QUA HÀNG TRẦU VỎ
NGUYỄN THỊ MAI
Gian hàng trầu vỏ quen một thuở
Cau tươi, vỏ thắm, lá thơm cay
Đi chợ con bớt dăm đồng vặt
Mua để mẹ ăn mỗi thường ngày
Quết trầu đỏ thắm làn môi mẹ
Sau bữa cơm đèn trải chiếu hoa
Mẹ ngồi thong thả bên hè mát
Hàng xóm sang chơi ấm cửa nhà…
Nhưng rồi hình bóng về xa khuất
Mẹ chẳng còn ăn những miếng trầu
Chiếc cơi trống vắng hơi đồng lạnh
Con đặt tay vào ngón buốt đau
Mẹ ơi!
Thơm cay một miếng trầu xưa
Mà con phải bớt tiền mua vì nghèo
Bây giờ đã hết gieo neo
Lại không còn mẹ mà chiều. Khổ không!
Từ ngày đưa mẹ ra đồng
Qua hàng trầu vỏ con không dám nhìn.
LỜI BÌNH NGUYỄN NGUYÊN TẢN
Trước khi nghỉ hưu, Nguyễn Thị Mai công tác tại Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Hiện nay, chị là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật Hà Nội. Trong vài chục năm gần đây, chị là nhà thơ nữ nổi tiếng với nhiều bài thơ thực sự đi vào lòng người. Nhất quán trong các bài thơ đó là sự chân thực, đằm sâu cảm xúc và suy tư; là tấm lòng nhân ái, da diết yêu thương, đau đáu khôn nguôi về những kỷ niệm (thường là kỷ niệm buồn). Qua hàng trầu vỏ là một bài thơ như thế; đặc sắc, chan chứa tình yêu mẹ qua những câu thơ giản dị, chân thành.
Hai khổ thơ đầu, Nguyễn Thị Mai gợi kỷ niệm về người mẹ khi Người còn tại thế. Vượt ra khỏi khung cảnh gia đình, đi tới đâu chị cũng gặp những kỷ niệm nhói lòng về người mẹ gắn liền với một thời khốn khó, gieo neo: “Gian hàng trầu vỏ quen một thuở/Cau tươi, vỏ thắm, lá thơm cay/ Đi chợ con bớt dăm đồng vặt/ Mua để mẹ ăn mỗi thường ngày”. Trong hoàn cảnh khó khăn, mỗi lần đi chợ, người con vẫn dành “dăm đồng vặt” để mua trầu vỏ, một thứ quà cho mẹ. Quà cho mẹ chẳng phải cao lương mĩ vị gì mà chỉ là quả cau, khoanh vỏ, lá trầu đơn sơ. Nhà thơ đã dụng tâm khi ghép các tính từ “tươi, thắm, thơm” với “cau, vỏ, lá” để diễn đạt một cách ý nhị: món quà cho mẹ già tuy rẻ tiền mà không hề rẻ rúng bởi nó chứa đựng lòng thơm thảo của con, thật cảm động mà sao cũng thật thương!.
Miếng trầu đem đến niềm vui cho mẹ, lan tỏa sự ấm cúng cho căn nhà thân thuộc và tình người đầm ấm. Tác giả đã khéo vẽ ra một bức tranh đẹp, nét cổ xưa nơi làng quê với hình ảnh trung tâm là người mẹ: “Quết trầu đỏ thắm làn môi mẹ/ Sau bữa cơm đèn trải chiếu hoa/ Mẹ ngồi thong thả bên hè mát/ Hàng xóm sang chơi ấm cửa nhà…”. Cuộc sống của gia đình, của mẹ tuy nghèo mà thanh sạch, đơn sơ mà êm đềm ấm cúng và chan chứa tình làng nghĩa xóm.
Đang chìm đắm trong kí ức đẹp đẽ về mẹ, nhà thơ như khựng lại trước một thực tế: Mẹ không còn nữa! Hai chữ “nhưng rồi” chuyển hướng thực trạng và điệu cảm xúc xót xa tiếc nuối: “Nhưng rồi hình bóng về xa khuất/ Mẹ chẳng còn ăn những miếng trầu/ Chiếc cơi trống vắng hơi đồng lạnh/ Con đặt tay vào ngón buốt đau”. Mẹ đã đi xa nhưng di vật của mẹ còn đó. Từ từ, dồn nén, Nguyễn Thị Mai đẩy cảm xúc lên cao dần, bắt đầu từ: “Chiếc cơi trống vắng hơi đồng lạnh/ Con đặt tay vào ngón buốt đau”. Không cần dùng các từ “thương”, “nhớ”, “đau xót”, chỉ bằng phép liên tưởng, so sánh ngầm, tác giả nói cho mình và cũng là cho những người con mồ côi mẹ. Đó là nỗi buốt giá cảm nhận từ đôi bàn tay mà cũng chính là niềm đau buốt dội từ trái tim. Câu thơ thần tình đã chuyển hóa cảm giác từ ngoài vào trong, từ bì phu đến cốt tủy.
Với xúc cảm dâng đầy không thể kìm nén, nhà thơ thảng thốt bật ra tiếng gọi “Mẹ ơi!” như một tiếng nấc nghẹn. Sau 3 khổ thơ 7 chữ gợi hoài niệm và tạo ảnh tạo hình, giờ đây giọng thơ chuyển sang lục bát với những dòng thơ thủ thỉ mà da diết, khắc khoải nỗi bất lực trước trước nghịch cảnh:
Mẹ ơi!
Thơm cay một miếng trầu xưa
Mà con phải bớt tiền mua vì nghèo
Bây giờ đã hết gieo neo
Lại không còn mẹ mà chiều. Khổ không!
Đó là những dòng thơ đẫm nước mắt. Nước mắt của lòng thương cảm. Nước mắt của nỗi ân hận, của niềm khổ đau khi nhìn lại quá khứ gieo neo của mẹ, của chính mình. Hai tiếng “Khổ không!” làm thành một câu đặc biệt, vừa tạo nhịp vừa như lời than. Nó rất gần với giọt nước mắt nhà thơ Hữu Thỉnh đã rơi lúc chợt ngang qua hàng áo rét. Ngày trước muốn mua áo ấm cho mẹ mà chẳng có tiền, bây giờ có tiền mua rồi thì mẹ chẳng còn: “Mẹ mất! Đi qua hàng áo ấm/ Gió đeo nước mắt cũng theo về”. Đó cũng là nỗi đau chung của tôi, của bạn, những người từng sống qua thời bao cấp khó khăn. Là nỗi xót xa của những tấm lòng hiếu thảo vì biết rằng, dù có báo đền thế nào đi chăng nữa cũng chẳng thể nào sánh được “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”
Nguyễn Thị Mai gói lại bài thơ bằng một câu lục bát độc đáo, tạo thành một ý tưởng nhất quán:
“Từ ngày đưa mẹ ra đồng
Qua hàng trầu vỏ con không dám nhìn”
Dẫu biết lẽ sinh ly tử biệt là tất yếu của kiếp người nhưng niềm đau mất cha mất mẹ sẽ vẫn luôn trong con, không thể nguôi quên. Mẹ đi về miền mây trắng mà tất cả những gì liên quan đến mẹ vẫn thường khía vào lòng con, làm trào dâng nỗi nhớ thương. Nhà thơ không dám nhìn hàng trầu vỏ bởi nó nhắc nhớ một kỷ niệm buồn và một lần nữa hiện diện sự thật niềm đau mất mẹ.
“Qua hàng trầu vỏ” nhắc nhớ kỷ niệm về mẹ. Bên cạnh hình ảnh mẹ thân thương, chan hòa với gia đình, làng xóm là tấm lòng tác giả nhớ thương yêu quý mẹ cùng nỗi xót xa khi không còn mẹ trên đời để mà chăm chút. Bài thơ gợi lại một thời khốn khó như một kí ức đau thương, một bi kịch với nghĩa: sự mâu thuẫn giữa thực tại và ước mơ. Từ cảnh ngộ và xúc cảm riêng tư, nhà thơ đã đem đến cho người đọc những rung động và sự đồng cảm sâu sắc.
NGUYỄN NGUYÊN TẢN
Người gửi / điện thoại