy rằng nhà thơ khiêm tốn coi mình chỉ là một chú gà rừng.  “Tôi chỉ là con gà rừng/ Trên triền núi cao hoang vu/  Uống sương mù và ăn sỏi đá/ Và cất tiếng gáy chẳng còn ai xa lạ”. Nhưng gà rừng thì cũng là một loài chim chứ sao! Và tiếng gà ấy là tiếng chim  lạ của rừng xanh, tiếng cất lên từ niềm kiêu hãnh của các dân tộc ít người  Mường Khương, của các dân tộc miền Tây Bắc.

Người miền núi thường có lối tư duy cụ thể, những liên tưởng, so sánh với những  sự vật  gần gũi quanh mình. Cây rừng, dòng suối, ngọn núi, tảng đá,   đồng cỏ, con trâu, con hổ, con voi,…Nhưng chỉ riêng nhà thơ Pờ Sảo Mìn mới so sánh dân tộc mình với một cái cây lớn “hai ngàn lá”, một hình ảnh so sánh độc đáo và mới lạ. Và cũng chỉ có nhà thơ ấy mới nhìn ra cái cây lạ nhất trên đời là “cây ống khói”, một cái cây không phải ở  trên rừng, không phải ở dưới biển:

Cây ống khói/ Xây bằng gạch đỏ chói […]

Cây ống khói chạm trời/ Bàn tay người vuốt thẳng

Suốt tháng năm… chỉ thở làn khói trắng

                ( Cây ống khói)

Viết về mình, nhà thơ “khoe” rất hồn nhiên sức mạnh của người trai Pa Dí trong so sánh với những gì gần gũi:

Tuổi hai mươi anh mạnh như hổ/ Khỏe như trâu

Tuổi bốn mươi anh mạnh như gấu/ Khỏe như voi

Tuổi sau mươi sức anh vơi dần

     (Đến bây giờ em có còn yêu tôi nữa không?)

So sánh  sự tương phản một cô gái trẻ với mình, Pờ Sào Mìn ví von:

          Em ngồi đó/ Một đồng cỏ xanh nõn non tơ

          Tôi ngồi đây/  Một cây thông rừng già bất động

                        ( Tình ca rừng già biển cả)

Các nhà thơ viết về vợ, ca ngợi vợ cũng đã nhiều, nhưng có thể nói chưa có ai viết với giọng điệu ca ngợi táo bạo và  độc đáo như Pờ Sảo Mìn, khi anh gọi vợ là mẹ, là nguồn gốc mọi bài ca anh viết:

Tôi gọi em đích thực : mẹ ơi

Mẹ của các con tôi và mẹ của chính tôi

Không có vợ không có câu thơ sinh nở

Không có vợ không có bài ca để hát

                       (Vợ tôi)

Ví con người như chim, Pờ Sảo Mìn thấy “bầy chim di trú” trong hình ảnh những người dân  Việt Bắc, Tây Bắc di cư vào Tây Nguyên:

Giữa đại ngàn Tây Nguyên lộng nắng/ Âm thầm chữ Thái cổ…

Trên bản đen phấn trắng

Lại đâu đó vọng về/ Khúc dân ca Tây Bắc xa xăm

Của người Hmông, người Nùng, người Mường, người Thái

Một dải Tây Nguyên/ Đầy tiếng chim di trú

Đang hát đang múa và đang ca/ Trên dãy Trường Sơn hùng vĩ của ta.

                    (Bản hòa tấu của bầy cim di trú)

Thơ Pờ Sảo Mìn có sự kết tinh của những cách nói giàu hình ảnh ví von, so sánh trong thơ ca dân gian miền núi, đồng thời có sự trong sáng, khoáng hoạt của một người chịu khó học hỏi, chịu khó làm giàu cho vốn liếng văn hóa của mình như anh bộc bạch:

Bảy năm học bên Tây/ Ba năm học bên Tàu

Mười  năm học bên ta/ Bây giờ tuổi đã già

Chữ nghĩa quên hết cả/ Chỉ còn nhớ hai chữ

Làm CON NGƯỜI viết HOA.

       Ngoài hình ảnh thiên nhiên phóng khoáng, độc đáo của miền núi rừng Tây Bắc hùng vĩ và thơ mộng, thơ của Pờ Sảo Mìn còn giàu chất trí tuệ, giàu tính triết lí. Đó là một trong nét nổi trội của thơ anh.

Rễ cây quá ngắn/ Rễ người lại quá dài

Xin đừng dại mà hại lẫn nhau/ Cứ yêu nhau như mối tình đầu

                   (Nhắn gửi)

Nỗi sợ hãi của một đời người chính là nghèo khó,  người trên bất chính và sự tan vỡ gia đình được  viết bằng lời cô đọng như châm ngôn, như “tục ngữ mới”  về cái “thủng”:

Đời người/  Sợ nhất ba thủng

Thứ nhất sợ thủng quần/ Thứ hai sợ thủng nóc nhà trên cao

Thứ ba sợ thủng đít chảo đang đun.

                                (Sợ)

 Các bài thơ Người ba tầng, Tìm cây làm nhà thể hiện triết lí về con người;  Ba lần rơi hố triết lí về cách sống; Đời người, Thời gian, Lá triết lí về  cuộc đời.

Tình yêu thơ ca  mạnh mẽ bất tận đã khiến một chàng trai Pa Dí dù được học hành ở nước ngoài 7 năm về máy móc, nhưng lại bỏ hết cả để theo nghiệp  làm thơ và dành cả đời cho  công việc đó. “ Năm mươi năm tôi đã lang thang/ Tìm rượu ngon, kiếm thơ phú/ Con đường sao dài vô tận” ( Túp lều tôi). Chàng trai đó khi còn trẻ “Trên đường dài thiên lí/ Cứ thế phi bay…Cứ thế phi bay”. Khi đã nhiều tuổi rồi thì “ Mủa say say” – Đi nhanh nhanh. Anh vẫn không quên kết hợp giữa “đi” và “bay”, giữa  dân tộc và hiện đại :

Mủa say say/ Đi phải đi nhanh nữa […]

Mủa say say/ Bay nhanh nhanh/ Bằng tốc độ mây

Bằng tốc độ gió/ Như tia nắng mặt trời/ Mới ngang bằng nhân loại

                                   ( Mủa say say)

Trên con đường ngẫu nhiên của só phận ấy, Pờ Sảo Mìn đã không sai khi chọn cho mình con đường dài dằng dặc đầy khó khăn là sáng tạo thơ ca. Anh đã có nhiều tập thơ : Cây hai ngàn lá, Bài ca hoang dã, Mắt lửa, Cung đàn biên giới,  Con trai người Pa Dí,  Mắt rừng xanh,  Đôi cánh chim rừng, Tiếng chim cao nguyên, Mủa say  say. Đã nhận 5 giải thưởng của Trung ương và tỉnh Lào Cai.

Trong các nhà thơ người dân tộc, có lẽ chỉ có Pờ Sảo Mìn người Pa Dí, và Triệu Lam Châu, người Tày Cao Bằng là có thời gian sống nhiều năm và tiếp xúc  trực tiếp với nền văn hóa nước ngoài. Đó cũng là một yếu tố tạo nên những vần thơ vừa đậm đà bản sắc dân tộc, vừa  phóng khoáng, hiện đại. Pờ Sảo Mìn xứng đáng là một trong những nhà thơ dân tộc độc đáo vào bậc nhất của nền thơ ca hiện đại Việt Nam.

                                   Hà Nội, 14 tháng Ba năm 2019

 

 

 

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)